Bài giảng lễ Thánh Gia Thất

Thứ năm - 27/12/2018 21:30

LỄ THÁNH GIA THẤT - NĂM C

Hc 3,3-7.14-17a; Cl 3,12-21; Lc 2,41-52


Kính thưa cộng đoàn phụng vụ!
Ở đời, hạnh phúc của con người được xây dựng trên nền tảng căn bản là gia đình. Nếu như xã hội, người ta ví gia đình như là một tế bào, thì Giáo Hội Công giáo xem gia đình chính là hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa; là một tổ ấm nhân loại cần thiết để con người được sinh ra, lớn lên, trưởng thành và được hưởng cuộc sống hạnh phúc, bởi lẽ gia đình là một cộng đoàn yêu thương, là “Hội Thánh thu nhỏ”[1], một “Giáo Hội tại gia”[2]. Gia đình chính là trường học đầu tiên dạy cho người Kitô hữu cung cách làm người cũng như giúp họ vững bước trong cuộc lữ hành đức tin. Vì thế, giáo dục là điều cần thiết trong gia đình. Quản Trọng[3] đã nói: “Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”.

Phụng vụ hôm nay giới thiệu cho chúng ta một mô hình lý tưởng để xây dựng gia đình tại thế đó chính là Thánh Gia Thất. Thánh Gia với cha Giuse, Mẹ Maria, và Chúa Giêsu được xem như là khuôn mẫu của gia đình lý tưởng: một gia đình thánh thiện gương mẫu, một mái ấm tình yêu và đầy lòng thương xót, một cái nôi của tình thương.

Nơi Thánh Gia, ta học nơi cha thánh Giuse đời sống trinh khiết, công chính, sự hy sinh thầm lặng, từ bỏ ý riêng và mẫu gương sống đức tin.
Nơi Thánh Gia, ta học nơi Mẹ Maria - một tỳ nữ hèn mọn - sự vâng phục, khiêm nhường, phó thác và thực thi thánh ý của Thiên Chúa.

Cuối cùng, nơi Thánh Gia, ta học nơi Đức Giêsu sự vâng phục và yêu thương, yêu thương cho đến hơi thở cuối cùng trên thập giá.
Các bài đọc lễ Thánh Gia Thất năm C hôm nay hướng cộng đoàn phụng vụ về một gia đình có Thiên Chúa hiện diện.
Tác giả sách Huấn Ca đã nhấn mạnh đến tâm tình của con cái đối với cha mẹ trong gia đình:

“Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm,
ai kính mẹ thì tích trữ kho báu.
Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái,
khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe.
Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ,
ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng...
Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn,
ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa”
(Hc 3,3-16).

Tâm tình ấy được thể hiện một cách rõ nét nơi Đức Giêsu đó là đạo làm con: “Người đi xuống cùng với cha mẹ, họ trở về Nadarét và Người hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51). Gia đình chính là trường học đầu tiên của Hài Nhi Giêsu, là môi trường đã gieo mầm ươm Giêsu và huấn luyện để Ngài chuẩn bị bước vào sứ vụ rao giảng công khai, bắt đầu bằng việc cha mẹ đưa Ngài lên Giêrusalem để hiến dâng cho Thiên Chúa theo Lề Luật: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa” (Lc 2,22-23).

Phúc âm lễ Thánh Gia Thất kể lại: Khi được mười hai tuổi, độ tuổi mà người Do Thái xem là tuổi trưởng thành về mặt tôn giáo nên phải tuân giữ Lề Luật, Đức Giêsu cùng cha mẹ hành hương về đền Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua theo tập tục và luật Do Thái buộc phải hành hương mỗi năm ba lần[4]. Sau khi lễ xong, cha mẹ Ngài trở về, còn Đức Giêsu ngồi lại giữa các kinh sư, vừa lắng nghe vừa đối đáp. Cha mẹ Ngài tìm kiếm khắp nơi và sau ba ngày thì gặp Ngài trong đền thờ. Mẹ Maria đã nói với Ngài: “Con ơi! Sao con lại làm như vậy với cha mẹ? Con thấy không, cha mẹ đã cực khổ tìm con!”. Đức Giêsu đáp lại: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết rằng con có bổn phận trong nhà Cha của con sao?” (x.Lc 2,41-52). Đức Giêsu nói như thế thì liệu rằng Mẹ Maria có buồn chăng? Theo cái nhìn nhân loại, có lẽ nhiều người cho rằng đó thực sự là những lời khó nghe và làm cho nhiều người ngỡ ngàng và khó chấp nhận: con cái sao lại nói với cha mẹ kiểu như thế! Nhưng với Mẹ Maria, Mẹ chẳng buồn chút nào vì Mẹ là Mẹ của những kẻ tin, là Mẹ của những người “xin vâng”, và là Mẹ của những người biết lắng nghe và thực thi thánh ý Thiên Chúa. Mẹ rất hạnh phúc khi được ở trong gia đình Nước Trời. Như thế, chỉ khi nào người Kitô hữu biết đặt Chúa vào trọng tâm của gia đình và luôn luôn tìm kiếm thánh ý Ngài trong cuộc sống, thì khi đó họ mới có một gia đình hạnh phúc đích thực. Chính nhờ sự giáo dục, dưỡng nuôi của cha thánh Giuse và Mẹ Maria mà “Hài Nhi Giêsu ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40). 

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ!
Ngay từ thuở ban đầu, Thiên Chúa tạo dựng nên con người có nam có nữ để làm nên một gia đình, có cha có mẹ và con cái để sống yêu thương. Thế nhưng, Ađam - Evà đã tự cắt đứt mối dây tình yêu đó và đôi uyên ương đầu tiên của nhân loại đã đánh mất hạnh phúc.

Cũng vậy, sống trong xã hội hưởng thụ hôm nay, đời sống đạo trong từng gia đình người Kitô hữu đang có nguy cơ giảm sút: gia đình không còn dành thời giờ cầu nguyện sớm hôm; nhiều người Kitô hữu dần bỏ quên ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng; họ tìm cách tránh né các bí tích, nhất là trong xã hội Phương Tây, có người đến với Chúa nơi nhà thờ chỉ ba lần trong đời (lúc rửa tội, hôn phối và qua đời); các bạn trẻ bỏ bê, trễ nải việc học giáo lý,...thực trạng đó dẫn đến những rạn nứt đổ vỡ trong gia đình. Ly thân, ly dị, phá thai, các tệ nạn xã hội đang ở tình trạng báo động,... Đã một thời gian dài, người ta bỏ quên bậc thang giá trị gia đình, thế thì làm sao gia đình có được hạnh phúc.

Giữa lòng xã hội hôm nay, gia đình Nadarét nổi lên như là một gia đình gương mẫu cho mọi gia đình tại thế noi theo. Gia đình Nadarét cũng là một gia đình nghèo khó như bao gia đình khác. Lúc lọt lòng mẹ, Hài Nhi Giêsu được sinh ra thì đã không có nơi trú ngụ, bị người đời hắt hủi xua đuổi, phải đi lánh nạn chỉ vì cha mẹ quá nghèo. Cha Giuse và Mẹ Maria của Ngài cũng là những người dân lao động bình thường như bao con người khác. Và cũng như nhiều đứa trẻ khác, Con Thiên Chúa làm người, cũng bị xã hội chối từ. Thế nhưng, “Hài Nhi Giêsu vẫn ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52). Một gia đình nghèo phải bôn ba đó đây, nhưng trong cái phận nghèo ấy, Thánh Gia vẫn tìm thấy được niềm vui và hạnh phúc vì họ cảm thấy luôn có Thiên Chúa cùng hiện diện với họ.

Thư Mục Vụ Năm Đức Tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2012 hướng dẫn các gia đình như sau: Trong suốt lịch sử mấy trăm năm của Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam, gia đình vẫn là cái nôi thông truyền đức tin cho con cái, là trường dạy giáo lý đầu tiên cho thế hệ trẻ, là nơi đào tạo những Kitô hữu vững mạnh trong đức tin và gương mẫu trong đời sống đạo đức. Ngày nay, dù phải đối diện với nhiều lo toan trong cuộc sống, xin anh chị em cố gắng duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp này của gia đình công giáo. Hãy xây dựng gia đình mình thành ngôi nhà thờ phượng Chúa, trường dạy đức tin, và mái ấm tình thương. Đây là phương thế cụ thể và hữu hiệu nhất để anh chị em góp phần vào công cuộc Tân Phúc Âm hoá mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo Hội và từng người chúng ta” (số 9). Quả thật, một gia đình Kitô hữu đích thực là một gia đình luôn tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa.

Mừng lễ Thánh Gia Thất hôm nay, ước gì mỗi gia đình nhân loại cũng biết họa lại hình ảnh của gia đình Nadarét xưa, trở thành một gia đình Kitô giáo đích thực, với hình ảnh của một người cha gương mẫu, một người mẹ hiền từ và một người con biết lắng nghe và hiếu thảo. Hãy mặc lấy tâm tình và sống theo tinh thần của Thiên Chúa, như lời khuyên của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho giáo đoàn Côlôsê, đó là “tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và hãy tha thứ cho nhau... Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng” (Cl 3,12-13.18-21).

Xin Chúa cho mọi thành phần trong gia đình giáo phận biết yêu thương nhau, cùng đồng lòng chung sức xây dựng giáo phận mỗi ngày thăng tiến hơn và cho mỗi gia đình Kitô giáo biết học hỏi và đào sâu sứ mệnh của mình trong Giáo Hội và trong xã hội bằng cách lắng nghe và tìm kiếm thánh ý Chúa, siêng năng kinh lễ, chung thủy trong tình yêu và chia sẻ cuộc sống trong tình huynh đệ, để chu toàn cuộc sống ơn gọi gia đình của mình, từ đó hương thơm tiếng tốt của từng gia đình thành nơi chiếu tỏa niềm tin, thành mái ấm tình thương cho những người khổ đau, nghèo khó. Amen.


 


[1] Công đồng Vaticano II. Hiến chế Lumen Gentium, số 11.

[2] ĐGH Gioan Phaolô II. Tông huấn Familiaris Consortio, số 21.

[3] Quản Trọng (725 TCN - 645 TCN): họ Cơtộc Quản, tên thực Di Ngô, tự là Trọng, là một chính trị gianhà quân sự và nhà tư tưởng Trung Quốc thời Xuân Thu, tại https://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BA%A3n_Tr%E1%BB%8Dng
 

[4] Kinh Thánh ấn bản 2011: Xh 23,14-17; 34,23; Đnl 16,16.

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Trần Thanh Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây