Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Thánh Phêrô và Phaolô

Đăng lúc: Thứ sáu - 27/06/2014 12:55
LỄ HAI THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ
( Cv 12,1-11; 2Tm 4,6-8;17-18; Mt 16,13- 19)




Kính thưa ông bà và anh chị em,

Thánh Phêrô và Thánh Phaolô là hai Tông Đồ rường cột của Hội Thánh Công Giáo. Chúng ta thử làm một bảng đối chiếu về con người của hai vị Tông đồ này. Thánh Phêrô đã được Chúa Giêsu chọn làm vị Tông Đồ trưởng, làm thủ lãnh đầu tiên của Giáo Hội tại thế "Anh là Phêrô,  nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi"(Mt 16,18). Thánh Phêrô cũng được Chúa Giêsu trao cho chìa khóa Nước Trời "Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời, dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên Trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy" (Mt 16,19). Còn Thánh Phaolô, mặc dù ngài là vị Tông Đồ được gọi và chọn cách muộn màng nhưng trong thư gởi cho tín hữu Galata, ngài đã khẳng định về ơn gọi của mình:"Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mạc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại". (Gl 1,15-16). Trong lúc Thánh Phêrô chăm lo rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cho dân Do Thái thì Thánh Phaolô lại bôn ba đó đây để rao giảng Tin Mừng cho những người ngoài Do Thái giáo, và vì vậy ngài được xem là vị Tông Đồ dân ngoại. Thánh Phêrô lớn lên với nghề chài lưới, học hành chẳng bao nhiêu, quanh năm suốt tháng bám vào biển hồ Galilê để sinh sống. Ngài đâu ngờ rằng, một ngày kia, Con Thiên Chúa đến nói với mình:"Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho anh trở nên kẻ lưới người như lưới cá". Ngài cũng đâu ngờ sau đó một thời gian, Thiên Chúa đã cho ngài một ân phúc lớn để có thể tuyên xưng "Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng  sống". Trong khi đó, Thánh Phaolô lại là một người xuất thân từ Tarsô, một thành phố trù phú miền nam Tiểu Á. Cha mẹ của Ngài là những người có thế giá trong xã hội bấy giờ và chính bản thân Thánh Phaolô cũng đã có quyền công dân Rôma. Từ thuở nhỏ, Phaolô đã được học Kinh Thánh Cựu Ước, khoảng 15 tuổi Phaolô được gởi đến Giê rusalem để học với Thầy Gamaliel là vị Thầy danh tiếng thời bấy giờ. Có lúc Phaolô đã xem Kitô giáo như một "tà thuyết mới" đối nghịch với niềm tin Do Thái Giáo. Vì vậy ông đã dùng bạo lực để bắt bớ các Kitô hữu. Ngài đâu có ngờ rằng một ngày kia, ngài trở thành Kitô hữu và là một Kitô hữu mạnh mẽ, đầy xác tín. Chính Chúa Giêsu đã hoán cải và biến đổi ngài trở thành một người rao giảng lừng danh và làm chứng cho Chúa Giêsu trong khắp thế gian.

Kính thưa ông bà và anh chị em,

Chúng ta thấy rằng: Hai vị Tông Đồ Phêrô và Phaolô có nhiều điểm khác biệt: Khác nhau về tính tình, khác nhau về nghề nghiệp, khác nhau về trình độ, về vị trí xã hội, và khác nhau về thời điểm cũng như hoàn cảnh gặp gỡ Chúa Giêsu. Thế nhưng cho dù có nhiều điểm khác nhau như thế, các Ngài đã hiệp nhất với nhau, đã liên kết với nhau trong cùng một niềm tin sâu xa và trong cùng một lòng yêu mến nhiệt thành đối với Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu Kitô là trung tâm của sự hiệp nhất đó. Cả hai Tông Đồ Phêrô và Phaolô đều được mời gọi để đi loan báo và làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa, để loan báo và làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Sự khác biệt nơi con người hai vị Tông Đồ cột trụ của Giáo Hội không hề cản trở bước tiến của họ trên con đường theo Chúa Giêsu. Các ngài đã tự quên mình để sống cho Chúa Giêsu, để sống vì Chúa Giêsu và vì Tin Mừng Nước Trời.

Theo cung cách sống của Gioan Tiền Hô "Ngài phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại". Vì lòng yêu mến Chúa Giêsu, yêu mến Giáo Hội, yêu mến đoàn chiên mà Chúa Giêsu đã trao phó, các ngài đã vượt qua những chướng ngại của sự khác biệt để bổ  túc cho nhau, để cộng tác với nhau trong việc xây dựng Giáo Hội, để góp phần làm cho Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Sau hết, trong một niềm tin, một niềm hy vọng, hai vị Tông Đồ Phêrô và Phaolô đã cùng nhau đi đến cuối con đường yêu mến, đó là đổ máu mình để làm chứng cho Chúa Kitô tại Rôma; Thánh Phêrô tử đạo vào khoảng năm 64, Thánh Phaolô tử đạo năm 67.

Kính thưa ông bà và anh chị em,

Chúa Giêsu luôn mong muốn các môn đệ của Ngài hiệp nhất nên một. Nên một trong đức tin, nên một trong đức ái, nên một trong niềm hy vọng. Qua bí tích rửa tội, chúng ta trở nên môn đệ của Chúa Giêsu. Mặc dù "chín người mười ý"; Mặc dù "mỗi người một tính", nhưng hãy vì sứ mạng chung là rao giảng và làm chứng cho Chúa Kitô, hãy vì lòng yêu mến Chúa và yêu mến Giáo Hội, chúng ta hãy biết quên mình để cùng xây dựng Giáo Hội, để cùng làm rạng rỡ danh Thánh Chúa. Mặc dù chúng ta có những nghề nghiệp khác nhau, có những hoàn cảnh khác nhau, có những trình độ khác nhau, nhưng mong sao chúng ta hãy bổ túc cho nhau như các chi thể trong cùng một thân thể, để cho Thân Thể mầu nhiệm của Đức Kitô là Giáo Hội mỗi ngày một cường tráng, xinh đẹp và đáng yêu cho tất cả mọi người.

Ước gì các Kitô hữu biết noi gương hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ để vượt qua mọi khác biệt, hướng tới hiệp nhất. Hiệp nhất từ các thành viên Kitô hữu trong mỗi gia đình cho đến họ đạo, đến Giáo Xứ...Hiệp nhất từ các Giáo lý viên, các ca viên cho đến các chức việc, để tất cả cùng xây dựng Nước Chúa...

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin Chúa trở nên trung tâm liên kết chúng con nên một, để chúng con cùng nhau loan báo và làm chứng cho Tin Mừng cứu độ, để chúng con cùng nhau yêu mến và xây dựng Giáo Hội của Chúa. Amen.

 
Tác giả bài viết: Lm. Phanxicô Assisi Phạm Đình Triều
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 107
  • Khách viếng thăm: 49
  • Máy chủ tìm kiếm: 58
  • Hôm nay: 28074
  • Tháng hiện tại: 62474
  • Tổng lượt truy cập: 12352186