Trang mới   https://gpquinhon.org

"Đi tu" hai chữ, một sự chuyển dời

Đăng lúc: Thứ bảy - 26/01/2013 02:57
“ĐI TU” HAI CHỮ, MỘT SỰ CHUYỂN DỜI
 
Nhân ngày cử hành Năm Đức Tin cho những người sống đời thánh hiến tại giáo phận Qui Nhơn, 02-02-2013, xin gửi đến các tu sĩ nam nữ, cách riêng các nữ tu, bài viết “ĐI TU” HAI CHỮ, MỘT SỰ CHUYỂN DỜI, với hy vọng tạo được đôi phút thư giãn nào đó cho một ai đó đang cần đến nó.
 
Một cô gái tuổi đời mới qua độ trăng tròn, mới tốt nghiệp phổ thông trung học, tương lai đang mở ra với biết bao mời mọc, cuộc đời đối với cô đầy quyến rũ và cô cũng đầy hấp dẫn đối với cuộc đời. Bỗng dưng một ngày nào đó cô nhẹ nhàng bước lên xe, ra đi trước những giọt nước mắt của cha mẹ và người thân, trước sự ngỡ ngàng của bà con lối xóm, và đôi khi trước sự đau khổ của một chàng trai nào đó đang trộm nhớ thầm yêu cô. Người ta kháo láo với nhau: “Cô ta đi tu đấy!”
 
Mà tại sao chữ “tu” phải đi liền với chữ “đi” nhỉ? Tại sao phải đi để gây xót xa cho người ở lẫn kẻ đi nhỉ? Tại sao đời tu phải bắt đầu bằng cuộc ra đi, bằng sự chia li nhỉ? Tôi đi ra đi vào thẩn thơ suy nghĩ về cái chữ “i-đờ-i-đi” ấy. Vừa đi vừa suy nghĩ về chữ “đi”, âu cũng là cách tốt nhất để hiểu nó. Nhìn vào cử động đi của mình, tôi bỗng thấy lóe lên một câu trả lời. Đi là một cử động của thân xác di chuyển trong không gian từ một địa điểm này sang một địa điểm khác.
 
Cùng một ý nghĩa di chuyển đó, chữ “đi” trong tiếng Việt thường được gắn liền với một hay nhiều chữ khác và thế là ta thấy nó không phải là một đứa bé mồ côi trơ trọi, tứ cố vô thân, trái lại nó có cả một dòng họ đông đúc đứng đằng sau, mà khi đứng với chữ này nó có nghĩa thế này, khi đứng với chữ khác nó có nghĩa thế kia. Chà! Vấn đề đã bắt đầu trở nên rắc rối rồi đây. Không ngờ mình bứt dây động rừng. Thôi thì đàng nào mình cũng phải nhận diện cho rõ cái khối bà con dòng họ của nó để biết rõ nó hơn.
 
“Đi” trước hết có nghĩa là di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác bằng những bước chân, như trẻ tập đi, đi từng bước, đi bách bộ. Khi những bước chân được trang bị hay không bằng những vật dụng, ta nói: đi giày, đi dép, đi chân không. Nhiều lúc người ta không đi bằng đôi chân, nhưng bằng các phương tiện vận chuyển, như đi tàu hỏa, đi xe, đi máy bay, đi tàu thủy Động tác đi đôi khi cũng được áp dụng cho sự vật vô tri, chẳng hạn: xe đi mau, tàu đi chậm; hoặc khi áp dụng cho thời gian, ta cũng nói: thời gian đi nhanh. Trong chiều hướng đó, chữ “đi” còn có nghĩa là làm cho sự vật xê dịch, chẳng hạn: đi con bài, đi con tốt, đi con mã, đi con xe.
 
“Đi” còn biểu thị phương hướng của hoạt động, như: bắn đi đường nào? thư gửi đi đâu? đi sâu vào vấn đề, công việc đi vào nề nếp, hội nghị đi đến nhất trí; hoặc diễn tả quá trình hoạt động dẫn đến sự thay đổi, như nhìn đi chỗ khác, cắt đi chỗ thừa, xóa đi dấu vết, ăn kiêng để gầy đi, nói lời an ủi để làm cho nỗi buồn vơi đi.
 
Dù dưới hình thức nào, chữ “đi” cũng vẫn nói lên cái bản chất của nó là di chuyển, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vì vậy chữ “đi” có thể bày tỏ một sự thúc giục, một mệnh lệnh, một sự sai khiến người khác làm một việc gì, nghĩa là đòi một sự thay đổi tình trạng hay thái độ. Chẳng hạn, muốn các em đừng khóc nữa, ta bảo: “nín đi”; muốn các em đừng la hét nữa, ta bảo: “im đi”; muốn các em đừng ngậm miệng làm thinh, ta bảo: “nói đi”; muốn các em đừng biếng nhác, ta bảo: “làm đi”; muốn các em đừng giữ lấy một vật gì, ta bảo: “bỏ đi”, “vất đi”.
 
Ngoài ra, “đi” còn là di chuyển để làm một việc gì, thực hiện một dự định nào đó, chẳng hạn: đi làm, đi chơi, đi dạo, đi dạy, đi nhảy, đi coi hát, đi xem đá bóng. Có khi đi là di chuyển để làm một việc gì, nhưng làm một cách lâu dài, thường xuyên, do một sự lựa chọn theo chuyên môn, theo sở thích, theo một nghề nghiệp hoặc một lý tưởng, như: đi lính, đi lấy chồng, đi bước nữa, đi đạo, đi tu. Cuối cùng, đi là di chuyển từ cõi đời này sang thế giới bên kia, như: đi đứt, đi đời, đi đời nhà ma.
 
Bây giờ chúng ta mới hiểu được tại sao người ta nói “đi tu”, chứ không “đứng tu” hay “ngồi tu”, bởi vì chữ “tu” nói lên một sự di chuyển, đổi đời. Trước hết, hai chữ “đi tu” làm chúng ta liên tưởng đến một sự di chuyển trong không gian: người thì từ miền dưới đi lên; kẻ thì từ miền trên đi xuống; người thì từ miền Nam đi ra, kẻ thì từ miền Bắc đi vào. Hễ tu thì phải xuất gia, ra khỏi gia đình, để đi sống ở một nơi khác. Câu nói:“Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ hơn là đi tu” có lẽ chỉ nhằm đề cao bổn phận của con cái đối với cha mẹ mà thôi. Bên đạo Phật, đi tu thì phải vào chùa. Trong đạo công giáo, đi tu thì phải vào tu viện, chủng viện, đan viện, hoặc nơi yên tịnh nào đó như các vị ẩn tu ngày xưa.
 
Sở dĩ có sự di chuyển trong không gian như thế là vì yếu tố môi trường ảnh hưởng không ít đến đời tu. Người ta khó mà tu tại gia, vì nếp sống gia đình ở giữa thế gian cạnh tranh giành giật không thích hợp để làm triển nở lý tưởng tu hành. Bầu khi gia đình nhộn nhịp, ồn ào, phàm tục, không thích hợp với những con người mà cuộc đời của họ được gắn liền với cái gì thánh thiêng, bởi vì cái thánh thiêng đồng nghĩa với tách biệt. Dĩ nhiên dù sống tại gia đình hay sống trong tu viện cũng đều sống giữa trần gian, theo nghĩa trần gian là thế giới của người sống, nhưng cuộc sống tu trì phải thoát ly khỏi những trói buộc của trần gian theo nghĩa trần gian là thế tục. Vì thế Chúa Giêsu đã không xin Chúa Cha đưa các môn đệ ra khỏi thế gian, nhưng chỉ xin Chúa Cha gìn giữ họ khỏi sự dữ.
 
Sự di chuyển trong không gian chỉ là điều kiện cho một sự di chuyển khác quan trọng hơn, đó là sự di chuyển, sự biến đổi trong nhân cách, một sự biến đổi từ con người phàm tục, con người thế gian, thành người tu hành, người của Chúa.
 
Để nói lên sự biến đổi ấy, bên đạo Phật người ta cạo đầu, mặc áo cà sa; bên công giáo người ta đội lúp, mang áo dòng, v.v. Nhưng tục ngữ có câu: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”, nghĩa là không thể đánh giá sự thay đổi căn bản trong con người chỉ bằng sự thay đổi ở bên ngoài. Mặc áo nhà tu, nhưng tâm hồn chưa thoát tục thì chưa phải là chân tu. Dĩ nhiên chiếc áo cũng có vai trò nhắc nhở người ta luôn nhớ đến lý tưởng tu hành của mình. Nhờ mặc áo tu hành mà người tu sĩ buộc phải sống đoan trang hơn.
 
Ở ngoài đời các cô gái thường thích sửa soạn, chải chuốt, ăn mặc theo mốt thời trang, áo quần lả lướt, màu mè hấp dẫn, nước hoa ngào ngạt, tô son đánh phấn tạo ra những cặp mắt mơ huyền, lông mày lá liễu, đôi môi đỏ thắm, tay đeo vòng vàng nhẫn ngọc, v.v., tất cả nhằm tạo sự hấp dẫn đối với người khác. Nhưng khi bước chân vào nhà tu, người ta không muốn bận tâm về những thứ đó nữa: không đồ trang sức, không áo quần lòe lẹt, không phấn không son. Đồ trang sức của họ giờ đây là các nhân đức. Càng đơn giản ở hình thức bên ngoài, càng trung thực ở con người bên trong. Sự hấp dẫn của người nữ tu vẫn còn, nhưng giờ đây không nằm trong  những đồ trang sức giả dối, nhưng trong tư cách, tính tình, nếp sống đạo đức.
 
Như vậy đi tu là thay đổi, là di chuyển, là ra đi từ cuộc sống này đến cuộc sống khác, một cuộc sống khác phải tích cực hơn cuộc sống này, phải đáp ứng ước mơ của người ra đi, nếu không thì là một cuộc tự sát, một sự mất mát khôn lường.
 
Sự di chuyển hay sự ra đi này là một cuộc hành trình không ngơi nghỉ cho đến chết. Vì thế hai chữ “đi tu” không phải chỉ áp dụng vào ngày tôi lên đường vào tu viện, nhưng nó mãi mãi đi theo tôi suốt cả cuộc đời. Toàn bộ đời tu là một cuộc ra đi, một chuyến hành trình liên tục.
 
Đi là bước vào một con đường để đến một nơi nào đó mà tôi mơ ước. Bản chất của đường là để đi, nên đường không bao giờ là nơi cư trú, mà là để dẫn đến nơi cư trú. Như vậy kẻ dùng đường làm nơi cư trú thì chẳng bao giờ đến được nơi cư trú của mình. Đôi khi trên con đường tu trì nắng gắt và bụi mù gió lộng, ta gặp được vài bóng cây, vài quán trọ, và ta cảm thấy dịu mát êm đềm. Nhưng nếu ta dừng lại nơi những bóng cây hay quán trọ đó và chọn làm nơi cư ngụ vĩnh viễn thì chắc chắn sẽ chẳng bao giờ ta đến đích. Đến đây tôi xin tặng quí độc giả một tâm tình, một cảm nghiệm mà tôi chuyển thành những vần thơ như sau:
 
Từ buổi lên đường làm viễn khách
Ta thành kẻ lạ giữa quê hương
Đời với ta có gì xa cách
Ta lạc loài ngay giữa cố hương
Xung quanh ta bao người nô nức
Xây dựng nhà lập tổ uyên ương
Trong mái ấm gia đình hạnh phúc
Vợ cùng chồng hai chữ yêu thương
Ta nhìn lại mình chẳng giống ai
Sao không dừng lại như bao người
Mà cứ đi hoài như kẻ dại
Đếm tuổi thời gian đã mấy mươi
Có lúc dừng chân nơi lữ quán
Cất gánh hành trang ta ngủ say
Một giấc thật dài cho đến sáng
Chút tình quán trọ một thoáng bay
Đời với ta khác chi quán trọ
Còn là đường chưa phải quê hương
Đừng níu kéo ta chi, quán nhỏ
Thôi giã từ, ta phải lên đường
                                     (1984)
 
Đi tu là một cuộc lên đường liên tục. Quê hương không có sẵn nhưng được hình thành theo từng bước ta đi. Mơ ước lên đường thì bao giờ cũng đẹp, nhưng để thực hiện việc lên đường lại không dễ chút nào. Hạnh phúc đẹp chỉ dành cho những tâm hồn dám lên đường tìm kiếm. Muốn nhìn vũ trụ mênh mông ta phải giã từ mặt đất, cất cánh theo chim trời. Nếu con sùng chỉ lặng lẽ sống dưới mặt đất như loài giun, thì nó chẳng có lý do để oán trách sao cuộc đời chung quanh chỉ là tối tăm và đậm đặc mùi ẩm mốc. Nó phải hóa thân thành con cánh cam và lúc đó người ta sẽ ngước mắt nhìn theo và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó. Tất cả vũ trụ là của nó. Tôi sinh ra trong thân phận sâu, nhưng không để suốt đời làm sâu, mà được kêu gọi hóa thân thành bướm, như lời Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy đã chọn anh em từ giữa thế gian” (Ga 15,19; 17,16).
 
Bất cứ cuộc lên đường nào cũng có giã từ, vì thế mới có ngần ngại, bịn rịn, lệ rơi. Càng gắn bó, lúc xa cách càng luyến nhớ. Sâu đậm bao nhiêu lúc giã biệt sẽ bịn rịn bấy nhiêu. Những rung cảm bất chính đã ở trong dòng máu của tôi, bây giờ tôi phải từ bỏ. Những quan hệ không ngay lành nhưng đem lại cho tôi thú vui trần thế, bây giờ tôi phải cắt đứt. Lười biếng là một thứ quyến rũ như bếp lửa trong chiều đông, nó giữ chân tôi lại. Bởi lên đường là mở cửa ra đi, ngoài kia có gió lạnh làm tôi ngại ngùng. Hy sinh, giã từ quá khứ là một cái giá tôi phải trả để biến đổi bản thân. Việc lên đường đòi hỏi nhiều can đảm.
 
Đọc Tin Mừng ta thấy những biến cố thay đổi cuộc sống của một con người đều là những biến cố lên đường: Simon và Anrê đã bỏ chài lưới, lên đường đi theo Đức Kitô, Giacôbê và Gioan đã từ giã cha già, bỏ thuyền bỏ lưới để lên đường theo Chúa. Cuộc lên đường của các tông đồ ấy là những cuộc lên đường dứt khoát, không do dự, cuộc lên đường của những kẻ muốn tung cánh trên mây ngàn, của những đôi chân không biết mỏi mệt khắp cánh đồng truyền giáo bao la.
 
Để kết luận, mỗi ngày chúng ta hãy thưa với Chúa rằng: đời con sẽ tẻ nhạt biết bao, sẽ cứ là là sát đất nếu con không chịu cất cánh, không lên đường theo tiếng gọi của trời cao. Ngày nào con cũng có lầm lỗi, ngày nào cũng có bóng đen giữ con lại: bóng đen của nghi ngờ, bóng đen của ghen tương, bóng đen của thèm muốn bất chính, bóng đen của lo âu thiếu tin tưởng. Ngày nào con cũng có mù lòa. Vì thế con cần Chúa mở mắt cho con hằng ngày. Và con phải lên đường vào mỗi sớm mại.
 
ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi  
 
Tác giả bài viết: + GM Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Từ khóa:

Đi tu

Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 14
  • Hôm nay: 4339
  • Tháng hiện tại: 136776
  • Tổng lượt truy cập: 12281036