Trang mới   https://gpquinhon.org

Đề tài học hỏi tháng 10 (tuần I)

Đăng lúc: Thứ tư - 02/10/2013 18:21
LƯỢC SỬ TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO PHẬN
GIAI ĐOẠN 1659-1840



BÀI 1 :

SẮC CHỈ « SUPER CATHEDRAM » NGÀY 09.09.1659
THÀNH LẬP HAI GIÁO PHẬN VIỆT NAM ĐẦU TIÊN

Ngày 09/09/1659, Ðức Giáo Hoàng Alexandre VII ban sắc chỉ « Super Cathedram » thành lập 2 giáo phận truyền giáo đầu tiên tại Việt Nam: Giáo phận Đàng Ngoài và giáo phận Đàng Trong, tiền thân giáo phận Qui Nhơn. Sông Gianh là chỉ giới của lãnh thổ Đàng Ngoài và Đàng Trong, cũng là chỉ giới của hai giáo phận đầu tiên trên cánh đồng truyền giáo Việt Nam. Cũng với Sắc chỉ nầy, hai đức cha Phanxicô Pallu và Phêrô Lambert de la Motte được bổ nhiệm làm Đại Diện Tông Tòa hai giáo phận mới được thành lập.

Theo Sắc chỉ nầy :

- Ðức Cha François Pallu được bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa giáo phận Đàng Ngoài, với quyền cai quản gồm Đàng Ngoài cùng các tỉnh của Trung Quốc: Vân Nam, Quí Châu, Hồ Nam, Hồ Bắc, Tứ Xuyên và nước Lào. 

- Ðức Cha Phêrô Lambert de la Motte được bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa giáo phận Đàng Trong, với quyền cai quản gồm Đàng Trong cùng các tỉnh của Trung Quốc: Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông (nay gồm Quảng Đông và Quảng Tây), Đảo Hải Nam và Cam Bốt.  

Ngày 10/09/1659, Thánh bộ Truyền Giáo ban hành bản “Huấn thị gởi các Ðại Diện Tông Tòa đang chuẩn bị lên đường đi Việt Nam và Trung Quốc”. Phần quan trọng nhất của Huấn thị là những hướng dẫn rõ rệt liên hệ đến công việc của các Ðại Diện Tông Tòa trong những xứ mà các ngài làm sứ mệnh thừa sai. Cụ thể là:

- Sứ mệnh căn bản của các Giám Mục Ðại Diện Tông Tòa là đào tạo hàng giáo sĩ địa phương. 

- Các Ðại Diện Tông Tòa không được dính líu vào việc chính trị của những nước mà các ngài được gởi đến và cũng không được nhận những ân huệ hay đặc quyền mà quốc vương các nước này trao ban.

- Về phương diện mục vụ thừa sai, phải thích ứng vào tập tục và thói quen địa phương.

Sau khi được bổ nhiệm và nhận Huấn thị, hai Đức cha, kẻ trước người sau, cùng với một số linh mục thừa sai đã lên đường đến giáo phận. Đoàn thừa sai Đàng Trong gồm Đức cha Phêrô Lambert de la Motte, cha Jacques de Bourges (Gia), cha François Deydier (Phan) và một giáo dân giúp việc là ông Nicolas Legras khởi hành tại Pháp ngày 18/07/1660. Đoàn lên tàu tại Marseille, vượt biển Địa Trung Hải, cập bờ biển Syria, rồi mạo hiểm bằng đường bộ qua Iran, Irac, đến Ấn Độ và Thái Lan, một cuộc hành trình với muôn vàn thử thách, vất vả, gian nguy. Tuy nhiên, đối với Đức cha, cuộc hành trình này là một cuộc hành hương đặc biệt, giúp ngài thăng tiến đời sống nội tâm cho hoàn hảo, thánh thiện hơn. Mỗi chặng dừng chân là một cuộc tĩnh tâm để lắng nghe Chúa Thánh Thần và phó thác vào Thiên Chúa quan phòng. Thái độ đức tin này xuất phát từ sự vâng phục quyết định của Tòa Thánh khuyên nhủ nhằm thử nghiệm mở đường cho các thừa sai đến miền Châu Á . Sau hai năm một tháng bốn ngày, đoàn tới kinh đô Ayuthia, Thái Lan vào ngày 22/8/1662.

Đoàn thừa sai Đàng Ngoài gồm Đức Cha Pallu cùng 7 linh mục và 2 giáo dân khởi hành tại Pháp ngày 03/01/1662, cũng theo đường bộ qua ngả Trung Á. Cuộc hành trình lắm gian lao nguy hiểm không kém hành trình của đoàn thừa sai Đàng Trong. Trong số 10 người cùng ra đi tại Pháp, chỉ còn 4 người sống sót: Đức cha, 2 linh mục và 1 giáo dân, có mặt tại Ayuthia ngày 24/01/1664. 

Hai đoàn thừa sai có mặt tại Ayuthia trong lúc tình hình xã hội Việt Nam chưa được thuận lợi cho việc hai đoàn thừa sai đến tại giáo phận của mình. Các thừa sai tạm ở tại Ayuthia.
 
Tác giả bài viết: Lm. Gioan Võ Đình Đệ
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 20
  • Khách viếng thăm: 11
  • Máy chủ tìm kiếm: 9
  • Hôm nay: 4339
  • Tháng hiện tại: 137662
  • Tổng lượt truy cập: 12281922