Trang mới   https://gpquinhon.org

Ký ức hành hương I (Hoa Biển 12)

Đăng lúc: Thứ tư - 11/12/2013 17:46
HÀNH TRÌNH VỀ “GA”

* Antôn Nguyễn Thanh Hậu (Gx.Ngọc Thạnh)
 
         Tôi lướt nhìn từng thành viên trong cái vòng tròn người, từng người một, từng ánh mắt một. Thời gian lắng đọng trên khoảng sân trước nhà thờ giáo xứ Gò Duối. Tai tôi ù đi trong tiếng hát đang dần trở nên nghẹn ngào. Mắt “ai” sao đỏ quá! Nó như hiệu ứng đô-mi-nô làm cảm giác xúc động trào ngược lên trên cơ thể tôi, lan tới vị trí là nguyên nhân gây nên cảm xúc này. Bất chợt tôi cảm thấy đắng họng. Phải chăng là vị của nước mắt, nó không chảy ra ngoài mà trào ngược vào trong? Tôi nuốt vội nước miếng trong khi tiết tấu bài hát dần nhanh hơn... ♪ Giờ đây phút chia li. Bạn ơi vui ra đi ♫ - ♪ Bạn ơi! Vui đi... ♫ - ♪ Gian khó ta không nề. Luôn nhớ nhau trong đời ♫ - ♪ Từ đây... Cách xa... Nếu mục đích của cha Khánh là thu nước mắt của tụi con đem về, bán kiếm tiền để làm kinh phí tổ chức các giải Đặng Đức Tuấn những năm sau, nên dạy tụi con hát bài hát này, thì có lẽ cha đã thành công hơn mong đợi rồi! Hai từ “vui đi” nghe sao mà não lòng, nó làm khuếch đại thêm sự biệt li, có chăng thay bằng hai từ “khóc đi” nó lại miêu tả đúng với thực tại bây giờ hơn (mà có khi đổi rồi thì mọi người lại cười ấy chứ). Cuộc hành trình kéo dài ba ngày giờ đây chỉ như thoáng mây bay, lướt nhanh qua trong dòng suy nghĩ của từng người...
          Đã được cảnh báo trước: “Dù Trà Kê có làm gì thì cũng không được manh động!”. Ngày thứ hai của cuộc hành hương, chúng tôi bước tới Trà Kê với tinh thần cảnh giác cộng với sự tò mò. Thêm việc xe dừng lại trước cổng nhà thờ giáo xứ chứ không chạy luôn vào bên trong sân như ở các nhà thờ khác, khiến sự cảnh giác càng thêm cao độ. Sự nhốn nháo ở cổng nhỏ được xáo động bởi lực lượng Nắng Thiên Đường đang tích cực hoạt động, kiểu như là: Nhà thờ do ta xây, cây do ta trồng, ai muốn qua đây phải đưa tiền mãi lộ! Nhưng khác ở chỗ là thay vì tiền mãi lộ, thì các thành viên trong đoàn hành hương phải (bị) nhận những “dấu ấn” có phần lòe loẹt. Tôi bước vào bên trong, tự nguyện ngoan ngoãn bỏ mũ ra: “Trán nè, quẹt đi” – Tôi cười một nụ cười bí hiểm. Bất ngờ tôi chụp lấy ly đựng “phí mãi lộ” rồi quẹt lấy bất cứ Nắng “đạo tặc” nào trong tầm với. Nhưng rồi tương quan lực lượng quá chênh lệch nên cuối cùng hậu quả là lãnh đủ, bị quẹt hội đồng, từ đầu cho tới áo đều dính hết. Lúc vào tập hợp có nghe cha Khánh bảo sẽ “trả thù” cho tụi con, cũng thấy cha quẹt cha sở Trà Kê mà dường như quẹt nhẹ quá nên chả thấy vết tích gì cả, có lẽ cha đã quá nương tay với chủ nhà rồi.
         Buổi tối văn nghệ, sự nhiệt tình của Nắng Thiên Đường đã đưa  nhiệt huyết máu lửa của chúng tôi lên cao nhất. Chúng tôi nhún nhảy đủ kiểu theo từng điệu nhạc (kể cả Oppa Gangnam style cũng “tưng tưng” chơi hết), nghiêng ngả cười qua từng vở kịch. Ở bên cạnh, thằng em nhỏ con đứng nhìn làm tôi chưng hửng. “Em phải chơi hết mình đi, rồi ngày mai chia tay em mới thấy được hết ý nghĩa những gì em đã trải qua!” – Tôi vừa dặn dò vừa cầm tay nó làm theo từng cử điệu của các anh chị ở bên trên. Chợt nghĩ lại những gì chính mình vừa nói, bắt đầu tiếc khi thấy trước viễn cảnh chia tay ngày mai.
         Điều “may mắn” nhất khi ở Trà Kê là tụi tôi chỉ ở đây qua có một đêm, chớ nếu mà ở đây chỉ tầm một tuần cho tới nửa tháng thôi thì chúng tôi sẽ thành heo hết, những con heo biết làm thơ viết văn! Bởi lẽ sự nhiệt tình của cha sở lo cho chúng tôi trong vấn đề ăn uống quá ư là tuyệt vời. (Giờ nghĩ lại cũng bớt sợ rồi vì chắc cha không đủ kinh phí để giữ chúng tôi lại lâu đâu!).
         Trà Kê về đêm gió heo hắt lạnh, tôi đi ngủ với tinh thần cảnh giác bởi sợ hai “ông thần nước mặn” Văn và Tuấn đột kích đêm khuya. Kết thúc một ngày có phần mệt nhọc và những niềm vui, tôi chìm vào trong giấc ngủ. Một vài kí ức xen lẫn trong dòng giấc mơ tôi...
         ♪ Em ước mơ được làm siêu nhân ♫ - ♪ làm siêu nhân, làm siêu nhân ♫ - ♪ Em ước mơ được làm siêu nhân ♫ - ♪ mặc quần chip bay vòng vòng ♫ - Không làm siêu nhân, không mặc quần chip (chính xác là không mặc quần chip ngoài quần dài – tránh hiểu lầm nhé!), nhưng “bay” vòng vòng qua các con phố quanh nhà thờ giáo xứ Tuy Hòa, đó là điều mà chúng tôi đã làm sau buổi tối lễ trao giải. Khác với mọi hôm, đêm nay dãy nhà giáo lý giáo xứ Tuy Hòa sáng đèn để đón tiếp chúng tôi nghỉ chân sau ngày hành hương đầu tiên đầy mệt nhọc. Sau lễ trao giải, tôi hăng hái chạy xuống dưới lầu gọi Thái Chân đi ra ngoài dạo uống nước, mọi chi phí Nguyễn Vũ Hồng Kha sẽ lo. Khoảng hơn chục phút sau, số lượng người kéo ra bên ngoài nhà thờ đâu phải chỉ một, mà tỉ lệ thuận với độ lớn âm thanh mà tôi cố tình phát ra khi gọi bé Chân (Quả nhiên sức hút tỏa ra từ nhà “triệu phú” Hồng Kha là điều không phải bàn cãi). Tuy Hòa về đêm chìm trong bình lặng, quán xá dọn gần hết, có may mắn lắm kiếm được quán nước nào đó thì lực lượng lại quá đông đảo không đủ chỗ ngồi, thành ra buổi đi khao của Kha bất thành và vô tình trở thành buổi đi dạo phố có phần hơi khác người. Các con đường vắng tanh tràn ngập tiếng nói, tiếng cười, tiếng hát và cứ như đã trở thành “những con đường do ông bà nội chúng tôi xây”, vì thế chúng tôi có “quyền” tràn ra lòng đường mà đi. Nhưng cũng lại rất “tuân thủ” luật lệ an toàn giao thông: Những khi gặp đèn đỏ thì dừng lại, đèn xanh mới được phép đi. “Tuân thủ” đến mức mà đồn 113 cũng phải “đóng cửa” khi thấy lực lượng “bụi đời” chúng tôi dạo phố... Ông mặt trời đã tắt từ bốn tiếng trước, còn bây giờ nụ cười mới thực sự tắt trên khuôn mặt của cha Khánh, sự ra đi không xin phép của tụi tôi đã làm cha lo lắng và tỏ vẻ không bằng lòng. Trên khuôn mặt cha là cả một sự kìm nén, gương mặt không nói đó lại làm chúng tôi hiểu nhiều điều. Sự lo lắng của cha cũng là điều dễ hiểu, vì thậm chí đó cũng là điều mà tôi đã suy nghĩ khi ra phố, bởi lẽ đó tôi đã luôn đi cuối cùng để kiểm soát số lượng trong quá trình dạo phố. Có những điều chưa bao giờ kể, như là chuyến hành hương năm trước ở nhà thờ giáo xứ Quảng Ngãi, đêm đó tôi cùng một nhóm bốn người nữa phải leo rào trèo vào nhà thờ cũng vì cái tội muốn đi tham quan thành phố Quảng Ngãi giữa đêm... Vẫn biết là khiến cha buồn phiền nhiều, nhưng “sự cố” ấy cũng là một phần tạo nên kỉ niệm gắn kết chúng tôi. Lên phòng nằm thao thức một lúc, thấy Tây Đô (Mai Đức Tây) mặt buồn so ôm đồ đi vô, hỏi sao thì bảo là cha “không cho” đi tắm. Kịp cười một cái rồi nhắm mắt ngủ...
