Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Thánh Anrê Kim Thông

Đăng lúc: Chủ nhật - 13/07/2014 18:48
LỄ THÁNH ANRÊ NGUYỄN KIM THÔNG
(2 Mcb 7, 1.20-23.27b-29; Rm 8. 31-29; Mt 10, 28-33)
ĐỪNG SỢ - HIẾN TẾ



Sống trên đời này, người giàu sang cũng như người nghèo khó đều có nhiều lo sợ vì cuộc sống quá phức tạp : lo sợ về đời sống vật chất, lo sợ về đời sống tinh thần, lo sợ trong hiện tại, lo sợ cho tương lai. Sợ hãi, lo âu nào cũng có chung một đặc tính : đó là dấu chỉ của sự yếu đuối, sự bất lực của con người. Thấy mình không đủ khả năng đương đầu với khó khăn nên mới lo sợ.  Lo sợ làm dang dở cuộc đời : “Lo bạc đầu, sầu bạc tóc”. Thời gian của một đời người dường như lo sợ  nhiều hơn an tâm. Khi một đứa trẻ được sinh ra thì người ta nói là : cất tiếng khóc chào đời. Có lẽ vì thế mà thi sĩ  Nguyễn gia Thiều trong Cung oán ngâm khúc viết : 
                                     “Thảo nào khi mới chôn nhau,
                                      Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra”.  
Chúa Giêsu biết con người luôn gặp nhiều lo sợ trong cuộc sống nên Ngài khuyên : “Đừng sợ”  hãy tin tưởng vào Thiên Chúa vì: “Tóc trên đầu của các con, Người cũng đếm cả rồi”. Chúng ta thấy Kinh thánh lặp đi lặp lại hai chữ “đừng sợ” tới 365 lần, đủ cho mỗi ngày một lần.

“Đừng sợ” để làm điều cao cả là “Hiến tế” đời mình cho Thiên Chúa và cho các linh hồn.

Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe trích trong chương 10 của Tin mừng Matthêô. Chương này trình bày về việc Chúa Giêsu sai 12 Tông đồ đi rao giảng, trong đó Ngài căn dặn họ những điều cần làm, những điều cần tránh. Ngài cũng không quên báo trước cho họ những khó khăn mà người tông đồ phải gánh chịu vì Tin mừng, cũng như những an ủi mà họ sẽ được trong ngày cuối cùng: “ Thầy sẽ tuyên bố người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32). 
Chúa Giêsu luôn quan tâm và nói những lời đầy an ủi cho những ai yêu mến Ngài : "Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn" rồi đi đến khẳng định "Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha các con …Vậy, các con đừng sợ, các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần".
“Đừng sợ” có nghĩa là can đảm tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa như lời người mẹ nói với đứa con út trong Macabê quyển thứ 2 : “Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ” (2Mcb 1, 28-29).
Lời tuyên xưng đức tin này đã được Chúa Giêsu làm sáng tỏ khi Ngài bảo các tông đồ : "Các con đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác mà không giết được linh hồn". Ngài muốn giúp các ông phân biệt hai yếu tố nơi con người : thân xác và linh hồn. Từ thân xác chỉ về chiều cao và cân nặng; phần chất thể của con người. Từ linh hồn chỉ về hơi thở, nguyên lý của sự sống con người. Thân xác là phương tiện qua đó con người biểu lộ sự sống, diễn tả tình cảm, thực hiện những bổn phận của mình trong đời sống thường ngày, đó cũng là cách khẳng định giá trị và địa vị của mình trong xã hội. Còn linh hồn là thiêng liêng, giống hình ảnh Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa tạo dựng và làm chủ vận mệnh của con người và ban cho con người quyền làm con Thiên Chúa, quyền hưởng sự sống đời đời. Người mới là Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục. Đồng thời, Ngài muốn hướng chúng ta đến một tầm nhìn xa hơn, rộng lớn hơn, để thấy rằng sự hy sinh mà người tông đồ sẽ phải chịu có giá trị đem lại sự sống mới, không phải chỉ cho bản thân, mà còn giúp cho nhiều người khác nữa. Sự hy sinh của người tông đồ không còn nằm trong lãnh vực cá nhân, nhưng vươn đến chiều kích Giáo Hội. Sự can đảm hy sinh mạng sống vì Tin mừng, vì phần rỗi của anh chị em mình của người tông đồ, nói lên một quyết tâm vác thập giá như lời Chúa Giêsu đòi buộc : "Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được" (Mt 10, 38-39).
Nhìn lại cuộc đời hiến tế của Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, chúng ta thấy Ngài là một “họa sĩ” đại tài, đã vẽ lại cuộc thương khó của Chúa Giêsu trên cuộc đời Ngài một cách tuyệt vời. “Bức tranh đó đã trở thành một tuyệt phẩm” mà con người sẽ ca tụng qua muôn thế hệ, và ước ao được như vậy. Giờ chúng ta cùng nhau ngắm lại bức tranh đó.
- Trong Vườn Ghếtsêmani Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha: “Lạy Cha nếu có thể được, xin cho Con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39); thì thánh Anrê Nguyễn Kim Thông đã từ chối việc các con của Ngài dự định bỏ tiền vận động xin giảm án, Ngài nói : “Các con cứ để thánh ý Chúa được thể hiện”.
- Chúa Giêsu bị người môn đệ là Giuđa Iscariốt phản bội, trao nộp Người cho những kẻ chống đối; thì thánh Anrê Nguyễn Kim Thông cũng đã bị người cháu nuôi tên bảy Út phản bội, tố cáo Ngài chứa chấp Tây Dương Đạo Trưởng và mở đường cho giặc cướp nước.
- Chúa Giêsu trên thập giá nghe những đề nghị đầy thách thức của những người qua lại, hãy bước xuống khỏi thập giá để chứng tỏ mình là con Thiên Chúa; thì thánh Anrê Nguyễn Kim Thông cũng được quan tổng đốc đề nghị bỏ đạo, bước qua thánh giá để được tha bổng, được tự do. Ngài trả lời: “Thánh giá tôi kính thờ, tôi thà chịu chết chứ không làm việc quái gở ấy”.
- Chúa Giêsu bị bắt đưa ra trước Thượng Hội Đồng, bị giải đến tổng trấn Phi-la-tô, bị đội vòng gai, chịu vác thập giá lên núi Sọ trong đau đớn; thì thánh Anrê Nguyễn Kim Thông cũng đã vui lòng mang gông trên vai, với đôi tay bị xiềng xích đi bộ xuyên qua các tỉnh miền trung, nam bộ để hoàn thành cuộc đời hiến tế mà không lời oán trách, như con chiên hiền lành bị xén lông.
- Trên thập giá Chúa Giêsu phó thác linh hồn Ngài trong tay Chúa Cha; thì thánh Anrê Nguyễn Kim Thông đã đọc bảy thánh vịnh sám hối, vài kinh Kính Mừng và gọi tên Giêsu Maria Giuse.
- Trên thập giá trước khi tắt thở Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha tha cho những kẻ làm hại Ngài; thì thánh Anrê Nguyễn Kim Thông trước khi sinh thì cũng cầu nguyện cho những kẻ bách hại Mình.
Cuộc đời và cái chết vì đức tin của thánh Anrê Nguyễn Kim Thông là hành động minh chứng cho sự thật, minh chứng cho tình yêu gắn bó với Thiên Chúa, một tình yêu vượt qua bao lo sợ: gian truân, khốn khổ, đói khát, trần truồng, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo, tù đày và cuối cùng là cái chết. Thật không có gì tách được Ngài ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu (x. Rm 8,39). Ngài giữ mãi hơi thở thần linh đã lãnh nhận, để đạt được sự sống trường tồn nơi Thiên Chúa, suối nguồn của sự sống và làm phát sinh hạt giống đức tin.

Quý ông bà và anh chị em thân mến,

Mừng lễ Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông hôm nay, chúng ta muốn nói lên rằng những hy sinh của Ngài cho Chúa và Giáo Hội, gần gũi hơn là cho giáo phận Qui Nhơn thân yêu của chúng ta – “Đất Mẹ đã sinh ra Ngài” là một việc làm thật tuyệt vời, là gương sáng cho tất cả mọi Kitô hữu.
Xin Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, bổn mạng các chức việc chúc lành và giúp chúng ta tiếp tục tiến bước trong ơn gọi của mình, để chúng ta cùng với Ngài tiếp tục dâng lên bàn thờ Thiên Chúa của lễ hiến tế. Amen.   

+ Bộ lễ Thánh Anrê Kim Thông: http://gpquinhon.org/qn/news/nghi-thuc/Bo-le-Thanh-Anre-Kim-Thong-1219/#.U8MK-63lork
+ Lời nguyện giáo dân lễ Thánh Anrê Kim Thông: http://gpquinhon.org/qn/news/loi-nguyen-giao-dan/Loi-nguyen-giao-dan-Le-Thanh-Anre-Kim-Thong-1222/#.U8MOFq3lork

                                                                                     
Tác giả bài viết: Lm. Gioakim Nguyễn Đức Quang
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 123
  • Khách viếng thăm: 59
  • Máy chủ tìm kiếm: 64
  • Hôm nay: 28074
  • Tháng hiện tại: 61388
  • Tổng lượt truy cập: 12351100