Trang mới   https://gpquinhon.org

Đề tài học hỏi tháng 10 (tuần IV)

Đăng lúc: Thứ năm - 24/10/2013 18:47
BÀI 4:  ĐÀO TẠO LINH MỤC

 
1. Chủng viện tại Ayuthia

Thực hiện quyết định Công Ðồng Ayuthia năm 1664 về việc thành lập Chủng viện cho miền truyền giáo. Năm 1665, Chủng viện thánh Giuse được khởi công xây dựng cách đơn sơ tại Ayuthia, Thái Lan, do cha Louis Laneau điều hành. Năm 1666, Chủng viện mở thêm cơ sở và đón nhận các chủng sinh.

2. Chủng viện trên thuyền tại Đàng Trong

Tại Ðàng Trong công cuộc truyền giáo đang trải qua một giai đoạn rất khó khăn vì các lệnh cấm đạo của các chúa Nguyễn. Đoàn thừa sai Đàng Trong đang ở Thái Lan cử cha Antoine Hainques đi tiền trạm nắm bắt tình hình. Ngày 11/08/1665, cha Hainques đến Đàng Trong như lời kể của Ðức cha Lambert: “Bận đồ như một người Nhật, đi chân trần, đeo bị,…không hầu cận, không biết gì về địa phương, hoàn toàn phó thác vào Chúa Quan Phòng…”. Ở Hội An, phương tiện giao thông chính yếu là thuyền bè. Để thực hiện tinh thần của công đồng Ayuthia, Cha Hainques tận dụng môi trường sông nước nầy để đào tạo nhân sự. Cha mua một chiếc thuyền và dùng nó như là một chủng viện. Cha qui tụ và chọn lựa người đưa lên thuyền để đào tạo họ thành thầy giảng, và từ đó chọn người gởi sang Chủng viện  Ayuthia để đào tạo thành linh mục. Trong số những người này, cha đã chọn thầy Giuse Trang và thầy Luca Bền gởi sang cho Đức cha Lambert ở Ayuthia.

Tại Chủng viện Ayuthia, ngày 31/03/1668, Ðức Cha Lambert đã truyền chức cho hai linh mục đầu tiên, hoa quả đầu mùa của Chủng viện: cha Giuse Trang, quê Quảng Ngãi, linh mục tiên khởi của  Giáo hội Việt Nam; và cha Phanxicô Perez, sau làm Giám mục Đại diện Tông Tòa giáo phận Đàng Trong từ năm 1691 đến năm 1728.  Tháng 6/1668, có thêm một lễ phong chức linh mục cho hai thầy giảng từ Đàng Ngoài tới, đó là thầy Bênêdictô Hiền và Gioan Huệ. Thầy Luca Bền được phong chức linh mục vào đầu năm 1669.

Tháng 4/1675, Đức Cha Laneau đã phong chức linh mục cho một chủng sinh Philippin, đồng thời ban phép cắt tóc cho 12 chủng sinh, trong đó có 10 chủng sinh của giáo phận Đàng Trong. Vì số chủng sinh Đàng Trong chiếm đa số nên cha Giám đốc Chủng viện đôi khi cũng được gọi là “Giám đốc chủng viện của người Đàng Trong”. Năm 1707, do hoàn cảnh kinh tế, chủng viện tạm đóng cửa, chỉ giữ lại 12 chủng sinh, phần lớn là người Đàng Trong.

Do những biến chuyển xã hội, Chủng viện thánh Giuse được di chuyển nhiều nơi. Năm 1807 Chủng viện được đặt tại Penang, lúc bấy giờ Penang thuộc công ty Đông Ấn của Anh, nay thuộc Mã Lai. Hiện nay tại Chủng viện nầy có tượng đài tôn vinh các Thánh tử đạo đã từng là thành viên của Chủng viện, trong đó có 5 vị Thánh tử đạo Việt Nam. Bên cạnh tượng đài có bia đá ghi danh 44 chứng nhân đức tin người Việt từng tu học tại đây, trong đó có cha Phaolô Châu, quê Gò Thị, Giám đốc Chủng Viện Làng Sông, chịu tử đạo tại Gò Chàm, Bình Định ngày 27 tháng 6 năm Tự Đức thứ 15 (năm 1862); cha Gioakim Nguyễn Kim Thủ, quê Gò Thị, tử đạo tại Gò Chàm năm 1862; cha Đôminicô Cảnh, quê Vân Đỏa, Quảng Nam tử đạo tạo Dinh Thủy, Phan Rang năm 1861. Chủng viện Penang đã đào tạo cho giáo phận một thế hệ linh mục năng nổ và tháo vát trên cánh đồng truyền giáo, tiểu biểu như cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Do, quê Đồng Hâu, Hoài Ân, Bình Định, người tiên phong mở đường thành công đem Tin Mừng lên Tây Nguyên; cha Gioakim Đặng Đức Tuấn, quê Gia Hựu, Hoài Nhơn, Bình Định, một kẻ sĩ, một kho tàng văn hóa, một tình thương dân tộc, một linh mục đặc biệt sùng kính Đức Mẹ và kết hợp nhuần nhuyễn nhân, trí, dũng Á Đông với triết lý và thần học Kitô giáo để mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào, cho dân tộc.
Tác giả bài viết: Lm. Gioan Võ Đình Đệ
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 27
  • Khách viếng thăm: 23
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 4339
  • Tháng hiện tại: 137467
  • Tổng lượt truy cập: 12281727