Gặp gỡ Chúa Giêsu quan trọng hơn mọi giới răn

Thứ năm - 12/08/2021 11:08
Bài giáo lý của Đức Thánh cha Phanxicô về thư thánh Phaolô gửi cộng đoàn Galát, sáng thứ tư ngày 12/08/2021

Anh chị em thân mến

“Vậy Lề luật để làm gì?” (Gal 3,19). Tiếp tục với thánh Phaolô, đây là vấn đề chúng ta muốn đào sâu hôm nay, để nhận ra rằng sự mới mẽ của đời sống Kitô hữu được tác hoạt bởi Chúa Thánh Thần. Nhưng nếu Chúa Thánh Thần tồn tại, nếu Chúa Giêsu, Đấng cứu chuộc chúng ta tồn tại, vậy Lề luật để làm gì? Đây là điều chúng ta cần suy ngẫm hôm nay. Vị Tông đồ viết rằng: “Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề luật nữa” (Gal 5,18). Ngược lại, những kẻ gièm pha thánh Phaolô xác nhận rằng dân xứ Galát cần tuân theo Lề Luật để được cứu độ. Họ đang đi ngược về quá khứ. Họ hoài niệm về thời gian đã qua, thời mà Chúa Giêsu Kitô chưa đến. Vị Tông đồ hoàn toàn phản đối. Đây không phải những lời lẽ mà ngài đã đồng ý với các Tông đồ khác tại Giêrusalem. Ngài vẫn còn nhớ rất rõ những lời thánh Phêrô từng nói: “Vậy bây giờ, sao anh em lại thử thách Thiên Chúa, mà quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta đã không có sức mang nổi?” (Cv 15,10). Các điều kiện được đưa ra tại “Công đồng đầu tiên” này – Công đồng chung đầu tiên diễn ra tại Giêrusalem – và các điều kiện ấy hết sức rõ ràng. Các ngài tuyên bố: “Thánh Thần và chúng tôi [các Tông đồ] đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng [tức thờ ngẫu tượng], kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm” (Cv 15,28-29). Một số điểm đụng chạm đến vấn đề thờ phượng Thiên Chúa, thờ ngẫu tượng, và một số liên quan đến cách hiểu về cuộc sống thời đó.

Khi thánh Phaolô nói về Lề luật, thường thì ngài đang đề cập đến Luật Môsê, luật lệ do Môsê đưa ra, tức Mười giới răn. Luật lệ này có một mối tương quan, hướng đến, chuẩn bị, và chịu ràng buộc với Giao ước mà Thiên Chúa thiết lập cùng dân Người. Theo các bản văn Cựu ước khác nhau, Torah – một thuật ngữ tiếng Hipri dùng để chỉ Lề luật – là một tập hợp tất cả các mệnh lệnh và quy tắc mà dân Israel phải tuân thủ bởi hiệu lực của Giao ước với Thiên Chúa. Một tóm kết về tính hữu hiệu của Torah có thể được tìm thấy trong bản văn Đệ nhị luật như sau:  “Ðức Chúa sẽ lấy làm vui vì hạnh phúc của anh em, cũng như Người đã lấy làm vui vì hạnh phúc của cha ông anh em, miễn là anh em nghe tiếng Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người, ghi trong sách Luật này, miễn là anh em trở về với Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ” (Đnl 30,9-10). Vì vậy, việc tuân giữ Lề luật đảm bảo cho dân có được những ích lợi theo Giao ước, và đảm bảo một ràng buộc cụ thể với Thiên Chúa. Dân tộc này, quần thể này, con người này, họ được nối kết với Thiên Chúa, và họ trông chờ sự hiệp nhất với Thiên Chúa bằng việc chu toàn và tuân thủ Lề luật. Khi lập Giao ước với Israel, Thiên Chúa trao cho họ Torah, tức Lề luật, để họ có thể hiểu được thánh ý Người và sống trong sự công chính. Chúng ta cần hiểu rằng thời này, một Lề luật như thế là cần thiết, đó là một món quà vô giá mà Thiên Chúa ban cho dân Người. Tại sao? Vì vào thời đó, ngoại giáo có mặt khắp nơi, việc thờ ngẫu tượng diễn ra nhan nhản và chúng điều chỉnh hành vi của con người. Vì lẽ đó, quà tặng quý giá mà Thiên Chúa ban cho dân Người chính là lề luật, giúp họ có thể kiên vững. Một vài thời điểm, đặc biệt trong các sách ngôn sứ, cần lưu ý rằng việc không tuân giữ các giới lệnh của Lề luật cấu thành tội phản bội thật sự với Giao ước, gây ra cơn thịnh nộ của Thiên Chúa như một hậu quả. Mối liên hệ giữa Giao ước và Lề luật thật gần gũi đến nỗi hai thực tại này không thể bị tách rời. Lề luật là cách thức một con người, một dân tộc thể hiện họ đang ở trong giao ước với Thiên Chúa.

Như thế, dựa theo tất cả những soi dẫn trên, không khó để nhận ra cách thế mà những nhà truyền giáo này, những người đã can dự vào cộng đoàn Galát, đã tìm kiếm mục tiêu bằng cách xác nhận rằng sự gắn bó với Giao ước cũng bao gồm cả việc tuân giữ Luật Môsê như được giữ xưa nay. Tuy nhiên, từ chính mấu chốt này, chúng ta có thể thấy được sự khôn ngoan thiêng liêng và những hiểu biết sâu sắc mà thánh Phaolô thể hiện, là những điều được duy trì nhờ ân sủng mà ngài nhận được dành cho sứ vụ truyền giáo của mình.

Vị Tông đồ lý giải cho người Galát rằng, trên thực tế, Giao ước và Lề luật không được liên kết theo kiểu bất khả phân – Giao ước với Thiên Chúa và Lề luật của Môsê.  Yếu tố đầu tiên ngài dựa vào là việc Giao ước Thiên Chúa thiết lập với Abraham được đặt nền tảng trên sự hoàn thành lời hứa chứ không phải dựa trên việc tuân thủ Lề luật, thứ chưa tồn tại lúc này. Abraham đã bắt đầu hành trình của ông trước khi có Lề luật nhiều thế kỷ. Vị Tông đồ viết: “Tôi muốn nói là: một chúc thư xưa kia đã được Thiên Chúa lập đúng thể thức [với Abraham khi Người kêu gọi ông], thì Lề Luật, mãi bốn trăm ba mươi năm sau [với Môsê] mới có, không phế bỏ chúc thư đó được, và như vậy làm cho lời hứa ra vô hiệu” (Gl 3,17).  Lời này rất quan trọng. Dân Thiên Chúa, những Kitô hữu, chúng ta lữ hành suốt cuộc đời để hướng về lời hứa. Lời hứa là thứ thu hút chúng ta, nó lôi kéo chúng ta hướng đến sự gặp gỡ với Chúa. “Thật thế, nếu nhờ Lề Luật mà người ta được hưởng gia tài, thì không còn phải là nhờ lời hứa nữa [là điều đến trước Lề luật, lời hứa dành cho Abraham]. Thế nhưng Thiên Chúa đã dùng một lời hứa mà ban ân huệ cho ông Abraham” (Gal 3,17-18), rồi 430 năm sau, Lề luật mới xuất hiện. Bằng luận cứ này, thánh Phaolô đạt được mục tiêu quan trọng nhất: Lề luật không phải là nền tảng của Giao ước, vì nó đến sau. Nó cần thiết và chính đáng, nhưng trước đó đã có lời hứa, lời hứa làm nên Giao ước.

Lập luận kể trên bác bỏ mọi lý lẽ của những người cho rằng Luật Môsê đóng vai trò cấu thành nên Giao ước. Không, Giao ước đến trước, và Abraham đã đáp lại tiếng gọi. Trên thực tế, Torah, tức Lề luật không có trong lời hứa dành cho Abraham. Tuy nhiên, khi nói như thế, người ta cũng đừng nên nghĩ rằng thánh Phaolô chống lại Luật Môsê. Không, ngài đã tuân giữ nó. Nhiều lần trong các Thư của mình, ngài bảo vệ nguồn gốc thần linh của Lề luật và nói rằng nó sở hữu một vai trò đã được định rõ trong lịch sử cứu độ. Nhưng dẫu sao đi nữa, Lề luật cũng không đem lại sự sống, nó không mang đến sự hoàn thành lời hứa vì chu toàn nó là điều bất khả. Lề luật là một hành trình, hành trình đưa đến một cuộc gặp gỡ. Thánh Phaolô dùng một từ, tôi không biết liệu có trong bản văn này hay không, một từ rất quan trọng: lề luật là “người quản giáo” quy hướng về Chúa Kitô, người quản giáo hướng đức tin vào Chúa Kitô, nghĩa là vị thầy dạy hướng dẫn chúng ta bằng cách đưa ta đến một cuộc gặp gỡ (x. Gl 3,24). Những ai kiếm tìm sự sống cần phải hướng đến lời hứa và sự hoàn thành của nó nơi Chúa Kitô.

Anh chị em thân mến, bài thuyết giáo đầu tiên này của vị Tông đồ dành cho các tín hữu Galát thể hiện một sự mới mẽ triệt để của đời sống Kitô giáo: Tất cả những ai tin vào Chúa Giêsu Kitô đều được kêu gọi để sống trong Thần Khí, Đấng giải phóng chúng ta khỏi Lề luật và đồng thời, đưa nó đến sự hoàn thành theo giới răn yêu thương. Điều này thật quan trọng. Lề luật hướng dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu. Nhưng một người trong các bạn có thể hỏi tôi rằng: “Nhưng thưa Cha, con có một vấn đề: điều này có nghĩa là nếu con cầu nguyện theo kinh Tin kính, con không cần phải tuân theo các giới răn hay sao?”. Không, các giới răn vẫn có giá trị theo nghĩa chúng là “những người quản giáo” [thầy dạy] để hướng dẫn bạn tiến đến cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Nhưng nếu bạn đặt sự gặp gỡ Chúa Kitô sang một bên và muốn quay lại với việc xem những giới răn có tầm quan trọng lớn hơn, thì đây chính là vấn đề gây lầm lẫn cho những nhà truyền giáo bảo thủ, những người từng can dự vào cộng đoàn Galát khiến họ bối rối.

Xin Chúa phù trợ chúng ta bước đi trong đường lối của các giới răn nhưng cũng biết hướng về tình yêu Chúa Kitô, đi đến một cuộc gặp gỡ với Ngài, và nhận ra rằng việc gặp gỡ Chúa Giêsu còn quan trọng hơn tất thảy các giới răn.

 
 
 
 


https://vatican.va/content/francesco/en/audiences/2021/documents/papa-francesco_20210811_udienza-generale.html

Tác giả bài viết: Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập45
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm32
  • Hôm nay20,958
  • Tháng hiện tại111,465
  • Tổng lượt truy cập29,091,003

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây