Những nhà truyền giáo can đảm

Thứ ba - 24/09/2019 18:38
image 20190921051305 1



NHỮNG NHÀ TRUYỀN GIÁO CAN ĐẢM
 

Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Kim Ngân



 

DẪN NHẬP

Mối bận tâm đến người trẻ không chỉ là điểm chung trong toàn Hội Thánh, mà chính những Giáo Hội địa phương cũng khoắc khoải đến điều này nhiều, vì ai cũng biết rằng người trẻ chính là tương lai của Giáo Hội địa phương. Giáo phận Qui Nhơn đã được đón nhận Tin Mừng từ các nhà thừa sai trẻ tuổi với một tâm hồn đầy nhiệt huyết. Những thừa sai này đáp lại tiếng Chúa một cách quảng đại, họ vượt qua mọi trở ngại bằng ý chí kiên cường của một lòng tin son sắt vào Thiên Chúa, Đấng yêu thương hết thảy mọi thọ tạo và muốn cứu chuộc hết mọi người. Noi gương Chúa Giêsu, họ muốn được tiếp nối sứ mạng của Người, hầu làm cho mọi dân tộc được nhận biết Thiên Chúa là nguồn cội của mọi loài và là cùng đích của cuộc đời con người.

Để phát triển Giáo phận, chắc chắn không thể để người trẻ ở bên lề, nhưng chúng ta cần phải giúp họ tiến sâu trên hành trình đức tin, để họ cảm nghiệm được Thiên Chúa là nguồn mạch và cùng đích cuộc đời họ. Hơn nữa, chúng ta cũng khơi gợi ơn gọi mà Thiên Chúa đã ủy thác cho họ qua Bí tích Rửa tội, để họ dấn thân trong công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo phận.

Trong Tông huấn mới nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô: Christus Vivit (Chúa Kitô Đang Sống), Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng người trẻ là “hiện tại” của Thiên Chúa,[1] chính vì thế, chúng ta không thể chần chừ mà không thúc đẩy họ thi hành sứ mạng trong chính ơn gọi của họ.

Trong đường hướng mục vụ của Giáo phận nhằm thăng tiến trên con đường rao giảng Tin Mừng, chúng ta cùng nhau học hỏi Tông huấn này. Với những chỉ dẫn từ Tông huấn, chúng ta đưa ra đường hướng thực hiện công cuộc truyền giáo cho các bạn trẻ trong chính Giáo phận chúng ta. Kết hợp với Tông huấn này, chúng ta còn khám phá những lời dạy khác của Giáo Hội để giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn về đời sống đức tin, sứ điệp của Chúa và sứ mạng rao giảng Tin mừng.

Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng ta đưa ra ba ý chính: thứ nhất, các bạn trẻ cần xác định gốc rễ đức tin để có thể cắm rễ sâu vào nguồn cội của mình. Từ đó, người trẻ khám phá sứ điệp loan báo mà chính Thiên Chúa mời gọi họ. Sau cùng, họ can đảm lên đường làm chứng cho các sứ điệp của Chúa trong thế giới hôm nay. Ước mong với nhiệt huyết của tuổi trẻ và đức tin sống động, các bạn trẻ trong Giáo phận chúng ta hăng say lên đường làm chứng cho Chúa, loan báo Tin Mừng cứu độ cho những ai chưa nhận biết Chúa trong Giáo phận chúng ta. Như thế, họ trở nên những nhà truyền giáo can đảm ngay trong lòng Giáo phận, giữa một xã hội thượng tôn vật chất với những thách đố khác.
    1. GỐC RỄ ĐỨC TIN NƠI NGƯỜI TRẺ
Trong chương 6 của Tông huấn Christus Vivit, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu mời các bạn trẻ đừng để mình bị bật rễ đức tin khỏi Thiên Chúa khi đối diện với một thế giới đang tìm kiếm cho mình một thứ linh đạo không có Thiên Chúa.[2] Đứng trước các trào lưu tục hóa, chủ nghĩa cá nhân ích kỷ và chủ nghĩa hưởng thụ, dường như người trẻ không thể tránh khỏi việc tìm kiếm cho mình những điều thỏa mãn cho những ước vọng cuộc đời nơi vật chất, và xem đó như là cứu cánh cho cuộc đời mình. Không phải tất cả, nhưng phần đông người trẻ hôm nay thờ ơ với tôn giáo cho dù họ có nghe nói về tôn giáo, về Thiên Chúa, nhưng điều đó không quan trọng trên con đường tiến thân của họ. Vẫn có những bạn trẻ luôn trung thành với Chúa bằng việc đọc kinh cầu nguyện, tham dự Thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích, nhưng con số này còn quá ít ỏi so với số còn lại của thế giới, và ngay cả tại Giáo phận Qui Nhơn cũng thế.

Những thao thức của Giáo phận chúng ta về đức tin của người trẻ hôm nay không phải là không có căn cứ, vì khi nhìn vào đời sống đạo của các bạn trẻ, chúng ta thấy họ ngày càng thưa thớt trong các lớp giáo lý phổ thông; các nhà thờ vắng bóng dần các bạn trẻ tham dự Thánh lễ. Chúng ta luôn được nghe một câu trả lời mà đại đa số các bạn trẻ đưa ra khi chúng ta hỏi họ: “Sao cha không thấy con đi lễ?”, “Dạ, mắc công việc quá cha ạ!” Khi đời sống vật chất lên ngôi, nó làm cho con người ngày càng lệ thuộc vào nó. Khi đồng tiền trở nên thước đo duy nhất cho bậc thang giá trị của mọi mặt trong đời sống, con người trở nên nô lệ cho đồng tiền và dành hết thời gian cuộc đời mình để phục vụ nó. Tu sĩ Lôrenxô Vũ Văn Trình, MF chia sẻ lời của một người mẹ về con trai mình như sau: “Mỗi lần tôi nhắc nhở đứa con trai đi tham dự Thánh lễ, nó trả lời rằng: ‘Thời đại này, đến nhà thờ làm gì hả mẹ? Chỉ cần mình tin có Chúa là đủ. Mẹ thử nghĩ xem, mấy đứa bạn con có đi lễ đâu mà nhà nó vẫn giàu có đấy thôi.’[3] Tu sĩ này cũng đưa ra một số nguyên nhân về sự sa sút trong đời sống đức tin nơi giới trẻ:[4]
  1. Từ chính bản thân: bị ảnh hưởng bởi các “căn bệnh chủ nghĩa”: tự do (thích làm gì thì làm), cá nhân (chỉ biết sống cho mình), hưởng thụ (tiêu xài, lạc thú, thỏa mãn cá nhân), duy lợi (lợi dụng bạn bè người thân, cái tốt dồn cho mình, cái xấu đẩy cho người, đánh giá cuộc sống theo mối lợi), tương đối (con người cũng tương đối, Thiên Chúa cũng tương đối, đạo nghĩa cũng tương đối).
  2. Từ gia đình: cha mẹ ít hoặc không quan tâm đến việc dạy dỗ đức tin cho con cái, thậm chí còn nêu gương mù cho con cái về đức tin. Họ luôn viện lý do quá bận rộn không có thời gian để cầu nguyện, kinh sách lễ nghĩa.
  3. Từ giáo xứ: một số giáo xứ chưa quan tâm đủ mức đến đời sống đức tin của giới trẻ. Một bạn trẻ chia sẻ: “Cha muốn nghe người trẻ, nhưng lại chẳng hề tạo cho người trẻ một cơ hội để nói. Cha đối với người trẻ xa lạ và uy quyền lắm. Cha muốn chúng con cộng tác nhưng lại ngại tuổi tác và kinh nghiệm non trẻ của chúng con. Con thiết nghĩ rằng không thử một lần, không té ngã, sẽ chẳng bao giờ có kinh nghiệm, và rồi người trẻ mãi mãi vẫn chỉ đứng ngoài lề mà thôi.”
  4. Từ xã hội: với ảnh hưởng của toàn cầu hóa và lối sống mở, giới trẻ đón nhận những văn hóa mới và phong cách sống mới nhưng thiếu sự chọn lọc phù hợp, dẫn đến những lối sống luân lý không tốt.
Đứng trước thực trạng này, bổn phận của những người được Chúa trao nhiệm vụ chăm sóc đời sống đức tin cho người tín hữu, đặc biệt là các bạn trẻ, là làm cách nào để củng cố đức tin của họ. Chúng ta giúp họ nhận ra nguồn cội của con người là Thiên Chúa. Chúng ta khơi gợi lên trong các bạn trẻ khát khao tìm kiếm Thiên Chúa vì Người là cùng đích cuộc đời của họ. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta thúc đẩy giới trẻ theo đuổi ơn gọi kitô hữu với tình yêu, hầu làm sống động vẻ đẹp của Đức Kitô trên thập giá, là Đấng đã yêu thương và phục vụ nhân loại đến mức tột cùng và đến giọt máu cuối cùng[5]. Trong Thư chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010, Hội đồng Giám mục Việt Nam nhận thấy mình “nên nghiên cứu và mạnh dạn tổ chức những cử hành phụng tự thích hợp, khuyến khích giới trẻ tham gia vào các hội đoàn và những sinh hoạt cộng đồng, để ngày càng có thêm nhiều người trẻ quảng đại và can đảm, sống đức tin cách sinh động và trưởng thành.”[6] Chúng ta cũng cần lặp lại lời tha thiết của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Giáo Hội không ngừng loan báo Đức Giêsu Kitô; Giáo Hội công bố Tin Mừng của Người như câu trả lời duy nhất và sung mãn cho những khát vọng cơ bản nhất của giới trẻ.”[7]

Tắt một lời, mục vụ cho các bạn trẻ chính là chăm sóc đời sống đức tin cho họ, làm cho họ can đảm chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng mà họ gắn bó suốt cả cuộc đời. Hơn nữa, Thiên Chúa mà họ luôn khao khát tìm kiếm chính là Đấng Vĩnh Cửu, Đấng thỏa mãn mọi khao khát hướng về vô biên của con người. Thiên Chúa mà họ đang đặt hết lòng tin tưởng, chính là Đấng vượt lên trên hết mọi giá trị của trần gian. Người chính là thước đo tuyệt đối của mọi giá trị và là giá trị vĩnh cửu. Chính vì thế, chúng ta cần tìm mọi phương cách để giới thiệu Chúa cho họ. Để các bạn trẻ không bị bật khỏi cội rễ là Thiên Chúa, việc đào luyện đức tin cho giới trẻ không phải chỉ có khoảng thời gian học giáo lý phổ thông, mà là suốt cả chặng đường tuổi trẻ của họ.
    1. NGƯỜI TRẺ VÀ SỨ ĐIỆP LOAN BÁO
Khi đời sống đức tin của các bạn trẻ gắn chặt vào cội rễ là Thiên Chúa, họ sẽ không ngừng tìm kiếm các sứ điệp của Người. Lòng khao khát gắn bó với Đấng mình đang tôn thờ luôn thôi thúc họ thực thi những gì Thiên Chúa muốn nơi họ. Để họ đón nhận các sứ điệp của Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô thúc giục chúng ta loan báo cho người trẻ biết các chân lý quan trọng và cốt lõi về Thiên Chúa, để họ có thể cảm nghiệm được một vị Thiên Chúa không xa xôi những gần gũi với con người; một vị Thiên Chúa đầy uy nghi nhưng yêu thương con người; một vị Thiên Chúa công minh nhưng khoan dung và đầy lòng thương xót. Trong chương 4 của Tông huấn này, Đức Thánh Cha nêu lên ba chân lý quan trọng cần phải loan báo cho người trẻ[8]: Thiên Chúa là Tình Yêu, Đức Kitô cứu độ con và Người đang sống.
  1.  Thiên Chúa là Tình Yêu[9]
Thông điệp đầu tiên của triều đại Giáo hoàng mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gởi cho toàn thể Hội Thánh là Thiên Chúa Là Tình Yêu Deus Caritas Est. Cụm từ “Thiên Chúa là tình yêu” được lặp lại hai lần trong chương 4 của Thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ (x. 1Ga 4, 8.16). “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16). Đức Thánh Cha nói rằng những lời này diễn tả trọng tâm đức tin Kitô giáo: hình ảnh Thiên Chúa của Kitô giáo. Qua hình ảnh này người kitô hữu có thể diễn tả quyết định căn bản cho cuộc đời mình.[10] Ngài khẳng định rằng: “Khởi đầu cho cuộc sống Kitô hữu không phải là một quyết định đạo đức hay một tư tưởng vĩ đại, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố với một Con Người, Đấng đem lại cho đời sống chúng ta một chân trời mới và từ đó một định hướng dứt khoát.”[11] Ngài đặc biệt quả quyết Thiên Chúa là Đấng yêu chúng ta trước cho nên tình yêu không phải là một “giới luật” nhưng là đáp trả hồng ân mà Thiên Chúa ban cho con người. Hơn nữa sứ điệp này rất hợp thời và có ý nghĩa vì chúng ta đang sống trong một xã hội mà Thiên Chúa đôi khi bị kết nối với sự trả thù và nghĩa vụ hận thù.[12]

Đức Phanxicô giới thiệu Thiên Chúa như là một người Cha đầy lòng yêu thương. Ngài nhấn mạnh “Thiên Chúa yêu con”, Thiên Chúa yêu con một cách vô tận.[13] Khởi đi từ Kinh Thánh, chúng ta nhận thấy những hình ảnh về Thiên Chúa tình yêu và bằng nhiều cách thức khác nhau Người có thể chạm đến con người chúng ta: hình ảnh người cha người mẹ (x. Hs 11,4), người yêu (x. Is 49,16). Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người là một tình yêu bền vững, mạnh mẽ, không lay chuyển, từ muôn thuở, đầy hoan lạc, luôn mới mẻ. Hơn nữa, tình yêu của Thiên Chúa không áp đặt, không đè bẹp, không thờ ơ, không loại trừ, không coi thường hay thống trị; trái lại, luôn giải thoát, nâng đỡ, chữa lành, tự do, mang lại cơ hội mới.[14]

 Đức Phanxicô cũng nói thêm rằng tình yêu của Thiên Chúa luôn chân thực và cụ thể. Thật vậy tình yêu của Thiên Chúa đã thể hiện một cách cụ thể như lời Kinh Thánh nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người… thì được sống muôn đời” (Ga 3,16). Chắc chắn trong chúng ta chưa có ai thấy Thiên Chúa như chính Người thực sự là, chưa có ai được đụng chạm được Người. Thế nhưng vì tình yêu trao ban sự sống, Thiên Chúa đã trở nên hữu hình trong Con Yêu Dấu của Người để cho nhân loại có thể chiêm ngưỡng Thiên Chúa làm người và ở cùng nhân loại, cảm thông kiếp người của nhân loại. Điều này được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khẳng định: “Thiên Chúa không hoàn toàn vô hình đối với chúng ta, và cũng không để cho chúng ta không thể tiếp cận với Người. […] Thiên Chúa tự làm cho mình thành hữu hình: trong Đức Giêsu chúng ta có thể chiêm ngắm được Chúa Cha (x. Ga 14,9).[15]

Vì vậy, với chân lý này, người trẻ có thể bước vào tình yêu của Thiên Chúa một cách cụ thể qua việc chiêm ngắm cuộc đời tại thế của Chúa Giêsu, Đấng diễn tả tình yêu của Chúa Cha cho người thế. Đồng thời các bạn trẻ có thể nhận ra Chúa Giêsu chính là Đấng được Chúa Cha sai đến trần gian làm Đấng Cứu Độ, Đấng Trung Gian giữa tình yêu Thiên Chúa và loài người.
  1.  Đức Kitô cứu độ con[16]
Chân lý thứ hai mà Đức Phanxicô muốn nói tới là Đức Kitô cứu độ chúng ta. Ngôi Hai Thiên Chúa vâng lời Chúa Cha, đã rời bỏ địa vị Thiên Chúa để đến chung chia thân phận con người với nhân loại; chẳng những thế, Người còn chấp nhận chịu chết trên thập giá để cứu độ con người (x. Pl 2,6-11). Đỉnh điểm của ơn cứu độ là Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá và đã sống lại. Tình yêu của Thiên Chúa đã được thể hiện một cách cụ thể nơi biến cố này của Đức Kitô. Đức Thánh Cha kêu mời các bạn trẻ hãy tiếp tục nhìn lên Thánh giá để chiêm ngắm tình yêu trọn vẹn mà Thiên Chúa tỏ bày với con người vì Người yêu thương chúng ta đến mức tột cùng. Nhìn lên Thánh giá là cách giúp các bạn trẻ nhận thấy rằng Thiên Chúa yêu thương họ cho dù họ sa ngã, phạm tội, phản bội, hững hờ, thờ ơ, chạy theo tà thần, chạy theo danh vọng phù phiếm. Nhìn lên Thánh giá, các bạn trẻ thấy một vì Thiên Chúa đã cho đi tất cả đến nỗi không còn mảnh áo, để họ nhận ra mình không hề mất phẩm giá trước mặt Thiên Chúa. Cho dẫu các bạn trẻ có ở trong tình trạng nào đi nữa, họ vẫn được Thiên Chúa yêu thương và tha thứ. Nhìn lên Thánh giá để các bạn trẻ nhận thấy Thiên Chúa vẫn dang đôi tay chờ đợi họ đáp trả tình yêu của Người.

Với ơn cứu độ mà Đức Kitô đã thực hiện cho con người, Đức Thánh Cha lặp đi lặp lại rằng các bạn trẻ là vô giá, bởi vì các bạn được cứu chuộc bằng Máu châu báu của Chúa Giêsu. Máu châu báu mà Đức Kitô đã đổ ra đến giọt cuối cùng để các bạn trẻ được ơn tha thứ. Chính vì thế, Đức Phanxicô thúc giục các bạn trẻ đừng đánh mất chính mình vì nô lệ cho những học thuyết xa lạ với Thiên Chúa, nô lệ cho những dục vọng cá nhân, chạy theo những đam mê trần tục và nghiện ngập, đánh giá mọi sự theo tư lợi. Ngài mời gọi người trẻ hãy can đảm đến với tòa giải tội, hãy vững tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa và siêng năng kết hiệp với Chúa Giêsu nơi bí tích Thánh Thể.

Ý thức ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã thực hiện bằng việc dâng hiến chính mình trên thập giá, người trẻ luôn thấy mình nằm trong tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, cho dù họ có vấp phạm vì thân phận mỏng giòn yếu đuối, Thiên Chúa vẫn luôn tha thứ và chờ đời họ quay về. Ơn cứu độ ấy Chúa Giêsu chỉ thực hiện một lần nhưng có giá trị đến muôn đời. Chính vì thế, ơn cứu độ của Chúa Giêsu hôm qua, hôm nay vẫn là một, vì Người đang sống.
  1.  Người đang sống
Đức Kitô, Đấng cứu độ chúng ta đã chết và sống lại, lời tuyên xưng này đã được một số sách thánh Tân Ước ghi chép (x. Mt 28; Mc 16; Lc 24; Ga 20; Cv 1-2). Lời tuyên xưng này là điều cốt lõi của đời sống đức tin của người kitô hữu. Đức Thánh Cha Phanxicô mạnh mẽ nhắc lại lời của Thánh Phaolô Tông đồ trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại thì niềm tin của anh em thật hão huyền.” (1Cr15,17). Thật vậy, nếu Đức Kitô không sống lại thì những gì Người đã loan báo cho các tông đồ về cuộc khổ nạn và sống lại của Người không có giá trị gì. Thánh sử Luca đã viết trong Công vụ Tông đồ: “Người (Đức Giêsu) lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình” (Cv 1,3). Đức Phanxicô quả quyết “Đấng đổ đầy ân sủng của Người trên chúng ta, Đấng giải thoát chúng ta, Đấng biến đổi chúng ta, Đấng chữa lành và an ủi chúng ta là Đấng đang sống.”[17]
Hơn nữa, khi chúng ta tin rằng Đức Kitô đang sống, chúng ta biết chắc rằng Người vẫn đang hiện diện với chúng ta theo cách của Người. Như thế, ơn cứu độ của Chúa Giêsu không phải là một biến cố trong quá khứ, mà là đang diễn ra trong chính hiện tại của cuộc sống nhân loại. Những ai tin vào cuộc khổ nạn và phục sinh của Người cho dù ở bất cứ thời đại nào cũng đều được thông phần vào ơn cứu độ của Người. Đức Thánh Cha khuyến khích các bạn trẻ đón nhận sứ điệp: Đức Kitô đang sống, vì đó chính là niềm hy vọng vững bền cho nhân loại khi Chúa Giêsu hứa với các tông đồ cũng là cho mỗi người chúng ta: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Đấng đã hứa như vậy cũng đồng thời chỉ bảo cho chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ, biết con đường nào phải đi để đạt tới cùng đích thật sự. Chúa Giêsu trả lời cho Tôma cũng là trả lời cho các bạn trẻ: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Đức Phanxicô nhắn nhủ các bạn trẻ: “Đức Giêsu là Đấng hằng sống muôn đời. Nếu chúng ta bám chặt lấy Người, chúng ta sẽ sống và sẽ an toàn vượt qua mọi đe dọa chết chóc và bạo lực ẩn nấp dọc đường.”[18]

Nói tắt một lời, Chúa Giêsu là Đấng cứu độ, Người đã chết và sống lại cách đây gần 2000 năm nhưng Người vẫn đang sống giữa chúng ta bằng các ân sủng, bằng Thánh Thể và Lời Người để hướng dẫn và nâng đỡ các bạn trẻ trên mọi nẻo đường họ đi và sống. Chân lý này nuôi dưỡng niềm hy vọng của họ để họ luôn thẳng tiến về phía Thiên Chúa, Đấng là cùng đích của cuộc đời họ.
    1. NHỮNG NHÀ TRUYỀN GIÁO CAN ĐẢM
Khi nhìn nhận Thiên Chúa là cội rễ của đời sống đức tin kitô hữu, các bạn trẻ sẽ đi đến gắn bó mật thiết với Chúa hơn. Với đức tin vững vàng ấy, các bạn trẻ sẽ tìm kiếm các chân lý của Thiên Chúa. Từ đó, các bạn trẻ càng khám phá ra sứ mạng mà chính niềm tin và chân lý mình đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, Đấng yêu thương nhân loại và muốn cứu chuộc hết thảy mọi người. Sứ mạng ấy thúc đẩy người trẻ trở nên những nhà thừa sai can đảm làm chứng cho Đức Kitô, Đấng cứu độ duy nhất. Chính vì vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các bạn trẻ hãy là những nhà truyền giáo can đảm bằng đời sống chứng tá, giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác và được sai đến với mọi người.[19]
  1. Đời sống chứng tá
Mở đầu cho lời mời gọi các bạn trẻ lên đường loan báo Tin Mừng, Đức Thánh Cha đã khẳng định các bạn trẻ được mời gọi làm chứng cho Tin Mừng bằng chính đời sống mình.[20] Lời khẳng định này xuất phát từ chính kinh nghiệm của Giáo Hội, vì trải qua gần 2000 năm nay cách thức truyền giáo bằng chính đời sống luôn mang lại một hiệu quả to lớn. Thật vậy, Đức Thánh Cha đã mượn lời của thánh Alberto Hurtado để nhắn nhủ rằng những lời chúng ta rao giảng được sống động trong đời sống chúng ta, những chân lý của Chúa không phải là giáo thuyết nhưng là những chân lý sống và chúng ta trở thành hiện thân của chân lý Tin Mừng. Cho nên, chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa chỉ như một phù hiệu đeo trên áo để cho người khác nhận ra mình là người có đạo, điều đó không phù hợp với tinh thần của Chúa. Công đồng Vaticanô II đã khẳng định rằng chính chứng tá của đời sống kitô hữu và những việc lành được làm với tinh thần của Chúa Giêsu sẽ có sức lôi kéo người khác đến với Thiên Chúa.[21]

