Trang mới   https://gpquinhon.org

Tân Dinh - Quê tôi

Đăng lúc: Thứ hai - 28/01/2013 04:06
TÂN DINH – QUÊ TÔI
 


 
Phanxica Nguyễn Thị Hồng Thắm
(Gx. Tân Dinh)
 
 
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đât Tân Dinh thân yêu này, cuộc sống của tôi đã gắn bó với từng bờ tre, ngọn cỏ, với những cánh đồng lúa mênh mông.

Giáo xứ Tân Dinh nằm trong thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Tân Dinh đầu tiên có tên là Làng Sông, vì có con sông Dinh, nhánh của sông Tọc, một nhánh lớn của sông Hà Thanh đổ về đầm Thị Nại. Theo bản thống kê gởi Hội Thừa sai Pháp năm 1850, Đức Cha Stêphanô Thể gọi địa sở ấy là Làng Sông. Sau đó trong “Memorial, Mission de Quinhon” số 69 ngày 11.11.1910, Làng Sông được gọi là Tân Dinh. Tân Dinh trước kia gồm 7 họ nhánh: Tân Dinh, Tân Quán, Câu Gioan, Diêm Điền, Phổ Trạch, Nại và Đông Định; nhưng hiện nay chỉ còn 5 giáo họ vì Tân Quán và Diêm Điền mới tách ra để thành lập Giáo xứ Tân Quán vào ngày 5.9.2012. Theo báo cáo gửi về Hội Thừa sai Pháp năm 1905, địa sở Tân Dinh có đông tín hữu và 16 họ đạo. Không những đông tín hữu, địa sở Tân Dinh còn có Tòa Giám Mục, Tiểu Chủng Viện và nhà in Giáo phận. Hơn nữa, xưa nay Tân Dinh còn có nghĩa trang – nơi yên nghĩ của các Giám mục, Linh mục, các nữ tu Mến Thánh Giá và các chủng sinh trong Giáo phận.

Ngày nay, Tân Dinh quê tôi vẫn giữ được những nét đẹp từ xưa đến nay. Thánh lễ ngày thường vẫn được diễn ra vào mỗi buổi sáng và đọc kinh vào buổi chiều để giúp giáo dân cũng như các học viên giáo lý sốt sắng và được gần Chúa hơn. Sau ngày giải phóng miền Nam, tháng 5.1975, Cha Phêrô Hoàng Kym đến nhận địa sở. Lúc bấy giờ các nhà thờ họ đều hoang vắng, giáo dân đi di tản chưa về, chỉ còn khoảng 169 người, hầu hết là già cả. Các nhà thờ trong địa sở đều xuống cấp vì không có người bảo quản trong suốt thời gian chiến tranh. Dần dần giáo dân cũng lần lượt trở về. Để đủ điều kiện sinh hoạt, ngài cho tu bổ nhà thờ Tân Dinh: nới rộng cung thánh, phòng áo, xây bờ tường chung quanh nhà thờ. Nhà thờ họ Đông Định được cất lại, nhà thờ Câu Gioan bị sập và được xây dựng lại năm 1992. Từ tháng 10.1997, Cha Gioakim Huỳnh Công Tân được bổ nhiệm làm Cha sở Tân Dinh. Tiếp nối công trình của Cha Kym, Cha Tân tiến hành xây dựng nhà thờ Tân Dinh và lần lượt các nhà thờ Đông Định (2005), Diêm Điền (2007), Câu Gioan (2009), Nại (2010). Nhà thờ Tân Dinh đã bao lần tu sửa, nhưng vốn nhỏ bé, cùng với sức phá hoại của thời gian, của chiến tranh và lũ lụt nên cần làm lại. Nhà thờ được hoàn thành vào giữa năm 2003. Cha nâng cấp nhà sinh hoạt làm nhà xứ, xây đài Đức Mẹ và các công trình phụ. Cảnh quan ngôi thánh đường và tổng thể vùa tôn nghiêm vừa hiện đại. Lễ khánh thành và cung hiến thánh đường diễn ra vào ngày 20.4.2004.

Dù chỉ còn 5 giáo họ nhưng giáo xứ Tân Dinh vẫn giữ được truyền thống giữ đạo lâu đời và hào hùng. Cuộc sống của các giáo dân cứ lặng lẽ trôi qua, ngày ngày gắn với đồng ruộng, sông nước, với các hoạt động chung của giáo xứ. Mọi người cùng nhau góp sức vào công việc chung, đón mừng các ngày lễ lớn như Giáng Sinh, Phục Sinh…

Tôi yêu quê tôi, yêu những gì đơn sơ, mộc mạc nhất, yêu cánh đồng bạt ngàn những lúa, yêu tiếng chuông báo hiệu giờ kinh và giờ lễ, yêu những giờ giáo lý ngắn ngủi nhưng đủ để truyền giao biết bao kiến thức.

Giờ đây, bước chân vào cuộc sống sinh viên với những lo toan cho đời thường, tôi vẫn mãi nhớ về quê hương của mình, về tất cả mọi việc, về những đứa trẻ nô đùa sau giờ học giáo lý, về những cơn mưa bất chợt làm gián đoạn giờ học (vì Giáo xứ vẫn chưa xây dựng nhà giáo lý). Lạy Chúa chí thánh, cảm ơn Chúa đã ban cho con có được cuộc sống như con mong muốn, có quê hương thân yêu mà tâm hồn con luôn hướng về. Xin cho con biết sống yêu thương và hiệp nhất trong mọi hoàn cảnh để được hưởng vinh phúc làm con Chúa trọn đời.

 

Nguồn tin: Nội san Hoa Biển 7
Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 31
  • Khách viếng thăm: 23
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 4827
  • Tháng hiện tại: 139288
  • Tổng lượt truy cập: 12283548