Hiến lễ đầu mùa : Hớp Nắng ấm nụ duyên hồng nhân đức

Chúa nhật - 04/08/2019 21:23
2. Chiều dài đời sống của Chân phước Anrê Phú Yên

2. Hớp Nắng ấm nụ duyên hồng nhân đức
Vươn cánh mềm tô đẹp kiếp nhân sinh
Đời tận hiến niềm vui ơn thiên chức
Hồn đơn sơ thắm mướt cả chân tình.

Đọc câu thơ “Hớp Nắng ấm nụ duyên hồng nhân đức” làm tôi chợt nhớ đến bài hát “Hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng. Với một giai điệu da diết, bài hát trữ tình diễn tả tâm trạng một cô gái đang mong đợi người yêu. Cô nhớ lại những kỷ niệm ngọt ngào ngày xưa cùng sánh vai bên nhau dưới hàng hoa sữa. Hôm nay, những con đường đọng hương vẫn còn đầy hoa sữa nhưng sự mong đợi của nàng hình như vô vọng, trong nỗi nhớ quay quắt nàng thoáng nghĩ “có lẽ nào anh lại quên em?”

Em vẫn từng đợi anh
Như hoa từng đợi nắng
Như gió tìm rặng phi lao
Như trời cao mong mây trắng


Em vẫn từng đợi anh
Trên những chặng đường quen
Tiếng hát ai xao động
Thoáng mùi hương êm đềm.

ĐK: Kỷ niệm ngày xưa, vẫn còn đâu đó
Những bạn bè chung, những con đường nhỏ.

Hoa sữa vẫn ngọt ngào, đầu phố đêm đêm
Có lẽ nào anh lại quên em
Có lẽ nào anh lại quên em.


2.1.Tu tập nhân đức

Nếu nhạc sĩ Hồng Đăng nói hoa đang sầu héo vì thiếu nắng, như gió thiếu rặng phi lao để vi vu trò chuyện và như bầu trời vắng tanh đang mong vần mây trắng để làm cho thêm sinh động; thì nhà thơ Song Lam lại nói đến một loài hoa được tắm trong “Nắng ấm”. Loại “Nắng” đã làm cho đóa hoa “Anrê Phú Yên” ấm lên, triển nở và thăng hoa những đức hạnh con người thành những nhân đức Kitô giáo, những nhân đức quy hướng về Thiên Chúa. Ánh Nắng đó chính là tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa. Chỉ duy có Ngài mới đủ quyền năng để nâng những cánh hoa mỏng manh vương đầy bụi trần, trở nên những đóa hoa thanh khiết tỏa hương thơm trong lành.

Cho nên đóa hoa “Anrê Phú Yên” không phải mong đợi hay nghi ngờ về sự hiện diện của “Nắng”. Vì đóa hoa “Anrê” tin rằng “Nắng” luôn hiện diện và không bao giờ quên những đóa hoa mà chính mình đã tác tạo nên. Thế nhưng lại có nhiều đóa hoa còn dửng dưng với ánh nắng, thích cuộn mình trong bóng tối, thích đi tìm bóng đêm hơn là đón nhận ánh sáng.

Nhưng đóa hoa “Anrê” thì không chỉ “tắm Nắng” mà còn “hớp Nắng”, “ngậm Nắng”, “uống Nắng” nghĩa là hấp thụ những tia nắng “ân sủng của Thiên Chúa” để làm cho chất diệp lục tố trong hoa “nhu cầu cơ bản của con người, mà đỉnh cao là nhu cầu hoàn thiện” được chuyển hóa thành hương thơm “nhân đức Kitô giáo” trong quá trình quang hợp “thánh hóa” để trở thành “nụ duyên hồng nhân đức”.

“Hớp Nắng ấm nụ duyên hồng nhân đức”          

Trong cuộc sống thực tế, Thầy Anrê đã làm gì để được giữ mình luôn thanh khiết, không làm hoen ố chiếc áo trắng mà Thầy đã nhận khi lãnh Bí tích Thánh Tẩy để cho “nụ duyên hồng nhân đức”. Chắc hẳn, Thầy đã sống và thực hành như lời Thánh vịnh 119 (Tv 119, 9-20)

9 Làm thế nào giữ được tuổi xuân trong trắng?
Thưa phải tuân theo lời Chúa dạy.

10 Lạy Chúa, con hết dạ kiếm tìm Ngài,
xin chớ để con làm sai mệnh lệnh Chúa.

11 Lời Chúa hứa, lòng con ấp ủ,
để chẳng bao giờ bội nghĩa bất trung.

12 Lạy CHÚA, con dâng lời ca tụng,
thánh chỉ Ngài, xin dạy cho con.

13 Môi con hằng nhẩm đi nhắc lại,
các quyết định miệng Ngài phán ra.

14 Tuân theo thánh ý Ngài, con vui sướng
hơn là được tiền rừng bạc bể.

15 Con sẽ gẫm suy huấn lệnh Chúa truyền,
đưa mắt nhìn theo đường lối Chúa.

16 Con vui thú với thánh chỉ Ngài
chẳng quên lời Ngài phán.

17 Xin tỏ lòng nhân hậu cùng tôi tớ Chúa đây
để con được sống và tuân giữ lời Ngài.

18 Xin mở mắt cho con nhìn thấy
luật pháp Ngài kỳ diệu biết bao.

19 Ở trên đời, con là thân lữ khách,
mệnh lệnh Ngài, xin đừng nỡ giấu con.

20 Hồn con những khát khao mòn mỏi,
hằng chờ mong quyết định của Ngài.


Chính nhờ biết tuân giữ Lời Chúa, thực thi các thánh chỉ của Ngài và bước đi trong đường lối Chúa mà Thầy Anrê đã tập sống thánh thiện như Lời Chúa mời gọi:

(15) Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em, (16) vì có lời Kinh Thánh chép: Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh. (1 Pr 1, 15-16)

Sự quyết tâm sống thánh thiện để trở nên giống Chúa Giêsu đến mức có thể, đã được Thầy Anrê tu tập mỗi ngày và các nhân đức của Thầy đã triển nở đến độ cha Đắc Lộ cũng phải thừa nhận:

Vậy chúng tôi thấy rằng cho dù chúng tôi đã hết sức vận động để kéo dài sự sống đời này của Thầy giảng Anrê tốt lành, thì tất cả đều luống công, bởi chưng Chúa đã muốn không trì hoãn ban cho thầy sự sống đời đời với đầy tràn vinh quang Ngài; và chúng tôi có thể nói về thầy rằng “đã nên hoàn hảo trong một thời gian ngắn, thầy đã có một hành trình dài trên đường nhân đức; quả vậy, tâm hồn thầy đẹp lòng Thiên Chúa”.
(Trình thuật thứ nhất cuộc tử đạo Thầy giảng Anrê Ranran (Phú Yên) do Lm Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) 01-8-1644)

Và nhờ luôn sống và thực hành Lời Chúa hằng ngày, nên sự thánh thiện của Thầy Anrê đã thể hiện qua các nhân đức Kitô giáo hết sức tự nhiên, ngay cả trước khi chịu hành hình.

“Và nhân chứng còn tiết lộ rằng khi thầy Anrê đã bị giải đến nơi chịu tử hình, thầy đã không muốn ngồi xuống hay đặt mình trên những tấm chiếu mà một người phụ nữ đã đặt ở đó cho thầy, và bà đã trải chiếu ra để thầy đón nhận cái chết trên đó, nhưng thầy đã muốn ở trên đất, đây là một bằng chứng cho thấy sự khiêm nhượng; và thầy đã tuyên bố mình rất sung sướng chết đi với tư cách là người Kitô hữu, chứ không phải vì một tội nào thầy đã phạm.”
(Nhân chứng thứ nhất:  João de Rezende de Figuciroa)
 
 
Không phải chờ nắng đến với hoa và không chờ gió tìm tới rặng phi lao, đóa hoa Anrê biết rằng cuộc đời mình cần phải có Nắng và Gió, nên sau khi đã “Hớp Nắng ấm”, cánh hoa thanh khiết đó đã đón lấy những luồng “Gió ân sủng của Thánh Thần” để cánh hoa mỏng manh có đủ cứng cáp trong Đức Tin mà vươn mình lên “Vươn cánh mềm”, tỏa lan những hương thơm Đức Ái làm đẹp cho cuộc đời, để giúp mọi người hiểu được ý nghĩa đích thực của cuộc sống, đó là nhận biết Con Thiên Chúa và vươn tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô “tô đẹp kiếp nhân sinh” như Thánh Phao lô đã viết trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô:
           
(11) Và chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. (12) Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Kitô, (13) cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô.

(15) Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu. (16) Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái. (Ep 4, 11-13. 15-16)

Chính nhờ biết trân quí những ơn lành của Thiên Chúa, kết hợp với những nổ lực của mình mà Thầy Anrê không những đã có thể chu toàn những công việc và trách vụ của một Thầy giảng một cách hoàn hảo mà còn sẵn sàng giúp đỡ những người khác “Vươn cánh mềm”, để họ cũng có thể sống đẹp lòng Chúa khi biết hoàn thiện mình bằng những công việc nhỏ mọn hằng ngày với lòng yêu mến lớn lao “tô đẹp kiếp nhân sinh”.

“Vươn cánh mềm tô đẹp kiếp nhân sinh”

Đa số tuổi trẻ ngày nay thích chọn cho mình một thần tượng để theo đuổi, để bắt chước, để tung hô và sống hết mình cho thần tượng đó. Họ bắt chước các siêu mẫu từ cách trang điểm đậm nét cho đến cách ăn mặc thiếu kín đáo; cuồng nhiệt với các siêu sao bóng đá và muốn thể hiện phong cách như họ. Đó là một nhu cầu cơ bản của con người – nhu cầu thể hiện mình. Họ không thể hiện mình theo hình ảnh “Tình Yêu” mà Thiên Chúa đã sáng tạo ra họ, mà lại tìm cách thể hiện một hình ảnh cũng mỏng dòn, yếu đuối và dễ vỡ như chiếc bình sành.

Hình ảnh “Tình Yêu” mà Thiên Chúa muốn chúng ta vươn tới chính là Con yêu dấu của Ngài – Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa. Nếu “Đôi cánh mềm” của chúng ta chỉ biết bám víu vào những gì lệt bệt dưới đất thì làm sao có thể vươn cao thành những áng mây đầy ánh sắc trong nắng, tung tăng với gió và bay lượn tự do trên không trung để tô đẹp bầu trời.

Trong Đức Tin có thể nói rằng, khi chúng ta theo đuổi một thần tượng nào khác ngoài Thiên Chúa là chúng ta phạm tội ngoại tình, chúng ta xúc phạm đến Danh Thánh của một Thiên Chúa hay ghen. Đó là một tội trọng đã được kể đến đầu tiên trong mười điều răn: “Thứ nhất thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”

6 "Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ.7 Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.

8 Ngươi không được tạc tượng vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ.9 Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông.10 Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời.
(Đnl 5, 6-10)


Cho nên nếu chúng ta không nhận biết Con Thiên Chúa, không vươn lên tầm vóc của Đức Kitô, nghĩa là trở nên những chi thể thánh thiện của Ngài thì chúng ta không thể nào làm đẹp cuộc đời theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

“Vươn cánh mềm tô đẹp kiếp nhân sinh”

Cuộc sống con người có quá nhiều rủi ro và bất trắc. Những bất trắc đó có thể đến từ thiên tai và dịch bệnh, nhưng cũng có thể đến từ những công việc không tốt mà chúng ta gây ra cho nhau vì tranh giành quyền lực, tham lam của cải, ganh ghét tài năng, hơn thua sắc đẹp, đố kỵ uy tín… làm nên những cuộc chiến nhỏ hay lớn, âm thầm hay công khai. Dù bất cứ dưới hình thức nào thì nó luôn là một tội ác.

Cho nên qua câu thơ này tôi cảm nhận “Vươn cánh mềm” không chỉ đơn thuần là tránh dịp tội, không làm điều xấu. Nhưng còn hơn thể nữa, mỗi người chúng ta phải tích cực làm những điều tốt lành cho Hội thánh, cho thế giới, cho tổ quốc, cho gia đình và cho nhau. Khi đó chúng ta mới thực sự đem Tin Mừng để “tô đẹp kiếp nhân sinh”.

Bài chia sẻ Lời Chúa về dụ ngôn cây vả không ra trái của Linh mục Minh Anh giúp chúng ta rút ra bài học xót xa về một điều tốt mà chúng ta đã không làm cho nhau.

(6) Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: "Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, (7) nên bảo người làm vườn: "Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? (8) Nhưng người làm vườn đáp: "Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. (9) May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi." (Lc 13, 6-9)

Lời của người làm vườn đưa ra với ông chủ xin để anh chăm bón cây vả không sinh trái thêm một năm, và ông chủ đồng ý… cho chúng ta thấy sự nhẫn nại của Thiên Chúa đối với con người. Vậy là cây vả cằn cỗi vẫn còn cơ hội. Như thế, không chỉ cây vả nhưng cả ông chủ lẫn người làm vườn đều hy vọng.

Cây vả cằn cỗi cuối cùng có ra trái không, có bị chặt không? Chúng ta không biết vì dụ ngôn không có hồi kết… nhưng câu trả lời nằm ở chính mỗi người chúng ta. Mỗi chúng ta chính là cây vả không sinh trái ấy, chúng ta đã được trồng, được chăm sóc, được chờ đợi, được vun quén với bao ơn lành hồn xác… nhưng nhiều lúc, xem ra Thiên Chúa vẫn thấy hoài công khi như cây vả, chúng ta không sinh ra hoa trái cho Người.

Cây vả không sinh quả xấu, quả chua hay quả đắng… nhưng cây vả không sinh quả tốt; cũng vậy, nhiều lúc chúng ta nghĩ, chúng ta không làm điều gì sai trái, xấu xa… và chúng ta an tâm; thế nhưng, bao nhiêu việc lành lẽ ra chúng ta phải làm mà không làm thì đó cũng là điều không đẹp lòng Thiên Chúa nếu không nói… là một tội.

Chuyện kể về một ông chủ tiệm đồ cổ. Vào một đêm đông khuya khoắt, trời bão tuyết… bỗng có tiếng gõ cửa. Ông chủ tiệm không mấy vui, ra mở cửa. Một thanh niên run rẩy vì đói với một bàn tay xoè ra, bàn tay kia đỡ lấy cây gậy trên vai treo ít đồ đạc. Thấy hoàn cảnh đáng thương, ông chủ lấy ít bánh mì, vài đồng bạc lẻ trao cho anh. Nhận của bố thí, người thanh niên cám ơn quay gót trở ra. Một ý tưởng chợt đến, ông chủ phân vân, liệu có nên mời người đó vào cho nghỉ đỡ một đêm vì nhà vẫn còn hai phòng khách… tuy nhiên ông tự nhủ, có thể phòng khách sẽ dơ bẩn và ẩm ướt nếu cho người thanh niên này qua đêm. Thế rồi ông vội đóng cửa.

Hai ngày sau, có một người đàn ông đem đến tiệm một cây gậy làm bằng gỗ quý. Sau khi thương lượng giá cả, người bán gậy cho biết, ông ta là thợ chuyên chôn cất ở nghĩa trang. Ông vừa mai táng một người thanh niên vô gia cư, không tiền bạc, không người thân… tài sản của anh không có gì khác ngoài cây gậy, người thanh niên ấy đã chết vì lạnh cóng. Nghe đến đây, ông chủ tiệm cảm thấy xấu hổ và xót xa. Ông vô cùng hối hận không phải vì đã làm điều xấu nhưng vì một điều tốt ông đã không làm khiến cho người thanh niên đáng thương đó phải chết.

Sự dữ chúng ta làm có lẽ Thiên Chúa sẽ tha thứ… nhưng phải chăng những điều tốt chúng ta đã không làm chắc sẽ mãi mãi không được tha. Đó cũng là điều Chúa Giêsu muốn nói qua dụ ngôn cây vả. Người chủ vườn thất vọng không phải là cây vả sinh trái xấu nhưng cây vả không sinh trái tốt.

 “Vươn cánh mềm tô đẹp kiếp nhân sinh”

2.2.Thi hành sứ vụ Thầy giảng

Sau khi nhận lãnh Bí tích Thánh Tẩy được trở thành con Thiên Chúa và được ở trong gia đình Hội Thánh. Lòng yêu mến Chúa và Giáo hội đã thôi thúc Thầy Anrê phải làm một điều gì đó tốt đẹp hơn, cao cả hơn cho đại gia đình của mình để xứng đáng danh xưng Kitô hữu. Và Thần Khí Thiên Chúa đã đánh động tâm hồn Thầy Anrê:

(16) Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! (1Cr 9, 16)

Và ngày nay, trách nhiệm rao giảng Tin Mừng cũng đã được Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại một cách tế nhị trong cuộc gặp gỡ với các chủng sinh tại Roma, Đức Thánh Cha Phanxicô hỏi: “Hội Thánh có mấy đặc tính?”, các thầy đáp: “Thưa, có bốn đặc tính: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”; thế nhưng, ngài bảo: “Ngoài bốn đặc tính đó, Hội Thánh còn có một đặc tính thứ năm, đó là truyền giáo”.

Trong những ngày đầu truyền giáo, lúc đó Việt Nam chưa có dòng tu hay chủng viện để đào tạo tu sĩ và linh mục cho quê hương mình. Nhưng ơn khôn ngoan của Thần Khí đã giúp cha Đắc Lộ thành lập “Hội Thầy giảng” để có thể giúp ngài trong công cuộc rao giảng Tin Mừng. Với lòng yêu mến Chúa và khao khát được phụng sự Ngài đã thôi thúc Thầy Anrê gia nhập vào hội này “Đời tận hiến”. Đối với Thầy, được đứng vào hàng ngũ các Thầy Giảng là một ơn vô cùng trọng đại mà Thầy không biết lấy gì để cảm tạ Chúa. Đó là một niềm vui, một vinh dự khi được Chúa thương chọn dù rằng Thầy biết mình bất xứng “niềm vui ơn thiên chức”.

(12) Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. (Cl 3, 12)

 “Đời tận hiến niềm vui ơn thiên chức”

Khi được cha Đắc Lộ tuyển chọn vào Hội Thầy Giảng, thì không còn trời cao mong mây trắng nữa, mà chính lúc này, áng mây trắng Anrê hòa cùng với những áng mây ngũ sắc khác – các anh em trong Hội Thầy Giảng – tha hồ bay lượn trong bầu trời cao xanh để rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Các áng mây ngũ sắc này tuyên khấn không vướng bận trần đời để có thể tự do giong ruổi khắp đó đây để làm chứng nhân Tin Mừng.

Hai năm trước có ba thầy giảng kể trên đã hiến mạng sống vì đức tin, còn mấy người khác thì cũng đã chết vì đức tin trong xứ này. Người thứ nhất tên là Anrê. Từ lúc thiếu thời, anh đã tự nguyện hiến thân phụng sự Thiên Chúa trong chủng viện, đã khấn giữ đức trinh khiết và tự nguyện cho đến chết giúp chinh phục lương dân dưới quyền điều khiển của các cha. Anh khiêm nhường hiếm có, cầu nguyện rất sốt sắng và liên tục, lòng bác ái đối với hết mọi người thật là đáng khen, còn lòng nhiệt thành thì như nung nấu để giảng dạy đường cứu rỗi cho lương dân.

 
(Trích từ tường trình về xứ Đàng ngoài, Đàng trong, Cao Miên và Lào 
Linh mục Gioan Maracci tháng 4 năm 1649)

Các Thầy đã sống như anh em một nhà, chân tình yêu thương nhau để phục vụ Lời Chúa.

Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,
anh em được sống vui vầy bên nhau,
như dầu quý đổ trên đầu
xuống râu xuống cổ áo chầu A-ha-ron.

(Tv 132, 1-2)

Và hiệp nhất trong cùng một Nhiệm Thể, một Thần Khí, với cùng một niềm tin, một lòng mến và một niềm hy vọng:

(1)Vậy, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. (2)Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại ; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. (3)Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. (4)Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. (5)Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. (6)Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người. (Ep 4, 1-6)

Trong tác vụ thầy giảng và là người em nhỏ nhất trong nhà, Thầy Anrê luôn cố gắng hoàn thành những công việc được giao, dù đó là việc học tập, lao động, bác ái hay bất cứ công việc nào khác, thầy đều cố gắng làm tốt nhất đến mức có thể với lòng khiêm nhường sâu thẳm “Hồn đơn sơ” nhưng thắm đượm tình Chúa và tình người “thắm mướt cả chân tình”.

 (13) Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. (14) Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái : đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. (15) Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân. (Cl 3, 13-15)

Cái tâm niệm sống đơn sơ của Thầy Anrê, hoàn toàn phó thác cho lòng thương xót  của Thien Chúa không khác gì con đường thơ ấu của Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu:

“Giả như Chúa không thấy việc lành con làm, con cũng chẳng buồn. Con yêu Chúa hết lòng, đến nỗi con ước ao có thể lấy tình yêu và những hy sinh nhỏ bé đó để làm đẹp lòng Người, cho dù Người không biết đó là của con. Biết và thấy những cái đó thì dường như Chúa buộc phải ân thưởng cho con… Con không muốn làm phiền Chúa như thế”. (Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu).

“Hồn đơn sơ thắm mướt cả chân tình”

Có thể nói rằng, chiều dài đời sống của Thầy Anrê Phú Yên chính là khi Thầy cố gắng chu toàn từng công việc hằng ngày, dù đó là những việc nhỏ nhặt hay lớn lao với lòng tin vào Chúa quan phòng và sự vâng phục các đấng bề trên. Đời sống thường ngày của Thầy đã được các nhân chứng xác định một cách tỏ tường:

“Nhân chứng trả lời rằng, đây là một việc rõ ràng hiển nhiên và mọi người ai cũng biết, và chính cha Alexandre Rhodes đã nói với nhân chứng rằng thầy Anrê rất vững vàng trong đức tin, kiên định trong đức cậy và có dồi dào đức ái và tình yêu đối với những điều thánh thiện của đức tin chúng ta cũng như đối với tha nhân, vì thiện ích của họ mà chính thầy đã giúp đỡ họ, làm việc giữa những người Kitô hữu, giảng dạy cho những Kitô hữu khác con đường cứu độ, còn những gì liên quan đến các nhân đức luân lý, thầy đã chứng minh cho thấy khi bị bắt và qua cái chết của mình.”
(Nhân Chứng Thứ Hai: Francisco de Azevedo Teizeira)

 
Và Linh mục Gioan Võ Đình Đệ cũng đã nói đến chiều dài cuộc đời của Chân phước Anrê Phú Yên khi chia sẻ:

Mỗi người có thời gian sống ngắn, dài khác nhau. Mỗi người  có những khả năng làm việc khác nhau. Theo chỉ dẫn của dụ ngôn những nén bạc trong Tin mừng (x. Mt 25, 14-30), mỗi người có trách nhiệm khám phá sứ mạng, khả năng của mình trong suốt chiều dài cuộc sống. Phải làm hết sức mình để thực hiện sứ mạng và những khả năng của mình. Phải hành động như thể Thiên Chúa đã giao cho mình chính công việc nầy, vào lúc nầy. Chiều dài cuộc đời là chuỗi dài các nỗ lực của mỗi người để đạt được hạnh phúc trong suốt chiều dài cuộc đời của mình.

Năm 1642, Anrê Phú Yên khăn gói lên đường với cha Đắc Lộ về Hội An. Tại trường “Thầy giảng Hội An” do cha Đắc Lộ thành lập, Anrê được nhập đoàn với 09 người anh ưu tú trong cộng đoàn thầy giảng, Anrê là người em út.

Ngoài việc luyện tập nhân đức, học giáo lý bằng quốc ngữ, chữ nôm, chữ hán, các thầy giảng còn được học kinh sử cổ điển. Về môn học nầy đã có sẳn một thầy giáo trong cộng đoàn là thầy Inhaxiô, từng là một cựu quan ở Chính Dinh. Cha Đắc Lộ nói về Anrê: “Tôi giao thầy Anrê cho một trong những thầy giảng khác của tôi là Inhaxiô, là người rất khôn ngoan, thông thái để học văn chương Trung Hoa; Anrê học hành có kết quả đến nỗi Inhaxiô phải nói với tôi rằng: Trong tất cả các môn sinh, không một người nào đọ kịp trí tuệ của Anrê, thầy linh lợi thông minh, học đâu hiểu đó”.

Nơi trường thầy giảng, Anrê theo đuổi việc tu đức và học vấn nhưng không bỏ qua những việc cần làm để giúp đỡ người khác, như Cha Đắc lộ nhận xét người học trò nhỏ của mình: “Người thầy không khỏe mạnh gì lắm, thế mà việc khó mấy trong nhà, thầy cũng làm luôn, nhiều khi lại làm quá sức mình; thầy quên mình để giúp kẻ khác”.

Cha Đắc Lộ tóm tắt công việc của thầy Anrê trong những tháng ngày làm việc ở vùng truyền giáo này: “Thầy Anrê đặc biệt chăm chỉ đi theo thầy Inhaxiô trong mọi hoạt động vì lòng bác ái, thầy đến tận kinh đô xứ Đàng Trong, ở đó riêng mình thầy làm việc bằng nhiều người khác”. Thầy giảng đạo cho người ngoại giáo, dạy dỗ kẻ tân tòng…, dọn dẹp nhà thờ rất sạch sẽ, trang hoàng nhà thờ trong những ngày lễ lớn, khéo léo đến nỗi làm cho bổn đạo tăng thêm lòng sốt sắng và cả người ngoại giáo cũng phải trọng kính mầu nhiệm của đạo”.

 
(Chân Phước Anrê Phú Yên, một cuộc đời hoàn thành)
Lm. Gioan Võ Đình Đệ

Trong tâm tình đó, mỗi người chúng ta hãy cố gắng học theo gương Chân Phước Anrê Phú Yên, để khi hoàn thành từng công việc hằng ngày vì lòng yêu mến Chúa, chúng ta sẽ chấm những dấu chấm làm cho cuộc đời chúng ta dài thêm cách có ý nghĩa trong mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy hân hoan hát lên:

1.Vui vui làm sao được nghe tiếng Cha kêu mời
Hân hoan tìm đến để dâng hiến trót tuổi xanh.
Muốn sống cho Ngài và đem sức sống cho đời
Cho con theo mãi để làm nhân chứng cho Ngài thôi.

Đk: Con không đến để làm theo ý con.
Nhưng con xin dâng trọn đời cho Nước Trời
Như sắp biến tan cho đời thắp sáng
Như chút muối men cho tình mến thắm
Như tiếng ru êm cho đời nóng ấm cho tươi vui nụ cười.


2.Tương lai đời con là những khúc quanh mây mù
Thấy những hiểm nguy tự nhiên bước chân ngại ngùng.
Chúa hứa cho con nụ hồng tươi giữa muôn gai
Qua bao gian khó để được cũng bấy nhiêu niềm vui


(Muối men cho đời – Hồng Trần và Phạm Đình Đài)

Tác giả bài viết: Bình Nhật Nguyên

 Tags: Văn thơ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập39
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm24
  • Hôm nay13,077
  • Tháng hiện tại358,793
  • Tổng lượt truy cập29,338,331

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây