Bài thuyết minh sinh động về chứ hiếu

Thứ sáu - 12/02/2021 08:00

BÀI THUYẾT MINH SINH ĐỘNG VỀ CHỮ HIẾU
(Bài giảng Lời Chúa ngày Mồng Hai Tết Tân Sửu (2021) tại giáo xứ Thanh Bình)


            Trọng kính…..
            Nếu người Á Đông chúng ta có một câu ngạn ngữ: Nhân sinh thất thập cổ lai hy (Người sống đến tuổi 70 thật là hiếm có), thì kính thưa cộng đoàn, nhân ngày Mồng Hai Tết ngày dành riêng kính nhớ ông bà tổ tiên của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, đang hiện diện giữa chúng ta đây tôi nhận thấy có rất nhiều vị cao niên đã thọ hơn 70 tuổi. Trong tâm tình của những người con cháu, xin cộng đoàn dâng một tràng pháo tay cho tất cả các vị cao niên… 

Kính thưa cộng đoàn,
            Cái cảm nhận và cũng là tâm tình đầu tiên của tôi, một người của giáo xứ ở xa về ăn Tết với gia đình trong giây phút của buổi sang Mồng Hai Tết tại Thánh Lễ ở Nghĩa Trang nầy đó là: ấm cúng và hạnh phúc.

            Tại sao lại ấm cúng ? Như quý vị biết đó, theo cái nhìn và quan niệm thông thường, nhất là của những người không có niềm tin vào sự Phục Sinh, thì nghĩa trang là thành phố buồn, là quê hương của những người chết…, như cách cảm nhận của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong ca khúc “Cho một người vừa nằm xuống”: “… Rồi nằm xuống, không bạn bè, không có ai  Không có ai, từng ngày, không có ai đời đời. Ru anh ngủ vùi, mùa mưa tới trong nghĩa trang này có loài chim thôi!...”. Ở nghĩa trang Công Giáo của chúng ta, rất nhiều ngày trong năm và đặc biệt, ở giữa ngày Mồng Hai Tết nầy, không phải “không có ai”… hay “chỉ có loài chim thôi”…, mà cả ngàn người, và trên mỗi ngôi mộ đều rực lên những đóa hoa tươi tràn đầy niềm vui và hy vọng của mùa xuân bất diệt.

            Vâng, hôm nay và giờ nầy, chúng ta đang sống chiều kích “hiệp thong trọn hảo” của mầu nhiệm “Các thánh cùng thong công”, một mầu nhiệm nối kết giữa cháu con và tiên tổ, để những người còn sống truy nhận và tưởng nhớ những gia tài cao quý mà các bậc tiền nhân trao lại, như sách Khôn Ngoan đã nhắc bảo chúng ta nơi Bài Đọc 1: Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ. Nhưng các vị sau đây là những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con…. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế…”.

            Và việc “tưởng nhớ, cầu nguyện cho các bậc tiền nhân” lại không chỉ là một hành vi mang tính nhân văn mà còn là một đòi hỏi bắt buộc của Giới răn Đức Chúa Trời – Điều răn thứ Tư- như chúng ta đã từng học biết ngay từ thuở ấu thơ, và Lời Chúa hôm nay được đồng thanh nhắc lại nơi thư của Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Êphêsô: “kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này…”, và nơi chính môi miệng của Đức Kitô trong Tin Mừng Matthêô chúng ta vừa nghe, khi Ngài lên án thái độ giả hình đầy bất hiếu của những người Luật sĩ và Biệt phái: Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy, không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa.”.

            Kính thưa cộng đoàn, Lời Chúa là như thế, Giới răn đã quá rõ ràng như thế, nhưng chúng ta cũng biết rằng, ngay trong những giây phút ấm cúng thiêng liêng của những ngày Tết, không thiếu những người ông, người bà, những người cha, người mẹ bị con cháu bỏ rơi, rẻ rúng, xúc phạm…, thậm chí bị hành hung cách bạo lực hoặc bị sát hại… Đó là những “tội đang kêu thấu tới trời”, những vết thương đau day dứt trong xã hội loài người muôn nơi muôn thuở.

            Có lẽ, chính vì cảm nhận được tình trạng đau đớn nầy, mà vào này 31.01.2021 vừa qua, vị mục tử tối cao của Giáo Hội Công giáo, Đức Giáo Hoàng Phanxico, đã quyết định thành lập một “Ngày Quốc tế Ông bà và Người cao tuổi”, khi ngài phát biểu rằng: “… Ông bà thường bị lãng quên và chúng ta quên đi sự phong phú của việc gìn giữ cội nguồn và sự truyền lại này. Và vì điều này, tôi quyết định thiết lập Ngày Quốc tế Ông bà và Người cao tuổi, hàng năm sẽ được cử hành trong toàn Giáo hội vào Chúa Nhật thứ Tư của tháng Bảy, gần với ngày lễ Thánh GioaKim và Anna, ông bà của Chúa Giêsu…”.

            Kính thưa cộng đoàn, năm nay Hội Thánh dành một năm đặc biệt kính Thánh Giuse. Hình ảnh Thánh Giuse trong gia đình Nadaret luôn gợi lên “đức hiếu đạo” cho mọi gia đình, cho ông bà cha mẹ và mọi thế hệ con cháu. Các bậc cao niên trưởng thượng luôn là những “Giuse Công chính trong gia đình, gia tộc”, và các thế hệ con cháu luôn là những “em bé Giêsu luôn vâng vâng phục kính tôn Mẹ Maria và cha thánh Giuse”…

            Người Á Đông có câu đối Tết nầy:
Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ
Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên
(Năm có 4 mùa, mở đầu bằng mùa Xuân.
Người ta có trăm tính nhưng tính hiếu thảo là cần trước hết).

            Như vậy chúng ta dành ngày đầu xuân nầy để sống Giới răn Hiếu thảo thì thật chính đáng và phải đạo. Chúng ta sốt sắng hiệp dâng Thánh lễ để cầu nguyện cho ông bà tiên tổ đã qua đời được hưởng phúc thanh nhàn trong Nước Chúa; cho những ông bà cha mẹ còn sống được khang an trường thọ và được cháu con chăm sóc, kính yêu; và cho tất cả chúng ta, phận con, phận cháu luôn trở thành “bài thuyết minh đúng nghĩa” về những Lời dạy của Phúc Âm về hiếu đạo trong mái ấm gia đình. Amen.

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trương Đình Hiền (Tết Tân Sửu 2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập165
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm148
  • Hôm nay13,912
  • Tháng hiện tại167,636
  • Tổng lượt truy cập29,147,174

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây