Giảng lễ Chúa Nhật 16 Thường niên B

Thứ năm - 19/07/2018 17:00

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 16 TN B.

1. "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút" (Mc 6, 31). Sau cuộc hành trình truyền giáo vất vả, các tông đồ phấn khởi thuật lại cho Đức Giêsu nghe những thành quả vàng son của mình. Nhưng Người lại quan tâm đến con người hơn công việc. Người muốn các ông hãy dành một chút nghỉ ngơi cho thân xác, một chút lắng đọng cho tâm hồn, để tách mình ra khỏi đám đông, để sống tình thầy trò, tương giao mật thiết với Thầy và với nhau.

Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ trong Sáu ngày, ngày thứ Bảy Ngài nghỉ ngơi (St 2,3) "Trải qua sáu năm ngươi hãy gieo trong đất, thâu lấy hoa lợi, nhưng qua năm thứ bảy hãy để đất hoang cho nghỉ" ( Xh 23,10-13).

Trong Kinh Thánh, Chúa dạy người Do Thái về thời gian để nghỉ ngơi: bảy ngày thì nghỉ một ngày, và bảy năm thì nghỉ một năm. Ngoài ra người Do Thái còn có các ngày lễ khác để nghỉ ngơi nữa, như lễ Vượt Qua, lễ Ngũ Tuần, Đại Lễ Chuộc Tội v.v... Và hẳn nhiên là người ta cũng nghỉ ngơi mỗi đêm, mỗi bữa ăn, v.v...

Lời khuyên này của Chúa ngày nay vẫn được những người tu hành, các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, đặc biệt coi trọng. Hằng năm, hàng tháng các vị đó vẫn có những cuộc tĩnh tâm, có khi kéo dài một tháng, có khi một tuần, có khi một ngày, hay ít ra cũng một buổi. Trong thời gian đó, họ sẽ kiểm điểm đời sống, cầu nguyện, định hướng cho hoạt động sắp tới...

Luật thánh hóa ngày Chúa nhật: Điều răn thứ ba dạy ta phải thánh hóa ngày Chúa nhật. Thánh hóa là làm cho ngày đó nên thánh thiện. Mà muốn làm cho ngày đó nên thánh thiện thì dự lễ chỉ là một việc, ngoài ra còn dành nhiều thời giờ của ngày đó để làm những việc Chúa muốn, như đọc kinh cầu nguyện nhiều hơn, làm thêm những việc lành, lưu ý đến kẻ khác hơn bằng cách dùng ngày nghỉ đó để tới lui thăm viếng, truyện trò, an ủi nhau, giúp đỡ nhau v.v..

Ngày nay, tại các công xưởng, trường học, các công nhân, các học sinh thường có giờ nghỉ giải lao, giờ nghỉ trưa, ngày nghỉ hằng tuần, những ngày nghỉ lễ, nghỉ phép hằng năm. Chúng ta hãy biết quý trọng, và biết lợi dụng những ngày giờ ấy để mà làm "nên những ngày giờ thánh". Trừ trường hợp ngoại lệ rất đặc biệt, còn không thì chúng ta nên dùng những ngày giờ trên để mà nghỉ ngơi, bồi dưỡng lại tinh thần và thể chất của mình.

Một thanh niên lực lưỡng xin đốn cây để phụ giúp gia đình. Thấy anh vạm vỡ, chủ liền trao cho anh một chiếc rìu, dẫn anh vào rừng và bảo:
- Anh thử đốn cây này cho tôi xem.
Vì đã từng lao động, nên anh đốn rất nhanh. Ông chủ nhận anh vào làm việc, đưa ra mức lương và cho nơi cư ngụ.
Dù mệt nhọc nhưng anh cảm thấy rất vui, vì nghĩ rằng cuối tuần sẽ có một số tiền kha khá đem về gia đình. Thứ Hai, Thứ Ba, rồi Thứ Tư vùn vụt trôi qua. Đến ngày Thứ Năm, chủ gọi anh vào cám ơn và trao cho anh tiền công cả một tuần.
Anh vui sướng cầm những tờ giấy bạc thấm đẫm mồ hôi, đôi mắt rạng ngời niềm vui. Bỗng chợt nhận ra có điều gì bất thường, anh thắc mắc hỏi chủ :
- Tôi xin cám ơn chủ đã trả lương cho tôi suốt tuần. Nhưng sao không để đến thứ bảy mà lại trả lương vào hôm nay.
- Đáng tiếc là tôi không thể mướn anh được nữa, vì theo sổ sách thì anh đốn được nhiều cây nhất vào ngày thứ Hai, nhưng qua ngày thứ Ba cây đã giảm xuống, và ngày thứ Tư anh là người đốn được ít cây nhất trong các công nhân ở đây.
- Nhưng thưa ông chủ, tôi đã làm hết sức mình. Tôi đi làm sớm về trễ. Tôi chỉ nghỉ để ăn trưa có nửa tiếng thay vì một tiếng. Tôi làm việc không ngừng. Tôi làm việc cả giờ giải lao. Vậy ông chủ còn muốn gì nữa ?
- Những gì anh vừa nói không sai chút nào, tôi hoan nghênh sự nhiệt tình của anh. Nhưng tôi chỉ xin hỏi anh một câu : anh có mài rìu không ?

Lắm khi chúng ta quên mất "mài rìu", vì cho rằng khối lượng công việc chồng chất, vì thời buổi kinh tế cạnh tranh, nên không dễ tìm được một chút tĩnh lặng : để thẩm định lại những biến cố, và rà soát lại công việc đã làm và lắng nghe được tiếng Chúa mời gọi.

Nếu muốn đốn nhiều cây càng phải năng "mài rìu" cho sắc.
Nếu muốn đi thật xa càng phải luôn dừng lại để nghỉ ngơi, lấy sức.
Nếu muốn hoạt động tông đồ hiệu quả, càng phải năng tĩnh dưỡng tâm hồn.
Khi được hỏi bí quyết nào khiến George Washigton Carver thành công trong thành tựu khoa học của mình với trên 300 sản phẩm hữu dụng, ông đã trả lời : "Tôi thức dậy lúc 4 giờ sáng, và trong sự yên tĩnh của buổi sớm mai, tôi lắng nghe tiếng Chúa và chương trình của Người xếp đặt cho tôi".

P.Doncocur đã quả quyết : "Không một vĩ nhân nào đã thành công mà không đắm mình trong tĩnh lặng để hồi tâm và cầu nguyện". Trong cuộc hành trình về quê Trời, người ta không thể đi hết con đường vừa dài vừa dốc, nếu không dừng lại nghỉ ngơi, lấy sức và định hướng.

2. CHÚA GIÊSU TIẾP TỤC LÀM VIỆC.
Ở cuối đoạn Tin Mừng hôm nay; thánh Marcô ghi nhận rằng: Đức Giêsu rất bận rộn với biết bao công việc, đến nỗi không có giờ để ăn uống. Ngài vừa định cùng các môn đệ đi tới một nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi thì dân chúng lại kéo đến. Thấy vậy, "Ngài chạnh lòng thương và bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”. Đọc những đoạn tin Mừng khác, chúng ta thấy Đức Giêsu luôn thông cảm với những đau khổ của con người, ví dụ Ngài khóc thương thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá (Lc 19,44), khóc thương người con trai của bà góa thành Naim khi người ta đem chàng đi chôn (Lc 7,11-17) và khóc thương bên mồ Lazarô đã chết bốn ngày (Ga 11,1-14). Rồi trong lúc Ngài đi đến nhà ông trưởng hội đường Giairô để chữa bệnh cho bé gái 12 tuổi, thì một người phụ nữ bệnh loạn huyết 12 năm đã làm gián đoạn tiến trình của Ngài, bằng việc sờ vào áo Ngài… nhưng Ngài đã nhẹ nhàng nói với bà ta: hỡi con, Đức tin con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”. (Mc 5, 34). Chúa Giêsu luôn thông cảm, luôn chạnh lòng thương, và run động trước nỗi thống khổ của người khác. Nói như thánh Phaolô: vui với ai cùng vui, khóc với ai đang khổ sầu.

Người kia đến thăm người bạn của mình làm giáo sư tại một trường đại học lớn. Trong lúc hai người đang trò chuyện với nhau trong văn phòng của vị giáo sư thì những sinh viên thường tới gõ cửa để xin ý kiến về vấn đề này vấn đề nọ. Mỗi lần như thế thì câu chuyện bị gián đoạn vì vị giáo sư phải rời chỗ ngồi đi ra trả lời cho sinh viên. Cuối cùng người bạn hỏi: "Làm sao anh có thể làm việc được nếu công việc cứ bị gián đoạn mãi như thế ?" Vị giáo sư đáp: "Ban đầu tôi cũng rất bực bội. Nhưng về sau, tôi chợt ý thức rằng công việc chính của tôi chính là những lúc bị gián đoạn như thế".

Vị giáo sư có thể đóng cửa, không tiếp ai hết, để miệt mài với công việc. Làm thế thì ông có thể được yên tĩnh. Nhưng vì là một con người quảng đại hay giúp đỡ, ông không thể làm thế. Thay vào đó ông coi việc tiếp xúc và giúp đỡ sinh viên là việc chính của mình. Bởi đó, không lạ gì ông được sinh viên quý mến, và ông là người hạnh phúc nhất và hoàn thành trách nhiệm giáo sư tốt nhất trong trường Đại học.

Mặc dù biết phục vụ người khác là tốt, nhưng nhiều người chỉ muốn phục vụ một chút thôi, miễn là việc phục vụ đó đừng quá quấy rầy, đừng xáo trộn nếp sống quen thuộc của họ. Nhưng như thế không phải là phục vụ. Đức Giêsu đã phục vụ khi sẵn sàng cho người khác quấy rầy, làm xáo trộn chương trình của Ngài. Cha mẹ chúng ta cũng thế: biết bao lần các ngài đang ngủ giữa đêm phải thức dậy để chăm sóc con cái ?

Cha mẹ vui vẻ, nhân từ để con cái quấy rầy.
Thầy cô giáo, giáo lý viên không bực dọc, không nhăn nhó, để học sinh quấy rầy
Các mục tử hiền từ, nhẹ nhàng, tươi tắn, dù là lúc ngủ, đang ăn, đang làm việc, hay nửa đêm gà gáy hãy để con chiên quấy rầy. Vui vẻ, không bực dọc, không nhăn nhó, hiền từ, nhẹ nhàng, tươi tắn khi bị quấy rầy, không phải là con đường hẹp, con đường nên thánh hay sao?

Tác giả bài viết: Lm. Philipphê Phạm Cảnh Hiển

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập62
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm26
  • Hôm nay18,458
  • Tháng hiện tại425,744
  • Tổng lượt truy cập29,405,282

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây