Trang mới   https://gpquinhon.org

Đề tài học hỏi tháng 4 (Tuần IV)

Đăng lúc: Thứ năm - 25/04/2013 07:08
Bài số 4:  

PHÚC ÂM HÓA THẾ GIỚI
 
 
Lời Chúa: “Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 10,1)

Ngoài các Tông Đồ, Chúa Giêsu còn mời gọi nhiều người khác, cộng tác trong việc chuẩn bị tâm hồn người ta để Ngài sẽ đến với họ. Gia đình chúng ta cũng được Chúa mời gọi đi vào công cuộc Phúc Âm Hóa thế giới như bảy mươi hai môn đệ xưa kia.

Đoạn thứ tư trong số 35 của hiến chế tín lý về Giáo Hội đã viết: “Dù phải bận rộn với những công việc trần thế, người giáo dân vẫn có thể và phải thực thi một công trình cao cả là Phúc Âm Hóa thế giới”.

Thư mục vụ Năm Đức Tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng kêu gọi cụ thể:  “Ngày nay, dù phải đối diện với nhiều lo toan trong cuộc sống, xin anh chị em cố gắng… xây dựng gia đình mình thành ngôi nhà thờ phượng Chúa, trường dạy đức tin, và mái ấm tình thương. Đây là phương thế cụ thể và hữu hiệu nhất để anh chị em góp phần vào công cuộc Tân Phúc Âm Hóa mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo Hội và từng người chúng ta” (số 9)

Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn đã và đang có sức phát triển mạnh mẽ. Người giáo dân Nam Hàn đã cộng tác tuyệt vời vào việc loan báo Tin Mừng. Được biết, “Hiện nay, Giáo Hội Nam Hàn đang sống chương trình gọi là ”Rao giảng Tin Mừng hai mươi hai mươi”, có nghĩa là mọi tín hữu trong Giáo Hội phải dấn thân truyền giáo làm sao để vào năm 2020, số tín hữu công giáo đạt tỷ lệ 20% tổng số dân Nam Hàn, nghĩa là gia tăng gấp đôi số tín hữu hiện nay” (Linh Tiến Khải). Sức phát triển của Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn như khích lệ các gia đình phải nỗ lực trong công cuộc Phúc Âm Hóa thế giới.

Số đầu tiên của sứ điệp Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ 13 đã viết: “Chúng ta hãy để cho mình được một trang Phúc Âm soi sáng: đó là cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người phụ nữ xứ Samaria (x.Ga 4,5-42). Không có người nào, trong cuộc sống, mà không ở cạnh một giếng nước với chiếc vò rỗng, như người phụ nữ xứ Samaria ấy, với hy vọng được thỏa mãn ước muốn sâu xa nhất trong tâm hồn, chỉ có ước muốn ấy mới có thể mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống. Ngày nay có nhiều giếng nước trước cơn khát của con người, nhưng cần phân định để tránh các thứ nước ô nhiễm. Cần định hướng rõ ràng việc tìm kiếm, để không rơi vào tình trạng thất vọng, có thể gây tai hại”.

Trước những trào lưu văn hóa xã hội, trước những đường lối giáo dục và ý thức hệ, mỗi gia đình cần đến múc lấy nguồn nước trong lành và đem lại sự sống đời đời từ Đức Kitô,  mỗi thành viên trong gia đình cũng cần giới thiệu về nguồn nước ấy cho người khác. Nghĩa là mỗi thành viên trong gia đình phải trở nên những nhà truyền giáo đích thực. Cha mẹ cần hướng dẫn con em cầu nguyện để tìm cho mình ơn gọi thích hợp theo ý Chúa. “Bậc cha mẹ hãy vun trồng và bảo vệ các mầm non ơn gọi tu trì nơi tâm hồn con cái, trong môi trường của nền giáo dục gia đình theo luân lý Kitô giáo” (số 24, sắc lệnh về Tu Sĩ, công đồng Vatican II). Nếu chọn ơn gọi hôn nhân thì phải nỗ lực cầu nguyện, tìm kiếm và rao giảng để có thêm một gia đình Công Giáo thực thụ (mỗi con em của chúng ta phải là một tông đồ truyền giáo trong tình yêu đôi lứa). Theo cách của Thánh Giám Mục Stephano Thể thì để con em sống đạo tốt, hãy làm cho chúng trở nên những tông đồ truyền giáo “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2)
 
Một quyết tâm:  
Gia đình tham gia các hội đoàn để làm việc tông đồ, thực thi việc bác ái.  


Kết luận:
 
Biển học thì bao la, thời giờ thì có hạn. Do đó, ở đây chỉ chia sẻ một số điều ngắn gọn và tâm đắc để góp vào chương trình “củng cố đức tin” của Giáo phận. Điều quan trọng là những điều tốt đẹp mà mình học được, trở nên hiện thực trong đời sống của gia đình mình. Mỗi người, mỗi nhà  hãy góp công sức xây dựng Giáo xứ, Giáo phận bằng lời cầu nguyện và bằng gương sáng.

Tiểu thuyết trẻ em “Hai chị em lưu lạc” của cha Phêrô Lục là một tiểu thuyết mang tính giáo dục gia đình rất tốt. Khi đã đọc cuốn này thì ai cũng đều thấy rằng: một khi gia đình sống đức tin vững mạnh sẽ nhận ra bàn tay quan phòng của Thiên Chúa trong cuộc đời mình; những ai sống đạo tốt thì đi đâu cũng được thương mến và giúp đỡ, đồng thời trở nên những tông đồ truyền giáo.

Cha thánh Gioan Bosco nói: “nơi mỗi đứa trẻ, con cái các bạn, đều có một vị thánh đang ngủ quên, các bạn phải làm sao để đánh thức vị thánh đó dậy”.

Gia đình Công Giáo là Hội Thánh tại gia bởi lẽ đó là một cộng đoàn cầu nguyện; là nơi đầu tiên con cái lãnh nhận hạt giống đức tin, là nơi hạt giống đức tin mọc lên và trưởng thành; là môi trường dạy các đức tính nhân bản và các nhân đức Kitô giáo.

“Một đức tin được đào sâu, được tuyên xưng và được sống cách trọn vẹn trong khung cảnh gia đình, sẽ giúp mỗi người có thể vượt qua những thử thách ngày càng lớn mà đức tin đang gặp phải do ảnh hưởng của trào lưu tục hóa, của nền văn minh vật chất, của những khó khăn trong cuộc sống, như đau khổ, thất bại, bệnh tật, v.v. Chính trong những hoàn cảnh như thế, anh chị em sẽ nhận thấy rằng đời sống đức tin của gia đình thật là cần thiết và quí giá biết bao!” (thư ĐGM gởi các gia đình nhân ngày cử hành Năm Đức Tin, 30.12. 2012, số 7)

Mong sao như “kiến tha lâu đầy tổ” và “mưa lâu thấm đất”. Chúng ta sẽ được hiểu biết mỗi ngày một nhiều hơn nhờ kiên trì học hỏi. Trong ơn Chúa Thánh Thần đánh động tâm hồn, chúng ta sẽ có một quyết tâm sống những gì mình học hỏi và yêu mến. Nhờ đó, gia đình sẽ thực hiện được nhiệm vụ “làm cho đức tin thấm nhập vào đời sống gia đình

“Lạy Chúa, con tin! Nhưng xin Chúa đỡ nâng lòng tin còn non yếu của con” (Mc 9,24)

            Mong sao ngọn lửa phục sinh tỏa sáng đến các gia đình! Alleluia!

 
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Lê Nho phú
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 90
  • Khách viếng thăm: 36
  • Máy chủ tìm kiếm: 54
  • Hôm nay: 14284
  • Tháng hiện tại: 263052
  • Tổng lượt truy cập: 12552764