Những ngày tạo dựng

Thứ hai - 13/05/2024 19:07
Creation of Creatures


NHỮNG NGÀY TẠO DỰNG

Erwan Chauty SJ
Giáo sư Chú giải Kinh Thánh
Facultés Loyola Paris (trước đây là Centre Sèvres)


Ta lại nghe nói: Chương đầu của sách Sáng Thế Ký góp phần xây dựng một nền văn hóa trong đó nhân loại, tin rằng mình ngang hàng với Thiên Chúa, cho phép mình thống trị thiên nhiên như thể nó là một cái gì đó khác với mình, với những hệ quả trầm trọng của thế Nhân tân (Anthropocène).[1] Nhưng đây có thực sự là điều mà Stk 1 đang nói đến? Để thấy rõ điều này, ta hãy nghĩ về vai trò của bảy “ngày” trong cấu trúc của trình thuật tạo dựng.

Từ ngữ của bản văn Stk 1 rất khác với ký ức có phần mơ hồ vẫn còn đọng lại trong nền văn hóa của chúng ta. Chẳng hạn, hãy thử dựng lại một câu chuyện như vậy: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa dựng nên trời và đất, mặt trời và mặt trăng, các tinh tú. Rồi Ngài làm cho đất khô nổi lên bằng cách tách nó ra khỏi biển. Sau đó Ngài tạo ra tất cả các loài thực vật, thảo mộc, thực vật và cây cối, sau đó là cá, chim và tất cả các động vật trên cạn. Cuối cùng, Ngài tạo ra con người theo hình ảnh Ngài, người nam và người nữ, và nói với con người: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất”.

Nhưng trình thuật của Stk 1 không ngừng nói về các “ngày”: “Qua một buổi chiều và một buổi sáng: Đó là ngày thứ nhất”. Liệu có nên đọc “ngày” như một khoảng thời gian tương đương với 24 giờ không? Có hai sự kiện chống lại điều này. Đầu tiên, có ba ngày đầu tiên được tính trước khi mặt trời được tạo ra; ta tự hỏi làm sao có được một “buổi chiều” và một “buổi sáng” tính theo thời gian: Ngay cả người du mục Do Thái cổ cũng biết rõ rằng mặt trời “lặn” đi để nhường chỗ cho đêm. Hơn nữa, trường độ thời gian không thực sự được cảm nhận trong trình thuật này: Tại sao lại cần cùng một khoảng thời gian như nhau để tạo ra tất cả thảm thực vật ("ngày thứ ba"), mặt trời và mặt trăng ("ngày thứ tư"), hay thậm chí tất cả các loài động vật trên cạn và con người (“ngày thứ sáu”).

Nhưng “các vầng sáng” “phân rẽ ngày với đêm” trước tiên được trình bày như “dấu chỉ” (c. 14). Chẳng lẽ chúng ta không nhìn thấy trong bảy ngày Tạo dựng này là một “dấu chỉ”, thay vì những khoảng thời gian bằng nhau - một tổ chức tinh thần, một cách phân loại hợp lý tất cả sự sinh sản mà con người khám phá được trên thế giới? Bảy ngày không còn là “trường độ thời gian công việc của Thiên Chúa”, mà là nỗ lực của tác giả được linh ứng nhằm sắp xếp sự đa dạng bất tận các yếu tố của thế giới mà ông thuộc về?

Trong đường hướng này, nếu đã rất rõ ràng rằng chỉ có con người mới được tạo dựng “theo hình ảnh và giống Thiên Chúa”, và nếu chỉ có con người là được Thiên Chúa mời gọi “thống trị và làm bá chủ”, thì điều quan trọng cần lưu ý là con người không được tạo dựng vào một ngày dành riêng cho mình. Xuất hiện vào ngày thứ sáu, con người chia sẻ điều kiện của “gia súc, loài bò sát và dã thú”. Như vậy, khi sinh sống trên mặt đất, con người chia sẻ với động vật những gì phân biệt nó với cá nước và chim trời: Được tạo ra vào ngày thứ năm, chúng cư trú ở những không gian khác, đó là nước và không khí “dưới vòm trời”. Vả lại con người cũng nhận được từ Thiên Chúa những lời mệnh lệnh giống như loài chim: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều”.

Về lương thực, con người chia sẻ những điểm chung với các sinh vật khác. Chắc chắn, chỉ có con người được ăn “mọi thứ cây có trái mang hạt giống”. Tuy nhiên, cùng với những sinh vật khác của ngày thứ sáu và chim chóc được tạo dựng vào ngày thứ năm, con người cũng ăn “mọi thứ cỏ xanh tươi” (toute herbe). Tuy nhiên, nếu “cây trái” (arbre) không phải là “cây cỏ” (herbe), hãy lưu ý rằng tất cả những thảo mộc bổ dưỡng đều được tạo ra vào ngày thứ ba. Do đó, “ngày” thứ ba này nuôi dưỡng cả những gì được tạo dựng vào “ngày” thứ năm và “ngày” thứ sáu.

Qua trình thuật này, hiện lên một suy nghĩ tinh tế về vị trí của con người trong vũ trụ. Chắc chắn là chỉ có con người khám phá ra mình được tạo dựng "theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa", Đấng tạo ra bầu trời, “các vầng sáng” của nó và trái đất. Con người là tạo vật duy nhất được kêu gọi đảm nhận vai trò cai trị, hay quản lý, đối với toàn bộ tạo vật. Nhưng việc cơ cấu trình thuật thành các “ngày” giúp nói ra nét đặc biệt của con người với tất cả phần còn lại của tạo vật, trong đó nó có những điểm tương đồng và khác biệt về mức độ, được thể hiện bằng các “ngày”. Con người chia sẻ nhiều hơn với động vật, một ít với chim chóc; và, giống như mọi thứ xung quanh– trái cây, thảo mộc, cá biển, những tinh tú xa xôi – con người được sinh ra từ hành động sáng tạo của Thiên Chúa, nếu không thì mọi thứ sẽ chỉ là “hoang vu và trống rỗng”.
 

[1] Anthropocène (thế Nhân tân hay thế Nhân loại, kỷ Nhân sinh) là thuật ngữ được một số nhà khoa học sử dụng để miêu tả giai đoạn gần đây nhất trong lịch sử Trái Đất. Nó không có điểm khởi đầu chính xác, nhưng có thể coi là bắt đầu vào khoảng cuối thế kỷ 18, khi những hoạt động của loài người mới bắt đầu có ảnh hưởng toàn cầu đến khí hậu và hệ sinh thái của Trái Đất. Điểm bắt đầu của nó cũng có thể coi là trùng với sự phát minh của James Watt ra động cơ hơi nước năm 1784. Thuật ngữ này do nhà khoa học Paul Crutzen đặt ra vào năm 2000; ông là người đoạt giải Nobel Hóa học và nghĩ rằng hoạt động con người trên Trái Đất vào những thế kỷ gần đây đáng kể đến độ cần chấp nhận một thế địa chất mới.
(https://vi.wikipedia.org/wiki/Anthropocene)
 

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

 Tags: kinh thánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập103
  • Máy chủ tìm kiếm75
  • Khách viếng thăm28
  • Hôm nay21,716
  • Tháng hiện tại238,838
  • Tổng lượt truy cập31,818,571

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây