Trang mới   https://gpquinhon.org

Sáng tác Hoa Biển 10

Đăng lúc: Chủ nhật - 18/08/2013 19:10
TRÁI TIM YÊU
Kiều Nguyễn Yến Nhi (Gx. Cây Rỏi )
                                
Thời gian cứ trôi đi, nhanh như môt cơn gió khẽ ghé qua khung cửa rồi lại bay đi một cách nhẹ nhàng, giờ đã là  những ngày cuối cùng của năm hai. Mới đây nó ngu ngơ xách ba lô bước vào cái mảnh đất Sài Gòn nắng nóng, ồn ào xe cộ, thế mà đã hai năm trôi qua. Nó tự đặt ra cho mình những câu hỏi: Mình đã làm được gì? Học được những gì trong cuộc sống?… Tuy chỉ đơn giản có thế thôi nhưng sao khó trả lời quá! Nhìn qua nhìn lại thì cũng học được chút ít, nhưng nhìn lên nhiều người chung quanh thì mình chả làm được gì nhiều.
Chân ướt chân ráo vào thành phố, lại ở trong nhà của các Sơ, sinh viên năm nhất ở nhà quê lên không biết chơi với ai, không biết làm gì ngoài việc đến trường rồi về. Giống như ở nhà, cứ đúng giờ lại đến nhà thờ, ngày nào cũng siêng năng cần mẫn như thế . Thấm thoắt rồi một năm trôi qua, nó bắt đầu quen bạn quen bè, quen đường quen xá. Nó có laptop, xe máy… Và đó là ngọn nguồn của những cuộc hẹn hò ăn chơi cùng chúng bạn, hay cả ngày ngồi luyện hết phim này đến phim khác. Cũng từ đấy mà nó bắt đầu ít đến với Chúa hơn. Một tuần theo đúng nội quy phải đi lễ hai ngày thì nó vẫn thực hiện đúng như thế thôi, thời gian còn lại là muốn long nhong cùng mấy đứa bạn ở đâu đó để giải trí, vui đùa. Nó bắt đầu cảm thấy rằng cái không khí thánh lễ quá ngột ngạt, chán ngán và mệt mỏi. Nó cũng không thể nào hiểu nổi con người nó sao lại có thể thay đổi một cách nhanh chóng đến như vậy. Và cho đến hôm nay khi nhìn lại chặng đường đã qua, không quá dài để nó trải nghiệm hết cuộc sống nhưng cũng đủ để nhận ra được nhiều điều.
Những tháng ngày lãng quên Thiên Chúa, nó cảm thấy mình chỉ có niềm vui chốc lát trong những giây phút vui đùa mà thôi. Nó đã tìm tới Chúa mỗi khi nó cảm thấy cô đơn, nhớ nhà, có chuyện buồn, hay những lúc thất bại trong chuyện học hành. Chính trái tim yêu thương của Ngài là bến đỗ bình an mà nó cảm thấy yên lòng nhất. Có lẽ thế mà nó dần đến với Chúa nhiều hơn. Nó đến để tìm niềm vui, sự che chở. Nhiều lúc sau những tiết học mệt mỏi, muốn ngủ thiếp đi trên xe buýt, nó đấu tranh tư tưởng là về có đi lễ hay không đây? Nó cũng muốn đi lắm nhưng sao quá mệt mỏi, liệu khi tham dự thánh lễ nó có sốt sắng không, hay là khi đến với Chúa những cái mệt mỏi ấy sẽ tan biến? Giờ thì phải làm sao đây? Nhiều lúc như thế cũng khó xử lắm, nhưng không hiểu sao về ngang qua cổng nhà thờ, bước chân nó vẫn rẽ vào nhà Chúa.
Trái Tim Yêu Thương vẫn luôn luôn đón chờ ta, vẫn luôn tha thứ cho những lỗi lầm của ta, vì Chúa biết con người ta không ai hoàn thiện. Chúa luôn dang cánh tay ra chờ đón ta đến với Ngài. Hãy đến với Chúa bằng chính tâm hồn của trẻ thơ, để yêu mến và được Người đỡ nâng.
 
 
 
THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU
 Anna Lê Thị Như Quỳnh ( Gx. Sông Cầu )
 
Ngôi nhà thờ nhỏ bé đã trải qua 86 năm dài đằng đẳng, vượt qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt vẫn còn giữ được dáng vẻ ngày xưa, dù đã có đôi chút đổi thay qua từng năm tháng. Nhưng dù thế nào đi nữa, ngôi nhà thờ này vẫn là nơi đã chứng kiến nhiều người ngoại giáo trở về với Chúa và các cặp đôi được vững bền hạnh phúc. Tám mươi sáu năm đã qua, có lẽ trong ký ức nhiều người lớn tuổi chỉ là thoáng qua. Nhưng giờ đây họ nhớ, vào cái ngày mà giáo xứ cứ hành Thánh lễ Bổn mạng đầu tiên đúng dịp lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, hẳn là còn long trọng và phấn khởi hơn nhiều. Chắc rằng trong đầu nhiều người tham dự thánh lễ đang tự hỏi: Tại sao lại chọn Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu làm lễ bổn mạng của giáo xứ?
Thánh Tâm Chúa Giêsu, nơi nguồn mạch tình yêu. Có lẽ vì thế mà tình yêu Chúa đã giúp cho giáo xứ vượt qua bao thăng trầm của lịch sử, bao nhiêu đổi thay của thời thế, giúp cho nhiều người lạc lối trở về bên Chúa. Thánh Tâm Chúa rực đỏ thể hiện một tình yêu nồng cháy, tình yêu vô bờ bến. Đó là một tình yêu không vụ lợi, không biết toan tính, cũng như người chủ chăn chấp nhận bỏ lại chín mươi chín con chiên ngoài đồng mà đi tìm cho được con chiên bị lạc. Chính vì yêu mà Chúa đã tự hiến thân mình để nên của lễ toàn thiêu trên Thập Giá. Và nơi Thánh Tâm bị đâm thấu, những giọt nước cuối cùng cũng đã chảy ra để rửa sạch tội nhơ nơi con người. Tình yêu Chúa là thế, nó còn vượt lên trên mọi tình yêu nơi trần gian này, dù cho con người đã ngoảnh mặt làm ngơ nhưng Chúa vẫn yêu mến, vẫn tha thứ cho đoàn con thơ nhỏ dại. Như Chúa Giêsu đã nói trên Thập Giá trước lúc lâm chung: “Hãy tha cho… vì… không biết việc… làm”. Tình yêu Chúa thật cao vời! Thánh Tâm Chúa thật đẹp, tựa như một viên pha lê sáng ngời giữa trần gian đầy tăm tối. Ánh sáng từ Thánh Tâm Người soi chiếu và nung chảy mọi tội lỗi, đưa con người đến gần Chúa hơn. Thánh Tâm Chúa đẹp biết bao, không thể nào dùng lời nói mà diễn tả được hết vẻ đẹp nơi Thánh Tâm Chúa, mà chỉ có thể cảm nhận được qua con tim của mỗi người Kitô hữu yêu Chúa.
Thánh lễ đã kết thúc trong bầu khí trang nghiêm và những gương mặt hớn hở. Tượng Thánh Tâm Chúa trên bàn thờ như đang rực sáng và chiếu tỏa muôn vàn hồng ân đến với mọi người. Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu được cử hành tại nhà thờ này lần thứ 86 đã kết thúc, nhưng tình yêu của Chúa vẫn không kết thúc, vẫn còn mãi cho đến muôn đời. Tình yêu ấy vẫn luôn dành cho những ai biết chạy đến và nương nhờ nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu.
 
 
CÓ YÊU MỚI BIẾT ĐƯỢC YÊU
Đặng Hồng Thương ( Gx.Hội Lộc- Tu viện Thánh Phaolô Qui Nhơn )
 
Xuyên qua những núi đồi, khuất sau những rặng tre, khép minh bên bờ biển với bãi cát dài vô tận, các bạn sẽ bắt gặp một ngôi làng nhỏ, không nghèo nhưng cũng chẳng mấy khá giả. Đó là nơi đã ôm ấp cả tuổi thơ tôi.
 Nhân tiện có tôi về chơi, Cha cũng lên nhà để hỏi thăm sức khỏe và cũng để “thêm sức” cho gia đình tôi trên bước đường theo Chúa. Chiếc xe buýt trắng tiến dần về phía tôi và dừng lại. Tôi giơ tay lên và vẫy vẫy: “Cha, con ở đây!”. Một người đàn ông bước xuống khỏi xe và tiến về phía tôi, trông Cha vẫn khỏe như ngày nào. Tôi vui mừng nói: “Con cứ nghĩ cha không lên chứ! Hồi sáng trời mưa quá trời mà cha…”. Cha cười cười nhìn tôi rồi đưa tay xoa xoa đầu tôi làm tôi hạnh phúc vô cùng. Hôm đó, Cha ở lại dùng cơm với gia đình, nghỉ ngơi một tí rồi Cha phải về vì chiều có việc. Nhìn chiếc xe buýt khuất xa, lòng tôi lại cảm thấy như có một nỗi buồn nào đó xâm chiếm cả tâm hồn. Tôi thẫn thờ bước từng bước một, bỗng hình ảnh cô sinh viên xa nhà lần đầu lại hiện về. Đó là một cô bé vừa bước chân vào ngôi trường đại học với sự ngây thơ và “nhà quê dã man luôn”, đã rất khó để thích nghi với cuộc sống tấp nập của phố phường. Thế nhưng Đấng toàn năng luôn có những sắp xếp riêng của Ngài mà chúng ta không thể nào hiểu được…
Tôi còn nhớ đó là một buổi chiều đẹp trời, trên đường đi làm thêm về tôi đã nhặt được một tờ rơi có nhan đề là “Bạn biết gì về lễ Giáng Sinh?”, trong đó nói về Chúa Giêsu giáng trần. Tuy là nhà quê lên, nhưng tôi cũng biết Chúa Giêsu là thuộc đạo Thiên Chúa giáo hay Công giáo gì đó. Và cuối mảnh giấy thì không quên ghi địa chỉ và điện thoại liên hệ. Chẳng biết tại sao tôi lại liên lạc với số điện thoại đó nữa. Mà chắc do tính tò mò của trẻ con nên tôi đã gặp được một người bạn. Sau vài lần trò chuyện với tôi, người bạn ấy mong được gặp tôi. Bạn ấy đón tôi ở cổng trường. Ôi! Thật là ngạc nhiên khi người tôi gọi là bạn đã trạc tuổi 60 cơ đấy! Vậy mà người ấy vẫn xưng bạn với tôi mặc dù biết tôi là cô sinh viên non nớt. Khi ngồi lên chiếc xe đạp của người ấy tôi cũng hơi lo vì dù sao người ấy cũng là đàn ông. Người ấy còn nói, tôi là người đầu tiên ông ấy chở bằng xe đạp nữa. Chiếc xe đạp dừng lại ở một quán café. Sau khi trò chuyện tôi mới  biết ngài là một linh mục. Dù không hiểu nhưng tôi cũng biết được linh mục là người đi tu, không có vợ. Người ở trong đạo gọi linh mục là “cha”, được xem là người có đời sống gương mẫu, và rất được kính trọng… Rồi cái cảm giác lo sợ ban đầu  nó nhảy đâu mất tăm! Càng lúc tôi lại càng bị  cuốn hút bởi cái tên Giêsu mà người ấy kể.
Thế rồi thời gian trôi qua, không biết từ lúc nào Giêsu đã chinh phục trái tim tôi bằng một thứ tình yêu mà theo tôi hễ càng đắng thì lại càng ngọt ngào, thứ tình yêu mà ta chỉ có thể cảm nhận bằng con tim mà không diễn tả được. Ngài rất tuyệt vời, à không, còn hơn cả sự tuyệt vời nữa! Thời gian không lâu, tôi đã theo học một lớp giáo lí và đã trở thành con cái của Thiên Chúa. Tôi chợt nhận thấy rằng Chúa quá đỗi yêu thương tôi. Giữa muôn ngàn con người chưa nhận biết Chúa  trên thế giới này, Chúa đã chọn lấy tôi là nơi để người gieo hạt giống đầu tiên. Đây rõ là một đặc sủng mà Nước Trời đã dành tặng cho tôi. Lúc đứng cạnh cha ở bến xe, tự dưng tôi thấy cha như một mặt trời thứ hai đang tỏa sáng trước mặt tôi. Tôi thầm cảm ơn Chúa vì một thiên sứ trước mặt. Mặc dù đời sống tín hữu lẻ loi, gặp nhiều khó khăn về dư luận của xóm làng, về vấn đề tìm hiểu đạo. Xong tình yêu của Chúa luôn tuôn tràn, sẽ làm vũ khí cho tôi trên hành trình phát triển Đức Tin và sinh được nhiều hoa trái.
Bước những bước cuối trên con đường quen thuộc về nhà, lòng cảm thấy nặng trĩu. Rồi chẳng biết từ đâu và khi nào lại ước. Ước chi mai sau ở đây cũng có một nóc nhà thờ, những người ở đây được nhận biết Chúa như mình nhỉ. Lạy Chúa, con tin vào tình yêu và trái tim giàu lòng thương xót của Chúa, rồi điều ước của con sẽ thành hiện thực. Vì Chúa đã chẳng nói: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho” đó sao. Chẳng phải Chúa đã gọi thêm thợ để vào chăm sóc vườn nho của Chúa sao? Nên con cũng tin rằng chẳng bao giờ Chúa bỏ mầm giống non nớt này.
    - Tâm, nhanh vào nhà để nắng con! Đi ngủ đi chứ trưa giờ chưa ngủ đó – Mẹ tôi gọi.
     - Dạ, con vào liền đây!
      Nằm trên chiếc chõng tre với những cơn gió nhẹ hiếm hoi thổi từ biển vào, đôi mắt tôi dần khép lại. Thế nhưng đâu đó trong tiềm thức vẫn hiện rõ hình ảnh một ngôi nhà thờ ở giữa làng, rất đông người đi lễ. Mọi người sống quây quần yêu thương để biết mình đang được yêu thương.
 
 
THƯƠNG... GÁNH HÀNG RONG 
Maria Nguyễn Thị Thanh Huyền ( Gx. Mằng Lăng )
 
        Xe buýt trưa hôm nay đông ngẹt người. Có lẽ do lũ học trò vừa dự lễ tổng kết năm học xong thì phải? Một tốp nữ sinh mặc áo dài trắng bước lên xe, trong số đó có con bé tóc thắt bím dường như thu hút mọi ánh nhìn của những người ngồi trên xe. Nó xinh lắm, một vẻ đẹp rạng ngời toát lên từ lúm đồng tiền trên má. Cái giọng con gái miền Nam nghe dễ thương thât!
      Hình như tụi nó vừa kết thúc 12 năm đèn sách. Đứng chen chúc trên xe, tụi nó kháo nhau về những kỉ niệm lúc còn đi học. Xe mỗi lúc một thưa dần, ghế trống đã khá nhiều. Tụi nó ngồi xuống, bắt đầu ca cẩm những "bí quyết làm đẹp" mà không phải bất cứ một đứa học trò nào cũng có điều kiện để làm. Có vẻ như đám này toàn con nhà giàu.
       - My, tóc mày đi làm ở đâu mà đẹp vậy?- Một đứa hỏi.
       - À, mẹ tao mua cái vêu-chơ (voucher) làm tóc trên quận nhất cho tao đó mày!
       - Con này sướng nhỉ! Hôm nào cho tao địa chỉ để tao đi làm với nhé! - Một đứa khác trầm trồ.
       Con bé tên My hỏi tiếp:
       - Thương nè, mày mua cây son môi xí muội ở trên “lamdep.net” phải không? Nhìn là tao biết vì lúc trước chị tao cũng có một cây?
        Thì ra cô bé xinh xắn có má lúm đồng tiền tên Thương. Nó trả lời:
       - Ừ! Tao "phượt" mạng cả buổi tối mới tìm thấy nó đó tụi mày ơi! Người đẹp làm cái gì mà chả đẹp!
       Nói đến đây bọn nhỏ bắt gặp đôi ba ánh mắt ngoảnh nhìn khác thường. Học trò thời nay đúng là đua đòi, sành điệu quá sức tưởng tượng.
       Bỗng nhiên… “Keee......két!!!”. Xe đột ngột thắng gấp...  “Raaa....rầm!!!”. Một cô hàng rong ngã nhào về trước, mọi thứ trên gánh hàng của cô rơi rớt khắp gầm xe. Anh phát vé xe buýt chạy lại đỡ cô ấy dậy vì có vẻ cô này đã kiệt sức không thể đứng lên nổi. Mọi người cùng nhau lúi cúi nhặt những món đồ giúp cô ấy. Một cô bạn sinh viên lấy trong cặp ra hộp sữa và đưa cho cô.
       - Cô ơi! Cô mệt lắm rồi đúng không? Cô uống cái này đi nè, nó sẽ giúp cô cảm thấy ổn hơn - Một nụ cười thân ái nở trên môi cô bạn sinh viên.
         Cô hàng rong nhìn bạn sinh viên như muốn thốt lên điều gì đó nhưng rồi lại thôi. Cô nhẹ nhàng cầm lấy hộp sữa "quý báu" kia và thì thào hai tiếng "cảm ơn". Trong khi đó, lúc cô hàng rong ngã nhào tới trước, thì đám nữ sinh kia cũng nháo nhào nhổm người dậy, tranh nhau xem rồi cười khúc khích. Nghe cuộc trò chuyện giữa bạn sinh viên và cô hàng rong, có một đứa châm chọc rằng: “Sữa đâu tụi bay? Đưa tao làm việc thiện cái đi!”. Cả đám cười ầm lên, chỉ riêng con nhỏ Thương là có vẻ e ngại và tỏ ra khác lạ.
        - Ê… mà tụi bây, cổ trông cơ cực và thảm quá! Tao sẽ mua cái gì đó ủng hộ cổ.
         Con My nói lớn. Rồi nó chạy lên trước và lom khom lựa mấy cái vòng đeo tay. Tụi bạn đi theo sau và nhí nhố lựa đồ. Chỉ riêng Thương, nó ngồi như bất động trên chiếc ghế phía sau, tay bưng lấy mặt.
        - Mày sao vậy Thương cu-te (kute)? Lên đây coi nè, cũng có mấy cái hợp xì-tai (style) tụi mình lắm! - Con bạn gọi nó.
        - Thương? Cái tên...! - Vừa nói cô bán hàng vừa quay lại và nhìn thấy đứa con gái của mình. Cô vội bỏ gánh hàng rong xuống và rút trong túi của mình ra vài tờ tiền lẻ…
        - Đây rồi, lúc sáng con xin mẹ 150 nghìn để tối nay đi liên hoan với lớp mà mẹ chưa có, sẵn tiện đây mẹ cho con luôn, vì có khi chiều nay mẹ đi bán thêm ở vài nơi...
         Con bé phản ứng dữ dội, nó bật dậy và lao về phía trước, hất tay mẹ nó và mấy tờ tiền bay tùm lum. Nó la lên:
        - Ghé trạm gấp chú ơi!
         Nhưng bác tài bảo:
        - Đợi trạm tới đi, vừa đi qua trạm rồi sao không nói sớm?...
        Con nhỏ xấu hổ chảy nước mắt, còn lũ bạn nó vẫn chưa kịp hoàn hồn. Con bé Thương, lũ bạn, bà mẹ khổ tâm và gánh hàng rong… tất cả đều không "cử động". Xe buýt thắng lại chậm dần. Một con nhỏ xinh đẹp với hai hàng nước mắt lăn trên má, chảy xuống cái lúm đồng tiền đáng yêu, bước xuống xe. Còn đây là bao cặp mắt non nớt chưa đủ trưởng thành, ngơ ngác nhìn một người mẹ ghì chặt mớ tiền trong tay, ngồi bệt giữa hai hàng ghế cạnh một gánh hàng rong…
        
    * ( Xin gửi tặng những người mẹ sớm hôm tảo tần vì tương lai của con mình.
Thay mặt những đứa con xa nhà, chúng con gửi mẹ! ) 
 
 
 
TÌNH YÊU “VE CHAI”
Phêrô Lê Đức Huy ( Gx. Sơn Nguyên )
 
Tôi là một thành viên của “nhôm ve chai” Phú Yên (Gx. Sơn Nguyên). Nhóm chúng tôi được thành lập cách đây một năm, dưới sự dẵn dắt của Cha Phaolô Nguyễn Văn Châu (Cha sở Châu Ổ). Nhóm ve chai Vinh Sơn Phao Lô của chúng tôi được thành lập nhằm mục đích giúp các bạn trẻ trong giáo xứ sống kiện toàn luật Chúa, đó là: Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn - Và yêu tha nhân như chính mình, bằng những hành động cụ thể như:
Thu nhặt những đồ “ve chai”- tức là đi xin, đi thu gom những đồ phế liệu bỏ đi, để bán lấy tiền giúp đỡ những người nghèo khổ, bất hạnh, cô đơn hay xấu số ( nhóm chúng tôi không xin tiền ). – Tham gia lượm rác bảo vệ môi trường khi cần thiết – Giúp sửa chữa những ngôi nhà cho người nghèo ở bất kỳ đâu.
Ngoài mục đích trên, nhóm “ve chai” giúp các bạn trẻ giảm bớt thời gian nhàn rỗi, tránh được các tệ nạn xã hội, giúp các bạn sống tinh thần yêu thương, bác ái và sẻ chia “lá lành đùm lá rách”.
Như đã nói trên, nhóm chúng tôi chỉ mới thành lập được một năm, nhưng tinh thần các bạn rất hăng say với một tình yêu luôn nồng cháy. Bởi vì tình yêu của Chúa Giêsu Kitô đã thúc giục các thành viên mở rộng tấm lòng yêu thương của mình ra, để chia sẻ với mọi người, đặc biệt là người nghèo. Dù hành trình hoạt động gặp rất nhiều gian nan thử thách, nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng hết lòng vào câu nói của Chúa Giêsu: "Mỗi lần các ngươi làm thế này cho những anh em nhỏ bé nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt. 25, 40). Dù trời nắng hay trời mưa, chúng tôi cũng sẵn sàng đi xin, đi nhặt ve chai. Có khi các bạn đi xin giữa trời nắng nóng, mồ hôi ướt đầm đìa trên cả chiếc áo đang mặc hay cái mũ đang mang.
Chúng tôi làm những việc này với một niềm vui là có thể giúp đỡ những ai có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, giúp những ai neo đơn hay là người khuyết tật. Và niềm vui trên hết là những nụ cười luôn nở trên khuôn mặt của mọi người. Vậy nên nhóm “ve chai” của chúng tôi hoạt động ngày một hăng say và nhiệt thành hơn. 
Cuối cùng, tôi cầu mong sao Chúa sẽ ban cho chúng tôi luôn có tinh thần đó. Tôi ước mong sẽ có nhiều “nhóm ve chai” hơn nữa, để có thể đem tình yêu của Chúa Giêsu đến với mọi người qua mỗi người chúng ta, như lời Ngài dạy: “Hãy yêu thương người thân cận như chính mình" (Mt. 22, 39). Nguyện xin Thiên Chúa chúc phúc cho công việc “tình yêu” của chúng tôi.
 
 
KINH LIÊN XỨ
Maria Đồng Thị Bích Duyên ( Gx. Đồng Tre )
      
       Tháng 6, tháng Thánh Tâm, tháng kính “Lòng thương xót Chúa”. Vào tháng này, toàn thể Giáo Hội kính nhớ Thánh Tâm Chúa Giêsu bằng chuỗi thương xót. Riêng giáo xứ tôi thì tổ chức đọc kinh liên xứ, bắt đầu từ 8 giờ tối đến 8 giờ 30 thì kết thúc.
        Hôm đó, vào đầu tháng lễ Thánh Tâm, tôi vừa bước vào cổng nhà thờ, còn đang dắt chiếc xe đạp, đã nghe Viên từ xa réo gọi:
     - Duyên ơi, chờ với… Mình nói chuyện này nghe nè…
     - Gì vậy?... Thôi trễ rồi, để sau thánh lễ hãy nói…
     - Ừ, cũng được… Để sau lễ nói cũng được.
        Sau thánh lễ...
     - Có gì thì nói nhanh đi, mình còn phải về nữa.
     - Làm gì mà gấp vậy? Hãy còn sớm mà.
     - Sớm gi mà sớm, 8 giờ kém 20 rồi, gần tới giờ đọc kinh rồi còn gì! Nói lẹ giùm cái!
     - À… Chả là mình muốn rủ Duyên cùng ra quán Quỳnh Như làm giùm mình một cái “nick facebook”, chứ cái điện thoại của mình trành quá xài không được. Duyên rành mấy món này nên mình muốn rủ đi cho vui.
     - Không được! Viên quên hôm nay là ngày gi hay sao mà còn rủ ra quán Net? Nảy giờ không nghe cha sở nhắc hay sao mà còn đòi đi.
     - Ừ, biết rồi, biết rồi… Nhưng nghỉ có một bữa có sao đâu… Đi đi mà, năn nỉ đó.
     - Đừng có đùa! Bộ không nghe cha sở nói là từ 20g đến 20g30 là giờ linh tiến của giáo xứ à? Cả gia đình phải cùng nhau đến nhà ông khóm trưởng để đọc kinh. Nếu có người ở nhà thì cũng không được mở tivi mà phải đọc kinh để cùng hiệp thông với cả GIÁO XỨ… Đừng có mà rủ rê, mình sợ má đánh lắm!
     - Không đi thì thôi mình đi một mình… Xí! Làm như là mình đạo đức lắm vậy!
     - Nè, đừng có nói kiểu đó… Cha sở mà nghe được là chềt đấy!
       Vừa lúc đó bác Hai trưởng ban phụng vụ đến gần nhắc nhở:
     - Sao giờ này các con chưa về mà còn đứng đây tán dóc hả?
     - Dạ... Dạ... Chúng con đang chuẩn bị về… Dạ thôi chào bác chúng con về…
       Vừa nói xong chúng tôi đi thật nhanh, để khỏi bị mắng vì tội không chịu về đọc kinh mà đứng đó tán dóc. Tôi bảo ngay với Viên:
     - Thấy chưa, sém tí xíu nữa là hai đứa mình “tiêu” rồi!
     - Ừ, cho mình xin lỗi nha!
     - Lỗi phải gì đâu mà xin! Giờ phải chạy cho thật nhanh về nhà để kịp giờ kinh liên xứ đã chứ… Còn chuyện kia thì để ngày mai mình làm miễn phí cho. Anh minh mới về nên mình mượn máy tính rồi làm được mà.
     - Nhớ nha! Thôi tụi mình về cho nhanh để còn kịp đọc kinh, dâng lên Thánh Tâm Chúa GIÊSU những tràng chuỗi thương xót.
                                 VÌ CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU
                  XIN CHA THƯƠNG XÓT CHÚNG CON VÀ TOÀN THẾ GIỚI
 
 
KẾT NỐI ANH EM MỘT NHÀ
Matta Nguyễn Ngọc Thanh Tuyền ( Gx. Châu Ổ )
 
         Thời gian dần trôi qua và cuốn theo tất cả những niềm vui, những nỗi buồn, sự ganh đua học tập và vui chơi giải trí của tuổi học trò. Và mùa hè lại đến, khép lại những phút giây học tập căng thẳng, tôi bắt đầu chuyến đi như một hành trình khám phá, tìm hiểu những điều mới mẻ của cuộc sống qua cách sinh hoạt của những người anh em dân tộc.
         Các bạn khi nghe hai tiếng “dân tộc” thì có nhận ra đó là đâu không, là vùng đất như thế nào chăng? Và đó chính là Tây Nguyên, chính xác hơn là Pleichuet. Chắc hẳn các bạn đã nghe đến rồi, còn riêng tôi nơi đây rất đổi lạ lẫm, nhưng đã để lại biết bao kỉ niệm luôn hằn sâu trong tâm trí tôi. Hẳn rằng nổi nhớ sẽ không sao nguôi được khi bắt gặp những hình ảnh ở chốn vùng cao này. Hình ảnh ngôi nhà thờ bằng gỗ với vẻ đẹp rất đỗi đơn sơ và bình dị. Tôi chợt nghĩ về ngôi nhà thờ nơi mình đang sống, quả là khác biệt với nhau. Một nơi thì khang trang lộng lẫy với đủ ánh đèn sáng chói, còn nơi đây với ánh đèn le lói không đủ sáng. Điều ngạc nhiên khi được ở lại nhiều ngày, mỗi buổi sáng lúc chúng tôi còn chìm trong giấc ngủ say, thì tiếng đọc kinh “Kính mừng Maria” như vang dậy cả căn phòng yên tĩnh. Chúng tôi bừng tỉnh rồi chuẩn bị tham dự Thánh Lễ. Được gặp mọi người, trông thấy họ với bộ trang phục truyền thống tôi rất ấn tượng. Trên khuôn mặt họ hiện ra những nụ cười trìu mến và nhiệt tình làm sao để đón tiếp chúng tôi. Chúng tôi như những người anh em, những người con cùng một Cha, đã tụ họp về bên nhau, ngồi bên nhau mà cùng trò chuyện.
        Tôi cảm nhận được lòng yêu mến Chúa nồng nàn và hăng say của những người anh em khác ngôn ngữ này. Đối với Chúa là niềm tin tuyệt đối và lòng yêu mến tôn thờ nơi mỗi người trong họ, và đó cũng là bài học tôi hằng ghi nhớ. Trong suốt giờ Phụng Vụ, ánh mắt họ đăm chiêu hướng nhìn lên Chúa. Trái tim tôi như rực cháy cả lên bởi đã tìm thấy một lẽ sống đức tin mãnh liệt nơi họ. Tôi luôn hoài niệm rằng: Thiên Chúa là tình yêu vô bờ bến, Ngài luôn dang rộng cánh tay để nối kết chúng tôi, từ những người anh em sống ở đồng bằng thành phố đến vùng non cao. Nhờ Ngài đã dẫn đưa mở đường cho chúng tôi, để chúng tôi nhận biết rằng vẫn còn đâu đó những người anh em rất cực khổ. Cuộc sống của họ vất vả, thiếu vắng tiện nghi và đơn điệu, nhưng ở mỗi dân tộc lại bắt gặp một nét văn hóa độc đáo và đặc trưng. Những bộ trang phục của họ với đường chỉ khâu nên những hoa văn rất tinh xảo. Rồi những điệu ca, tiếng trống, tiếng cồng chiêng rền vang như khơi dậy trong tôi niềm khát khao một cuộc sống mới ở nơi này.
        Bạn có bao giờ giao tiếp với họ hay chưa? Nếu như đã có dịp tiếp xúc và nói chuyện thì sẽ nhận ra họ thân thiện và mến khách đến dường nào. Sẽ không có những khoảng cách, không có những bức tường vô hình nào ngăn cách, nếu chúng ta biết mở lòng ra đón nhận tình yêu giữa con người với con người. Và đó sẽ là sợi dây nối kết với nhau, vì tình yêu Thiên Chúa đã mặc khải nơi mỗi tấm lòng của chúng ta.
        Một giọt nước nếu muốn tồn tại thì phải hòa vào đại dương mới có thể không bao giờ cạn mà thôi. Là người con của Chúa, chúng ta phải biết sống hòa nhập, sống với tinh thần yêu thương. Hãy nhìn ra thế giới quanh ta, thế giới với nhiều điều mới mẻ để biết tìm hiểu và chinh phục lấy nó.
 
 
HOÁN ĐỔI
Têrêxa Nguyễn Thị Mận ( Gx. Cây Rỏi )
 
Một  buổi sáng Chúa Nhật nữa lại đến, tôi được cùng Cha sở, các Dì và vài bạn khác đến Giáo họ Tân Hóa dâng Thánh lễ ( Tân Hóa là một giáo họ nhỏ của Gx.Cây Rỏi ). Họ sống ở một miền quê xa xôi hẻo lánh, xa nhà thờ và không có đầy đủ điều kiện tham dự Thánh lễ hằng ngày như những giáo dân nơi khác. Cảm nhận thấy sự khát khao được lắng nghe Lời Chúa của họ, dù trời nắng nôi oi bức hay mưa to gió lớn, Cha sở đều đến dâng Thánh lễ, đem Lời Chúa đến với họ. Mỗi lần như thế, tôi cảm thấy được niềm vui và hạnh phúc nơi họ. Sự niềm nở, nhiệt tình đón tiếp và say sưa lắng nghe Lời Chúa không biết mệt mỏi của họ, khiến tôi chợt nghĩ đến những giáo dân sống gần nhà thờ. Họ có đủ điều kiện để tham dự Thánh lễ hằng ngày, vậy mà họ đâu biết trân trọng sự may mắn đó. Có người còn chẳng muốn đến nhà thờ ngay cả ngày Chúa Nhật! Sao Chúa không hoán đổi lại nhỉ? Tại sao không cho những giáo dân ở giáo họ Tân Hóa này được sống gần nhà thờ nhỉ, để được thỏa lòng khao khát Chúa? Sao Ngài lại để những kẻ lười biếng, ham tiền tài vật chất được sống gần Chúa như thế? Có lẽ đó là điều Chúa muốn. Chúa muốn những kẻ lười biếng, bê tha mau quay về với Chúa và thử thách lòng tin của những người yêu mến Ngài. Tình cờ tôi nghe được câu nói của một cụ già đã khiến tôi suy nghĩ:
-Sao mấy đứa nhỏ bây giờ ham chơi mà bỏ bê việc nhà Chúa, không còn hứng thú đi lễ nữa. Tụi nó thật đáng trách!
Tôi cũng vậy, có đôi lần tôi cũng lãng quên Chúa, không đọc kinh sớm tối mỗi ngày và cũng không làm chứng về Chúa trong cuộc sống. Thế nhưng, Chúa chẳng bỏ rơi tôi bao giờ mà vẫn luôn yêu mến, giữ gìn tôi trước mọi cám dỗ của đời. Cảm ơn Chúa đã mang đến cho con sự sống, mang đến cho con sự bình an, niềm hạnh phúc nơi Ngài.
Sau mỗi buổi lễ, mỗi khi tạm biệt mọi người, tôi luôn mong ước nhanh đến Chúa Nhật tiếp theo để đến Giáo họ Tân Hóa này hiệp dâng Thánh lễ với mọi người, cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc nơi họ.
 
 
MÙA HÈ TUYỆT VỜI NHẤT
Maria Huỳnh Thị Ngọc Bích ( Gx. Phú Hòa )
 
Mùa xuân đã mang những cánh én bay xa đến tận phương nào, nhường chỗ lại cho những ngày hè oi bức trú ngụ. Sân trường lại đầy tiếng ve ngân, những chùm phượng vĩ bắt đầu cháy đỏ trên những vòm trời xanh.
Vẫn như mọi năm, bạn nó đứa nào cũng vui mừng, thích thú vì được bố mẹ dẫn đi chơi hè. Riêng nó thì… chẳng được đi đâu vì nhà nó nghèo, bố thì mất, một mình mẹ nó phải nuôi nó ăn học.
Hôm nay, nó lang thang trên con đường làng dài và hẹp. Nó cảm thấy con đường rất lạ mặc dù ngày nào nó cũng đi qua. Nó thầm trách Chúa: “Sao Chúa lại làm cho cuộc đời nó buồn chán thế này nhỉ?”. Nó lấy một hơi dài, hít thật sâu rồi thở ra nhẹ nhàng. Nó cảm thấy tâm trạng của nó đã khá hơn. Rồi nó ngồi xuống tảng đá duới gốc cây ven đường.  Lòng nó vẫn còn chứa đựng một nỗi buồn man mác về một chuyện gì đó...
- Hù!
- Làm em giật cả mình!
- Sao ngồi thù lù ở đây vậy bé Ly? - Tôi hỏi nó.
- Chẳng có gì cả, buồn quá nên ngồi đây thôi. - Nó miễn cưỡng trả lời.
- Sao, có chuyện gì nói chị nghe coi!
Hình như nó không muốn kể nhưng vì thấy tôi cũng dễ tâm sự nên nó nói:
- Ừm… cũng được, để em kể cho chị nghe nha.
Sau từng giây từng phút tâm sự, nói chuyện cùng tôi, dường như nó cảm thấy vui và vơi đi bớt những nỗi buồn trong lòng hơn. Bỗng nhiên, tôi muốn làm một công việc gì đó để giúp cho bé Ly vui. Tôi liền hỏi em:
- Vậy bây giờ em có muốn đi tắm biển không?
- Em rất muốn, muốn lắm chị ạ! - Nó đáp lại bằng một nụ cười trong sáng trên khuôn mặt rạng rỡ của nó.
Tôi bảo nó chạy về nhà lấy đồ và xin phép mẹ đi.
- Gặp lại nhau ở đây nhé! - Tôi nói.
- Nhưng mình sẽ đi bằng gì? - Nó hỏi.
- Bây giờ chị sẽ về nhà lấy xe và chở em đi.
- Em cảm ơn chị nhiều lắm! - Nó nói như muốn khóc vì đây là lần đầu tiên nó được đi tắm biển.
Nói xong nó liền chạy vù về nhà và làm như lời tôi dặn. Tôi cũng chạy về lấy xe. Khoảng 10 phút sau chúng tôi có mặt ở chổ cũ. Tôi chở nó đi xuống biển… Khi tôi và nó tắm biển xong, tôi hỏi nó: “Em có muốn ăn gì không”. Nó đáp lại: “Dạ muốn ạ!”. Tôi lại chở nó đi mua đồ cho tôi và nó ăn. Ăn xong tôi chở nó về nhà. Trên đường về, nó ngồi trên xe và suy nghĩ lại những lời mà nó trách móc Chúa lúc nãy. Nó thầm xin lỗi Chúa về điều đó, và nó cảm ơn Chúa vì Người đã mang đến cho nó một người chị hàng xóm tốt bụng để cùng nó chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn. Và nó cũng cảm ơn Chúa đã ban cho nó một mùa hè tuyệt vời nhất. Bất chợt nó cất tiếng hát…
 
 
 TÂM TÌNH MÙA CHAY
Têrêxa Trần Thị Kim Duyên ( Gx. Châu Me )
 
Đã nhiều lần con nghe Chúa bảo: “Không có tình yêu nào cao quý bằng hiến mạng sống mình cho người mình yêu”. Cho tới giờ phút này con mới hiểu hơn câu nói ân tình ấy. Con đến ngắm nhìn Chúa chịu khổ đau vì tội lỗi của nhân loại. Đầu Chúa đội vòng gai, máu đào chảy xuống đôi mắt đỏ thẩm, đôi bàn tay chỉ dùng để chúc phúc và chữa biết bao bệnh tật bây giờ bị trói chặt. Chúa chỉ có một mình, những môn đệ đã từng thề nguyền thà chết cũng không bỏ Chúa bây giờ ở đâu? Lòng người đổi thay, mới ngày nào đây họ trải áo, trải cành lá trên đường cho Chúa đi, các môn đệ hãnh diện vì Chúa. Giờ đây thân thể người tiều tụy, không ai muốn nhìn tới nữa. Bao lằn roi cày sâu trên da thịt, toàn thân Chúa chỉ còn những vết thương, một thân thể bầm tím nát tan, sức nặng Thập Tự đang đè lên người Chúa.Vì yêu thương loài người, Ngôi Hai đã xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại tội lỗi, đã hy sinh hết mọi phần, để rồi đón nhận cái chết thảm sầu trên cây thập tự nơi Đồi Can-vê chiều ấy, mà không một lời oán trách.
Người đã dang tay ôm trọn lễ toàn thiêu, để dẫn dắt chúng con tới ngọn nguồn của sự sống. Tình Chúa yêu con cao cả biết bao! Mọi nẻo đường con đi Chúa điều quen thuộc, từng sợi tóc trên đầu con người cũng biết rõ, người biết con trước khi con hình thành trong dạ mẹ, xác định lúc con sinh ra và nơi con sẽ sống. Mọi ân huệ của con điều xuất phát từ tay Chúa. Nhưng có thật con đã yêu Chúa, hay trong tim con chỉ có hình bóng thế gian? Khi buồn con nghĩ tới Chúa, khi vui con quên cả câu cảm tạ. Những giận hờn trẻ con, khi bị tổn thương con lại dành cho Chúa, để rồi đánh mất niềm tin nơi Người. Nhưng Chúa vẫn điềm đạm nhìn con, yêu thương con. Chúa đối với con không phải là một kẻ xa lạ, vì tình yêu Chúa đã nối kết con với Chúa.
Chúa biết rằng dòng đời luôn xô đẩy chúng con bằng biết bao nhiêu cám dỗ, khốn khó nguy nan. Chúa cũng biết rằng phận người chúng con quá mong manh yếu đuối. Xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng con can trường vững bước trên những thử thách gian nguy, biết chia sẻ biết cho đi như Chúa, biết đối diện với những nhọc nhằn đau khổ, và biết mĩm cười khi con gặp phải đắng cay.
Lạy Chúa, xin nâng đỡ con để mỗi bước đường con đi đều có sự hiện diện của Chúa. Cho con biết đặt ra câu hỏi với chính mình: “Vị trí của Thiên Chúa trong cuộc đời con là ở đâu?”. Xin cho con biết dành nhiều thời gian để nói chuyện với Người, bởi con biết rằng Người luôn lắng nghe tiếng con, và con thì không lúc nào thôi không cần đến Chúa.
           
 
NẾU ĐÃ MỘT LẦN TIN XIN ĐỪNG QUÊN!
Anna Trần Phương Sanh ( Gx. Vườn Vông )


       Hôm nay với nó là một ngày quan trọng. Nó lên xe ngồi đợi chừng mười phút thì xe lăn bánh. Xe cứ bon bon theo con đường quen thuộc, những cảnh trí đến và rồi lại vụt qua trong chốc lát. Bốn tiếng đồng hồ trôi qua, xe vẫn chạy, trong khi nó và hành khách trên xe đã ngủ. Có tiếng điện thoại reo, đầu dây bên kia hỏi:
        - Con hỏi bác tài xem còn bao lâu nữa thì đến Phan Rang để cậu biết mà đón.
        - Dạ khoảng hơn một tiếng nữa cậu! - Nó rụt rè nói.
       Thế là chỉ còn hơn một giờ đồng hồ nữa nó sẽ đến một nơi nó chưa từng đến. Lòng nó chợt lo lắng. Nó nghĩ rồi đây mình sẽ được lên sống ở thành thị, nghĩ về những con đường đầy xe, những hàng cây xanh bên đường như trong vô tuyến nó từng thấy… Tất cả hiện lên trong đầu nó về một kỳ nghỉ hè ở thành thị với những kỉ niệm vui, và những người bạn mới. Nhưng điều đó lại vụt tắt như ánh lửa que diêm khi nó nghĩ về cậu. Nó thấy cậu khó tính, hay cáu gắt mỗi lần về quê. Nó băn khoăn mãi, cuối cùng thì nó tự trấn an mình bằng một tiếng thở dài…

   *  *  *
         Trời chưa sáng nó đã thức dậy. Nhìn đồng hồ đã 5h sáng, nó bắt đầu đi ra khỏi cửa, nhìn xung quanh, nơi nó đang đứng là trên lầu. Nó đến gần cái giá sách, ở đó có thật nhiều loại sách, chúng được xếp rất gọn gàng. Cả cái tủ cũng rất mới lạ, có lẽ là đồ đắt tiền. Còn có cả máy may, tủ thuốc, bàn máy tính, bàn điện thoại và rất nhiều ảnh được treo trên tường. Nó càng ngạc nhiên hơn khi thấy bàn thờ Chúa sau bức rèm với hoa văn rất sang trọng. Nó chợt nhớ đến một điều ông ngoại khi còn sống vẫn nói: ''Có những người vì mục đích sinh tồn mà che giấu điều thiêng liêng nhất mà họ tôn thờ''. Cũng dễ hiểu thôi, khi sống trong thời buổi này, thì những người theo đạo Thiên Chúa gần như là không thể làm ông to bà lớn được. Cậu nó đang là hiệu trưởng trường chuyên Lê Quý Đôn làm sao có thể công khai là mình có đạo được… Nó lặng lẽ rời khỏi chỗ đó ra lan can nhìn xuống đường sá đầy những xe và bụi. Nó nhìn xung quanh, nó muốn có được cái cảm giác đi dạo dưới bóng cây. Nó chợt nghĩ, ở đây nhiều người qua lại nhưng chẳng ai nói với ai một câu nào, ở đây có lẽ cũng chỉ vài người có đạo… Nó nghĩ thế và chợt buồn...
Nó nghe mẹ nói chuyện với cậu, mẹ nó sẽ về còn nó sẽ ở lại nhà cậu để cậu rèn cho nó học tốt các môn ban tự nhiên. Nó nghe vậy cũng không lấy làm vui, vì nó ở đây đã mấy ngày rồi mà cuộc sống nơi này không như nó nghĩ, buồn tẻ và nhạt nhẽo hơn hẳn ở quê. Tự nhiên nó thấy nhớ nhà, nhớ em, nhớ lũ bạn, nhớ tất cả những gì ở quê, nỗi nhớ da diết làm nó muốn theo mẹ đi về. Nhưng nó đủ lý trí để cân nhắc hai chuyện: nỗi nhớ hiện tại và tương lai của nó, và nó đã chọn việc học là quan trọng.
Ngày này sang ngày khác, công việc và cuộc sống cứ diễn ra giống nhau y hệt, nó cảm thấy nản lòng. Đúng như nó nghĩ, cậu mợ rất khó tính, chị gái thì khó gần gũi, hàng xóm thì không quen, thầy cô mới thì lạ, bạn mới cũng nói chuyện khách sáo qua loa, nó chỉ có con Bin là bạn. Đó là chú chó nhỏ trong nhà cậu. Nói có vẻ như chuyện cổ tích, nhưng thật sự mỗi lúc buồn, nó chỉ biết chạy ra vuốt ve Bin rồi khóc một mình. Có lẽ vì sống trong ngôi nhà không phải là nhà của mình nên nó ngày càng ít nói, cứ vâng vâng dạ dạ theo lời cậu mợ sai bảo, và nó đã sống như thế hơn một tháng. Nếu như nói theo kiểu của giới trẻ bây giờ, có lẽ nó bị “tự kỉ” mất rồi! Nó bây giờ như con chiên lạc. Ngốc thật! Nó lại quên là luôn có Chúa bên cạnh, Ngài sẽ an ủi vỗ về nó những khi nó buồn khổ.
Hôm đó là ngày rằm, mợ dẫn nó đi cho biết chợ thành thị. Nó đi nhưng chẳng thấy vui vẻ, chẳng thoải mái như khi nó đi chợ lúc còn ở nhà. Mợ cứ than cậu khó chịu, keo kiệt, không đưa cho mợ thêm tiền, lại còn nói này nói kia. Nó cố dạ vâng cho qua rồi bỏ ngoài tai, vì nó quá chán và đã thuộc lòng hết những gì mợ nói. Đi chợ về mợ bảo nó đem hoa lên cắm trên bàn thờ, rồi còn dặn bàn thờ Chúa không cần hoa tươi vì đã có hoa giả rồi, nên chỉ cần lau sạch bụi là được. Nó thấy bực bội vì những lời của mợ, nó chẳng hiểu nổi mợ là kiểu người nào nữa. Ngày thường ở nhà nó, cứ vài ba bữa mẹ lại thay hoa tươi mới, vậy mà đằng này mợ lâu lâu mới mua hoa nhưng một bông hoa dành cho Chúa cũng không! Nó rất bực và quyết định làm theo ý mình. Nó lấy một cành hoa cúc vàng và vài cây liễu cắm vào cái bình nhỏ nhắn dễ thương, đặt lên bên tượng Chúa, còn lại nó cho vào bình lớn đặt lên bàn thờ ông bà. Nó hài lòng với những gì mình làm, dù nó biết điều đó làm mợ không thích.
- Mợ nói gì con không nghe sao? Lấy ngay hoa trên bàn thờ Chúa xuống, trên đó có hoa giả là được rồi! -_Bà mợ nhìn nó với vẻ mặt nhăn nhó, sừng sộ.
- Nhưng … ở nhà con vẫn làm thế mà mợ, không sao đâu mợ!
- Lại còn nói thế được à! Ở ngoài đó là nhà cô còn trong đây là nhà tui, cô đã đến ăn nhờ ở đậu rồi mà còn muốn làm bà nội người ta sao!?
Nó cảm thấy bị sỉ nhục ghê gớm. Nó tức, câu nói không thốt nên lời cứ chận đứng ngang cổ. Cái nghèo nó khốn nạn đến độ phải bị sỉ vả như thế sao? Nó cố giấu nỗi đau, gom uất hận trong giọt nước mắt đã khô. Nó không trả lời lại mợ, quay vào lấy bông hoa duy nhất trên bàn thờ Chúa bỏ qua bên bàn thờ ông bà. Hoàn thành nhiệm vụ bất khả kháng đó, nó bỏ đi ra nhà sau một mình. Chẳng lầm bầm, chẳng khóc, chẳng nguyền rủa ai, nó chỉ buồn thay cho bản thân và bổn đạo. Sao người ta lại ích kỷ như thế chứ? Chỉ là một bông hoa thôi mà, đâu có gì to tát đâu? Đạo mình có gì không tốt mà mợ lại ghét thế? Nếu đã không thích sao còn để bàn thờ?
Bữa cơm hôm đó nó chỉ ăn một chén, chờ cả nhà ăn xong rồi nó rửa chén. Và không như mọi ngày ngồi lại xem tivi, nó lên buồng trên gác và ngồi một mình. Cậu đến đứng trước cửa khi nào nó không hay, cậu hỏi nó:
        - Sao hôm nay cậu thấy con khác thường lắm, có chuyện gì hay sao vậy? Mợ hay chị có nói gì con thì con cũng đừng để ý. Nếu con cần mua gì thì cứ nói cậu, đừng hỏi mợ nghe chưa!
- Dạ con không sao, con cũng không có cần gì đâu, cậu đừng lo!
- Ừ! Vậy thôi con nghỉ trưa rồi chiều đi học!
- À.. cậu cho con hỏi chút nha cậu. Mà… cậu đừng có la con.
- Con nói đi.
- Cậu, cậu có theo đạo hở cậu? Con thấy nhà trên có bàn thờ, nhưng mà con không thấy cậu đi lễ, sao vậy cậu? Con chỉ tò mò chút thôi, cậu đừng có la con.
- Ừ, cậu có đạo, nhưng cậu chỉ thờ trong lòng thôi không thể cho ai biết được, vì nếu họ biết cậu sẽ không còn giữ được vị trí trong nhà trường như bây giờ đâu con à!
- Cậu! Thế còn mợ ạ?
- Không, mợ con không biết gì về đạo cả. Nhưng con không dược hỏi mợ điều này, mợ không thích đâu, nghe chưa?
- Vâng ạ!
Sau lần đó, nó đã hiểu vì sao hôm bữa mợ tức giận với nó như vậy. Nhưng nó vẫn cảm thấy tự ti với tất cả vì nó nghèo, nghèo đến nỗi người ta khinh khi. Nó lại buồn hơn khi nghĩ rằng một ngày nào đó vì cuộc sống xô bồ, bon chen với đời mà cậu lãng quên Chúa, Đức Tin không được nuôi dưỡng sẽ chết lần chết mòn. Nó không biết nên làm thế nào bây giờ ngoài việc cầu nguyện cùng Chúa. Nó cầu nguyện và dâng moi việc vào tay Chúa, nguyện xin cho cậu nó được lòng yêu Chúa sâu sắc, vững tâm trong cuộc đời đầy cám dỗ.
*  *  *
Một ngày mới lại đến với nó, nó không buồn cũng chẳng vui vì ngày nào cũng diễn ra như vậy. Nó thấy hôm nay cậu không đến trường. Nó vào chế trà, hơi nước nóng hòa quyện siết chặt mùi hương dịu nhẹ của sen. Nó bưng trà lên mời cậu. Nó vẫn sợ mà chẳng biết là sợ cái gì, có lẽ vì mợ vẫn thường bảo ''cậu mày khó tinh lắm'' nên nỗi sợ cách vô cớ đó đã lây sang nó cũng nên. Cậu rủ nó đi mua cá màu về nuôi vì lũ cá trong hồ đã chết hết rồi. Nghe cậu nói như vậy nó chợt nghĩ: Có khi nào đức tin vào Thiên Chúa của cậu cũng chết lần chết mòn vì thiếu lắng nghe lời Chúa, thiếu cầu nguyện, và quên sự hiện diện của Người, như lũ cá kia chết vì thiếu oxi.
Lúc đi ngang qua nhà thờ cậu bỗng dừng xe lại và nhìn vào trong đó. Cậu nói: ''Mỗi khi đến ngày lễ trọng cậu đều cố tình đi qua đây, rồi ghé lại bên gần cổng và nhớ đến những ngày nhỏ còn đi lễ. Nhưng cậu không vào vì như thế có người sẽ nhìn thấy và sự nghiệp của cậu sẽ mất hết con à!''
Nó cũng chỉ còn biết an ủi cậu: ''Không sao đâu cậu, miễn là trong lòng cậu vẫn nhớ đến Chúa, kính sợ Người, lắng nghe tiếng lương tâm mình...''
Nó cảm thấy thật buồn, buồn vì tạo vật cũng chỉ là tạo vật! Con người vẫn yếu đuối, vẫn dấn chân vào cuộc hành trình tìm kiếm vinh hoa, dù biết còn có những cám dỗ khó vượt qua. Nó lại buồn vì chẳng  làm gì được cho cậu. Nó chỉ xin một lần trong đời được tin vào Chúa và, mãi mãi như thế vẫn hi vọng vào Người.
Kỳ nghỉ hè đó với nó giống như là một trải nghiệm mới. Nó biết thế nào là cuộc sống thành thị, thế nào là nỗi đau khi bị sỉ vả, biết thế nào là nỗi lòng người xa Chúa. Và nó tự nhủ, nó sẽ không bao giờ bước chân vào căn nhà đó một lần nào nữa. Như thế là quá đủ với cuộc hành trình “hai tháng mười ba ngày năm giờ”.
 
 
 CÀNH HỒNG TRÊN ĐỒI TUYẾT
Phanxica Thảo Ngọc ( Gx. Bàu Gốc )
 
“ Cuộc đời bao la thì con đừng bao giờ xây đắp cho riêng tư, nhưng hãy miệt mài đi mãi. Cuộc đời phức tạp, con hãy giữ trái tim đơn sơ. Cuộc đời ngổn ngang, con hãy sống trong sự thật. Cuộc đời đầy bóng tối, con hãy thắp lên một que diêm”.
 
Tiếng chuông nhà thờ ngân vang như hồi trống thúc giục cõi lòng ta. Tiếng chuông làm lòng hắn ấm áp một nỗi niềm kỳ lạ. Vắng tiếng chuông, tâm hồn hắn như mất đi khúc nhạc giao hưởng. Khi thấy những nốt son trên khúc nhạc bị tắt lịm, bắt buộc người yêu thích tiếng đàn phải đi sơn, đi sửa cho nó sống lại. Và đây tiếng réo gọi của hồi chuông lại đẩy hắn vào con đường với chung quanh là một màu xám xịt. Vì sao lại thế? Sống trên đời có rất nhiều trái ngang đến với mỗi chúng ta, chỉ vì muốn nối lại dây chuông nhà thờ mà hắn bị nghi cho cái tội trộm cắp, thế là chốn lao tù đón bước chân hắn. Hắn cầu nguyện, cứ thế mãi cầu nguyện. Hắn nguyện cầu cùng trời cao, cho những việc hắn làm đều vừa lòng Chúa. Hắn nghĩ, mọi người không thấu hiểu lòng hắn thì ắt hẳn vẫn có một người thấu suốt tâm can hắn, và đó là Thiên Chúa.
Ngày ra tù, có thể nói hắn là người thật hạnh phúc, vì hắn biết Chúa đã nhậm lời hắn, đã nhìn thấy tấm chân tình của hắn. Nhưng dòng thời gian đưa đẩy, một lần nữa nơi lao tù tăm tối lại trở thành ngôi nhà của người khách trú ngụ. “Tại sao Chúa lại đối xử với con như thế!”, đó là câu nói mà suốt quãng thời gian sống trong tù hắn đã than thở. Thế nhưng đâu ai biết, mà chính lòng hắn cũng không biết được, Chúa đang gieo trồng để hắn thành loài hoa hồng trên đồi tuyết. Tại sao giữa bão tuyết mọi cỏ cây hoa lá đều chết rụi, riêng có cành hồng đỏ tươi lại vươn lên? Cuộc đời hắn khép lại với bức tranh trên đồi tuyết, chỉ riêng hắn vẫn đứng, hắn đã đem hương thơm và vẻ đẹp tô điểm cho đời. Có lẽ giờ này hắn đang mỉm cười hạnh phúc trên Thiên Đường.
Bạn ơi, sống trên đời nhiều gian truân và lắm đắng cay, nhưng bạn hãy sống thật với lòng mình. Hãy mang lại nụ cười cho mọi người khi bạn có mặt trên cõi đời này, và hãy là giọt nước mắt để lại khi bạn đã ra đi về nơi vĩnh hằng. Hình ảnh người nối sợi dây chuông kia có lẽ bạn sẽ thấy trong cuộc đời bạn, và ngay chính bạn có lúc phải trải qua. Sợi dây đứt đi ngăn cách bạn với tiếng chuông ngân nga nơi thánh đường, sẽ làm bạn rơi vào những quyến rũ chốn dương thế. Nhưng Chúa vẫn luôn bên bạn, ban cho bạn sức mạnh, ý chí, nghị lực để bạn quyết tâm nối lại sợi dây. Cũng có lúc bạn sẽ thấy thất vọng, bạn sẽ muốn buông xuôi, bạn sẽ đắn đo suy nghĩ. Rồi có lúc bạn trách Chúa, vì bạn đã theo Chúa rồi tại sao Chúa lại còn đối xử với bạn như thế. Những gì bạn muốn đi theo đang đe dọa chính tương lai của bạn. Bạn sẽ phải hi sinh tiền tài, danh vọng để có được hạnh phúc đích thực. Cuộc đời là những lựa chọn, lựa chọn nào cũng bao hàm sự tự bỏ, hãy lựa chọn sao cho đời bạn hạnh phúc. Dù đời đối xử với bạn thế nào, bạn vẫn hãy nối sợi dây đó lại nhé. Hãy để tiếng chuông thức tỉnh tâm hồn bạn, hãy để nó là tiếng nhạc đánh thức một ngày mới sống ý nghĩa, sống gần Chúa cho cuộc đời của bạn. Bạn nhé!
 
 
CUỘC SỐNG Ở ĐỜI SAU
Anê Nguyễn Thị Son ( Gx. Phú Hòa )
 
Hôm nay là ngày thứ ba liên tiếp nó đi học trễ kể từ sau ngày ông nội nó mất. Trông nó hôm nay đã có phần tươi tỉnh và bớt đau buồn hơn những ngày trước. Nó là một đứa con gái dễ thương và tính tình rất hiền lành. Tuổi thơ của nó mang đầy những đau thương và khổ cực. Nó sinh ra trong một gia đình có bố làm thợ hồ và mẹ làm nông. Kinh tế gia đình tuy không khá giả, nhưng cả gia đình vẫn sống vui vẻ hạnh phúc với những bữa cơm đạm bạc hằng ngày…
Rồi một biến cố đã xảy ra với gia đình nó. Bố nó bị tai nạn lao động và qua đời. Mẹ nó không bao lâu sau cũng đi theo một người đàn ông khác, để lại nó và một đứa em gái năm tuổi cho ông bà nội chăm sóc. Nhà chỉ có một mảnh vườn nhỏ, ông bà trồng rau để đem bán lấy tiền. Cuộc sống gia đình tuy có vất vả nhưng trong nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Nhìn hai đứa cháu gái dễ thương, ngoan hiền của mình, ông bà không quản cực nhọc, hằng ngày cố gắng dậy sớm hái rau đem lên chợ bán, mua đồ ăn sáng về cho nó kịp ăn rồi đi học. Những lúc rảnh rỗi nó cùng ông bà nội chăm sóc vườn rau, để có mà bán lấy tiền trang trải cho cuộc sống gia đình.
Một tuần trước, ông nội của nó bỗng nhiên bị đột quỵ và qua đời, bỏ lại người vợ già và hai đứa cháu thơ dại của mình. Cuộc đời của nó đã sớm xa rời bố mẹ, nên ông bà nội và em gái là những người quan trọng nhất mà nó không hề muốn sống xa cách một chút nào. Nó không muốn ông bà và em gái của nó lại bỏ nó mà đi như bố mẹ nữa. Nhưng con người làm sao tránh được những quy luật sinh-lão-bệnh-tử. Ngày ông nội mất, nó giống như một đứa trẻ bị phát điên vì đau xót, cứ gào thét trong nước mắt không thôi, đôi mắt cũng sưng vù lên vì khóc quá nhiều. Nó than trong nức nở: “Tại sao thế nội? Tại sao nội lại bỏ con mà đi sớm vậy?  Nội hãy nói cho con biết đi, ai đã bắt nội phải lìa xa con mà ra đi vậy nội? Nội hãy nói cho con biết đi! Nội ơi!... Ông nội ơi!...”
Đã có nhiều lúc nó ngất đi rồi tỉnh lại. Những người lớn khuyên nó đi nghỉ nhưng nó không chịu, nó vẫn muốn ngồi đấy và nhìn ông nội của mình. Bỗng dưng nó quay sang bàn thờ và la lớn: “Tại Chúa! Chính Chúa đã bắt nội con phải bỏ con lại mà đi! Tại sao gia đình con đang sống vui vẻ mà Chúa lại gọi ông nội con đi? Tại sao vậy Chúa ơi! Con hận Chúa! Con hận Chúa suốt đời!...”. Nhiều người cố gắng an ủi nó, bảo nó đừng nói những câu như thế nữa, nhưng trong lòng nó lúc này đang quá đau đớn, ai nói cũng vô ích cả thôi.
Hôm người ta đưa ông nội nó đến nhà thờ để cử hành Thánh lễ an táng, đôi mắt đỏ hoe của nó cứ nhìn mãi vào bức ảnh của ông nội không thôi. Có lẽ tại nó đã khóc cạn hết nước mắt nên nó không khóc nữa. Tối hôm đó và mấy tối hôm sau, người ta đến nhà cầu lễ cho ông nội của nó, nó cứ lặng thinh. Nó muốn mở miệng đọc kinh nhưng cảm thấy cổ họng cứ nghẹn ứ phát không thành tiếng. Những anh chị Giáo lý viên đến an ủi và khuyên nó đừng giận Chúa nữa. Ban đầu nó không nghe, nhưng vì nó là đứa giữ đạo sốt sắng, siêng năng học giáo lý nên nó cũng đã hiểu được rằng: Cuộc sống ở đời này chỉ là cuộc sống tạm thời mà thôi, cuộc sống đời sau mới là mãi mãi, và Chúa gọi ai về chính là Chúa thương người ấy. Ông nội nó đi về với Chúa là do Chúa thương, Chúa muốn ông nội nó bước qua cửa tử để được tái sinh và thoát khỏi cuộc sống trần thế với bao suy nghĩ, lo toan về cơm-áo-gạo-tiền… Lúc này nó cảm thấy hối hận về những lời nói đã xúc phạm đến Chúa. Nó rất muốn nói với Chúa một lời cảm ơn và một lời xin lỗi từ tận đáy lòng của nó mà nó chưa nói ra được.
Mấy hôm sau, nó đến nhà thờ dự Thánh lễ Chúa Nhật và học giáo lý. Nó cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm, cảm thấy yêu quý ngôi nhà thờ này và Thiên Chúa vô cùng. Nó thầm mừng thay cho ông nội vì ông đã được Chúa thương gọi về cùng Ngài. Nghĩ vậy, trong lòng nó bất chợt dâng lên một niềm vui khó nói nên lời…
 
 
LỜI NGUYỆN CẦU KHÔNG BAO GIỜ LÀ MUỘN
Maria Thân Thị Hồng Kiều ( Gx. Cây Rỏi )
 
Cuộc điện thoại như một nhát dao đâm thấu vào tim nó. Nó dường như ngã quỵ nếu người bạn chờ xe buýt đứng bên cạnh không kịp đỡ, đôi chân nó không còn tự đứng vững được nữa, tai nó ù lên, đôi mắt nhòe đi. Chẳng hiểu sao lúc đó nó chẳng thốt lên được lời nào, sự bất ngờ làm nó như đông cứng. Người bạn liên tục hỏi han, nhưng trong đầu nó chỉ vang lên tiếng gào khóc của mẹ: “Ba con bị tai nạn nguy kịch rồi An ơi!”.
“ Hạnh phúc! Nhiều người vẫn cố gắng cả đời, nỗ lực hết sức để đi tìm cho mình hạnh phúc. Dẫu là người nghèo hèn, túng quẫn hay là kẻ giàu sang phú quý, tất cả đều chung một mục đích duy nhất của cuộc đời. Nhưng họ đâu biết rằng hạnh phúc luôn chỉ ở một nơi đợi họ, nơi thân thương và an toàn nhất chính là gia đình”. Đó là điều ba đã luôn nhắc nhở chúng nó. Nhưng có lẽ cuộc sống xô bồ kia đã cuốn những lời ấy đi mất rồi. Để giờ đây khi chúng nó đã trưởng thành, mỗi đứa chọn cho mình một phương trời, với ước mơ và hoài bão của riêng mình. Việc xa gia đình, xa quê hương được chấp nhận như một điều hiển nhiên.
Đã hai năm có lẻ, nó chưa về thăm ba mẹ. Những chuyến công tác, những kế hoạch làm nó lu bu suốt năm. Để rồi bù đắp vào đó, nó tự cho mình được hưởng sự sung sướng vào những chuyến du lịch cùng bạn bè khi kỳ nghỉ đến… Đã hai năm có lẻ, nó chỉ biết gửi tiền về cho ba mẹ sau khi đã ổn định công việc. Và những cuộc gọi chỉ để hỏi thăm ba mẹ đã nhận tiền chưa… Đã hai năm có lẻ, nó cố gắng quên đi mối tình đầu nơi quê nhà bằng cách ở lì trong thành phố này. Cho dù đôi lúc giữa cuộc sống này, lòng nó quặn thắt lại vì nỗi nhớ nhà, nhớ một điều gì đó ấm áp mơ hồ khi ngậm muổng cơm hộp khô khốc trong miệng.
Đã hơn hai năm trôi qua…
Bước vào gian phòng cấp cứu, mùi thuốc sát trùng nồng nặc càng làm nó thêm căng thẳng. Ba nằm trên chiếc giường nơi góc phòng, dây nhợ dày đặc trên tay, cả người trắng toát những miếng băng. Nó khẽ gọi: “Ba ơi, con về rồi nè!”. Dòng nước mắt tuôn trào khi người nằm đó vẫn bất động. Anh Hai kéo tay nó ra hành lang, anh bảo: “Ba đã qua cơn nguy kịch, nhưng bác sĩ bảo sẽ có những biến chứng vì bị va chạm quá mạnh ở đầu. Em đừng như thế, mẹ sẽ không chịu đựng được đâu!”. “Anh, biến chứng gì hả anh? Có phải ba sẽ hôn mê mãi mãi không?- Nó hỏi trong hai hàng nước mắt. “Bác sỉ bảo có thể ba sẽ bị mất trí, cũng có thể sẽ bị hôn mê”, anh nó trả lời nó một cách chậm chạp.
Nó đếm từng ngày trôi qua, nhưng một tuần rồi ba vẫn nằm im bất động, dẫu cho nó có kể chuyện, có huyên thuyên với ba thế nào cũng không có bất kì tín hiệu gì. Ngồi trong khuôn viên bệnh viện, nó nghẹn ngào khi nhìn thấy một người đàn ông đang cõng một cô bé trên lưng, chân cô bé bị bó bột, có lẽ là đã bị gãy chân. Kỉ niệm ngày xưa ùa về… Nó đã từng là cô bé đó, và ba cũng đã từng cõng nó trên lưng như vậy. Những ngày tháng đó, sau giờ làm đồng vất vả, tranh thủ làm từ sáng sớm để buổi chiều về sớm, ba lại là đôi chân cho nó. Ba cõng nó ra bãi cỏ nơi bờ đê, dạo quanh một vòng rồi nhìn chúng bạn chơi đùa. Ba sợ nó không đi được, cả ngày ngồi ở nhà sẽ buồn chán mà sinh thêm bệnh. Ngày đó thật hạnh phúc biết bao!
Mẹ ngồi xuống bên nó, đôi mắt mẹ chợt sáng khi nhìn hình ảnh mà nó đang chăm chú dõi theo. Mẹ bảo: “Con có biết ngày đó ba con rất vui vì mỗi ngày cõng con thêm nặng không? Bởi vì ba biết con khỏe mạnh và vui vẻ, cho dù lưng ba có đau khi tối về”. Đôi mắt đỏ hoe, nó ậm ừ: “Con không biết nhưng con có thể cảm nhận được tình yêu của ba”. Mẹ mở một chiếc hộp, bên trong là những tờ bạc chẵn được xếp thẳng, mẹ nhìn nó rồi nói: “Số tiền này là số tiền con gửi về hằng tháng, ba mẹ định để dành giúp con để khi con có gia đình thì có chút ít tài sản. Ba mẹ làm cả đời chỉ đủ nuôi các con, chẳng thể dư dã nhiều mà cho con cái như người ta. Nhưng nay ba con bị thế này, tiền tiết kiệm cũng đã hết, mẹ định bàn với con tạm thời dùng số tiền này đóng viện phí cho ba có được không?” - “Mẹ, tại sao lại nhiều thế này? Số tiền này là tiền con gửi về phụ giúp ba mẹ mà, sao ba mẹ không dùng? Ba mẹ đã vất vả bao nhiêu tháng ngày nuôi chúng con, con chỉ muốn gửi một ít để phụ ba mẹ trong sinh hoạt hằng ngày thôi mà”. Nó thật bất ngờ biết bao khi nhìn thấy số tiền đó. - “Sao ba mẹ có thể dùng số tiền này cho đành lòng. Con vất vả đi làm, đến nỗi không có thời gian nghỉ ngơi, tết cũng chẳng thể về nhà, ba mẹ đã không thể cho con nhiều thì sao có thể lấy của con”. Câu trả lời của mẹ làm nó thấy hổ thẹn trong lòng, nó đã quá ích kỷ rồi. Bao lâu nay nó cứ nghĩ rằng việc gửi tiền về như vậy là nó đã hiếu thảo với ba mẹ rồi, nào ngờ chỉ làm ba mẹ thêm lo lắng cho nó mà thôi. “Mẹ à, không là tiền của con hay tiền của ba mẹ gì cả. Bao  nhiêu đây thì bằng được mấy phần tiền của, sức lực ba mẹ đã nuôi chúng con. Chúng ta sẽ cùng nhau lo cho ba mà, mẹ đừng lo lắng nữa nha!”.
Bước những bước chân nhẹ nhàng vào nhà thờ, nó như sợ ai đó sẽ phát hiện ra. Niềm tin của nó đang bị lung lay, sự chờ đợi việc hồi phục của ba dường như vô vọng. Một thoáng nó tự hỏi mình có thể trông cậy nơi Người được nữa không. Đã bao năm nó bỏ quên mất lời cầu nguyện, liệu bây giờ có còn kịp để cầu xin Người? Nhưng rồi nó gạt ngay dòng suy nghĩ đó, đây là nơi duy nhất, nơi nó có thể gửi niềm tin chính là chạy đến cùng Thiên Chúa. Nó đặt bó huệ trắng tựa theo vách, quỳ xuống băng ghế và bắt đầu nguyện xin Người. Nó xin lỗi Chúa vì sự yếu đuối của mình, xin Người thứ tha tội lỗi. Những dòng kỷ niệm ùa về bên nó. Nó nhớ một cô bé đã ngồi cười khúc khích khi gửi lời: “Chúc Chúa ngủ ngon nha!”. Nó nhớ một cô bé từng trốn giờ lễ đi hái hoa bị ba đánh đòn. Nó nhớ về ngày đó sống trong sự chăm sóc của gia đình. Nó xin Chúa cho nó có thể có được niềm hạnh phúc ấy lần nữa, nó sẽ không trốn chạy đến nơi xa xôi kia nữa. “Lời nguyện cầu không bao giờ là muộn”, nó đã từng đọc ở đâu đó dòng chữ đó. Và nó tin như vậy, niềm tin của một người con Thiên Chúa.
Sức khỏe ba cũng dần hồi phục, khi những vết thương bắt đầu khép và liền da. Niềm vui đến với gia đình nó, ba đã tỉnh lại. Chỉ có một biến chứng nhỏ là tạm thời ba không thể nói chuyện được, nhưng đó chỉ là tạm thời, việc trị liệu sẽ giúp ba hồi phục lại. Nó vui vẻ, tíu tít cười nói khi bác sĩ cho ba xuất viện. Trên đường về nhà nó quay sang ôm chầm lấy ba và nũng nịu: “Ba tạm thời không nói chuyện được thì con sẽ kể chuyện cho ba nghe nha!”. Cả nhà cười vang vì thấy nó trở nên trẻ con một cách đột xuất. Anh trai nó liếc xéo nó một cái rồi bảo: “Thôi cô ba ơi, ba đã mệt mà em còn kể chuyện huyên thuyên cả ngày, chắc ba sẽ đuổi em lên lại thành phố vì không chịu được ồn đó”. Lại thêm một trận cười vang nữa cho cả nhà. Nó thinh lặng nhìn qua cửa kính của xe, ẩn hiện một nụ cười. Không biết đó là nụ cười mãn nguyện của chính nó hay là nụ cười nhân từ của Thiên Chúa. Nó thầm cảm ơn Người vì hồng ân đã ban cho gia đình nhỏ của nó.
 
 
KHÓC!
Anê Phạm Thị Ái Vy ( Gx. Châu Ổ )
 
Bi-rain…! Bi-rain…! Bi-rain…!
        Những fan cuồng nhiệt tranh nhau hét vang ầm ĩ cả một khoảng không gian. Họ không ngừng vận động toàn thân trong đủ mọi tư thế nhằm thể hiện lòng hâm mộ chàng ca sĩ xứ Hàn. Những cánh tay đang với cao, ước ao được chàng ghé mắt, quét phớt ánh nhìn đáp trả.  Nhưng đáng tiếc, cố gấng ấy lại bị mấy tên vệ sĩ lạnh lùng kết hàng rào làm vô hiệu hóa. Không được thỏa mãn nhu cầu, họ cứ thế òa lên khóc bù lu bù loa như những đứa bé khóc đòi mẹ. Họ là ai? Không ai khác ngoài những bạn trẻ cùng trang lứa với tôi. Cảnh tượng lao nhao ấy đã lặng lẽ chui vào trong ngăn dĩ vãng của trí óc tôi từ lâu lắm rồi, không vướng lại một chút bâng khuâng!
        Bất chợt khi bắt gặp những dòng nước mắt rơi ướt chân Đức Giêsu của người phụ nữ trong đoạn Tin Mừng hôm nay, thì hình ảnh những đôi mắt ướt sũng của các bạn ấy lại tuôn ùa ra mọi ngõ ngách tâm trí tôi. Tôi trầm ngâm. Tôi băn khoăn. Tôi trăn trở… Nguyên nhân làm các bạn ấy khóc là gì?  Vì không được nắm tay thần tượng ư? Thật vớ vẩn và điên rồ! Khóc là một phản ứng vô cùng thiêng liêng mà Chúa tạo ra nơi con người. Nó là biểu hiện của nhiều trạng thái tâm lí khác nhau: xúc động, đau khổ, hạnh phúc... Nó làm dịu lắng những buồn đau, tan biến căng thẳng và vỡ òa hạnh phúc. Lẽ nào các bạn khóc vì sự đau khổ?  Nhưng có gì đáng đau khổ trong hoàn cảnh ấy đâu chứ! Những giọt nước mắt ấy sao mà chưng hững, lãng xẹt quá!
        Người phụ nữ ấy đã khóc lóc thống thiết, những giọt nước mắt tận đáy lòng bà đã tuôn cạn đến độ rửa sạch chân Người. Bà khóc vì đâu? Vì sự ray rứt trước tội lỗi mình phạm phải. Vì sự ăn năn thống hối muốn được gột rửa sạch những lỗi lầm. Vì sự đau đớn trong tâm hồn mà bà muốn được thoát bỏ để tìm về chốn bình an. Giọt nước mắt của bà chảy ra thật chính đáng!
         Bạn ơi! Phải biết quý trọng và chắt chiu từng giọt nước mắt Chúa ban tặng. Đừng là “nước mắt cá sấu”. Đừng phản cảm quá độ khiến Người phải đổ dòng lệ máu vì bạn.
         Bạn ơi! Phải biết trân trọng và tận dụng những gì quý giá mà bạn đang có. Đặc biệt là tình yêu vô biên Chuá dành cho bạn.
         Thay vì xô bồ cuốn theo những điều vô nghĩa, hay chạy đua với những trào lưu thần tượng, đắm chìm trong sự hưởng thụ xa hoa, phù phiếm… Bạn hãy quay về và chạy đến với Chúa, lấy những giọt nước mắt chân thành để xoa dịu nỗi buồn đau của Người khi phải chứng kiến sự lạc lối của bạn. Bạn hãy hướng tâm hồn mình chạm vào trái tim Người, quấn quýt và ôm choàng lấy tình yêu nơi Người, để tận hưởng trọn vẹn niềm hoan lạc, bình an và hạnh phúc chứa chan. Bạn hãy khóc và ngã tựa vào lòng Chúa bất cứ khi nào bạn cảm thấy yếu đuối và bất lực, thì chắc chắn bạn sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
 
 
NGÀI ĐÃ CHẾT CHO TÔI
Têrêxa Nguyễn Đào Huyền Thư ( Gx. Sông Cạn )
 
Thứ sáu Tuần Thánh, phụng vụ đọc lại cho ta nghe bài Thương khó của Đức Giêsu theo thánh Gioan. Theo Chúa tới tận chân Thập Giá, chắc hẳn thánh Gioan phải là người chứng kiến tận mắt mình về cái chết của Thầy. Theo thánh nhân, Đức Giêsu là đấng vô tội nhưng Ngài đã phải chết, một cái chết khổ nhục “đồng số kiếp với tội nhân”. Nhưng qua cái chết ấy, Thiên Chúa đã thiết lập một giao ước mới giữa loài người với Thiên Chúa. Tuy nhiên, cái chết của Chúa Giêsu còn có điều gì đó ẩn khuất. Có nhiều người tự hỏi: Ai là người chịu trách nhiệm cho cái chết của Chúa Giêsu? Tại sao Ngài lại phải chết? Ngài không có con đường khác nhẹ nhàng hơn để cứu chuộc chúng ta sao?
Như thánh Gioan đã trình bày, người chịu trách nhiệm cái chết của Chúa Giêsu trước tiên là Philatô. Ông là tổng trấn năm đó, là người có quyền tha chết cho Chúa Giêsu vì ông đã từng nói với Chúa giêsu rằng: “Ông không biết là tôi có quyền tha cho ông hay đóng đinh ông vào thập giá sao?“. Tuy nhiên vì ông e sợ dân Do Thái, các thượng tế và kỳ lão nên ông đã kết án Đức Giêsu phải chết, cho dù ông vẫn biết Đức Giêsu vô tội.
Người thứ hai chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu là các thượng tế và kỳ lão. Chính họ đã nộp Chúa Giêsu cho người Rôma chỉ vì ghen tức. Họ chỉ muốn nhổ đi “cái gai” trong mắt họ và mượn tay người khác để giết người.
Người thứ ba chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu là ông Giuđa. Ông đã dùng một nụ hôn mà bán Chúa Giêsu với giá 30 đồng bạc. Nhiều người cho rằng Giuđa bán Chúa vì ham tiền, người khác thì cho rằng ông bán Chúa để “gây quỹ” bởi ông nghĩ không ai hại được thầy mình. Ông đã lầm, đường đi của Thiên Chúa khác với ý nghĩ của ông. Điều đó không phải là ông làm, mà là Thiên Chúa đã mượn tay ông làm để hoàn thành đoạn Kinh Thánh đã chép.
Người thứ tư chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu là dân chúng. Họ không có quyền chi trong xã hội, nhưng họ có thể tạo áp lực cho Philatô, khiến ông phải kết án tử hình Chúa Giêsu. Những ngày trước đó, họ đã tung hô Chúa là vua, tôn thờ, tin kính, coi Chúa như vị cứu tinh, như đấng Mêxia. Thế mà trong chốc lát họ đã kết án Chúa, đòi Chúa phải bị giết chết.
Ngôn sứ Isaia, trong bài đọc hôm nay, còn cho ta cái nhìn khác. Không phải chỉ Philatô, các thượng tế, Giuđa, hay dân chúng mà tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu. “Sự thật chính Ngài đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta. Chính Ngài đã bị đâm vì chúng ta đã phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lầm lỗi, Ngài đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành”
Thánh Phaolô thì nói với ta rằng: “Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là người tội lỗi”… “Ngài đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính”. Ở chỗ khác, Thánh Phaolô còn nói mạnh hơn: “Ấy chính do tội của tôi mà Ngài đã chết. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người”.
Vì thế, ta liên đới với Đức Kitô trong cái chết của Ngài. Philatô có thể là ta, Giuđa có thể là ta. Ta cũng có thể đang là một vị thượng tế hay kỳ lão. Ta cũng có thể là một người nào đó trong đám dân chúng hôm ấy. Ta gào thét, đòi đóng đinh Chúa vào thập giá. Như thế, cái chết của Chúa trong đó có trách nhiệm của ta, trách nhiệm của một người con đã không bệnh vực cha mình, nhưng đã hùa theo bọn sát nhân. Mỗi lần khước từ anh em là ta đã khước từ Chúa. Mỗi lần ta nhục mạ anh em là ta đang nhục mạ Chúa. Ta đã đội lên đầu Chúa những mão gai nhọn sắc do lòng ghen ghét ích kỷ của ta. Ta đang gào thét đòi giết Chúa khi ta đang tâm hành hạ anh em mình.
Chúa có biết? Chúa quá biết, nhưng chỉ vì muốn ta hạnh phúc nên Chúa nhẫn nại đợi chờ ta trở về. Chúa là người mục tử nhẫn nại tìm con chiên lạc, tìm thấy nó rồi thì vác nó trên vai đưa trở về nhà.
Vì thế, ta được mời gọi suy niệm về cuộc đời mình. Tôi đã làm gì trong cái chết của Chúa tôi? Tôi đã làm gì khi có người lên án Chúa? Tôi bênh vực hay tôi hùa theo? Tôi đã đóng bao nhiêu cái đinh trên thân thể của Chúa? Tôi đã mang vác những đau khổ của mình như thế nào? Ta có kêu than trách móc hay ta tạ ơn Người? Mỗi lần gặp đau khổ hoạn nạn ta đã xử sự ra sao? Thập giá Chúa trao cho ta có phải là niềm vinh dự của ta không?
Chúa đã chết cho tôi, cho anh, cho chị, cho em. Còn chúng ta thì sao, có dám chết cho Chúa không? Xin Chúa hãy giúp sức cho con vượt qua nỗi thăng trầm của cuộc đời tối tăm này.
 
 
 XIN CHO CON VỮNG TIN
Phêrô Ngô Gia Hy ( Gx. Tuy Hòa )
 
Tôi là một cây bút bi được sinh ra từ rất lâu rồi. Vì thân tôi nhỏ gọn, màu bạch kim sáng lấp lánh, nên cậu chủ của tôi cứ giữ tôi mãi bên mình. Cứ hết mực cậu ấy lại thay ruột cho tôi, chứ không bao giờ cậu vứt tôi đi. Tôi cùng cậu ấy đi khắp nơi, từ trường về nhà, đi thi, học bài và cả khi cậu ấy đi học giáo lý nữa. Vì tôi và cậu ấy là Kitô hữu mà.
Nhà cậu ấy rất khá giả, cũng rất đạo đức, chăm đi nhà thờ, và luôn siêng năng lần chuỗi. Cậu và gia đình rất tin tưởng nơi Chúa. Không bao giờ tôi thấy gia đình cậu nói năng sai lệch về đức tin. Năm năm trôi qua, kì thi đại học của cậu cũng đã tới. Cũng giống như mọi người khác, cậu ôn bài rất kĩ lưỡng và rất tự tin. Cậu đi lễ thường xuyên hơn, năng đọc kinh và lần chuỗi nhiều hơn.
Trước ngày đi thi, cậu ấy đã quả quyết cùng cha mẹ rằng sẽ đậu cao, vì cậu đã siêng năng chạy đến cùng Chúa mỗi ngày. Gia đình khuyên cậu khi vào phòng thi nên bình tĩnh, làm dấu, đọc kinh Chúa Thánh Thần rồi hãy làm bài. Nhưng cậu ấy im lặng.
Bước vào phòng thi, tôi thấy cậu cười rất tươi và tự tin rất nhiều. Giờ làm bài đã đến, đề thi được phát ra. Cậu quên đi lời dặn của gia đình mà chộp lấy đề thi, đọc lấy đọc để. Và rồi, cậu xìu mặt, nắm chặt lấy tôi. Tôi thầm biết là đề khó rồi. Người cậu bắt đầu run lên, nhìn quanh. Ở hàng đầu, có một anh chàng đen đủi, thân hình gầy cao, đầu cúi xuống, và bất chợt anh chàng đó chắp tay làm dấu. Cả phòng đổ mắt nhìn về người ấy. Riêng cậu chủ tôi thi im lặng, nhủ thầm: “Dại chi mà làm như vậy, người ta nhìn thêm nói ra nói vào chứ có được gì” .
Bỗng nhiên, tôi thấy có một thiên thần đến bên anh chàng đó, thiên thần dùng hai tay mình mà đặt lên vai anh ấy. Anh ấy bắt đầu làm bài. Cả phòng thi làm bài. Cậu chủ tôi vẫn ngồi đó, tâm trí bất an. Cậu bắt đầu than trách đến Chúa: “Chúa ở đâu rồi, con đâu có bỏ Chúa ngày nào, tại sao Chúa lại bỏ con!”. Quỷ dữ bắt đầu hiện đến vây quanh, cười kha khả. Cậu ấy run người, bật khóc. Khung cảnh ấy thật đáng sợ!
Buổi thi môn đầu kết thúc, nhưng cậu chủ tôi không làm được bài nên buồn. Cậu bắt đầu sa vào cảm giác thất vọng nơi Chúa. Buồn chán nên ngày hôm đó cậu không đến nhà thờ cũng không đọc kinh. Sáng hôm sau là môn thi cuối cùng, cậu bước vào phòng thi, mắt nhìn chăm chú anh chàng ngồi phía trên. Như bình thường, anh ta cúi đầu cầu nguyện rồi làm dấu. Cậu chủ tôi làm theo. Sau đó, cả phòng thi nhìn cậu, cậu vẫn mạnh dạn làm dấu trước mặt mọi người. Cậu ấy đã can đảm lên rồi!
Và rồi, ánh sáng từ thiên thần phát ra hiện đến bên cậu. Tôi thấy rõ trí óc cậu trở nên sáng suốt, cậu cười tươi và làm bài không chút đắn đo. Mặc kệ đi những cái nhìn ái ngại, những tiếng nói xầm xì về hành động của cậu.
Kết thúc ngày thi, cậu chạy ngay đến nhà thờ, quỳ xuống sốt sắng cầu nguyện. Lòng cậu reo lên mừng rỡ, nhưng bên cạnh đó cậu cũng ân hận rất nhiều, cậu khóc.
Lạy Chúa, con đã không làm chứng về Ngài cho mọi người xung quanh, con không vững lòng tin nơi Ngài, đôi khi còn trách Ngài. Con biết, Ngài vẫn thương con. Con xin hứa sẽ làm chứng về Ngài cho tất cả mọi người được thấy. Con an tâm vững tin về Ngài, xin Ngài gia tăng thêm đức tin cho con. Dù có khó khăn, xin Ngài luôn ở cùng con.
 
 ƠN GỌI
Maria Hoài Trâm
( Gx.Phú Hòa - Dòng “Nữ tì Chúa Giêsu Tình Thương”, Làng Sông )
       
Không biết từ bao giờ lòng tôi cứ thâm trầm lặng lẽ, lâng lâng mơ ước một điều gì đó khó diễn tả, cũng không thể nói ra cho cha mẹ hay bạn bè. Và rồi một ngày đẹp trời, trong nguyện đường của giáo xứ, tôi nghe thật rõ lời mời gọi của Thiên Chúa tình yêu: “Con hãy trở thành nữ tu để chia sẻ tình yêu cứu độ của Đức Ki Tô đến với những người nghèo khổ”.
         Từ đó, tôi đem ý tưởng này trình bày với mẹ… Và tôi đã thật sự bước theo con đường Đức Ki Tô mời gọi. Tôi đang tìm hiểu linh đạo của “người nữ tỳ Chúa Giêsu tình thương”… Chúa Giêsu, Người mang tình thương đến với con người trong mọi thời đại, hôm nay Ngài mời gọi tôi tiếp nối sứ mạng của Ngài, mang tình thương đến với những người nghèo khổ đang sống chung quanh.
           Giờ đây, dưới mái trường thân thương của ngôi nhà Làng Sông cổ kính trầm lặng, tôi đang tập sống và học theo gương Chuá Giêsu qua các giờ nguyện gẫm, chia sẻ Lời Chúa… Còn nữa, tôi còn được học: giáo lý, đàn, múa… ngoài những môn học chuyên môn hổ trợ cho việc phục vụ sau này. Môn học tôi yêu thích đó là “học nhân cách” để trở thành một người trưởng thành và nhân bản, trước khi làm một nữ tu có nhân đức ngời sáng như Đức Thánh Cha Phao Lô VI đã từng nói cho các tu sĩ trẻ... Đặc biệt hơn, tôi đang học về đời sống tu đức. Những môn học này giúp tôi mỗi ngày lớn lên trong nhân cách, cũng như trong chọn lựa thuộc trọn về Chúa bằng nếp sống tu trì.
         Đã hơn một năm sống và làm quen với nếp sống tu trì, tôi như thấy mình được lớn lên  nhiều trong những lần sinh hoạt giao lưu. Chúng tôi gặp gỡ với các em thiếu nhi ở các giáo xứ lân cận khi họ có dịp ghé về Làng Sông, ngôi nhà chung mang đậm nét lịch sử của Giáo phận để dã ngoại… Mỗi lần như thế, tâm hồn tôi đều được đánh động, và tự nhủ lòng mình hãy cố gắng nhiều hơn nữa trong cầu nguyện cũng như trong việc luyện tập. Tôi mong được sớm trở thành một tông đồ đầy lửa yêu mến Chúa và Gíao Hội, để giới thiệu khuôn mặt xinh đẹp của Đức Kitô cho muôn người.
          Cộng đoàn của chúng tôi tuy nhỏ bé nhưng cũng có khá nhiều hoạt động. Thế nên ngoài những sinh hoạt trên, chúng tôi còn có những cuộc viếng thăm vào mỗi buổi sáng Chúa Nhật. Sau thánh lễ Chúa Nhật, cùng với những túi rau đủ loại: rau muống, rau cải, mồng tơi… chúng tôi chia nhau đi thăm viếng những cụ ông, cụ bà neo đơn đang sống gần chúng tôi. Với những lời thăm hỏi và một chút rau tặng, đó là món quà do tình yêu Thiên Chúa ban. Qua những giọt mồ hôi lao nhọc, rau ấy tự tay chị em chúng tôi gieo trồng rồi mang biếu tặng, quí cụ ông cụ bà lấy làm hạnh phúc lắm. Chúng tôi tạ ơn Chúa vì những ân ban Ngài dành cho chúng tôi và bà con đang sống chung quanh. Món quà tuy đơn sơ bé nhỏ nhưng gói trọn tình thương: Tình thương Thiên Chúa và lòng yêu thương con người.
          Thật vậy, sống theo tiếng gọi của Tình yêu Thiên Chúa là niềm hạnh phúc lớn lao cho chính bản thân và cho Giáo Hội. Và để sống trọn lý tưởng tận hiến, đòi hỏi tôi phải cố gắng mỗi ngày để sửa đổi, tu luyện cho nên giống Đức Kitô, và sống đức bác ái trọn hảo như linh đạo của người “Nữ Tỳ Chúa Giê-su” mời gọi. Việc sửa đổi, luyện tập, cắt tỉa  và những đòi hỏi của đời tu có làm tôi đau đớn vẫn không làm tôi nản chí sờn lòng. Có như thế mới cho tôi được lớn lên và mạnh mẽ hơn trong tình yêu. Có như thế bản thân tôi mới mong được hoàn thiện hơn mỗi ngày. Tôi hằng mong ước sống trọn ơn gọi tận hiến để đáp đền ơn Chúa yêu thương, và chia sẻ tình thương đến với mọi người.
 
 
BÀI HỌC TỪ ĐÀN BÒ
Phanxicô Lê Quang Thạch (Gx.Gò Thị - Chủng viện Qui Nhơn )
 
Tôi cảm thấy đôi chân của mình bắt đầu mỏi dần, lúc đầu thì còn chạy những bước nhanh, càng về sau thì như có một cái gì đó thật nặng đang kéo chân tôi lại. Tôi mệt quá, hơi thở càng lúc càng gấp. Tôi muốn dừng lại nghỉ một chút, nhưng tim tôi lại đập loạn lên, thúc giục đôi chân đang mỏi nhừ tiếp tục chạy. Trên cánh đồng lúa rộng mênh mông thế này, tôi chạy mãi mà vẫn không hết. Thỉnh thoảng, tôi lại leo lên cây và hướng đôi mắt mình ra xa để tìm, nhưng vẫn không thấy. Trời đang tối dần. Thì ra trong lúc tôi chạy, mặt trời cũng chạy về phía ngọn núi phía Tây, chắc là nó cũng đang đi tìm như tôi. Nhìn từ đằng xa, tôi thấy có đứa cũng đang chạy một cách mệt mỏi. Tôi đứng trên cây, gọi to:
- Linh ơi, tao ở đây!
Nó nghe tiếng tôi gọi thì không chạy nữa, từ từ lê bước tới chỗ tôi. Nó hỏi bằng cái giọng khàn khàn, chắc là đã khát nước lắm rồi:
- Mầy tìm thấy chưa?
- Thấy chết liền! Tao chạy khắp nơi rồi mà vẫn không thấy.
Mệt quá, hai đứa chúng tôi ngồi nghỉ dưới gốc cây. Nhìn mắt thằng Linh, tôi thấy lộ rõ sự thất vọng và nỗi sợ hãi. Chắc là nó đang nghĩ đến những chuyện đang chờ đợi nó ở nhà. Tôi trấn an nó:
- Mầy đừng lo Linh ơi, chắc là thằng Hiền tìm thấy rồi đó.
Đôi mắt chúng tôi hướng về phía xa xa của cánh đồng, chờ thằng Hiền mang cả đàn bò về.
***
Vừa xong vụ mùa đông xuân, cánh đồng lúa chín bạt ngàn mới hôm qua bây giờ lại trở thành một cánh đồng với toàn là gốc rạ. Nhìn cánh đồng, chắc chúng tôi là những người vui mừng nhất vì thả bò mà không sợ bò ăn lúa. Chúng tôi chỉ cần lùa đàn bò ra khoảng giữa đồng rồi cứ để chúng ăn cỏ ở đó. Trong lúc đàn bò đang nhởn nhơ gặm cỏ, chúng tôi tha hồ đi tắm sông, bắt cá, bắt ốc… Thích lắm! Đến chiều, chúng tôi lùa chúng về nhà. Đàn bò no cỏ còn chúng tôi thì được một buổi vui chơi.
Chiều nay, khi mở cổng dắt bò ra khỏi chuồng tôi nảy ra một ý định, vội gọi thằng Hiền với thằng Linh:
- Chiều nay tụi mình đi chơi game đi.
Thằng Linh là đứa nhỏ tuổi nhất trong nhóm. Nghe tôi nói vậy, nó hí hửng trả lời ngay:
- Hay quá! Hay quá!... Chiều này mình đi…
Nói chưa hết câu, một chút lo sợ thoáng qua mặt nó. Nó rụt rè nói:
- Như thế có được không? Chỉ sợ đàn bò đi lung tung…
Tôi quả quyết nói:
- Không sao đâu! Mấy hôm rồi đàn bò vẫn gặm cỏ yên một chỗ có sao đâu.
Thằng Hiền coi bộ cũng thích ý tưởng này lắm. Nó nói thêm vào:
- Được đó. Tiền hôm bữa tụi mình bắt ốc bán vẫn còn nè. Chơi đến chiều cũng không hết.
Thằng Linh nghe chúng tôi nói vậy cũng bớt phần lo lắng. Thế là cả ba chúng tôi nhanh tay quất roi vào lưng những con bò, giục chúng ra đồng. Con bò cái của tôi bước đi có vẻ chậm chạp. Ngày thường nó vẫn đi như thế, tôi không cảm thấy gì khác thường. Nhưng hôm nay, nhìn dáng đi của nó, tôi bực quá quất mạnh vào lưng nó, nó mới chịu đi nhanh hơn một chút. Con nghé thì khỏi cần phải quất, cổng chuồng vừa hé mở thì nó đã phóng nhanh ra ngoài, tưởng chừng đã bị nhốt ở cái chuồng đó hàng mấy năm. Nó cứ chạy qua chạy lại, chạy lên trước, giục cả đàn bò đi nhanh ra đồng.
***
Sau ba năm chăn bò, tôi đã hiểu và trở nên thân với đàn bò của tôi. Nếu có ai nói “ngu như bò”, thì tôi liền phản bác ngay. Tôi thấy chúng là một loài thông minh và tinh ranh lạ thường. Mấy lần tôi đã tức cười vì thấy cảnh con nghé của tôi lén lút vào nhà để ăn vụng cám heo. Bạn thử hình dung một con vật to lớn như thế, lại thêm bốn cái móng guốc dưới chân, thế mà nó từ từ nhấc những cái chân đi trên nền xi măng mà không hề có một tiếng động. Đã là ăn vụng thì làm sao càng ít người nghe thấy càng tốt, chắc là con nghé cũng nghĩ như tôi. Những con bò của tôi đúng giờ một cách lạ thường. Hôm nào cũng vậy, cứ tới giờ mà chưa thấy tôi mở cổng thì chúng kêu rống ầm ĩ. Chúng không cho phép tôi nghỉ làm việc một buổi nào, kể cả chủ nhật và các ngày lễ. Cây lúa là món mà chúng thích ăn nhất. Khổ một nỗi vì không có lúa nên chúng mới ăn cỏ thôi, chứ tôi nghĩ chúng chẳng tha thiết gì món cỏ khô khan đó. Có một lần, hai mẹ con chúng phối hợp với nhau rất ăn ý. Con nghé chạy vụt lên trước, mồm hớt lia hớt lịa mấy bụi lúa gần bờ. Tôi tức giận, vội chạy lên trước định cho nó no đòn, thì tôi nghe một tiếng “bộp”. Cái chân cảm thấy đau nhức, tôi bị dính một đá đánh chặn của con bò cái. Tôi hậm hực, giận hai mẹ con nó đến mấy ngày.
***
Con đường làng dẫn chúng tôi cùng cả đàn bỏ ra đồng. Hôm nay, cánh đồng vắng tanh, khác hẳn cảnh đồng rộn vui của những ngày mùa. Thằng Hiền là đứa lanh lợi nhất trong nhóm. Ngày nào nó cũng là người quyết định sẽ chăn bò ở đâu. Nó quất nhẹ con bò cái của nó tiến lên trước rồi nói:
- Tụi mình lùa bò qua Kim Đông đi. Ở đó còn mấy bờ cỏ ngon lắm.
Tôi nghe vậy cũng quất thêm mấy roi vào lưng con cái, giục nó đi cho mau. Nhìn trên lưng nó bây giờ nổi lên những đường ngang dọc, hậu quả của những trận đòn roi của tôi. Thay vì cảm thấy tội nghiệp, tôi thầm đổ lỗi cho cái tính chậm chạp của nó. Một lúc sau, chúng tôi đã tới Kim Đông. Nơi này cách xa nơi chúng tôi vẫn thường chăn bò, chưa có ai lùa bò đến nơi đây nên những bờ cỏ vẫn còn xanh và ngon lắm. Gần đó còn có một con sông chạy dọc theo bìa cánh đồng, lượn qua lượn lại rồi mất hút ở đầu làng. Chúng tôi lùa đàn bò đến những bờ cỏ nhiều nhất, để chúng ăn tự do rồi cả ba chúng tôi đi thẳng về hướng có những ngôi nhà lầu nằm cạnh đường bê tông. Đó là nơi chúng tôi thỉnh thoảng đến chơi game. Sau một khoảng thời gian bằng ăn xong một bữa cơm, chúng tôi đã đến nơi. Chúng tôi bị thu hút ngay bởi những trận đá bóng, những cuộc phiêu lưu mạo hiểm, những màn đấu võ đài ác liệt… Chúng tôi bị cuốn vào những trò chơi đến độ không còn biết đến thời gian nữa. Đến khi ông chủ quán bật thêm bóng đèn thì lúc đó tôi mới nhận ra là trời đã xế chiều. Thằng Linh cũng có suy nghĩ giống tôi. Nó giật mình một cái rồi nói:
- Tụi mình phải lùa bò về nhà thôi. Trời sắp tối rồi.
Phải gắng gượng lắm tôi mới nhấc người rời khỏi cái ghế. Cả ba chúng tôi ra về. Trên đường, chúng tôi không ngớt kể lại những giây phút “vẻ vang” vừa rồi. Thằng Hiền tưng bừng kể lại những thành tích của nó trong trò chơi đá bóng giải ngoại hạnh Anh. Thằng Linh có vẻ hơi buồn vì không được giải quán quân trong những trận đua xe. Tôi hí hửng kể lại cuộc phiêu lưu mạo hiểm giải cứu công chúa và những màn võ thuật đẹp mắt. Cứ thế, chúng tôi vừa đi vừa mải mê kể chuyện. Một lúc sau, thằng Hiền vội la lên:
- Đàn bò của mình đi đâu hết rồi?
Tôi với thằng Linh cũng ngừng trò chuyện, đưa mắt nhìn về đằng xa thì đúng là thế thật, chẳng thấy một con bò nào cả. Cả ba chúng tôi bước nhanh dần tới chỗ đàn bò đã đứng hồi chiều. Thằng Linh chạy tới sát bờ cỏ, nhìn phía bên này, nhìn phía bên kia. Thấy thế, thằng Hiền vừa cười vừa nói:
- Con bò chứ có phải con kiến đâu mà mầy tìm kỹ vậy. Chắc là lũ nó đi lạc đâu đó rồi. Tụi mình chia ra đi tìm đi.
Thằng Linh nói:
 - Mầy còn cười được nữa. Tìm đâu ra bây giờ?
Thằng Hiền nhìn tôi và nói:
- Mầy đi tới hướng bờ sông xem thử chúng nó có uống nước ngoài đó không?
Rồi thằng Hiền nhìn thằng Linh và nói:
- Mầy chạy vô mấy nhà ở cuối bìa cánh đồng đi. Có khi chúng kéo vô mấy nhà ở đó mà phá phách. Còn tao, lúc nãy đi về, tao thấy gần đường bê tông có mấy dấu chân bò, không biết có phải của chúng nó không.
Nghe phân chia nhiệm vụ xong, thằng Hiền và thằng Linh mỗi người một hướng chạy đi tìm. Thằng Linh vừa chạy vừa đưa tay lên lau lau cái gì đó trên mặt. Tôi nghĩ là nó đang khóc. Khóc cũng phải thôi, nó có tới năm con bò, hồi giờ chưa để bò đi lạc lần nào nên lần này khiến nó hốt hoảng. Nhìn một hồi, tôi thấy dáng của thằng Linh và thằng Hiền nhỏ dần, lúc đó tôi mới chạy ra hướng con sông. Ban đầu, tôi cũng không lo sợ như thằng Linh, vì tôi nghĩ cả một đàn bò hơn chục con thế kia dễ gì mà mất. Đến bờ sông, tôi quan sát kỹ thì không thấy con bò nào, cả một dấu chân cũng không thấy. “Vậy là đàn bò đã không tới chỗ này”, tôi nghĩ vậy. Tôi quay trở lại tìm những chỗ xung quanh. Càng đi tìm, tôi càng tỏ ra thất vọng. Biết bao ý nghĩ xuất hiện trong đầu tôi: “Có khi nào đàn bò đã bị ai đó bắt bán hết rồi không?” – “Không thể như thế được. Cả một đàn bò nhiều như thế làm sao lùa đi mà không bị ai phát hiện.” – “Hay là có ai ở nhà, vì tới giờ mà chưa thấy bò về, nên đã đến đây và lùa cả đàn về rồi.” – “Cũng không thể. Tụi mình chăn bò ở đây có ai biết đâu.”… Lưng tôi ướt đẫm mồ hôi, một phần vì mệt, một phần vì sợ là đã có chuyện xảy ra với đàn bò. Những cuộc phiêu lưu thú vị trong game biến đâu hết rồi. Tôi chẳng còn chút tâm trí nào mà nghĩ tới những giây phút vui sướng đó nữa. Tôi cảm thấy mình đang ở trong một cuộc phiêu lưu thực sự, thay vì giải cứu công chúa thì lần này là giải cứu đàn bò. Tôi nghĩ về mấy con bò. Tôi vẫn còn nhớ rõ những vết lằn trên lưng con cái do mình quất roi. Tôi cảm thấy tội nghiệp nó làm sao. Có khi nào nó giận quá nên bỏ đi rồi? Con nghé tinh nghịch của tôi không biết bây giờ ở đâu? Những lần bực tức về cái tội ăn lúa của nó cũng không còn. Tôi thấy thương nó. Không biết có khi nào vì mải mê chạy nơi này nơi kia mà đã lạc khỏi đàn rồi không. Tôi chú ý lắng nghe mọi hướng, hy vọng được nghe vang lại một tiếng kêu của đàn bò. Ngày thường, tôi phát ớn vì những tiếng kêu la của chúng. Bây giờ, tôi ước ao được nghe một tiếng kêu của chúng dù là rất nhỏ.
Trong lúc đang suy nghĩ thì đôi chân vẫn tiếp tục chạy. Đôi mắt vẫn ngó quanh không ngừng nghỉ. Tôi thầm trách mình bởi tính ham chơi mà ra cả. Hôm trước, cũng vì mãi chơi game nên đi học về trễ, làm ba tôi lái xe máy đi tìm khắp huyện. Cuối cùng, tôi không bị đòn, nhưng tôi buồn lắm vì làm ba má tôi thất vọng. Lần đó, tính ham chơi làm tôi bị la nhưng cũng không có thiệt hại gì. Còn lần này, vì ham chơi mà tôi để lạc mất cả đàn bò, thử hỏi làm sao mà tôi không lo sợ được. Tôi trách mình, trách cái đứa nào hôm nay đã nảy ra ý tưởng thật là hay.!
***
Hai chúng tôi ngồi tựa lưng vào gốc cây để nghỉ ngơi. Được một chút thì thấy thằng Hiền từ đàng xa chạy tới. Sau lưng nó, tôi chẳng thấy một con bò nào. Nhìn vẻ mặt buồn rười rượi của nó, tôi cũng đón biết kết quả. Tôi hỏi nó:
- Mầy không thấy con nào hả?
Nó mệt quá nên chỉ lắc đầu rồi ngồi xuống tựa vào gốc cây. Nó từ từ kể lại:
- Đúng là có những dấu chân bò ở gần đường bê tông. Tao đuổi theo thì… thì tao thấy một đàn bò.
Thằng Linh liền nói:
- Có bò của tao không?
- Không có bò của mầy, cũng không có bò của thằng nào hết, bò của người ta. Tao bị lầm nên liền quay trở lại đây. Ở bờ sông và các nhà xung quanh cũng tìm không thấy hả?
Hai chúng tôi không trả lời, chỉ lắc đầu hời hợt. Trời tối dần, phải nhìn kỹ mới thấy khuôn mặt của nhau. Chúng tôi ngồi đó trong phập phồng lo sợ, chúng tôi suy nghĩ đủ mọi tình huống có thể xảy ra với đàn bò. Thằng Hiền nảy ra một ý:
- Có khi nào đàn bò đã về nhà rồi không?
Tôi cũng nói xen vào.
- Tìm thì cũng đã tìm khắp nơi rồi. Chắc là lũ nó chờ bọn mình lâu quá nên kéo về rồi cũng nên.
Thế là chúng tôi quyết định quay về nhà. Phải mất nửa tiếng sau chúng tôi mới về tới nhà. Tới nhà thằng Hiền trước, ngó vô chuồng không thấy một mống, tôi nhanh chân trở về nhà mình. Gặp má tôi ngồi ở hè, tôi giấu sự sợ hãi, bình tĩnh hỏi to:
- Bò mình về nhà chưa má?
Má tôi cũng liền đáp lại:
- Mầy chăn bò mà hỏi tao.
Câu trả lời của má làm tôi mất hết bình tĩnh. Tôi chạy vụt ra phía sau nhà, ngó vô chuồng mà chẳng thấy con cái, chẳng thấy con nghé. Đàn bò vẫn chưa về. Tôi đem đầu đuôi câu chuyện thuật lại cho ba má tôi nghe, cũng thuật lại luôn cái tội ham chơi của tôi. Thật bất ngờ, ba má tôi vẫn ngồi thản nhiên. Ba nói với tôi:
- Vô nhà lấy cái đèn pin. Ba với con trở lại cánh đồng tìm thử lần nữa.
Trời vẫn chưa tối hẳn. Nhìn lên bầu trời thì thấy mặt trăng đã nhô lên từ lúc nào không biết. Cánh đồng chỉ toàn là gốc rạ giờ đây được phủ một lớp ánh trăng trông như ai đó vừa mạ bạc cả cánh đồng. Thằng Hiền và thằng Linh sau khi về nhà không thấy bò đâu cũng hốt hoảng không kém gì tôi, nhưng nó vẫn không nói cho người nhà biết chuyện. Thấy cha con tôi ra đồng, tụi nó hiểu ý nên cũng lật đật chạy theo sau. Bốn bề không một tiếng người, chỉ có tiếng cóc, tiếng dế và tiếng bước chân của chúng tôi lướt trên gốc rạ. Ánh đen pin hết bên này lại đảo sang bên khác mong tìm thấy một vật gì to to trong ánh trăng lờ mờ. Chúng tôi dẫn ba tôi trở lại chỗ hồi chiều chúng tôi thả bò. Ba tôi trách chúng tôi tại sao lại thả bò xa đến thế. Ba tôi dẫn chúng tôi ra đến bờ sông. Thấy thế, tôi nói:
- Chỗ này hồi chiều con đi tìm rồi.
Ba tôi trả lời:
- Thì tìm lại có sao đâu.
Đến bờ sông, ba dẫn chúng tôi đi dọc theo bờ sông thêm một đoạn nữa. Hồi chiều tôi chưa đến chỗ này. Trong ánh trăng lờ mờ, tôi thấy có một cây cầu trắng bắc qua sông. Lối đi qua cầu rộng lắm, chúng tôi đều nghĩ có thể đàn bò đã đi qua đây. Cây cầu này bắc qua một cánh đồng khác tên là Kim Trì. Vậy là con sông nằm giữa hai cánh đồng để tưới tiêu cho cả hai. Nơi này hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Đồng Kim Trì không lớn như đồng Kim Đông, cũng không trống trải bằng mà xen kẽ có nhiều bụi tre. Chúng tôi đi đến bụi tre gần đó, rọi ánh đèn pin vào. Tôi thấy một con gì lù lù xông thẳng đến chúng tôi. Đầu nó cứ hất hất vào hông tôi làm tôi thấy nhột. Nhìn kỹ lại nó, tôi la lên:
- A, con nghé. Con nghé nhà mình nè ba…
Thằng Hiền với thằng Linh phóng nhanh ra phía sau bụi tre rồi hô ầm ĩ lên như vừa tìm thấy một kho báu:
- Tìm thấy rồi. Cả đàn bò đang ở đây.
Tôi cũng chạy theo sau, thấy con bò cái vừa nằm vừa nhai ngấu nghiến, mắt nó lim dim ngủ. Chúng tôi vui mừng khôn xiết, cứ chạy đến lũ bò vỗ vỗ vào lưng nó, gọi nó dậy. Ba tôi giục:
- Mừng thế đủ rồi. Mau lùa bò về nhà thôi.
Chúng tôi quất nhè nhẹ vào lưng của từng con. Đàn bò thấy chúng tôi đến nên cũng vui mừng lắm. Tôi nghĩ bụng:
- Tụi nó cũng không muốn qua đêm ở cái nơi lạnh lẽo và nhiều muỗi như thế này đâu. Khổ một nỗi, vì hôm nay chúng được thả ở cánh đồng lạ nên chẳng có con nào trong bọn chúng biết đường về nhà. Thấy gần đó có một dòng sông, cả lũ kéo nhau ra uống nước. Không biết con bò nào dẫn đầu mà cả lũ cùng kéo nhau qua cầu rồi nghỉ đêm ở bụi tre gần đó.
Cánh đồng vắng lặng bị tiếng la hò của chúng tôi làm náo nhiệt lên. Chúng tôi vừa đi vừa hát như vừa kết thúc một chuyến phiêu lưu đầy mạo hiểm. Chuyến phiêu lưu mà tôi đã hoàn thành trong các trò chơi không hấp dẫn và kịch tính như trong phiêu lưu lần này. Đây là chuyến phiêu lưu thật, người thật, việc thật. Nếu bạn thắng cuộc trong chuyến phiêu lưu này thì bạn sẽ đạt được phần thường thật chứ không phải phần thưởng ảo như trong các trò chơi. Niềm vui của chúng tôi bây giờ còn lớn hơn nhiều so với những chiến công mà chúng tôi đã đạt được hồi chiều.
Trăng bây giờ đã lên cao, tỏa ánh sáng rạng ngời khắp cánh đồng. Con đường về nhà cứ thế ngắn dần. Ba tôi bước đi cách rất ung dung, vừa đi vừa trò chuyện với chúng tôi. Tôi không biết là ba tôi đã bỏ qua lỗi lầm của tôi hay là chờ khi về đến nhà sẽ hỏi tội tôi. Tôi mặc kệ, tôi không còn lo lắng về chuyện đó nữa. Con cái và con nghé đi trước tôi, chúng vẫn bước đi cách chậm chạp nhưng tôi không tỏ ra bực tức. Tôi thích cái sự chậm chạp của nó, nó đang kéo dài thời gian hạnh phúc của tôi. Nhìn lưng con cái, tôi không còn thấy những vết lằn hồi chiều, nó tan biến đi theo cơn giận của tôi. Tôi thương chúng biết bao. Rủi như vì cái tội ham chơi lần này mà tôi bị mất đàn bò thì không biết những chuyện gì sẽ xảy ra nữa. Tôi thầm cảm ơn chúng vì chúng vẫn còn ở bên tôi. Chúng đã để lại cho tôi một bài học đáng nhớ về cái tội ham chơi. Loài bò đúng là một loài thông minh và tinh ranh. Cảm ơn đàn bò!
 
 
Tác giả bài viết: Hoa Biển 10
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Từ khóa:

hoa biển 10, sáng tác

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 33
  • Khách viếng thăm: 27
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 13153
  • Tháng hiện tại: 180700
  • Tổng lượt truy cập: 12470412