Năm vấn đề đạo đức trong khoa học người Công giáo cần xem xét

Chúa nhật - 14/04/2019 19:18
Năm vấn đề đạo đức trong khoa học người Công giáo cần xem xét

Tuy khoa học thay đổi chúng ta, cộng đồng tín hữu có thể nhắc nhớ các khoa học gia
về việc đạo đức đang bị đe dọa.

Trong cuốn sách Khoa học và Đạo đức, triết gia Bernard Rollin đã viết: “Bất kỳ công nghệ tân tiến nào cũng sẽ tạo ra một lỗ hổng trong tư tưởng xã hội và đạo đức tỷ lệ thuận với sự mới mẻ của nó”.

Bất kỳ kỹ thuật mới nào cũng làm nảy sinh những vấn đề đạo đức xoay quanh cách thức sử dụng chúng.

Trí tuệ nhân tạo, việc chỉnh sửa bộ gen người, và kỹ thuật điều chỉnh khí hậu: Các khoa học gia đang phát triển những kỹ thuật mới với tốc độ trước nay chưa từng thấy. Tuy nhiên, mỗi một kỹ thuật được thêm vào bộ công cụ khoa học của nhân loại đều đi cùng với những hiệu ứng tích cực lẫn tiêu cực. Những hệ thống GPS[1] mà bạn sử dụng mỗi ngày để tìm kiếm nhà hàng mới hay tìm đường đến nhà bạn bè, được dựa trên cùng một công nghệ mà sau Thế chiến thứ II quân đội đã phát triển nhằm cải thiện năng lực quân sự của quốc gia. Kỹ thuật in 3D đã cách mạng hóa phương thức mà các kiến trúc sư, kỹ sư và nghệ nhân tạo ra tác phẩm của mình, dù đồng thời, chúng cũng gây ra những mối lo ngại nghiêm trọng về khả năng mất kiểm soát những khẩu súng in 3D.
Người ta cho rằng cách thức sử dụng kỹ thuật cũng quan trọng như chính kỹ thuật đó, dù là sử dụng để kiểm tra bộ gen của chúng ta nhằm phát hiện bệnh tật trong tương lai hay việc cải thiện khí hậu trái đất. Những vấn đề đạo đức có tầm quan trọng không chỉ với những nhà khoa học và những người hoạch định chính sách mà còn đối với cả các cá nhân và cộng đồng tôn giáo. Để bắt đầu, chúng ta cùng nhìn lại năm loại kỹ thuật mới mẻ và những dính líu đến phương diện đạo đức của chúng.

1. Chỉnh sửa bộ gen

Các nhà khoa học đã khám phá cách giúp người kiêng gluten có thể ăn lại bánh mì. Bệnh celiac[2] là một hội chứng rối loạn hệ thống tự miễn dịch gây ảnh hưởng cho khoảng 3 triệu người Mỹ. Sau khi ăn thực phẩm chứa gluten, một loại protein xuất hiện tự nhiên trong lúa mì, cơ thể người mắc bệnh sẽ tự tấn công, gây tổn thương cho ruột non. Người mắc bệnh celiac không thể dùng những loại thực phẩm được làm từ lúa mì như bánh mì, bia, và mì sợi. Thay vào đó, họ phải tìm đến những lựa chọn khác như những loại bánh làm từ bột gạo hay khoai tây.

Nhờ một kỹ thuật mới gọi là CRISPR (viết tắt của Clustered Regularly Interspaced Short Palindromic Repeats)[3], các nhà khoa học tạo ra một loại bột mì mới chứa rất ít gluten so với bột mì tự nhiên. Họ có thể sớm tạo ra loại bột mì không chứa lượng gluten nào, để cho người mắc bệnh celiac có thể dùng bột mì.

Về mặt kỹ thuật

Mặc dù kỹ thuật chỉnh sửa bộ gen đã nổi lên được một thời gian, chính CRISPR mới làm cho việc thay đổi DNA được nhanh chóng, kinh tế và chính xác hơn bao giờ hết.

Kỹ thuật này có nguồn gốc từ những hệ thống phòng vệ tự nhiên của vi khuẩn. Khi virus xâm nhập vào vi khuẩn, vi khuẩn giữ lại các mẫu nhỏ DNA của virus để ghi nhớ cách phòng vệ trong tương lai. Các nhà khoa học tính toán phương thức sử dụng quy trình này để áp dụng cho các trình tự DNA cụ thể trong phòng thí nghiệm, chẳng hạn việc gây ra những đột biến gen cụ thể ở động vật. Tiếp nữa, CRISPR có thể sử dụng để thay đổi vĩnh viễn DNA của một con vật bằng cách cắt bỏ phần đột biến và thay vào đoạn gen thích hợp hơn.

Ngày nay, các nhà khoa học đang nghiên cứu cách sử dụng CRISPR để điều trị những căn bệnh về di truyền như chứng loạn dưỡng cơ bắp, xơ nang, đục thủy tinh thể, bệnh tim mạch và các loại ung thư khác nhau. Một phòng thí nghiệm thậm chí còn đang nghiên cứu cách biến đổi bộ gen của loài muỗi để ngăn chặn bệnh sốt rét.

Điều này ảnh hưởng đến bạn ra sao

Thực phẩm biến đổi gen đang trên đường xuất hiện trên kệ siêu thị. Dù có thể giúp cho người có chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, chẳng hạn như những người mắc bệnh celiac, các loại thực vật biến đổi gen cũng dẫn đến nguy cơ làm suy giảm sự đa dạng thực vật tự nhiên; một chủng thực vật được tăng cường về mặt di truyền có thể lấn át những chủng loại xuất hiện tự nhiên.

Trong khi kỹ thuật này có thể được dùng để giúp nhiều người, và cuối cùng là các quần thể miễn dịch với một số bệnh nào đó, nó cũng có thể làm thay đổi vĩnh viễn bộ gen người. Các nhà khoa học đang lo ngại việc không thể khắc phục những thay đổi sai lầm hay không mong muốn do việc chỉnh sửa bộ gen gây ra. Vì thế phần lớn nghiên cứu được tiến hành trong phòng thí nghiệm. Các thử nghiệm lâm sàng sử dụng công nghệ CRISPR vẫn còn ở giai đoạn sơ khởi; thử nghiệm đầu tiên của một công ty ở Mỹ với ý định điều trị chứng rối loạn máu, được chấp thuận vào tháng 9 năm 2018.

Những câu hỏi được đặt ra[4]

Marnie Gelbart, giám đốc các chương trình của Dự án nghiên cứu về gen người cho rằng tiềm năng của CRISPR trong việc chữa trị chứng thiểu năng làm phát sinh vấn đề về cách chúng ta định nghĩa thế nào là thiểu năng. Được đặt tại trường y Harvard, tổ chức của bà tổ chức các buổi thảo luận về di truyền với các thành viên cộng đồng, những người hướng dẫn đức tin, các nhà nghiên cứu chuyên môn, và các nhà hoạch định chính sách.

Điều gì sẽ xảy ra nếu như CRISPR có thể được sử dụng để nhổ tận gốc hội chứng Down[5]? Nhiều bậc phụ huynh có thể lựa chọn làm điều đó, dù thực tế là người mắc hội chứng Down vẫn có thể sống thọ, vui vẻ, khỏe mạnh mà không cảm thấy mình là người thiểu năng. Việc định nghĩa lại sự thiểu năng cũng đặt ra vấn đề về sự sáng tạo của Thiên Chúa: Nếu tất cả nhân loại được tạo dựng theo chân dung của Thiên Chúa, chúng ta có quyền sửa đổi những cách thức đa dạng mà sự sáng tạo thể hiện mình hay không?

Trong khi loại kỹ thuật này còn chưa được phổ biến rộng rãi, nó cũng làm nảy sinh những vấn đề cho người Công giáo: giả như có cơ hội, liệu con người có thể đẩy những quan điểm cá nhân của mình vượt ra khỏi quan điểm của Thiên Chúa về điều gì là đúng và tốt liên quan đến công trình tạo dựng hay không.

2. Kỹ thuật điều chỉnh khí hậu

Vào giữa thế kỷ 19, thành phố
Chicago là mối nguy hại nghiêm trọng nhất cho chính mình. Chất thải của thành phố chảy vào hai nguồn nước uống chính là sông Chicago và hồ Michigan, làm lan tràn các bệnh như thương hàn và dịch tả. Kỹ sư Ellis Sylvester Chesbrough đã nghĩ ra một kế hoạch đầy tham vọng nhằm đảo ngược hướng của dòng sông để chất thải chảy về phía nam, đổ vào sông Mississippi thay vì vào hồ Michigan. Kế hoạch kéo dài nhiều năm và làm tiêu tốn hàng triệu đôla của thành phố, nhưng dù sao gần như ngay lập tức, người dân cảm thấy được những tác động tích cực đến sức khỏe cộng đồng. Tuy vậy, mặt trái của vấn đề là nhiều căn bệnh từng tấn công thành phố, giờ lại được mang xuôi dòng xuống vùng hạ lưu IllinoisSt. Louis.

Về mặt kỹ thuật

Kỹ thuật điều chỉnh khí hậu đem lại giải pháp cho một vài vấn đề môi trường cấp bách nhất của chúng ta. Chẳng hạn, các kỹ sư đang phát triển những kỹ thuật với hy vọng đảo ngược tốc độ nguy hiểm của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Những can thiệp với quy mô lớn như thế này bao gồm việc phản xạ năng lượng mặt trời ngược trở lại trước khi nó tiếp cận trái đất và thu hồi lượng k­hí CO­­­2 trong khí quyển, sau đó giữ vào một nơi nào đó như trong lòng đất. Với những tiến bộ về mặt kỹ thuật, từ hàng thứ yếu, những ý tưởng này đã trở nên chủ đạo trong những năm qua.

Điều này ảnh hưởng đến bạn ra sao

Kể từ năm 2000, người ta ghi nhận được 16 năm nóng nhất đã xảy ra. Sự biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng cho mọi cư dân trên hành tinh. Theo Quỹ sinh thái toàn cầu, những tổn thất về kinh tế và tổn hại về sức khỏe do biến đổi khí hậu sẽ làm cho Hoa Kỳ thiệt hại 360 tỷ đôla mỗi năm, xấp xỉ một nửa mức tăng trưởng kinh tế được trông đợi của quốc gia.

Celia Deane-Drummond, giáo sư thần học tại Đại học Notre Dame ở thành phố
South Bend, bang Indiana, cho rằng, những can thiệp trên quy mô lớn cũng có thể thúc đẩy sự tự mãn và hướng mục tiêu chệch ra xa căn nguyên vấn đề. Việc nắm giữ khả năng đảo ngược xu hướng của khí hậu làm giảm đi sức ép lên các công ty trong việc hạn chế lượng khí thải độc hại. Người ta chẳng cần phải thay đổi thói quen nếu kỹ thuật có thể khắc phục các hậu quả.
Deane-Drummond nói: “Lý do duy nhất khiến chúng ta ở trong tình trạng mà chúng ta đang gặp phải là vì sự thiếu kiềm chế trong tiêu thụ. Tuy nhiên, việc trở lại với gốc rễ vấn đề - một sự đổ vỡ trong tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân, và với trái đất - có lẽ là bước đầu tiên cần được thực hiện, hơn là việc tìm kiếm sự an ủi nơi những khắc phục mang tính kỹ thuật”.

Những câu hỏi được đặt ra

Laura Hartman, trợ lý giáo sư của các khóa học nghiên cứu về môi trường tại Đại học Wisconsin-Oshkosh cho biết rằng, có quá ít cuộc thảo luận về kỹ thuật điều chỉnh khí hậu trong phạm vi tôn giáo.

Dù chủ tâm làm thay đổi khí hậu trái đất là thể hiện việc “đóng vai của Chúa”, chúng ta đã làm thế mà không nhận ra. Bằng việc phá hỏng tầng ozon và phát thải khí carbon, nhân loại làm biến đổi thế giới trong nhiều thập kỷ. Hartman nói: “Thực tế, chúng ta đã đóng vai của Chúa. Thực tế, chúng ta đã làm thay đổi khí hậu”.

Hartman cho rằng có một vấn đề đạo đức rắc rối hơn, đó là ai sẽ hưởng lợi từ những dự án này: Ai sẽ kiếm tiền, và số tiền đó sẽ được phân phối ra sao? Dù cho phần nhiều các ý tưởng này không thực sự đắc đỏ đến thế, nhưng nếu được bật đèn xanh, chúng sẽ dẫn đến những bằng sáng chế và hợp đồng có lợi nhuận khổng lồ. Về phương diện lịch sử, các nước đang phát triển đã bị loại khỏi các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu và có lẽ cũng sẽ bị bỏ rơi trong các quyết định hiện tại, hay ít nhất là trong các cuộc đàm phán hợp đồng. Và cũng giống với việc đảo ngược dòng chảy sông
Chicago, sẽ có nhiều người gánh chịu hậu quả bất lợi bởi các quyết định về kỹ thuật điều chỉnh khí hậu. Đó là những người mà tiếng nói của họ không được lắng nghe.

3. Trí tuệ nhân tạo

Vào năm 2016, các bác sĩ đã chuẩn đoán một phụ nữ 60 tuổi người Nhật mắc bệnh bạch cầu tủy cấp. Tuy nhiên, chẳng có phương pháp điều trị hiệu quả nào để họ áp dụng cho cô, và sức khỏe của cô ngày một xấu đi trông thấy.

Thế rồi các chuyên gia y học tìm đến IBM’s Watson, một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng đối chiếu thông tin gen của bệnh nhân này với 20 triệu nghiên cứu về ung thư trong vòng 10 phút. Các kết quả đã cứu lấy sự sống của người bệnh: Các bác sĩ đã chuẩn đoán sai bệnh ung thư của cô, và thực ra, cô đã mắc loại ung thư hiếm hơn nhiều so với bệnh bạch cầu. Watson có thể làm trong vài phút điều mà các bác sĩ phải mất nhiều năm.

Về mặt kỹ thuật

Một nghiên cứu được thực hiện bởi nhà phát triển và cung ứng phầm mềm tin học Hubspot cho thấy rằng có 63% số người sử dụng trí tuệ nhân tạo mà không nhận ra điều đó. Kể từ khi thức giấc cho đến lúc kết thúc một ngày, bạn bị vây quanh bởi trí tuệ nhân tạo. Bạn yêu cầu chiếc loa thông minh trong nhà chơi những điệu nhạc yêu thích. Siri[6] giúp lên thời biểu một cuộc gặp hay đưa ra những nhắc nhở cho bạn.  Google giám sát tình trạng giao thông ban sáng, chỉ cho bạn tuyến đường đi làm tốt nhất. Tất cả những hình thức này chính là trí tuệ nhân tạo.

Điều này ảnh hưởng đến bạn ra sao

Những chiếc xe không người lái khiến cho việc di chuyển an toàn hơn. Những hỗ trợ dưới dạng số hóa tạo ra một lượng thông tin khổng lồ dễ tiếp cận và có thể xác định chính xác phần thông tin nào hữu ích cho con người. Các thuật toán giúp giải những bài toán phức tạp. Kỹ thuật có thể giúp ích cho hàng triệu người khuyết tật.

Nhưng cũng có những thay đổi về mặt kinh tế mà AI gây ra. Những người đại diện của bộ phận chăm sóc khách hàng đã giao lại cho các phần mềm chatbot[7] trả lời những câu hỏi của bạn. Theo Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey, có tới 73 triệu việc làm có thể bị mất do việc tự động hóa vào năm 2030. Trên toàn thế giới, có đến 375 triệu người có thể phải chuyển công việc.

AI cũng ảnh hưởng đến đời sống riêng tư của chúng ta. Năm 2013 bộ phim tựa đề “Her”, khắc họa nhân vật Joaquin Phoenix, hình dung về một tương lai, nơi có một anh chàng phải lòng một chiếc máy tính sau cuộc ly hôn lộn xộn. Các bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng về sự tương tác giữa con cái họ với Siri và Alexa[8], những thứ đang dạy về những cách cư xử tồi tệ - máy móc không đòi phải “xin vui lòng” và “cảm ơn”, và con người không thể bị đối xử giống như máy móc.

Những câu hỏi được đặt ra

Mark Bourgeois ở Notre Dame nói rằng việc tập trung vào những tiến bộ gần đây trong lãnh vực AI và hiện thực hóa việc sử dụng chúng khiến chúng ta chệch ra xa khỏi gốc rễ của vấn đề. Thay vào đó, ông cho rằng “về phương diện đạo đức, điều chúng cần lo lắng không phải AI có nhân cách hay không, nhưng là chính chúng ta. Việc sử dụng và tương tác với những công cụ này thay đổi chúng ta ra sao?”.

Bourgeois còn nói, AI đang xóa nhòa lằn ranh giữa những tương tác của con người và những tương tác của máy móc. Vào năm 2011, Watson, chính hệ thống máy tính đã chuẩn đoán chính xác bệnh ung thư cho người phụ nữ Nhật Bản, đã đánh bại các nhà vô địch kỳ cựu trên Jeopardy[9]! Người ta tìm kiếm trên Siri những tin tức, dự báo thời tiết, chuyện cười và cả những câu truyện hay kiến thức mà trước đây thường được chia sẻ thông qua tương tác giữa người với người.

Bourgeois cũng nói rằng học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo có thể giúp chúng ta định hướng cho AI: “Chúng ta được kêu gọi để liên kết với nhau cách trọn vẹn như những ngôi vị, để quý trọng cộng đồng nhân loại và tôn trọng lợi ích chung trong những lựa chọn mà chúng ta thực hiện”. Khả năng tạo ra kỹ thuật thay thế cho tương tác của con người là một cuộc tấn công vào phẩm giá của người khác. Học thuyết xã hội  của Giáo hội Công giáo nhắc nhớ những người tin theo rằng, con người thì quý trọng hơn so với đồ vật. Nếu các nhà sáng chế có thể thiết kế những hệ thống và máy móc để làm mọi thứ họ muốn, họ đang loại bỏ giá trị vốn có của người khác và những lợi ích của việc sống trong một cộng đồng đa dạng.

4. Xét nghiệm gen và quyền riêng tư
Sát thủ Golden State[10] bị cáo buộc gây ra 12 vụ giết người và 50 vụ hãm hiếp trong những năm của thập niên 70 và 80 tại California, song giới chức thực thi pháp luật không hề xác định được thủ phạm, và suốt ba thập kỷ, hắn ta vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Vào năm 2018, việc xét nghiệm di truyền đã xác định Joseph James DeAngelo chính là tên sát nhân.

Cảnh sát đã dùng bằng chứng DNA thu thập được từ các cuộc điều tra trước đó và so sánh với kho dữ liệu trực tuyến công cộng về di truyền được dùng để tạo phả hệ. Từ đây, họ đã có thể tạo ra một danh sánh những người gần gũi với DNA của hung thủ, rồi cuối cùng thu hẹp danh sách xuống còn một người: DeAngelo. Lý thuyết của họ đã được xác thực khi cảnh sát lấy mẫu DNA từ nhà hắn ta.

Về mặt kỹ thuật

Từ những năm 1950, các nhà nghiên cứu đã có thể sử dụng DNA của các cá nhân để tìm ra bệnh tật; và vào tầm những năm 1960, các xét nghiệm có thể xác định được thành viên gia đình theo huyết thống của ai đó. Đầu những năm 2000, những loại hình kiểm tra này chủ yếu được sử dụng trong nghiên cứu và chữa bệnh.
Nhưng đến khi các dịch vụ xét nghiệm di truyền của bên thứ ba phát triển, chẳng hạn dịch vụ 23andMe[11], kỹ thuật này và những thành quả của nó đã được mang đến trực tiếp cho khách hàng. Những dịch vụ này dùng một mẫu nước bọt để cung cấp cho khách hàng thông tin về dòng họ và những nguy cơ sức khỏe di truyền có khả năng xảy ra. Chúng thực phổ biến. Việc xét nghiệm gen trực tiếp cho khách hàng được kỳ vọng tăng triển từ khoảng 100 triệu đôla một năm lên mức 340 triệu đôla vào năm 2022. Các công ty xét nghiệm gen cũng bán dữ liệu thu thập được cho các công ty khác.

Điều này ảnh hưởng đến bạn ra sao

Việc của cảnh sát là đưa kẻ giết người ra công lý, nhưng điều đó có nghĩa gì đối với dữ liệu gen của bạn?

Bộ gen con người có thể nhanh chóng được giải mã để xác định danh tính của một cá nhân, như đã thấy trong vụ án Sát thủ
Golden State. Alexandre Martins, giáo sư thần học tại Đại học Marquette ở thành phố Milwaukee, bang Wisconsin đặt vấn đề rằng, liệu thông tin di truyền này có bị rò rỉ và trở nên công khai, chẳng hạn để cho các công ty bảo hiểm và những nhà cung cấp dịch vụ y tế có thể sử dụng nhằm phân loại khách hàng dựa trên những căn bệnh đã hay có thể mắc của họ. Mặc dù là bất hợp pháp khi các công ty bảo hiểm tăng giá hoặc từ chối bán bảo hiểm dựa trên các kết quả xét nghiệm di truyền, nhưng các biện pháp bảo hộ này lại không bao gồm bảo hiểm nhân thọ, khuyết tật, hay bảo hiểm y tế dài hạn.

Các xét nghiệm này cũng không hề rẻ. Trong khi một số xét nghiệm di truyền có thể có giá 100 đôla, những xét nghiệm khác lại lên đến vài ngàn đôla. Đây là điều Martins cho rằng sẽ tạo ra khả năng gây mất bình đẳng hơn nữa. Có những nhóm người sẽ có quyền sử dụng công nghệ này và chọn lựa các phương pháp phòng tránh mọi chứng rối loạn di truyền. Đang lúc đó, các nhóm khác sẽ chẳng có phương tiện để làm các xét nghiệm hay thực hiện bất kỳ một thay đổi nào, khiến họ dễ mắc bệnh hơn và càng ít có được các cơ hội về kinh tế xã hội.

Những câu hỏi được đặt ra

Xét nghiệm di truyền làm nảy sinh những vấn đề liên quan đến những điều người Công giáo phải làm với kiến thức do khoa học mang lại. Martins cho rằng chẳng có câu trả lời rõ ràng ở đây, nhưng công chúng cần tiếp cận chủ đề này với sự khôn ngoan và khiêm nhường: khôn ngoan để tự vấn loại thông tin nào mình muốn biết và khiêm nhường để xác định người mà ta chia sẻ thông tin.

Xét nghiệm di truyền có thể giúp con người chuẩn bị cho việc đối diện với bệnh tật hay thậm chí tạo ra những thay đổi trong lối sống hầu hạn chế nguy cơ phát triển của một chứng rối loạn. Đồng thời, những loại hình xét nghiệm dự đoán này khả dụng đối với các bậc sắp làm cha mẹ. Martins nói rằng, một khi chứng rối loạn di truyền được xác định nơi thai nhi, cha mẹ có thể ngăn chặn điều đó.

Ông cũng nói thêm: “Điều này có thể tạo ra một hoàn cảnh kinh khủng trong việc chọn lựa giữa việc tiếp tục hay chấm dứt mang thai, vì một gia đình cụ thể không hề muốn đứa trẻ mang bất kỳ khuyết tật nào hay gen di truyền đó dẫn đến việc gia tăng tỉ lệ mắc một căn bệnh nào đó”.

Những xét nghiệm như thế đã sẵn để áp dụng cho hội chứng Down. Nhưng chúng ta là ai mà đặt vấn đề hay thay đổi công trình sáng tạo của Thiên Chúa?

5. Bất bình đẳng trong nghiên cứu

Henrietta Lacks ra đời vào năm 1920 ở vùng thôn dã của tiểu bang
Virginia. Năm 1941, người nông dân trồng thuốc là này kết hôn và chuyển đến Baltimore, nơi mà cô được chuẩn đoán mắc ung thư cổ.

Chưa tới 8 tháng sau, Lacks qua đời. Nhưng hai mẫu mô tế bào được lấy trong quá trình điều trị ở Johns Hopkins vẫn kéo dài di sản của cô. Không giống như các tế bào khác được chuẩn bị cho việc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, các tế bào của Lacks đã không chết. Thay vào đó, chúng tiếp tục nhân rộng, giúp cho các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu các tế bào người theo cách chưa từng có trước nay. Những tế bào này (được gọi là tế bào HeLa) đã đưa đến vắtxin ngừa bại liệt và được sử dụng để nghiên cứu về ung thư và HIV/AIDS.

Henrietta Lacks chưa bao giờ đồng ý việc sử dụng các tế bào của mình. Các tế bào ung thư đã được lấy mà không có sự cho phép của cô. Như Clarence Spignor, giáo sư về dịch vụ y tế của Đại học Washington nói, cuộc đời của Lack “là một câu chuyện cảnh báo, nó phản ánh mâu thuẫn vốn có giữa mục tiêu tuyên bố của nghiên cứu y học là đem lại lợi ích cho nhân loại và thực tế của việc đầu cơ trục lợi trắng trợn nhân danh tiến bộ khoa học”.

Vấn đề

Câu chuyện của Lacks chỉ là một minh chứng của sự bất bình đẳng giữa người hi sinh và kẻ hưởng lợi từ việc nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn, nhiều nghiên cứu không tính đến phụ nữ, và việc thiếu đại diện này có thể gây ra hậu quả tai hại. Phụ nữ hấp thụ thuốc ngủ Ambien với tốc độ chậm hơn nam giới, nhưng các khuyến cáo sử dụng lại được viết cho nam giới vì phụ nữ không tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng. Hơn 2 triệu phụ nữ đã mắc phải những tác động tiêu cực từ việc dùng thuốc trong giai đoạn 2004 đến 2013, trong khi chỉ có 1,3 triệu nam giới gặp vấn đề.

Theo Viện Quốc gia về Sức khỏe các Dân tộc thiểu số, những người dân tộc thiểu số cũng hầu như không được tham gia vào việc nghiên cứu. Sự thiên vị này tiếp tục dẫn đến những chênh lệch về mặt sức khỏe: Việc thiếu đại diện đối với bất kỳ nhóm người nào đồng nghĩa với việc họ sẽ không nhận lợi ích nào từ tiến bộ trong dịch vụ y tế và những thành quả của nó. Thay vào đó, những lợi ích này thuộc về những nhóm được nghiên cứu mà chủ yếu là người da trắng.

Điều này ảnh hưởng đến bạn ra sao

Những câu chuyện như của Henrietta Lacks làm nảy sinh câu hỏi về người hưởng lợi từ nghiên cứu khoa học. Nhờ những tế bào HeLa, khả năng phát triển, phân chia, và buôn bán mô người cho việc nghiên cứu trở nên ngành công nghiệp tỷ đô. Trong khi đó, một trong những người con của Lack sống vô gia cư tại
Baltimore. Gia đình của Lacks chưa bao giờ được nhận một khoản tiền nào từ lợi nhuận của những tế bào liên quan đến họ. Mặc dù cuối cùng gia đình của Lacks đã được trao một số quyền kiểm soát cách sử dụng các tế bào của Henrietta, cộng đồng vẫn tiếp tục gặt hái các lợi ích từ những thí nghiệm này.

Theo Spignor, Henrietta Lacks là một phần trong xu hướng chung, xu hướng phớt lờ những phương pháp nghiên cứu phi đạo đức. Chẳng hạn, những kết quả từ các thí nghiệm tại trại tập trung Nazi được các nhà khoa học sử dụng và trích dẫn, dù thực tế những người tham gia chưa bao giờ đồng ý và hệ quả của những cuộc thử nghiệm đó là nhiều người đã thiệt mạng. Spignor nói: “Không giống với mục thông tin hợp pháp hay bằng chứng không tồn tại được khai nhận tại tòa khi bị phanh phui, những kết quả của việc nghiên cứu phi đạo đức vẫn được sử dụng”.

Những câu hỏi được đặt ra

Ai là người tham gia vào việc nghiên cứu y khoa và cái cách mà họ được đối xử nhân danh sự tiến bộ khoa học làm nảy sinh những câu hỏi về vị thế của phẩm giá con người so với tiến bộ của tri thức. Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đặt người nghèo khổ và dễ bị tổn thương lên hàng đầu, thay vì sử dụng họ như là những phương tiện để đạt đến mục đích. Spignor nói: “Tôi không biết liệu mọi người có thể làm gì ngoài việc đọc, đọc, đọc và tìm kiếm thông tin từ  càng nhiều nguồn càng tốt”.

Mặc dù việc chia sẻ và thử nghiệm trên mô vốn không xấu, công việc này đòi hỏi một sự cân nhắc. Rebecca Skloot, tác giả cuốn Cuộc sống bất tử của Henrietta (Tập đoàn xuất bản Crown phát hành), nói với tạp chí Smithsonian[12] rằng các nhà khoa học nên nhìn nhận các tế bào không phải là những vật phi sinh mệnh.  Bà nói: “Một trong những bài học là luôn có sự hiện hữu của con người đằng sau mỗi mẫu vật được sử dụng trong phòng thí nghiệm”.

Tác giả:  Wyatt Massey
Nguồn: https://www.uscatholic.org/articles/201901/5-ethical-issues-science-catholics-consider-31607
 

[1] Global Positioning System: Hệ thống định vị toàn cầu.
[2] Celiac là tên gọi của chứng rối loạn tiêu hóa khiến cơ thể không hấp thu được chất béo.
[3] Clustered Regularly Interspaced Short Palindromic Repeats: Nhóm các đoạn ngắn đối xứng lặp lại thường xuyên.
[4] Nguyên văn: Questions from the pews. Pew Research Center – Trung tâm nghiên cứu Pew, một nhóm thực tế người Mỹ không đảng phái tại Washington. Nhóm này thường phỏng vấn các vấn đề trong xã hội và thu thập kết quả từ nhiều nơi. Vấn đề tôn giáo hay đạo đức cũng thường xuyên được nhóm này điều tra.
[5] Hội chứng Down là một rối loạn bẩm sinh mà nguyên nhân là do thừa một nhiễm sắc thể thứ 21.
[6] Một ứng dụng trêng Apple’s Store.
[7] Chatbot: một chương trình máy tính hoặc trí tuệ nhân tạo thực hiện một cuộc trò chuyện thông qua phương pháp thính giác hoặc văn bản. Các chương trình này thường được thiết kế để mô phỏng một cách thuyết phục cách con người cư xử như một đối tác đàm thoại, qua đó vượt qua bài kiểm tra Turing.
[8] Một phần mềm truy cập Internet của công ty Alexa, chi nhánh tập đoàn Amazon.
[9] Một chương trình đố vui truyền hình tại Mỹ.
[10] Tên không chính thức của bang California, Mỹ.
[11] 23andMe là một công ty genomics và công nghệ sinh học có trụ sở đặt tại Moutain View, California, Mỹ. Công ty cũng chuyên cung cấp các dịch vụ kiểm tra về di truyền. Công ty được đặt tên cho 23 cặp nhiễm sắc thể trong một tế bào người bình thường. Ngân hàng sinh học của 23andMe là kho lưu trữ các mẫu DNA lớn nhất thế giới.
[12] Smithsonian Institution: một trung tâm nghiên cứu khoa học của Mỹ và cũng là cụm bảo tàng lớn nhất thế giới, ra đời do một đạo luật của Quốc hội Hoa Kỳ năm 1846, trụ sở đặt tại Washington, D.C.

Tác giả bài viết: Minor Greg.

 Tags: Truyền giáo

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập58
  • Máy chủ tìm kiếm16
  • Khách viếng thăm42
  • Hôm nay25,404
  • Tháng hiện tại209,449
  • Tổng lượt truy cập29,188,987

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây