Những cám dỗ của Đức Giêsu và sự hoán cải vì Nước Trời

Thứ ba - 12/02/2013 20:37
Hoán cải có nghĩa là không đóng kín trong việc theo đuổi sự thành công, uy thế và địa vị của mình, nhưng mỗi ngày trong những việc nhỏ nhât, làm sao để sự thật, niềm tin vào Thiên Chúa và tình yêu trở thành điều quan trọng nhất. Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha trong ngày thứ tư Lễ Tro, mở đầu cho Mùa Chay.
Anh chị em thân mến

Hôm nay thứ tư lễ tro, chúng ta bắt đầu phụng vụ Mùa Chay, 40 ngày chuẩn bị cho chúng ta việc cử hành lễ Phục sinh; là thời gian đặc biệt dấn thân trong hành trình tâm linh của chúng ta. Con số 40 xuất hiện nhiều lần khác nhau trong Kinh Thánh. Như chúng ta biết, nó nhắc lại 40 năm dân tộc Israel đi trong hoang địa : Một thời gian dài của việc đào tạo để trở thành dân của Thiên Chúa, đó cũng là thời gian dài trong đó sự cám dỗ bất trung đối với giao ước của Thiên Chúa luôn luôn hiện diện. Con số 40 cũng là những ngày dài của tiên tri Elia đi đến Núi của Thiên Chúa, núi Horeb; cũng là thời gian mà Đức Giêsu đã trải qua trong hoang địa khi bắt đầu cuộc sống công khai và là nơi Người chịu ma quỷ cám dỗ. Trong bài giáo lý hôm nay tôi muốn khẳng định về chính thời điểm này đối với cuộc đời trần thế của Con Thiên Chúa, mà chúng ta sẽ đọc trong bài Tin Mừng Chúa nhật tới đây.

Trước hết, sa mạc nơi Đức Giêsu lui về đó là một nơi thinh lặng và nghèo nàn, nơi mà con người bị tước đi những chỗ dựa vật chất và đối diện với những câu hỏi căn bản của cuộc sống, được thúc đẩy hướng đến điều cốt yếu, chính vì thế mà con người gặp gỡ Thiên Chúa dễ dàng hơn. Hoang địa là nơi của sự chết, bởi vì ở đâu không có nước thì không có sự sống, và là nơi của sự cô đơn, nơi đó con người cảm nhận được cường độ cám dỗ mạnh hơn. Đức Giêsu vào trong hoang địa, ở đó Người chịu cám dỗ từ bỏ con đường Chúa Cha đã chỉ để đi theo con đường khác dễ dàng hơn, trần thế hơn (x. Lc 4,1-13). Như vậy, Người tự gánh lấy những cám dỗ của chúng ta, mang trên thân mình sự khốn khổ của chúng ta để đánh bại sự dữ và mở ra cho chúng ta con đường hướng về Thiên Chúa, con đường của sự hoán cải.

Suy tư về các cám dỗ mà Chúa Giêsu phải chịu trong hoang địa là lời mời gọi đối với mỗi người chúng ta, trả lời cho câu hỏi căn bản : điều gì thực sự quan trọng trong cuộc sống của tôi? Trong lần cám dỗ đầu tiên ma quỷ đề nghị với Đức Giêsu biến hòn đá thành bánh ăn để xoa dịu cơn đói. Đức Giêsu đáp lại rằng con người sống nhờ bánh nhưng không phải chỉ nhờ bánh : không có câu trả lời đối với cái đói khát chân lý, đói khát Thiên Chúa, con người không thể được cứu độ (x. Lc 4,3-4). Lần cám dỗ thứ hai, ma quỷ đề nghị với Đức Giêsu con đường của quyền lực : nó dẫn Người lên nơi cao và tặng cho Người sự thống trị thế gian; nhưng đây không phải là con đường của Thiên Chúa: Đức Giêsu biết rõ ràng rằng không phải quyền lực của thế gian mới cứu độ thế gian, nhưng là quyền lực của thập giá, của sự khiêm nhường và tình yêu (Lc 4,5-8). Lần thứ ba ma quỷ đề nghị với Đức Giêsu tự gieo mình xuống khỏi tháp của đền thờ Giêrusalem và hãy để cho Thiên Chúa cứu qua các thiên sứ của Người, để hoàn tất điều ngoạn mục đối với việc đưa ra thử thách chính Thiên Chúa; nhưng câu trả lời là Thiên Chúa không phải là đối tượng để áp đặt những điều kiện của chúng ta: Người là Chúa của tất cả (x. Lc 4,9-12). Điểm cốt lõi của việc Đức Giêsu chịu cám dỗ là gì? Câu trả lời là xem Thiên Chúa như dụng cụ, dùng Người cho những lợi ích của mình, cho vinh danh và thành công của mình. Tóm lại, tự bản chất, khi đặt chính những thứ đó vào vị trí của Thiên Chúa, là loại Người khỏi cuộc sống mình và làm cho Người có vẻ không cần thiết. Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi rằng : Vị trí của Thiên Chúa có trong cuộc sống của chúng ta là gì? Thiên Chúa hay cái tôi?

Vượt qua cám dỗ đặt để Thiên Chúa quy phục mình và những lợi ích của mình, hoặc đặt Người ở một góc và thay đổi theo đúng thứ tự ưu tiên, để cho Thiên Chúa chiếm chỗ nhất là một hành trình mà mỗi người kitô hữu luôn phải trải qua. “Hoán cải”, lời mời gọi mà chúng ta sẽ nghe rất nhiều lần trong Mùa chay, nghĩa là bước theo Đức Giêsu bằng cách để cho Tin Mừng của Người hướng dẫn đời sống cụ thể, nghĩa là để cho Thiên Chúa biến đổi chúng ta, không còn nghĩ rằng chúng ta là những người duy nhất xây dựng nên cuộc sống của mình; nghĩa là nhận biết chúng ta là thụ tạo, phụ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa, vào tình yêu của Người, chỉ khi “đánh mất” cuộc sống của chúng ta nơi Người chúng ta có thể tìm thấy được nó. Việc này đòi hỏi hành động chọn lựa của chúng ta dựa trên ánh sáng Lời Chúa. Ngày nay người ta không thể là những Kitô hữu như là hậu quả của sự kiện sống trong một xã hội gốc rễ Kitô : cả những ai sinh ra từ một gia đình Kitô hữu, và được giáo dục trong tôn giáo, mỗi ngày phải canh tân sự lựa chọn là kitô hữu, tức là để cho Thiên Chúa chiếm chỗ nhất trước những cám dỗ mà nền văn hóa thế tục đề nghị không ngừng, trước những ý kiến chỉ trích của mọi thời đại.

Quả vậy, có rất nhiều những thử thách mà xã hội ngày nay bắt người Kitô hữu phải theo, và đụng chạm đến đời sống cá nhân và xã hội. Không dễ để trung thành với hôn nhân kitô giáo, thực thi lòng thương xót trong đời sống hằng ngày, dành thời gian cầu nguyện và thinh lặng nội tâm; không dễ để chống đối cách công khai các lựa chọn được xem như chuyện tất nhiên, như phá thai trong trường hợp có thai ngoài mong muốn, chết êm dịu trong những trường hợp đau nặng, hay chọn lựa những phôi thai để ngăn ngừa các bệnh di truyền. Cám dỗ gạt bỏ đức tin của mình luôn hiện diện và sự hoán cải trở thành lời đáp trả cho Thiên Chúa phải được khẳng định nhiều lần trong cuộc sống.

Có nhiều mẫu gương cổ võ cho những cuộc hoán cải lớn như thánh Phaolô trên đường Đa-mát, hay của Thánh Augustino, cũng như trong thời đại suy thoái ý nghĩa thánh thiêng của chúng ta, nhưng ân sủng của Thiên Chúa vẫn hoạt động và làm những việc diệu kỳ trong cuộc sống của bao người. Thiên Chúa không mỏi mệt gõ cửa con người trong các bối cảnh xã hội và văn hóa xem ra bị sự tục hóa nuốt chững, như đã xảy ra cho Pavel Florenskij tín hữu chính thống Nga. Được giáo dục một cách bất khả tri hoàn toàn, biết bao nhiêu thử thách đến độ thù nghịch với giáo huấn tôn giáo đã được học ở trường, khoa học gia Florenskij đã ngộ ra và kêu lên : “Không, không thể sống không có Thiên Chúa!”, và cuộc sống của ông thay đổi hoàn toàn, trở thành một đan sĩ.

Tôi cũng nghĩ đến hình ảnh của Etty Hillesum, một thiếu nữ Hòa lan, gốc Do thái chết trong trại tập trung Auschwitz. Ban đầu sống xa Thiên Chúa, nhưng khi nhìn vào trong sâu thẳm chính mình chị khám phá ra Người và chị đã viết : “Một cái giếng rất sâu ở trong tôi. Và Thiên Chúa là cái giếng đó. Nhiều lần tôi có khả năng đạt tới Người, nhưng đá và cát thường che lấp Người: như thế Thiên Chúa bị chôn vùi. Cần phải đào Người lên.” (nhật ký số 97). Trong cuộc sống tản mác và bất an của chị, chị đã tìm lại được Thiên Chúa ngay giữa thảm kịch Shoah lớn lao của thế kỷ XX. Người thiếu nữ yếu ớt và không thỏa mãn này đã thay đổi nhờ đức tin, chị biến thành người nữ đầy lòng yêu mến và an bình nội tâm, có thể khẳng định rằng : “Tôi sống thâm tình với Thiên Chúa cách liên lĩ”.

Khả năng chống lại những lời xu nịnh ý thức hệ của thời đại để lựa chọn tìm kiếm chân lý và mở ra cho sự khám phá đức tin là chứng từ của một người nữ trong thời đại chúng ta, chị Dorothy Day người Mỹ. Trong cuốn tự thuật, chị thú nhận rõ ràng rằng chị bị sa ngã trong sự cám dỗ có thể giải quyết tất cả mọi sự bằng chính trị, kết hợp với đề nghị của thuyết Maxis : “Tôi muốn đi với những người biểu tình, vào tù, viết, ảnh hưởng trên người khác, và để lại mơ tưởng của tôi cho thế giới. Biết bao nhiêu tham vọng và kiếm tìm chính mình có trong tất cả điều này”. Hành trình đến với đức tin trong môi trường bị tục hóa như vậy thật là khó khăn, nhưng chính Ân sủng hoạt động như chính chị đã nhấn mạnh : “Tất nhiên tôi đã cảm thấy muốn đến nhà thờ thường xuyên hơn, quỳ xuống và cúi đầu cầu nguyện. Một bản năng mù lòa, có thể nói vậy, bởi vì tôi không ý thức được cầu nguyện. Nhưng tôi đã đi, tôi đã tháp nhập vào trong bầu khí cầu nguyện…”. Thiên Chúa đã dẫn đưa chị đến ý thức việc gia nhập vào Giáo hội, trong cuộc đời tận hiến cho những người bất hạnh.

Trong thời đại chúng ta không ít các cuộc hoán cải được hiểu như sự trở về của những người sau một nền giáo dục Kitô có lẽ hời hợt, đã nhiều năm xa rời đức tin, và rồi tìm lại Đức Kitô và Tin Mừng của Người. Trong sách Khải huyền chúng ta đọc : “Này đây Ta đang đứng trước cửa và gõ. Nếu ai lắng nghe tiếng Ta hãy mở cửa cho Ta, Ta sẽ đến với nó, sẽ dùng bữa với nó và nó với Ta” (Kh 3,20). Con người nội tâm của chúng ta phải chuẩn bị để được Thiên Chúa viếng thăm, và vì thế không để cho những ảo tưởng, vẻ bên ngoài và các điều vật chất xâm chiếm mình.

Trong Mùa Chay này, trong Năm Đức Tin, chúng ta cùng canh tân sự dấn thân của chúng ta trong hành trình hoán cải, để vượt thắng khuynh hướng khép mình, để dành chỗ cho Thiên Chúa, nhìn thực tại hằng ngày với đôi mắt của Người. Sự lựa chọn giữa việc khép lại tính ích kỷ của chúng ta và mở ra cho tình yêu của Thiên Chúa và người khác, có thể nói rằng phù hợp với sự lựa chọn của các cám dỗ của Đức Giêsu : tức là lựa chọn giữa quyền bính con người và tình yêu của Thập giá, giữa ơn giải thoát chỉ nhìn thấy trong sự sung túc vật chất và ơn cứu chuộc như công trình của Thiên Chúa, mà chúng ta gọi là tính ưu việt trong cuộc sống. Hoán cải có nghĩa là không đóng kín trong việc theo đuổi sự thành công, uy thế và địa vị của mình, nhưng mỗi ngày trong những việc nhỏ nhất, làm sao để sự thật, niềm tin vào Thiên Chúa và tình yêu trở thành điều quan trọng nhất.

Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập55
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm24
  • Hôm nay16,735
  • Tháng hiện tại560,306
  • Tổng lượt truy cập28,875,675

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây