Bài giảng Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh - Năm A

Thứ bảy - 29/04/2023 12:07
CHÚA GỌI VÀ PHÁ VỠ SỰ ĐIẾC LÁC
(Chúa Nhật 4 PS năm A 2023)

Cách đây đúng 59 năm, Chúa Nhật IV Phục Sinh ngày 11 tháng 4 năm 1964 – Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, chính thức được Đức thánh Giáo hoàng Phaolô VI thiết lập và cử hành Ngày “Quốc tế cầu nguyện cho ơn thiên triệu” đầu tiên trong lịch phụng vụ của Hội Thánh. Như vậy, Chúa Nhật IV Phục Sinh năm nay, 2023, là Ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn gọi lần thứ 60 được cử hành trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo.

Trong dịp đặc biệt nầy, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gởi đến cho toàn thể Dân Chúa một bức sứ điệp mang chủ đề ƠN GỌI: ÂN SỦNG VÀ SỨ VỤ cùng với những lời hiệu triệu mở đầu như sau: Đây là lần thứ 60 chúng ta cử hành Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi, được thánh Phaolô VI thiết lập vào năm 1964, trong Công đồng chung Vatican II. (…) Năm nay, tôi mời anh chị em suy tư và cầu nguyện theo chủ đề “Ơn gọi: Ân sủng và Sứ vụ”. Ngày này là một cơ hội quý báu để chúng ta nhớ lại với sự ngạc nhiên rằng ơn gọi Chúa là ân sủng, hồng ân trọn vẹn, đồng thời là một sự dấn thân mang Tin Mừng đến cho người khác…”.

Ngoài nội dung mang tính “thời sự mục vụ” đó, chủ đề “Ơn gọi: Ân sủng và Sứ vụ” lại được rọi sáng và củng cố qua chính sứ điệp Lời Chúa được công bố trong ngày Chúa Nhật Chúa Chiên lành nầy.

Thật vậy, chỉ với tên gọi “Chúa Nhật Chúa Chiên Lành” mà thôi, chúng ta đã được Lời Chúa mời gọi tập chú vào chính ơn gọi và sứ vụ của Đức Kitô Mục tử, Đấng đã được Thiên Chúa Cha gọi mời thực hiện chương trình cứu độ và Ngài đã thi hành sứ vụ thiêng liêng và cao cả đó cách trọn hảo qua con đường thập giá, như khẳng định của Thánh Tông Đồ Phêrô trong Bài đọc 2: “… chính Người đã gánh vác tội lỗi chúng ta nơi thân xác Người trên cây khổ giá, để một khi đã chết cho tội lỗi, chúng ta sống cho sự công chính; nhờ vết thương của Người, anh em đã được chữa lành…”.

Là những người Kitô hữu, được thuộc về Chúa Kitô qua Nhiệm tích Thánh Tẩy, tất cả chúng ta đều được kêu gọi đến lãnh nhận cùng một ân ban Cứu độ, mà theo ngôn ngữ của Thánh Phaolô đó chính là ân ban “được làm nghĩa tử nhờ Đức Kitô”: “đã chọn chúng ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, chúng ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1, 4-5).

Riêng đối với thế hệ Kitô hữu ban đầu, mà phần đông trong số đó là tín hữu Do thái, những người đã từng tham dự vào việc đồng thanh xử án Chúa Giêsu, thì việc đón nhận “ân ban nghĩa từ nhờ Đức Kitô” là một điều rất khó khăn; nói chi đến việc loan truyền ân ban nầy cho thế giới ! Chắc chắn, họ đã trải qua một cuộc hoán cải nội tâm sâu sắc, nhờ sức tác động của Chúa Thánh Thần mới có thể thực hiện điều kỳ diệu này, như sách Công vụ Tông Đồ đã thuật lại trong Bài đọc 1 hôm nay: “Xin toàn thể nhà Israel hãy nhận biết chắc rằng: Thiên Chúa đã tôn Đức Giêsu mà anh em đã đóng đinh, lên làm Chúa và làm Đấng Kitô”. Nghe những lời nói trên, họ đau đớn trong lòng, nói cùng Phêrô và các Tông đồ khác rằng: “Thưa các ông, chúng tôi phải làm gì?” Phêrô nói với họ: “Anh em hãy ăn năn sám hối, và mỗi người trong anh em hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để được tha tội; và anh em nhận lãnh ơn Thánh Thần…”.

Vì thế, theo giáo lý truyền thống của Hội Thánh, bất cứ ơn gọi nào trong Dân Chúa, dù là giáo dân hay Giáo hoàng, dù là Giám mục, linh mục, tu sĩ, hay giáo lý viên, chức việc, ca viên…; du là mẹ, là cha trong gia đình, hay kỷ sư, bác sĩ ngoài xã hội… tất cả đều với, trong và vì tình yêu; như cách cảm nhận của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu về chính ơn gọi của mình: “Cuối cùng tôi đã tìm thấy ơn gọi của tôi: ơn gọi của tôi là tình yêu. Thật vậy, tôi đã tìm được vị trí của mình trong Giáo hội… Trong lòng Mẹ Giáo hội, tôi sẽ là tình yêu”.
           
Thế nhưng, trong ngày “Quốc tế ơn gọi” nầy, Giáo Hội không nói đến thứ “ơn gọi chung” trong đời sống làm con cái Chúa; mà là ơn gọi dấn thân cho đời sống “độc thân vì Nước Trời”; hay ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ, những người được gọi mời làm chứng tá cách đặc biệt cho đời sống thuộc trọn về Chúa Giêsu và Hội Thánh, như cách cắt nghĩa của ĐGH Phanxicô trong Sứ điệp ngày Ơn gọi Thiên triệu năm nay (2023): nơi chứng tá của những người nam nữ thánh hiến, những người hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa vì ích lợi của anh chị em mình như một dấu chỉ tiên báo về Nước Thiên Chúa; nơi các thừa tác được thụ phong – phó tế, linh mục và giám mục – được đặt để phục vụ việc rao giảng, cầu nguyện và cổ võ sự hiệp thông của Dân thánh Thiên Chúa…”.


Dĩ nhiên, ơn gọi càng cao cả thì sứ vụ càng nặng nề mà nếu chỉ cậy dựa vào năng lực và lòng đạo đức cá nhân sẽ không bao giờ đạt tới, như hình ảnh chàng trai giàu có “xịu mặt quay lưng” với lời mời gọi “bán hết của cải” của chính Đức Kitô: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. (Mc 10,17-22).

Vâng, thế giới muôn nơi muôn thuở luôn đầy dẫy những con người “sợ mất mát”, “sợ chẳng còn gì”… một khi dấn thân theo Chúa và chọn Chúa.; hay theo ngôn ngữ của Tin Mừng Thánh Gioan được công bố hôm nay, đó là dấn thân đi vào “cánh cửa chuồng chiên là chính Chúa Giêsu”: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào”.

Chúng ta đừng quên, khi buổi chiều thê lương trên đồi Sọ gần tắt nắng, khi những ồn ào của âm thanh sĩ nhục và cuồng nộ vẫn còn vang vọng lưng đồi, khi các người tử tội đang quằn quoại chiến đấu với tử thần trong những phút giây hiếm hoi sau hết... thì chỉ có một người, một người duy nhất đã chọn “cánh cửa chuồng chiên Giêsu”: “Ông Giêsu ơi ! Khi Ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi” (Lc 23,32)...

Thế nhưng, Ngày Thứ Nhất trong tuần đã đổi thay tất cả. Con đường dẫn cô Maria Mađalêna về “Mộ trống” đã dần dần dẫn đưa Phêrô, Gioan, Tôma, hai môn đệ Emmau... đi tới cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh từ trong cõi chết; và rồi dẫn dắt bao la bạt ngàn nhân loại muôn tiếng nói, mọi màu da lũ lượt cùng nhau ngang qua “cánh cửa Giêsu” để tiến về miền đất Phục sinh, về quê hương hằng sống.

Mà cũng thật lạ lùng! Nhút nhát, bốc đồng như Phêrô, đã từng khiếp nhược chối Thầy trước một con đàn bà đầy tớ. Thế mà, chỉ 50 ngày sau “Biến cố Phục Sinh”, một nghị lực thần linh đã chỗi dậy trong ông, đến độ, chỉ trong một “bài làm chứng” súc tích, vắn gọn, ông đã chinh phục được một lần một “mẽ cá với 3.000 người rửa tội”. (Cv 2, 41). Và rồi cũng chính với nghị lực thần linh ấy, “thay vì vâng phục loài người” để được an thân thoải mái, ông đã chọn “cánh cửa Giêsu” để phải một đời lao đao lận đận với cuộc bách hại dữ dội của Nêrô và cuối cùng chết thảm với hình khổ đóng đinh ngược đầu xuống đất.

Mà có phải chỉ mình Phêrô đâu! Suốt hai ngàn năm nay đã có hàng hàng lớp những con người quyết chọn “cánh cửa Giêsu” cho dù phải trả giá, nhẹ nhất thì cũng bằng một cuộc đời “nghèo khó với hành trang Tám Mối phúc Thật”, và cao nhất là bằng chính mạng sống. Vâng, “ơn gọi” chính là một hồng ân, hồng ân nhiệm mầu để dành cho một sứ vụ cao cả mà người ta chỉ có thể cảm được, hiểu được bằng đức tin và tình yêu, như cách cảm nhận của thánh Giáo phụ Augustinô: “Chúa gọi con, Chúa kêu con và phá vỡ sự điếc lác của con; Chúa chiếu sáng, và ánh quang huy hoàng của Chúa phá tan sự mù quáng của con; Chúa tỏa hương thơm, và con thở hít, khao khát Chúa, niếm hưởng Chúa và con đói khát; Chúa chạm đến con, và con nồng cháy mong ước an bình của Chúa”.

Ngày xưa, chính Chúa Giêsu đã đích thân gọi các Tông đồ đến với Ngài và sai họ ra đi: Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng. (Mc 3,13-14). Ngày nay, Giáo Hội cũng không thể làm khác. Để có các tông đồ, các Giám mục, linh mục, tu sĩ…, những tay “thợ gặt” phục vụ cho cánh đồng truyền giáo hôm nay, một lần nữa, Giáo Hội tha thiết cầu nguyện với Vị mục Tử nhân lành, như lời cầu cách đây 60 năm của Đức Phaolô VI trong ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn gọi đầu tiên: “…Xin mở ra trước mắt họ (những người trẻ) những chân trời trên toàn thế giới… để, qua việc đáp lại lời kêu gọi của Chúa, họ nối dài sứ vụ của Chúa trên trái đất này, xây dựng Nhiệm thể Chúa là Giáo hội, và trở thành ‘muối đất’ và ‘ánh sáng thế gian’ (Mt 5, 13)”.

Tác giả bài viết: Linh mục Giuse Trương Đình Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập65
  • Máy chủ tìm kiếm42
  • Khách viếng thăm23
  • Hôm nay20,258
  • Tháng hiện tại261,421
  • Tổng lượt truy cập29,240,959

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây