Lòng khao khát của nhân loại và vị thế tôn giáo

Thứ sáu - 27/01/2023 17:20
Xin chào và chúc mừng xuân mới anh chị em,

Những ngày Tết khép lại gợi lên trong lòng chúng ta cảm giác níu kéo niềm vui, tình thương bởi sự họp mặt nơi gia đình. Bởi lẽ, tận sâu thẳm tâm hồn con người khao khát tình yêu thương trọn vẹn. Từ ngàn xưa, con người đã xây dựng các nguyên tắc sống dựa vào các giá trị thần thiêng, ngang qua mối tương quan thường ngày giữa các thành viên trong gia đình, ngoài xã hội. Cách đặc biệt các tín ngưỡng, tôn giáo xuất hiện, phát triển với những cách thức và xác tín bằng giáo lý của mình về vũ trụ, con người và thần linh.

Con người vẫn hằng đi tìm, còn mãi đi tìm và được thúc đẩy bởi một khao khát về tình yêu thương. Tuy nhiên, sự tìm kiếm bị thách thức bởi giới hạn trong bản tính con người, và mặc dầu cách diễn tả “hời hợt” về Đấng mà họ tin là chủ tể muôn loài, vượt trên không gian và thời gian. Nhưng điều đó, không bao giờ là rào cản để họ thôi khát khao nhận diện giá trị chân lý cuối cùng.

Thế giới từ khởi đầu và trải qua thời gian cho đến hôm nay, chắc chắn có những thăng trầm qua từng giai đoạn, có những thời điểm tồi tệ, khủng khiếp. Nhưng cũng có những thời khắc hân hoan và vui mừng trong hy vọng.

Có phải bản tính con người là : đau khổ, bệnh tật, chết chóc, buồn sầu, day dứt... Đúng hơn, con người khiếm khuyết trong chính mình sự hoàn hảo của Đấng đã tạo dựng nên mình theo hình ảnh của thần linh... mỗi tôn giáo hay đơn thuần trong khả năng nhận thức của mỗi cá nhân có những định nghĩa khác nhau về nhiều khía cạnh của thực tại đời sống. Dầu vậy, chắc chắn một điều, loài người- trong bản tính chung, đều cảm nhận được sự thiện lành, niềm vui, hạnh phúc, sự sống, hy vọng, vĩnh cửu... đó là các khái niệm mà cách riêng được cảm nghiệm qua sự đoàn viên, gặp gỡ những ngày xuân. Sống những ngày xuân trần thế để hướng đến mùa xuân vĩnh cửu, chúng ta có thể nói như vậy. Đồng thời, các phạm trù triết học, thần học, luân lý học, xã hội học, nhân học, giới tính học, tâm lý học, tôn giáo học.... tất cả cùng làm sáng tỏ hơn về giá trị cao nhất của con người.

Ý thức về bản tính con người trong sự hạn chế của mình, đó là điều cần thiết để học, để sống và kiến tạo một thế giới tốt hơn trên nền tảng của nó. Chung qui, điều thế giới vẫn thiếu đó là tình yêu và lòng thương xót, mà đời sống tín ngưỡng, tôn giáo đã đóng vai trò duy trì sự cân bằng cho tâm hồn nhân loại.

Thời gian theo chu kỳ, một mùa xuân mới đã đến rồi đi và trở lại, như muốn diễn tả cuộc sống với nhiều sắc thái, gam màu nhân sinh. Nhưng chứa chất một cốt lõi, một viên ngọc quý trong giá trị tinh thần vượt cao tri thức, vượt xa so với nhịp sống hàng ngày vốn rô-bốt hóa, công nghiệp hóa. Nhưng tính nhân văn của nhịp đập quả tim và suy tư trí óc giúp đi sâu hơn với các giá trị chưa bao giờ có được trọn vẹn. Lẽ nhiên, kiến thức khoa học xem như món quà để phục vụ cho niềm tin ấp ủ, thổn thức khôn nguôi trong tâm hồn một con người.

Đời sống tôn giáo xuất hiện trên từng vùng lãnh thổ, sắc dân, thời điểm... thực sự con người nhận ra tính hướng thiêng đã có sẵn nơi trái tim mình. Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo như là sự hội tụ mang tính cộng đoàn. Nơi gặp gỡ trong hiệp nhất tìm về nguồn cội. Cách riêng những biểu thị của tôn giáo trong thời hiện tại, cũng như những giai đoạn trong lịch sử nhân loại, đã chạm phải những thách thức và nhiều phần tử con người không luôn luôn hợp nhất, thống nhất về niềm tin. Đó là quyền, là tự do cao nhất của con người trong sự khám phá một đức tin. Trở lại đề cập sự giới hạn của tôn giáo mà tôi thiết nghĩ, nó tác động lên cuộc sống của những người tin. Thay vì luôn hướng tới tự do, thì phần nào chính trong cách thức diễn đạt giáo lý và thực hành đức tin cách mơ hồ, thiếu xác tín và niềm vui. Đôi lúc che khuất phần lớn thực tại thần linh mà nó hầu khao khát diễn tả tinh tuyền nhất có thể.

Những suy tư mang tính rất cá nhân của tôi, với các diễn biến trong thế giới đương đại và cách riêng với niềm tin mà tôi có từ gia đình, qua phép Rửa- nghi thức đầu tiên trở nên một Kitô hữu. Tôi thú nhận rằng, cần có nghi ngờ đối với niềm tin, điều đó có thể đến với bạn với tôi cách bị động hoặc chủ động. Cả hai đều cần thiết để có được một đức tin trưởng thành, với một tự do cao nhất mà con người có được.

Một năm mới vừa khởi đầu, chu kỳ thời gian làm cho tôi muốn vượt qua, bung mình ra với tự do để hy vọng, để đổi mới ngay trong chính tôi về hình ảnh một Thiên Chúa (ông Trời) mà tôi được thụ hưởng qua giáo lý. Nhưng không dừng lại ở đó, để gặp gỡ một ngôi vị Thiên Chúa, đấng tạo hóa, chạm tới bản tính của Ngài như chính Ngài “Ta là Đấng Ta là; là Đấng tự hữu”[1]. Trong thế giới hữu hình và hạn hẹp này có thể tiến gần hơn và có thể đối thoại với hữu thể Thiên Chúa, bằng phương thế mà ngôn ngữ nôm na đó là “cầu nguyện”. Đối thoại được với Đấng vô hình. Một thách thức lớn để sống trong tương quan cá vị với thần linh. Đó là hành trình mỗi ngày, cả đời, đầy hứa hẹn thú vị và chắc chắn cũng lắm ngao ngán, ngờ vực và lo âu được trải nghiệm qua “đêm tối đức tin”, trước thực trạng cá nhân, gia đình, xã hội và giáo hội.

Châu Âu từng là nôi của Kitô giáo hoàng kim, đã nhạt nhòa trước hình ảnh phản chiếu trong nhiều thập niên gần đây. Trong khi đó, nơi các giáo hội trẻ hơn (châu á, châu phi...) sự duy trì phụng tự tôn giáo còn mạnh mẽ, truyền thống. Nhiều nhận định xem ra có lý, khi chất lượng cuộc sống vật chất cải thiện thì niềm tin tôn giáo biến chuyển theo tỉ lệ hoặc nhạt phai ? Và việc cầu cho ơn gọi “thiên triệu” cần hiểu trong bối cảnh mới này. Xu hướng trở lại để nhấn mạnh vai trò của mỗi tín hữu (cách riêng vai trò người nữ trong giáo hội) ; trách nhiệm cho chính niềm tin cá nhân trong tương quan cộng đoàn giáo hội. Hàng giáo sĩ không phải là trọng tâm, ở trên và giáo hội được xây dựng xung quanh họ, chỉ nhờ họ. Còn phần đông tín hữu ở trong thế thụ động tự bao giờ ! Trong thời đại, tiếng mời gọi mỗi người tín hữu mau xem lại vị trí của mình trong việc sống đức tin nơi cộng đoàn và xã hội trước thực trạng thiếu lượng giáo sĩ và cả tín hữu trẻ, nên “giáo hội đang lão hóa”?!

Điều quan trọng là cách thức mới nào của niềm tin tôn giáo đem lại sự thống nhất nơi tâm hồn mỗi người; ý nghĩa thiết thực của tôn giáo là phải đem lại niềm vui, tự do hơn bao giờ hết. Chứ không phải là ràng buộc, nệ luật, sợ hãi... Khi mà đã có quá nhiều thay đổi trong suốt lịch sử nhân loại, được đóng khung bởi các phong hóa bản địa trên con người. Hầu như mọi hướng nhìn đều liên quan tới là dục tính và truyền sinh của loài người. Các sự kiện được tham chiếu nhiều hơn ngày nay : về cộng đồng LGBT (sự đa dạng giới tính, sự đa dạng định giới và đa dạng xu hướng tính dục) ;  cơ cấu hôn nhân gia đình sẽ thay đổi trên cơ sở một nam, một nữ ? cam kết suốt đời không luôn là điểm hẹn, bởi sự ly thân, ly dị, tái hôn...? ; Phá thai, cấy thai nhân tạo, trợ tử ; Những khủng hoảng kinh tế, chính trị và cả tôn giáo ... ; Sự nóng lên toàn cầu với nhiều hệ lụy... Liệu các hoạt động của xã hội và mục vụ của giáo hội kịp có những phương thức đồng hành nào ? Trong nhịp chảy giao thoa giữa các vùng trên thế giới: dòng người di cư vì nhiều lý do (bởi khí hậu, bởi đàn áp, bởi nghèo đói, thất nghiệp, giao thương, học tập...) cùng đó là sự gặp gỡ giữa các nền văn hóa khác nhau, các giá trị kitô giáo của “trưởng nữ”[2] một thời độc tôn, đã có cơ hội đối thoại với Hồi giáo, Phật giáo, Khổng giáo... hiện diện chung với tôn giáo bản địa. Đó không phải là điều gì khiến người tín hữu đáng lo ngại cho bằng chính sự suy yếu trong cơ cấu của tôn giáo mình. Cùng với nhịp sống thế giới, thời điểm các cách thực hành đức tin truyền thống trong môi trường xã hội, văn hóa các thế kỷ trước đã không còn duy trì hiệu quả một hình thức cộng đồng năng động, mà giảm thiểu nơi một nhóm nhỏ “mỏi mòn” và cả sự trợ giúp mục vụ bởi thừa sai hải ngoại cũng chỉ mang tính tạm thời, duy trì cho một thời khắc mà có quá nhiều biến chuyển rất phức tạp.

Thời đại hôm nay của một thế giới công nghệ, với mạng xã hội, con người dường như gần nhau hơn nhờ không gian này. Tuy nhiên, cũng là môi trường ô hợp và phản lại đời sống cá nhân. Vì thuật toán điện tử diễn tả những phân mảnh của mỗi cá nhân, chứ không hiểu hết toàn thể một nhân vị.  Hệ quả những cá nhân trở thành “nạn nhân” của một phiên tòa mang tên “mạng xã hội”. Đồng thời, mặt trái của công nghệ thông tin này, tiếc thay cũng đã tác động rất mạnh vào sự hợp nhất của lòng nhân, sự gian dối, sự thật chủ quan và nửa vời thay vì sự thật trọn vẹn. Cho nên ở điểm này, tôi những mong các cá nhân hay tổ chức mang danh nghĩa công giáo, hãy thận trọng trong cách truyền thông. Vì cách bạn thông truyền sẽ phản chiếu tâm hồn của bạn. Vâng, có nhiều vấn đề để thảo luận, cùng mang tâm tư để bày tỏ trong sự tế nhị, hiểu biết, tôn trọng và thương mến nhau.

Không thể phủ nhận với công nghệ số đã góp phần đẩy mạnh việc đặt lại các vấn đề của con người mang tính rất thời sự như đã nêu ở trên. Trong nhiều vấn đề, câu hỏi nền tảng về sự tinh tuyền của tôn giáo, vai trò tôn giáo và những người thực hành tôn giáo được quan tâm hơn. Thế giới con người vốn đã đi tìm và nhờ vào tôn giáo để có thể giải thích cho ý nghĩa cuộc sống. Buồn thay, thời điểm nhất định nào đó trong lịch sử như hiện nay, tiếng nói tôn giáo phần nào thiếu đi sức mạnh bởi lòng tin tinh tuyền. Và chính những người thực hành tôn giáo vấp phải những giới hạn của chính mình. Có thể nói “bình sành đã vỡ”[3]. Mặt khác rất khó được khoan nhường bởi tâm thức thời đại, và họ bị kết án ngay trên chiến trường thông tin xã hội. Những gì đang diễn ra trên hàng thông tin ngày này qua ngày khác, là sự lặp đi lặp lại các sai phạm của từng cá nhân. Dường như một cuộc thanh tẩy trên diện rộng, mà bắt đầu từ “Giáo hội công giáo”. “Một con dê tế thần” cho công nghiệp mạng xã hội. Điều dễ hiểu khi các đại diện tiếng nói cho nền đạo đức nhân loại sẽ là điểm chỉ trích, bị chế giễu nặng nề vì sự khiếm khuyết, lỗ hỗng bởi các scandale sexuel (lạm dụng tính dục). Mục tiêu bị công kích thô bạo nhất để nói lên sự “thất bại”, sự chưa đạt được một qui ước tuyệt đối, điều này chẳng bao giờ có nơi thế giới con người, chỉ có nơi đấng Thánh mà thôi. Nhưng trong “cuộc chơi” của trần thế, mọi qui tắc của con người phải áp dụng không trừ một ai. Sự ngạo nghễ của thế tục trong sự bất định, hỗn loạn của nhân loại vốn luôn tồn tại đó. Hầu như kẻ được xem gần kề đấng thánh sẽ phải thánh hơn mỗi ngày bằng không, một phản tác dụng đáng ghê sợ mà chúng ta đã thấy.

Trong bài chia sẻ này, tôi không chủ ý gợi lên một sự bi quan nhưng thẳng thắn thực tế mà nói với một tâm hồn khiêm nhường, đồng cảm và tin tưởng vào đời sống rất là con người. Giữa muôn vàn tiếng nói, tiếng chủ chăn của một cộng đoàn cần được lắng nghe, lời khích lệ của Giáo hoàng Phanxicô từ Roma “Anh em không phải đợi mình hoàn hảo mới làm chứng về Chúa Giêsu; lời chứng của chúng ta khởi đầu hôm nay ngay trong thực tại của mình đang sống. Điều này không khởi đi bằng sự cố thuyết phục kẻ khác, nhưng là chứng tá mỗi ngày bởi vẻ đẹp Tình yêu mà chúng ta nhận thấy và được đỡ nâng”.

Tôi- cùng là tín hữu với anh chị em, mang chung niềm hy vọng hạnh phúc, khao khát niềm vui sự đoàn tụ, chẳng hạn như niềm vui Tết truyền thống, vẻ đẹp thiêng liêng này ít nhiều nói lên bản tính con người chúng ta được tạo dựng trong yêu thương. Hãy thức tỉnh và kiên vững trong đức tin, tập lắng nghe Lời của Người mà chúng ta tin tưởng làm Thầy mình. Cùng tham gia tích cực đời sống phụng vụ ngay tại giáo hội địa phương trong tinh thần liên kết với giáo hội hoàn cầu. Không ngại nhìn vào vết thương của thế giới loài người và của chính ta để hiểu rằng, con người cần được cứu rỗi nhờ sự kiên trì bởi tình yêu, lòng thương xót lẫn nhau trong sự thật.

Gởi lời chúc anh chị em lên đường bình an, hành trình mưu sinh, hành trình đức tin lại tiếp tục trong kiếp lữ hành nhưng đầy niềm vui, sự tương trợ và tình yêu thương. Kèm với bài đúc kết dưới đây của một vị học giả, để thốt lên lòng khao khát chân thật của những con người đi tìm Danh Thánh của Đấng tạo hóa.

Một và nhiều[4]
Các dân tộc khác nhau, một trái đất
Các niềm tin khác nhau, một Thiên Chúa
Các ngôn ngữ khác nhau, một trái tim
Các cách rơi ngã khác nhau, một định luật trọng lực
Các năng lượng khác nhau, một Thần khí
Các sách thánh khác nhau, một Lời
Các hình thức thờ phượng khác nhau, một khao khát
Các cuộc đời khác nhau, một số phận
Các sức mạnh khác nhau, một mong manh
Các ngành học khác nhau, một mục tiêu
Các cách tiếp cận khác nhau, một con đường
Các tín ngưỡng khác nhau – một Cha, một Mẹ, một trái đất, một bầu trời,
một khởi đầu, một kết thúc.

 
Bài viết mang tính chất rất cá nhân chỉ mong chia sẻ trong cảm xúc và tâm thế một linh mục mục vụ nơi giáo hội Pháp. Gợi hứng và tham khảo từ hai cuộc phỏng vấn:
 
Xem "Entretien avec le Cardinal Hollerich, rapporteur général du Synode" https://youtu.be/TXc8AUYVePQ
Xem "Cardinal Vingt-Trois - L'entretien des 80 ans"  https://youtu.be/2CeNEIBvHcQ
                                                 
 
[1] Sách Xuất Hành chương 3 “Môsê nơi bụi gai cháy không tàn rụi”
[2] Giáo hội Pháp
[3] 2 Cr 4,7
[4] http://phanxico.vn/2023/01/15/mot-va-nhieu-cac-moi-quan-he-dai-ket-va-lien-ton/

Tác giả bài viết: Pontarlier, 26/01/2023 (mùng 5, năm Quý Mão). Lm. Giuse Trần Hoàng Thiện.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập46
  • Máy chủ tìm kiếm16
  • Khách viếng thăm30
  • Hôm nay19,650
  • Tháng hiện tại42,199
  • Tổng lượt truy cập29,021,737

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây