Suy niệm Chúa nhật 14 thường niên B

Thứ năm - 05/07/2018 22:18

CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN, NĂM B
Thói kiêu ngạo và định kiến đã cản trở ơn cứu độ
( Ed 2, 2-5; 2 Cr 12, 7-10; Mc 6, 1-6)

Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc  Biển, S.S.P.

Khi Đức Giêsu đến trần gian, Ngài đã tuyệt đối trung thành với sứ vụ Thiên Sai của mình, vì thế, khi tiếp xúc với dân chúng, Đức Giêsu đã can đảm, trung thành với sứ vụ. Luôn tỏ ra là một Vị Thiên Chúa sẵn sàng khích lệ, đồng hành, cảm thông và xót thương con người. Dạy dỗ và làm nhiều phép lạ nhằm loan báo Mầu Nhiệm Cứu Chuộc cho dân để họ sám hối, tin theo và được cứu chuộc.

Tuy nhiên, khi thi hành sứ vụ, Đức Giêsu đã gặp phải rất nhiều thử thách đầy cam go do chính những người đồng hương với Ngài gây nên. Những thử thách đó khởi đi từ sự kiêu ngạo, tự phụ và thành kiến của người đồng hương.
Tuy nhiên, khi đối diện với những vấn đề như vậy, Đức Giêsu đã không chùn bước, nhưng Ngài vẫn luôn trung thành cách trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa Cha đã trao gửi cho  Ngài trong sự khiêm tốn và can đảm.

1. 
Nguyên nhân dẫn đến việc cản trở Đức Giêsu khi Ngài trở về quê hương

Hôm nay, thánh sử Máccô thuật lại việc Đức Giêsu trở về quê hương của Ngài. Trong chuyến thăm quê lần này, cũng giống như những lần khác, Ngài vẫn vào hội đường và cầu nguyện cũng như thi hành sứ vụ Thiên Sai của mình.
Tuy nhiên, Dân Do thái vốn dĩ là một dân cứng đầu, dễ nổi loạn chống đối lại Thiên Chúa. Họ luôn thách thức Thiên Chúa khi Người không đáp ứng nhu cầu của họ. Hơn thế nữa, họ rất coi trọng nguồn gốc sáng giá của một con người.

Bởi thế, thán phục các phép lạ, nhưng lại coi thường Đức Giêsu vì Ngài xuất thân trong một gia đình không mấy nổi nang! Điều này chính những người Do thái đã thắc mắc: cha ông không phải là Giuse, mẹ ông chẳng phải là bà Maria sao? vì thế, họ không tôn trọng Ngài.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên không là gì khác, đó chính là sự kiêu ngạo của những người đồng hương.
Tại sao vậy? Thưa, sự kiêu ngạo đã là đó ngáng chỗ và lòng kiêu căng đã chiếm mất chỗ của Chúa trong cuộc đời của họ.
Trước thái độ trên, Đức Giêsu đã tuyên bố một câu mà muôn đời vẫn giữ nguyên giá trị: đó là: “Tiên tri không bao giờ được tôn trọng trên chính quê hương mình”.

Qủa đúng như vậy, vì, xét theo lẽ tự nhiên, một con người dù tài giỏi đến đâu, làm việc hiệu quả thế nào, và thành đạt trên nhiều lãnh vực hay nhiều nơi đi nữa, thì khi trở về gia đình, quê hương, họ luôn bị chính những người thân cận, làng xóm coi ở mức độ “thường thường bậc chung” vì lối suy nghĩ thiển cận, nên: “Gần chùa gọi bụt bằng anh”.
Điều này Đức Giêsu đã trải qua khi Ngài trở về quê hương của mình!
Nhưng sự coi thường đáng tiếc này đã khiến cho ơn cứu độ của Thiên Chúa vuột mất khỏi họ, và suốt bao thế kỷ, họ vẫn đang chờ đợi một Đấng Kitô khác chứ không phải Đức Giêsu, Đấng đã hiện diện giữa họ cách đây hơn 2.000 năm.


2. Thực trạng kiêu ngạo của con người hôm nay

Thực trạng ấy nơi những người đồng hương với Đức Giêsu khi xưa, hôm nay vẫn còn đây đó nơi chúng ta, vì: thói ích kỷ, kỳ thị, chấp nhất, định kiến, ác cảm, nên ta hay giam người anh chị em mình trong quá khứ hay “tạc tượng” họ trong một lối nhìn tiêu cực và không bao giờ cho họ cơ hội để mở ra một tương lai tốt đẹp hơn....

Lý do họ không nhìn anh chị em mình dưới lăng kính màu hồng, mà toàn màu đen, bởi mắt họ đang đeo cặp kính râm của sự kiêu ngạo! Vì thế, lối suy nghĩ nông cạn, vu vơ và trống rỗng đã dẫn đến việc đánh giá, đối xử lệch lạc và thiếu công bằng cũng như bất nhân. Quả đúng là: “Yêu ai thì nói quá ưa – Ghét ai nói thiếu nói thừa như không”; hay Yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng”.

Những người nông nổi như vậy, họ đâu có hiểu được rằng: “Sông có khúc, người có lúc”.
Thật vậy, có người bị coi là không tốt, đồ bỏ, vứt đi ở chỗ này, nhưng họ lại được nhiều người coi trọng và kính nể ở một nơi khác.... Còn có nhiều người được xem là nhẹ nhàng, tao nhã, lịch thiệp chốn quan trường, ngoài xã hội, nhưng khi về đến gia đình, họ lại là kẻ bất nhân, vô liêm sỉ với người thân. Mở miệng ra là quát tháo, chửi bới nên “thượng thẳng tay, hạ thẳng chân” với anh chị em họ. Những người này thuộc hạng “khôn nhà dại chợ”“làm phúc nơi nao để cầu ao rách nát”; ... hay có những người ăn nói ngọt như đường mía lau, nhưng thực ra họ thuộc dạng: “Đội trên, đạp dưới” nên tâm địa bỉ ổi, xấu xa chẳng khác gì kẻ: “Miệng thì thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”. Hay như Mc Kenzie nói :”Người có tình yêu nhìn bằng viễn vọng kính, còn người ghen tị thì nhìn bằng kính hiển vi”.

3. 
Sống sứ điệp Lời Chúa

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay vừa nhắc nhở, vừa mời gọi chúng ta ý thức sứ mạng ngôn sứ cũng như lối sống và cách thức loan báo Tin Mừng!
Trước tiên, sứ mạng ngôn sứ được trao ban cho chúng ta ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Sứ mạng ấy càng thôi thúc mãnh liệt khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thêm Sức.

Vì thế, mỗi người phải có trách nhiệm loan báo Lời Chúa, thi hành sứ mạng ở mọi nơi, mọi lúc, dù: “Thuận tiện hay không thuận tiện”; được ủng hộ hay chống đối, được đón nhận hay bị khước từ, được tôn vinh hay giết chết.... Mặt khác, khi thi hành sứ vụ, chúng ta không thể chọn lựa theo ý mình, mà phải nói và làm điều Thiên Chúa muốn một cách trung thành (x. 1Cr 9,15-16); không được giả hình và bóp méo Lời Chúa (x. 2Cr 11,10 ; 13,8).

Thứ đến, khi thi hành sứ vụ, cần nhớ nằm lòng câu nói của Đức Giêsu: “Không ngôn sứ nào được kính trọng nơi quê hương mình”.
Cần nhớ rõ một điều, chúng ta đi đến đâu, làm bất cứ điều gì, sẽ có 30% người ủng hộ. 30% người chống đối, loại trừg, số còn lại dửng dưng. Đây cũng chính là số phận và cái giá phải trả của Đức Giêsu khi thi hành sứ vụ.
Bởi vì làm ngôn sứ không phải là chuyện đơn giản, mà là: “Vô cùng phong nhiêu”, phúc tạp! Vì Lời Chúa một đàng là lời tình yêu, nhưng một đàng là lời cật vấn lương tâm, vạch trần tội ác, bất công, gian dối, hình thức..., nên:  “Nếu thế gian ghét các con, thì hãy nhớ rằng họ đã ghét Thầy trước …. Đầy tớ không lớn hơn chủ mình. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con” (Ga 15,18-20).

Thật vậy, sứ mạng ngôn sứ đòi chúng ta chấp nhận lội ngược dòng, không thể sống theo phong trào hay “hiệu ứng đám đông”. Đôi khi chấp nhận điên vì sứ vụ, khùng Tin Mừng, khi dám nói lên tiếng nói công lý, công bằng ngay tại những nơi nguy hiểm như: sòng bài, quán rượu, quán karaokê…, nơi những con người đang “quậy” tứ tung hay “điên cuồng” trong những cuộc chơi bất chính....

Khi lựa chọn như thế, sự lẻ loi, cô lập và chống đối hay phải thí mạng là lẽ đương nhiên!
Mong sao, sứ mạng và số phận ngôn sứ của Đức Giêsu trong thời của Ngài, cũng là của chúng ta trong thời đại hôm nay.
Ước gì vì: “Nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” là lựa chọn của mỗi người Kitô hữu, vì: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta” nên chúng ta “được Chúa kêu gọi để tỏa sáng như các vì sao  giữa lòng thế giới tối tăm này” (Pl 2,15).

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con sự khiêm nhường và tình yêu của Chúa, để chúng con yêu cả những người thù ghét mình. Xin ban sức mạnh của Chúa, để chúng con can đảm, vững bước trên con đường thi hành sứ vụ.
Xin cho chúng con mặc lấy lòng bao dung, nhân hậu của Chúa, để chúng con đón nhận anh chị em chúng con trong tình Chúa và tình người. Amen.

 


SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XIV – B
Hãy rao giảng Tin Mừng, dù gặp điều bất lợi
(Mc 6, 1 - 6)

Phụng vụ lời Chúa hôm nay giúp chúng ta khám phá những cảm xúc từ Trái Tim Chúa Giêsu đối với những người đồng hương khi vào hội đường rao giảng. Thánh sử Marcô viết rằng, Chúa Giêsu "ngỡ ngàng về sự cứng lòng tin của họ" (Mc 6,6). Đây là một bất lợi cho chính Chúa Giêsu, một đàng có các môn đệ theo cùng về quê, đàng khác ngay tại quê hương, Thầy mình cũng không được đón nhận, vậy tương lai công việc của họ theo Thầy sẽ ra sao? Hẳn các môn đệ Chúa cũng sửng sốt về sự thiếu lòng tin của những người đồng hương với Thầy Giêsu và phản ứng của Thầy sau này nữa. Sự ngạc nhiên của Chúa Giêsu tương ứng với sự sửng sốt của những người đồng hương, theo một nghĩa nào đó cũng lấy làm đau buồn! Mặc dù Chúa biết không tiên tri nào được đón nhận nơi quê hương, nên Người đã thốt lên câu nói để đời  "Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình", nghĩa là không có tiên tri nào được đón nhận nơi những người đã nhìn thấy tiên tri ấy sinh ra và lớn lên (x. Mc 6,4).

Cứ sự thường, khi người ta đã nghe biết những việc Chúa Giêsu làm, lẽ ra họ phải chào đón Người bằng tình yêu và lòng mến, hay hơn thế là hồ hởi lắng nghe lời Chúa Giêsu giảng dạy với lòng thán phục. Điều ngược lại là sự thật : "Họ sửng sốt về giáo lý của Người" (Mc 6,3). Những người đồng hương của Chúa "sửng sốt" vì sự khôn ngoan của Chúa, một loạt câu hỏi được đặt ra : "Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?" Sự gần gũi, thân thiện gia đình, tình làng nghĩa xóm ấy làm cho họ ngạc nhiên. Từ ngạc nhiên bởi sự khôn ngoan và lời nói thốt ra từ miệng Người, cũng như các phép lạ Người làm tại Galilê sang từ chối, khiến họ không nhận ra Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người ở giữa làng họ và họ "vấp phạm vì Người" (Mc 6, 3).

Thiên Chúa muốn làm người để cảm thông, thân thiện, chia sẻ thân phận hèn mọn của con người. Nhưng xót xa thay! Chính điều Thiên Chúa muốn gần con người lại là điều làm con người vấp phạm.

Thánh Bernard nói rất hay khi viết : "Con Thiên Chúa đã đến và làm những điều kỳ diệu trong thế giới này, Người xé nát tâm trí chúng ta từ tất cả những điều trên thế gian, để chúng ta suy niệm và không bao giờ ngừng ca tụng những kỳ quan của Chúa. Người mỡ cho chúng ta những chân trời vô tận và dòng sông ý tưởng tuyệt vời, dồi dào đến mức không bao giờ vơi cạn. Có ai hiểu lý do tại sao Đấng uy nghi tối thượng muốn chết để ban cho chúng ta sự sống, để phục vụ cho chúng ta, Người đã sống lưu vong để mang chúng ta trở về quê trời, Người đã hạ thấp bản thân mình, nhận lấy những điều hèn hạ và bình thường nhất để nâng con người chúng ta lên? "

Thời nào cũng thế, thế gian không ưa các tiên tri. Trong Cựu Ước, nhiều vị đã phải chết vì sứ vụ của mình. Như Giêrêmia, Dacaria và nhiều vị khác. Còn tiên tri Êlia chỉ nhờ chạy trốn mới có thể thoát chết. Chúa Giêsu cũng không đi ngoài qui luật ấy. Tuy nhiên, dù bị đe dọa, Chúa Giêsu không nao núng. Dù bị một số người khước từ, Lời của Chúa vẫn được loan truyền đi khắp nơi và không gì có thể ngăn cản Người được.

Chúng ta sống trong một thế giới bất tín và dửng dưng. Nhưng chính trong môi trường khước từ siêu nhiên như thế mà chúng ta được sai đến như các tiên tri của Chúa. Tiên tri là phát ngôn nhân, là người nói thay cho Thiên Chúa. Sứ vụ của tiên tri là loan báo Tin mừng và chứng nhân mang đến niềm hy vọng và các giá trị kitô giáo cho những nơi vắng bóng và thù địch với niềm tin kitô.

Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu dấn thân vào sứ vụ loan báo Tin mừng cho người nghèo khó mà Thiên Chúa Cha đã giao phó. Người đã đi vào một môi trường hòan toàn bất lợi và xung khắc với Người, nhưng Người đã không lùi bước, trái lại, Người đã trung thành cho đến giây phút cuối cùng. Còn chúng ta, vì đã được rửa tội và thêm sức, tất cả chúng ta được liên kết vào trong sứ vụ ấy. Và cũng như Người, có thể chúng ta sẽ gặp chống đối. Mang trong mình chứng từ của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, ngày nay, người kitô hữu dễ bị phê phán và bị chế nhạo, và phải đi ngược dòng với tâm tưởng của thế gian. Nhưng nếu chúng ta trung thành với Đức Kitô, thì không gì có thể tách rời chúng ta khỏi tình yêu của Người. Lời Người là lời mang lại sự Sống đời đời. Khi tiếp nhận Lời, chúng ta có thể giữ được niềm hy vọng trong ta.
Lạy Chúa, xin ban ơn can đảm cho chúng con, đễ dầu gặp khó khăn thử thách, chúng con vẫn nhất quyết đem Tin Mừng của Chúa đến với anh chị em chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ


 

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XIV – B
Họ cứng lòng khiến Chúa ngạc nhiên
(Mc 6, 1 - 6)

Bị hiểu lầm hay bị từ chối là những điều khiến người ta phiền lòng. Êdêkien, và ngay cả Chúa Giêsu Con Thiên Chúa làm người cũng không đứng ngoài qui luật thường tình ấy. Là ngôn sứ thì dù ở hội đường, hay trong gia đình, cũng sẽ gặp khó khăn, có thể bị ruồng bỏ là kinh nghiệm của Chúa Giêsu và Êdêkien. Êdêkien được Chúa chọn, gọi làm ngôn sứ cho dân đi lưu đầy cùng với ông : "Ta sai ngươi đến để nói với những con cái dầy mặt cứng lòng... Hoặc chúng nghe, hoặc chúng không nghe, vì đây là bọn phản loạn" (Ed 2, 4-5). Chúa Giêsu về hội đường giảng dạy cho người đông hương cũng phát buồn và thốt lên câu nói để đời : "Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình" (Mc 6, 4). Tại sao vậy ?

Biết rõ
Tin Mừng Nhất Lãm thuật lại sự lúng túng của dân thành Nagiarét trước Chúa Giêsu người đồng hương của họ đi xa trở về nơi hội đường. Vì họ đã quá biết về gia thế của Chúa Giêsu, vì biết rõ nên họ không đánh giá đúng về Người.

Có lẽ đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu trở về Nagiarét sau khi đi thi hành sứ mạng công khai. Nagiarét là cái nôi của thời thơ ấu, thời niên thiếu của Chúa Giêsu. Nơi ấy có gia đình, bà con, thân bằng quyến thuộc, bạn bè, quê hương, nên khi Chúa Giêsu trở về nhà họ biết ngay. Trong số họ có người đã từng thấy Chúa Giêsu được mẹ ẵm bế, như bao nhiêu trẻ em khác. Con cái họ và Chúa Giêsu đều học chung một lớp, cùng chơi và cười đùa với nhau. Cùng thảo luận những bài học về cái cửa, cái xà. Chúa Giêsu đã từng cầm cưa, bào, đục, và nhất là nói giọng nói miền quê Nagiarét trong suốt bấy nhiêu năm trời.

Lần trở về này nhằm ngày Sabát, Chúa vào hội đường, dân làng đón tiếp Chúa rất vui vẻ. Tại đây, Chúa bắt đầu giảng dạy : "Nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng : "Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy?" (Mc 6, 2).  Nói xong bỗng nhiên thái độ của họ đổi hẳn vì những cái đã biết về Người. Sự gần gũi, thân thiện gia đình, tình làng nghĩa xóm ấy làm cho họ ngạc nhiên. Từ ngạc nhiên bởi sự khôn ngoan và lời nói thốt ra từ miệng Người, cũng như các phép lạ Người làm tại Galilê sang từ chối, khiến họ không nhận ra Chúa Giêsu Con Thiên Chúa làm người ở giữa làng họ và họ "vấp phạm vì Người" (Mc 6, 3).

Đã nhiều năm qua, gia đình Chúa Giêsu đã để lại những ấn tượng tốt về Người. Trước sự ngạc nhiên và từ chối của dân thánh Nagiarét, cũng như sự thiếu lòng tin của họ, Chúa Giêsu đã buông lời thở dài : "Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình ! " (Mc 6, 4).  Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Chúa Cha, Đấng tạo dựng thế gian nhưng thế gian đã không tiếp nhận Người.

Không được đánh giá đúng
Chúa Giêsu buồn vì thành kiến của đông hương về lý lịch của Chúa : cha mẹ, gia đình và nghề nghiệp : "Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?" (Mc 6, 3). Họ không thể đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa làm người.

Ông là ai ? Là câu hỏi được đặt ra trong toàn bộ Tin Mừng Marcô.  (1, 24 và  25 – 1, 27 – 1, 34 – 4, 41 – 6, 14 và 15). Căn tính bí ẩn này là gì ? Trên đường hành trình với các môn đệ từ Xêsarê đến Philiphê Chúa hỏi các ông "Phần anh em, anh em bảo Thầy là ai ? "

Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật
Ngày hôm nay, Thiên Chúa cần có câu trả lời từ phía con người đang tìm kiếm ý nghĩa của Lời Chúa và bước vào cuộc đối thoại với Chúa. Người thợ mộc thành Gagiarét là Thiên Chúa thật và là Người thật, Người là Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta, là Lời Chân lý dẫn đến Sự Sống đời đời. Hãy biết nhận ra Chúa, đừng để Chúa đi qua. Mẹ Maria hòa mình vào đám đông để chiếm ngắm và lắng nghe người ta nói về con Mẹ : "Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria !" (Mc 6, 3) Con bà Maria và là Con Thiên Chúa, đó Bí Mật Tình Yêu của Thiên Chúa, Người bước vào đời sống công khai bằng con đường khiêm tốn và nghèo khó. Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin, và buồn vì họ không chấp nhận bất cứ sự gì đến từ Người. Nghĩa xác thực được thánh Marcô sử dụng ở đây theo tiếng Hy lạp, không phải Chúa Giêsu mong đợi người đồng hương tin vào Thiên Chúa, nhưng là mong đợi phần lớn những người Nagiarét : tin vào Người.

Ngày hôm nay có người nói rằng: Nếu chúng ta sống vào thời các Tông Đồ, và chứng kiến Chúa Giêsu như họ, chắc chúng ta cũng giống họ. Họ biết quê hương mình có người tên là Giêsu nhưng không biết người đang nói với họ là Chúa Cả trời đất…... Thực tế ngày hôm nay khác với ngày xa xưa ấy, vì nhiều người hạnh phúc hơn, tin tưởng vào những điều đã nghe và đã thấy.
Vì, quả thật, ở giữa những người ẫu trĩ có một người khiêm nhường; là Thiên Chúa thật đến dạy dỗ chúng dân. Người đến với những thu thuế và tội lỗi, đồng bàn ăn uống với họ (Mt 9,11); Vì thế, có người miệt thị nói rằng : "Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao?" (Mc 6,3; Ga 6,42) Nhưng Chúa Giêsu vần là Thiên Chúa thật và là người thật, các vua chúa trần gian phải phụng thời Người ... Người hoàn toàn là con người như chúng ta : ăn, uống, ngủ, nghỉ, đổ mồ hôi và mệt mỏi như chúng ta, giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi. Người được gìn giữ khỏi hư nát và khỏi chết giữa muôn người. Giờ đây Người ngự bên hữu Đức Chúa Cha (Mc 16,19), không gì có thể tách Người với Chúa Cha ...

Thật là kỳ diệu, để có thể nhận biết và tin rằng một người thế là Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất và mọi sự trên trời dưới đất ... Vì thế, hàng ngày chúng ta nghe Chúa Giêsu thông truyền thánh ý Chúa Cha qua các tác giả Tin Mừng, chúng ta phải vâng nghe, tuân giữ các giới răn của Người và tin vào Người.

Lạy  Chúa Giêsu, con tin Chúa là Thiên Chúa thật và là người thật, là Đấng cứu độ chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập84
  • Máy chủ tìm kiếm57
  • Khách viếng thăm27
  • Hôm nay17,710
  • Tháng hiện tại424,996
  • Tổng lượt truy cập29,404,534

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây