Sắc Chỉ là gì và ai có quyền ban hành Sắc Chỉ?

Thứ ba - 07/11/2023 17:35

Trang Website của Tổng Giáo phận Hà Nội, Tổng Giáo phận Huế và một số Giáo phận ở Việt Nam đăng bài viết “Tổng Giáo phận Hà Nội mở án phong chân phước và phong thánh cho Tôi tớ Chúa, Đức Cha Francois Pallu”, trong đó có viết: “Trước lời thỉnh cầu trên, Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên đã ban hành sắc chỉ chấp thuận và công bố Bản kiến nghị (Libellus) của Cáo thỉnh viên để chính thức khởi sự vụ án cấp giáo phận”(1).

   Sắc chỉ là gì và ai có quyền ban hành sắc chỉ? Sắc chỉ là từ Hán được đọc theo âm Hán Việt:

   -Sắc (bộ Phộc) là sắc lệnh, tờ chiếu mệnh của vua ban cho quan dân gọi là sắc.

   -Chỉ (bộ Nhật) là chỉ dụ, lời vua ban cho tôi dân gọi là chỉ(2)

   Như vậy chỉ có nhà vua mới ban hành sắc chỉ, ngoài ra không có vị quan nào được ban hành sắc chỉ cả! Trong Giáo hội Công giáo, Giáo hoàng là người đứng đầu lãnh đạo quốc gia Vatican cũng như toàn thể tín đồ Công giáo trên toàn thế giới và Giáo hoàng được xem như vị vua của Giáo hội Công giáo. Do đó chỉ có Giáo hoàng mới có quyền ban hành sắc chỉ.

   Ngoài ra một vài Giáo phận ở Việt Nam, gọi thánh lễ Giáng sinh, Phục sinh được Giám mục Giáo phận chủ sự tại nhà thờ Chánh tòa của Giáo phận là “Thánh lễ Đại triều”.

   Thế nào là “Đại triều”, thế nào là “Thường triều”? Và Đại triều, Thường triều diễn ra ở đâu?

   Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ do Nội các triều Nguyễn biên soạn: “Phàm khi gặp Nguyên đán, Đoan dương, Vạn thọ hay gặp lễ Khánh hạ, phải đặt một buổi chầu Hoàng đế ngự điện Thái Hòa nhận mừng, những buổi ấy đều đặt nghi lệ đại triều. Còn mỗi tháng, ngày mồng 1, ngày rằm Hoàng đế ngự điện Cần Chánh nhận chầu, đều đặt nghi lệ thường triều

   Trước đó vào năm Gia Long thứ 5 (1806) nghị định: “Mỗi tháng, ngày mồng 1, ngày 15 đặt nghi lệ đại triều ở sân điện Thái Hòa, những ngày mồng 5, mồng 10, 25 đặt nghi lệ thường triều ở sân điện Cần Chánh”(3)

   Như vậy nghi lệ đại triều và thường triều đều diễn ra trong Đại nội – Kinh đô Huế. Nghi lệ đại triều diễn ra tại điện Thái Hòa và nghi lệ thường triều diễn ra tại điện Cần Chánh (điện Cần Chánh nằm sau lưng điện Thái Hòa).

   Khi thiết đại triều ở điện Thái Hòa thì các hoàng tử và hoàng thân “xếp hàng đứng trên thềm điện, văn võ và các tôn tước từ tam phẩm trở lên, ban ở bệ đỏ (đan bệ), từ tứ phẩm trở xuống ban ở thềm rồng (long trì), ủy viên các địa phương chiểu theo phẩm hàm đứng tiếp theo đó”

   Khi thiết thường triều ở điện Cần Chánh thì các hoàng tử, hoàng thân “bày đứng trên thềm điện, các phẩm quan văn võ, bày hàng đứng ở trước sân, đều chia hai bên tả hữu đứng trông theo các phẩm sơn”(4)

   Trước năm Minh Mạng thứ 13 (1832) quan văn đứng bên hữu, quan võ đứng bên tả. Vua Minh Mạng ban dụ quy định trở lại: “Văn, võ tuy có hai đường, nhưng triều đình vẫn coi như một, vốn không phải có cao, thấp, cũng không có ý gì trọng, khinh, thế nhưng trong nghi lễ thiết triều từ trước đến nay, quan văn đứng hàng bên hữu, quan võ lại đứng hàng bên tả, thật chưa được hợp lễ. Chuẩn từ nay về sau phàm quan văn đều đứng hàng bên tả, quan võ đều đứng hàng bên hữu để cho hợp với cổ điển và nghiêm chỉnh lễ triều. Giao bộ Lễ thông báo lời dụ cho mọi người biết”(5)

   Nếu đem từ ngữ “Đại triều/ Thường triều” áp dụng vào Thánh lễ của Công giáo thì “Thánh lễ đại triều” diễn ra tại ngay Đền thờ thánh Phê rô ở Rome- Kinh đô của Giáo hội và do Đức Thánh Cha chủ sự. Còn thánh lễ Giáng sinh, Phục sinh do các Giám mục chính tòa chủ sự tại các nhà thờ Chánh tòa của Giáo phận không thể gọi là “Thánh lễ đại triều” mà nên gọi là “Thánh lễ trọng thể”.

   Ngày nay Tự điển tiếng Việt, Tự điển Hán Việt được xuất bản một cách rộng rãi, tha hồ mà nghiên cứu. Do đó chúng ta phải sử dụng từ ngữ một cách chính xác, nếu dùng từ ngữ như đã nêu trên sẽ bị gọi là “tiếm lạm từ ngữ”.

          Nguyễn Văn Nghệ                        

                   


Chú thích:

(1)-tonggiaophanhanoi.org/sac-chi-cong-bo-ban-kien-nghi-an-phong-chan-phuoc-va-phong-thanh-cua-duc-cha-francois-pallu-cap-giao-phan/

(2)- Thiều Chửu, Hán Việt tự điển, Nxb Đà Nẵng, t. 247 & 256

(3)- Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tập 6, Nxb Thuận Hóa, t. 67

      -Nguyễn Sĩ Giác, Đại Nam điển lệ toát yếu, Nxb TPHCM, t. 312-313

      -Vũ Quốc Thông, Pháp chế sử Việt Nam, Nxb Tủ sách Đại học Sài Gòn, xem Phân đoạn I Phiên Đại triều, t.122 và Phân đoạn II Phiên Thường triều, t.123

(4)- Phẩm son: phiến gỗ, ghi phẩm trật, đặt ở đầu hàng từng phẩm, để trông đó đứng vào hàng, theo thứ tự.

(5)- Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tập 6, Nxb Thuận Hóa, t. 81

     – Nguyễn Sĩ Giác, Đại Nam điển lệ toát yếu, Nxb TPHCM, t. 312-313

     -Vũ Quốc Thông, Pháp chế sử Việt Nam, Nxb Tủ sách Đại học Sài Gòn, t. 122&123

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Nghệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập204
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm190
  • Hôm nay21,546
  • Tháng hiện tại181,048
  • Tổng lượt truy cập29,160,586

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây