Niềm vui đáp đền công ơn chữ Quốc ngữ

Thứ tư - 08/05/2024 10:55
NIỀM VUI ĐÁP ĐỀN CÔNG ƠN CHỮ QUỐC NGỮ

Những cựu học sinh nay đã là U80 nhiều người còn thuộc nằm lòng bài vè ba chữ nhà thơ tiền bối Tản Đà đã ưu ái viết cho tuổi nhỏ:

Sách Quốc ngữ – Chữ nước ta,
Con cái nhà – Đều ρhải học.
Miệng thì đọc – Tai thì nghe
Đừng ngủ nhè – Chớ láu táu
Con lên sáu – Đang vỡ lòng
Học cho thông – Thầγ khỏi mắng.
                                    (Trích Lên Sáu)

Đầu tháng Tư năm nay, được biết Trung tâm Lưu trữ Lịch sử Tỉnh Bình Định mở cuộc triển lãm 'Sự hình thành chữ Quốc ngữ tại Bình Định', chưa kịp đi xem thì có tin triển lãm đã đóng cửa. Thế rồi cuối tháng Tư, phòng triển lãm mở cửa lại. Sáng 06-5-2024, anh chị em trong Ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn họp bàn chọn chủ đề cho các tập Mục Đồng năm 2025, theo hướng kỷ niệm 400 năm sinh nhật Á thánh Anrê Phú Yên. Vị Á thánh là học trò cưng của Giáo sĩ Đắc Lộ, người có công lớn trong hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ, do đó, cả nhóm tranh thủ làm việc nhanh để đi thăm triển lãm, bày tỏ chút lòng đáp đền công ơn người xưa về món quà vô giá là chữ Quốc ngữ.

 

CUỘC TRIỂN LÃM VỀ SỰ HÌNH THÀNH CHỮ QUỐC NGỮ

 
“Ngày 20-4, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định cho biết vừa mở lại triển lãm 'Sự hình thành chữ Quốc ngữ tại Bình Định', nhằm hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024.

Triển lãm "Sự hình thành chữ Quốc ngữ tại Bình Định" được tổ chức tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Triển lãm mở cửa tất cả các ngày làm việc hành chính trong tuần, thứ bảy và chủ nhật nghỉ. Theo Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định, hoạt động này nhằm giới thiệu, quảng bá thông tin tư liệu khoa học về quá trình phôi thai, hình thành, truyền bá chữ Quốc ngữ tại Bình Định. Qua đó giúp công chúng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng, ảnh hưởng của vùng đất văn hóa Bình Định trong tiến trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ. (Lâm Thiên, Tuổi Trẻ online, 20-4-2024)

 

NIỀM TRÂN TRỌNG LỊCH SỬ

 
Triển lãm đóng cửa một thời gian ngắn để điều chỉnh một số sai sót rồi đã mở lại. Sự điều chỉnh là chuyện bình thường. Cuộc hội thảo tám năm trước đây cho thấy đi tìm sự thật lịch sử không đơn giản, trên hành trình tìm kiếm ta có thể gặp những thông tin trái chiều, nhưng cứ kiên trì và cứ một lòng yêu chuộng sự thật, rồi một lúc nào đó sự thật sẽ tìm gặp chúng ta, tay bắt mặt mừng.

Theo bản tin trên Cổng thông tin điện tử Bình Định hồi ấy, “Ngày 13/1/2016, Hội thảo khoa học “Bình Ðịnh với chữ Quốc ngữ” đã được tổ chức tại TP Quy Nhơn … Tham dự hội thảo có trên 180 đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà báo... trong cả nước. Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên gia, tác giả... đã trình bày 72 bài tham luận về các chủ đề: “Quá trình hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ”, “Sự đóng góp của Bình Định vào tiến trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ”, và về “Chữ Quốc ngữ với sự phát triển nền văn hóa dân tộc”. Phần lớn các bài tham luận đều tập trung làm sáng tỏ những đóng góp của Bình Định trong giai đoạn đầu sáng tạo hình thành chữ Quốc ngữ (1618-1622), cũng như các giai đoạn tiếp theo phát triển truyền bá chữ Quốc ngữ (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX). Hội thảo lần này mang nhiều ý nghĩa rất quan trọng, những nội dung về chữ Quốc ngữ được các nhà nghiên cứu, các chuyên gia hàng đầu trong cả nước bàn luận đều nhằm hướng đến mục đích khảo sát, nghiên cứu, phân tích, đánh giá một cách khách quan, khoa học tiến trình hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ, trong đó có vai trò quan trọng của đất và người Bình Định - nơi phôi thai, điểm khởi nguyên hình thành chữ Quốc ngữ trong giai đoạn đầu và phát triển, phổ biến chữ Quốc ngữ ở các giai đoạn tiếp theo.[1]

Trong bài “Tổng kết Hội thảo khoa học BÌNH ĐỊNH VỚI CHỮ QUỐC NGỮ”, Gs. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tóm kết: “Trên cơ sở những chứng cứ hiện nay, có thể kết luận, chữ Quốc ngữ trong trạng thái phôi thai, ra đời sớm nhất ở ba trung tâm: Nước Mặn, Hội An và Dinh Chiêm, trong đó Nước Mặn có phần sớm hơn”.[2]

“Trong đó, Nước Mặn có phần sớm hơn”. Câu kết dè dặt nhưng chính xác ấy thật đáng trân trọng. Từ sau cuộc Hội thảo đáng nhớ ấy, đài kỷ niệm Nước Mặn được nhìn nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh và hiện đang từng bước được nâng lên tầm cao hơn nữa.

 

ĐOÀN CỦA BAN VĂN HÓA GIÁO PHẬN QUI NHƠN THĂM TRIỂN LÃM

 
Đoàn đi thăm gồm có cha Gioakim Nguyễn Đức Quang, Trưởng ban Văn hóa, và 9 anh chị em khác trong ban. Sau khi chụp hình tại cổng, chúng tôi được chị em trực hướng dẫn đến Phòng chuyên đề trưng bày tranh ảnh và những tư liệu liên quan đến sự hình thành chữ Quốc ngữ tại Bình Định trong tòa nhà Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định (12 Đ. Mai Hắc Đế, phường Ghềnh Ráng, Tp Quy Nhơn). Các hướng dẫn viên trực tiếp thuyết minh cho chúng tôi. Bên cạnh là phòng chiếu phim. Chúng tôi cùng xem một phim tài liệu đáng quý về sự hình thành chữ Quốc ngữ. Đến đây với tâm tình tưởng nhớ công ơn người xưa, chúng tôi đồng cảm sâu xa với mọi nỗ lực tìm tòi và tôn tạo các chứng tích lịch sử.

Ngoài hai hướng dẫn viên là chị Nguyệt và chị Quý, chúng tôi còn được gặp gỡ và trò chuyện thân tình với ông Nguyễn Minh Nhật, Phó giám đốc Trung tâm. Nhân dịp này, các vị đã hướng dẫn chúng tôi thăm phòng lưu trữ về lịch sử, thư viện và phòng họp của Trung tâm. 

 

CHUNG MỪNG NIỀM VUI 400 NĂM NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT


Sự hình thành chữ Quốc ngữ tại Bình Định là sự kiện trực tiếp liên quan đến cộng đồng Dân Chúa Giáo phận Qui Nhơn. Ngoài những vị được nhắc đến nhiều như các giáo sĩ Buzomi , Borri, Pina, Đắc Lộ và một số trí thức giáo dân người Việt khuyết danh đầu thế kỷ XVII là những kiến trúc sư của công cuộc chữ Quốc ngữ, nhiều anh chị em tín hữu khác làm việc gần gũi với các vị cũng đã là những nhân tố tích cực làm nên thành tựu lớn lao này. Thập niên 1980 một thanh niên đồng hương với Thầy giảng Anrê Phú Yên lả  anh Dương Tha vào Thủ Đức tìm hiểu ơn gọi  Dòng Tên. Khi nói chuyện với anh, lắng nghe giọng Phú Yên của anh, Lm. Đỗ Quang Chính, một chuyên gia về lịch sử Giáo hội Việt Nam những thế kỷ đầu, đã vui mừng hiểu ra rằng một số cách phiên âm của Giáo sĩ Đắc Lộ chịu ảnh hưởng cách phát âm của người Phú Yên, và người Phú Yên gần gũi ngài nhất không ai khác hơn là Á thánh Anrê tử đạo.

Ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn hiện đang tổ chức cuộc thi 400 năm sinh nhật Người chứng thứ nhất – được quảng bá trên trang mạng Hội đồng Giám mục Việt Nam và được nhiều giáo phận hưởng ứng. Dĩ nhiên chỉ một số người sẽ tham gia cuộc thi văn thơ, hội họa … tuy nhiên những người khác có thể hiệp thông bằng việc tìm hiểu công ơn tiền nhân của Giáo hội Việt Nam thuở đầu trong việc xây dựng chữ Quốc ngữ.

Do ở xa hoặc do bận việc, chắc hẳn ít người có điều kiện đi xem cuộc triển lãm nói trên. Tuy nhiên, bù lại, chúng tôi xin giới thiệu một số cách tiếp cận khác, giản dị mà cũng rất lý thú:

- Video CHỮ QUỐC NGỮ THEO DÒNG THỜI GIAN, của VTV1.

- Hai bài ký sự ghi âm của Đài Tiếng Nói Việt Nam về chữ Quốc ngữ. 

- Truyện tranh HÀNH TRÌNH SÁNG TẠO CHỮ QUỐC NGỮ.
https://down-vn.img.susercontent.com/file/vn-11134207-7qukw-lgmzrgmkzxmb0e

Cách riêng, xin giới thiệu truyện tranh HÀNH TRÌNH SÁNG TẠO CHỮ QUỐC NGỮ, tác giả: Tạ Huy Long - Ts Phạm Thị Kiều Ly, Nxb Kim Đồng, 2023, 128 trang 18cmx25cm, giá bìa 105.000đ…Sách rất hay, bán chạy, các bạn trẻ Công giáo không thể không biết. Có thể được giảm còn 78.750đ nếu mua tại: https://vn.shp.ee/MGJ8wzw

Rất mong các Giáo xứ quan tâm vận động các đoàn thể cùng thi đua học hỏi.
                                                                                 
                                                                                         Tp. Quy Nhơn, 06 - 05 - 2024
                                                                                                    Lm. Trăng Thập Tự

 

[2] Trích “Bình Định với chữ Quốc ngữ - Kỷ yếu Hội thảo”, Nxb Tổng hợp Tp. HCM, 2016, trang 618.
 
 
 
 
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập47
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm26
  • Hôm nay20,754
  • Tháng hiện tại428,040
  • Tổng lượt truy cập29,407,578

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây