Thánh thiện thật - Thánh thiện giả

Thứ tư - 16/10/2019 04:37

THÁNH THIỆN THẬT - THÁNH THIỆN GIẢ
(Mt 23, 14 – 15)

1. Chúng ta đang sống trong một thế giới thật, giả lẫn lộn. Ngay cả trong đời sống tôn giáo cũng có thánh thiện thật và thánh thiện giả không dễ gì có thể phân biệt được. Vậy để phân biệt thánh thiện thật – thánh thiện giả, chúng ta cùng đọc lại lời Chúa nói với những người giả hình: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên các người sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn. (Mt 23, 14). Trong câu này có 2 vế khác nhau, nhưng liên kết chặt chẽ với nhau:
- Vế thứ nhất “nuốt hết tài sản của bà góa”. Ý này của Chúa Giêsu muốn nói đến việc tham lam tiền của bất chính. Đây là hành động bên trong, được che giấu cẩn thận, ít người có thể phát hiện được.
- Vế thứ hai “đọc kinh cầu nguyện lâu giờ”. Đây là một việc đạo đức tốt. Nếu việc đạo đức này cố tình thực hiện nơi công khai thì ai cũng có thể nhìn thấy được.
Thông thường chúng ta chỉ để ý vế thứ hai “đọc kinh cầu nguyện lâu giờ” rồi kết luận ngay là đã thánh thiện đạo đức rồi. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại lên án nặng nề những người này “khốn cho các ngươi”, bởi vì đằng sau hình thức bề ngoài rất tốt “đọc kinh cầu nguyện lâu giờ” nhưng đời sống bên trong không tốt “nuốt hết tài sản của bà góa”.

2. Đến đây xin được nói rõ hơn về hình thức bên ngoài và hành động bên trong:
- Hình thức bên ngoài: Là những cử chỉ, lời nói, việc làm mà ai cũng có thể nhìn thấy bằng mắt, nghe được bằng tai, nếu đương sự muốn phô trương.
- Đời sống bên trong: Là những cử chỉ, lời nói, việc làm được che giấu cẩn thận. Dù vậy đời sống bên trong có Thiên Chúa biết, chính đương sự biết và một số ít người có liên quan có thể biết được. Người có liên quan thông thường là những: người thân cận, người chứng kiến, người nắm giữ bằng chứng, người được ơn khôn ngoan…

3. Để rõ hơn về sự thánh thiện thật – thánh thiện giả, chúng ta cùng tiếp tục nghe Chúa Giêsu nói: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người.” (Mt 23, 15). Câu nói này của Chúa cũng có 2 vế khác nhau nhưng liên kết chặt chẽ với nhau:
- Vế thứ nhất “Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo”. Đây là điều quá tốt trong truyền giáo. Việc này mọi người có thể nhìn thấy và đếm được số lượng.
- Vế thứ hai “nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục gấp đôi các ngươi”. Sở dĩ có việc “xuống hỏa ngục gấp đôi” đó là người theo đạo nhưng không đi theo Chúa thật sự mà chạy theo ngẫu tượng, mê tín dị đoan hoặc theo chính người dẫn đưa họ. Điều này ẩn sâu bên trong người tòng giáo, người bên ngoài khó nhận thấy.
Cũng như phân tích ở trên, thông thường chúng ta chỉ nhìn thấy vế thứ nhất “rủ được một người theo đạo” rồi kết luận lập tức rằng đó là thánh thiện. Tuy nhiên, để kết luận được sự thánh thiện thật cần phải xem xét động cơ theo đạo vì lí do gì? Vì nếu động cơ theo đạo không tốt thì còn nguy hiểm cho linh hồn người theo đạo “gấp đôi”.

4. Qua những phân tích về đoạn Lời Chúa trên, chúng ta có thể thấy được cả sự thánh thiện giả và sự thánh thiện thật đều có điểm chung là hình thức bề ngoài tốt. Vì thế, sự thánh thiện thật và thánh thiện giả rất dễ gây nên sự ngộ nhận và lầm lẫn cho nhiều người. Chúng ta có thể công thức hóa sự thánh thiện thật và thánh thiện giả như sau:
- Sự thánh thiện thật = Hình thức bên ngoài tốt + đời sống bên trong thánh thiện.
- Sự thánh thiện giả = Hình thức bên ngoài tốt + đời sống bên trong không tốt.
Vậy người thánh thiện thật là người có hình thức bên ngoài thánh thiện và đời sống bên trong: bác ái, công bằng, khiêm nhường…Người thánh thiện giả là người có hình thức bên ngoài thánh thiện nhưng đời sống bên trong thiếu bác ái, thiếu công bằng, đầy kiêu ngạo… đó là những người bị Chúa Giêsu lên án nặng nề. Vì thế, khi xem xét sự thánh thiện, chúng ta không chỉ dựa vào hình thức bên ngoài mà còn xem xét đời sống bên trong. Đừng vội vàng kết luận khi chỉ nhìn thấy hiện tượng bên ngoài tốt mà thôi. Chính chúng ta cũng đừng hài lòng và tự cho mình thánh thiện khi chỉ dựa vào hình thức bên ngoài của chính mình.

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Đức Minh

 Tags: Suy niệm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập53
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm28
  • Hôm nay11,005
  • Tháng hiện tại356,721
  • Tổng lượt truy cập29,336,259

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây