Trang mới   https://gpquinhon.org

Đề tài học hỏi tháng 8 (tuần IV)

Đăng lúc: Thứ sáu - 23/08/2013 18:57
 
NHỮNG TRỢ GIÚP CHO VIỆC GIÁO DỤC ĐỨC TIN
Lời Chúa - Bí tích - Phụng vụ

 
 
PHỤNG VỤ VÀ GIÁO DỤC ĐỨC TIN (2)
 


5. Năm phụng vụ và ngày của Chúa

Theo công đồng Vaticanô II, «Mẹ Hội thánh ý thức mình có bổn phận cử hành công trình cứu chuộc của Đấng Phu Quân chí thánh bằng việc tưởng niệm linh thiêng suốt cả năm, vào những ngày nhất định. […] Hội thánh còn trải dài trọn mầu nhiệm Đức kitô trong chu kỳ một năm, từ Nhập thể, giáng sinh đến Thăng thiên, Hiện xuống… Đến nỗi những mầu nhiệm ấy có thể nói là trở thành hiện diện suốt tất cả thời gian, để các tín hữu được tiếp xúc với các mầu nhiệm ấy và được tràn đầy ơn cứu chuộc»(PV số 37).

Cách riêng đối với ngày Chúa Nhật, «là ngày lễ nguyên thủy phải được đề cao và in sâu vào lòng đạo đức của các tín hữu, để ngày ấy trở thành ngày vui mừng và ngày nghỉ việc. Các cuộc lễ khác, nếu không thật sự là rất quan trọng thì không được lấn át ngày Chúa nhật, bởi vì ngày Chúa nhật là nền tảng và trung tâm của năm phụng vụ» »(PV số 37).

Trước thực tế nhiều tín hữu ngày nay chưa sống đúng hay xem nhẹ ý nghĩa ngày Chúa Nhật, năm 1998 Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ra tông thư Dies Domini (Ngày của Chúa) trong đó mời gọi người tín hữu sống ngày Chúa Nhật để tăng trưởng đời sống đức tin. Nội dung tông thư nầy rất phong phú gồm 5 chương với năm tư tưởng chính: 1) Dies Domini - Ngày của Chúa - Ngày Chúa Nhật. Ngày kính Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ; 2) Dies Christi - Ngày của Chúa Kitô, ngày cử hành Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô; 3) Dies Ecclesiae - Ngày của Giáo Hội - ngày cộng đoàn Giáo hội quy tụ lại để cử hành bí tích Thánh Thể; 4) Dies Hominis - Ngày của con người, ngày con người được nghỉ, hưởng niềm vui, sống tình liên đới; 5) Dies Dierum - Ngày của mọi Ngày, ngày lễ của mọi ngày lễ, ngày biểu lộ cho chúng ta biết ý nghĩa của thời gian.

Trong thực tế hiện nay với nhiều lý do, kinh tế cũng có, mà ham vui chơi giải trí cuối tuần cũng có, mà nhiều người bỏ lễ ngày Chúa Nhật hay tham dự cho có lệ. Cần phải hiểu rõ ý nghĩa và lợi ích của ngày Chúa Nhật để siêng năng tham dự thánh lễ hơn.

6. Lời Chúa và giảng lễ

Lời Chúa trong phụng vụ, trong các cử hành bí tích có vai trò quan trong trong đời sống đức tin. Thật vậy, sách GLHTCG số 1154 nhấn mạnh:«Phụng vụ Lời Chúa là phần cốt yếu trong các cử hành bí tích. Để nuôi dưỡng đức tin của các tín hữu, phải tôn kính những gì liên quan đến Lời Chúa: Sách Thánh (sách Bài Đọc hay sách Tin Mừng), nghi thức tôn kính (kiệu Sách Thánh, xông hương, hầu đèn), nơi công bố (giảng đài), cách đọc dễ nghe dễ hiểu, bài giảng của thừa tác viên sau khi công bố Lời Chúa, những lời xướng đáp của cộng đoàn (những lời tung hô, thánh vịnh, kinh cầu, tuyên xưng đức tin)». Tất cả những điểm đó có tác dụng giáo dục đức tin rất tốt.

7. Bài hát phụng vụ - nhạc khí

Theo công đồng Vaticanô II «truyền thống âm nhạc của toàn thể Giáo Hội đã kiến tạo nên một kho tàng vô giá, vượt hẳn mọi diễn tả nghệ thuật khác, nhất là vì điệu nhạc thánh đi liền với lời ca, góp phần cần thiết hoặc trọn vẹn trong phụng vụ trọng thể. […] Do đó Thánh Nhạc càng liên kết chặt chẽ với hoạt động phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh hơn bấy nhiêu. Thánh Nhạc vừa phát triển lời cầu nguyện một cách dịu dàng hơn, vừa cổ võ sự đồng thanh nhất trí, lại vừa làm cho các nghi lễ thêm phần long trọng».

Chúng ta đều biết trong phụng vụ, “hát là cầu nguyện hai lần”. Hát trong phụng vụ có ảnh hưởng đến tâm tình đạo đức thiêng liêng của người tham dự rất lớn. Do đó, nếu biết áp dụng đúng mực và thích hợp các nội dung bài hát, cách thể hiện (cá nhân, ca đoàn và cộng đoàn…), sử dụng các nhạc cụ, bố trí không gian kết hợp với hệ thống âm thanh tương hợp,… sẽ góp phần không nhỏ cho người tham dự được “trọn vẹn, sinh động và ý thức” qua đó tạo sự nâng đỡ đức tin và đời sống cầu nguyện của họ.

Cần chú ý rằng, dù nhìn nhận bình ca là lối hát riêng của phụng vụ Roma, nhưng Giáo Hội không hẳn loại trừ các loại thánh nhạc khác trong những khi cử hành phụng vụ. Thật vậy, «thánh ca bình dân phải được khéo léo cổ võ để tín hữu có thể ca vang lên tiếng hát trong những việc đạo đức thánh thiện cũng như trong chính hoạt động phụng vụ»(PV số 118). Sau nữa, Giáo Hội chấp nhận sử dụng cả mọi thứ nhạc khí khác trong phụng vụ nếu chúng có thể giúp diễn tả đức tin và lời nguyện.

Theo đó, chúng ta có thể sáng tác thánh ca theo làn điệu dân ca, sử dụng các nhạc cụ dân tộc trong phụng vụ. Trong những dịp lễ đặt biệt, chẳng hạn như lễ giới trẻ cho sử dụng đàn guitar, trống, kèn, kết hợp những vũ khúc thích hợp...

Tổng kết

Đề cập mối liên hệ chặt chẽ giữa đức tin với việc nghe Lời Chúa, việc lãnh nhận các bí tích và tham dự phụng vụ, sắc lệnh của công đồng Vaticanô II về chức vụ và đời sống linh mục (Presbyterorum Ordinis), số 4 nói rõ: «Chính nhờ nghe rao giảng Phúc Âm mà người ta đi tới đức tin và lãnh nhận những bí tích ban ơn cứu rỗi. Còn trong chính cộng đoàn Kitô giáo, nhất là đối với những người có vẻ ít hiểu và ít tin những điều họ quen thực hành, cần phải rao giảng Lời Chúa để dẫn họ đến chịu các bí tích, vì đây là những bí tích đức tin, mà đức tin lại được phát sinh và nuôi dưỡng bằng lời giảng dạy, điều này đặc biệt thể hiện trong phần phụng vụ lời Chúa khi cử hành Thánh Lễ».

Như vậy, việc rao giảng Lời Chúa phải làm sao giúp đưa người khác đến đức tin rồi lãnh nhận các bí tích, cách riêng là các bí tích khai tâm Kitô giáo. Và việc lắng nghe Lời Chúa đồng thời lãnh nhận các bí tích, cách riêng là bí tích giải tội và bí tích thánh thể lại củng cố và nuôi dưỡng đức tin. Đức tin lại cần được thể hiện qua việc cử hành phụng vụ.

Qua 4 tuần tìm hiểu Lời Chúa, Bí Tích và Phụng vụ  nuôi dưỡng và củng cố đức tin hay nói cách khác là hỗ trợ việc giáo dục đức tin cho người tín hữu, chúng ta thấy rằng đời sống đức tin kiên vững trên chiếc kiềng ba chân Lời Chúa-Bí Tích-Phụng vụ thiết yếu và quan trọng biết bao. Đó là những đường lối ban ân sủng khác nhau của Thiên Chúa. Vì khác nhau nên không trùng hợp nhau, không thay thế nhau nhưng bổ túc cho nhau. Chúng phối hợp đồng bộ hỗ trợ nhau để cùng kiến tạo con người siêu nhiên của Kitô hữu.
 
Tác giả bài viết: Lm. P.M. Hà Đức Ngọc
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 17
  • Khách viếng thăm: 15
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 4226
  • Tháng hiện tại: 185591
  • Tổng lượt truy cập: 12475303