Trang mới   https://gpquinhon.org

Đức tin và cộng đoàn Giáo hội - Đề tài học hỏi tháng ba

Đăng lúc: Thứ sáu - 15/03/2013 19:05
ĐỨC TIN VÀ CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI (đề tài 3 & 4)
(Đề tài học hỏi Tháng 3/2013)
 
Lm. Phêrô Trương Minh Thái
3. Ðặc tính truyền rao Đức Tin của Giáo Hội.
 
Mọi Kitô hữu được đón nhận những phương tiện cứu rỗi nhờ việc cử hành đức tin nơi các Bí tích, họ được Chúa kêu gọi đạt đến sự thánh thiện như Chúa Cha trọn lành. Sự trọn lành thánh thiện được thực hiện cách sống động và cụ thể nhờ việc sống Đức Ái Kitô giáo. Và như lời dạy của Đức Thánh Cha Bênêdictô 16 trong Sứ điệp Mùa Chay 2013 : “Bác ái lớn nhất chính là truyền giáo” (số 3). Quả vậy, Giáo Hội luôn xác tín bản chất của mình là truyền giáo. Hay nói cách khác, sống đức tin và rao truyền đức tin cho muôn dân chính là bản chất và đặc tính của Giáo Hội. Công Ðồng Vatican II, trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội số 17 đã quả quyết về đặc tính truyền giáo của Giáo Hội bằng cách định nghĩa rõ ràng mục đích việc truyền giáo và những nguyên tắc của việc tông đồ. Sau đây là những chủ đề:
 
a) Việc truyền giáo đặt nền tảng trong sứ mệnh của Ba Ngôi. Như Chúa Cha đã sai Con mình, Ðấng Cứu Thế cũng sai các Tông Ðồ đi rao giảng, thánh hóa và chăn dắt; Giáo Hội có nhiệm vụ phải lưu truyền sứ mệnh ấy. Ðó là lý do khiến Giáo Hội hiện hữu và tồn tại. Giáo Hội là Giáo Hội truyền giáo do huấn lệnh truyền giáo của Chúa Kitô : “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28,19-20).
 
b) Ðối tượng riêng của việc truyền giáo khi thi hành sứ mệnh đã lãnh nhận, không những là rao giảng Chúa Kitô, nhưng còn phải thiết lập các Giáo Hội bản xứ, và chính những Giáo Hội này cũng mang tính cách truyền giáo nơi người đồng hương của mình, cho những người đang sống trong môi trường xung quanh mình. Hoạt động truyền giáo là chuẩn bị cho con người đón nhận đức tin và phép Thánh Tẩy, giũ bỏ lầm lạc để gia nhập Giáo Hội. Làm thế là thừa nhận và thanh tẩy cho thành tựu tất cả những mầm mống thiện hảo trong tâm hồn mọi người và mọi dân tộc (chuẩn bị cho Phúc Âm).
 
c) Môn đệ nào của Chúa Kitô cũng có nhiệm vụ này. Nhưng chính những Linh Mục có một nhiệm vụ không thể thay thế được. Tất cả Giáo Hội sẽ nhờ kinh nguyện và việc làm để cố gắng thực hiện lần lần sự sung mãn của Dân Chúa, vì vinh quang Chúa Cha trong Chúa Kitô.
 
Một khoa thần học truyền giáo chính đáng phải lưu ý tới ba khía cạnh mà Công Ðồng đã nêu ra đây: vấn đề là phải biết tổng hợp cả ba khía cạnh: khía cạnh nhân loại bản vị (ơn cứu độ của con người), khía cạnh Giáo Hội (việc thiết lập Giáo Hội) và tương quan của cả hai với một ý niệm tập trung về Chúa Kitô và Ba Ngôi.
 
4. Giáo Hội bắt chước nhân đức của Mẹ Maria.
 
Công Ðồng Vatican II, trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội số 65 đã trình bày Ðức Maria như gương mẫu các nhân đức mà Giáo Hội phải noi theo. Việc kính nhớ Mẹ Thiên Chúa làm cho tín hữu thâm hiểu mầu nhiệm Nhập Thể hơn vì có nhiều khía cạnh của mầu nhiệm này biểu hiện nơi Mẹ Thiên Chúa. Ngay từ thời xa xưa, Giáo Hội đã cầu khẩn với Ðức Maria, nhờ thế mà Giáo Hội tiến tới trên con đường đức tin và trên đường sứ mệnh tông đồ, trở nên giống với mẫu mực của mình hơn.
 
Giáo Hội, qua con người của Ðức Nữ Trinh, đã đạt tới sự toàn thiện làm cho mình nên thanh sạch và vẹn tuyền (x. Ep 5,27), nhưng Kitô hữu vẫn còn phải cố gắng chiến thắng tội lỗi để tiến trên đường thánh thiện. Vì thế, họ ngước mắt nhìn lên Ðức Maria là một mẫu gương nhân đức sáng ngời cho toàn thể cộng đoàn những người được chọn. Nhờ thành kính tưởng nhớ Ðức Maria và chiêm ngưỡng Ngài dưới ánh sáng của Ngôi Lời nhập thể, Giáo Hội cung kính tiến sâu hơn vào mầu nhiệm cao thẳm, tức là mầu nhiệm nhập thể, và nên giống Phu Quân mình ngày một hơn.
 
Thực vậy, Ðức Maria đã mật thiết gắn liền với lịch sử cứu rỗi, và có thể nói là Ngài đã qui tụ và phản chiếu nơi mình những đòi hỏi cao cả nhất của đức tin, và khi các tín hữu nghe rao giảng về Ngài và tôn sùng Ngài, họ được Ngài mời gọi đến kết hiệp với hy lễ của Con Ngài và yêu mến Chúa Cha.
 
Phần Giáo Hội càng tìm kiếm vinh quang Chúa Kitô càng nên giống Khuôn Mẫu cao cả của mình, nhờ luôn tiến tới trong đức tin, đức cậy, đức mến, và tìm kiếm cùng vâng theo thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự. Do đó, trong công cuộc tông đồ, Giáo Hội có lý để nhìn lên Ðấng đã sinh Chúa Kitô là người được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và được Ðức Nữ Trinh sinh ra để, nhờ Giáo Hội, cũng sinh ra và lớn lên trong lòng các tín hữu. Ðời sống của Ðức Nữ Trinh là một gương sáng của tình mẫu tử thắm thiết. Tình mẫu tử ấy phải là động lực của tất cả những ai cộng tác vào sứ mệnh tông đồ, sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội để tái sinh nhân loại.
 
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trương Minh Thái
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 28
  • Khách viếng thăm: 17
  • Máy chủ tìm kiếm: 11
  • Hôm nay: 4339
  • Tháng hiện tại: 135735
  • Tổng lượt truy cập: 12279995