Trang mới   https://gpquinhon.org

Giảng lễ mừng ngân khánh linh mục của cha Giuse Trương Đình Hiền

Đăng lúc: Thứ ba - 13/05/2014 07:15
LỄ MỪNG NGÂN KHÁNH LINH MỤC
CỦA CHA GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN

Tại nhà thờ Quảng Ngãi, chiều 13.05.2014
 
ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi

Nhân dịp cử hành ngân khánh linh mục, cha Giuse Trương Đình Hiền đã gửi đến quí cha và thân hữu gần xa một tập sách mang tựa đề: Linh mục, một cuộc đời mắc nợ. Đó cũng là tựa đề của bài thơ mà cha đã trân trọng cho in vào những trang đầu tiên, như khúc dạo đầu của một bài ca tri ân. Đọc qua bài thơ của cha, tôi cảm thấy mình cũng mắc nợ ngài: mắc nợ một lời cám ơn vì bài giảng của ngài trong thánh lễ tạ ơn tại nhà thờ Chính tòa vào chiều ngày 9 tháng 5 vừa qua. Chính vì thế mà giờ đây tôi phải trả nợ cho ngài bằng một bài giảng như ngài đã làm cho tôi. Hôm ấy, vào đầu bài giảng, ngài cũng mời gọi cộng đoàn vỗ tay chức mừng tôi, thì bây giờ tôi cũng mời gọi cộng đồng hãy cho một tràng pháo tay thật nồng nhiệt để chúc mừng ngân khánh linh mục của ngài.

Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe trong thánh lễ tạ ơn tại đây cũng chính là Lời Chúa được công bố trong hai thánh lễ tạ ơn tại nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn vào chiều ngày 9 và tại nhà thờ Vĩnh Phú sáng nay. Đó là Lời Chúa của thánh lễ Chúa nhật Chúa Chiên Lành vừa qua. Chính cha Giuse đã có sáng kiến chọn phần Lời Chúa này cho cả ba thánh lễ tạ ơn, vì thấy Chúa quan phòng đã nối kết ba lễ tạ ơn này với lễ Chúa Chiên Lành cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ nam nữ.
Trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu vừa tự ví mình như cửa chuồng chiên, vừa tự mạc khải chính mình là người chăn chiên. Người chăn chiên “gọi tên từng con rồi dẫn chúng ra” (Ga 10,3). Gọi tên từng con, điều này nói lên sự gần gũi thân tình của người chủ chăn đối với từng con chiên. Đoàn chiên Hội Thánh không phải là một bầy đoàn gồm những con người vô danh, trong đó mỗi người chỉ là một con số khô khan, vô tình. Đức Kitô Mục Tử gọi tên từng người bước theo Chúa và mỗi người đều có một chỗ đứng đặc biệt không thể thay thế trong trái tim của Người.

Là mục tử đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, linh mục cũng phải biết rõ từng người giáo dân trong đoàn chiên đã được trao phó cho mình, từ một em nhỏ cho đến một người già, từ những gia đình sống gần gũi cho đến những gia đình sống ở nơi xa. Là giáo dân, ai cũng biết tên cha sở, chỉ có cha sở là ít biết hay không biết tên giáo dân của mình. Cha sở đòi giáo dân phải đến với mình, còn mình thì ít khi hay không bao giờ đến với giáo dân. Đó là một thực tại đau lòng xảy ra ở nhiều nơi.

Người chăn chiên gọi tên từng con một và dẫn chúng ra. Trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi thành phần dân Chúa hãy thể hiện một Hội Thánh đi ra, khi ngài viết: “Chúng ta hãy đi ra, đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô… Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và bị lem luốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục. Nếu có cái gì đáng phải khiến chúng ta trăn trở và áy náy lương tâm, thì đó chính là sự kiện nhiều anh chị em chúng ta đang sống mà không có sức mạnh, ánh sáng và niềm an ủi phát sinh từ tình bạn với Đức Giêsu Kitô, không có một cộng đoàn đức tin nâng đỡ họ, không tìm thấy ý nghĩa và mục tiêu của cuộc đời” (số 49).

Khi dẫn đoàn chiên đi ra, người chăn chiên đi trước và các con chiên theo sau (x. Ga 10,4). Là mục tử, linh mục phải dẫn đầu dân Chúa bằng gương sáng, bằng lời giáo huấn, bằng kiến thức và nhiệt tình tông đồ. Cũng như Đức Kitô, linh mục phải luôn là kẻ đi bước trước và đầy Thánh Thần để đem lại sức năng động và sức sống cho đoàn chiên và biến toàn thể dân Chúa thành một cộng đồng truyền giáo.

Tất cả những điều đó cha Giuse đã coi như một món nợ đối với mọi người, bắt đầu từ lời cam kết lúc tiến lên nhận lãnh thiên chức linh mục. Nhưng đó là món nợ của tình yêu mà cha đã tự nguyện chấp nhận vì lợi ích cho đoàn chiên. Để trả món nợ ân tình đó, cha tự nguyện đóng vai con lừa trong Tin Mừng ngày lễ lá, bằng câu Lời Chúa mà cha đã chọn làm phương châm cho cuộc đời linh mục của mình, như được ghi bên góc phải của tấm thiệp mời mừng 25 hồng ân linh mục: “Vì Chúa cần đến nó” (Lc 19,34).

Lừa là một loại gia súc hiền lành, cần cù, được chủ dùng để cưỡi và chở đồ. Chính Chúa Giêsu đã cần đến nó để tiến vào thành Giêrusalem như một vị vua hiền từ. Người ta tung hô Chúa và con lừa cũng cảm thấy mình được thơm lây và cũng thấy mừng vì Chúa cần đến mình. Niềm vui và niềm hãnh diện của cha Giuse cũng ở chỗ đó, nghĩa là được đưa Chúa đi đây đi đó, đến mọi ngõ, đi vào mọi xó, có lúc vào thành phố nhộn nhịp phồn hoa.

Sau khi thụ phong linh mục, cha Giuse lấy làm sung sướng được đem Chúa đến với vùng xa xôi Chợ Mới, một họ nhánh của giáo xứ Mằng Lăng, với tư cách một cha phó. Tiếp đến cha lại được sai mang Chúa đến vùng rừng núi Đồng Tre, với những người dân quê mùa chất phác sống giữa thung lũng khô cằn nóng bức. Tại đây, với tư cách cha sở, cha đã bắt đầu thể hiện hình ảnh một vị mục tử đi ra với đoàn chiên, thường xuyên băng rừng vượt suối để tìm đến gặp gỡ những giáo dân sống trong những nơi đèo heo hút gió, xây cầu đặt cống cho dân dễ dàng đi lại.

Nhận thấy tài năng và lòng nhiệt thành tận tụy của cha, bề trên đã đưa cha về thành phố Tuy Hòa. Lần này con lừa đã đưa Chúa về thành phố như ngày xưa tại Giêrusalem. Như cá gặp nước, cha đã mau chóng gặt hái được từ những thành công này đến những thành quả khác, làm cho giáo xứ Tuy Hòa và giáo hạt Phú Yên trở nên sinh động. Một lần nữa bề trên lại đưa cha về thành phố Quảng Ngãi. Và ngay lập tức giáo xứ Quảng Ngãi đã thay đổi bộ mặt. Chung quanh dáng đứng sừng sững uy nghiêm của ngôi thánh đường lớn nhất giáo phận, những sinh hoạt đua nhau nở rộ với nhiều người có khả năng tham gia cộng tác, đặc biệt hội đoàn Legio Mariae phát triển nhanh chóng, đem lại nhiều thành quả trong lãnh vực mục vụ và truyền giáo. Con lừa đi đến đâu cũng mang theo Chúa đi đến đó.

Nhìn lại 25 năm qua với lộ trình 4 lần thay đổi địa chỉ, ơn Chúa ngày thụ phong linh mục đã không vô ích nơi cha, trái lại đã làm trỗ sinh hoa trái dồi dào. Những bài thánh ca của cha đã đi vào lòng người để không ai mà không biết đến một nhạc sĩ tài hoa có tên là Sơn Ca Linh. Chính chất thơ và chất nhạc đã làm cho những bài giảng của cha có sức lôi cuốn, đánh động. Đó là chưa kể công khó gieo mầm ơn gọi cho giáo phận và cho các dòng tu, để cha trở thành tổ phụ của một đàn con thiêng liêng đông đảo, xứng đáng với mái đầu đã nhuốm màu thời gian.

Mặc dù đã có những thành công rực rỡ, vào cuối chặng đường 25 năm linh mục cha vẫn khiêm tốn thốt lên: “Tôi vẫn tiếp tục ra đi để ít ra, không có những hoa hồng rực thắm, bên “vệ đường cuộc sống”, tôi xin gieo những bông hoa dại giản đơn và khiêm tốn, như văn sĩ Michel de Montaigne (1533-1592) đã từng cảm nhận: “Si la vie n’est qu’un passage, sur ce passage au moins semons des fleurs”. Vâng,

“Đời tôi là một chuyến đi,
Hành trang nào có, thôi thì gieo hoa”.[1]
 

 
 

[1] Linh mục, một cuộc đời mắc nợ, tr. 8.
 
Tác giả bài viết: ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 30 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 17
  • Khách viếng thăm: 12
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 2465
  • Tháng hiện tại: 144145
  • Tổng lượt truy cập: 12288405