Trang mới   https://gpquinhon.org

Đề tài học hỏi tháng 4 (Tuần III)

Đăng lúc: Thứ ba - 16/04/2013 17:42
Bài số 3:       
 
TRỞ THÀNH MÔI TRƯỜNG VÀ TRƯỜNG HỌC
CHO NHỮNG HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ
 
 
Lời Chúa: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở giữa họ” (Mt 18, 19-20)

Hiệp nhất với nhau trong niềm tin là hạnh phúc của gia đình! Ân sủng của Thiên Chúa sẽ tuôn tràn trên những gia đình tâm đầu ý hợp, cùng thờ phượng, cùng cầu nguyện với nhau. Hiệp nhất với nhau trong niềm tin sẽ biến gia đình thành môi trường và trường học cho những hoạt động tông đồ.

Đoạn thứ ba trong số 35 của hiến chế tín lý về Giáo Hội đã viết: “Gia đình nào biết để niềm tin Kitô giáo thấm nhập và dần dần biến đổi toàn bộ cuộc sống sẽ trở thành môi trường hoạt động và trường học tuyệt vời cho việc tông đồ giáo dân”.

Trong lá thư luân lưu số 2, năm 1963, của Đức Cha Đôminicô Hoàng Văn Đoàn (Giám Mục Gp. Qui Nhơn) được ghi lại trong bản thông tin Gp.Qui Nhơn, số 176, tháng 12/ 2012, trang 1148 về giáo dục gia đình như sau: “Ai trong chúng ta mà không biết tầm quan trọng của nền giáo dục trong gia đình? Bao nhiêu những tội ác ngoài xã hội, phần nhiều là tại không sớm trừ tận gốc tại gia đình. Và bao nhiêu những công trạng vẻ vang, tài đức cao quí phần lớn cũng chớm nở từ nền giáo dục chánh đáng của gia đình…. nội dung chương 3 sách Phúc Âm thánh Luca, thì Đức Mẹ và thánh Giuse đã chu toàn phận sự dưỡng nuôi, chăm sóc dạy dỗ, giáo huấn Đức Giêsu bằng lời nói, bằng việc làm, bằng gương sáng.

Những người làm cha mẹ phải noi gương mà quan tâm đến việc giáo dục con cái, lo liệu cho chúng có nền giáo dục chính đáng. Đừng tưởng rằng:  giáo dục con cái là việc của cha sở, của thầy giáo. Việc giáo dục con cái là việc của cha mẹ, hay nói đúng hơn, là việc của cha sở, thầy giáo và cha mẹ. Song cha mẹ chiếm một địa quan trọng hơn, vì đứa trẻ gần với gia đình hơn là nhà thờ và trường ốc, do đó cũng chịu ảnh hưởng gia đình nhiều hơn”.

Thư mục vụ Năm Đức Tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã viết: “Trong suốt lịch sử mấy trăm năm của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, gia đình vẫn là cái nôi thông truyền đức tin cho con cái, là trường dạy giáo lý đầu tiên cho thế hệ trẻ, là nơi đào tạo những Kitô hữu vững mạnh trong đức tin và gương mẫu trong đời sống đạo đức.”(số 9).

Thật quý giá cho những gia đình sinh hạ, nuôi dưỡng và giáo dục con em trong bầu sữa đức tin. Từ việc chỉ cho con em biết làm dấu Thánh Giá đến đọc thuộc các kinh thông thường. Từ việc tập con em trả lời những câu hỏi đơn giản: “con ai”? thưa: “con Chúa”; “cháu ai?”, thưa: “cháu Adong”; “dòng dõi ai?”; thưa: “dòng dõi Đavit” đến chỗ cho con em học giáo lý sâu rộng hơn về những mầu nhiệm trong đạo. Trước và sau mỗi bữa ăn, tập cho con em làm dấu Thánh Giá, dâng lời cảm tạ Chúa. Mỗi tối, gia đình quy tụ đọc kinh cầu nguyện với nhau: ông bà, cha mẹ, con cháu cùng qui tụ trước bàn thờ gia đình đọc kinh cầu nguyện.

Có những giáo xứ đã tổ chức đọc kinh liên gia không chỉ một vài tháng đặc biệt mà còn suốt một thời gian dài để hồi sinh bầu khí đọc kinh gia đình trong các xứ đạo. Các hội đoàn, các tu sĩ và các  tổ chức công giáo tiến hành đều có thể giúp giáo dục đức tin ở các gia đình có nhiều hiệu quả. Mong sao, gia đình Kitô giáo trở thành môi trường hoạt động và trường học tuyệt vời cho việc tông đồ giáo dân.  Mong sao gia đình là mảnh đất tốt để hạt giống đức tin được sinh hoa kết quả: “hạt được ba mươi, hạt được sáu mươi, hạt được một trăm” (Mc 4,8)
 
Một quyết tâm:  Gia đình đọc kinh cầu nguyện chung, ít nhất mỗi tối 15 phút.

 
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Lê Nho Phú
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 177
  • Khách viếng thăm: 123
  • Máy chủ tìm kiếm: 54
  • Hôm nay: 22299
  • Tháng hiện tại: 223619
  • Tổng lượt truy cập: 12513331