Trang mới   https://gpquinhon.org

Ngoại tôi

Đăng lúc: Thứ năm - 01/11/2012 18:07
NGOẠI TÔI
 


Nguyễn Thị Kim Viên
Giáo xứ Mằng Lăng
 
        
          Cuộc đời con người là chuỗi dài những biến cố. Cuộc sống cứ trôi đi như dòng sông có bên bồi bên lỡ, như bản nhạc có dấu thăng dấu giáng. Đã là con người thì không ai hoàn thiện cả, cũng có lúc sai lầm.Và tôi cũng thế, tôi cũng đã mắc phải một sai lầm lớn với bà ngoại tôi, một sai lầm mà không sao tôi quên được và cũng không một ai thấu hiểu được. Nhưng chỉ duy nhất có một người thấu hiểu tôi, đó chính là Thiên Chúa.

         Thời gian trôi qua thật nhanh, nhẹ như cơn gió thoảng qua, thấm thoát đã bốn năm rồi. Tôi nay đã là sinh viên năm thứ nhất, đồng nghĩa với việc ngoại tôi đã qua đời bốn năm. Tôi vẫn còn nhớ, vào một buổi chiều mưa bay cùng với những làn gió se lạnh của tiết trời mùa đông, Chúa đã mang ngoại tôi về phía bên kia của thế giới.Tôi từng đọc cuốn tiểu thuyết “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, khi cha Dance con của ông qua đời, cha Ralp nói: “Cuộc sống đời này là địa ngục nên Chúa đã mang con đi”.Và tôi tin ngoại tôi cũng như thế. Sự ra đi của ngoại tôi đã để lại một vết thương mà không ai có thể chữa lành.Tôi hình dung vết thương ấy đã bị nhiễm trùng và ăn sâu vào xương thịt của tôi. Khi ngoại cón sống, tôi thật sự rất ghét ngoại, tại sao tôi cũng không hiểu nữa. Tôi luôn miệng nói bà là nhà quê, quê mùa quá! Khi bà ra nhà tôi chơi, tôi rất vô phép, không một lời chào hỏi và bỏ đi nơi khác.Tôi vẫn còn nhớ, vào một buổi trưa hè oi bức, bà ngoại đang ở trong bếp đúc bánh xèo, thấy tôi vô bà rất vui, bà nói: “Bé! Vào đây, vào đây ăn đi cháu. Bà đúc thứ bánh mà cháu thích ăn nhất đấy!”. Bà lấy chén bỏ bánh vào, bỏ rau, chan mắm rồi đưa cho tôi. Tôi đã hất chén sang một bên và nói: “Bà ăn đi cháu không ăn”. Tôi không hiểu tại sao tôi lại làm thế. Còn nhiều việc khác nữa mà tôi không muốn nhắc lại. Nhưng dù như thế nào bà cũng rất yêu thương tôi.

         Cái chết của bà đến với tôi thật bất ngờ, nó khiền tôi chao đảo và như một người bị lên cơn điên. Đến giây phút cuối cùng này, tôi mới biết bà ngoại yêu tôi dường nào. Và tôi cũng muốn nói lại là cháu rất yêu bà, nhưng ngoảnh đầu nhìn lại thì đã quá muộn màng. Ngày ngoại qua đời, tôi cũng không đậu tang và cũng không đến nhà thờ dự lễ, tôi chỉ đứng nhìn đoàn người đưa ngoại đi. Mọi người trong gia đình bảo tôi là “đứa cháu bất hiếu”. Tôi chỉ biết im lặng và bỏ đi. Tôi thật sự rất muốn đến nhà thờ, nhưng tôi không đủ tự tin và cam đảm để bước đi, chân tôi dường như không cử động được. Rồi bao nhiêu năm qua, vào ngày lễ các đẳng linh hồn, tôi cũng không ra mộ bà ngoại cùng với mọi người. Mọi người bảo tôi, ngoại chết mà mày không rơi một giọt nước mắt, tôi cười nhép miệng và quay đi. Nhưng có ai biết, mỗi khi tối đến, khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ thì tôi lại đọc kinh và cầu nguyện với Chúa. Những giọt nước mắt tử trong khóe mắt tuôn ra, tôi không dám khóc to vì sợ mọi người tỉnh giấc. Người duy nhất tôi có thể tâm sự là Chúa. Tôi vừa khóc vừa nói trong tiếng nấc: “Con đã sai rồi Chúa ơi, con đã biết lỗi mình rồi, Chúa hãy tha thứ cho con”.

         Và Chúa đã thấu hiểu, Người đã làm lành vết thương của tôi, một vết thương tưởng chừng không bao giờ có thể lành được. Con xin cảm ơn Chúa, Chúa chính là vị cứu tinh của đời con. Bây giờ tôi đã dủ tự tin để đi viếng thăm mộ bà và nói lời xin lỗi, xin bà ngoại hãy tha thứ cho cháu. Tôi đứng trước mộ bà và ngước nhìn lên bầu trời. Tôi thầm nghĩ: “Khi bà qua cầu Nại Hà, uống canh Mạnh Bà. xin bà hãy quên những lỗi lầm của cháu, nhưng xin bà đừng bao giờ quên cháu. Kiếp sau cháu vẫn muốn là cháu của bà”. Bây giờ, khi nghe các bạn gọi từ “bà ngoại”, tôi cảm thấy như một tiếng gọi bình dị mà chan chứa tình cảm yêu thương biết bao, vậy mà trước kia tôi chưa từng biết đến, “Ngoại ơi!”…
 
 

 
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Kim Viên
Nguồn tin: Nội san Hoa Biển 6
Đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 48
  • Khách viếng thăm: 43
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 14084
  • Tháng hiện tại: 167256
  • Tổng lượt truy cập: 12456968