Sự cấp bách của niềm vui

Thứ sáu - 29/06/2018 03:30
L'Osservatore Romano 29/5/2018
 
ENZO BIANCHI
 
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gửi đến cho Giáo hội hoàn vũ một Tông huấn, đây là Tông huấn thứ ba sau Evangelii Gaudium (2013) và Amoris Lætitia (2016), nói về lời kêu gọi nên thánh trong thế giới hiện nay. Tông huấn đáng chú ý này mang tựa đề Gaudete et Exsultate, là lời mời gọi vui mừng và hân hoan gửi đến tất cả mọi tín hữu. Thậm chí ngay cái tựa đề cũng nói lên sự cấp bách của Phúc âm, là điều mà Đức Giáo hoàng Phanxicô rất để ý đến, vì ngài tin rằng nó quyết định cho đời sống của người môn đệ Chúa Giêsu: sự cấp bách của niềm vui, đó là niềm vui của Tin mừng, vui sướng của tình yêu, cảm nghiệm vui tươi của sự hiệp thông với Chúa Giêsu.

Chúng ta biết những lời chỉ trích nhằm vào các kitô hữu chúng ta đặc biệt từ Friedrich Nietzsche vào đầu thế kỷ trước, vì trên gương mặt của chúng ta thường xuất hiện vẻ u buồn, mệt mỏi, sa sút, suy nhược và thậm chí là hoài nghi, yếm thế. Chúng ta bị nghiền nát bởi gánh nặng của các giới luật, mâu thuẫn sâu xa với sứ điệp Phúc âm, là “tin vui”, mâu thuẫn với lời loan báo lẽ ra phải khơi dậy được niềm vui và hân hoan: Niềm vui nảy sinh từ cuộc gặp gỡ mang lại ý nghĩa cho cuộc sống; Niềm vui khám phám ra kho tàng vô giá; Niềm vui của tự do, của cuộc sống sung mãn mà Thiên Chúa ban cho những ai đón nhận tình yêu của Ngài, điều mà không bao giờ họ đáng được hưởng. Tiếc thay, người kitô hữu quên rằng niềm vui là một mệnh lệnh tông truyền mà thánh Phaolô đã gửi đến cho Giáo hội: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Phip 4,4). Các kitô hữu quên rằng niềm vui là một sự rèn luyện được thực hiện trong cuộc chiến chống lại vô cảm, chống lại nỗi buồn trần tục; Niềm vui đó là xưng thú ngợi khen (confessio laudis) ca ngợi hành động của Thiên Chúa trong chúng ta và trong lịch sử; Niềm vui là ơn của Đấng Phục sinh mà không có ai cũng như không có gì có thể đánh cắp được (x. Ga 15, 11; 16, 20-22). Thật ý nghĩa khi Đức Phaolô VI đã can đảm viết ra tông huấn dưới nhan đề Mừng Vui Lên trong Chúa “Gaudete in Domino” (1975), trong đó ngài kêu gọi các tín hữu phải làm sao để cuộc sống của họ có thể diễn tả được niềm vui của niềm tin, hy vọng và tình yêu đang hiện hữu trong tâm hồn họ.

Vì thế, Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng, con đường thánh thiện trước hết phải được ghi dấu bởi niềm vui, đó là “hoa trái của Thánh Thần” (Gal 5, 22), được biểu lộ qua cuộc sống của các thánh và đó là tin vui cho anh chị em của họ. Đúng vậy, chúng ta là những môn đệ của Chúa Giêsu trên mọi nẻo đường thế gian được vây quanh bởi vô vàn các nhân chứng (x. Dt 12, 1), chúng ta không đơn độc, nhưng được đắm chìm trong sự hiệp thông của cuộc sống, của ý thức và cầu nguyện, là những điều làm cho chúng ta nên bạn hữu của Thiên Chúa.

Trong cái nhìn về đám mây to lớn các chứng nhân này, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc lại lời mời gọi nên thánh cho tất cả các kitô hữu, và dĩ nhiên trong lời kêu gọi phổ quát này, chúng ta sẽ có thể phân định được “các thánh ở bên cạnh chúng ta” mà có lẽ chúng ta đã gặp họ nơi chiếu nghỉ, trong công việc hay trên đường: các thánh nhân thường nhật, nam và nữ, trong sự giản dị của cuộc sống họ không xuất hiện và không được nổi tiếng, tuy nhiên họ đều sống trong sự hiệp thông với Chúa Giêsu, và với tất cả những giới hạn và yếu hèn của con người, họ đồng dạng với Ngài, đến nỗi cuộc sống của họ phản ảnh được sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta. Những người vô danh, không được thiên hạ nhận biết, không được quyền lực của thế gian này lưu ý đến, họ là những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu và đang bước theo Ngài.

