Trang mới   https://gpquinhon.org

Đề tài học hỏi tháng 9 (tuần IV)

Đăng lúc: Thứ năm - 19/09/2013 07:54
ĐỀ TÀI HỌC HỎI THÁNG 8 (Tuần IV)
GIÁO DỤC ĐỨC TIN VÀ VIỆC DẠY GIÁO LÝ
(Sách giáo lý của Hội Thánh Công giáo, các số 4-6; 1656, 2225-2226)
 


III. CHA MẸ LÀ NHỮNG NHÀ GIÁO DỤC ĐỨC TIN ĐẦU TIÊN CỦA CON CÁI

Vai trò của các Giáo Lý viên thực sự quan trọng trong việc giáo dục đức tin và nhân bản cho con cái chúng ta. Nhưng theo giáo huấn của Hội Thánh, thì cha mẹ phải là “những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu” của con cái. Còn các Giáo Lý viên chỉ là những người phụ giúp cha mẹ trong sứ mệnh giáo dục này.

1. Không Ai Có Thể Thay Thế Được Cha Mẹ

Tuyên ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo của Công Đồng Vaticanô II viết: “Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng và vì thế họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được” (Gravissimum Educationis (GE), số 3). 

Theo Tông Huấn Familiaris Consortio (FC) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thì quyền lợi và nhiệm vụ giáo dục của cha mẹ là điều thiết yếu, vì việc giáo dục liên quan đến việc truyền sinh; vai trò này là vai trò căn bản và chính yếu so với vai trò của những người khác, bởi vì sự liên hệ độc nhất và yêu thương giữa cha mẹ và con cái; không ai có thể thay thế được và chuyển nhượng được, như thế không ai có thể hoàn toàn uỷ quyền cho người khác hay để cho người khác cướp đoạt quyền này (FC, số 36).

Hai đoạn văn trên cho chúng ta thấy vai trò rất quan trọng của cha mẹ trong việc giáo dục con cái. Đôi khi vai trò này xem ra vượt khả năng của một số phụ huynh. Dù chúng ta có khả năng hay không, thì chính chúng ta là những người chịu trách nhiệm về con cái của mình. Đồng thời không ai có thể hiểu biết và yêu thương con cái chúng ta hơn chúng ta. Cho nên, dù muốn dù không, chúng ta cũng phải lãnh trách nhiệm làm những nhà giáo “đầu tiên và chính yếu” của con cái chúng ta. Dù cha mẹ có là những nhà giáo bất toàn, việc giáo dục của cha mẹ vẫn tốt hơn là khoán trắng cho người khác giáo dục con cái thay cho chúng ta.

2. Giáo Dục là Cộng Tác vào Công Trình Sáng Tạo của Thiên Chúa

Kết quả của tình yêu vợ chồng không phải chỉ giới hạn trong việc sinh sản con cái, nhưng nó được mở rộng và phong phú hoá bằng những hoa quả về luân lý, tâm linh và đời sống siêu nhiên mà cha mẹ được mời gọi để truyền lại cho con cái, và qua con cái đến Hội Thánh và thế giới (FC, số 28).

Công tác giáo dục được bắt nguồn từ ơn gọi chính của đôi vợ chồng là cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa: bằng cách sinh ra vì yêu và để yêu một con người mới là con người có sẵn trong mình ơn gọi lớn lên và tăng trưởng, như thế cha mẹ nhận công tác giúp con người đó sống một đời sống nên người (FC, số 36).

Khi cặp vợ chồng được Thiên Chúa cho phép cộng tác vào việc tạo dựng một con người mới, họ cũng được quyền làm cha mẹ, và chia sẻ vai trò tiếp tục sáng tạo của Ngài. Đó là lý do tại sao sinh sản và dạy dỗ con cái đi liền với nhau. Một trong những lý do tự nhiên đòi hỏi cha mẹ phải chung thủy với nhau vì không những cha mẹ có nhiệm vụ dưỡng dục con cái cho đến khi trưởng thành mà còn có nhiệm vụ cố vấn cho con cái trong việc dưỡng dục cháu chắt của mình. 

Đối với cha mẹ Công Giáo, sứ vụ giáo dục được bắt nguồn từ Bí Tích Hôn Phối, là Bí Tích thánh hiến họ để giáo dục con cái: Bí Tích này mời gọi họ chia sẻ chính quyền bính và tình yêu của Thiên Chúa Cha, và của Đức Kitô vị Mục Tử, và trong tình mẫu tử của Hội Thánh, và phong phú hóa họ bằng ơn khôn ngoan, biết lo liệu, cương nghị, và tất cả những ơn khác của Chúa Thánh Thần để họ giúp con cái trong việc tăng trường như những con người và Kitô hữu (FC, số 38).

3. Nuôi nấng, dạy dỗ và làm thành môn đệ

“Nhờ ơn bí tích Hôn Phối, cha mẹ nhận trách nhiệm và đặc quyền giáo dục đức tin cho con cái. Cha mẹ là những sứ giả đầu tiên của đức tin, khai tâm cho con về các mầu nhiệm đức tin từ lúc chúng còn nhỏ. Họ phải đưa con cái, hòa nhập vào đời sống của Hội Thánh ngay từ lúc còn thơ bé. Nếp sống gia đình có thể tạo nên những tâm tình tốt đẹp, chuẩn bị và nâng đỡ đức tin sống động cho con trong suốt cuộc đời” (GLCG 2225).

“Cha mẹ phải giáo dục đức tin cho con cái ngay từ tuổi ấu thơ. Việc giáo dục này khởi đầu ngay khi các phần tử trong gia đình giúp nhau lớn lên trong đức tin, nhờ làm nhân chứng bằng một đời sống đạo phù hợp với Tin Mừng. Việc dạy giáo lý trong gia đình đi trước, đồng hành và làm phong phú thêm các hình thức giáo dục đức tin khác. Cha mẹ có sứ mạng dạy cho con cái biết cầu nguyện và khám phá ra ơn gọi làm con Thiên Chúa (x. Lumen Gentium 11). Giáo xứ là cộng đồng Thánh Thể và là trung tâm đời sống phụng vụ của các gia đình Kitô giáo, nên là nơi tốt nhất để giáo dục đức tin cho trẻ em và cha mẹ chúng” (GLCG 2226).
 
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Võ Thanh Nhàn
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 36
  • Khách viếng thăm: 19
  • Máy chủ tìm kiếm: 17
  • Hôm nay: 4339
  • Tháng hiện tại: 135561
  • Tổng lượt truy cập: 12279821