Trang mới   https://gpquinhon.org

Đề tài học hỏi tháng 9 (tuần I)

Đăng lúc: Thứ năm - 29/08/2013 20:47
GIÁO DỤC ĐỨC TIN VÀ VIỆC DẠY GIÁO LÝ
(Sách giáo lý của Hội Thánh Công giáo, các số 4-6; 1656, 2225-2226)

A. GIÁO DỤC ĐỨC TIN KITÔ GIÁO

Thư chung năm 2007 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã viết :

“Mục đích của nền giáo dục Kitô giáo không chỉ là rèn luyện nhân cách con người thành hữu ích đối với bản thân, gia đình và xã hội, mà còn là giúp con người sống xứng đáng với tư cách con Thiên Chúa để mai sau trở thành công dân Nước Trời” (số 3). Vì thế, nền giáo dục Kitô giáo mang tính toàn diện: giáo dục thành người và thành con Thiên Chúa, giáo dục tự nhiên và siêu nhiên, giáo dục tôn giáo và xã hội.

Giáo dục thành người tự nhiên và xã hội là nội dung của giáo dục nhân bản. Còn giáo dục thành con Thiên Chúa, mang tính siêu nhiên và tôn giáo là giáo dục đức tin. Vấn đề giáo dục đức tin Kitô giáo đòi hỏi chúng ta phải có những xác quyết cơ bản:

- Đức tin Kitô giáo là chính Chúa Kitô và giáo lý của Ngài;
- Sứ mạng giáo dục đức tin;
- Nội dung đức tin Kitô giáo.

1. Trọng tâm đức tin Kitô giáo:

Trọng tâm đức tin Kitô giáo là chính Chúa Kitô. Ngài là Quà Tặng Thiên Chúa Cha ban tặng cho con người. Ngài là Đấng Cứu thế mà toàn bộ Kinh Thánh Cựu ước đã nhắc đến. Ngài là Đấng Thiên Sai mà toàn thể dân Chúa trong Cựu ước ngóng đợi. Ngài là Đấng giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi, thiết lập một dân Chúa mới, khai sinh một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên ân sủng của Thiên Chúa.

Chúa Kitô cũng có tên là Giêsu, nghĩa là Thiên Chúa cứu độ. Ngài xuống thế làm người và ở giữa chúng ta. Ngài giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi vì Ngài là Thiên Chúa. Là Thiên Chúa, nên Ngài thể hiện quyền năng: quyền năng rao giảng chân lý, quyền năng thánh hóa con người tội lỗi, quyền năng làm chủ và thống trị con người bằng tình yêu. Vì thế, Ngài mời gọi mọi người hãy đến với Ngài, tin tưởng và bước theo Ngài, học hỏi và sống như Ngài.

Người Kitô hữu khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy hay Bí tích Rửa tội hoặc Phép rửa, là lãnh nhận đức tin, nghĩa là chấp nhận Đức Kitô là Chúa của mình và thực hành giáo lý của Ngài như phương thế để được cứu độ.

2. Sứ mạng giáo dục đức tin.

Chính Thiên Chúa là Thầy dạy đức tin.

- Trong Cựu ước, Thiên Chúa đã dùng các ngôn sứ hay tiên tri và các vị lãnh đạo thay Ngài, để dạy dỗ Dân riêng tuyệt đối tin tưởng nơi Ngài.
- Khi Chúa Giêsu đến trần gian, Ngài thay thế mọi vị lãnh đạo và ngôn sứ trong Cựu ước để dạy dỗ dân chúng. Ngài là Thầy dạy chân lý. Ngài mời gọi mọi người: “Hãy theo tôi”, “Hãy học cùng tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, “Hãy tin tôi”… Người ta tôn xưng Ngài là “Thầy”.
- Khi Chúa Giêsu về trời, Ngài trao ủy quyền giảng dạy cho Hội Thánh. Thời Giáo hội sơ khai, các tông đồ, môn đệ bắt đầu thực thi lệnh truyền của Chúa Kitô: “Hãy đi giảng dạy cho muôn dân”. Tiếp theo, các Đức Giáo Hoàng, các Giám mục và những người được thừa ủy như Linh mục, phó tế, tu sĩ, giáo dân được quyền giảng dạy. Trong phạm vi gia đình, được gọi là “Hội thánh tại gia”, cha mẹ có bổn phận giáo dục đức tin cho con cái.

3. Nội dung đức tin Kitô giáo.

Một cách cụ thể, đức tin Kitô giáo được gồm tóm trong kinh Tin kính. Nhưng thực sự, đó chỉ là những tín điều, đôi khi bị cho là khô cứng, nguyên tắc. Đức tin chân xác để sống phải là chính Đức Giêsu-Kitô. Vì thế, sống đức tin một cách tích cực và sinh động, phải là thái độ thiết thân gắn bó với Đức Giêsu trong tình yêu, để hiểu biết, yêu mến, và thực thi giáo huấn của Ngài.

Do đó, giáo dục đức tin là hướng dẫn người khác đến với Đức Giêsu, tin yêu Ngài, và sống theo Ngài, như Ngài. Một lời tuyên bố của Chúa Giêsu có thể được coi như châm ngôn để sống đức tin và kiện toàn đời kitô hữu: “Tôi là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”.

- Đức Giêsu là Sự Thật: ta hãy tin vào Ngài và giáo huấn của Ngài.
- Đức Giêsu là đường: Đường cũng là đạo. Theo Đức Giêsu là theo những chuẩn mực Đức Giêsu vạch ra để chúng ta tuân giữ.
- Đức Giêsu là Sự Sống: ta hãy kết hợp với Ngài để được sống. Các bí tích Chúa Giêsu thiết lập là phương thế hữu hiệu giúp người Kitô hữu kết hợp với Chúa Kitô, nghĩa là muốn nuôi dưỡng và phát triển đức tin cần phải lãnh nhận hay cử hành các bí tích.

Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Võ Thanh Nhàn
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 65
  • Khách viếng thăm: 44
  • Máy chủ tìm kiếm: 21
  • Hôm nay: 21137
  • Tháng hiện tại: 249840
  • Tổng lượt truy cập: 12539552