Trong Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng “Giáo Hội trao ban cho giới trẻ chân lý Tin Mừng như là một mầu nhiệm đem lại niềm vui và giải phóng; mầu nhiệm mà họ phải học hỏi, sống và chia sẻ với niềm xác tín và can đảm”.[22] Với niềm xác tín Chúa Kitô đang sống và hiện diện trong chính họ, các bạn trẻ cảm nghiệm được Thiên Chúa luôn ở với họ và họ đang diễn tả tình yêu, sự tha thứ, lòng khoan dung, sự cảm thông của Thiên Chúa thông qua cuộc sống của họ trong lời nói, việc làm và cung cách sống. Toàn thể cuộc đời họ đã thấm đượm chân lý Tin Mừng thì giờ đây tỏa sáng như ngọn đèn được đặt trên giá, như muối đang ướp mặn cho đời để làm tan biến những bất công, hận thù, chia rẽ trong xã hội hôm nay. Chính vì vậy, các Nghị phụ của Thượng hội đồng Giám mục Á Châu đã tin tưởng nói rằng “Sự tươi trẻ và lòng hăng say, tinh thần liên đới và niềm hy vọng của họ, có thể biến họ thành những người kiến tạo hoà bình trong một thế giới chia rẽ.”[23]

Đặc biệt hơn, trong chính môi trường tuổi trẻ đầy thử thách và cám dỗ chạy theo một thứ linh đạo không có Thiên Chúa, một kiểu tình cảm không cộng đồng và không dấn thân đến với những người nghèo khổ[24], người trẻ bằng đời sống luôn vững tin vào Thiên Chúa, luôn thực thi đức bác ái yêu thương và nhìn nhận mọi người là anh em trong gia đình Chúa, sẽ trở nên những chứng tá đích thực cho người khác về hình ảnh Thiên Chúa. Họ can đảm chấp nhận sống các giá trị Tin Mừng để đi ngược lại với nền văn minh sự chết như phá thai, xì ke, ma túy, nghiện ngập, bạo hành, chiến tranh, hận thù. Với đời sống khoan dung, tha thứ, cảm thông, các bạn trẻ trở nên những chứng tá xán lạn của Tin Mừng. Vì vậy Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói: “Người đương thời sẵn sàng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe các thầy dạy, thì bởi vì chính các thầy dạy cũng là những nhân chứng.”[25]

Trong Tông huấn Christus Vivit, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu ra 12 vị thánh trẻ như là những chứng nhân đức tin thánh thiện đầy can đảm: Sebastianô, Phanxicô Assisi, Jeanne d’Arc, Chân phước Anrê Phú Yên, Kateri Tekakwitha, Đaminh Saviô, Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Ceferino Namuncurá, Isidore Bakanja, Pier Giorgio Frassati, Marcel Callo, Chân phước Chiara Badano. Các vị thánh và chân phước này theo nhận xét của Đức Phanxicô là những vị chưa là người lớn, nhưng đã để lại cho chúng ta chứng tá về việc sống tuổi trẻ và nên thánh theo cách của mình. Các ngài đã dâng hiến đời mình cho Chúa Kitô, và có những vị đã đi đến chỗ chết vì đạo.[26] Á Thánh Anrê Phú Yên đã trở nên chứng tá Tin Mừng với độ tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết, vì ngài đã yêu mến Chúa Giêsu hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn. Có nhiều thừa sai ngoại quốc đến truyền giáo tại Việt Nam cũng là những thừa sai trẻ tuổi. Chẳng hạn, cha Thánh Phanxicô Isidore Gagelin Kính, Thánh Giám mục Stêphanô Cuénot Thể, ở độ tuổi trên đôi mươi đã đặt chân đến Việt Nam để thực hiện ước mơ truyền giáo vùng Viễn Đông. Mới đầu với vốn tiếng Việt ít ỏi, chắc chắn các ngài truyền giáo bằng chính đời sống chứng tá của mình. Đó chính là những mẫu gương cho các bạn trẻ trong Giáo phận chúng ta noi theo để trở nên những thừa sai, hiện thân của Chúa Giêsu, Đấng là rao giảng Tin Mừng đầu tiên bằng chính đời sống mình.[27]
  1. Giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác
“Đức Giêsu Cứu Thế: một quà tặng cho Châu Á, quà tặng đức tin”, đó là tựa đề của chương II trong Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu. Các nghị phụ của Thượng hội đồng Giám mục Châu Á đã xác nhận và tự hào rằng đức tin của Giáo Hội vào Đức Giêsu là một quà tặng đã lãnh nhận và một quà tặng cần được chia sẻ; đó là quà tặng lớn lao nhất mà Giáo Hội có thể trao tặng cho Á Châu.[28] Thật vậy, Chúa Giêsu là mạc khải trọn vẹn của Chúa Cha, Đấng muốn con người có thể tiếp cận Người, là nguồn sự sống và hạnh phúc viên mãn, là cội rễ căn nguyên của mọi loài. Thiên Chúa Cha đã sai Con Một Người là Ngôi Lời vĩnh cửu đến soi sáng nhân loại bằng đời sống nhân loại của Người. Ngôi Lời hằng hữu đã dùng lời nói, cử chỉ, việc làm, các phép lạ để tỏ lộ Thiên Chúa đang hiện diện ở giữa nhân loại. Hơn nữa, Ngôi Lời ấy là Đấng cứu độ nhân loại qua cái chết trên thập giá và đã phục sinh vinh hiển để giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết, hầu đưa con người tiến vào vinh quang nếu họ tiếp nhận Người là Cứu Chúa của cuộc đời mình.[29] Quả thật, chúng ta cũng như các bạn trẻ đều tin rằng Đức Giêsu Kitô, Chúa thật và người thật, là Đấng Cứu Thế độc nhất, là sự tỏ bày chung cuộc về mầu nhiệm tình yêu của Chúa Cha đối với mọi người.[30] Vì vậy, các Nghị phụ của Thượng hội đồng Giám mục Á Châu khẳng định việc “chia sẻ chân lý của Đức Giêsu Kitô với kẻ khác là một bổn phận chính thức của tất cả những ai đã lãnh nhận quà tặng đức tin.”[31]

Khi đã lãnh nhận quà tặng cứu độ như vậy, các bạn trẻ đã được Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặt câu hỏi: “Tại sao không nói về Chúa Giêsu chứ, tại sao không kể cho người khác rằng Người ban cho chúng ta sức sống, rằng chúng ta thích thú trò chuyện với Người, rằng chúng ta sống rất tốt với việc suy niệm Lời Người?”.[32] Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ tìm câu trả lời cho những câu hỏi ngài đặt ra, mà những câu trả lời này đều nằm trọn vẹn trong Đức Giêsu – vừa là Thiên Chúa thật, vừa là con người thật. Ngài cũng nhắn nhủ các bạn trẻ đừng để mình bị lôi kéo vào việc chia sẻ những điều sai lầm và hời hợt. Các bạn trẻ trong Giáo phận chúng ta đang đối diện với những chủ trương vô thần, thuyết tương đối, chủ nghĩa hưởng thụ, lối sống phóng túng trong tính dục, thiếu trách nhiệm trong đời sống gia đình. Tất cả những điều này đang trở nên như một cám dỗ nơi những người trẻ mong muốn khám phá bản thân, xã hội, thế giới, nhưng lại chưa có đủ kiến thức, hiểu biết và khả năng phân định. Chính vì vậy, chân lý Thiên Chúa là tình yêu, Chúa Giêsu là Đấng cứu độ và Người đang sống, là những chân lý nòng cốt đòi hỏi người trẻ can đảm chấp nhận để có thể lội ngược dòng. Và như thế, món quà đức tin từ Chúa Giêsu càng có giá trị tuyệt đối mà người trẻ phải loan báo, chia sẻ và giới thiệu cho người khác.

Hơn nữa, khi nhìn vào sứ mạng của Chúa Giêsu: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4,18-19; Is 61,1-2), chúng ta thấy Chúa Giêsu là hiện thân của lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, đã đến trần gian với sứ mạng ban phúc lành, cứu chữa, nâng đỡ, tha thứ, cảm thông, giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết. Sứ mạng này là niềm hy vọng vững bền vì chính Thiên Chúa ban cho con người. Vì thế, không lý gì mà người trẻ lại không giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác, nhất là những người đang gặp bất hạnh, đau khổ, thất vọng và mất phương hướng trong đời sống. Đấng thực hiện ơn cứu độ, Đức Kitô, chẳng những hành động cứu chuộc một lần cho nhân loại mà còn tiếp tục chỉ đường cho nhân loại đến với Thiên Chúa: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14, 6).
Vì vậy, chắc chắn không ai có thể từ chối một món quà mang lại bình an, hạnh phúc, được nâng đỡ, được dẫn đường đến hạnh phúc viên mãn, nhất là món quà có sức đưa người nhận đến chỗ đạt được chân lý đời đời. Cho nên, việc giới thiệu Chúa cho người khác trở nên phận vụ không thể thiếu của những thừa sai trẻ tuổi.
  1. Được sai đến với mọi người
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Lệnh truyền này đã đươc Chúa Giêsu trao cho các tông đồ trước khi Người về trời. Lệnh truyền này cũng trao cho các bạn trẻ khi họ tham dự vào chức năng ngôn sứ của Chúa Giêsu mà qua Bí tích Rửa tội họ được tháp nhập vào Thân Thể của Đức Kitô. Như thế, lệnh truyền này sai các bạn trẻ đi khắp nơi, không còn giới hạn về mặt không gian nữa, và đến với tất cả mọi người không phân biệt một ai. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Chúa Giêsu sai chúng ta đi đâu? Không có ranh giới, không có giới hạn: Người sai chúng ta đến với mọi người.”[33] Vì sao như thế? Vì Thiên Chúa muốn cứu rỗi hết thảy mọi người (x. 1Tm 2,4).[34] Tin Mừng mà Chúa Giêsu rao giảng là Tin Mừng mà Thiên Chúa muốn nhắm đến tất cả mọi loài thọ tạo. Ơn cứu độ mà Chúa Giêsu thực hiện là ơn cứu độ cho tất cả mọi người.

“Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Itrael mà thôi” (Mt 15,4). Chúa Giêsu xác nhận sứ mạng của Người là rao giảng cho nhà Israel, thế nhưng Tin Mừng cũng thuật lại cho chúng ta biết Chúa Giêsu vẫn ban ơn cứu thoát cho những người ngoài Israel. Với lòng tin mạnh mẽ của những người tới với Chúa Giêsu, Người đã chữa cho con gái người phụ nữ xứ Canaan (x. Mt 15,21-28; Mc 7,24-30), cho người đầy tớ của viên bách quản Rôma (x. Lc 7,1-10; Mt 8,5-13). Trong các dụ ngôn Chúa Giêsu nói về những người vào Nước Thiên Chúa, chúng ta thấy Người nói rằng “người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa” (x. Lc 13,29). Chính vì vậy, sau phục sinh Chúa Giêsu sai các tông đồ đi rao giảng cho muôn dân ở khắp cùng trái đất.

Giáo Hội nói rằng Phúc Âm không thể đi sâu vào tinh thần, đời sống và sinh hoạt của một dân tộc nếu không có sự hiện diện linh hoạt của giáo dân.[35] Trong hoàn cảnh áp dụng cho việc truyền giáo của giới trẻ, chúng ta hiểu lời dạy này của Giáo Hội như là giới trẻ được mời gọi đi đến với từng người để nói về Chúa Giêsu, về Tin Mừng, về Nước Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đích thân, qua Ngôi Lời Nhập Thể, đến gặp con người để tỏ lộ nhiệm cục cứu độ mà Chúa Cha đã dự liệu để cứu thoát loài người khỏi tội nguyên tổ và đưa họ trở lại với mối dây liên kết mật thiết giữa con người với Thiên Chúa mà Ađam và Evà đánh mất trong vườn địa đàng. Để đến với mọi người, Đức Phaolô VI đã khẳng định cần phải có cuộc tiếp xúc cá nhân.[36] Ngài nêu lại phương pháp đã được Chúa Giêsu sử dụng thường xuyên trong công cuộc rao giảng của Người: đàm đạo với Nicôđêmô (x. Ga 3,1-21), đối thoại với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp (x. Ga 4,7-26), nhìn đến Giakêu (x. Lc 19,1-10) và cả các tông đồ (x. Mt 4,18-22).

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục lấy lại phương thức truyền giáo này với tiêu đề “tiếp xúc người với người”.[37] Ngài mời gọi mọi người, chắc chắn có các bạn trẻ, thực hiện phương pháp này như là một bổn phận hằng ngày. Ngài chỉ dẫn rằng trong cuộc tiếp xúc này, nhà thừa sai cần có thái độ kính trọng, khiêm nhường, dịu dàng, lắng nghe, cảm thông và chia sẻ.[38] Ngài nói rằng đây là cách Thiên Chúa tiếp cận với mọi người. Vì thế, ngài khuyến khích các bạn trẻ: “Chúng ta ra đi công bố sứ vụ mà không sợ hãi, ở bất cứ nơi đâu và với bất cứ người nào, nơi khu phố, trong trường học, trong thể thao, khi ta chơi với bạn bè, khi làm thiện nguyện hay công sở, tất cả đều là dịp tốt và thuận tiện để chia sẻ niềm vui của Tin Mừng”.[39] Ngài kết luận rằng Thiên Chúa luôn tin tưởng vào sự can đảm, sự tươi trẻ và nhiệt huyết của các bạn trẻ. Sứ mạng này chắc chắn không dễ dàng hay thoải mái, nhưng là đương đầu với biết bao thử thách chông gai của xã hội, ý thức hệ và những nhóm vụ lợi. Đặc biệt, các bạn trẻ đừng sợ hãi và lo lắng vì Chúa đã bảo đảm với các bạn rằng “ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói” (Lc 12,12; Mt 10,20; Mc 13,11). Các bạn trẻ can đảm lên vì trong cuộc gặp gỡ này không phải chỉ có mỗi mình các bạn, mà còn có Chúa Thánh Thần hiện diện trong các bạn và giúp các bạn gặp gỡ.

Tóm lại, được mời gọi trở nên những nhà truyền giáo can đảm có nghĩa là các bạn trẻ đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Cùng với Chúa Giêsu, giới trẻ đi vào tất cả mọi cảnh huống của cuộc sống như là những chứng nhân cho các giá trị Tin Mừng, giới thiệu Chúa Giêsu là Đấng thỏa mãn những cảnh huống ấy và trong cuộc tiếp xúc cá nhân chính Chúa Giêsu đến gặp gỡ mọi người. Các bạn trẻ được sai đi như chiên giữa sói rừng (x. Lc 10, 3). Thế nhưng, với ơn ban của Thiên Chúa các bạn hãy vững vàng là những nhà thừa sai cho Tin Mừng.

KẾT LUẬN
Đức Thánh Cha Phanxicô viết về giới trẻ trong Tông huấn Christus Vivit: “Các con là hiện tại của Thiên Chúa, Người muốn các con trổ sinh hoa trái”.[40] Việc trổ sinh hoa trái mà Đức Phanxicô mong muốn chính là các người trẻ trở nên những nhà truyền giáo. Chẳng những Giáo Hội hoàn vũ mong muốn điều đó, mà cả Giáo Hội địa phương (Giáo phận Qui Nhơn) cũng đang mong muốn điều đó. Đúng vậy, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng: “Đừng coi giới trẻ chỉ như đối tượng của mối quan tâm mục vụ của Giáo Hội mà thôi: thực sự, giới trẻ đang được và phải được khuyến khích ‘trở thành những chủ thể tích cực, tham gia vào việc Phúc-âm-hóa và đổi mới xã hội’.”[41] Hơn nữa, Giáo Hội nhìn nơi người trẻ như là tương lai của Giáo Hội, đặc biệt với Giáo phận Qui Nhơn vừa bế mạc Năm thánh kỷ niệm 400 năm loan báo Tin Mừng và đang mở ra một trang sử mới.

Nếu muốn các bạn trẻ trở nên những tác nhân hữu hiệu cho công cuộc truyền giáo của Giáo phận, chúng ta cần cung cấp cho họ những chăm sóc mục vụ thích hợp[42]: đó chính là giúp họ đào sâu đức tin và cắm rễ vào Thiên Chúa, giúp họ nhận ra những chân lý về Thiên Chúa: Thiên Chúa yêu thương, Đức Kitô Đấng cứu độ con người và Người đang sống. Khi cảm nghiệm và sống những chân lý này, người trẻ sẽ có động lực và phương hướng để cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa. Khi sống những sứ điệp của Chúa, họ được tăng thêm lòng yêu mến Giáo Hội, Giáo phận, giáo xứ, quê hương dân tộc mình.

Nhìn vào cánh đồng truyền giáo mênh mông của Giáo phận, chúng ta đang cần những bạn trẻ can đảm đi ngược dòng đời để giới thiệu Chúa Giêsu là Tin Mừng cho tất cả những ai muốn gặp gỡ Người. Chúng ta mời gọi họ can đảm bước ra khỏi chủ nghĩa hưởng thụ cá nhân để gặp gỡ những “hình ảnh Thiên Chúa” đang ở xung quanh họ. Chúng ta khơi gợi cho các bạn trẻ bắt chước người thanh niên giàu có trong Tin Mừng đến gặp gỡ Chúa Giêsu và được Người kêu gọi, khuyến khích họ không sụ nét mặt bỏ đi vì họ giàu tài năng, giàu kiến thức, giàu mối quan hệ xã hội, giàu vật chất, giàu thú vui. Đức Thánh Cha mời gọi Giáo Hội đi ra để có thể đến với tất cả mọi người, cũng thế, các bạn trẻ được mời gọi ra khỏi chính mình và sự giàu có của mình để trở nên tông đồ của Chúa. Chính vì thế, những nhà thừa sai trẻ đầy can đảm là những bạn trẻ vâng theo tiếng gọi của Chúa “ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin Mừng.”[43]

Noi gương chứng nhân đức tin trẻ trong Giáo phận: Á Thánh Thầy giảng Anrê Phú Yên, các bạn trẻ trong Giáo phận hãy can đảm làm chứng cho Chúa. Ước mong lời mời gọi của Á Thánh Anrê Phú Yên tiếp tục vang lên cho các bạn trẻ: “Đem tình yêu đáp trả tình yêu, lấy mạng sống báo đền mạng sống, yêu đến hết hơi yêu đến trọn đời” (Lời nguyện nhập lễ của Thánh lễ kính Á Thánh Anrê Phú Yên), và “hãy giữ nghĩa cùng Chúa Giêsu cho đến hết hơi cho đến trọn đời.”[44]
 
[1] PHANXICÔ, Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống Christus Vivit gửi người trẻ và cộng đoàn dân Chúa, 25-3-2019, số 178.
[2] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 184.
[3] LÔRENXÔ VŨ VĂN TRÌNH, Đức tin của giới trẻ trong đời sống hôm nay, http://giaophanvinhlong.net/Duc-Tin-Cua-Gioi-Tre-Trong-Doi-Song-Hom-Nay.html, truy cập 26-08-2019.
[4] Ibid.
[5] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 183.
[6] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Thư chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010, số 29.
[7] GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Kitô hữu giáo dân Christifideles Laici, (30-12-1988),  số 46.
[8] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, các số 111-133.
[9] Ibid., các số  112-117.
[10] BÊNÊĐÍCTÔ XVI, Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu Deus Caritas Est, (25-12-2005), số 1.
[11] BÊNÊĐÍCTÔ XVI, Deus Caritas Est, số 1.
[12] Ibid., số 1.
[13] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 112.
[14] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, các số 114-116.
[15] BÊNÊĐÍCTÔ XVI, Deus Caritas Est, số 17.
[16] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, các số 118-123.
[17] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 124.
[18] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 127.
[19] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, các số 175-178.
[20] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 175.
[21] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh về tông đồ giáo dân Apostolicam Actuositatem (18-11-1965), số 6.
[22] GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Giáo Hội tại Á châu Ecclesia in Asia (6-11-1999), số 47.
[23] GIOAN PHAOLÔ II, Ecclesia in Asia, số 47.
[24] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 184.
[25] PHAOLÔ VI, Tông huấn loan báo Tin Mừng Evangelii Nuntiandi, (8-12-1975), số 41.
[26] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, các số từ 49-63.
[27] x. PHAOLÔ VI, Evangelii Nuntiandi, số 7.
[28] x. GIOAN PHAOLÔ II, Ecclesia in Asia, số 10.
[29] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Mạc khải của Thiên Chúa Dei Verbum, (18-11-1965), số 4.
[30] x. GIOAN PHAOLÔ II, Ecclesia in Asia, số 14.
[31] Ibid., số 10.
[32] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 176.
[33] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 177.
[34] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội Ad Gentes, (7-12-1965), số 3.
[35] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Ad Gentes, số 21.
[36] x. PHAOLÔ VI, Evangelii Nuntiandi, số 46.
[37] PHANXICÔ, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng Evangelii Gaudium, (24-11-2013), các số 127-129.
[38] x. PHANXICÔ, Evangelii Gaudium, số 128.
[39] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 177.
[40] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 178.
[41] GIOAN PHAOLÔ II, Christifideles Laici, số 46.
[42] x. GIOAN PHAOLÔ II, Ecclesia in Asia, số 47.
[43] PHANXICÔ, Evangelii Gaudium, số 20.
[44] BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, Nxb. Antôn & Đuốc Sáng, 2017, tr. 75.

Tác giả bài viết: Lm. G.B. Nguyễn Kim Ngân

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập58
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm43
  • Hôm nay22,507
  • Tháng hiện tại97,667
  • Tổng lượt truy cập29,077,205

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây