Trang mới   https://gpquinhon.org

Đề tài học hỏi tháng 10 (tuần III)

Đăng lúc: Thứ năm - 17/10/2013 18:55
BÀI 3 : 
TỔ CHỨC CÔNG ĐỒNG TẠI AYUTHIA NĂM 1644

               ĐỂ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN GIÁO

 
 
Chứng kiến cụ thể tình hình xã hội cánh đồng truyền giáo cùng với những cảm nghiệm từ cuộc hành trình khó khổ để đến với nhiệm sở của mình, hai Ðức Cha thấy cần phải tổng hợp những huấn thị của Thánh bộ Truyền giáo và những đòi hỏi của tình hình thực tế nhằm rút ra những nguyên tắc làm việc truyền giáo cho phù hợp. Thế là Công đồng Ayuthia, được khai mạc cuối năm 1664 và kết thúc vào lễ Hiển Linh ngày  06/01/1665, với sáu thành viên gồm hai Giám mục và bốn Linh mục.

Kết quả công đồng là một tài liệu được soạn thảo, gọi tắt là Huấn thị “Chỉ dẫn thực hiện sứ mệnh truyền giáo”. “Chỉ dẫn thực hiện sứ mệnh truyền giáo”, được soạn thảo với 10 chương gồm ba phần:

1. Ba chương đầu nói về con đường tu đức, cuộc sống thánh hoá mà nhà thừa sai và người truyền giáo cần phải có. Các thừa sai phải cảnh giác trước đời sống dễ dãi và tập trung nỗ lực vào đời sống cầu nguyện. Phải trình bày Lời Chúa với một khoa sư phạm, thích hợp với từng lứa tuổi và từng giai đoạn  đức tin của tín hữu.

2. Năm chương tiếp theo, các chương 4, 5, 6, 7 và 8, nói về việc giảng đạo và những cách thế phải dùng đến : Giảng đạo bằng gương sáng, bằng bác ái, bằng khôn ngoan. Phải biết người, biết việc, biết ngôn ngữ địa phương, phải khước từ những phương thế và thủ đoạn để tạo uy tín.

3. Hai chương 9 và 10 nói về việc tổ chức giáo hội địa phương qua 3  khía cạnh : Tổ chức giáo xứ, các thầy giảng và việc đào tạo Linh mục bản xứ. Đời sống thiêng liêng được đề nghị cho các Linh mục bản xứ là một nền linh đạo tập trung vào mầu nhiệm Chúa Kitô tử nạn.

 Trong bản “Chỉ dẫn thực hiện sứ mệnh truyền giáo” nầy, việc đào tạo giáo sĩ và tông đồ giáo dân chiếm phần ưu tiên. Trong đó việc đào tạo tông đồ giáo dân chiếm sáu trên mười chương của Chỉ Dẫn.  Trách nhiệm của các mục tử  đối với việc đào tạo đội ngũ tông đồ giáo dân đã được quảng diễn cụ thể: Trách nhiệm giáo huấn giáo dân ; trách nhiệm gìn giữ giáo dân; trách nhiệm cai quản đoàn chiên, và tuyển chọn một đội ngũ giáo dân dấn thân cho công tác tông đồ giáo dân. Trong tổ chức hoạt động của các giáo xứ nên cử ra ông câu, ông biện, ông trùm để linh hoạt và điều động cộng đoàn.

Bản “Chỉ dẫn thực hiện sứ mệnh truyền giáo” này  đã được Thánh Bộ Truyền giáo  phê duyệt và ấn hành vào năm 1669 và được áp dụng trong suốt chiều dài lịch sử truyền giáo, đem lại hiệu quả to lớn cho công cuộc truyền giáo tại Việt Nam. Bản “Chỉ dẫn thực hiện sứ mệnh truyền giáo” là một tài liệu quí hóa, vừa là bài huấn đức giúp cho các thừa sai thánh hóa chính mình, vừa là cuốn cẩm nang hướng dẫn các ngài khôn khéo thích nghi với văn hóa địa phương, cũng như việc tổ chức các giáo điểm truyền giáo.

Năm 1960, Hàng Giáo Phẩm Việt Nam được thành lập, trong ngót nghét ba thế kỷ, Huấn thị này được các thừa sai dùng làm kim chỉ nam cho đời sống và hoạt động của mình trong vùng truyền giáo. Điều đó chứng tỏ giá trị của Huấn thị và tầm ảnh hưởng Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte trong Giáo Hội Đông Á.
Tác giả bài viết: Lm. Gioan Võ Đình Đệ
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 24
  • Khách viếng thăm: 19
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 4339
  • Tháng hiện tại: 135270
  • Tổng lượt truy cập: 12279530