Trang mới   https://gpquinhon.org

Nước về!

Đăng lúc: Thứ tư - 20/11/2013 10:41
Chuông điện thoại reo, vội vàng nhấc máy … chưa kịp “tám” những câu mở đầu, nó nói một hơi chẳng hiểu đầu đuôi “nước đang về, đừng đi Quy Nhơn, nước đã ngập đường từ chợ Dinh đi về hướng Tuy Phước rồi đó, đừng đi kẻo không về được”… không hiểu rõ nên tôi cũng chẳng mấy quan tâm. Khoảng một tiếng đồng hồ sau người khác lại gọi : “Chuẩn bị chuyển đồ, những vật dụng dưới đất kê lên chứ nước đang tràn vô nhà xứ Ngọc Thạnh…Tôi cám ơn những thông báo khẩn, nhưng vẫn thầm nghĩ “Nước về thì có liên quan gì đến mình, nó còn ở tận đâu đâu và nước về là sao ?
 
Thắc mắc nên đi tìm hiểu thực hư thế nào, thì ra là vì mưa to gió lớn, người ta xả đập…những đập nước dự trữ bây giờ dư thừa nên cho đi bớt. Từ nhỏ đến giờ tôi có biết xả đập hay lũ lụt gì đâu, có người lại bảo nước mà vào “nhà trường” thì “dân chúng chắc là nhà không còn nóc”…. Các chị em trong nhà cứ lo lắng đủ thứ, riêng tôi cứ “tỉnh pheo” vì có biết gì đâu đến lũ lụt mà lo…
 
Thế mà đêm hôm ấy vẫn chút âu lo, trước khi nghỉ đêm tôi rọi pin quanh nhà thì mọi sự vẫn bình yên… 11h30 lại có chuông điện thoại: “Sơ, cho con gởi mấy chiếc xe máy, nước sắp về làng mình rồi đó!”.
 
Dậy mở cửa cho mấy người bên cạnh gởi xe, nhưng xung quanh vẫn khô ráo bình yên. Tôi lấy làm lạ tại sao những người bà con này họ quá lo lắng, có gì đâu mà ai nấy cứ đứng ngồi không yên? Tôi thầm nói với chính mình “những người bà con này sống ở vùng sông nước nên họ kinh nghiệm”.
 
Nhưng, bầu trời trong xanh thỉnh thoảng chỉ có vài cơn gió bấc thổi nhẹ báo hiệu mùa đông đang đến, có chăng vài hạt mưa li ti làm sao mang lũ về được… Tâm hồn tôi vẫn thanh thản bình an. Không lâu sau đó vài tiếng đồng hồ lại một cuộc gọi nữa trong đêm khuya “nước về rồi đó!”.
 
Dọi Pin ra sân thì nước đã tràn về tới bậc cấp thứ hai của sân nhà nguyện.
 
Nước về người ta buồn hay vui, lo lắng hay thích thú mà không ngừng báo cho nhau để chuẩn bị?
 
Thật “ Nước về” chẳng kẻ nào muốn cũng không người trông mong vậy mà nó đã về. Nó về không chỉ làm cho cái làng mang tên Sông ngập trong biển nước mà nghe đâu khắp vùng Bình Định nước đều làm chủ, khiến nhiều căn nhà không còn nguyên vẹn, bao ruộng lúa, vườn cây xanh rì ngày nào nay mang một màu trắng đục. Nước lênh láng khiến người ta không còn phân biệt đâu là đường đi, đâu là lối rẽ…
 
Và người ta báo cho nhau để chuẩn bị đôi chút, bảo vệ những gì có thể vì không ai lường được sức mạnh của nước. Nước có thể cuốn trôi hay san bằng tất cả. Nước không biết luồn cúi, vòng vo, che đậy, cứ thẳng đường tiến bước nên đã đi thẳng vào trục chính nối các xóm nhỏ trong thôn khiến giao thông cách trở, người người tham gia giao thông không còn cơ hội đi trên con đường đất khô cứng mà phải bước đi trên dòng nước mịn màng, người làng trên xuống thăm làng dưới có con đò nhỏ nhẹ nhàng đưa sang.
    
 Lần đầu tiên trong đời chứng kiến cảnh “nước về” mới cảm được cuộc sống của anh chị em sống trong những vùng địa lý khắc nghiệt. Mùa nắng thì thiếu nước, mùa mưa lại lũ lụt, cuộc sống của họ bao đời vẫn vậy không ai khá hơn. Quanh năm suốt tháng chỉ lo khắc phục hậu quả của mưa bão thì lấy đâu ra để cải thiện đời sống.
 
Nước dần dần rút lui nhường chỗ cho những mõm đất cao nhưng dấu vết của nó vẫn còn đó, những tảng bùn non nằm chờ để những ai không cẩn thận bước đi nó sẽ dán cho một lớp giống như “keo sữa” thật khó mà rửa sạch…
 
Không sợ bùn dán, không ngại lội nước,  một số chị em trong cộng đoàn đã đi ra các xóm nhỏ thăm viếng những cụ ông cụ bà neo đơn mà lâu nay các chị vẫn có dịp thăm viếng.
 
Cuộc sống còn quá nhiều người đói khổ, mặc dù đời sống xã hội văn minh tiến bộ hơn bao thập niên trước đây, những ngày nắng ráo họ đã ăn cơm với mắm thì ngày mưa lũ càng không có cái gì để lót dạ. Củi bị ướt, nước vào tới chân gường thì còn bếp lò gì để nấu cái ăn. “Nước về”, điện mất, nước sạch cũng không có để uống, cuộc sống cơ cực, họ tận dụng những gì còn lại trong nhà để sống cầm hơi… Các chị em hy sinh chút phần ăn của mình là những “gói mì” đơn sơ, nhỏ bé để biếu quý ông bà. Có ông cụ đã thốt lên “gói mì này sẽ nuôi chúng tôi đến khi nước rút”! Không biết đến khi nào nước mới chịu rút lui !!! Đường sá sớm thông thương để những người nghèo này sớm làm lại cuộc sống, bao ý tưởng nghĩ suy… làm chúng tôi không cầm nổi  nước mắt.
 
Dù khó khăn cơ cực nhưng trên khuôn mặt các ông bà vẫn biểu lộ một sự thanh thản bình an, đôi mắt vẫn sáng những tia hy vọng vì sự giúp đỡ thật nhỏ nhoi của chúng tôi trong lúc cùng cực này.
 
Sau khi thăm các ông bà cụ lòng tôi cứ nặng trĩu sự cảm thương, vì cuộc sống khó khăn, cơ cực của người dân bị bão lũ; cảm thương vì sức mạnh tinh thần mà họ đã có được bởi trải bao khó khăn…Cảm thương vì bao tấm lòng quảng đại, bao bàn tay nhân ái rộng mở đã giúp họ vượt qua những khó khăn trước đây và lúc này họ đang cần những bàn chân, những đôi tay chia sẻ tình thương và tấm lòng “quân tử”…
 
Và cuộc sống thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu uống của bao người làm tôi “suy nghĩ”. Có lẽ vì bao lần tôi đã phung phí cái ăn khiến nhiều người đói khổ; lắm lần tôi xài nước cách lãng phí nên nhiều người không có nước uống, và không ít lần tôi không tiết kiệm điện nên nhiều người phải chịu cảnh sống thiếu ánh sáng… và bao lần tôi đã sống như người “Phú hộ” trong Tin Mừng Luca (16,19-31) thế nên vẫn còn quá nhiều La-da-rô phải ăn xin…
 
Nước cho tôi thật nhiều bài học : Bài học của “sự tốt lành và vô vị lợi, công bằng và khiêm tốn, khôn ngoan và nhẫn nhục, chịu đựng với kiên trì” ( x. Web Shotb)
 
 “Nước về” có làm cho không ít người đói khổ nhưng đã mời gọi, lên tiếng để nhiều người canh tân đời sống,  vươn lên để ra khỏi chính mình, sống quảng đại và vị tha, tiết kiệm để chia sẻ, tích góp để cho đi, không phàn nàn khi gặp gian khó, có thử thách như cơ hội rèn luyện chính mình …Và
 
“Lòng nhân ái chỉ trở thành giá trị đạo đức khi chính nó là một sự hy sinh vị tha”.(F. V.Denbor)
                                                                                    
        
                                                                                  Làng Sông Mùa Lũ 2013













                                                                                           
Tác giả bài viết: A. Lê Tuyết
Nguồn tin: gpquinhon
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 130
  • Khách viếng thăm: 73
  • Máy chủ tìm kiếm: 57
  • Hôm nay: 32448
  • Tháng hiện tại: 91526
  • Tổng lượt truy cập: 12381238