          Mùi khói xe đưa tôi quay lại với thực tại. Chúng tôi (hai đoàn Bình Định và Phú Yên) biến thành chủ nhà chạy ra trước cổng nhà thờ giáo xứ Gò Duối tiễn đoàn Quảng Ngãi đi trước. Từng cái đầu Quảng Ngãi đều được chúng tôi xoa. Xoa cho nước mắt rớt xuống (hay chí ít cũng phải đỏ con mắt), xoa cho cái miệng cười tươi (phí mãi lộ khi qua cổng chính là những giọt nước mắt và nụ cười). Quảng Ngãi đi, còn lại hai đoàn Phú Yên và Bình Định. Khoảnh sân nhộn nhịp tiếng bước chân chúng tôi chạy vội đi chụp ảnh cùng nhau... Chụp bất cứ thứ gì có thể chụp, bất cứ style nào có thể nghĩ ra... Cứ như là sợ mất cái gì đó... Cứ như là muốn níu kéo cái gì đó thêm chút nữa, một chút nữa thôi cũng được...
          “Quá khứ là ga đi, tương lai mới là ga đến. Còn hiện tại là một chuyến hành trình”. “Ga” đến trong tương lai gần của tôi là nhà mình và phương tiện đưa tôi về là chiếc xe số 1. Con đường đèo Cù Mông rộn vang tiếng hát “sặc mùi” biệt ly của những thành viên đã gắn bó với chiếc xe này trong suốt cuộc hành trình. Con đường héo hắt mặt trời tà. Tiếng hát có to mấy rồi cũng dần tắt...
          Về tới nhà, người mệt lữ, tôi ngủ luôn một giấc cho tới sáng hôm sau. Vẫn là góc phòng quen thuộc, có chăng lại chỉ có một mình...
 
 
 
ĐÔI MẮT VÀ TRÁI TIM

(Gửi tặng anh Hoài thay lời cảm ơn
vì những gì anh đã giúp chúng em trong chuyến hành hương)

* Gioakim Nguyễn Vũ Hồng Kha (Gx.Cây Rỏi)
 
            Nó leo lên tháp chuông nhà thờ, ngồi thu mình vào một góc nhỏ giữa hai bức tường. Nó dõi mắt nhìn về xa xa, nơi màn sương trắng còn chưa tan hết trên những dãy núi. Nó lắng nghe lũ chim sẻ non kêu ríu rít đòi bữa sáng gây huyên náo một góc tháp chuông. Tự dưng nó cảm thấy lạc lõng và cô đơn, có lẽ vì chẳng ai hiểu được nó hay chính xác hơn là không ai đồng cảm với nó. Nhưng nó cũng chợt nhận ra chính nó chẳng thể hiểu người khác mà lại đòi hỏi người khác hiểu mình. Nó lan man tự hỏi tại sao thế? Đơn giản một điều, tại vì nó chỉ nhìn mọi người bằng đôi mắt mà thôi.
            Chuyến hành hương Phú Yên kết thúc với bao kỉ niệm thật vui cùng với những người bạn thật đáng yêu. Trong số những người bạn nó từng quen biết, nó ấn tượng nhất với anh Hoài, một thanh niên độ hơn hai mươi tuổi. Một vẻ mặt lạnh lùng ẩn sau chiếc khẩu trang đen. Một mái tóc dài nhưng gọn gàng che gần quá nửa khuôn mặt thư sinh điển trai. Một sợi dây đeo cổ mạnh mẽ đầy cá tính. Vài chiếc vòng đeo tay đơn sơ nhưng có phần bụi bặm. Một chiếc áo khoác đen khoác bên ngoài một chiếc áo phông trắng đi kèm với một chiếc ba lô cũng đen nốt. Một phong cách tạo hình không thể ấn tượng hơn mà theo nó rất là “nghệ sĩ”. Thế nhưng đó không phải là tất cả những gì về anh, anh còn có một sở thích rất đặc biệt, thích tách mình ra khỏi đám đông, tìm đến những nơi yên tĩnh để suy nghĩ, có vẻ rất giống với nó. Điều này vô tình khiến anh trở nên đặc biệt hơn so với những người khác, và phải thú thật là nhìn anh nó có chút gì đó hơi sờ sợ. Thế nhưng dần dần nó mới nhận ra nó đã sai lầm.
            Bắt đầu chuyến hành hương là phần gặp mặt giữa các thành viên tham gia hội trại và ban điều hành, dĩ nhiên anh có trong số đó. Lúc mới gặp nó tưởng anh rất khó gần, cho đến khi nó thấy anh cười, một nụ cười thật hiền trái ngược với vẻ bụi bặm bên ngoài. Tự dưng nó nhớ lại lần đầu tiên nó gặp anh tại Đại hội giới trẻ Quy Nhơn. Lúc đó trại nó đang cần viết bài thảo luận nhưng không ai mang theo giấy, nó vội vàng đi tìm người giúp đỡ. Tình cờ nó gặp được anh, anh đang ngồi suy tư trên dãy hành lang với một cuốn sổ nhỏ trong tay. Nó tiến lại gần, tinh ranh liếc nhìn bảng tên của anh rồi bắt chuyện:
            - Anh Hoài đang làm gì vậy?
            Nghe gọi đúng tên mình, anh ngước lên có vẻ bất ngờ vì sự xuất hiện của một người lạ mặt, nhưng anh vẫn mỉm cười:
            - Anh đang viết bài thảo luận, có gì không em?
            - Anh có thể cho em xin một đôi giấy được không? – Nó rụt rè.
            - Đây nè! – Anh lấy một đôi giấy đưa cho nó kèm theo một nụ cười thân thiện.
            - Em cảm ơn! Em chào anh!
            Đó là tất cả những ấn tượng đầu tiên của nó về một người hoàn toàn xa lạ. Giờ đây, anh sẽ đồng hành cùng nó suốt ba ngày liền. Nó bạo gan nghĩ: “Anh có gì đâu mà phải sợ? Tại sao mình không thử làm quen với anh?”. Nghĩ là làm, nó bắt đầu kế hoạch:
            - Anh Hoài “zô” chụp hình với tụi em đi. - Nó rủ rê.
            Nó tưởng anh sẽ từ chối nhưng không ngờ anh lại vui vẻ nhận lời, chẳng những thế anh còn hăng hái tạo dáng với những tư thế vô cùng nhí nhảnh. Càng ngày nó thấy anh càng cười nhiều hơn, gần gũi thân thiện hơn, anh còn có những câu trêu chọc tụi nó vô cùng hóm hỉnh. Đôi lúc nó nổi hứng nghịch ngợm chụp ảnh chọc phá anh lúc anh đang ngủ, anh không chút khó chịu mà còn “like” nhiệt tình những tấm ảnh đó nữa chứ. Đặc biệt nó cảm thấy anh khác hoàn toàn vào đêm mùng một tháng tám, đêm sinh nhật của anh. Một gói mì tôm xuất xứ từ nhà bếp, vài cái bánh con con, vài viên kẹo đủ loại, vài lon nước góp vào, đó là tất cả những gì có được trong “tiệc” sinh nhật của anh. Tất cả đều đơn sơ, giản dị nhưng chứa chan sự quan tâm và đem đến sự vui vẻ cách lạ thường. Trong tất cả những thứ đó, nó thích nhất là cây nến, nó âm mưu thổi tắt mấy lần mà không được. Nhưng chẳng sao, vui là chính, mọi người cùng hát hò, chúc mừng anh thật nhiệt tình. Bất chợt nó ước rằng nó cũng có một sinh nhật như vậy. Bây giờ đối với nó anh hoàn toàn là một người khác: một người anh hài hước, vui vẻ và dễ gần, một người có trái tim nhân hậu, đầy lòng yêu thương trong vẻ ngoài bụi bặm và lạnh lùng. Một lần vô tình nó biết thêm một số thông tin về anh, con người mà nó từng nghĩ là lạnh lùng, vô cảm lại là trưởng Câu lạc bộ tình nguyện Bình Định, người đem niềm vui đến cho những người nhỏ bé, nghèo khổ, khó khăn, người thắp lên bao hi vọng cho những mảnh đời không may gặp bất hạnh. Nó thực sự khâm phục anh.
            Tinh…Tinh…Tinh…Tiếng chuông điện thoại báo tin nhắn đến, gọi nó về lại buổi sáng bình yên. Những tia nắng ấm áp nhẹ nhàng ôm choàng lấy tâm hồn cô đơn của nó. Nó tự hỏi: “Tại sao một người tốt như anh Hoài mà nó lại từng cảm thấy sợ và khó gần? Tại sao một người thân thiện như vậy mà nó lại bảo rằng anh lạnh lùng và vô tâm?”. Rồi nó tự trả lời, bởi vì nó chỉ nhìn mọi người bằng đôi mắt mà thôi. Nó vô tình để cho đôi mắt tranh mất công việc của trái tim, để cho đôi mắt phán xét mọi người thay vì để cho trái tim rung lên những tín hiệu đồng cảm. Bây giờ nó mới nhận ra, muốn hiểu hết về một người không đơn giản là nhìn người đó bằng đôi mắt, mà là để cho trái tim mình chạm vào trái tim họ và giao hòa với họ. Nhờ anh Hoài và qua anh nó đã hiểu được cách nhìn nhận một con người thật đúng đắn, nó cảm ơn anh rất nhiều. Bây giờ nó mới hiểu tại sao Trái Tim thương yêu của Chúa Giêsu lại lộ ra bên ngoài. Nó thì thầm: “Lạy Chúa, xin cho trái tim con được chạm vào trái tim Chúa và chạm vào trái tim mọi người…”
 
 
 
MỘT PHẦN CHẶNG ĐƯỜNG
(Tặng các bạn trại sinh Đặng Đức Tuấn lần IV)

* Maria Huỳnh Thị Lan Phương (Gx.Châu Me)
 
Nó đang nằm dưới đất và nhìn lên trần nhà, bỗng thấy cả cái nhà như đang quay cuồng. Nó nhắm mắt và nghĩ lại những điều đã qua. Suốt từ buổi tối đến giờ nó chỉ nhớ được là nó đã ngủ. Bây giờ quay trở lại với cuộc sống hiện thực, nó cảm thấy rất mệt mỏi và uể oải vì phải đối mặt với những thói quen thường nhật đã trở thành lệ của nó.
Nó đã ngủ quá nhiều. Giờ đây nó đang mãi suy nghĩ về những ngày đã qua. Nó không thể tin được là hội trại Đặng Đức Tuấn lần IV đã qua đi, nó cứ nghĩ mọi thứ như chỉ mới xảy ra ngày hôm qua, thế mà… Hàng vạn câu nói đang chen chúc trong lòng nó và chỉ luôn là một câu khiến nó phải thốt lên: “Nó nhớ và yêu tất cả các bạn trại sinh trong hội trại quá!”.
Giờ nghĩ lại, nó chỉ chuẩn bị hành trang đến với hội trại vẻn vẹn vài ba bộ đồ được xếp chỉnh tề trong ba lô, cùng với đó là sự tò mò và háo hức của một trại viên mà thôi. Háo hức vì được đi xa, tò mò vì không biết lần này có khác gì so với ba lần trước mà nó đã tham gia không. Thực sự chuyến đi đã để lại trong nó nhiều kỷ niệm, để rồi từ đó biết bao cảm xúc được dâng trào, biết bao tình cảm được hình thành trong tâm trí nó.
Khởi đầu là bước lên xe với lòng đầy hớn hở, vui tươi. Nó và bạn bè trên xe đều đã quen biết nhau (vì là đoàn xe Quảng Ngãi mà), tất cả mọi người đều như hòa làm một và nó cũng thế, trên xe các bạn cười nói rất vui. Rồi cuối cùng xe đã tới chỗ dừng chân của mình. Sau ba năm trời, nó đã được nhìn lại ngôi nhà thờ Chánh tòa Qui Nhơn thân yêu. Nó bước xuống xe với sự mệt mỏi, nhưng nó đã tươi tỉnh lại ngay vì sự đón tiếp nhiệt tình của các bạn trong đoàn Bình Định cùng cha Võ Tá Khánh. Chúng nó nhanh chóng được xếp thành từng tổ dưới sự hướng dẫn của cha. Nó được bồi bổ cho thân xác bằng một hộp cơm đầy đủ chất dinh dưỡng. Tối đến, nó không ngủ được, lòng luôn nghĩ về 3 năm trước nó được đặt chân lên khuôn viên nầy. Nó cảm thấy nhớ, mặc dù lúc đó nó mới học lớp 5. Nó đã đi dạo quanh nhà thờ cùng với một số bạn để thỏa lòng mong nhớ. Nó tìm về nơi nó được cắm trại lần đầu tiên trong đời. Nó nhớ lắm, nó đi mãi đến lúc sơ lại nhắc nhở nó phải đi ngủ để ngày mai lấy sức mà lên đường. Sáng ra, nó được ăn một bữa xôi gấc tại Qui Nhơn, rồi khởi hành tới nhà thờ Mằng Lăng. Lần đầu tiên nó được nhìn thấy tượng thánh Anrê Phú Yên tại mảnh đất thánh này. Tổ nó gia nhập thêm 3 thành viên của Phú Yên cũng rất vui. Nó được thăm nhà thờ, viếng Chúa một chút. Sau đó nó được tham quan đền thánh Anrê Phú Yên. Nhìn những bức ảnh nơi Ngài tử đạo mà lòng nó quặn đau, người ta vừa đâm vừa chém Ngài cho đến chết, đúng là: “Thánh Giá tôi tôn thờ tôi không thể bước qua…”. Ngay từ lúc vừa nhìn thấy tượng thánh, nó cảm thấy mình khỏe ra như có một động lực nào đó giúp nó tiếp tục đi hết chặng đường. Nó đã được nhìn thấy cuốn sách ghi bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của cha Đắc Lộ. Nó đi sang một lối rẽ bỗng chợt thấy một dòng chữ: “Mạng sống đáp trả bằng mạng sống…”. Cha Khánh đã chọn đây là điểm khởi đầu cho chuyến hành hương. Từ đây thánh Anrê Phú Yên sẽ ban tràn đầy ân sủng cho mỗi trại sinh suốt cả cuộc hành trình.  Nó lại được tiếp tục nhìn thấy cuộc sống của giáo xứ Chợ Mới với ngôi nhà thờ còn rất mới. Nó lại được viếng Chúa, thăm nhà thờ. Sau khi chào cha sở, đoàn đi đến giáo xứ Đông Mỹ, và nó được gặp lại người cha từng đồng hành với nó trong mấy năm trước. Ăn xong một bữa trưa do cha khoản đãi, một bữa trưa với đầy đủ các món ngon. Cảm ơn cha nhiều, dù khi chia tay cha đã nói: “Không cần cảm ơn. Khi lớn lên, em nào làm sơ là cảm ơn, làm linh mục là cảm ơn, có vợ có chồng và sống tốt cũng là cảm ơn…”. Riêng nó luôn thích con đường Chân-Thiện-Mỹ, con đường đi tu, phục vụ Ngài.
Nó tiếp tục đồng hành với đoàn đến giáo xứ Hóc Gáo. Đường đi rất gập ghềnh khó đi nhưng có Chúa phù trợ nó không lo chi. Nó rất thương các bạn say xe. Đến nơi thì cha sở đi vắng nhưng không cản trở được sự đón tiếp nồng nhiệt ở đây. Những đĩa bánh kẹo, những chai nước ngọt đã giúp đoàn nó khỏe lên nhiều. Tình cờ nó nghe đươc cuộc nói chuyện giữa hai người với nhau. “Bạn ăn miếng bánh này đi cho đỡ mệt… Bạn uống nước ngọt đi cho đỡ say xe… Cảm ơn bạn…”, nó cảm nhận được sự quan tâm của các thành viên với nhau. Nơi đây, nó thấy được sự thanh bình êm ả của một vùng quê, đẹp làm sao! Được bồi dưỡng nghĩ ngơi, đoàn lại lên đường đi về giáo xứ trọng điểm của giáo hạt Phú Yên là nhà thờ Tuy Hòa. Nó được gặp lại cha Son từng là cha hạt trưởng của giáo hạt nó. Sau thời gian ăn tối do cha tiếp đãi nồng nhiệt, phục vụ hết mình là buổi lễ trao giải với sắc màu lung linh trên sân khấu.  Các phần thưởng khác nhau được trao xen cùng với các tiết mục văn nghệ đã làm cho buổi lễ trở nên vui tươi hơn. Mặc dù năm nay nó chỉ đi với tư cách là thành viên, nhưng nó cảm thấy rất vui vì sự đóng góp văn nghệ của bốn tổ cùng với nhóm Chim Sẻ và ca đoàn nhà thờ Tuy Hòa. Sáng hôm sau, đoàn đi thăm nhà thờ Hoa Châu và Sơn Nguyên. Được ghé thăm giáo họ Sông Hinh là một điều may mắn đối với nó. Mặc dù còn là một ngôi nhà tạm bợ, cha sở ở đây đang vận động quyên góp, xin kinh phí từ các tổ chức, các mạnh thường quân trong và ngoài nước để xây dựng nên một ngôi thánh đường. Nhìn nhà nguyện Sông Hinh lòng nó bỗng nhớ đến giáo xứ mình. Nhà thờ của giáo xứ nó trước đây cũng chỉ là bãi đất trống, sau này ông cố đã rất vất vả để xây nên ngôi thánh đường như ngày hôm nay. Cảm ơn Chúa và ông cố là cha Ngọc đã cho giáo dân ở đó có được ngôi nhà thờ để tôn kính, thờ phụng Chúa. Nó cầu xin Chúa hãy cho giáo họ Sông Hinh có được một ngôi nhà thờ khang trang đẹp đẽ để thờ phượng Ngài. Nó nói với Chúa: “Sau năm năm nữa con sẽ quay lại, sẽ được nhìn thấy một ngôi nhà thờ như hằng mong ước cho giáo họ này”. Sau khi rời đi, nó được đến nhà thờ Tịnh Sơn ăn một bữa trưa thật ngon. Đi đến đâu, nó cũng được tiếp đón nhiệt tình, phục vụ hết mình, nhận được một sự an ủi rất lớn. Nó đến ngồi dưới tượng Đức Mẹ để cầu nguyện cho giáo họ Sông Hinh mà nó vừa ghé qua.
Đã hết giờ nghỉ trưa, đoàn được thông báo sẽ đến giáo xứ Trà Kê và ở đó hứa hẹn nhiều đến thú vị. Vừa đến nơi, nó đã bị một dấu ấn vào mặt, rồi sau đó được uống nước mía “mại dô, mại dô” của mọi người. Nó thấy vui làm sao, sẽ còn rất nhiều điều hấp dẫn đang chờ đợi nó. Lần đầu tiên nó được nhìn thấy ngôi nhà rông trong thực tế, cảm thấy được sự mến khách nồng nhiệt đến lạ lùng như vậy, sự mến khách  mà lần đầu tiên nó cảm nhận được từ một vùng cao hiểm trở và từ những con người nơi đây. Nó đã quá bỡ ngỡ trước đêm giao lưu văn nghệ với sự tham dự rất đông đảo của giáo dân nơi đây. Nó đi tới đâu cũng được chào hỏi thân mật. Càng về đêm nơi đây càng lạnh, thì cha sở đã cho đoàn nó được sưởi ấm bởi nhóm Nắng Thiên Đường. Các thành viên trong nhóm ai cũng hăng say biểu diễn các tiết mục văn nghệ làm cho đoàn thêm hưng phấn quậy nháo nhào trước sân nhà thờ. Đêm đó nó thấy vui hơn tất cả các đêm trong đời nó. Nơi đây cài tên “Đà Lạt 2”  đúng là “danh bất hư truyền”.  Cha sở luôn quan tâm đến chúng nó bằng tình của người cha đối với con cái mình. Cha đã cho đoàn nó ăn khuya bằng những bát mì tôm rất ngon. Nó được nghỉ ngơi sau một ngày đàng mệt mỏi. nhưng nó lại không ngủ được mà đi chơi cùng các chị. Cha đã lo cho sức khỏe chúng nó, bảo chúng nó đi ngủ sớm nhưng lại không nghe lời nên cha đã cầm cây xua chúng nó. Làm sao nó có thể quên được những cử chỉ thân mật đầy tình cha con đó được. Sáng hôm sau nó tham dự thánh lễ, giáo dân đi xem lễ rất đông. Nó cầu xin Chúa cho nơi đây giáo dân được tăng lên gấp đôi khi tới năm 2018, kỉ niệm 400 năm Tin Mừng đến với giáo phận Qui Nhơn. Bữa ăn sang là bún mắm rất ngon với cọng bún thật to và mắm thật cay. Cha sở chào đoàn  chúng nó bằng cách vò đầu từng đứa cho thật nhớ. Nó sẽ mãi không quên nơi này,  hy vọng sẽ còn quay lại đây trong tương lai.
Cuộc hành hương lại tiếp tục, nó được đến thăm giáo xứ Đồng Tre và nhìn thấy ngôi nhà thờ đang xây dựng. Nó xin Chúa cho ngôi nhà thờ nhanh chóng được hoàn thành trong vòng tay của Chúa, vòng tay của Mẹ. Được ghé thăm và ăn trưa tại Đa Lộc, nó nghĩ đường đi đến với Chúa cũng biết bao là khó khăn, nhưng nó luôn nhận được sự tiếp đón nồng nhiệt của cộng đồng dân Chúa. Tiếp tục hành trình là giáo xứ Sông Cầu. Đã gần đến lúc chia tay lòng nó bỗng khựng lại, một nỗi buồn nhanh chóng xâm chiếm cả lòng  nó. Sau cùng, nó đặt chân đến giáo xứ cuối cùng của cuộc hành hương là Gò Duối. Nơi đó những bức ảnh của nó và mọi người được ghi lại rất nhiều. Nó vừa ăn những tô bún cuối cùng với nước mắt rơi lã chã. Sao giờ phút chia tay lại đến với nó nhanh đến vậy, dù nó biết cuộc vui nào cũng có lúc kết thúc. Những cái bắt tay, những cái ôm, và thậm chí là những giọt nước mắt là hình ảnh cuối cùng khép lại trong kí ức, mà nó biết rằng điều đó không chỉ là của riêng nó. Xe bắt đầu chuyển bánh, sau vài tiếng đồng hồ nó đã trở về nhà, nó nhớ và yêu hội trại nhiều lắm.
Qua hội trại, nó biết và nhận ra được rất nhiều điều. Nó luôn muốn loan báo Tin Mừng của Chúa với mọi người bằng ngòi bút của mình. Nó tự hào là một người Ki-tô hữu, nó sẵn sàng là người phục vụ cho Ngài. Nó cảm ơn Chúa đã cho nó có hội trại, đã cho nó có cơ hội được gặp lại các bạn trại sinh, trau dồi vốn văn thơ của mình. Nó được hành hương thăm giáo hạt Phú Yên bằng đôi chân của mình thì giờ đây lại được hành hương bằng ngòi bút của mình. Nó nhất định sẽ thăm lại tất cả các nơi đó khi nó lớn lên.
Lạy Chúa! Con tạ ơn Chúa về những hồng ân Người đã ban cho toàn thể giáo phận chúng con. Cảm tạ Chúa đã cho chúng con có những ngày trại thật ấm cúng, bổ ích và đầy tình yêu thương của Chúa. Xin Chúa luôn giữ gìn các bạn trại sinh để chúng con luôn biết hiệp nhất trong Chúa, để chúng con luôn biết yêu thương nhau, luôn ca tụng Chúa bằng ngòi bút của mình. Con cũng xin cảm ơn sự lo lắng, chuẩn bị chu đáo, kĩ lưỡng của các cha trong giáo hạt Phú Yên, đặc biệt là cha Võ Tá Khánh đã tổ chức nên hội trại này.
Có thể rồi bạn sẽ quên nó, nhưng xin đừng quên những kí ức mà bạn và nó đã góp phần tạo nên trong hội trại. Đừng nói tạm biệt, hãy nói hẹn gặp lại!
 
 
Tác giả bài viết: Hoa Biển 12
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 25
  • Khách viếng thăm: 24
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 13818
  • Tháng hiện tại: 182738
  • Tổng lượt truy cập: 12472450