Cuộc đời các linh mục và các thầy được ghi chép lại trong Mémorial của Giáo phận Qui nhơn

Thứ tư - 10/05/2017 23:47
Xin giới thiệu với quý độc giả chân dung của các bậc tiền nhân đã đi trước chúng ta hàng trăm năm, đó là các cha, các thầy thuộc Giáo phận Qui nhơn. Các vị đã sống hết mình với thiên chức đã lãnh nhận được từ Thiên Chúa trong nhiều hoàn cảnh thật khó khăn. Chân dung của các tiền nhân được ghi chép khá cụ thể trong Mémorial của giáo phận nay xin được trích lại...

1. LINH MỤC PETRUS PHAN-VĂN-NIÊM

Sinh ra năm Giáng sanh 1867, tĩnh Bình-định, họ Kỳ-bương.

Khi người nên 13 tuổi, theo ơn Chúa gọi, vào học tại nhà trường Làng-sông; đoạn Bề trên cho qua học trường
Pinang. Sau trở về học sánh đoán tại trường Làng-sông.

Đến năm 1899, lên chức linh mục. Giúp Cố Bửu tại địa phận Gia-hựu; đặng một năm rưỡi. Chẳng may lâm bịnh, chẳng còn sức làm việc nổi; Bề trên cho về dưỡng bịnh tại trường Đại-an. Cha mẹ người đã chết năm giặc, anh em ruột cũng chẳng còn.

Người yếu nhọc đã bảy năm trời, nhiều khi bịnh trở, cửu tử nhứt sanh, cũng vui lòng cam chịu, dốc một lòng theo thánh ý Chúa cho trọn, chẳng mở lời than van năn nỉ.

Qua tháng 3 năm 1907, bịnh thêm nặng, sửng hai chơn; người biết đã gần vời, lo dọn mình chín chắn kỹ lưỡng hết sức, xin chịu các phép, mà đợi giờ lâm chung. Nhưng mà bịnh khi thúc khi lơi, đấp đổi đã gần hai tháng. Trong có các Cha thường viếng thăm an ủi : ngoài có thân nhơn ở giúp đỡ luôn.

Đến tháng 5 mồng 5, giờ 11 tối, mỏn hơi lần, linh hồn lìa xác bằng an, trước mặt các nhà trường đông đủ.

Qua ngày mồng 7 có 17 cha đến hát lễ qui lăng và đưa xác.

Người sống đặng 40 tuổi, làm thầy cả 8 năm. Nay vì lòng thương xót Chúa cho linh hồn nghỉ ngơi ở chốn bình an.

(trích trong Mémorial Mission de Qui Nhơn 1907-1910, trang 16)

2. CHA JOANNES BAPTISTA ĐIỆN

Cha Điện sinh ra năm 1877 tại họ Láng-mun về địa phận Phan-rang. Khi nên 14 tuổi, Cha sở P. Villaume thấy có nết na tốt trí, thì cho vào trường Latinh. Người họ tại trường Làng-sông, trường Đại-an; mãn học, Bề trên định cho về Làng-sông dạy học trò : khỏi 2 năm kêu học sách Đoán. Năm 1905 chịu chức Linh mục; Bề trên sai đi Phan-thiết giúp Cố Sáng.

Đến tháng Julio năm nay các Cha Bổn quốc hội cấm phòng, người dầu yếu nhược, ho tổn, mà cũng rán đi kẻo bỏ qua dịp quí trọng thể ấy : ai ngờ là phen sau hết người đi dọn mình chết ! Bề trên thấy yếu đã quyết cho nghỉ dưỡng bịnh, song còn chờ dịp tiện cấm phòng rồi người lo về : phần hồn thêm ơn thêm sức, phần xác gắn gượng đàng xa, lại càng yếu càng mỏn. Tới Kim-Ngọc là ngày áp lễ Đ. C. B thăng thiên, đã hết hơi, nhưng mà cũng rán làm phước. Làm lễ cả trưa mệt; bổn đạo vô thăm, phải rán ngồi tiếp khách đã mỏi; lại nghe trong họ có đều chẳng an, thì càng thêm phiền. Bỡi vậy giờ thứ 8 tối ngày lễ, người ngã bịnh thổ huyết nặng. Giờ 9 Cố Sáng, Cha Thiện tới, thì người đã hết ra huyết người lo xưng tội và trối trăng mọi việc cho xong. Hai Cha lo thuốc men, thì người khoẻ lại một ít mà nghỉ yên. Qua ngày sau là thứ sáu thấy trong mình đã giảm bớt nhiều, nên ai nấy đều trông có khi qua khỏi được. Tối đến cũng nghỉ yên; chẳng hay đến nửa đêm Cố Sáng nghe rung chuông, lật đật dậy kêu em người và chú giúp vào thăm, thì thấy Cha mệt quá không còn nói được, một làm dấu chỉ chút máu mình mới khạc ra mà thôi. Cố vội vàng xức dầu cho người và đến giờ 1 người sinh thì cách êm ái, nhằm ngày thứ bảy.

Vốn tính người hiền lành, hay vưng lời chịu lụy. Khi ở trường Bề trên yêu đáng, anh em mến thương. Khi người giúp việc địa phận, thì sốt sắng ân cần; dầu yếu sức cũng chẳng nệ mỏi nhọc. Qua ngày thứ hai, họ Cha đã cất xác người cách trọng thể. Requiescat in pace. (trang 41)

3. CHA VÊRÔ NHƯỢNG

Cha Vêrô Nhượng sanh tại họ Phú-Thượng, tĩnh Quảng-nam, năm 1871. Năm 1885 Người vào học tại trường Làng-Sông, đoạn năm 1889, lại sang học tại trường chung
Pinăng. Đến năm 1896 Bề trên kêu về học sách đoán tại Làng-Sông, và năm 1900 ngày 28 Janvier Người chịu chức linh mục.

Phần học, thì Người vừa đủ, mà gánh lấy việc bổn phận, song tính nết Người, thì tốt lắm : hiền lành, vui vẻ cùng anh em, thật thà lại ngay thẳng, ai nấy cũng hết lòng thương mến. Vốn Người mang bịnh thổ huyết đương lúc còn học sách đoán, yếu nhọc lắm, nhưng cũng rán làm việc bổn phận sốt sắng, cẩn tấc và xứng đáng.

Trước Người giúp cha Thiên (Maillard) tại họ Phú-Thượng là quê người, sau vô Quảng-Ngãi, giúp cha Thọ (Sudre) tại Phú-Hòa, đoạn vào Nha-Trang, giúp cha Bình (Laurent) tại Hà-Dừa. Nhưng bịnh càng ngày càng nặng, lại sức càng ngày càng mõn, nên Đức Cha ban phép về Đại-An mà nghỉ, và lo phần chết lành.

Thật Người đã tỏ lòng nhịn nhục chịu khó trong vòng 10 năm, mà gánh lấy bịnh cay đắng, Chúa đã ban cho Người. Qua năm nay là năm 1908 Người liệt nhược quá, chẳng còn chịu đặng nữa. Vậy chính ngày 11 Janvier cũng năm nay, Người chịu các phép bí tích và sinh thì bình an. (trang 80)

4. LINH MỤC VÊRÔ GIẢNG

Cha Vêrô Giảng sinh ra năm 1878, tại họ Truông-Dốc, tĩnh Bình Định.

Cha làm câu họ, sinh được bốn con trai, thì dưng hai cho Chúa, là An-tôn Trạng và Vê-rô Giảng.

An-tôn Trạng vào học latinh tại trường Làng-sông năm 1888; cách ba năm, thì em cũng theo vào nhà trường.

Cả hai anh em, giống tính nhau : cũng đều khiêm nhường nhỏ nhoi, hiền lành hay giúp, đáp chúng bạn; luật phép nhà thì giữ chín chắn; lại có mùi đạo đức sốt sắng. Sức lực phần xác và trí khôn cũng vừa đủ.

An-tôn Trạng cho tới Rhetorica mà thôi, song cũng bền đỗ giúp nhà chung cho đến chết, và chết tại Phú-yên.

Còn Vê-rô Giảng sau học lý đoán tại trường Đại-an.

Đến năm 1904 lên chức linh mục, thì Đức Cha sai vào Phan-rang giúp cố Nhã. Cách một năm lại đổi ra Trà-kê, tĩnh Phú-yên, giúp cố Kính.

Năm nay Đức Cha thấy người ở Phú-yên cứ đau rét, một ngày một yếu, thì đổi ra Bàu-gốc tĩnh Quảng-ngãi; có ý cho người nhờ chỗ hiền, khí tốt mà bổ sức lại. Ra đó được ít lâu, nhờ khí nước cũng có, nhờ thuốc ông Cả Phó cũng có, nên dứt rét; lại một ngày một thêm mạnh; tưởng còn được sống lâu mà giúp việc Chúa; hay đâu ngày giờ đã đến, vì phải trận bão xô ngã vách đằn mà chết, hôm đầu tháng Novembrê.

Lúc bão, người ở nhà vuông Trà-câu mới dời ra giữa đồng, rỏng gió một mình, cách vườn cũ nhà thờ, cách nhà bổn đạo. Người ở một mình với hai chú giúp; bão thì càng ngày càng làm dữ. Đến tối thứ năm, là mồng 3 tháng nầy, ông Cả Phó thấy bão làm dữ quá, thì e sợ cho Cha, nên cho đi rước Cha vô nhà mình. Từ đầu hôm cho tới nửa đêm, ông ấy cho đi mời ba bốn hiệp, mà Cha hoặc vì lòng ngại, hoặc lấy nhà vuông làm vững chắc hơn, nên không chịu đi.

Đương cơ hội thể ấy, ai mắc lo nhà nấy, mà cũng không mấy nhà còn đứng vững; bỡi đó không tới được nhà vuông mà giúp. Đến sáng ngày mới ra thăm, thì thấy sự rất kinh hoàng; thấy ba Cha con nằm chết chùm với nhau một chỗ ! bị vách đông ngã đằn ! Cha, vai còn mang các bị da, và tay cầm cây dù, thân thể còn toàn vẹn.

Phỏng là quá nửa đêm Cha thấy bão rấn tới miết, tính bề không xong, mới mở cữa; Cha con kéo nhau ra ngoài hè, có ý đi kiếm nhà khác vững hơn; song lưỡng lự sao đó chưa kịp đi, còn đứng bên vách mà bị nạn.

Chết làm vậy tục thiên hạ gọi là bất đắc kỳ tử : chết không êm thân xác; song mỗi người đều có số mạng Chúa đã sở định, há dễ phép chọn lựa cho mình. Vã lại chết cách nầy hay là cách khác, cũng đều qua một cữa tử mà chớ.

Tiếc Cha tuổi còn xuân xanh, trong giúp việc Chúa được lâu hơn, mà mất sớm làm vậy ! Trái chín sớm, thì cũng hái sớm. Dầu Cha mới làm linh mục năm sáu năm, mà cũng đa công : việc bổn phận hết lòng lo giữ, đi tới đâu cũng để danh thơm, tiếng tốt; nhiều khi xác yếu sức nhược, song chẳng hề nghe thở than năn nỉ; gặp anh em những ưa nói đều tốt, đều hữu ích cho đứng bực thầy cả, hơn là nói những chuyện chơi bời vô ích; ấy là hửu ư trung xuất hình ư ngoại : ex abundantia cordis os loquitur. Bấy nhiêu Chúa cũng lấy làm bằng lòng làm đủ.

Có cha Thiềng cha Vận tới tại Trà-câu mà lo việc tống táng; các Cha khác bị bão lụt, chẳng ai đi được, Cố Châu liều mạng đi được nửa đàng, rồi cũng phải trở lại. Chôn xác ngày thứ hai tuần sau, là mồng 7 tháng nầy.
R. I. P.

(MÉMORIAL trang 530)


5. SỰ TÍCH CHA PETRUS HUỀ

Quê người ở tĩnh Phú-yên, sinh ra tại họ Phú-điền, năm 1852. Khi lên 15, 16 tuổi, cha sở thấy sáng dạ, hẵn hòi, nên cho người đi học la-tinh tại trường Làng-sông. Ít lâu Bề trên thấy tánh hạnh tốt, trí lực đủ, thì cho đi học trường
Pinang. Khỏi 7 năm học rồi về làm thầy giáo, dạy học trò La-tinh tại trường Làng-sông. Sau học sách đoán tại trường Nước-nhỉ.

Đến năm 1885 người chịu chức linh mục vừa rồi, kế tới hồi loạn ly giặc giã, phải trốn ngụ ở cữa Qui-nhơn. Người liều mình theo Cố Đoài vào Phú-yên, cứu bổn đạo địa phận Trà-kê cho khỏi vòng quân giặc, mà đem về Qui-nhơn. Cố đi trước đốc đoàn, người đi sau cản hậu, có quân giặc theo vây, nhờ ơn trên giải đặng, đem bổn đạo đi bình an. Người lãnh việc giúp coi sóc bổn đạo Phú-yên tại Qui-nhơn hai năm.

Chừng yên giặc người đưa bổn đạo về Phú-yên, cai địa phận Trà-kê. Ở đó mấy năm người lo trưng ruộng đất lập họ mới ngả Cũng-sơn. Đoạn đổi vô địa phận Ninh-hòa, Vạn-giã ít lâu; rồi ra Quảng-ngãi lãnh địa phận Bàu-gốc. Người đương lo tạo lập ruộng đất, mở mang họ mới, cho sáng danh Chúa và nhiều người được rỗi. Chẳng ngờ phải bịnh nặng, thầy tây thầy nam cũng đề là chứng bất trị, không khỏi chết. Bịnh hành phải ngồi một bề luôn ngày luôn đêm, ba bốn tháng trường, mà người bằng lòng cam chịu, chẳng nghe phàn nàn than trách lời gì. Thật là gan anh hùng, gương nhịn nhục

Qua năm sau ơn Trên cho người mạnh lại, đi giúp địa phận Kim-châu ít tháng, rồi về lãnh địa phận Tịnh-sơn, là nơi người đã khởi công gầy dựng khi trước.

Vốn cha người mạnh mẽ, hẵn hòi; nhưng mà tuổi xuân xanh, phần sức lực cũng phải hao mòn theo ngày tháng, nên đã xin phép nghỉ việc dưỡng bịnh ít lâu.

Về nhà thương Đại-an được ba tháng, những trông mau mạnh mà làm việc bổn phận cho toàn công. Nào hay Chúa định đó là nơi người tạ thế. Không ra đau gì cho nặng, mà càng ngày càng mỏn sức. Người lo liệu việc hồn xác xong xuôi mọi nỗi, rồi dưng linh hồn trong tay Chúa bình yên, tại ngày 28 Oct, năm 1911. Sống được 59 tuổi, làm thầy cả 26 năm. Có 16 cha cùng các thầy các chú trường Đại-an đi đưa người phen sau hết.

Ôi ! mạng sống người đời thấp thoảng dường bóng xế, và chóng héo như lá cỏ lìa cây ! Còn đó : bỗng liền mất đó !

Vậy xin hãy nhớ cầu nguyện cho người và lo đến phần ta.

(Mémorial năm 1911, trang 130)

6. THẦY PHAO-LỒ THẮM

Thầy Phao-lồ Thắm sinh tại họ Bến-đá, địa phận Gia-hựu, tĩnh Bình-định, độ năm 1865; đến sau cha mẹ chết hết, thì về ở với bà cô tại họ Đồng-hâu. Năm 1881 vào trường Làng-sông, rồi năm 1885 qua nhà trường
Pinăng. Ở Pinăng ba năm rưỡi, học cách vật đoạn, trở về địa phận.

Trước hết thầy đi giúp địa phận Gò-thị, rồi giúp địa phận Đồng-quả, Tân-dinh. Cũng có ở trường Làng-sông dạy chữ nhu cho các chú; sau hết giúp địa phận Cù-và.

Tính nết hiền lành vui vẻ, nhơn đức, kỷ lưỡng, mà kỷ quá hóa chậm. Lúc học tại
Pinăng, có một Cha thầy chậm thì diễu rằng : “Ngày tận thế, khi mọi người sống lại tựu trường phán xét, Thắm ta lo sửa cho xong bộ tịch, thì thiên hạ đã đi mất đất rồi.”

Bề học hành vừa đủ. Bề trên kêu về học sách đoán, song thầy phần thì sợ yếu đuối phần xác, phần thì bỡi lòng khiêm nhượng, nghĩ mình chẳng xứng đáng, nên xin chuẩn cho khỏi.

Nhưng mà ở bực kẻ giảng thầy cũng đã trọn niềm bổn phận. Hằng giữ lòng đạo đức sốt sắng luôn, kinh nguyện rất cần cán, có lòng trìu mến Đ. Mẹ cách riêng.

Thầy lấy việc cứu linh hồn người ta làm trọng nhứt. Thầy ở địa phận Đồng-hâu lâu năm, giúp nhiều việc lắm, bây giờ người ta hãy còn nhớ ơn thương mến.

Vậy cuối năm ngoái thầy ở Cù-và về mừng Đ. Cha mới, khi trở ra ghé Đồng-hâu lâm bịnh tại đó, lúc tháng giêng. Bịnh càng ngày thêm nặng, song thầy dầu nhọc nhằn khó chịu, cũng vui lòng theo ý Chúa, phú dưng trong tay Đ. Mẹ. Đến ngày 29 novembrê chịu đủ các phép mà qua đời tại Gia-hựu : đã sanh thuận thì cũng tử an.

(Mémorial năm 1912, trang 132)

7. THẦY GIUDE KIỂNG QUA ĐỜI

Thầy Giude Kiểng sanh ra tại tỉnh Bình-thuận, xứ Phan-Rang, sở Dinh-Thủy; cha mẹ đạo dòng, và chính quê ở Nha-Trang.

Buổi nhỏ Thầy theo giúp các Cha, sau ra học tại trường Làng-Sông. Vốn Thầy có tài trí, giỏi trong việc cơ xảo máy móc, mà học tiếng Latinh chẳng đặng, nên Bề trên cho thôi học, ra giúp Cố giữ việc, cùng coi sóc trẻ mồ côi tại Làng-sông.
Năm 1885 Thầy theo các Cha và bổn đạo chạy giặc xuống Giã, ở đó Thầy hết sức giúp mọi việc trong thì gian nan cam khổ.

Vừa yên giặc, Đ. Cha Hân sai Thầy về Làng-sông dọn dẹp lập nhà trường và tòa Đ. Cha lại. Thầy tận tâm lực mua sắm súc gỗ tranh tre cất đủ các nhà, rày còn lại đây.

Dầu khi Thầy làm những việc cả thể và nặng nề làm vậy, song cũng còn gọi là chú bốn Kiểng; đến năm 1888 Đ. Cha Hân muốn thưởng công, mới ban bằng cấp cho làm Thầy giảng.

Qua năm 1893 Đ. Cha sai Thầy ra lập nhà trường lớn tại Đại-An; Thầy lập đã mau lại chắc chắn kỹ càng, rày hãy còn nguyên vẹn. Lập thành đoạn, Thầy trở về Làng-sông coi việc nhà trường như trước.

Năm 1897 Đ. Cha lại sai Thầy vô Phan-Rang giúp Cố Đề và Cố Kim đặng lo việc đập mương và ruộng nương nhà chung tại đó. Khi việc gần yên, thì Thầy trở về Làng-sông giúp việc lại như cũ.

Đến sau, bỡi Thầy đã mệt nhọc, thì xin về nhà nghỉ; nhưng mà cũng còn giúp đỡ các Cha nhiều việc, và làm Câu nhứt trong họ nữa. Qua năm nay 1913 Thầy lâm bịnh nặng, vô phương điều trị, đến ngày 26 aprilis Thầy chịu đủ các phép Bí-tích và nghỉ an trong tay Chúa cùng Đ. Mẹ và thánh Giude là bổn mạng Thầy.

Hẳn thật Thầy đã giúp việc nhà chung lâu năm, có công nghiệp nhiều; các Cha cũng nhờ Thầy, và quen biết Thầy khi còn sống; rày Thầy qua đời, xin hãy lấy lòng thương xót, giúp lời cầu nguyện cho linh hồn Thầy mau được lên nơi vui vẻ nghỉ an đời đời.
R.I.P.
(Mémorial 1913, trang 31)

8. THẦY JOANNES-BAPTISTA KINH

Thầy J. B. KINH sinh ra tại họ Phú-hạ, địa phận Phú-Thượng năm 1884. Khi được 12 tuổi thì vào học Latinh tại Làng-sông; mà bỡi đau yếu phải về nhà uống thuốc, nên sụt hết vài bọn.

Mãn kỳ học Latinh, thầy cũng ở lại làm thầy giáo coi các chú; rồi về học Cách Vật tại Đại-an. Học Cách Vật đoạn đi giúp việc địa phận Trà-kiệu, và năm 1912 về Đại-an học sách đoán.

Từ khi mới vào học Latinh cho đến lúc học sách đoán, thầy những tỏ mùi đạo đức sốt sắng, giữ trọn bổn phận, ai ai cũng khen. Tính kỹ càng, và hiền lành; song cũng cương trực : thấy đều trái chẳng sợ khuyên bảo, mà anh em cũng chẳng ghét, lại càng thêm mến thương.

Tiếc thay ! thầy không được sống lâu hơn mà làm việc trọng hơn. Vì học sách đoán được hơn nửa năm thì mắc bịnh đau phổi ho nặng. Dầu vậy ngày 26 tháng Juniô đây Đ. Cha cũng phong chức cắt tóc mà thưởng nhơn đức thầy.
Chịu chức đoạn về nhà dưỡng bịnh, song bịnh một ngày một tấn, thì ngày 26 tháng Augusto năm nay thầy chịu các phép mà chết lành trong tay Chúa.
R. I. P.
(Mémorial 1913, trang 66)

NÉCROLOGIE

Năm nay thiệt là bất lợi cho Địa phận : trong các Cha đã nhiều ông đau yếu làm việc không nổi, lại thêm mới đây chưa đầy hai tháng mà đã mất hết ba Cha. Tháng trước Cố Báu và Cha Cẩm rủ nhau mà đi có một ngày; kế tháng sau Cha già Niên cũng bươn theo.
Âu là ba Cha ấy đã thành công khó nhọc trong vườn nho Chúa, mà đã làm trọn phần việc Chúa đã phân chỉ cho; rày đến kỳ Chúa rước về mà ban thưởng, thì ta phải vui mừng. Nhưng vậy ta là kẻ còn ở lại, khi nhớ đến những bạn lành cựu nghĩa, xưa đã chung công khó dễ cùng nhau trong vườn nho thánh, mà rày vắng mặt, kẻ đi người ở; lẽ chi mà chẳng ngùi ngùi thẳm thương ?

Nhựt trình tháng trước đã nhắc đến Cố Báu, nay cũng kể qua ít lời về Cha Cẩm và Cha Niên.

9. CHA ANTÔN CẨM

Vậy Cha Antôn Cẩm sinh ra tại họ Hà-dừa, địa phận Nha-trang, năm 1868. Khi khôn lớn, Cha Sở thấy con trẻ hẳn hòi tốt tính thì chọn mà gởi ra họ latinh tại trường Làng-Sông, năm 1882. Ở Làng-Sông hơn vài năm, kế loạn văn thân thì các Cha cho qua học bên trường
Pinang. Khi học cách vật xong, thì trở về bên nầy mà đi giúp các sở địa phận ba năm, đoạn về Làng-Sông học sách đoán.

Những kẻ quen biết và lớp học với người lúc ở Làng-Sông cùng khi ở
Pinang, cũng đều khen người vui vẻ dễ ở, lại hay chịu khó. Lúc ấy người vặm vỡ khỏe mạnh, nên đều khó việc nặng thì người rước mà làm, không để mà nạnh hẹ anh em. Việc học hành cũng tầm thường. Qua năm 1898 người chịu chức thầy cả, rồi lên ở Nhơn-nghĩa giúp cố Lực. Sau cũng đổi đi nhiều chỗ, là Ninh-hòa, Cũng-sơn, Nước-nhỉ, Đồng-dài, Hoa-vông; mà sau hết thì ở Mằng-lăng.

Vã ở đời này chẳng ai mà cho khỏi lầm lỡ, ắt cha Cẩm cũng chẳng qua khỏi cửa lầm lỡ ấy. Vốn tính ưa vui, nên mấy ngày xuân nhựt cũng đôi khi chơi mà quên chừng độ; song khi Bề trên hay được mà khuyên răn quở trách, thì người hết dạ cung kính vưng giữ, chẳng còn dám lỗi nữa. Còn bổn phận thầy cả thì chẳng thấy đều chi đáng trách, mà lại nhiều bề đáng khen. Trót 15 năm làm thầy cả, người hằng tỏ lòng siêng năng sốt sắng, cùng vưng lời chịu lụy : dầu phải đổi đi nhiều chỗ cũng chẳng năn nỉ. Lại có thuở ở giữa tinh những bổn đạo mới, chỗ nơi chưa an, phải đùm túm cơm gạo cùng đồ lễ nay đi làm lễ Chúa nhựt họ nầy, tuần sau họ khác : phải lăn lóc khó nhọc làm vậy lâu ngày chầy tháng mà cũng thấy người vui luôn.

Bỡi người chuyên cần bổn phận lắm, lại đi nhiều chỗ nước khí chống nhau, nên lần lần ra yếu sức phần xác, cùng lâm bịnh lao tổn. Nhơn năm nay là năm toàn xá, người đi giúp làm phước các địa phận lân cận; đến khi về tới Mằng-lăng thì đã mệt nhọc lắm, song cũng rán mà giúp cho xong cuộc toàn xá tại Mằng-lăng. Rồi đó ngã luôn, bỏ làm lễ, bịnh càng ngày càng tấn, mà thuốc uống bao nhiêu cũng như không.

Vì vậy mới về quê mà nghỉ việc, cho dễ lo thuốc the điều trị, trông may có mạnh lại mà giúp việc Chúa lâu năm nữa. Chẳng giè Chúa định thể khác, là gọi Cha về mà ban nghĩ an đời đời, ngày mồng 4 tháng Septembrê, năm 1913. Xác táng trong nhà thờ Hà-dừa.

10. CHA VÊRÔ NIÊN

Cha VÊRÔ NIÊN sinh ra tại họ Kim-châu, tĩnh Bình-định, năm 1841; vào học latinh Làng-sông; đến chừng phân sáp người cũng phải bắt đi cấm cố, và thích chữ hai bên má rằng : Bình định tả đạo. Phân sáp về, người trở vô trường, rồi sang học bên
Pinăng.

Năm 1884 chịu chức thầy cả, rồi ra Quảng-nam giúp địa phận Phú-thượng; kế bị giặc Văn-thân, nên phải ở luôn ngoãi. Yên giặc, trở vô Bồng-sơn; trước ở Đồng-quả giúp cố Bửu, sau làm Cha ở Đồng-dài; đoạn năm 1906 Đức Cha cho về hưu trí, thì người cứ nghỉ tại nhà ở họ Kim-châu cho đến khi qua đời, là 18 tháng Octobrê năm 1913.

Cả đời Người đã tỏ lòng nhơn đức sốt sắng; nhứt là bổn phận thầy cả, thì đã nắm giữ chín chắn cẩn tấc và xứng đáng, nên gương lành tiếng tốt cho các hàng Linh mục.

Vã lại người cũng đã dày công nghiệp : ghe phen đã chịu khốn khó vì đạo, đã phải đòn bọng, bị giam cấm cố, bị thích tự, bị giặc Văn-thân. Mười chín năm ở Bồng-sơn những khó nhọc mà mở mang đạo Chúa, lập nhiều họ mới, cất nhiều nhà thờ, rửa tội nhiều chầu nhưng. Mà khi đã về nghỉ tại quê nhà dầu tuổi cao xác yếu, cũng rán giúp Cha sở địa phận tuỳ sức. Mấy tháng đau liệt cũng vui lòng chịu : chỉ lo sợ có một đều mà thôi, là Tòa phán xét nghiêm nhặt, cho nên ra sức dọn mình, năng xưng tội rước lễ; đêm ngày lìa thế cũng còn chịu Mình thánh Chúa đặng một lần nữa. Bỡi vậy cho nên đã chết lành trong tay Chúa.

Xác Người chôn trong nhà thờ Kim-châu; có hai mươi linh mục tây nam và đông bổn đạo chầu lễ Qui-lăng. Mọi người thảy đều cảm công mến đức người, cùng cậy trong Chúa nhơn từ sẽ cho người đặng mau về chốn nghỉ ngơi đời đời.
(Mémorial 1913, trang 75)

CÒN VỀ CHA NIÊN (Mm. No.104, Dec. 1913, p. 86:

Nay kể hai tích làm chứng cha Niên có lòng sốt sắng ái mộ phần rỗi người ta thế nào.

Khi cha Niên còn làm thầy giảng ở Quảng Nam, có một nhà bỏ đạo, người muốn cho nó trở lại hết sức, nên hằng cầu nguyện cho nó, song luống công, mới định tới nhà nó mà an ủi; trước khi ra đi, người vào nhà tyhờ lần một chuỗi, kêu xin Đức Mẹ đoái thương con chiên xiêu lạc, lần hột xong ra đi tới ngõ, thấy ngõ đóng, người kêu mở ngõ mà chẳng thấy ai ra, thấy ít con chó ra sủa và muốn cắn mà thôi; người đứng một chặp thấy vắng vẻ, thì trở về lần một chuỗi nữa, đoạn đi tới, kêu mở ngõ, thì có kẻ ra mở, song vô nhà thì chẳng thấy ai ra mặt chào hỏi; người đứng xớ rớ ngó nhìn ba cây cột trong nhà, rồi trở ra về, mà cũng chưa ngã lòng; qua bữa sau người lần một chuỗi nữa và đi như trước, phen nầy tới nhà thì chủ ra rước chào tử tế; người liền an ủi cả nhà trở về đàng chính cùng giữ đạo tử tế lắm.

Còn một tích nữa là năm ngoái đây, người còn khá mạnh, mỗi ngày vô nhà thờ chầu Mình Chúa, đoạn đi dạo một khúc đàng giải trí; người đi ngang qua cái miễu trước nhà thờ, thấy một mụ già hằng ngày lo nhang đèn cho ma quỉ, bèn thương xót linh hồn nó; người dỗ nó biểu trở lại đạo; mẹ ấy ban đầu không muốn nghe; lần lần mỗi ngày đều nghe cha dỗ và nói cách nọ thế kia làm chứng quỉ thần là dối trá, thì hơi mềm lòng, song cứ hẹn rày mai chưa chịu trở lại; chẳng may mẹ ấy phát bịnh đau nặng, Cha Niên nghe bèn tới an ủi riết thì mẹ ấy trở lại, và nói rằng mình đã chịu phép rửa tội từ thưở nhỏ rồi vì khi đó đau nặng gần chết, có bà kia có đạo đã rửa tội, song khi khỏi chết thì không giữ đạo, mà bà ấy cũng hằng an ủi biểu trở lại. Cha Niên nghe vậy lòng mừng, song bối rối chẳng biết tính sao, bèn về nói lại cùng cố Lành. Cố bàn phải rửa tội hồ nghi, rồi sẽ cho xưng tội; vậy cha Niên ráng chịu khó dạy dỗ, rồi cố lành làm phép rửa tội hồ nghi, chòn cha thì giải tội và cho chịu các phép bí tích khác, đoạn mẹ ấy chết lành.

11. THẦY VINHSENTÊ TƯƠNG

Thầy Tương sinh tại họ Chợ Mới, tỉnh Nhatrang, đi trường năm 1903; có một người em còn đương ở Làng Sông, học bọn sáu.

Phần xác thầy không mạnh cho mấy, nên phải bỏ học về nhà nghỉ một vài năm. Tính thật thà trung thực, việc bổn phận hẵn hòi không hay vì nể bao giờ.

Năm 1912 mãn học thì đi giúp địa phận Đồng-Hâu; ở đó nhằm lúc thiên hạ đau, thầy cũng đau theo. Đau lâu ngày tháng mới khá chẳng may ngày kia đương ngồi dạy trẻ nhỏ, thình lình xuông gió á khẩu té xỉu xuống đất, không thuốc gì cứu lại; qua ngày sau là 11 tháng Novembrê trước nầy, thì tắt hơi. Xin ai nấy cầu nguyện cho thầy với.
(Mémorial 1913, trang 86)

12. THẦY HIÊRÔNIMÔ TÒNG

Thầy Tòng sinh ra tại họ An-Trường địa phận An-sơn; học latinh ở trường Làng-sông từ năm 1903 đến năm 1912.

Mãn học thì đi giúp địa phận Phú-thượng.

Việc học thầy vừa đủ; cách ăn ở lúc còn trong nhà trường thì tầm thường, mà khi ra giúp địa phận thì đổi khác lắm : Cha sở khen, bổn đạo cũng đều mến.

Thầy phát bịnh thương hàn rồi mẹp luôn không dậy khỏi giường đã hơn nửa năm, nhờ ơn cha sở hết lòng thương giúp lo lắng mới chịu được lâu làm vậy. Đến ngày 16 tháng Decembrê, thầy chết bình an trong tay Chúa.

Thương thầy còn thanh niên, lẽ trông giúp việc được lâu hơn; nhưng mà ai nấy cũng có ngày giờ đã tiền định chớ, kẻ sống lâu người chết sớm, mà ai dùng ngày giờ mình cho nên theo thánh ý Chúa thì cũng là trọn công mà chớ.
(Mémorial 1914, trang 15)

13. THẦY SÁU PHAOLỒ NGHĨA QUA ĐỜI

Thầy Phaolồ Nghĩa sanh ra tại sở Trà-kiệu tĩnh Quảng-nam. Buổi nhỏ thầy có tánh lanh lợi, nết na ăn nói khôn ngoan, nên Cố Nhơn gởi vô Làng-sông học tiếng Latinh. Việc học hành thầy cũng khá; luật mẹo chín chắn, ăn nói có duyên, thuật chuyện gì rất tươi tắn, nên học trò ai nấy cũng ưa.

Thầy học xong tại trường Làng-sông, thì năm 1907 ra trường Đại-an học Philosophia, đoạn đau phải về quê phục dược; lúc bịnh thuyên Đ. Cha sai thầy vào giúp việc địa phận Cù-và; thầy ở cùng bổn đạo rất vui vẻ hiền từ, ai cũng cảm mến.
Năm 1911 thầy được kêu về học Sách-đoán tại Đại-an. Tuy khi ấy chẳng đặng mạnh cho lắm, song cũng rán học kịp anh em. Đến 2 Octobre năm 1912 thầy chịu Tonsura, rồi qua 26 Juniô 1913 thầy chịu bốn chức. Tiếp qua 21 Nov. cũng năm ấy thầy chịu chức thứ năm.

Đến 6 Januariô 1914 thầy chịu chức thứ sáu. Qua ngày sau thầy phát bịnh phải nằm nghỉ; cha bề trên đến thăm thì thầy thưa rằng : Lạy cha con nay chịu chức thứ sáu rồi phải chết, ắt con sẽ chết trong cơn bịnh nầy, con ước ao chớ chi con được chết trong nhà trường nầy, kẻo khi ra ngoài mắc phải nhiều đều hiểm nghèo về phần rỗi. Xin cha giúp con dọn linh hồn cho vẹn sạch. Cha bề trên cũng an ủi thầy, biểu phú mọi sự trong tay Chúa, sống thác mặc thửa thánh ý Người. Khỏi ít bữa thì thầy mệt ngất đi, nên đã chịu các phép Bí tích sau hết; đoạn khoẻ lại và cầm chừng hơn một tháng. Trong mấy bữa bịnh hơi giảm ai cũng tưởng thầy khỏi chết, song thầy cứ nói chắc chắn rằng : mình sẽ chết trong cơn bịnh nầy.

Nguyên bịnh thầy là đau lâu trong tì vị trong trái tim, cứ ho và phát tức : hồi nổi tức thì ngất đi như chết.

Vậy thầy phải nằm luôn cho đến 19 Febrnariô thì qua đời rất êm ái dịu dàng trong tay Chúa cùng Đức Mẹ. Sáng bữa sau hát lễ mồ trọng thể, có Đ. Cha và các Cha các Cố đang cấm phòng đó, đều chầu lễ và đưa xác thầy ra gò đất thánh.
(Mémorial 1914, trang 23)

14. THẦY TADÊU QUYỂN

Thầy Tadêu Quyển sinh ra tại họ Ba-ngoạt, tỉnh Quảng-trị về địa phận Huế. Khi nên 13 tuổi, thì cha sở gởi vô trường An-ninh, học tiếng Latinh ở đó 8 năm, rồi vô trường Phú-xuân học Pholosophia và sách đoán.

Thầy siêng năng học hành, cùng hết lòng dưng mình làm việc Chúa, song rủi ! trí khôn thầy có hơi khác lạ hơn kẻ khác, nên bề trên sợ, không dám cho thầy học nữa.

Vậy thầy phải vưng lời mà về nhà nghỉ chừng được một năm. Kế Đức Cha Vị (khi Người còn làm bề trên trường Sách đoán) ra thăm các cha ở trường An-ninh, luôn dịp thầy xin theo vào địa phận mà giúp việc.

Vậy khi thầy vào trong nầy, thì trước hết Đức Cha sai thầy đi ở Gò-thị, đoạn lại sai lên Nam-bình, sau sai vô Khánh-hòa. Việc dạy dỗ, thì thầy siêng năng chịu khó, song bỡi sửa theo giọng nói trong nầy không được, nên trẻ nhỏ và chầu nhưng ít hiểu được, lại nhiều khi phát tức cười. Nhưng vậy thầy cũng không ngã lòng, một cứ bổn phần mình như thường.

Đến năm 1900 Đức Cha lại kêu thầy về giúp việc nhà in. Đức Cha thấy thầy có lòng chịu khó, thì năm 1910 lại sai lên mọi giúp các cha. Lên đó, thầy siêng học tiếng Bahnar, nên mau biết. Thầy coi sóc học trò nhà trường gần 3 năm. Rồi Bề trên sai vô sở Jarai giúp cố Hiển lập sở mới.

Thật thầy có lòng sốt sắng, cùng ái mộ phần rỗi người ta, cam lòng ăn mặc khó khăn, hằng chuyên lo việc bổn phận, chẳng hay ở nhưng bao giờ, dầu khi ở dưới An-nam, dầu khi lên mọi cũng vậy.

Đến đầu tháng Februariô năm nay, thầy rét một tuần, rồi phát chứng đau bụng. Thầy biết mình không khá được, thì lo dọn mình chịu các phép. Qua ngày mồng 7 Februariô, thì qua đời bình an. Xác chôn tại họ Tiên-sơn.

15. THẦY SIMON HIỆP

Thầy Simon Hiệp, sinh ra tại họ An-sơn, địa phận An-sơn, năm 1870; cha mẹ đạo dòng.

Đến lớn vô trường Làng-sông học Latinh. Kế năm Ất-dậu qua
Pinăng, học ở đó chưa mãn cuộc. Bề trên thấy đau yếu, thì cho trở về An-nam năm 1889.

Về tới bên nầy, đi giúp ở Nhatrang; sau về địa phận Thăng-bình, Trung-ái giúp cha Tín, cha Chính.

Năm 1896 Đức Cha kêu về Đại-an học Philosophia; chẳng may học chưa mấy tháng, mà lâm phải bịnh lảng trí, phải về nhà điều trị. Khi khá bịnh, thầy lại xin giúp việc, thì Đức Cha sai đi Khánh-hòa. Đến năm 1908 lại sai thầy ra Gia-hựu, ở đó coi việc nhà chung 6 năm.

Cuối năm 1914 thầy càng ngày càng yếu, thì xin Đức Cha cho về nhà nghỉ luôn. Thầy ở An-sơn hơn một năm siêng năng việc linh hồn, năng xưng tội chịu lễ.

Cuối tháng giêng phát rét sơ sơ, mà trong mình thì yếu lắm, nên xin đi rước cha Miễn xức dầu cho.

Song thầy mặt mũi còn vui vẻ, không có dấu gì gần chết, chẳng dễ đã đến kì Chúa định rồi.

Hai thầy đã có lòng trìu mến việc Chúa; làm việc nơi nào cũng hẳn hòi sốt sắng, để tiếng khen. Thật là gương cho các thầy soi mà bắt chước.

Nay xin ai nấy thương giúp lời cầu cho hai thầy mau về chốn nghỉ ngơi đời đời.

(Mémorial năm 1916, trang 38)

16. PHANSCICÔ-XAVIE SÁCH

Thầy sinh ra tại họ Nước-Nhỉ, năm 1890. Cha mẹ đạo dòng, sốt sắng hẳn hòi đã quyết dưng con mình giúp việc Chúa.

Vậy khi thầy nên 13 tuổi, vào nhà trường Làng-sông học Latinh. Tính nết thầy dịu dàng, vui vẻ, sốt sắng, ân cần việc bổn phận; ở nhà trường hằng được note tốt luôn. Trí khôn tầm thường, mà bởi siêng năng chí thú lắm, nên việc học hành cũng không thua sút chúng bạn.

Năm 1913 thầy học Philosophia tại trường Đại-an.

Đến nửa năm 1915 học cách vật rồi, vưng lịnh Bề trên đi giúp Cố Nghiêm tại địa phận Truông-dốc. Thầy giúp việc chưa được bao lâu, mà đang tiếng Cha sở khen thầy có lòng khiêm nhượng, vưng lời chịu lụy, trông mau soi việc.
Ai dè ngày lâm chung Chúa định cho thầy tiếp tới. Ngày bịnh không nặng gì, mà uống thuốc chẳng giảm một ngày một thêm. Vậy thầy lo dọn mình chịu các phép cách sốt sắng, và được sõi sàng tỉnh táo cho khi linh hồn lìa xác. Ấy thật là cây tốt sinh trái tốt, sống lành được chết lành quả như lời Chúa phán.

Xin vì lòng lành Chúa cho linh hồn thầy được nghỉ ngơi ở chốn bình an.

(Mémorial 1916, trang 68)

17. THẦY TÔMA HIỆU

Thầy sinh ra tại họ Hà-Dừa địa phận Cây-Vông; Cha sở thấy thầy có tính nết tốt và trí sáng láng, người gởi vô trường năm 1904.

Lúc ở trường thầy chăm lo học hành siêng năng luyện tập nhơn đức; khỏi bảy năm thì thầy đau yếu nên Bề trên cho lên Cây-Gia ở với cha Phan là anh ruột thầy, mà nghỉ ít lâu. Khi đã khá và học xong rồi, thì Bề trên sai đi giúp địa phận Qui-nhơn : ở đó việc bổn phận thầy chuyên lo cần mẫn. Giúp được một năm, Bề trên đòi về học cách vật; học rồi thầy cũng đi giúp địa phận Qui-nhơn như trước; ở đó đến mùa xuân thầy lâm bịnh họ càng ngày càng thêm, qua tiết nắng bịnh lại càng nặng hơn nữa.

Đến tháng Augusto năm 1916 Bề trên quyết kêu về học sánh đoán, song thấy thầy yếu lắm không sức học được, nên cho về nhà nghỉ dưỡng bịnh; khỏi ít lâu bịnh cũng giảm bớt; song về sau trở lại một ngày một nặng.

Vậy ngày mồng 9 tháng Novembre họ rước cố Quới đến, thì thầy dọn mình xưng tội và chịu phép xức dầu cách sốt sắng tỉnh táo; rồi Cố nói sáng ngày sẽ đem Mình thánh Chúa và thầy cũng hết lòng ước ao chịu ơn trọng một lần sau hết; song tiếc thay ! qua nửa đêm thầy qua đời, chưa được như lòng sở nguyện.

Sáng ngày 11 Novembre họ đưa xác vào nhà thờ, Cố làm lễ qui lăng, đoạn chôn cất tử tế.

Khi đặng tin thầy đã qua đời thì họ Qui-nhơn và nhà trường Đại-An cũng làm cho thầy một lễ mồ nữa.

“Xin Chúa cho linh hồn thầy mau đặng nghỉ ngơi ở chốn bình an.”

(Mémorial 1917-1919, trang 16)

18. HẠNH CHA VÊRÔ TRƯỞNG

Cha Vêrô Trưởng là con ông thử bổn Khánh, ở sở Cầu-ké, xứ Nha-trang, tỉnh Khánh-hòa, sanh ra trong năm 1884.

Khi vừa khôn lớn cha mẹ cho đi giúp cố Minh (P. Garnier); cố thấy trẻ nầy nết na đằm thắm, tính khí hiền lành, bèn cho vô học Latinh tại Làng-sông.

Vêrô Trưởng việc học tầm thường theo vừa kịp chúng bạn, mà tính dịu dàng hòa nhã chẳng hề cãi cọ cùng ai, luật mẹo hẵn hiên, siêng năng việc bổn phận, ăn ở sạch sẽ lớp lang kỹ lưỡng. Bây giờ các thầy còn khen rằng : Sự hiền lành và sạch sẽ kỹ lưỡng thì cho Cha Trưởng là đứng nhứt : vì thầy khi học Đại-an, chẳng hề cãi cọ cùng ai điều gì; còn sách vở, chiếu giường, bàn ghế thì dọn lớp lang thứ tự sạch sẽ lắm; đến đỗi có cái xuổng nhỏ để làm vườn hoa, mỗi lần người đem ra làm rồi, thì rửa chùi sạch sẽ khô ráo mới đem vô cất !

Người học Philosophia rồi. Bề trên cho ra Trà-kiệu dạy tiếng cố Thiết, đoạn ra Phú-thượng giúp cố Yên; trong hai nơi ấy người hằng giữ nết na như khi ở trường, chẳng ai trách điều gì thảy cả.

Đến năm 1909, Bề trên đòi người về học sách đoán cùng phong chức lần hồi; đến 6 Janvier năm 1914 thì Vêrô Trưởng chịu chức Linh mục, cùng trở ra Trà-kiệu ở cùng cố Thiết. Khi ấy người đau yếu mắc bịnh ho, trước cùng tưởng ho gió chơi, song sau thành ho tổn thiệt; ở đó nhiều việc thì Bề trên đổi người vô Trung-sơn vô đó bịnh càng tăng, mà công việc người không hề giảm; đến khi yếu lắm mới xin về nhà thương, là năm 1916. Ở nhà thương, tuy người yếu đuối lắm, song cũng đọc kinh, nguyện gẫm, làm lễ hằng ngày; lúc các cha tựu cấm phòng, 22 Ausgustô năm 1917 đây, người cũng rán làm theo đủ các việc.

Qua tháng Octobre người nghĩ mình mang bịnh ho lao thổ huyết, sợ ở chung cùng các cha, có sự khó lòng chăng, bèn xin về nhà quê ở cùng cha mẹ cho an phận. Bề trên bằng lòng cho, người xuống Qui-nhơn ngày 6 Octobre, sửa soạn đồ hành lý đặng xuống tàu về quê quán; nào hay giờ Chúa định rước người về quê thật tới gấp mà chẳng ai dè ! Vậy sáng ngày 10, mọi người đi xem lễ, cha ở nhà ngôi cúi mặt trên giường, kẻ giúp tưởng người cúi đọc kinh suy gẫm, thì chẳng lo chi. Xem lễ xong, kẻ giúp về thấy cha còn cúi đó, bèn đến kêu thì thấy cha không thở, liền chạy đi thưa cố Gioang; cố lật đật chạy tới, rờ còn ấm ấm thì giải lòng lành; cha Thiềng hối hả xức dầu thánh hồ nghi, hoặc linh hồn chưa ra khỏi xác.
Bổn đạo Qui-nhơn nghe tin tuôn nhau đến, kẻ cầu lễ người lo mua quan tài; chiều ngày ấy đưa linh cửu lên Làng-sông : bổn đạo họ Làng-sông hay tin thì nhóm nhau đèn đuốc xuống bến ghe mà tiếp rước, đọc kinh cầu lễ nghi ỏi inh; lòng kẻ ngoại thất kinh, không biết chuyện gì, bèn mõ nổi hồi một chạy om sòm.

Sáng 12 cha Châu, là bạn học với người, làm lễ mồ và lễ qui-lăng, các cha tây nam 14 ông, học trò nhà trường, bổn đạo đưa xác người về phần mộ tại gò đất thánh Làng-sông; ngày ấy ngoài trường Đại-an, cũng làm lễ mồ cho người nữa.
Ấy cha Vêrô Trưởng sống chẳng bao lâu, làm việc ít năm mà đầy công nghiệp, nên Chúa định cho người được nghỉ ngơi.
(Mémorial năm 1917-1919, trang 120)

19. KỂ LẠI CÁC VIỆC CỐ TỪ KHI NGƯỜI DỌN MÌNH CHẾT VỀ SAU

Số là ngày 22 Janvier thì Cố đã nói với học trò rằng : “Cha đã có dấu bớt trí khôn một ít, vì điều định lo tính việc gì không có chững chàng như mọi khi nữa”. Song qua mấy ngày sau thì không thấy dấu gì hiểm nghèo cả. Đến ngày 25 Janvier nhằm ngày thứ 6 trong tuần : sáng ngày người làm lễ và cho rước lễ cũng đông, rồi lại làm phép rửa tội cho con nít, mọi việc cũng thường, không có dấu sái hay là mệt nhọc bao nhiêu. Đoạn thì về nghỉ và dùng bữa lót lòng như thường. Người nghỉ ngơi một chút, qua 11 giờ trưa thì người dậy, có ý đọc kinh, thì vừa có kẻ bần nhơn đến xin, người mở tủ sắt lấy tiền mà cho, rồi sau lại mở tủ nữa mà lấy con cò gắn thơ gởi về bên tây; song khi người cuối mà mở tủ, cữa tủ vừa mở ra thì người té quì xuống đất, đầu thì gác trong tủ, chơn thì co queo dưới và thở khò khè mạnh lắm, đến đỗi kẻ giúp ở ngoài hè nghe thì chạy vô coi, tức thì xúm đỡ người lên phản gần đó. Người cũng có bất tỉnh một ít, nên phải đổ bạc hà, và cho hít ammoniaque và thoa cho người hơ háp; một chặp thì người nói được, và biểu đem người qua giường cho người nghỉ một chút; tức thì có cha Hộ đếm thăm. Người biểu đem người lại ngồi ghế, và biểu lấy rượu mạnh và long não xức bớp cái bàn chơn và hơ lửa cho người, vì bị té cấn hồi nãy đau đi không được. Khi ngồi tại ghế thì người mới thuật lại sự người té làm sao.

Qua 3 giờ chiều người đã khỏe lại ít, thì kẻ giúp dọn cho người một dĩa xúp dùng đỡ bữa trưa, thì người cũng dùng đặng. Người biểu kẻ giúp phải viết thơ tin cho cố Nghiêm ở Nhà Đá hay đặng ra cho người gặp lần sau hết. Buổi chiều thì người không đọc kinh cũng không làm việc gì khác như mọi khi, chỉ nằm trên giường nghỉ ngơi mà thôi.

Đến tối hồi 7 giờ, thì cũng đem cho người dĩa xúp lót lòng, thì người ngồi mà dùng đặng như thường, và người có nói người muốn gặp cố Nghiêm lần sau hết, song có khi không được gặp nữa, mà lại người cũng nói người hằng cầu xin cùng Chúa cho người làm lễ luôn hằng ngày cho đến chết, mà có khi Chúa không cho, vì chắc đến mai không làm lễ được, cho nên người biểu đừng dọn đồ lễ làm chi nữa. Lót lòng đoạn người biểu đỡ người lại giường nằm nghỉ, song khi ấy trong mình người không yên và rên luôn.
Qua 9 giờ rưỡi thì người nói tức ngực, và biểu đỡ cho người ngồi ghế, song cũng cứ bức tức bồi hồi quá, nên lại giúp người lên nằm giường còng lo hơ háp trên ngực người, song không thấy dấu bớt chút nào, nên người hối đi rước cha Hộ cho mau kẻo người chết hụt. Đang khi ấy người cứ biểu đỡ qua giường, rồi lại qua ghế, hai ba lần như vậy, thì cha Hộ vừa tới, người xin cha Hộ làm phước và ngồi dậy xưng tội, chịu phép giải tội, rồi nằm xuống hối cha Hộ xức dầu thánh cho người. Đang khi xức dầu thì người còn tỉnh táo và thưa mấy câu kinh thay vì học trò giúp, và hễ cha xức dầu đến đâu thì người đưa ra cho xức đó. Xức dầu xong người muốn cha Hộ ban phép đại xá cho người, song người chẳng nói, chỉ khỉ sự đọc adjutorium … cho cha Hộ tiếp theo mà ban phép đại xá cho người. Khi ấy người trở mặt nằm nghiêng cách dịu dàng như muốn nghỉ ngơi. Đang khi ấy các kẻ giúp và các chức việc cứ việc lo hơ háp cho người, song chẳng dám khua động nặng, có ý để cho người nghỉ an. Cha Hộ ban phép đại xá xong, thì kẻ giúp không còn nghe thở, nên thưa cha Hộ hay, người coi lại thì thật Cố đã trút linh hồn rồi : khi ấy là 11 giờ rưỡi tối ngày 25 Janvier. Tức thì cha Hộ liền đọc kinh đưa, các chú giúp cùng các chức và kẻ có mặt đó đều quì gối thông công cầu xin cho linh hồn người đặng về chốn nghỉ ngơi đời đời. Amen.

Chúng tôi cậy vì danh Chúa nhơn từ cho linh hồn thầy Phanxicô đặng lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đ. C. T sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.
(Mémorial 1917-1919, trang 28)

20. HẠNH CHA TADÊU TÍN

Cha Tadêu Tín là con trùm Trà, sinh ra tại sở Phú-thượng độ năm 1828; Người là con thứ 6, nhưng mà bổn đạo Bình-định quen gọi người là Cha Hai.

Thuở nhỏ người có học nho, mà cha nào gởi người vô giúp Chơn phước Giám-mục Xitêphanô thì không rõ.

Một chắc rằng : đứng Chân phước thấy trẻ Tadêu nầy có thánh chơn chất tốt lành, trông sẽ giúp việc Chúa được, bèn cho học Latinh.

Vã buổi ấy đạo thánh Chúa đang chịu cấm đoán gian nan, các cha các thầy những trốn ẩn nơi nọ nơi kia kẻo phải bắt bớ giam cầm, nên học trò Latinh ngồi chẳng yên mà học, khi lén đem học xứ nầy, lúc dời qua chỗ nầy chỗ khác, không thể đi học bên Pinăng. Bỡi đó trò Tadêu Tín phải vất vả, khi thì học tại họ Mương-lở, lúc thì học ở Gò-thị, Quảng-vân; nên việc học hành chẳng được tấn phát.

Vậy mặc lòng người học cũng vừa đủ biết như ý đứng Chơn phước Giám-mục Xitêphanô đã định, thì lãnh 4 chức, đoạn đi ra coi việc trường Gia-hựu, rồi về học sách đoán tại Gò-thị.

Năm cấm cố thì thầy Tadêu cũng bị bắt và bị giam trong khám làm một cùng bà đáng kính Madalena Lưu tại tĩnh Bình-định; những sự gian nan khốn khó thầy Tadêu chịu trong lúc ấy thì chẳng ai rõ, mình Chúa biết mà thôi; vì những kẻ sống đời ấy, rày chẳng còn ai mà thuật lại. Nghe nói người xưng mình là thầy giảng (Đạo đồ) trông quan làm án xử tử, đặng phước tử vì đạo; mà quan không tin.

Khi tha đạo rồi, thầy Tadêu còn trở ra Gia-hựu con việc một ít lâu nữa; khi ấy cố Từ (P.Roy) coi địa phận.

Một lần kia bỡi có việc cần lắm, Cố Từ sai thầy Tadêu đi gấp vào Thị-nại (Quinhơn) thì thầy đi bộ từ Gia-hựu vô Thị-nại có một ngày, không biết đi cách nào mà mau như thế, vì đàng đi năm trạm (100kilom).
Khi Đức Cha Trí lên ngôi tới trấn nhậm địa phận, xét thầy Tadêu công trạng, thì cho học sách đoán lại, và khi xét thầy biết đủ điều mà làm việc bổn phận nên, thì phong chức thầy cả cho người, là năm 1867; đoạn sai vào Phú-yên lãnh cả địa phận Đồng-tre, Cây-gia và Trà-kê.

Cha Tadêu ở địa phận ấy luôn cho đến khi Bề trên sai cố Thuông (P.Châtelet) vào đổi cho người, thì người lại vào Khánh-hòa thế cho cha Biên.

Đến năm Ất-dậu (1885) giặc văn thân nổi lên, Cha Tadêu phải trốn tránh trên núi non, nhờ trái cây lá cỏ mà sống, trốn lần cho đến Hòn-khói may gặp tàu tây tới cứu đem về Qui-nhơn.

Yên giặc đoạn, Đ. Cha Hân sai người trở vô ở Khánh-hòa cho đến năm 1890; rồi đổi về ở họ Sông-cát coi lập mấy sở trên Đất-vỡ, Cây-gia v.v.

Đến năm 1900, bỡi người già, yếu gối đi xa chẳng đặng, thì xin phép về nghỉ ở nhà tại họ Phú-thượng cho đến năm 1918.

Trong năm 1917 người có làm lễ ngã tuần tại họ Phú-thượng; một ít cha gần đó cùng bà con cháu chắt người tới chúc cho người sức khỏe ít năm nữa; nào hay qua 1918 thì người thấy càng ngày càng yếu hơn, ngó đã gần ngày tạ thế, bèn xin Đức Cha cho về nhà thương Đại-an hầu chết tại đó. Đ. Cha bằng lòng cho, thì người xuống tàu vào Quinhơn là 6 Juillet.

Khi tới Quinhơn người còn tỉnh táo ăn nói như thường, song mệt yếu làm lễ không đặng mà thôi.

Cách bữa sau đi xe lên Làng-sông, thì người đã láng trí, song ăn uống và đi đứng như thường.

Đến khi lên tới nhà thương Đại-an, thì càng lảng hơn, và làm như con nít nên ba tuổi; đoạn lại làm thinh không nói rằng chi hết, cứ nằm đó, ai đút giống gì cho ăn thì ăn, không thì thôi.

Khỏi ít bữa các Cha thầy người mỏn sức thì làm phép xức dầu thánh và ban phép đại-xá cho người; đến ngày 8 tháng Aout giờ thứ 2 chiều thì người tạ thế. Nhằm lúc tháng nghỉ các Cha hai trường đi dạo xa hết, có 2 Cố và 6 Cha Annam ở gần lối đó tựu về Đại-an táng xác người sáng 10 Aout tại nơi đất thánh nhà trường Đại-an. Người hưởng thọ 89 tuổi, làm thầy cả 51 năm.

Ấy tích truyện Cha Tadêu biết đặng bấy nhiêu thì chép lại bấy nhiêu; bây giờ lược qua tánh hạnh người một chút.

Bổn tính cha Tadêu đơn sơ chất phác và ân cần siêng năng việc bổn phận lắm; ở địa phận nào cũng lo lắng cất nhà thờ nhà thánh chẳng nệ tốn công hao của; rày nhà thờ Thăng-bình, Đất-vỡ và một ít cái hãy còn lại đó, làm chứng rõ ràng. Người chẳng hề ở không nhưng bao giờ, dầu khi già yếu cũng thúc làm lặt vặt trong nhà trong vườn luôn.

Lại người ăn ở cần kiệm chẳng sắm vật gì dư dật vô ích; hễ có dư đồng nào thì cúng thí hết, nên khi người qua đời chẳng còn lại đồng nào và của gì để lại.

Ấy thật là “
Corona dignitatis senectus, quae in viis justitiae reperietur.” (Prov. XVI. 31). Dám xin Chúa nhơn từ cho linh hồn Cha Tadêu đặng lên nơi tiêu sái.
(Mémorial 1917-1919, trang 125)

CHUỖI MÔI KHÔI (Mémorial tháng Janvier 1919, trang 5)

Năm (1885) là chính lúc giết đạo, có ông hương ngoại đi dạo ruộng gặp một trò chừng 14, 15 tuổi, ở trong núi đi ra, hình vóc ốm o, mặt mày tươi tắn, tay cầm tràng hột, nên biết là đứa có đạo, thì kêu lại mà hỏi rằng : “con ở đâu, đi đâu đây?”

Nó rằng : “tôi ở họ Đồng-quả; đi trốn trong rừng già kia đã lâu, nay tôi về nhà thờ mà chịu chết.” - “Con gặp ông, thì sống được, ông đem về nhà ông nuôi tử tế, không cho ai biết, miễn là con bỏ cái chuỗi ấy đi, mà xưng mình là cháu ông, ở Phù-ly ra thăm. Làng nầy xa Đồng-quả, không ai biết mặt con, đâu mà sợ.” – “Úy ! cái chuỗi nầy la bổn mạng tôi : tôi có cầm trong tay, mới yên trong dạ, không lẽ mà bỏ được. Lại tôi cũng không muốn sống làm chi, một quyết theo cha mẹ bà con tôi về Thiên đàng mà thôi.”
Người đem về nhà cho ăn uống, rồi dỗ ngon dỗ ngọt, cả đêm tới sáng, mà nó cứ nằng nằng xin về chịu chết, thì người rằng : “thôi, con không muốn ở đây, thì con trở vô trốn trong rừng đó, ông liệu đem đồ ăn hằng ngày, cho đến khi bình yên, con sẽ trở về.” – “Cám ơn hai ông bà có lòng tốt, nuôi tôi hôm qua nay, và muốn cứu phần xác tôi cho khỏi chết. Song Chúa tôi sanh dưỡng tôi từ bé đến giờ, muốn cho tôi về cũng Chúa. Xin để cho tôi về, tôi sẽ xin Chúa tôi xuống phước trả ơn cho hai ông bà.”

Nó từ giã đoạn, xăm xúi ra đi, miệng đọc lâm dâm, tay cầm tràng chuỗi, bộ tịch vui vẻ, chơn bước phấn chấn, khác nào kẻ đi đám vui tiệc sướng vậy. Còn hai ông bà thì rất đỗi thương tiếc, lấy nước mắt ròng ròng mà đưa nó đi cho đến khi khuất mặt, vì biết nay mai nẫu sẽ bắt mà giết. Cách ít bữa nghe nó ị chôn sống, thiệt là rất thảm !

Từ đó hai ông bà cứ ngẫm nghĩ trong lòng rằng : thật có đống phước đâu trên trời, kẻ có đạo thấy, nên ham chết quá ! Rất đỗi là thằng nhỏ chừng đó, mà cũng thiệt ham ! Vì vậy nên cả nhà đã trở lại đạo, và thuật chuyện nầy. Âu là nhờ lời thằng nhỏ cầu xin, như lời nó hứa.

Con nghe tích nầy biết chuỗi Môi khôi đã làm cho trẻ nầy vui lòng đi nộp mình chịu chết vì Chúa, là phước rất trọng hơn hết trên đời.

Vậy tích nầy dạy con :

Hãy ái mộ đọc chuỗi Môi khôi hằng ngày, vì là phương rất dễ dàng, mà rất hiệu nghiệm.

Trong lúc gian nan, trong cơn nguy hiểm, thì đọc nhiều chuỗi hơn, mà xin Đức Mẹ phù trì bảo hộ.

Khi con đọc thì hãy chăm chỉ ngợi khen Đức Mẹ, vì thiết tình kêu xin : “khi nầy cầu cho chúng tôi là kẻ có tội, đến khi chết lại cầu dữ. Amen.” Đừng vô ý vô tứ mà chẳng đặng ích gì.

21. THẦY BỐN JACÔBÊ TRIỆU

Sinh tại họ An-Sơn, tĩnh Quảng-năm. Vô trường Làng-Sông năm 1903. Tính khí vui vẻ, học hành siêng năng. Học vừa hết bọn nhì, bị đau, Bề trên cho nghỉ, đi giúp cố Hào tại Quinhơn một năm, rồi trở về học rhetorica, đoạn tiếp ra Đại-An học philosophia hai năm. Học xong, Bề trên sai đi Làng-Sông coi học trò một năm : làm việc hẵn hòi nhặm lẹ, ăn nói chắc chắn thẳng ngay.

Năm 1916 Bề trên kêu về học sách đoán, năm 1917 chịu tonsura. 1918 chịu bốn chức. Hột giống Chúa gieo năm 1903, nay đà nứt mộng đâm chồi, trông rằng một mai sẽ nên cây cao lá rậm, trỗ sanh trái ngọt hoa thơm. Nào hay thiên cơ chẳng định. Đầu năm nay (vừa tới lúc chịu chức thánh), thầy phải lâm chứng ho : (đương khi chúng bạn dưng mình chịu chức thứ năm, thì thầy dưng mình chịu bịnh theo ý Chúa). Bịnh đau một ngày một nặng, Bề trên cho đi nhà thương Quinhơn, cũng không giảm. Tới tháng Augusto thầy xin trở về nhà trường. Mới về được ít tuần thì bịnh trở, tối ngày 23 Augusto thổ huyết nặng, thầy dọn mình chịu các phép sốt sắng chững chàng. Sáng 24 sinh thì bằng an.
(trang 127)

22. HẠNH CHA SIMON CHÍNH

Cha Simon Chính sinh ra tại họ Đồng-hâu, địa phận Đồng-quả năm 1856. Có hai em cũng làm thầy cả là cha Antoniô Chân và Tôma Thiềng. Cha mẹ đạo dòng. Mẹ là người đạo đức sốt sắng, ân cần dạy dỗ con cái cho biết đàng thờ Chúa, giữ nết na, nên đặng ba con làm linh mục, cũng có nhờ mẹ.

Vừa khôn lớn Simon Chính chuyên học nho cho đến 18 tuổi, học đã khá, đối đoạn bài vở giỏi, nên sau cũng là một người thông chữ nho. Cha Phan thấy tính nết nhu mì, sáng trí ham học, lại có bề đức hạnh, thì bắt nuôi gởi đi học latinh tại Làng-sông, năm 1874; đến năm 1877 ra học trường Nước-nhỉ.

Hột giống tốt, gieo nhằm đất tốt, ắt sẽ trỗ sanh bông trái xuê xang. Simon Chính thấy mình đặng gọi ở nhà trường, cầm mình rất nên có phước, thì ra sức dồi mài đức hạnh, chuyên lo học hành, cho xứng đáng ơn Chúa kêu gọi. Việc học hành mau tấn tới, được nhứt nhì trong bọn; đạo đức cũng khá khen, giữ luật chín chắn, vưng kính các đứng bề trên, thuận hòa hiền lành với chúng bạn, cho nên trong trường ai nấy đều thương mến.
Học philosophia tại trường Nước-nhỉ xong rồi, thì năm 1882, vô dạy học trò Làng-sông. Năm 1884, trở về Nước-nhỉ học sách đoán một năm rưỡi, cùng chịu chức Cắt tóc. Lúc đó trong các thầy học, có nhiều thầy bị bịnh sưng chơn; thầy Chính cũng bị, nên ra yếu đuối, song cũng rán sức học chẳng bỏ bữa nào.

Kế năm Ất dậu (1885) chạy xuống Quinhơn, lúc đó thầy chịu bốn chức. Yên giặc trở về Làng-sông, và đầu năm 1888 chịu chức thầy năm.

Vã mấy năm sau giặc, người ta trở lại đạo đông lắm, mà kẻ dạy thì thiếu. Các thầy phần nhiều đã bị thiêu sát, kẻ còn sống không còn bao nhiêu, nên bề trên phải giãn trường lý đoán, mà sai các thầy đi dạy giúp các địa phận, Thầy năm Chính đi giúp cố Huệ, địa phận Gò-thị, mà lập mấy họ mới như Vinh-quan, Phước-thiện, Tân-giảng.

Đầu năm XXXXXXX bề trên đòi về học sách đoán lại, cùng chịu chức thầy sáu; qua 19 decembrê năm sau thăng chức linh mục.

Chịu chức thầy cả đoạn, trở ra Gò-thị giúp cố Huệ. Năm 1894 lãnh địa phận Kim-châu, cùng đã lập được nhiều họ mới. Người ở một mình được hai năm rưỡi, rồi Đức Cha Hân thầy người một ngày một yếu, mà việc địa phận càng ngày càng nặng, một mình gánh không nổi, lại lúc ấy bịnh rét rất dữ tại Trung-ái, Kim-châu, cha cũng năng bị rét, thì sai cố Lực lãnh thế, năm 1897; người cũng còn ở lại phụ giúp cố hơn một năm nữa.

Năm 1898 Đức Cha đổi về trường Đại-an dạy giáo tập; sau hết năm 1909 nhà thương các cha bổn quốc làm đã hoàn thành, thì Đức Cha dạy người lãnh việc giữ nhà và sửa sang mọi sự.

Ta thấy cha Chính dầu lúc ở nhà cha mẹ, dầu khi ở nhà trường đã chí quyết giữ nết na, tập đi đàng nhơn đức, thì khi đã đặng thêm ơn rất trọng là chức thầy cả, âu là chẳng đổi chẳng dời mà lại càng thêm tấn phát. Thật là một thầy cả pius, prudens, zelosus; nên thấy đời người đã ra sức làm sáng danh Chúa, giúp phần rỗi linh hồn người ta, cùng ép mình nhịn nhục chịu khó giữ làm mọi việc theo đứng bực mình chín chắc tử tế.

Người hằng ra sức ở khiêm nhượng, khó khăn, hiền lành, nhịn nhục; áo mặc đồ dùng chẳng ưa sang trọng lòa loẹt; gặp sự khó cho mấy cũng vui lòng chịu, như mấy năm coi giữ nhà thương, tuy không khỏi nhiều đều khó, mà người biết nhịn nhục ở cho vừa bụng mọi người; ấy là sự giữ bổn phận riêng mình.

Về sự ở đời với người ta, thì cũng khôn ngoan từng trải, gặp sự rối rắm khó liệu, tính cũng xong. Ở với bổn đạo như cha với con; ai có việc, bất luận sang hèn, muốn tới thì tiếp rước vui vẻ, tỏ tình ái yêu an ủi giúp đỡ. Bổn đạo thấy vậy thì thiệt tỏ tình trìu mến cha; nên mấy nơi người đã ở, thì chẳng mang tiếng gì xấu, một để danh thơm tiếng tốt, người ta những thương những tiếc mà thôi.

Người vốn yếu đuối, lại thêm bịnh khi học Nước-nhỉ, mà khi chịu chức thầy cả, thì chẳng nệ khó nhọc làm việc xốc vác là dường nào. Khi người lãnh địa phận Kim-châu, thì có bốn sở mà thôi, là Kim-châu, Vườn-vông, Cù-lâm, Trung-ái; còn một vài chỗ khác cũng đã có ít người chịu phép rửa tội, nhưng chưa thành họ.

Vậy người đã lập thêm những sở sau nầy, là Đông-viên, Mĩ-ngọc, Trường-cửu, Hoà-tân, Đông-lâm, Trán-long, Nhơn-nghĩa, Thủ-thiện. Biết bao nhiêu công khó ! Chẳng phải lập cho có nhiều họ mà thôi, song cũng lo sửa sang chỉnh đốn, họ nào cũng lo cho có nhà thờ sạch sẽ xứng đáng tùy sức. Người cũng lo dạy nghĩa thiên phần, mà thấy bổn đạo mới thiên phần ít thuộc, lẽ đạo chưa thông, khó bề giữ đạo, thì chép cuốn sách nhỏ, (nhãn đề Học tắt), tốm các đều đại cái phải tin phải giữ trong đạo, và cách xưng tội. Ai biết chữ thì dạy sao lại mà coi, ai không biết chữ, thì cai sĩ các họ phải lo dạy. Người ân cần việc giảng dạy khuyên lơn thúc giục cho ai nấy càng thêm lòng sốt sắng mà giữ đạo; nên thay đổi đi họ nọ họ kia làm lễ Chúa nhựt, chẳng làm thường một chỗ.
Bổn đạo ai hỗ thế phá phách thiên hạ, thì người lấy phép thẳng mà sửa trị, song tình cha con, nên đạo ngoại đều ưng phục.

Đến khi chẳng còn gánh nổi việc địa phận nữa, đã về nhà trường, nhà thương, thì lòng người cũng hãy còn nông nả ước ao làm sáng danh Chúa. Mỗi lần gặp anh em đồng liêu, thì năng nói về sự giảng đạo, bàn lẽ nọ tính lẽ kia, làm sao cho địa phận mau thạnh, chầu nhưng mau đông. Người đã rủ ít cha lập hội viết sách nhỏ nhỏ, để phát thí cho người ta coi lần lần thấm lẽ đạo, người cũng đã đặng phép Đức Cha ban mà viết thơ cho các Cha tây nam xin giúp, kẻ nhiều người ít tùy nghi, cho đặng liệu việc hữu ích ấy.
Khi yếu lắm phải về nhà thương mà nghỉ, thì cũng chẳng nghỉ gì. Nhà thương khi mới cất rồi, có một mình đứng trụi trụi giữa gò đất không. Người ra sức sửa sang mọi sự t rong ngoài; rày nên một toà nguy nga, vườn tược cây cối, sum sê mát mẻ, bông hoa sắc sở, thảy đều có thứ tự lớp lang, ai tới đều khen.

Lại cũng gia công, đóng một bàn thờ gỗ, khéo léo ý chỉ, sơn thếp rực rỡ, ai coi cũng trằm trồ.

Mấy năm ở nhà thương, hễ rảnh việc trong nhà, thì ra dạo sửa vườn, rồi đọc kinh, coi sách hay là viết.

Có kẻ thấy người rán quá, thì can người, song người đáp rằng : Còn làm được chừng nào thì làm, có nghỉ mạnh đâu không thấy, thấy mất ngày giờ uổng công.

Sách người chép thì kiểu nói êm xuôi dễ hiểu, đạo đức ý vị. Những sách người làm là : Con nít học nói, Học tắt, Tự vị nho, Bảy mối tội đầu, Thiên Chúa luận, Hiếu kính cha mẹ, Chơn đạo đại ích, Gương tốt đồng nhi, Thang trời. Thang trời là sách sau hết nằm mà viết nảo ra, rồi cậy cha khác viết tính lại, vì đã yếu liệt quá.

Khi sống đã hết sức lo bề sanh thuận, ắt giờ chết sẽ đặng tử an mà chớ. Nhớ đến mấy tháng cha nằm liệt, dọn mình chết cách tốt lành, ai mà chẳng động lòng !

Người thiệt hết sức chẳng còn vô ra dạo vườn được, là từ tháng augustô năm 1918. Tuy vậy mà cũng còn gắn gượng làm lễ, đến đỗi đôi khi giữa mùa lễ nổi mệt ngất, phải ngồi mà nghỉ ngơi.

Còn officium cũng rán đọc, dầu nhọc mệt, có bữa nội matutinum et laudes đọc một giờ rưỡi hai giờ, cũng không bỏ, xác còn thế làm được thì bắt ép làm luôn chẳng cho nghỉ khi nào.

Người xin chịu các phép sau hết là ngày 15 Juniô; từ ấy cho đến khi qua đời nằm không mà thôi, chẳng còn làm được gì nữa. Mọi ngày thức dậy lo dọn mình rước Mình thánh Chúa, và lần hột ngày hai buổi chẳng hề bỏ qua, cho đến ngày tắt hơi; sáng sớm ngày ấy cũng còn tỉnh táo, thấy trong mình khác, biết giờ lâm chung gần đến, nên xin xưng tội lại và xin chịu viaticum, rồi cũng còn tỉnh, dầu không nói đặng như trước, song ra dấu hiểu biết được; sau hết nằm yên bất tỉnh chừng 10 phút, thì linh hồn ra khỏi xác êm ái dịu dàng.

Sự thường hễ đau đớn liệt nhược thì hay bẳn hẳn, khó cho kẻ giúp, song cha Chính hằng giữ một mực, vui vẻ, dễ dàng, nằm im im thiếp thiếp một mình; một mình với kẻ giúp thì đủ, không muốn làm khó làm cực cho ai, cho nên trong nhà có kẻ liệt nặng, mà cũng bằng yên như chẳng có; dầu đương khi mệt nhọc, mà có ai vào thăm, thì cũng tỏ mặt hớn hở mừng chào vui vẻ như tuồng không đau đớn gì vậy.

Người qua đời tại ngày 31 Augustô, giờ thứ nhứt rưỡi chiều; ngày 2 Septembrê bảy giời mai Cha bề trên Lý rước xác, cha Sanh làm lễ qui lăng, Đức Cha Mẫn làm phép mồ; cố Lộc đưa xác, có hai Đức Cha, mười cha tây, mười bảy cha annam, các thầy các chú đông đủ vì là đầu tháng học, lại cũng có bà con bổn đạo quen biết người xưa. Ôi ! cuộc tống táng vinh vang trọng thể dường ấy, thuở nay chưa thấy ai được như vậy ! thật là cha Simon Chính có phước lắm, âu là bỡi công đức người, Chúa cho như thể !

Chôn tại đất thánh nhà trường Đại-an, xác nằm đó đợi ngày sau sẽ sống lại, linh hồn về cùng Chúa, vì trót đời đã hết dạ thờ Chúa, trọn đạo con thảo tôi ngay, ắt rày cũng đặng nghe lời êm ái dịu ngọt : Euge serve bone et fidelis intra in gaudium Domini tui.
(Mémorial 1917-1919, trang 139)

23. CHA PHANXICÔ-XAVIE ẨN

Cha Phanxicô-Xavie Ẩn sinh ra năm 1842, tại họ Thác-đá; cha mẹ là Phanxicô và Matta Quới. Khi khôn lớn, giúp cố Từ; cố cho vô trường Làng-sông; học đó một năm, đoạn qua
Pinang học latinh và sách đoán bảy năm.

Khi trở về, Bề trên sai giúp Cha Chương ở Phú-thượng, rồi vô giúp cố chính Hân (Mgr Van-Camélbeke) ở Gia-hựu năm 1869. Năm 1872 dạy tiếng cố Kính tại Tân-quán; qua năm sau về trường Làng-sông dạy học trò. Năm 1878 học sách đoán tại Gò-thị; qua năm sau chịu chức cắt tóc, rồi trở vô trường Làng-sông dạy học trò : đến năm 1881 chịu bốn chức và chức thầy năm, đoạn ra coi nhà mồ côi Gò-thị. Năm 1882 Đức Cha Lợi đau về Tây, cố chính Hân sai người và thầy năm Nhứt vào Sàigòn chịu chức thầy sáu; qua năm 1883 cố chính Hân lại mời Đức Cha Mĩ (Mgr Colombert) ra Bình-định phong chức thầy cả cho người tại Làng-sông.

Cha Phanxico chịu chức đoạn, Bề trên sai vào coi sóc bổn đạo Phan-rý và Phan-thiết có sáu sở mà thôi, số bổn đạo chừng bảy tám trăm; phần xác cũng đủ dùng, song phần hồn thì thốn thiếu lắm. Một mình Cha lặn lội vào ra, thăm viếng các sở, khuyên răn dạy dỗ, giảng giải cho ai nấy đặng thấm thía đạo mầu; đàng sá xa xôi, khi thì phải qua những bãi cát rất mệt nhọc, lại đầy những quân cướp đón ngăn; khi lại phải đi đàng rừng rú giữa tày voi, cọp gấu rất đỗi hiểm nguy; song Cha cũng cứ ra vô luân chuyển cả năm, chẳng quản chi mệt nhọc nguy hiểm.

Năm 1885 Cha về Bình-định cấm phòng; chẳng may bị Văn thân nổi loạn, Đức Cha, các Cha và bổn đạo chạy xuống trú tại Quinhơn, thì Cha cũng phải chạy theo xuống đó. Cách ít lâu nghe rằng Nha-trang và Phan-rang còn nhiều bổn đạo trốn ẩn trên núi, thì Đ. Cha mướn một chiếc tàu và sau cố Bửu với Cha Ẩn đi cứu bổn đạo Nhatrang. Tàu tới nơi hai Cha cất bộ lên đất, bắn tin cho bổn đạo các nơi, thì có chừng 700 người kéo xuống bãi; các Cha bắt ghe chở ra tàu; khi ấy biết mọi người mừng rỡ cùng cảm ơn Chúa là dường nào ! Tàu chạy luôn tới Sàigòn, thì hai Cha đem bổn đạo lên đất; nhờ ơn Đức Cha Mĩ, các Cha và các bổn đạo thấy kẻ bị gian nan khốn khó mà động lòng thương xót; kẻ giúp của ăn, người cho áo mặc, kẻ lo chỗ ở; nên cũng tạm an. Hai Cha lại trở về Quinhơn mà lo cứu kẻ khác.

Vậy Đ. Cha lại mướn tàu khác và cũng sai hai Cha trở vô cứu bổn đạo Phan-rang. Tàu tới nơi, bổn đạo nghe tin, đâu đó rùng rùng kéo xuống bãi. Chẳng dè chúa tàu thấy đông đảo người ta tưởng là quân giặc, nên chẳng chịu cho tam bản lên rước; dầu hai Cha năn nỉ xin thể nào cũng chẳng nghe; khỏi ít giờ tàu kéo neo chạy ngay vào Sàigòn, bỏ bổn đạo cho quân dữ mặc sức đâm giết phân thây; biết khi ấy hai Cha đau đớn thương tiếc là dường nào ! Cha Phanxicô ở luôn tại Sàigòn; lần lần cũng có ít nhiều bổn đạo Bình-thuận trốn chạy được vào trong ấy.

Đến sau Nhà nước sai quan Đốc phủ Lộc ra Bình-thuận dẹp giặc, thì cha Phanxicô và bổn đạo cũng theo về, thấy mọi nơi quân giặc phá đã tan hoang bình địa. Nhờ quan Đốc phủ bắt làng xóm bồi thường cũng được ít nhiều, song không thấm vào đâu, vì phần thì phải cất lại nhà thờ nhà vuông các sở, phần thì phải giúp bổn đạo cho có nhà ở, có nghề nghiệp làm ăn; lại còn lo lập sở mới nữa. Cha chạy đủ phương, lo khai khẩn vỡ bạt, sắm trâu sắm bò, chia ruộng đất và trâu bò cho bổn đạo làm ăn; nhờ Cha trợ giúp như vậy, thì lần lần được an cư lạc nghiệp.

Cách ít lâu Bề trên sai cố Đức vào Phan-thiết; bấy giờ hai Cha lại đồng công hiệp lực mà lập thêm nhiều sở mới; Cha Phanxicô cũng vô lập hai sở Cù-mi Là-gì, rồi trở ra Phan-rý, sau lại đổi về Phan-rang.

Năm 1904, Bề trên đổi về Bình-định coi sóc địa phận Tân-dinh. Cha ở luôn đây gần 20 năm làm việc sốt sắng hẳn hoi chẳng thua chi lúc ở Bình-thuận; lo sửa nhà thờ nhà thánh, dạy dỗ bổn đạo cho thuộc biết kinh thiên lẽ đạo; lập thêm được một sở mới là Phong-thạnh tại Trường-úc. Thường hễ có rảnh, thì cha lãnh dạy chầu nhưng bao đồng; mấy đều mắc mỉu khẳn khiu các thầy kéo không chạy, qua tay Cha đều xuôi cả. Cha có lòng thương kẻ khó cách lạ lùng, dầu lúc già cả yếu gối cũng chống gậy lụm cụm đi thăm viếng : không nhà ở, Cha cho nhà; lợp không nổi, Cha lợp giùm; không nghề làm ăn Cha giúp vốn; đói khát, Cha chạy ngõ nầy mượn ngõ kia mà cho chác; như có năm kia cơ cẩn Cha mượn hết 100 vuông lúa của nhà trường mà phân phát cho bổn đạo; cho nên nói đặng như thánh Tông đồ rằng : Quis infirmatur, et ego non infirmor (II Cor. XI, 29) ? Bỡi đó khi Cha qua đời thì ai nấy khóc lóc thương tiếc không làm chi cho khuây đặng.

Tính khí Cha cương trực khẳng khái; nhưng mà hằng vưng lời chịu lụy Đứng bề trên : dầu sai đi đâu dạy làm việc gì, cũng chẳng khi nào thấy phàn nàn năn nỉ. Cách ở đơn sơ khó khăn, không ưa sự phô trương lòa lẹt; có của bao nhiêu thì để làm phước làm phận : cho nên khi qua đời coi lại trong rương thì áo quần chẳng còn mấy cái, tiền bạc sạch trơn.

Cha Phanxicô đã đầy công nghiệp, nên Chúa định thưởng người. Vậy ngày 7 Februariô Cha phát đau nặng chừng hơn nửa tháng, nhờ tốt thuốc men may được khoẻ lại, đi ra đi vô trong nhà, ai nấy cũng đều mừng, có bụng trông. Chẳng dè mhơn dịp chôn xác cố Thọ, Cha thấy vậy cũng động lòng, nhớ công ơn cố đã lo giảng cấm phòng đôi phen, nên rán đưa cố tới phần mộ một phen sau hết; về đến nhà phát mệt nổi ho, đau đớn nhứt nhối cả mình, lại tức tối lắm, đến đỗi nhiều lần muốn dứt hơi. Cha chịu làm vậy luôn một tuần, chẳng phàn nàn năn nỉ chút nào; ai vào thăm, Cha cũng chuyện vãn vui vẻ. Bịnh càng ngày càng nặng, nên Cha chịu các phép. Đến ngày 11 Martio, giờ thứ 6 chiều, Cha biết trong mình đã gần giờ lâm chung, thì biểu mấy người giúp rằng : “Chúng con hãy lần với Cha một chuỗi cho sốt sắng hết sức.” Lần hột rồi Cha biểu đem đèn soi coi sắc diện Cha ra thể nào, thì thấy đã ra khác lắm; các Cha vào thăm an ủi thì cha trả lời tỉnh táo : sẵn lòng vưng theo thánh ý Chúa mọi đàng. Khi ấy bổn đạo đọc kinh tối vừa rồi cũng vào thăm, thì Cha biểu quì ngoài hè nhà vuông mà làm việc Đức Mẹ; làm việc gần rồi thì Cha biểu kêu hết vào trong nhà, đoạn dạy mấy người giúp đỡ Cha đứng dậy mà nói cùng bổn đạo rằng : “Ớ chúng con, bấy lâu nay Cha ở cùng chúng con, Cha có làm đều gì mất lòng chúng con thì xin chúng con thứ tha cho Cha; chúng con có bằng lòng chăng ?” Bổn đạo chưa kịp thưa, thì Cha lại hỏi một lần nữa : “Chúng con có bằng lòng không ?” Mọi người thưa “dạ”, thì cha biểu đỡ nằm xuống, liền tắt hơi cách êm ái dịu dàng, không thấy hấp hối mệt nhọc bao lăm. Độ giờ thứ 9 tối; hưởng thọ 81 tuổi.

Sáng ngày 13 làm lễ qui lăng trọng thể, Cha Marino Tú làm chánh tế, cha Vêrô Huy phó tế, Cha Vêrô Phước tiểu phó tể; Đức Cha và các Cha tây nam chầu lễ hơn 20 đứng, có các học trò nhà trường và các chị nhà phước Làng-sông; bổn đạo các sở tự tới đông lắm. Lễ rồi Đ. Cha làm phép xác, đoạn cha Cậy là anh bạn dì họ với Cha, cũng là đàng anh trong các Cha bổn quốc, đưa xác. Xác an táng tại thánh địa nhà trường linh hồn Chúa cho về nơi tiêu soái.
(Mémorial 1920-1923, trang 161)

24. CHA LỊCH

Ai tin : Cha Joachim Lịch là con chánh tổng Nhàn ở sở Truông-dốc, huyện Phù-mĩ, sinh ra năm 1884; chưa đầy một tuổi đã phải ẵm bồng đi trốn giặc Thân-hào, xuống trú ngụ tại bãi cát Qui-nhơn, rồi vào Gia-định. Vừa khôn lớn cha mẹ dâng cho cố Lựu (P. Hamon) xin gởi vào nhà trường Làng-sông, Joachim học hành khá giỏi, tánh ý kỹ càng, việc làm hẵn hiên, mọi điều thứ tự. Học mãn khoá ra giúp việc địa phận tại sở Đồng-phó, đoạn về coi học trò tại trường Làng-sông; rồi ra học sách đoán tại Đại-an.
Năm 1914 chịu chức thầy cả, nhơn bỡi người yếu đuối, đau phổi hay ho và cũng có thổ huyết, nên ở đâu cũng chẳng đặng lâu, phải nghỉ dưỡng bịnh hoài. Trước thì ở Cây-da, rồi ra Gia-chiểu, đoạn ra Phú-hòa, cùng ra Phú-thượng; rồi về nghỉ tại nhà, đoạn giúp cố Qui (P. Perreaux) coi việc nhà đồ tại Quinhơn; sau hết năm 1921 về nghỉ tại nhà thương Đại-an. Qua năm nay bịnh người trở nặng, một tuần làm lễ được vài ba lần mà thôi, và từ cuối tháng Avril đến nay hết làm lễ được nữa; qua 1 Juin lại không còn ăn uống được nữa. Chiều 6 Juin Đ. Cha ra Đại-an đặng làm lễ phong chức, có các cha tây nam về chực chầu lễ, đều đến thăm người; người tỉnh mình tỏ dấu cám ơn, vì không còn nói được. Cách một chập độ 6 giờ qua một khắc, người chấp tay phú linh hồn cho Chúa một cách rất dịu dàng; sẵn có các cha lo đọc kinh đưa kinh dõi. Hưởng thọ 39 tuổi, làm thầy cả 9 năm, qua nhiều cuộc gian nan rày được nghỉ an trong tay Chúa.
Nhơn ngày 7 tại trường có lễ phong chức, chẳng hát lễ mồ được, nên chiều rước xác cha vào nhà thờ nhà trường hát Libera làm phép xác, có Đ. Cha và các cha tây nam 19 đấng đưa ra đất thánh an táng đợi ngày phục hượt hiển vinh.
(Mémorial 1920-1923, trang 172)

25. SỰ TÍCH CHA PETRUS CAO

Cha Vêrô Cao, là con Vêrô hương Thi và bà Maria Lài, sinh ra năm 1864, tại sở Mỹ-trang, địa phận Nước-nhỉ. Nguyên hai ông bà trước là ngoại giáo, song vì ông hương là người văn vật, biết nghiệm xét việc ngụy chơn. Nhơn khi ấy các Thầy học tại trường Nước-nhỉ năng đi dạo chơi tới Mỹ-trang, ông hương hễ thấy, thì có ý xét cách ở cách Thầy ấy thể nào. Khi thấy các thầy đi ngang qua đám cấy, đám làm cỏ, và những nơi có phụ nhơn thiếu nữ, chẳng những không chọc ghẹo giễu cợt như các học trò nho, mà lại cũng chẳng thèm liếc mắt nhìn xem, một giữ sự nết na đằm thắm, thì ngẩn trí vô hồi; về nhà những nhắc đi nhắc lại với vợ con mà ngợi khen không xiết. Lần hồi tìm dịp làm quen với các Thầy mà chuyện vãn. Sẵn lúc ấy có bọn chầu nhưng ở Mỹ-trang, cố chính Thủ (P. Fourmond) sai thầy sáu Ngữ qua dạy; ông hương lén đến ngồi nghe dạy liên tiếp 3 ngày, rồi ra mặt chường thầy Sáu mà xin tùng giáo cả nhà. Vậy cả gia thất ông hương Thi đều trở lại, và giữ đạo sốt sắng, đến năm 1885 phải đổ máu mình ra vì đạo Chúa.
Vã khi ông hương trở lại, thì đem hai con là Vêrô Cao và Vêrô Tài dâng cho cố chính Thủ; cố nuôi Vêrô Tài, còn Vêrô Cao thì cố giao cho cố Sĩ (P. Macé) nuôi làm chú giúp. Cố Sĩ thấy trò Vêrô Cao nết na đằm thắm, ăn nói khiêm từ, bèn cho vào học Latinh tại trường Làng-sông. Đến năm 1885 nhà trường phải quân giặc văn thân đốt phá, các Cha và học trò xuống trú ngụ tại Quinhơn; Đ. Cha Hân bèn lựa 24 trò gởi sang
Pinang, thì Vêrô Cao cũng được vào trong sổ 24 trò ấy.

Khi Vêrô Cao ở trường
Pinang tuy năng rét năng đau, song học hành cũng chẳng thua ai, lại luật mẹo giữ hẵn hiên trọn vẹn.

Đầu năm 1892 trở về bổn quốc, ra giúp cố Bửu (P. Geffroy) tại Bồng-sơn 4 năm. Đoạn về trường Làng-sông học sách đoán và chịu chức lần lần cho đến năm 1898 chịu chức Thầy cả, và cùng vào Phú-yên giúp địa phận Mằng-lăng, ở tại sở Gò-duối 14 năm. Đoạn đổi ra ở Tân-thành địa phận Gò-thị, rồi vào Hộ-diêm. Ở đó ít lâu thì ra làm cha sở Ninh-hòa. Từ đó người lâm bịnh đau trong tì vị ăn uống không được, lại sưng hai chơn. Năm nay người yếu quá, thì Đ. Cha cho người về Mằng-lăng dưỡng bịnh tại nhà em là thầy Tài. Thuốc tây thuốc nam thảy đều uống thử, mà bịnh cứ gia tăng; thầy thuốc coi thì nói gan phổi người đều hư, vô phương cứu chữa.

Vậy trước ít ngày người lâm chung, cố Gioang đã làm đủ các phép Bí tích sau hết cho người. Đến ngày 24 Octobre thì người phú linh hồn cho Chúa cách êm ái dịu dàng.

Bổn tính người rất vui vẻ, và có lòng thương giúp kẻ nghèo nàn thốn thiếu, nên ở đâu bổn đạo cũng thương. Tiền bạc có bao nhiêu cũng về tay kẻ khó, nên khi qua đời trong rương chẳng có một xu; sở hụi tống táng em người là thầy Tài đều chịu hết.
Chúng tôi cậy vì danh Chúa nhơn từ cho linh hồn Thầy Vêrô đặng lên chốn nghỉ ngơi.(Mémorial 1920-1923) trang 239)

25. CHA
PIERRE QUA

Cha Pierre Qua sinh ra tại Phú-thượng năm 1879; cha mẹ tầm thường làm ăn đủ đổi, song bề đạo đức cao trổi hơn nhiều kẻ khác. Khi ngài nên 13 tuổi cha mẹ đem dâng cho cố Thiên (P. Maillard) y đặng gởi vào nhà trường. Cố thấy tính nết trẻ nầy đơn sơ tốt lành, thì ưng lãnh gởi vào trường Làng-sông.

Trò Pierre học hành vừa đủ theo kịp anh em; học mãn khóa ra làm thầy giảng giúp cố Mĩ (P. Maheu) tại địa phận Lệ-sơn. Đoạn Đ. Cha đòi về học Sách đoán cùng chịu chức lần hồi; đến năm 1908 lãnh quờn chánh-tế ra làm cha phó giúp địa phận Nhà-đá (Truông-dốc) 3 năm. Đoạn ra ở địa phận Thác-đá, rồi ra địa phận Châu-me; sau hết thì làm cha sở địa phận Trung-sơn.

Khi ngài ở Trung-sơn thì lâm bịnh ho và thổ huyết, song cũng rán làm việc bổn phận chẳng muốn xin thôi. Ngài lo cất nhà vuông tử tế, đoạn lo săn gỗ thu trữ tiền bạc đặng làm nhà thờ; song chẳng kịp. Vì bịnh phát nặng lắm phải xin về nhà thương phục dược.
Nhưng bỡi chứng nan-y, càng uống thuốc bịnh càng gia tăng; hóa ra tật còn, tiền mất. Ngài nghe ngoài Hòa-mục có thầy thuốc lịch-bịnh anh danh, lại nhiều người trong họ đành lòng rước ngài ra đó nghỉ ngơi uống thuốc; ngài dọn ra ở năm bảy tháng, bịnh cũng cầm chừng, song nhờ có kẻ lo, nên trong mình hơi khoẻ hơn một ít.

Đoạn Đ. Cha dạy ngài vào Kim-châu đặng làm lễ cho các thầy dòng xem; ngài vâng lịnh đi vào; mà ở đó không được bao lâu, vì bịnh trở nặng hơn xưa, phải trở về nằm lại nhà thương Đại-an đặng dọn mình cho an phận.

Về đó mấy tuần đầu còn làm lễ được, sau kiệt lực cứ nằm mà chịu lễ hằng ngày; nhưng cũng hằng tỏ mặt vui vẻ luôn. Đầu tháng Juillet các cha về chầu lễ phong chức và mầng cuộc lễ vàng cố Ngãi, ngài ao ước : chớ chi Chúa cho chết đang khi sẵn có các cha đông. Nhưng sự ngài ước mong Chúa không muốn nhậm; ngài kia ngài nói với cha Tú rằng : Tôi dọn mình hoài, mà cái sự chết nó đi đâu mất không thèm tới, cắc cớ khi nó bỏ quên tôi ! Ngài nằm đó đợi sự chết mãi; đến 27 juillet mới ngặt mình. Cha Tú lo cho ngài chịu các phép Bí-tích sau hết, đoạn sáng ngày 28 ngài phú linh hồn trong tay Chúa rất êm ái dịu dàng; hưởng thọ 49 tuổi, làm thầy cả được 16 năm.

Nhơn nhằm tháng nhà trường nghỉ, các cha các thầy đi khỏi, có ít cha xung quanh đến đưa xác ngài. Sáng 29 cha Tú rước xác xuống nhà trường, cha Thiên hát lễ rồi cha Lục đưa xác ngài ra gò đất thánh, nằm đó chờ đến ngày nghe loa thần kêu thức dậy.

Hỡi cha
Pierre, cha đã chịu khó làm việc bổn phận chín chắn hẵn hiên; cha đã hết lòng tôn kính Đ. Mẹ; mấy ngày lễ Đức Bà, cha những thối thúc giáo nhơn đem lòng thành kính Đ. Mẹ; cha lo dọn những cuộc kiểu ảnh Đ. Mẹ rất trang hoàng. Nhứt là cha có lòng sốt sắng kính thờ R. thánh Trái tim ĐCG; cha đã giảng rao khuyên bổn đạo tôn Trái tm Chúa làm Vua cai trị gia thất, và chính cha đã làm gương, vì cha lo dọn bàn thờ nhỏ để tượng ảnh Trái tim trong phòng mà cầu nguyện hằng ngày. Nay cha lìa thế chắc Đ. Mẹ Chúa Trời chẳng bỏ cha, và ĐCG. đã tạc ghi tên cha vào Trái tim Người như lời Người đã hứa, thì chắc cha được nghe tiếng dịu dàng rằng : “Intra in gaudium Domini tui” Nếu cha còn một hai chút bợn nhơ; thì : Chúng tôi cậy vì danh Chúa nhơn từ cho linh hồn cha đặng lên chốn nghỉ ngơi; hằng xem thấy mặt ĐCT sáng láng vui vẻ vô cùng !

(Mémorial năm 1924, trang 126)

27. PHÊRÔ LỤC

Cha Phêrô Lục sinh ra tại họ Tùng-sơn, địa phận Phú-thượng, về tĩnh Quảng-nam, năm 1868, Cha Truyền rửa tội. Cha mẹ là người đạo đức sốt sắng tên là Phanxicô Xavie và Anê Dinh. Khi được 13 tuổi, cố Huề (P.Vivier) thấy con trẻ lanh lợi tốt trí, thì cho vào học Latinh tại Làng-sông.

Đến năm 1885, giặc Văn-thân nổi lên chém giết bổn đạo mọi nơi, đốt phá nhà cữa, trường Làng-sông cũng phải tan tành, học trò chạy xuống chui đụt ở cữa Quinhon, việc học phải đình bãi. Vì vậy Đ. Cha Hân chọn ít nhiều học trò mà gởi sang trường
Pinang, trò Phêrô cũng được chọn vào số ấy. Phêrô học tại Pinang cho đến năm Philosophia thì trở về Annam là đầu năm 1889, và đi giảng tại Phan-rang, dạy tiếng cho Cố Bạch tại Phan-thiết.

Năm 1892 về học Lý-đoán tại Làng-sông, qua năm sau chịu cắt tóc, và năm 1894 chịu bốn chức; chẳng may tháng Maio cũng năm ấy, thầy bị đau phải nghỉ, thì Đ. Cha sai ra Gia-hựu giúp cố Bửu mà coi việc nhà mồ côi. Năm 1897 về chịu chức thầy năm và dạy các chú tại Đại-an, qua tháng Augusto cũng năm ấy chịu chức thầy sáu. Đến lễ Epiphania năm 1898 chịu chức linh mục, đoạn ra ở An-ngãi giúp cố Thiên (P. Maillard) 5 năm, rồi năm 1904 vô Bồng-sơn, Thác-đá, Tân-long, đoạn về Làng-sông giúp nhà in. năm 1906 ra Gò-thị làm vicaire cố Ngãi. Năm 1911 trở vô Làng-sông dạy quốc văn chương bào cho các chú và cũng giúp việc tòa Giám-mục. Năm 1914 đi lãnh Cha sở địa phận Lệ-sơn, và năm 1917 trở về Đại-an dạy học trò trường thầy giảng, đến năm 1923 thì lại dọn vô Làng-sông làm phó ký lục tòa Giám-mục và giúp việc nhà in mà kiểm duyệt các sách vở quốc âm.

Độ cuối năm 1926 Cha đã yếu mệt thì Đ. Cha cho đi nghỉ ít lâu, đến tháng Avril 1927 lại sai ra địa phận Ngãi-điền là hai sở nhánh thuộc Đồng-quả, mà bỡi ở lẻ loi xa cách, nên Đ. Cha tách biệt mà làm một địa phận mới. Đến 10 novembre người phát bịnh, thấy trong lương ương mệt mỏi ăn ngủ ít được, hay ụa mửa, song tưởng tiết đông thiên con người hay cảm là sự thường, ít bữa rồi cũng qua, không hề chi. Dè đâu bịnh ngày một tấn, đến 3 décembre thì mẹp, hết làm lễ được. Cha Vĩ nghe tin vội vàng lên rước xuống Đồng-quả; ở đó bổ dưỡng một tuần không thấy chuyển phải chở xuống Thác-đá và thơ trình Đ. Cha dạy thể nào.

Ngày 18 décembre có xin diện cố Giữ-việc cho ra rước thì Cha Hậu đưa vào Quinhơn; tới nơi vào nhà thương liền, mà cha đã mệt nhọc quá, trí khôn đã lãng, song ai thăm cũng còn biết, còn nói chuyện đặng ít nhiều. Chiều 22 Cha thấy trong mình đã mỏn thì xin Cha Thạnh xức dầu và làm các phép; qua 23 thì bất tỉnh, chiều ngày ấy Đ. Cha và các Cha Làng-sông xuống thăm thì Cha chẳng còn biết ai nữa; qua nửa đêm độ giờ thứ 3 qua một khắc thì tắt hơi, may có cha Thạnh cũng đau liệt nằm nhà thương bên phòng kề, nên rán giúp được người trong giờ sau hết.

Thảm thiết thay ! 30 năm làm thầy cả những lo giúp người ta trong giờ lâm tử chẳng quản đêm khuya, chẳng nệ khó nhọc. Ai đau liệt mà Cha chẳng sốt lòng ? ai hấp hối mà chẳng có Cha ? Quis infirmatur et ego non nifirmor?

Hay đâu đến lúc riêng mình thì lại phải tủi thân như thế, ở giữa chốn lạ lùng, tư bề những kẻ ngoại, một mình, với một đứa cháu bơ-ngơ, việc giúp đỡ linh hồn thâm gay, nhắc Chúa kêu bà cũng không tiện. Ấy đấng thầy cả lo cho người được ấm cúng trong giờ sau hết, mà cũng có đôi khi mình phải chết lạnh như thế; song kẻ vưng tin lời Chúa, trọn niềm bổn phận, dầu làm sao Chúa cũng chẳng bỏ : Venite benedicti… infirmus eram. Et visitastis me.

Cha tắt hơi đoạn đem xác về nhà thờ, chiều chở lên Làng-sông, qua 24 làm lễ qui lăng an táng. Rủi nhằm ngày áp lễ sinh-nhựt, các Cha địa phận không mấy ai về được, chỉ có Cha Miễn, Truyện, Quảng mà thôi, Cha Chân hát lễ, Cha Sử và Cha Tín làm thầy sáu thầy năm : Cha Perreaux đưa xác; Đ. Cha, các Cha các thầy các chú, và nhiều bổn đạo đưa theo xuống thánh địa, ai nấy mặt ủ mày châu, lòng sầu dạ thảm nỗi buồn nỗi tiếc bâng-khuâng; tiếc vì mất đấng linh mục thông thái sốt sắng đã làm ích cho địa-phận nhiều bề; buồn vì từ đây anh em chẳng còn đặng sum vầy cùng nhau nơi dương thế.

Cha Phêrô là người thông minh chữ nghĩa trổi cao. Khi còn học latinh mấy lớp dưới, tuy chưa trổ tài, song trí khôn sâu sắt, mau hiểu nhớ dai, các thầy giáo đều khen và bỏ bụng trông thầm. Chừng tới lớp trên, trí tài đua phát, đến lớp văn chương cùng khoa triết-học đã thấy trổi cao. Nói chi khoa lý đoán, thật đã tót vời : câu nào mắc nỏ, chỗ nào khó thông, hỏi tới thầy Lục, ắt thầy thưa giải trơn xuôi như chảy. Những bài luận giải về khoa lý đoán, thầy làm rất thông đúng thức nhằm mẹo, ý nghĩa cao sâu lời lẽ phân minh gọn-ghẽ, thầy giáo xem vô cũng chắt lưỡi khen thầm.

Còn về quốc văn thì cho là đúng hạng thông minh, những sách vở văn bài thi phú người đã làm đều chứng tỏ sự ấy. Người viết một cách dễ dàng mau chóng,dường như currenti calamo vậy, không mấy khi phải khó nhọc sửa đi viết lại như ai khác; lời nói rõ ràng gọn ghẽ, ý vị nồng nàn, ai xem cũng đều ưa thích. Hai nhựt bao Nam-kỳ địa phận, và Lời-thăm lúc sơ khởi, tuy vạn sự đầu nan, mà có người gánh vác phụ đỡ thì đã tấn phát, nổi tiếng hầu khắp Đông-pháp, cùng vững bền đến nay.
Sách người đã dọn trước hết là “Ấu học” còn đang thông dụng trong các trường địa phận Qui-nhon, Saigon, Cao-miên; lúc giúp nhà-in năm 1905 đã thừa mấy chút giờ rảnh mà chép ra, và nội trong hai tuần đã thành quyển sách. Người cũng chép sách Trung-học; Thánh giáo tự lễ; tiểu thuyết “Song nghĩa tự” “Đồ của Hời” “Hai chị em lưu lạc”; cùng nhiều sách nhỏ về đạo-lý luân-thường để khuyến-khích nhơn dân; lại còn đặt nhiều kinh văn dễ đọc dễ hát trong những ngày lễ. Trước đây đã thấy cha hay trở đi trở lại nhà trường, nhà-in mấy phen, ấy cũng về việc sách vở chủ nghĩa là việc ám hạp xứng tài xứng sức Cha, nên khó rời mấy chỗ ấy lâu.

Bề thông thái thì vậy mà việc bổn-phận sốt-sắng chẳng kém. Dầu sai đổi đi nơi nào, cha cũng chẳng phàn-nàn năn-nỉ, một vâng theo ý Bề trên. Tới đâu thì lo làm phần làm phước, giảng giải đạo lý, lấy sự khuyên bảo thúc giục bổn đạo năng xưng tội rước lễ là việc nhứt, ân-cần dạy dỗ kinh thiên, thương giúp binh vực kẻ mồ côi khó nghèo. Vốn tính cha cương trực khẳng khái, nên hễ thấy sự trái tai gai mắt thì làm thinh chẳng đặng, dầu có phải một bạn đồng liêu, cũng chẳng ngại nói; bỡi vậy mà kẻ chẳng rõ ý đôi khi cũng buồn lòng, song người quen thuộc chẳng những không chấp mà lại cảm tình mến phục vì biết rõ; tuy lời nói có xủng xẳng, song kỳ trung vốn có bụng tốt lòng chung, chỉ muốn tìm ích cho người mà thôi. Cha có lòng sùng kính R. th. Trái tim Đ. C. G. cùng Đức Bà cách riêng, hằng ra sức khuyên giục người-ta về đàng ấy. Lúc ở Đại-an dạy các chú, Cha đồng công hiệp lực với Cha bề trên Lý (P. Mugnier) mà khuyến-khích sự kính thờ và tôn R. T. Trái tim Đ. C. G. làm vua các gia thất, trường Đại-an đã làm gương trước hết trong việc nầy, dần-dần nhiều địa phận cùng nhiều gia-thất đã noi theo gương lành ấy. Cha cũng đã đặng phép Đ. Cha ban chuẩn mà chép các lễ phép tôn Trái tim làm một cuốn sách nhỏ và đặt những kinh sốt sắng thâm-trầm, miệng đọc lòng rất cảm động. Ngày nau trong cả lục tỉnh đâu đó đều sùng kính R. th. Trái tim Đ. C. G. , thì cũng nhờ lòng sốt-sắng hai cha đã tận tâm khuyến-khích. Lúc sinh tiền Cha đã hết dạ thờ kính, tận tâm trung thành, mong mỏi mở mang nước Đ. C. G trong lòng nhiều người; âu là khi lâm tử đến trước đài tiền, Đ C G. cũng đã xử nhơn-từ rộng-rãi với Cha, mà ban lời khen tặng : Euge serve bone fidelis, intra in gaudium Domini tui.

Vậy dầu Cha đã mất mà việc phước đức Cha còn bia tích, sách vở Cha vẫn lưu truyền, cho nên lòng thương nhớ Cha cũng chẳng bao giờ phai lợt.

Le P. Lục a publé à Làng-sông, sous son nom ou sous un pseudonyme les oeuvres suivantes :

1906  Ấu học                                   1920  Tự lễ
1912  Hạnh Năm Thuông                  1925  Song nghĩa tự
1914  Trung học                              1926  Nghề trồng dâu
1915  Nghị luận                               1927  Hai chị em
1919  Tôn Trái tim                           1927  Hổ-lang chi tích
(Mémorial 1928, trang 7)

28. PHÊRÔ YẾN

Cha Phêrô Yến sinh năm 1864 tại họ Tùng-sơn thuộc địa sở Phú-thượng, cha mẹ là Têphanô và Maria Điển, cả hai là đạo dòng, trọn niềm giữ đạo, còn để tiếng thơm đến rày. Lúc Phêrô vừa khôn, thì cha mẹ cho học chữ ít lâu, kế cha sở hồi đó là cố Huệ (Vivier) thấy Phêrô có nết tốt lành, phần trí khôn xem có bề hơn nhiều trẻ khác, trông ngày sau nên kẻ giảng rao danh Chúa, thì chọn Phêrô mà cho vào trường Latinh tại Làng-sông là năm 1881. Phêrô học tại trường nhỏ nầy cho đến năm 1885 thì đặng Bề-trên chọn mà gởi sanh trường
Pinang. Người học tại đó cho đến mãn khóa cách-vật. Trong mấy năm người ở trường nầy, việc học hành, bề đức hạnh chẳng kém anh em, và bỡi người có tính vui vẻ, nên anh em đều ưa phục. Người ham việc ca hát lắm, và bỡi đều ấy sau làm cho người mau sinh bịnh thổ huyết, là bịnh người phải mang lấy cho đến cùng đời. Năm về địa phận, Bề-trên sai đi giúp việc giảng đạo tại Quảng-ngãi, rồi đi giúp cố Đức (Archimbaud) tại Phan-thiết, mà đâu đâu thấy Phêrô cũng siêng năng lo việc bổn phận, nên năm 1892 Bề-trên gọi người về học Lý đoán tại Làng-sông. Thầy Phêrô chịu Tonsura năm 1893, và năm 1984 thì lại lãnh bốn chức, qua năm 1895 thì chịu chức năm, rồi Bề-trên sai đi giúp cố Huệ, tại Gò-thị một năm, rồi lại gọi người lên chức phó-tế là năm 1896 rồi coi nhà trường Làng-sông và dạy học trò cho đến tháng Augusto 1897 thì người thăng quờn chánh-tế, các chức đều bỡi Đức Cha Hân truyền cho. Lãnh quờn chánh-tế đoạn, thì Bề-trên sai Cha Phêrô coi địa phận Kỳ-bương, cách ít tháng lại đổi về Tân-thành địa phận Gò-thị giúp cố Huệ, sau thì cố Thiện (P. Mathey). Đến năm 1901 thì Bề-trên lại sai người giúp địa phận Đồng-quả, hồi đó là lúc đang thạnh chầu nhưng, lập sở mới, nên việc bộn bề lại số bổn đạo đông đảo, còn Cha phần xác đã chẳng đặng mạnh cho mấy, phần thêm xứ nguồn sương mù đất ẩm, nên Cha Phêrô ở đó chưa đặng ba năm liền cho người về điều dưỡng bịnh tại Tùng-sơn, đến khi có dấu bớt, thì người xin giúp việc tại Cồn-dầu về địa hạt Phú-thượng.

Đến năm 1909 thì Bề-trên sai người lãnh coi địa phận Phú-hòa Cha Phêrô ở đó cho đến năm 1914, thì lại đổi coi địa phận Vân-đỏa, và người ở đó gần mười một năm.

Năm 1914 Cha thấy mình kiệt-lực, thì xin phép về hưu trí tại nhà thương Đại-an, vậy năm 1915 Bề-trên đã cho Cha đặng về an nghỉ; về nhà thương ít lâu người trở ra Huế ở đôi ba tháng cho đặng chữa con mắt, vì càng ngày càng mờ, mà bỡi thấy không công hiệu gì cho mấy, thì người lại trở về nhà-thương.

Đến ngày 20 Décembre 1927 thì người phát đau, trước rét đôi ba bữa, rồi thì bớt, cũng tưởng bớt luôn, dè đâu cách hai ngày trở lại đau lại và nằm luôn cho đến ngày qua đời, vốn bịnh người đau chẳng phải là quá, song vì sức lực đã hết nên mỏn lần lần mà thôi.
Ngày 19 Janvier 1928, các Cha thấy bịnh người càng ngày càng thêm và thuốc men ngó vô hiệu, thì bảo người dọn mình hầu chịu các phép sau hết thì người lo dọn mình sốt sắng mà lãnh chịu phép ấy.

Từ đó bịnh người cứ cầm chừng cho đến ngày 18 mới thấy có dấu khác thường một chút, sáng 19 các cha tới thăm, thì thấy người nói sản, song cũng còn biết, đến mười giờ người rán nói cùng trẻ giúp lời nầy : nói cùng các Cha 12 giờ tôi chết, ấy là lời sau hết mà thật sự 12 giờ 40 thì người tắt hơi một cách dịu dàng êm ái.

Ngày 30, bảy giờ một khắc rước xác người tới nhà thờ nhà trường, cố Yên làm lễ qui lăng trọng thể, cha Tánh đưa linh cửu ra phần mộ ! các Cha tây nam đặng 16 đứng chầu lễ và đưa xác người.

Cha Phêrô giữ trọn niềm thầy cả, và người có lòng khó khăn chẳng những in Spiritu mà lại bề ngoài nữa, vì cả đời người thấy các đồ vật người dùng đã không tốt, lại thiệt là vừa cần thiết, đến đỗi khi một hai Cha đến thăm, thì người phải mượn đồ cần nơi khác. Còn lúc người đã yếu, nhứt là lúc sau hết, thì hằng thấy người bằng lòng lãnh phần cực khổ mà chẳng hề phàn nàn năn nỉ.
(Mémorial 1928, trang 24)

29. CHA PHÊRÔ TỪ (Mémorial 1928, trang 85)

Cha Phêrô Từ sinh ra tại họ Diêm-điền, địa phận Tân-dinh, năm 1874. Cha là Phêrô Nhã, là chức việc họ, cũng làm thầy thuốc mà có lòng rộng rãi thương giúp người ta, chẳng nại công khó, nên người ta mến phục. Năm 1885 bị giặc văn thân phải lánh ngục tại cữa Quinhon, lúc ấy Phêro đã khôn lớn, mà Cố bề trên Định thấy trẻ nết na vui vẻ hẵn hoi thì bắt làm học trò và đem theo giúp ở Ninh-hòa, sau cho học latinh tại Làng-sông năm 1888. Phêrô học tại Làng-sông được 2 năm thì bề trên cho sang học bên
Pinang đi một lượt với 11 học trò khác.

Ở Pinang 4 năm, mãn Philosophia trở về Annam, và đi làm thầy giảng giúp cố Đề (Père Villaume) 4 năm tại Phan-rang; khi ấy nhằm lúc có lo đắp đập khai mương nên cũng nhiều công việc, thầy chẳng những lo dạy chầu nhưng bao đồng, lại cũng phải lo giúp các việc khác nữa, mà việc chi thầy cũng siêng năng vui vẻ chịu khó, nên cố lấy làm bằng lòng và yêu thương.

Đến năm 1898 Đức Cha kêu về học lý đoán tại Làng-sông, qua năm 1899 chịu tonsura và 4 chức, năm 1900 chịu chức thầy năm, 1901 chịu chức thầy sáu, và năm 1902 Đức Cha Mẫn phong chức linh mục.

Chịu chức rồi Đức Cha sai đi giúp địa phận Đại-an, coi sóc mấy sở dưới Phương-Phi, Đông-lương … Vốn tính Cha hiền lành vui vẻ, đơn sơ dễ ở, nên nhiều kẻ mến phục, nhiều người thương giúp. Bỡi vậy nên Cha đã cất đặng nhà thờ Phương-Phi cũng khá lớn đẹp, vách xây toàn đá đúc vôi với cát sỏi.

Năm 1912 đổi vô giúp cố Liêm ở Ninh-hòa. Tháng Novembre năm ấy Khánh-hòa bị một trận bão to, là sự họa hiếm, thuở nay xứ ấy chưa có bão bao giờ; hai nhà thờ Bình-cang, Cây-vông trong Nha-trang sập cả, ngoài Ninh-hòa các nhà thờ nhà vuông cùng nhà cữa bổn đạo hư hại cũng chẳng ít, Cha phải lo tu bổ và giúp bổn đạo tốn kém cũng nhiều. Lại qua năm sau cố Liêm lâm bịnh phải đi về tây điều dưỡng để một mình Cha quyền giữ cả địa phận ít lâu, công việc càng thêm khó thêm nặng. Vì vậy Đức Cha cho về nghỉ ở Làng-sông gần toà Giám mục rồi ở nhà thương Đại-an ít tháng.

Sau giúp địa phận Gò-thị, rồi đổi về giúp nhà in. Làm việc nhà in ít lâu thì phát bịnh đường (diabète) nên phải ra nhà thương Huế điều trị. Qua năm 1923 Đức Cha cho ra nghỉ tại trường Đại-an; cho khỏi ở không sinh buồn thì người cũng bằng lòng lãnh dạy chữ nho cho học trò thầy giảng vì người khá thông chữ ấy; rồi năm 1925 Đức Cha sai lên làm Aumônier trường Gagelin ở Kim-châu.

Sau hết cuối tháng Martio năm nay người về nghỉ tại nhà thương Đại-an. Ở đó chừng một tháng thì phát chứng bịnh lạ thường : bắt đau thắt lưng ruột thốn lên trái tim khó chịu lắm, hai chơn nhức nhối bước đi không được, ăn vô mửa ra, tiểu tiện đại tiện bất thông, có hồi nghẹt hơi bế khí thở không ra hầu muốn chết. Các Cha thấy vậy tính bề không xong, lo chở xuống Quinhon cho kíp. Tới nơi là ngày 28 tháng Avril, thầy thuốc dạy ở nhà thương để dò căn bịnh, song cũng chưa nhận ra bịnh gì, một đề cốt là bịnh diabète mà biến chứng thể ấy.

Mấy ngày Cha ở nhà thương, bịnh giảm lần lần, bớt đau thắt bụng, song hai bàn chơn lại sưng lên đau đớn nhức nhối; bình thường Cha mập béo, rày đã ra ốm teo. Tuy vậy chưa thấy dấu hiệu gì nguy cấp, nên Cha cũng chưa nghĩ đến sự chịu các phép. Chẳng dè trong đêm 11 Maiô bịnh trở làm sao không rõ, mà sáng ngày 12 đã thấy chết lạnh nằm trên ghế xếp; có một đứa nhỏ theo giúp người mà đêm ấy nó không nằm trong phòng nên chẳng hay biết gì hết, đến sáng mới hay mới chạy về nhà đồ thưa với các Cha.
Cha chết gấp làm vậy thật đáng thảm đáng thương, song chẵng lẽ mà hồ nghi Cha đã chẳng cẩn thận vì sự riêng mình. Trong 25 năm làm thầy cả biết mấy phen Cha đã đi kẻ liệt xức dầu cho kẻ khác, đã từng thấy sự chết trước con mắt ắt cũng nhớ câu : quod ego sum hodie tu eras eris, ắt cũng nhớ lời Chúa dặn : Estote parati… Mà thật từ bữa Cha về nhà thương, xem ra như Cha đã biết trước (pressentiment) ngày giờ đã gần : lời nói việc làm có tỏ dấu lo về đàng ấy; Cha năng nói với các Cha rằng : Thôi, Đức Cha dạy nghỉ, thì cứ ở đây mà dọn mình chết.

Bữa ấy Cha Thạnh đi vắng, cố Jean vừa nghe tin liền ra nhà thương đem xác về nhà thờ cho bổn đạo cầu lễ, rồi mướn ghe chở về Làng-sông. Sáng ngày 12 làm lễ qui-lăng trọng thể, có Đức Cha và 17 đấng và bổn đạo đông đúc chầu lễ; Cha Miễn là bạn học làm chánh tế. Cha Quảng và Cha Trung hầu tả hữu; họ Diêm-điền là Quí-quán Cha, chức việc và bổn đạo cũng đem cờ lồng đến xin đưa Cha mà biểu tình ân ái. Lễ rồi Cha Tú đưa linh cửu xuống an táng nơi thánh địa.

30. CHA PHANXICÔ-XAVIE SANH (Mémorial 1928, trang 147)

Cha Phanxicô Xavie Sanh sinh ra tại họ Nước-nhỉ về xứ Bồng-sơn năm 1859; con ông Phước. Khi người nên 12 tuổi xưng tội bao-đồng với Cha Khâm là Cha-sở họ Nước-nhỉ năm 1871. Qua năm 1872 Đức Cha Trí ban phép Thêm-sức cho người.

Cha-sở (Cha Khâm) thấy trẻ nầy tính nết tốt lành, lại thêm sáng trí, thì bắt giúp mình ít lâu, đoạn năm 1874 gởi vào trường Làng-sông học tiếng Latinh. Năm 1877 ra học trường Nước-nhỉ và cũng học Cách-vật tại đó nữa.

Năm 1882 đi dạy tiếng cố Thiên P. Maillard tại Xóm-nam và giúp việc địa-phận Gia-hựu hai năm. Qua năm 1883 Bề-trên kêu về trường Nước-nhỉ học Lý-đoán và chịu chức cắt tóc ở đó. Năm 1885 đến năm 1888 bị giặc Văn-thân nổi lên, phải bỏ Nước-nhỉ vào cữa Qui-nhơn, ở đó 3 năm chịu bốn chức và chức năm. Đoạn Bề-trên đòi về Làng-sông dạy học trò được nửa năm, rồi đi giúp cố Lựu một năm rưỡi nữa. Qua năm 1890 Bề-trên kêu trở về Làng-sông học Lý-đoán và chịu chức sáu và năm 1891 ngày 19 décember chịu chức thầy cả.

Năm 1982 làm vicarius Cha Biện tại địa-phận Kỳ-bương 8 tháng, rồi đi giúp cố Lực ở địa-phận Đại-an một năm là năm 1893. Qua năm 1894 Bề-trên đổi vào Phan-thiết giúp cố Đức sáu năm. Đến năm 1899 trở về Bình-định giúp cố Lực địa phận Kim-châu ba năm ở Kỳ-bương. Năm 1902 đổi xuống địa-phận Tân-dinh, ở đó ít lâu, rồi làm vicarius cha Ẩn ở Cây-gia 5 năm. Năm 1907 đổi ra Truông-dốc giúp cố Lựu được nửa năm, rồi Bề-trên đòi về giúp nhà-in, lúc ấy nhà thờ trường Đại-an chưa xong, nên người ra đó coi cho đến khi hoàn thành. Năm 1909 ở Gò-thị giúp cố Ngãi; lúc ở đó người lo cất nhà thờ nhà phước. Năm 1917 đổi lên làm curé Kiều-đông 10 năm. Năm 1926 Bề-trên thấy cha càng già càng yếu, kiếm chỗ nhẹ việc cho người, thì sai ra ở Gia-hựu làm Auxiliarius cố Châu. Bỡi cha tuổi cao, sức yếu, bịnh càng ngày càng thêm, nên phải về nhà thương Đại-an nghỉ.

Cha về nhà-thương chưa được bao lâu, thì qua đời tại đó ngày 15 septembre năm 1928. Qua ngày 17 rước linh-cửu người vào nhà thờ trường Đại-an làm lễ qui lăng trọng-thể, có các cha
Tây, Nam dự lễ 19 đấng. Bổn đạo mấy họ gần cũng đến chầu lễ, nhứt là địa-phận Kiều-đông là con chiên cựu người cũng đến khá đông mà tỏ lòng hiếu thảo trả ơn Cha lần sau hết. Lễ đoạn đưa xác an-táng nơi thánh-địa nhà-trường.

Bổn tính cha Phanxicô-Xavie hiền lành, thật thà, dễ ăn dễ ở, chẳng biết giận hờn cũng chẳng hay mất lòng ai. Cách ăn mặc đơn sơ tầm thường, ưa sự khó khăn, chẳng ham trang hoàng trọng thể. Việc bổn phận rất nên sốt sắng, chẳng quản công lao, chẳng nài khó nhọc. Hằng vâng lời chịu luỵ Bề-trên, sai đi đâu, ở chốn nào cũng mau chơn vui dạ chẳng phàn nàn năn nỉ bao giờ. Xưa đi vào Phan-thiết cũng như tới chốn cách đày, rốt cõi địa phận, đàng sá xa xuôi gay trở, có đâu được xe hơi xe lửa như bây giờ; một người một ngựa, phải qua ngang rừng dọc biển, voi cọp đón đàng, quân cướp chận ngõ, rất là nguy hiểm; Cha ở Phan-thiết ngót 6 năm, ra vào cũng nhiều phen, song chẳng hề nghe kêu vang than thở một lời.

Cha ở nơi nào cũng siêng năng làm phước, giảng dạy, sửa sang nhà thờ nhà thánh, hết trong nhà thì lo ngoài vườn, chẳng bao giờ nghỉ an. Kìa như họ Cây-gia, khi cha mới tới thì nhà cữa su-sơ, chưa đáng kể là nhà thờ nhà vuông, vườn tược là một đám đất hoan vu gai gốc u sù; mà cha đã sửa sang trang hoàng, kiếm nơi quang minh khoản khoát mà dồi lập thành một cuộc nhà thờ nhà vuông vẻ vang chỉnh đốn như hãy còn thấy bây giờ. Việc cất nhà Cha thông thạo lắm, nên nhiều khi các cha cũng phải cậy đến người. Cha đã cất nhà thờ Kỳ-bương và nhà thờ Kiều-đông lần trước, lần sau đây dầu địa phận không của bao nhiêu, bổn đạo nghèo nàn, song người cũng vui lòng làm sáng danh Chúa, lo kiếm tiền, thâu của nhín nhúc cất lại nhà thờ mới ngó cũng nguy nghi đẹp đẽ lắm.

Trong bấy năm làm thầy cả, Cha đã tận tâm giúp việc cho sáng danh Chúa, âu là Chúa cũng mở lượng nhơn từ khoan hậu mà cho người mau về chốn nghỉ ngơi đời đời.

Tác giả bài viết: Mémorial Giáo phận Qui Nhơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập48
  • Máy chủ tìm kiếm32
  • Khách viếng thăm16
  • Hôm nay25,509
  • Tháng hiện tại328,059
  • Tổng lượt truy cập29,307,597

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây