Trang mới   https://gpquinhon.org

Tại sao Chúa Giêsu nguyền rủa cây vả? (Mc 11, 12-14. 20-21)

Đăng lúc: Chủ nhật - 09/03/2014 19:01



Hôm sau, khi thầy trò rời khỏi Bêtania, thì Đức Giê-su cảm thấy đói. Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Người đến xem có tìm được trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả. Người lên tiếng bảo cây vả: "Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa! " Các môn đệ đã nghe Người nói thế.
 
Thầy trò đến Giêrusalem. Đức Giêsu vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu. Người không cho ai được mang đồ vật gì đi qua Đền Thờ. Người giảng dạy và nói với họ: "Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp! " Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giêsu. Quả thế, họ sợ Người, vì cả đám đông đều rất ngạc nhiên về lời giảng dạy của Người. Chiều đến, Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi thành.

Sáng sớm, khi đi ngang cây vả, các ngài thấy nó đã chết khô tận rễ. Ông Phêrô sực nhớ lại, liền thưa Đức Giêsu: "Kìa Thầy xem: cây vả Thầy rủa đã chết khô rồi!

Mc 11,12-14.20-21[1]
 


 Sébastien Doane

Chúa Giêsu có lạm dụng quyền năng và xử sự vô lý không? Thật vậy, Tin Mừng nói quá rõ ràng là chưa tới mùa vả ra trái mà! Chúa Giêsu không tìm thấy trái vả nào trên cây thì đó là chuyện đương nhiên. Thế tại sao Ngài lại nguyền rủa cây vả? Phải chăng Ngài hơi nóng tính ?

Nhiệm vụ của trình thuật là khơi gợi cho độc giả đặt những câu hỏi. Thoạt tiên, ở đây Chúa Giêsu trông giống như một phù thủy đáng sợ có thể làm mọi điều mình muốn. Thánh Marcô cũng không che giấu tính lạ thường của câu chuyện. Thêm vào đó, sự khẳng định rằng thời gian này chưa phải là mùa vả làm cho ta hiểu rằng cần phải hiểu những gì đang xảy ra chỉ có tính biểu tượng. Vậy thì cây vả không trái bị Chúa Giêsu nguyền rủa và chết khô biểu tượng cho điều gì ?

Cơn giận dữ ở Đền Thờ

Trình thuật về cây vả không sinh trái được chia làm hai: bắt đầu với các câu 12 đến 14, và kết thúc với các câu 20-21. Nằm giữa hai phần này cảnh cơn giận dữ của Chúa Giêsu nơi Đền Thờ (Mc 11,15-19):

 
Thầy trò đến Giêrusalem. Đức Giêsu vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu. Người không cho ai được mang đồ vật gì đi qua Đền Thờ. Người giảng dạy và nói với họ: "Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp! " Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giêsu. Quả thế, họ sợ Người, vì cả đám đông đều rất ngạc nhiên về lời giảng dạy của Người. Chiều đến, Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi thành.

Trong hai trình thuật đan xen nhau này, Chúa Giêsu dường như rất giận dữ. Tại sao? Để hiểu trình thuật cây vả, phải nhìn cây vả như là biểu tượng cho Đền Thờ. Cây vả không sinh trái là hình ảnh tượng trưng cho sự vô hiệu quả của Đền Thờ và các cơ chế Do Thái giáo. Như Ngài đã nguyền rủa cây vả, Chúa Giêsu cũng rượt đuổi những người buôn bán trong Đền Thờ và lật bàn ghế đổi tiền của họ.

Các bản văn Cựu Ước cũng dùng hình ảnh cây vả không sinh trái để nói lên cơn giận dữ của Thiên Chúa đối với dân mình[2]. Một câu gần với trình thuật của chúng ta nhất là sách ngôn sứ Giêrêmia 8,13: “Ta quyết sẽ thu về - sấm ngôn của Đức Chúa -, không để trái nào trên cây nho, không để trái nào trên cây vả, cả lá cây cũng phải héo tàn, vì Ta sẽ trao chúng cho những kẻ qua đường”. Trong trích đoạn này, ngôn sứ Giêrêmia nói với các vị tư tế Đền Thờ Giêrusalem. Ông nói với họ về cơn giận dữ của Thiên Chúa, Đấng xem họ như cây vả không sinh trái. Ngài sẽ để cho những kẻ qua đường chà đạp cây vả này. Trong bối cảnh này, cây vả bị tàn phá tiên báo Đền Thờ bị người Babylone phá hủy. Thiên Chúa để cho quân đội ngoại quốc phá hủy Đền Thờ vì dân Ngài bất trung.

Trong Tin Mừng, cây vả không sinh trái cũng đóng vai trò biểu tượng. Các kitô hữu sơ thời có lẽ đã hiểu về sự kiện người Roma phá hủy Đền Thờ vào năm 70[3] và sự đáp ứng tiêu cực của một số người Do Thái trước lời rao giảng của họ khi sử dụng hình ảnh cây vả bị phá hủy vì không sinh trái.

 Như vậy, trình thuật về cây vả mời gọi các môn đệ chuyển từ việc thờ phượng xơ cứng ở Đền Thờ sang một cung cách thờ phượng mới. Chúa Giêsu mời họ chuyển từ Đền Thờ do tay người phàm sang một đền thờ khác không do bàn tay con người xây dựng (Mc 14,58: Chúng tôi có nghe ông ấy nói: Tôi sẽ phá Đền Thờ này do tay người phàm xây dựng, và nội ba ngày, tôi sẽ xây một Đền Thờ khác, không phải do tay người phàm!). Nơi thánh không còn là Đền Thờ nữa mà là chính tâm hồn của con người hiệp thông với Thiên Chúa.
 

[1] Xem trình thuật này trong Mr 21, 19-22.
 
[2] Xem Hs 9, 16-17: Épraim đã bị đánh nhừ đòn, gốc rễ của chúng bị héo khô, chúng không mang lại hoa trái gì được. Và giả như chúng có sinh sản, Ta cũng sẽ giết chết những đứa con yêu quý chúng đã cưu mang. Thiên Chúa của tôi sẽ xua đuổi chúng, vì chúng không chịu nghe lời Người; giữa chư dân, chúng sẽ phải lang thang phiêu bạt.;

Ge 1, 7: Vườn nho của Ta, chúng biến nên chốn hoang tàn, cây vả của Ta, chúng làm thành đống củi vụn. Chúng tước sạch vỏ, hạ đổ thân cây, bóc cành trắng hếu.

Kb 3, 17: Thật thế, cây vả không còn đâm bông nữa, cả vườn nho không được trái nào. Quả ôliu, đợi hoài không thấy, ruộng đồng chẳng đem lại gì ăn. Bầy chiên dê biến mất khỏi ràn, ngó vào chuồng, bò bê hết sạch.

Mk 7, 1: Khốn thân tôi! Vì tôi giống như người hái quả trong mùa hè, như người đi mót nho trong mùa thu hoạch: không tìm được chùm nho nào để ăn, chẳng gặp quả đầu mùa tôi hằng ưa thích.

 
[3] Sau cuộc nổi dậy của người Do Thái vào năm 70, người Roma đã tấn công Giêrusalem và phá hủy Đền Thờ.
 
 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn MInh Chính chuyển ngữ
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 28
  • Hôm nay: 6592
  • Tháng hiện tại: 124690
  • Tổng lượt truy cập: 12268950