Trang mới   https://gpquinhon.org

Sáng tác Hoa Biển 9 (phần I)

Đăng lúc: Thứ hai - 10/06/2013 19:06
BÌNH AN CHO TẤT CẢ CHÚNG TA
Maria Đồng Thị Bích Duyên ( Gx. Đồng Tre )
 
          Cuộc đời luôn bao trùm biết bao sự dữ. Sự dữ nhiều đến độ làm cho con người luôn bất an lo sợ. Người ta sợ thất bại, sợ rủi ro, sợ mất an ninh, sợ nghèo đói, sợ phải đối diện với sự thật… Có cái sợ làm người ta “ăn không ngon ngủ không yên”. Có cái sợ làm người ta đánh mất niềm tin nơi bản thân và tha nhân. Đó chính la cái sợ ẩn sâu trong tâm hồn.

        Tâm trạng của các tông đồ sau biến cố Tuần Thương Khó là tâm trạng buồn sầu và lo sợ. Họ sợ liên lụy vì từng là môn đệ của tử tội Giê-su, họ phải về quê làm lại từ đầu. Từ sợ hãi dẫn đến đánh mất niềm tin, dù đã được báo trước là sau ba ngày Thầy sẽ sống lại. Thế mà vì quá sợ nên quên hết mọi sự, không còn dám tin vào ai. Dù rằng các người phụ nữ đã kể rõ ràng họ đã gặp Chúa, dù rằng hai môn đệ đi làng Emmaus đã từng kể về cuộc hàn huyên với Chúa. Dù rằng Gioan và Phêrô cũng chạy ra mồ, nhưng chỉ có Gioan thấy và tin còn Phê rô thì không. Sợ hãi đã làm cho các ông hoa mắt đến nỗi “nhìn cò ra quạ”, nhìn thấy Chúa lại tưởng là ma.

          Đã bao năm sống với Thầy, nhìn thấy những phép lạ Thầy làm, đã được nghe lời tuyên báo sau ba ngày Thầy sẽ sống lại, thế mà các ông vẫn không tin dẫn đến sự sợ hãi. Sợ bóng đêm của cuộc đời, sợ những điều mới lạ, sợ hãi đến chia đàn sẻ cánh mỗi người một nơi đường ai nấy đi. Sợ hãi nên đâu dám nhìn đời nhìn người. Sợ hãi nên chỉ co ro nơi phòng tiệc ly, cửa đóng then cài trong tâm trạng nặng nề u ám.

          Nỗi sợ hãi của kẻ thiếu lòng tin vẫn còn đó nơi con người ngày nay. Họ sợ tương lai ngày mai, vì đâu biết ngày mai sẽ ra sao? Có người sợ những nguy nan khốn khó của dòng đời sẽ đến với mình. Còn không tin cả thế giới ngày mai sau, biết có hay không nên buông mình theo đam mê xác thịt. Họ vẫn còn mang nặng mặc cảm lo âu về một lỗi lầm quá khứ. Vì sợ hãi nên đánh mất niềm tin nơi Thiên Chúa và tìm kiếm thế lực trần gian, bám vào quyền thế nơi vua quan để sống, cố vun vén tiền tài để hưởng lộc. Họ đã quên rằng điều quan trọng nhất của cuộc đời chính là sự bình an tâm hồn. Không có bình an thì dù có tiền, có quyền thế vẫn đánh mất cuộc đời. Nó giống như một sự liên kết chặt chẽ, như cá cần nước để sống. Cuộc đời không có bình an là sự bất hạnh, là cuộc đời đáng thương hơn cả người nghèo khó mà có bình an trong tâm hồn.

          Thế nhưng, sự bình an chỉ ngự trị trong tâm hồn có Thiên Chúa. Có Thiên Chúa thì chẳng sợ gian nguy, hết lòng cậy tin vào Ngài. Có Thiên Chúa thì không toa rập với sự dữ để làm hại đồng loại, bán rẻ lương tri để rồi luôn lo sợ bị trả thù. Có Ngài sẽ mang lại hoa trái là niềm hoan lạc, tươi vui, bình an và hy vọng. Đánh mất Thiên Chúa mới là điều đáng sợ. Thế giới không có Thiên Chúa sẽ khiến con người hành xử theo ý mình, theo bản năng, theo tự do cá nhân. Đó là thế giới loạn lạc, đầy bất an và lo sợ, sống với nhau mà luôn phải cảnh giác, đối phó, e dè, sợ phải thanh toán lẫn nhau. Đánh mất Thiên Chúa con người sẽ chẳng biết bám víu vào đâu khi dòng đời xô đẩy biết bao sóng gió tư bề, biết bao gian nan thử thách.

          Trước đây tôi đã từng nghe qua một câu chuyện về một cậu bé 5 tuổi vừa thức giấc trong một đêm giông tố bão bùng. Cậu mở mắt và thấy cảnh vật xung quanh tối tăm, ngoài trời mưa gió, sấm chớp mịt trời. Từng cơn gió rít lên tạo thành những âm thanh gầm thét như đang giận dữ đạp đỗ nhà và cây cối. Bốn bề xao động. Cậu sợ hãi, hốt hoảng và cầu cứu cha:

- Cha ơi, cha ơi! Con sợ quá!
- Cha đây, cha đây!- Cậu nghe tiếng cha vọng lại.
- Cha đâu sao con không thấy? Con sợ quá! - Cậu giơ tay ra phía trước quờ quạng.
- Cha đây, cha đây!
Người cha bước lại ngồi xuống bên cậu. Cậu ôm lấy cha, áp đầu vào ngực. Người cha đỡ cậu ngồi xuống và vỗ về cậu. Cậu bé yên lặng nắm lấy bàn tay cha dìu dịu đi vào giất ngủ an lành, mặc cho bên ngoài mưa bão vẫn còn. Sự sợ hãi nơi cậu bé đã tan biến trong lòng của người cha.
Chúa Phục Sinh vẫn tiếp tục đến bên cuộc đời chúng ta như xưa Ngài đã đến với các tông đồ. Hôm nay Ngài cũng đến với chúng ta qua những biến cố buồn vui, những thăng trầm của dòng đời. Ngài vẫn đang mời gọi chúng ta đặt cuộc đời trong bàn tay quan phòng của Ngài, cho dù đời sống có nhiều nguy nan, nhiều bất trắc và giông tố. Hãy lấy đức tin mà nắm vào Chúa. Hãy lấy lòng trông cậy mà phó thác vào nơi Người. Hãy lấy lòng yêu mến để vâng theo thánh ý Ngài. Vì chỉ có bên  Ngài chứng ta mới được bình an.
 
 
CÁNH DIỀU ƯỚC MƠ
Maria Nguyễn Thị Trúc Lư ( Gx.Kiên Ngãi )
 
Ngày còn bé tôi rất thích thả diều. Có lẽ vì thế mà Chúa ưu ái cho nhà chúng tôi được ở cạnh một cánh đồng cỏ rộng lớn. Cứ mỗi chiều là bọn trẻ cô nhi viện chúng tôi lại được các mẹ dẫn ra đồng sinh hoạt, vui chơi: đứa hái hoa, đứa bắt bướm… Riêng chỉ có mình tôi lúc nào cũng cắm cúi gỡ dây rối với chiếc diều khổng lồ đủ màu sắc trong tay. Không phải vì tôi được ưu tiên hơn các bạn mà bởi vì tôi có những kỉ niệm đặc biệt với những cánh diều, và các bạn đều vui vẻ nhường cho tôi. Chiếc diều này đã đồng hành cùng tôi từ lâu lắm rồi, nhưng tôi không còn nhớ chính xác là từ bao giờ nữa. Mẹ nhất bảo là tôi có duyên với diều, từ lúc mới chập chững tập đi tôi đã đòi mẹ mua cho bằng được một chiếc diều mới chịu. Mỗi khi tôi khóc hay biếng ăn, mẹ chỉ cần đem diều ra thả là tôi lại nín ngay và ăn thật nhanh, mọi người ai cũng lấy làm lạ!

Thật vậy, cho đến bây giờ, khi đã đến tuổi trăng tròn, tôi cũng không vỡ được lí do ngộ nghĩnh đó. Nhưng chỉ biết rằng, mỗi khi buồn mà được nhìn thấy những cánh diều lơ lửng trên không trung là lòng tôi lại vui hẳn lên. Với suy nghĩ non nớt của tôi thì những cách diều ấy chính là những thiên thần mà Thiên Chúa đã sai đến để lấy đi những muộn phiền trong lòng tôi và ban cho tôi những nụ cười thật thánh thiện.

Không chỉ là những niềm vui hay nỗi buồn, cánh diều còn mang theo những ước mơ và khát vọng của tôi. Còn nhớ lúc tôi lên tám, mẹ nhất bị ốm nặng, các bác sĩ đều bó tay. Các mẹ lo lắng chạy đôn chạy đáo, đứng ngồi không yên, nhưng vẫn cố tỏ ra điềm tĩnh để lo cho chúng tôi như thường ngày, sợ chúng tôi buồn. Tuy là những đứa bé nhỏ dại, nhưng nhìn nét mặt của các mẹ chúng tôi cũng phần nào hiểu được chuyện gì đang diễn ra và sắp xảy đến. Mọi người cứ nhốn nháo cả lên.
Vốn là một cô bé sống nội tâm ít nói, tôi cố tỏ ra bình tĩnh hơn các bạn. Chiều nào tôi cũng một mình mang diều ra đồng, dùng bút nắn nót viết lên cánh diều một điều ước, rồi thả cho nó bay cao vào bầu trời lộng gió để nó mang điều ước của tôi đến với Chúa. Bởi lẽ tôi tin rằng Thiên Chúa sẽ đón nhận những điều ước của tôi và Người sẽ ban cho tôi điều tôi xin. Tôi hằng trông cậy và phó thác nơi Ngài.

Tôi cứ viết mãi, viết mãi… Và cho đến một chiều, cánh diều của tôi đã in dày điều ước, không thể cố thêm được nữa. Chính lúc ấy cũng là lúc tôi hay tin mẹ nhất đang trong cơn hấp hối. Tôi  khóc nấc như người mê dại, bầu trời của buổi ban trưa bỗng tối sầm hẳn lại, cánh diều không thiết bay nữa mà rũ cánh dưới chân tôi. Bất chợt tôi nghe có tiếng í ới của chị Hiền từ đằng xa ( người chị cả lúc nào cũng lo lắng cho chúng tôi ): “Hương ơi! Hương ơi!...Mẹ…Mẹ…Mẹ…tỉnh rồi em ơi”.
Nước mắt tôi tuôn trào như cốc nước tràn ly.Tôi chưa bao giờ thấy hạnh phúc và tràn đầy niềm tin như hôm nay: “Cảm tạ Chúa. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.

Tôi vội nâng cánh diều lên và chạy thật nhanh về nhà, nước mắt đầm đìa, miệng không ngớt gọi : “Mẹ ơi! Mẹ ơi!...”. Về đến nhà tôi ngồi sập xuống bên mẹ, quả thật không phải là tôi đang mơ. Mẹ đưa mắt nhìn tôi miệng nhoẻn cười. Mẹ từ từ đưa cánh tay yếu ớt của mình đỡ lấy cánh diều và ôm tôi vào lòng, miệng nhẹ nhàng mấp máy đôi lời: “Cảm tạ Cha yêu. Cảm ơn con yêu”. Lòng mẹ thật ấm áp và an bình. Mọi người oà khóc trước những dòng chữ nhỏ bé dày đặc trên cánh diều của tôi: “Lạy Cha, Đấng từ bi nhân hậu! Xin hãy cứu giúp mẹ con”.
 
 
THÁNH GIÁ CHÚA
Maria Nguyễn Thị Trúc Lư ( Gx. Kiên Ngãi )
 
“Anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em”. Câu Lời Chúa kết thúc bài giảng của cha xứ làm tôi giật mình nghĩ đến thằng Long (đứa em trai của tôi). Tôi chưa bao giờ lo lắng hay quan tâm đến nó chỉ vì nó ngang bướng, học đòi. Nhưng bỗng nhiên tôi thấy nhớ nó, thấy thương và lo lắng cho nó. Tan lễ, tôi phóng xe thật thật nhanh về nhà.

- Thằng Long đâu mẹ?
- Nó đi đâu từ sáng đến giờ vẫn chưa về (giọng mẹ mệt mỏi).
Tôi bắt đầu thấy lo, gọi điện cho bạn nó thì không ai bắt máy. Suốt từ trưa đến giờ chưa có hột cơm nào trong bụng mà tôi không thấy đói. Ba đang có việc ở nhà cha xứ. Tôi và mẹ ngồi đợi mãi, đồng hồ đã điểm 11 giờ đêm, mẹ tôi gật gà vì quá mệt mõi sau một ngày làm việc nhưng vẫn cố ngồi đợi con.
- Đã khuya rồi, thôi mẹ vào nghỉ đi để con đóng cửa, chắc nó ham chơi đâu đó ở nhà bạn… (tôi cố tỏ vẻ bình thản để mẹ bớt lo).

        Một giờ nữa đã trôi qua, tôi nằm mà không tài nào chợp mắt được.

- Cô Tám…Cô Tám… Tôi nghe có tiếng gọi mẹ tôi và tiếng đập cửa của ai đó. Tôi và mẹ bật dậy mở cửa. Đó là thằng Tiến (con Bác Hai).
- Gì thế Tiến?

Tôi nghe giọng nó lắp bắp, mồ hôi trên gương mặt nhễ nhãi: “Thằng Long…Thằng Long… bị tai nạn giao thong…”

Mẹ tôi chết lặng trong bóng tối mịt mờ của đêm khuya. Tôi bắt đầu run lên cầm cập, đôi chân như không thể đứng vững được nữa. Mẹ tôi chợt hét toáng lên: “Gọi ba mầy đi, nhanh lên”. Tôi cầm điện thoại mà không biết bấm vào đâu… “Ba ơi, thằng Long bị tai nạn”. Ba tôi tức tốc chạy về như bay. Mẹ sang gọi ông nội. Cả nhà nhốn nháo cả lên.

        Mọi người lên bệnh viện cả, một mình tôi trông nhà và trông em, nước mắt như mưa không gì cản được. Tôi khóc òa lên “Lạy Chúa! Lạy Chúa con! Xin hãy giúp em con! Xin hãy giúp em con!...”. Tôi đợi mãi đến sáng không ai về cả. Tôi định gọi cho ba nhưng lại thôi, chắc ba đang lo lắng.

Có tiếng xe máy của ông nội về, cả mẹ cũng về nữa. “Thằng Long sao rồi nội?” – “Chuyển lên bệnh viện thành phố rồi”- “Ôi, lạy Chúa!”… Mẹ vội vào nhà lấy hết số tiền gia đình chắt chiu, dành dụm mấy chục năm qua (để chuẩn bị xây lại nhà) đi lo cho thằng Long – “Con nhớ lo việc nhà và lo cho em út, thằng Long nặng lắm, nó bị gãy xương đùi, xương bánh chè lại bị nhiễm trùng nữa (mẹ dặn dò tôi). Ông tôi, mẹ tôi, cả cô và chú đều đi cả, lo lắng lại chồng chất lo lắng. Tôi trông nhà và trông em. Bầu trời vẫn yên bình, dòng người vẫn bình thản qua lại trên đường, mọi thứ vẫn như thường ngày, sao chỉ có mỗi gia đình tôi là mọi việc cứ đảo lộn cả lên. Tôi thầm trách Chúa: “Sao Chúa trao cho gia đình con thánh giá nặng như thế, Chúa ơi!”.

Một ngày tồi tệ trôi qua, một tuần rồi lại một tháng, ba tôi không về nhà được hôm nào. Chỉ có mỗi ba mẹ con ở nhà, không khí gia đình chẳng lúc nào có nổi một tiếng cười. Thế rồi ba tôi cũng về, ba gầy đi rất nhiều.

- Chắc phải đưa nó lên bệnh viện lớn nhất thôi.
-Tiền trong nhà giờ không còn lấy một đồng, biết mượn đâu ra số tiền lớn lo cho con bây giờ.
- Phải bán hết bò, hết heo đi chứ không là chân nó không giữ được.
Tôi tình cờ nghe được cuộc nói chuyện giữa ba và mẹ. Tôi ước gì trước kia mình quan tâm em hơn một chút, cố gắng khuyên nhủ nó thì chắc giờ không phải thế này. Tôi thấy bứt rứt, khó chịu…

Ba tôi lại cầm tiền ra đi. Rồi một tháng nữa trôi qua, ba tôi và em tôi về. Xe đưa về tận nhà, ba bế em vào, nó ốm và xanh sao lắm. Nó vẫn chưa đi được vì chân còn mang cùm sắt. Cả nhà tôi chăm sóc cho nó như thể một người bị liệt đôi chân. Những cơn đau khủng khiếp của mười ca phẫu thuật lớn nhỏ đã làm cho nó trở nên khó chịu hơn. Nhưng nó càng khó chịu tôi lại càng thấy thương vì thánh giá mà nó lãnh nhận. Rồi cũng đến ngày Chúa thương cho nó đi lại được, nhưng di chứng vẫn còn đó, nó không đi được bình thường như mọi người.

Hôm nay tôi đi học, tôi dành tiền ăn sáng của mình để mua bánh mì cho nó (vì nó rất thích ăn bánh mì). Tôi hớn hở đạp xe về nhà, cả nhà đi đâu cả rồi, có mấy người đang tụ tập nói chuyện gì đó râm ran trước quán nhà nội tôi. Tôi chạy vào và chợt nghe ai đó nói: “Thằng nhỏ nghĩ nông cạn quá, chuyện gì mà phải uống thuốc sâu tự tử, đúng là quỷ ám rồi mà!”. Túi bánh trên tay rơi xuống đất, tôi như chết lặng trong lời nói của mọi người. “Các cô chú nói bậy gì đấy?” ( Tôi hét lên như muốn vỡ tung tất cả). Mọi người ngần ngại giải tán, một mình tôi đứng sững sờ. Tôi không tin và cũng không muốn tin. Chuyện gì đã xảy ra với em con Chúa ơi!... Tôi trách Chúa, tôi đang thật sự trách Chúa.

Xe taxi đưa ba về, cả thằng em nữa. Nó đã được súc ruột rồi, mọi việc đã ổn cả. Tôi nghe mẹ kể lại là một người trong xóm đã nói với nó: “Mầy đi chân cà nhắc vậy thà chết còn sướng hơn!”. Cái tuổi mới lớn đầy tham vọng và bồng bột của nó đã khiến nó làm chuyện dại dột như vậy. Càng thương em bao nhiêu tôi càng thấy căm ghét người đã gieo vào đầu nó ý định tự tử bấy nhiêu. Tôi ước gì có thể xin Chúa cho gia đình họ gặp chuyện không may như gia đình tôi, để họ hiểu được nỗi đau và sự lo lắng.

Thế rồi tia hy vọng quay trở lại, những thử thách qua đi khiến em tôi càng trưởng thành hơn, chân nó đã bình phục hẳn. Bữa cơm  gia đình hôm nay thật ấm cúng, hạnh phúc. Ba tôi ngồi kể lại những giờ phút nguy kịch của các ca mổ, tưởng chừng như phải cắt bỏ chân, nhưng nhờ ơn Chúa mọi sự luôn bình an. Ba tôi say sưa kể và luôn miệng tạ ơn Chúa. Tôi thấy mình thật hổ thẹn trước đức tin mạnh mẽ của ba. Lòng hận trách của tôi dường như cũng tan biến đâu mất. “Lạy Chúa, con xin lỗi Chúa. Xin Chúa tha tội cho con”. Và cũng từ ngày đó tôi nhận ra tình thương Chúa thật vô bờ bến. Tôi nhận ra mỗi khi được ở bên Chúa lòng tôi luôn thanh thản và bình an. Đó có lẽ chính là khởi đầu để tôi nuôi dưỡng ý định chọn con đường đi theo Chúa. “Lạy Chúa, thánh giá Chúa con xin lãnh nhận. Xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng, để con sống xứng đáng là con Chúa hơn. Amen”.
 
 
MÙA CHAY CUỐI CÙNG
Phạm Thị Kim Viên ( Gx. Mằng Lăng )
 
( Uyển Nghi và Đại Phong là đôi vợ chồng nghèo, còn trẻ, sống trong căn hộ thuê ở vùng ngoại ô xa trung tâm thành phố. Hai người làm cùng công ty, Uyển Nghi là công nhân may còn Phong làm phụ bếp.Tuy công việc bận rộn nhưng họ không nghỉ buổi lễ chủ nhật nào. Lúc ấy là vào Mùa chay. Uyển Nghi bị bệnh hiểm nghèo. Cô đếm từng ngày còn lại của Mùa chay, chờ khi nào đến ngày cuối cùng thì cô cũng buông xuôi, lìa đời…)
 
Trên đường đi làm về, Phong ghé tạt qua bệnh viện thì thấy Uyển Nghi đang ngủ. Phong đưa tay kéo tấm màn che kín cửa sổ qua một bên, ánh sáng chói vào mắt làm Nghi thức dậy.

- Anh đi làm về rồi à? – Nghi hỏi.
- Ừ! Anh mới về. Em nằm yên đi không cần phải ngồi dậy làm gì… Anh đi mua cháo cho em ăn nhé!
- Dạ thôi. Em không muốn ăn cháo thịt em, chỉ muốn ăn một bát cháo hành do chính tay chồng em nấu. Hôm nay là ngày thứ mấy của Mùa chay rồi anh?
Không gian chợt trở nên im lặng hơn…
- Em là người bệnh không cần phải ăn chay đâu em.
- Không sao đâu anh, em ăn được mà… Anh à!Em có ý này, gia đình mình mỗi ngày bớt một ít tiền sinh hoạt để bỏ vào chú heo đất, đến hết Mùa chay đập ra lấy tiền đó làm một việc bác ái được không anh? Anh cứ xem như đây là ý nguyện cuối cùng của em trong Mùa chay này.
Đôi mắt của Phong ngấn đỏ, anh cố nuốt nước mắt vào trong.
- Thôi em nghỉ đi, anh về nấu cháo đem đến cho em.
Cái cô đơn nhất trong thế gian này là một tâm hồn đang chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi xa xôi mãi mãi của mình. Khi những dây ràng buộc Nghi với Phong và với thế gian cứ lơi lỏng dần từng sợi một, ý nghĩ kì quặc ấy hình như càng choán lấy tâm trí cô mạnh mẽ hơn.
- Em xem anh mang đến thứ mà em thích đây.
- Gì thế anh? Em tò mò quá.
- Tèn..tén..ten… Hoa lan màu tím, loài hoa mà em yêu thích.
- Chồng em đúng là số một!
- Thôi em ăn cháo đi.

*  *  *

Ánh nắng buổi sáng như xé toạc tấm rèm cửa chiếu vào mắt Nghi. Cô tỉnh dậy không thấy Phong đâu, chỉ thấy tờ giấy trên bàn ghi: “Em ăn cháo và nhớ uống thuốc, anh đi làm rồi chiều sẽ về với em”. Uyển Nghi đưa mắt nhìn về phía xa xăm, một ngày mới lại đến và ngày cũ sẽ qua đi, cũng đồng nghĩa với việc cô đang tiến gần đến cánh cửa của cái chết. Cô đang đứng giữa lằn ranh sự sống và cái chết, nó mong manh như sợi tóc. Có thứ nước gì mặn mặn, chát đắng ở môi cô. Cô ngồi dậy tưới nước cho cây hoa lan. Vẫn như thường ngày, cô lần những tràng chuỗi cuối cùng và tiếp tục đọc quyển sách “Quà tặng cuộc sống” còn đang dang dở. Dạo này, cô thấy sức khỏe mình yếu đi rất nhiều…

- Anh Phong! Bác sĩ muốn gặp anh – Thấy anh đến , cô y tá vội bảo.
- Vâng! Tôi sang ngay.

Và lời của bác sĩ như xói vào tim anh: “Vợ anh bệnh rất nặng đã đến giai đoạn cuối rồi. Chúng tôi đã cố gắng hết sức, xin lỗi anh. Thời gian bốn mươi ngày đã gần đến, anh hãy làm những gì mà cô ấy thích…”

Phong một mình dạo bước trên hành lang. “Mình biết phải nói gì với cô ấy bây giờ, mình sợ phải đối mặt với cô ấy”…

- Em đang ghi gì thế?
- Dạ đâu có, em đang tính xem mình đã bỏ vào chú heo đất này được bao nhiêu tiền rồi. Có phải bác sĩ nói em sắp chết rồi phải không anh? Hôm nay là ngày thứ mấy Mùa chay rồi anh?

Những câu hỏi dồn dập của Nghi làm anh vô cùng đau xót. Anh ôm cô vào lòng:
- Không đâu! Em sẽ sống mãi với anh đến già. Anh không cho em chết.

Thời gian trôi qua thật nhanh, ngày thứ bốn mươi đã đến – cái ngày mà cả Phong và Nghi đều sợ, không ai dám nhắc tới.

- Anh Phong, em muốn ra ngoài đi dạo hít thở không khí trong lành.
- Được, để anh đưa em đi.

Đã lâu rồi, Nghi không được nhìn thấy quang cảnh bên ngoài, cô cảm thấy bầu trời sao to rộng thế này còn mình sao nhỏ bé thế.

- Anh à! Em mệt rồi muốn vào phòng nghỉ.

Phong đưa cô trở vào phòng.

- Em rất nhớ món cháo đậu anh nấu cho em ăn!
- Ừ!Đợi anh chút nhé, nhanh thôi.

Cô cố gắng nhìn kĩ gương mặt thân yêu của chồng lần cuối, cô dõi theo từng bước đi của Phong cho đến khi khuất bóng. Những cơn đau dữ dội bắt đầu trỗi dậy làm cô đau đớn không thể nào chịu được, cô biết tử thần đang đứng cạnh mình. Uyển Nghi cố gắng đặt bức thư dưới chú heo đất rồi để lại gần cây hoa lan, cô chìm dần vào giấc ngủ thiên thu với nụ cười tươi tắn trên môi…

- Uyển Nghi, anh mang cháo đến cho em rồi đây…

Không gian im ắng làm anh lo sợ. Anh cảm thấy toàn thân run rấy, chân không bước đi được. Anh thả bát cháo rơi xuống đất, chạy tới ôm vợ mình vào lòng: “Sao em nhẫn tâm bỏ anh lại một mình trên cõi đời này. Em đang ngủ phải không? Mau tỉnh dậy đi! Anh mang cháo đến cho em đây… Thế là Chúa đã mang em ra xa tầm tay anh rồi. Không lẽ đây là Mùa chay cuối cùng với em…”. Anh   chợt nhìn thấy tờ giấy trắng dưới chú heo đất, liền cầm lên đọc.

Anh à! Khi anh đọc bức thư này thì em đã không còn trên cõi đời này nữa. Xin lỗi, vì em không làm tròn trách nhiệm làm vợ của mình. Nếu được lựa chọn lại, em vẫn muốn mình được làm vợ anh, được chăm sóc anh tốt hơn. Anh à! Anh hãy lấy số tiền trong chú heo này dến trại trẻ mồ côi, nấu cho các em một bữa ăn thật ngon. Đó là việc cuối cùng em làm được trong Mùa chay này. Anh phải tự chăm sóc mình khi không có em bên cạnh nhé…”.

Không gian trong phòng tràn đầy màu tím hoa lan, màu sắc đượm nét buồn và đượm tâm tình Mùa chay. Vài ngày sau, anh đã dùng số tiền ấy đến làng trẻ em SOS, nấu cho các em một bữa ăn thật ngon. Anh nhìn thấy những nụ cười hạnh phúc trên khuôn mặt bé nhỏ ngây thơ của các em. Anh có cảm giác Nghi đang ở đâu đó giữa những đứa trẻ này, rất gần anh và cũng đang mỉm cười. Trên đường về, anh ghé mua một đóa hồng tím đặt lên mộ Nghi và dùng một tấm vải lau mộ, anh muốn ngắm nhìn lại khuôn mặt cô thật kĩ.

Anh đã hoàn thành xong ước nguyện của em trong Mùa chay cuối cùng này rồi. Em rất vui và hạnh phúc phải không, anh cũng thế.
 
 
MÙA CHAY YÊU THƯƠNG TRỞ LẠI
Anê Lê Th ( Gx. Vườn Vông )
 
Nhìn lại những ngày tháng đã qua, tôi vô cùng xấu hổ khi đứng trước Chúa. Tôi cảm thấy xấu hổ cho chính bản thân mình vì cuộc sống mê muội, bê tha của tôi. Từng ngày, từng tuần, từng tháng trôi qua như con gió. Kèm theo đó là những tính hư nết xấu của tôi: Nào là làm biếng đi lễ, ban đêm đi ngủ không chịu đọc kinh… và rất nhiều lỗi xấu khác nữa. Rồi đến ngày kia, tôi chợt nhận ra tội lỗi của mình trong buổi lễ đầu Mùa Chay. Qùy trước Chúa lòng tôi hổ thẹn, ngại ngùng làm sao! Dường như ánh mắt người nhìn tôi rất buồn nhưng thật hiền dịu. Ánh mắt của Chúa đang nói chuyện, tâm sự cùng tôi. Bao nhiêu câu hỏi Người muốn hỏi tôi vang lên trong tâm hồn tôi: “Tại sao con không chịu đi lễ? Khi đi ngủ con đã làm biếng không đọc kinh trước khi ngủ? Con có biết con làm như vậy ta buồn lắm không?...”. Tôi nhìn Chúa với ánh mắt bối rối, sợ hãi và chợt ứa nước mắt. Cũng chính ngay lúc đó tâm hồn tôi nhóm lên niềm tin, soi rọi đến từng tế bào, làm cho dây thần kinh sống lại. Nỗi sợ hãi thay bằng sự dũng cảm, tôi từ trong tâm lòng đã mạnh dạn thưa với Chúa rằng: “Con xin lỗi Chúa rất nhiều. Con biết Chúa không bao giờ bỏ con. Giờ đây con quyết sống tốt hơn. Và bắt đầu biết siêng năng, chăm chỉ đến với Chúa” - “Reng… Reng…”, tiếng chuông báo hiệu cha sở sắp lên bàn thờ làm tôi chợt tỉnh lại trong cuộc trò chuyện với Người.

Qua ngày hôm sau tôi bắt đầu một cuộc sống mới. Trên đường đi học tôi gặp không ít cảnh đời éo le, thảm thương như: Những con người nghèo khổ đi ăn xin, lũ trẻ không ai nuôi dạy đi lang thang…”. Tôi không phải là đứa con trong gia đình nhà giàu, chính vì vậy tiền tiêu vặt rất ít. Tôi đã nhín lại và cho họ vài ngàn. Dù là ít nhưng tâm hồn tôi cảm thấy vui lắm. Chiều chiều đang xem phim hay, nghe tiếng chuông nhà thờ rung lên là tôi bỏ ngaang bộ phim. Tôi lo tất tưởi đi thay đồ để đi lễ. Vì cái tính hay quên của tôi nên tôi đã viết 5 chữ trong mẫu giấy nhỏ để nơi góc học tập, đó là: “Đọc kinh rồi đi ngủ”. Thế là tôi yên tâm, hàng đêm tôi đọc kinh, tâm sự cùng Chúa rồi mới đi ngủ. Càng lúc tôi càng tiến gần đến bên Chúa để nghe lời Người răn dạy hơn nữa. Tâm hồn tôi cảm thấy thật thanh thản, nhẹ nhàng khi đi lễ, đọc kinh. Ánh mắt của Thiên Chúa đã mĩm cười thân thương với tôi một cách hài lòng.

Và rồi, thế là một Mùa Chay nữa lại sắp qua đi. Chưa bao giờ tôi cảm nhận được ý nghĩa của Mùa Chay  là mùa của ăn năn, sám hối như năm nay (2013). Lạy Thiên Chúa là đấng yêu thương và toàn năng! Xin thương ban ơn trở lại cho tất cả chúng con. Không chỉ thế, xin Ngài cho những con người lầm lỗi, đang sống trong biển tội lỗi biết quay lại cùng Ngài. Xin Ngài che chở, ban thêm sức mạnh thay sự yếu đuối và lòng kiên nhẫn cho tất cả mọi người đang và đã bước trên con đường trở lại cùng Người. Con tự trải lòng mình trên những bài văn, và hằng cầu nguyện cùng Chúa thứ tha, ban ơn cho những ai biết nhìn nhận lỗi lầm để quay về bên Người, như đứa con đã một lần vấp phạm này của Chúa.
 
 
Tác giả bài viết: Hoa Biển 9
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 43
  • Khách viếng thăm: 24
  • Máy chủ tìm kiếm: 19
  • Hôm nay: 17808
  • Tháng hiện tại: 326693
  • Tổng lượt truy cập: 12616405