Hàng thế kỷ qua Giáo hội đã tuyên bố các thánh giáo hoàng, giám mục, linh mục, giáo sĩ và tu sĩ, nhưng rất nhiều những vị thánh trong số đó là những giáo dân đơn sơ, các bậc làm cha mẹ đã hiểu được những công việc khó khăn của cuộc sống, đã sống tình yêu cách trung thành, đã biết đón nhận kết quả tình yêu của họ, là con cái, và đã nuôi chúng lớn lên bằng những quan tâm và chăm sóc; Những người nghèo phải lao động để nuôi sống gia đình họ; Những người bị áp bức không có được tiếng nói nhưng cũng không cúi đầu trước những bất công và quyền bính của bạo lực; Những người yếu đau và cùng đinh, đặc biệt họ là những người đã cảm nếm được vất vả và đớn đau… Vào cuối thế kỷ người ta đã thấy được nỗi khao khát thánh thiện “bình thường” này trong Giáo hội và cả một mùa văn học công giáo, đặc biệt ở Pháp (Malègue, Mauriac, Bernanos, Green) đã cố gắng đem lại cho nó nét hùng hồn trong việc tường thuật về cuộc sống của người tín hữu đơn sơ, thánh thiện thực sự, đã sống cách tầm thường, anh hùng trong bền bỉ và khiêm tốn, chứ không phải trong những hành động khác thường.

Các giáo phụ sa mạc nói rằng : các thánh không phải là những người làm nên những phép màu hay là những kẻ sống lại từ cõi chết, nhưng họ là những người tự nhận mình là tội nhân và ăn mày lòng thương xót của Thiên Chúa, đang cố gắng sống trong đức ái. Có một giai đoạn trong truyền thống của các giáo phụ sa mạc minh họa rất tốt sự thánh thiện đã được thánh Phanxicô trình bày. Người ta kể rằng, thánh Antôn, tổ sư của các đan sĩ, sau nhiều thập niên sống khổ chế và chiến đấu tinh thần đã có một thị kiến.

Một hôm đang khi cha Antôn cầu nguyện trong phòng nguyện riêng, lúc ấy có tiếng nói với cha rằng : “Antôn, con vẫn chưa đạt đến được mức độ như ông thợ giày của Alexandria”. Tờ mờ sáng ông cụ thức dậy, cầm gậy trong tay và đi tìm đến ông thợ giày. Bước vào nhà, ôm lấy ông thợ giày rồi ngồi xuống bên ông ấy, ông cụ hỏi : “người anh em, hãy kể cho tôi biết những gì anh đã làm”. Ông thợ giày trả lời : “Thưa cha, con không biết con đã làm điều gì nữa. Đơn giản, vào buổi sáng, khi thức giấc con bắt đầu làm việc, con nói rằng tất cả mọi người dân trong thành này, từ những người nhỏ nhất đến người lớn nhất, sẽ được vào Nước trời vì những việc làm đúng đắn của họ, chỉ có con là nhận sự trừng phạt vì tội lỗi của con. Và một lần khác, vào buổi tối, trước khi con đi ngủ, con đã lặp lại chính điều này”. Đây là những lời ông cụ nói : “Quả thật, như một người thợ kim hoàn giỏi đang ngồi làm việc trong bình an ở nhà của anh, anh đã thừa hưởng được nước trời; trái lại, ta không có sự sáng suốt, cho dù ta luôn sống trong sa mạc, ta đã không đuổi kịp anh” (Ngạn ngữ của các giáo phụ sa mạc, loạt bài vô danh, Nau 490).

Đây là “sự thánh thiện cạnh nhà”, sự thánh thiện có thể xảy ra cho tất cả những ai không từ chối ơn sủng của Thiên Chúa, luôn luôn đi bước trước, không do sự xứng đáng. Sự thánh thiện này giống như người dành cả cuộc đời cho người khác, hay mất mạng sống vì niềm tin vào Chúa Kitô, tất nhiên nó vượt qua những ranh giới của Hội thánh: đó là công cuộc cổ võ hiệp nhất bằng máu của biết bao nhiêu người, những lời tuyên xưng của họ dù có khác nhau, họ đã trở nên những vị tử đạo vì Chúa Kitô; đó là bằng chứng của vô vị lợi và của nhân loại được trao cho tất cả mọi người, ngay cả những người không phải là kitô hữu nhưng đã hiến dâng cả cuộc đời họ cho thiện ích chung và phục vụ tha nhân. Sự thánh thiện được sống theo nhiều cách khác nhau, bởi vì “Vì sự sống của Thiên Chúa được truyền cho “kẻ thì cách này, người thì cách khác” (GE 11); Bởi vì, nếu lời kêu gọi nên thánh hướng đến tất cả mọi người, thì Thiên Chúa ban cho mỗi người ơn riêng và nó liên quan đến “con đường của họ”, “hành trình của họ” hướng về Quê trời: họ không đơn độc, không thiếu tha nhân, nhưng bằng cách đáp lại sự vâng phục đối với thân thể mình, đối với lịch sử đời mình, đối với chỗ đứng của mình trong thế giới và trong Giáo hội, đối với lương tâm của mình. Các kitô hữu luôn thực hiện ơn bí tích rửa tội, nhưng không bao giờ tương đồng, không bao giờ đòi phải bắt chước, nhưng chỉ đòi hỏi bước theo Chúa Giêsu bất cứ nơi nào Ngài đến (x. Kh 14, 4), bằng cách để cho mình được đắm chìm trong cái chết của Ngài để được sống lại với Ngài trong cuộc sống mới (Rm 6,4; Col 2,12) trong sự thánh thiện mà Thiên Chúa ban cho con cái của mình.

Cần phải lưu ý, lời kêu mời nên thánh không có nghĩa là đồng sàng như nhau, sống trong nhiệt thành, nhưng là lời kêu gọi sống bác ái, sống một cuộc sống đầy tràn yêu thương: và đối với tình yêu thì không đo lường được. Về vấn đề này Đức Giáo hoàng Phanxicô có thể bị hiểu sai, bởi vì cái nhìn rất là con người của ngài về sự thánh thiện không phù hợp với những quy tắc được trình bày trong truyền thống hay những mô hình cổ điển của thánh truyện và lòng sùng kính. Thật ra, Đức Phanxicô không biệt đãi cho bất kỳ con đường thánh thiện nào, nhưng ngài mạnh mẽ yêu cầu nhận ra điều đó ngay cả trong cuộc sống không mấy nổi bật, không được thành công cũng như không có gì trỗi vượt hay anh hùng. Về phía những người còn tin rằng có những con đường thuộc về thể chế hay những tuyến đường riêng phân biệt bởi đức ái trọn hảo – giống như người ta nói về đời sống tu trì – cái nhìn này đối với sự thánh thiện có thể không được hiểu trong chân lý của nó : đó là nhận ra rằng các thánh là những tội nhân, không có ai là hoàn hảo, là siêu nhân, và Thiên Chúa có thể đổ đầy ơn sủng của Ngài trên người tội lỗi biết ăn năn hơn là người tìm tự hào về bản thân mình. Các thánh không phải là tầng lớp quí tộc về tinh thần, nhưng là “đám đông” những người mà Thiên Chúa đã đổ máu mình ra cho họ, là những người đã đáp trả tình yêu của Thiên Chúa bằng cách tin và sống yêu thương!

Sự thánh thiện phải được tìm kiếm trong đời sống hằng ngày, không được lấy cảm hứng từ những mẫu hình lý tưởng, trừu tượng, siêu phàm và được kể như là đã đạt được sự hoàn hảo. Mỗi một người có một con đường nên thánh của mình, con đường do Thiên Chúa vạch ra và có thể được kinh qua giữa những bất toàn và sa ngã, thế nhưng con đường ấy được soi sáng và được thực hiện nhờ ân sủng của Thiên Chúa.

Điều ấy đã được chàng trai trẻ Angelo Roncalli, sau này là Giáo hoàng Gioan 23, hiểu rất rõ khi viết trong nhật ký tâm hồn của mình ngày 16/01/1903, năm ngài 22 tuổi: “Càng tiếp xúc với sự thánh thiện tôi càng bị thuyết phục bởi một điều: khái niệm về thánh thiện đã được hình thành trong tôi, đem áp dụng cho chính tôi là không đúng. Qua những hành động cá nhân của tôi, trong những thiếu sót nhỏ nhặt, lập tức tôi thấy gợi lại trong tâm trí hình ảnh của một số vị thánh mà tôi đề ra để bắt chước trong tất cả mọi sự, giống như một họa sĩ sao chép lại cách chính xác bức tranh của Raphael (…). Dù vậy đã xảy ra là tôi không bao giờ đạt đến được những gì tôi nghĩ tưởng rằng tôi có thể làm được và điều đó làm tôi lo lắng (…). Tôi không phải là thánh Lu-y, tôi cũng không cần phải thánh hóa bản thân mình giống như thánh Lu-y đã làm, nhưng tính cách của tôi, những điều kiện khác nhau của tôi, đòi hỏi bản thân tôi phải khác”. Và Đức Phanxicô lặp lại những lời này khi khẳng định : “Thiên Chúa không muốn cho tất cả các linh hồn như nhau và hoàn hảo như nhau”.

Trong mỗi con đường thánh thiện, điều quyết định đó là tình yêu dành cho người khác, tình yêu đối với tha nhân, bác ái là sống hướng đến anh em, người mà mình trông thấy, chứ không phải là người khoe khoang sống cho Thiên Chúa Đấng họ không thấy (x. 1Ga 4,20). Đời sống của người kitô hữu phải nhận biết, tập luyện thinh lặng và chiêm niệm, thế nhưng không phải là miễn trừ khỏi cuộc sống vất vả, không phải là trốn thoát khỏi anh chị em, không phải là ẩn thân vào một thuyết ngộ đạo tâm linh, không phải là hưởng đặc quyền so với hoàn cảnh của những người nghèo và của những người sống lao động và khổ nhọc. Chúng ta phải nghiêm túc tự hỏi : “Có một cuộc sống nào đó được xác định là chiêm niệm và được cho là xứng đáng, mà đôi lúc không phải là một sự thoát ly từ lịch sử và từ thân phận con người không?”. Linh đạo Kitô giáo – đã khẳng định mạnh mẽ - không thể có bình an nội tâm như mục tiêu cuối cùng, nhưng tình yêu, bác ái hướng đến tha nhân đã được trải nghiệm hằng ngày và cụ thể.

Khi vị Giáo hoàng, trong chương thứ hai của tông huấn, cảnh báo về những rủi ro của thuyết ngộ đạo và pelagianesimo[1], cách đặc biệt ngài yêu cầu tham gia vào chủ nghĩa hiện thực kitô giáo của Tin mừng, không phải tham gia vào những quy tắc tâm linh, thế nhưng vẫn phải phụ thuộc vào sự phán xét của chính Phúc âm. Không phải sự hiểu biết thuộc trí tuệ hay thuyết duy linh chắc chắn, cũng không phải trông cậy vào ý muốn của mình, vào các công việc của mình, trong việc thực hiện đúng những luật lệ, những qui tắc và những phương pháp được trình bày từ nhiều linh đạo: chỉ có tình yêu của Thiên Chúa mới cứu độ! Vì vậy “Ngay cả khi đời sống của một người bị tàn phá, ngay cả khi chúng ta thấy đời sống ấy bị hủy diệt bởi các tật xấu hoặc bởi sự tha hóa của tội lỗi, thì chúng ta phải tin rằng Thiên Chúa vẫn hiện diện ở đó” (số 42). Vâng, nhờ ân sủng, tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần, Đấng thứ tha tội lỗi luôn hoạt động, ngay cả trong những cách mà chúng ta không nhận ra và vượt ra ngoài các ranh giới mà chúng ta đang theo dõi. Thật vậy – như thánh Augustinô đã khẳng định – Thiên Chúa mời gọi mỗi người thực hiện những gì có thể và hãy cầu xin những gì không thể (x số 49) trên con đường theo Chúa. Thật vậy, ơn cứu độ chỉ đến từ Thiên Chúa, và mỗi một con người, mỗi tín hữu “nhận ra mình thiếu sự công chính đích thực và chỉ được công chính hoá nhờ đức tin vào Đức Kitô” (số 52).

Thông điệp rất mới của tông huấn này dựa trên lời kêu gọi nên thánh, tuy nhiên nó là lời khẳng định vĩnh cửu của sứ điệp Phúc âm : “Ai yêu tha nhân thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8) và “tất cả Lề luật tìm thấy được sự trọn hảo của nó chỉ trong một giới răn : “Hãy yêu tha nhân như chính mình” (Lv 19,18; Gal 5,14).
Trọng tâm của tông huấn, trong chương thứ ba, Đức Giáo hoàng phác họa lại gương mặt của Chúa Giêsu, gương mặt của người đầu tiên nhận các mối phúc, bởi vì chính Ngài đã sống trọn vẹn các mối phúc ấy, bằng cách rút ra từ kinh nghiệm đầy uy quyền này, uy quyền (exousia) trong việc công bố các mối phúc. Đối với Giáo hoàng Phanxicô các mối phúc là những minh họa về sự thánh thiện kitô giáo (x. số 63), là những tuyên bố về hạnh phúc, về phúc thật mà các môn đệ của Chúa Giêsu hiểu được khi sống những điều ấy và biểu lộ chúng qua những đường nét của sự thánh thiện.

Đức Giáo hoàng giải thích về 8 mối phúc theo bản văn của thánh Matthêô (Mt 5,3-12). Lời của ngài không phải là những lời cuối cùng và cũng không phải chỉ giải thích bản văn này, một bản văn mà qua nhiều thế kỷ đã truyền cảm hứng cho các chú giải, bởi các Giáo phụ của Giáo hội cho các nhà chú giải của thời đại chúng ta. Trong việc minh họa về các mối phúc này ta thấy được linh đạo I-nhã của ngài, không thể nào khác hơn được. Mặt khác, tông huấn này là kết quả của toàn bộ đời sống tâm linh của ngài, đã được sống trong một thời điểm rõ ràng, đã gợi hứng cho một linh đạo chính xác và trong địa hạt riêng của ngài. Cho nên, chúng ta thu nhận được trong các lời nói của ngài dấu vết của việc đọc các mối phúc từ rất nhiều phía, đã chứng kiến và đã được viết ra bởi nhiều chứng nhân khác nhau của Chúa Kitô. Đối với Đức Giáo hoàng, ngài không lưu tâm rằng các mối phúc chỉ được đọc theo quan điểm của mình, nhưng đúng hơn là, đừng quên lời loan báo này như là quyết định và gồm tóm các vấn đề theo những đòi hỏi từ việc bước theo Chúa Giêsu. Điều đáng chú ý đó là bài giảng trên núi gần giống như bài giảng của Chúa vào ngày phán xét chung (x. Mt 25, 31-46), qua đó ơn cứu độ được quyết định bởi thái độ sống của người tín hữu trong lịch sử, trước anh chị em đang túng thiếu. Nơi người đói, người khát, khách ngoại kiều, nơi kẻ trần truồng, trong kẻ yếu đau, tù đày, Chúa Kitô phải được tìm kiếm, suy ngắm, yêu thương và phục vụ. Người tín hữu được mời gọi đọc những trang về các mối phúc và ngày phán xét, bằng cách chấp nhận sine glossa[2], không làm cho chúng thêm ngọt ngào, nhưng luôn tin rằng chúng minh họa về lòng thương xót cần thiết để sống và thực hành giống như “nhịp đập con tim của Tin mừng” (số 97)

Thánh thiện Kitô giáo không phải là thành tích cá nhân từ cuộc sống và chỉ mang đến sự trọn lành trước mặt Thiên Chúa, nhưng là thánh thiện trong việc tập khám phá ra tình huynh đệ nhân loại và tuyên xưng tình phụ tử của Thiên Chúa. Không có tha thân thì không bao giờ có thể đến với Thiên Chúa; Không có tha nhân thì không bao giờ có thể hiệp thông với Chúa Kitô; Không có tha nhân thì ta không thể được Chúa Thánh Thần thúc đẩy. Hay nói đúng hơn là, tình yêu đối với tha nhân có thể là bằng chứng cho sự hiện diện của tình yêu đối với Thiên Chúa, vì yêu mến Thiên Chúa nghĩa là hoàn toàn thực hiện giới răn của Ngài, đó là tình yêu đối với tha nhân. Một vị thánh mà không biết đến những người nghèo, không cảm thấy được tình đoàn kết với những người bé mọn, không sống lòng từ bi với những người đau khổ là một lời gian dối (psèudos) của sự thánh thiện. Có thể đó là một người sống khổ chế, tuân theo những thực hành tôn giáo và tâm linh, nhưng không phải là môn đệ của Chúa Giêsu, vì thế không phải là kitô hữu.

Chúng ta biết rõ rằng : những người nghèo thì không đẹp, khách ngoại kiều có thể làm cho chúng ta sợ và gây rắc rối cho cuộc sống chúng ta, những người đau bệnh thường cố chấp và tự phụ, làm phiền cuộc sống thường ngày của chúng ta, thế nhưng những người ấy là “xác thịt của Chúa Kitô”, là bí tích đầu tiên của Ngài trong thế gian. Quan niệm về sự thánh thiện kitô giáo không hề bỏ qua bất công đang có trong thế giới, không bước qua các nạn nhân của quyền bính và bạo lực, không tìm kiếm một ốc đảo bình yên và miễn trừ khỏi những công việc khó khăn của cuộc sống, nhưng biết lưu tâm đến người nghèo khổ và túng thiếu (x. Tv 41,2), biết chăm sóc họ, biết đảm nhận trách nhiệm bảo vệ và giải phóng họ khỏi những áp bức. Đó là sự thờ phượng làm hài lòng Thiên Chúa của Chúa Giêsu, bởi vì Ngài không muốn lễ vật và hy sinh nhưng Ngài muốn cuộc sống chúng ta phải được tiêu hao và hiến trao vì người khác (x. Rm 12,1), Ngài muốn lòng thương xót và nhận biết sự hiện diện của Ngài nơi anh chị em (x. Hs 6, 6).

Sau những minh họa đối với trọng tâm sứ điệp về các mối phúc và nhớ lại ngày phán xét của Thiên Chúa dựa trên những việc làm của chúng ta trong lịch sử, trong chương IV, Đức Phanxicô chỉ cho thấy một số đặc tính của sự thánh thiện trong thế giới hôm nay. Ngài tập trung vào năm biểu hiện của tình yêu kitô giáo, nhắc nhở những người tin vào Chúa Giêsu Kitô, nhất là trong thời đại hôm nay, những cấp bách của nó. Chương này cần nhấn mạnh đặc biệt là lời kêu gọi dành cho đức tin, đức tin vững chắc đó là ơn của Thiên Chúa, nhưng luôn được đòi hỏi, gìn giữ và canh tân trong cuộc sống của người tín hữu. Người có đức tin (pìstis), đi theo Chúa, có thể trở thành đáng tin (pistós) trước mặt người khác và nhờ đó mà họ làm chứng cho lòng trung thành của Thiên Chúa, mà không bao giờ bị tiêu phai.

Một cấp bách khác được trình bày – như đã nói ở trên – đó là niềm vui: Đức Giáo hoàng nói trực tiếp về tầm quan trọng của tinh thần hài hước, vì “cuộc sống người kitô hữu là “niềm vui trong Chúa Thánh Thần” (Rm 14,17; số 122), bởi vì niềm vui kể lại sự gần gũi trung tín của Thiên Chúa, của tình yêu Ngài, điều Ngài thực hiện luôn kỳ diệu trong cuộc sống của mọi người và trong lịch sử nhân loại. Tất nhiên, đó không phải là niềm vui trần tục, chủ nghĩa cá nhân mà không có người khác, nhưng đó là niềm vui của sự hiệp thông (x. số 128).

Cũng không thể thiếu tính cấp bách của parrhesìa, luôn ở trong con tim của Đức Phanxicô: parrhesìa giống như là không sợ hãi, cho nên nó như là sự liều lĩnh của đức tin; Parrhesìa như là kinh nghiệm tự do, không ngã gục dưới gánh nặng của Lề luật; Parrhesìa như là sự xác tín vững chắc để vượt qua khi thiếu lửa nhiệt thành, vượt qua mọi lưỡng lự và tình trạng tê liệt khi đối diện với những điều mới mẻ mà Thiên Chúa đã chuẩn bị và ban tặng cho chúng ta (x. Is 43,19). Parrhesìa là chiến thắng trước hội chứng Giona, vị tiên trị bị nỗi sợ hãi cám dỗ, ngờ vực và ghen tuông đối với căn tính của mình, do dự trong việc chấp nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, vì vậy mà ngã về một tác vụ kết án nhân loại đáng thương và mọi thụ tạo, lên án những gì mà Thiên Chúa có lòng từ bi.

Sau nữa Đức Giáo hoàng đặc biệt nhấn mạnh về tính cấp bách của cộng đoàn thánh thiện, tức là một lộ trình chung luôn thực hiện cùng nhau, với người khác, không bao giờ làm một mình. Phải thừa nhận rằng trải qua nhiều thế kỷ các linh đạo thường được sống theo kiểu cá nhân, mà không có được phác họa nào cho người môn đệ viễn tượng cộng đồng. Điều quan trọng vẫn là Giáo hoàng trích dẫn những mẫu gương rất gần với chúng ta, chỉ là những vị thánh được trình bày qua việc tử đạo nơi các vùng truyền giáo, cho đến 7 tu sĩ khổ tu người Algeri ở Atlante. Thế nhưng đó là cộng đoàn, là sự hiệp thông kitô giáo, là nơi mà Chúa Kitô sống lại được cảm nghiệm, nơi ta lãnh nhận được ơn huệ Chúa Thánh Thần, Thần khí của sự hiệp nhất và hòa giải những điều khác biệt, nơi nhận biết được cách thực hành cốt yếu về giới răn mới mà Chúa Giêsu đã ban cho các môn đệ của Ngài (x. Ga 13,34; 15,12) và cho thấy nó như một dấu chỉ duy nhất về phẩm chất kitô giáo của các môn đệ của Ngài.

Cộng đoàn gia đình hay tu trì không phải là một rủi ro trong đời sống kitô giáo: đó là hình thức của việc bước theo Chúa Kitô, ước muốn sống ơn gọi của mình trong cuộc sống chung của những người môn đệ và Giáo hoàng chỉ ra cho thấy cộng đoàn gia đình giống như việc thuật lại giao ước trung thành của Thiên Chúa với dân của Ngài. Sống trong đời sống cộng đoàn đòi hỏi thực hành một tình yêu chân thành, mỗi ngày, cụ thể, nó không phải là lý tưởng nhưng là khả năng đón nhận những khó khăn, những căng thẳng, những xung đột và khả năng vượt thắng trong sự hiệp thông mà Chúa Thánh Thần hằng luôn xây dựng. Vì vậy, cần nói không với tinh thần chủ nghĩa cá nhân. Ngày nay cám dỗ hiện diện rất nhiều, vì văn hóa chủ nghĩa cá nhân chế ngự việc truyền cảm hứng, trong linh đạo và trong việc suy đoán con đường nên thánh, trong các cử chỉ không phù hợp với koinonìa, với hiệp thông mà chính Thiên Chúa và Chúa Giêsu đã muốn nói với chúng ta và muốn sống giữa chúng ta.

Cuối cùng có sự cấp bách của việc cầu nguyện, nghĩa là đang ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa, lắng nghe Lời Chúa, đưa bạn đến với Chúa để chỉ đơn giản thưa với Ngài từ “amen”, để cầu xin Thánh Thần của Ngài và lòng thương xót của Ngài. Không cầu nguyện, hùng biện của đức tin, (x. Gc 5,15), thì chính đức tin không sống nhưng sẽ kết thúc bằng cái chết.

Chương cuối cùng, về những con đường nên thánh, đã dành ra ba đề tài kinh điển cho linh đạo kitô giáo, các đề tài chính dành cho giáo phụ sa mạc và kể từ đó luôn luôn được đổi mới và tái thực hiện. Trước hết là cuộc chiến tâm linh, cuộc chiến chống lại cám dỗ của ma quỷ. Cuộc đời là một cuộc chiến (x. Gc 7,1) và cuộc sống của người kitô hữu là cuộc chiến không phải chống lại xác thịt và máu huyết mà là chống lại sức mạnh căn bệnh sùng bái ngẫu tượng, đang quyến rũ chúng ta và làm cho chúng ta trở thành nô lệ (x. Eph 6,12). Đó là cuộc chiến mà nhân vật chính vẫn là Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta có thể kêu xin : “trong cuộc chiến của con, xin Ngài hãy chiến đấu” (Tv 43, 1; 119, 154). Đó là cuộc chiến mà ta có thể cảm nghiệm được niềm vui vì sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng không bỏ rơi chúng ta cho cám dỗ nhưng đánh bại nó nơi chúng ta và khiến chúng ta tham gia vào việc chống lại ma quỷ, khiến nó phải lùi xa. Ma quỷ là một sức mạnh, là kẻ gây chia rẽ. Satan là kẻ tố cáo, là hoàng tử của thế gian này, nhưng trong niềm tin chúng ta biết rằng Chúa Giêsu luôn đã đánh bại nó. Tuy nhiên, ma quỷ vẫn còn hoạt động và chúng ta không được tin vào sự hiện diện của nó, vì chúng ta cảm nghiệm được nó trong những cám dỗ, nhưng chúng ta tin chắc rằng Chúa Giêsu luôn đánh bại nó nơi chúng ta và ân sủng của Chúa giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm và gây chia rẽ của nó.

Cuộc chiến này đòi hỏi phải tỉnh thức. Thánh Basiliô đã tự hỏi : “người kitô hữu là ai?”. Và Ngài trả lời: đó “là những người có tinh thần tỉnh thức”. Trên con đường thánh thiện làm vang lại lời kêu gọi của Chúa Giêsu: “Các con hãy canh chừng, hãy tỉnh thức”. Cần phải duy trì tỉnh thức, không được chịu thua trước tinh thần u mê, đừng bao giờ làm quen với đổ ngã, nhưng luôn đón nhận Lời Chúa hầu ngăn cản tâm hồn chúng ta trở nên chai lì, cứng cỏi, vô cảm đối với ý muốn của Thiên Chúa và vì vậy mà thành miếng mồi của một tinh thần đồi bại.

Cấp bách cuối cùng của đời sống thiêng liêng cũng như trong đời sống Giáo hội hiện nay, như Đức Thánh Cha thường cảnh báo và nhấn mạnh, đó là biện phân. Biện phân là hoạt động đến từ Chúa Thánh Thần, được lồng ghép vào trong tâm hồn con người, cho phép chúng ta nắm bắt, phán đoán và hành động theo ý muốn của Thiên Chúa, vì vậy đó là điều tốt của chúng ta, thay vì là mâu thuẫn với đời sống tốt lành, đẹp đẽ và hạnh phúc của người tín hữu. Biện phân là một chủ đề được khám phá nhiều từ thời của Origene và các giáo phụ sa mạc, về sau là các giáo phụ của giáo hội không phân chia và từ các truyền thống tu đức của đông và tây phương. Thánh Inhaxiô thành Loyola đã biến nó thành điểm chính của hành trình đời sống thiêng liêng và sau đó vạch ra con đường cho các đồ đệ của ngài và ngài đã cung cấp cho họ cách giải thích của mình, tuy nhiên nó không làm cạn kiệt sự phong phú của việc suy niệm đối với Giáo hội về chủ đề này. Dĩ nhiên, Đức Phanxicô xuất thân từ dòng tên, đặc biệt ngài ưa thích truyền thống này, một truyền thống mà ngài đã lãnh nhận, nhưng ngài không muốn quên đi tất cả các học thuyết tâm linh của các giáo phụ về vấn đề này, nó rất da dạng và phong phú, trong đó định nghĩa biện phân như là mẹ của tất cả các nhân đức, là món quà và là bài tập quyết định đối với hành trình bước theo Chúa Kitô hướng về Nước Trời.

Trong mọi trường hợp, biện phân là một trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần, là cái thiết yếu trong đời sống thiêng liêng của kitô giáo, bởi vì nó cho phép chúng ta lắng nghe Chúa và không phải chính chúng ta, càng không phải là những xung lực đến từ ma quỷ. Biện phân cho phép chúng ta phán đoán với cái nhìn của Thiên Chúa đâu là điều tốt và đâu là điều xấu, khiến chúng ta có khả năng nhận ra được các dấu chỉ thời đại, và mọi nơi, ngõ hầu hôm nay sống theo Chúa Kitô trong cộng đoàn nhân loại và trong sự hiệp thông của Giáo hội.

Đây chỉ là những ý kiến, cung cấp những chỉ dẫn cho Giáo hội với những điểm nhấn mới hay với những đòi hỏi cấp bách đặc biệt. Thế nhưng tông huấn được đọc và suy xét lại như một ơn huệ khiến chúng ta hiểu rằng “chúng ta không làm cho mình thành những vị thánh” nhưng Thiên Chúa mới làm cho chúng ta nên thánh nhờ lòng thương xót vô biên của Ngài, nếu chúng ta đón nhận tình yêu bước trước của Ngài như ơn huệ nhưng không chứ không phải bởi chúng ta xứng đáng.
 

[1] Học thuyết sai lầm về vấn đề ơn thánh do ông Pelagio (đầu thế kỷ thứ V) và đồ đệ của ông là Celestio, sau đó được hệ thống hóa và quảng bá do Giuliano da Eclano (+ sau năm 454). Pelagio là đối thủ của Thánh Augustino, về vấn đề ơn thánh. Pelagio chối bỏ tội nguyên tổ và các hậu quả của nó. Cho rằng con người tự do hoàn toàn và có thể đạt tới ơn cứu rỗi. Việc cứu chuộc của Chúa Kitô có tính cách như gương mẫu mà thôi. Bè rối này đã bị lên án vào thế kỷ thứ V (xc. DS 222–230. 231. 267. 238–249) và bởi Công đồng chung Triđentinô (xc. DS 1510–1514. 1521. 1551–1553)
 
[2] “Sine glossa”, là kiểu diễn tả được thánh Phanxicô Assisi sử dụng. Đối với ngài cụm từ này có nghĩa là : “Sống Phúc âm đúng theo mặt chữ” – (Vivere il Vangelo alla “LETTERA”)

http://www.osservatoreromano.va/it/news/lurgenza-della-gioia

Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Nguồn tin: http://www.osservatoreromano.va

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập69
  • Máy chủ tìm kiếm38
  • Khách viếng thăm31
  • Hôm nay23,366
  • Tháng hiện tại589,769
  • Tổng lượt truy cập28,905,138

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây