Trang mới   https://gpquinhon.org

Đề tài học hỏi tháng 9 (tuần II)

Đăng lúc: Thứ năm - 05/09/2013 17:07
GIÁO DỤC ĐỨC TIN VÀ VIỆC DẠY GIÁO LÝ
(Sách giáo lý của Hội Thánh Công giáo, các số 4-6; 1656, 2225-2226)
 

B. VIỆC GIẢNG DẠY GIÁO LÝ :

BẢN CHẤT, MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ;
VAI TRÒ CỦA GIÁO LÝ VIÊN VÀ CHA MẸ TRONG GIA ĐÌNH

I. BẢN CHẤT, MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ CỦA VIỆC GIẢNG DẠY GIÁO LÝ

Giảng dạy Giáo lý không phải là nhồi nhét một mớ kiến thức, dù đó là kiến thức về Thiên Chúa, cho người học giáo lý. Giảng dạy Giáo lý là giúp học viên - người lớn cũng như trẻ nhỏ - gặp được Đức Giêsu Kitô và Thiên Chúa; sống mật thiết, gắn bó và sống theo Người.

Tài liệu Hướng dẫn tổng quát về việc giảng dạy Giáo lý (Directoire général pour la catéchèse) của Thánh Bộ Giáo Sĩ được ban hành ngày 15 tháng 8 năm 1997 xác định bản chất, mục đích và nhiệm vụ của việc giảng dạy Giáo lý như sau:

1. Bản chất của việc giảng dạy Giáo lý:

Tự bản chất việc giảng dạy Giáo lý là hoạt động của Giáo hội với tư cách là cộng đoàn được mời gọi để trở nên nhà giáo dục đức tin, khi Giáo hội tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu và dưới tác động của Thánh Thần (tlđd, số 78).

2. Mục đích của việc giảng dạy Giáo lý:

“Mục đích quyết định của việc giảng dạy Giáo lý không chỉ  là giúp người học giáo lý tiếp cận với Đức Giêsu Kitô mà còn là giúp người ấy đi vào mối tương quan hiệp thông, mật thiết với Người” (tlđd, số 80).

3. Các nhiệm vụ chính của việc giảng dạy Giáo lý:

a. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc hiểu biết về đức Tin:

“Ai đã gặp Chúa Kitô thì ước mong biết Người nhiều hơn nữa; người ấy cũng ước mong hiểu biết kế hoạch của Chúa Cha mà Chúa Giêsu đã biểu lộ. Hiểu biết nội dung của đức Tin là điều cần thiết cho việc gắn bó với đức Tin. Việc đào sâu hiểu biết về đức Tin đem lại cho cuộc sống một ánh sáng mới, nuôi dưỡng đời sống đức Tin, và giúp hiểu cái lý lẽ của đức Tin trong cuộc sống.

b. Giáo dục về phụng vụ:

“Thật ra “Đức Ki-tô luôn hiện diện trong Hội Thánh, nhất là trong các hoạt động phụng vụ” Sự hiệp thông với Đức Giêsu Kitô dẫn tới việc cử hành sự hiện diện cứu độ của Người trong các bí tích và nhất là trong Bí tích Tạ Ơn. Giáo hội hết sức ước mong các tín hữu tham dự cách trọn vẹn, ý thức và tích cực vào sự hiện diện này. Vì thế, việc giảng dạy Giáo lý không những phải giúp người học giáo lý hiểu ý nghĩa phụng vụ và các bí tích mà còn phải huấn luyện các môn đệ Đức Giêsu Kitô về “cầu nguyện, tạ ơn, sám hối; về sự tin tưởng phó thác trong cầu nguyện và về ý nghĩa cộng đoàn…”.

c. Huấn luyện về luân lý:

Quay về với Đức Giêsu Kitô bao hàm việc đi theo Người. Vì thế việc giảng dạy Giáo lý phải truyền đạt cho các môn đệ những thái độ của Thầy. Nhờ đó họ sẽ theo một tiến trình biến đổi nội tâm mà qua tiến trình ấy họ “chuyển từ con người cũ sang con người mới trong Đức Kitô” nhờ việc họ tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh của Người. Bài giảng trên núi, Đức Giêsu lặp lại Mười Giới Răn và tinh thần Tám Phúc Thật, là một qui chiếu cần thiết trong việc giáo dục về luân lý.

d. Dạy cầu nguyện:

Sự hiệp thông với Đức Giêsu Kitô khiến các môn đệ có cung cách và thái độ cầu nguyện và chiêm niệm giống như Thầy. Tập cầu nguyện với Đức Giêsu là cầu nguyện với những tâm tình mà Người đã diễn tả ra khi Người cầu nguyện với Cha: đó là tâm tình  thờ phượng, ngợi khen, cảm tạ, tin cậy phó thác, cầu xin, ngưỡng mộ trước vinh quang của Cha. Các tâm tình ấy được phản ánh trong Kinh Lạy Cha, kinh mà Đức Giêsu đã dạy các môn đệ và là mẫu mực của kinh nguyện Kitô giáo (tlđd, số 85).

4. Mấy nhiệm vụ khác của việc giảng dạy giáo lý:

Ngoài ra việc giảng dạy Giáo lý giúp người Kitô hữu có khả năng sống cộng đoàn và tham dự  tích cực vào đời sống và vào sứ mạng của Giáo hội. Công đồng Vatican II nhấn mạnh với các mục tử, về nhu cầu “phát triển tinh thần cộng đoàn” và với các tân tòng, về việc tập “cộng tác tích cực vào việc Phúc Âm hóa và vào việc xây dựng Giáo hội”. Vì thế việc giảng dạy Giáo lý còn có một vài nhiệm vụ khác, đó là khai tâm và giáo dục về đời sống cộng đoàn và về truyền giáo.

4.1 Giáo dục đời sống cộng đoàn:

“Đời sống cộng đoàn Kitô không phải tự nhiên mà có, trái lại cần phải giáo dục cẩn thận. Trong việc thực tập sống cộng đoàn, giáo huấn của Đức Giêsu về đời sống cộng đoàn được thánh Mátthêu tường thuật lại trong Tin Mừng, nêu lên một số thái độ mà việc giảng dạy Giáo lý phải tập luyện: tinh thần đơn sơ khiêm tốn (Mt 18,3); sự quan tâm đến những người bé nhỏ nhất (Mt 18,6); đặc biệt quan tâm đến những người lạc đường (Mt 18,12); việc sửa lỗi huynh đệ (Mt 18,15); cầu nguyện cộng đoàn (Mt 18,19); sự tha thứ lẫn cho nhau (Mt 18,22). Tình yêu huynh đệ thống nhất tất cả các thái độ kể trên” (Ga 13,3

4.2 Khai tâm về truyền giáo:

“Việc giảng dạy Giáo lý cũng tạo động lực cho việc truyền giáo. Việc giảng dạy Giáo lý giúp các môn đệ Đức Giêsu biết hiện diện với tư cách là Kitô hữu, trong xã hội, trong đời sống nghề nghiệp, trong lãnh vực văn hóa và xã hội. Việc giảng dạy Giáo lý cũng chuẩn bị họ biết đóng góp vào nhiều công việc của Giáo hội, tùy theo ơn gọi riêng của mỗi người. Việc dấn thân truyền giáo nơi người giáo dân xuất phát từ các bí tích khai tâm Kitô giáo và từ tính “trần thế” trong ơn gọi của họ.

Những thái độ Kitô mà Đức Giê-su đã đề nghị cho các môn đệ của Người khi Người hướng dẫn họ vào sứ vụ truyền giáo cũng là những thái độ mà việc giảng dạy Giáo lý phải cổ võ: tìm kiếm chiên lạc; cùng lúc loan báo và chữa lành; sống khó nghèo, không vàng bạc không túi bị - phó thác vào Chúa quan phòng; biết chấp nhận sự ruồng bỏ và bách hại; đặt niềm tin tưởng vào Cha và vào sự trợ giúp của Thánh Thần; lấy niềm vui được hoạt động cho Nước Trời làm phần thưởng (tlđd, số 85)
 
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Võ Thanh Nhàn
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 67
  • Khách viếng thăm: 60
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 7631
  • Tháng hiện tại: 12989
  • Tổng lượt truy cập: 12302701