Trang mới   https://gpquinhon.org

Đề tài học hỏi tháng 8 (tuần II)

Đăng lúc: Thứ năm - 08/08/2013 18:50
NHỮNG TRỢ GIÚP CHO VIỆC GIÁO DỤC ĐỨC TIN
Lời Chúa - Bí tích - Phụng vụ
                        (Sách GLGHCG các số 131,1102,1122,1154,2716/1123,1305/1083,1204,1206)


ĐỨC TIN VÀ BÍ TÍCH

Trong Hiến chế về Phụng vụ Thánh số 59, Công Đồng Vatican II nói:«các bí tích có mục đích thánh hóa con người, xây dựng Thân Thể Chúa Kitô và sau cùng thờ phượng Thiên Chúa. Tuy nhiên vì là những dấu chỉ, các bí tích còn giữ vai trò giáo huấn nữa. Không những các bí tích giả thiết phải có đức tin, mà còn dùng lời nói và sự vật để nuôi dưỡng, củng cố và diễn tả đức tin đó. Do đó, được gọi là các bí tích đức tin. Thực ra, các bí tích ban ân sủng, nhưng việc cử hành các bí tích còn là việc chuẩn bị các tín hữu đón nhận các ân sủng đó một cách hữu hiệu để thờ phượng Chúa đúng cách và để thực thi đức bác ái. Do đó,việc rất quan trọng là làm sao cho các tín hữu dễ dàng hiểu được các dấu chỉ của các bí tích và hết sức siêng năng lui tới đón nhận các Bí tích, là những Bí tích được lập ra để nuôi dưỡng đời sống kitô hữu».

1. Vai trò giáo huấn, nuôi dưỡng đức tin của bí tích

Bí tích diễn tả dấu chỉ hữu hình của thực tại vô hình ẩn giấu ơn cứu độ. Theo nghĩa này, Đức Kitô là mầu nhiệm ơn cứu độ và Hội Thánh là dấu chỉ hữu hình chứa đựng và thông truyền ân sủng vô hình là ơn cứu độ cho mọi người. Theo Thánh Tôma: một sinh hoạt đơn thuần nội giới là không thể có được. Con người cần đến hoạt động thân xác ngay trong phạm vi tôn giáo. Nếu không cống hiến cho con người những hoạt động thân xác chân chính thì con người có thể tìm đến những hoạt động dị đoan để thỏa mãn nhu cầu tôn giáo của mình. Bí tích là những dấu chỉ hữu hình tác động trên thân xác để rồi qua thân xác tác động trên linh hồn. Do đó, trong phạm vi tôn giáo, bí tích có tác dụng giáo huấn, nuôi dưỡng đức tin cho con người. Vì thế, ở đây xin đề cập đến vài dấu chỉ hữu hình.

a. Dấu chỉ và biểu tượng

Chúng ta thấy rằng có thể dùng dấu chỉ và biểu tượng vật chất (khả giác) để diễn tả một thực tại tinh thần (thiêng liêng). Dấu chỉ và biểu tượng sử dụng trong đời sống hàng ngày có một tầm quan trọng nhất định nào đó, như để chuyển tải một thông điệp, hay được dùng như một ngôn ngữ giao tiếp. Điều nầy cũng đúng trên bình diện tôn giáo.

Thiên Chúa (vô hình) nói với con người qua những dấu chỉ và biểu tượng vật chất (ánh sáng, đêm tối, lửa, gió, nước, đất, hoa trái,…). Đó là đường lối sư phạm của Thiên Chúa và là một loại ngôn ngữ Thiên Chúa nói với con người. Lịch sử cứu độ cho ta thấy rõ điều đó, cách riêng là qua những dấu chỉ giao ước, ví dụ cắt bì, xức dầu, đặt tay, các hy lễ, nghi lễ vượt qua.

Chính Đức Kitô khi tại thế cũng sử dụng những dấu chỉ và biểu tượng, lời nói và việc làm để mạc khải những mầu nhiệm và chuyển thông ơn thánh. Chính Người là một bí tích xét vì Người là dấu chỉ làm cho chúng ta biết Chúa Cha, và còn thấy sự hiển hiện của Chúa Cha nơi Người «ai thấy Thầy là thấy Cha». Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 515 nói «nhân tính của Người xuất hiện như một ‘bí tích’ nghĩa là, một dấu chỉ và dụng cụ của thần tính của Người và của ơn cứu độ mà Người mang lại: những gì hữu hình trong cuộc đời trần thế của Người, dẫn chúng ta đến mầu nhiệm vô hình, là địa vị làm Con Thiên Chúa của Người và về sứ vụ cứu chuộc của Người».

Khi Chúa Giêsu không còn hiện diện thể lý trên trần gian, thì Chúa Thánh Thần thực hiện việc thánh hóa qua các dấu chỉ bí tích của Hội Thánh.

b. Lời nói và hành động

Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 1153 nói «việc cử hành bí tích là cuộc gặp gỡ của con cái Thiên Chúa với Cha mình, trong Đức Kitô và Chúa Thánh Thần, và cuộc gặp gỡ nầy diễn ra như một cuộc đối thoại, qua các hành động và lời nói… Đó là sáng kiến nhưng không của Thiên Chúa, đồng thời là lời đáp lại đức tin của dân Ngài».

Lời giảng dạy và hành động của Đức Kitô nhằm mục đích tối hậu đem lại cho con người ơn đức tin để được cứu rỗi. Đức Kitô là hiện thân của mầu nhiệm cứu độ; vì thế, ai gặp, tiếp xúc và chạm vào Người với niềm tin, là được lành mạnh (x. Mt 9, 20-22), Người chữa lành người phong cùi (x. Mt 8,3tt) hoặc tha thứ tội lỗi (x. Mt 9,2); muốn chia sẻ vinh quang với các bạn hữu mình (x. Ga 17,24) và mang ơn cứu độ đến cho cả đồng bào từ chối đón nhận Người (x. Mt 23,37); làm dụng cụ để Thiên Chúa hòa giải thế gian với chính mình (x. 2Cr 5,19). Thân thể của Người là nguồn trường sinh (x. Ga 6,53tt), và ngoài Người ra thì chẳng có được ơn cứu độ (x. Cv 4,12). Vậy Đức Kitô chính là căn nguyên của mọi bí tích.

2. Vài gợi ý thực hành

Đời sống siêu nhiên của Kitô hữu chính là đời sống Tin Cậy Mến. Đây mới là chủ đích mà các bí tích phải hướng về. Tin Cậy Mến là chính sự sống của Thiên Chúa trong người tín hữu và cũng là lý tưởng của đời Kitô hữu (1Cr 13,13). Nhất là lòng Mến, bởi vì nhờ lòng mến ta được hiệp thông cùng Thiên Chúa. Bí tích thông truyền ân sủng, do đó tăng cường thánh sủng và lòng mến trong ta. Vì thế, không thể tách biệt đời sống Kitô hữu với các bí tích, nhưng cần:

a. Hiểu rõ chức năng của bí tích: Bí tích là phương thế để thông truyền ân sủng. Đã là phương thế thì cần dùng cho đúng cách và đúng mức sao cho đạt hiệu quả tối đa là gia tăng lòng Tin Cậy Mến.

b. Nội tâm hóa dấu chỉ bí tích: Là khám phá ra ý nghĩa sâu xa bên trong của dấu chỉ. Dấu chỉ có tác dụng sư phạm. Nó biểu thị một nội dung. Ví dụ: Nhờ nước khám phá ra ơn tái sinh. Nhờ bánh, nhận ra lương thiêng nuôi linh hồn….Bởi vậy, không đựoc dừng lại nơi dấu chỉ mà qua dấu chỉ để nhận ra tinh thần và ý nghĩa bên trong của bí tích.

c. Chuẩn bị tâm linh: Bí tích không phải là một thứ «thánh thiện tiền chế» hễ chịu là có ơn mà không đòi hỏi nơi người chịu bí tích phải có sự chuẩn bị tâm linh là: có ý chịu bí tích và đầy ý thức. Hiểu ý nghĩa của bí tích mình muốn chịu. Có tâm tình xứng hợp, nhất là đức tin và không mắc ngăn trở luân lý.

d. Tránh bất cập hoặc thái quá: Bất cập khi coi thường hoặc sao nhãng nguồn ơn bí tích vịn lẽ đạo tại tâm hay chỉ dấn thân hoạt động…là đủ rồi. Bí tích chẳng thêm gì.

Thái quá đến độ lạm dụng bí tích, chịu bí tích thật nhiều theo thói quen, thiếu ý thức, thiếu chuẩn bị, không nỗ lực phát huy ơn bí tích trong cuộc sống, không để ơn bí tích hoán cải bản thân……



 
Tác giả bài viết: Lm. PM. Hà Đức Ngọc
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 57
  • Khách viếng thăm: 43
  • Máy chủ tìm kiếm: 14
  • Hôm nay: 26311
  • Tháng hiện tại: 235405
  • Tổng lượt truy cập: 12525117