Học Sĩ & Tuổi Xuân: Những phụ bản của báo “Lời Thăm” dành cho tuổi trẻ

Thứ ba - 21/03/2023 19:28
 
IMG 1684


Trang bìa số Học Sĩ đầu tiên (1/5/1927)


HỌC SĨ & TUỔI XUÂN:
NHỮNG PHỤ BẢN CỦA BÁO “LỜI THĂM” DÀNH CHO TUỔI TRẺ

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính


1. Học sĩ (1927-1931)

Học Sĩ là phần phụ trương, “Phần riêng dành cho con trẻ” của báo Lời Thăm dành cho giới trẻ được in ở cuối mỗi số tạp chí Lời Thăm, nhưng sau vì yêu cầu của độc giả nên phần này trở thành phụ bản, được in thành tập riêng để các phụ huynh có thể mua cho con em mình đọc, hay như phần thưởng để phát cho trẻ em trong trường. Phần này “đăng những bài rõ ràng dễ hiểu để cho trẻ ấu nhi đọc lấy mà tập bước lần đến những điều khó hơn”.

Trong phụ trương “Phần riêng dành cho con trẻ” này, các bài viết nhằm giáo dục cho trẻ em về giáo lý, luân lý, khoa học phổ thông, văn chương với đa dạng thể loại văn, thơ, thậm chí những câu chuyện vui thích hợp với lứa tuổi, chẳng hạn câu chuyện “Hỏi sách phần”, nghĩa là hỏi về giáo lý:

“Bữa nọ lúc gần bãi học, thầy giáo hỏi chọc một đứa nhỏ như vầy: “Đố trò, Đức Chúa Trời ở chỗ nào? Trò nói trúng tôi cho một quả cam”. Trò nọ bèn trả lời cách xấc rằng: “Xin thầy nói ở đâu không có Chúa thì tôi cho thầy hai trái” (Lời Thăm, số 100, 15 Février 1927, tr. 159).

Những câu chuyện ngụ ngôn của Jean de La Fontaine cũng rất thích hợp để giáo dục con trẻ qua câu chuyện linh hoạt, màu sắc và đầy ý nghĩa, chẳng hạn chuyện “Con Ve và con Kiến” (La cigale et la fourmi):

Mùa hè, Ve chỉ xướng ca / Nên khi đông chí Ve ta bần hàn / Trùn, ruồi chẳng có trong hang / Đến nhà thím Kiến, Ve than phận mình / Tạm vài hột gạo độ sinh / “Vốn lời, mùa gặt, tôi xin trả liền” / Cho vay chẳng phải nghề riêng / Kiến bèn gạn hỏi: “Bạn hiền, chị ơi! / Tháng năm, đương buổi tốt trời / Làm chi, đến nỗi sạch tay như vầy?” / Ve phân: “Tôi hát tối ngày / Mong rằng chị được vui tai, khoái lòng / “Hát à? … Chị khéo dư công! / Bây giờ hãy múa tôi trông thử nào” (Cúc Hải, trong Lời Thăm, số 102, 15 Février 1927, tr. 239)

Xuất hiện thường xuyên hơn là loạt bài mang tựa “Bài vẽ hoạch” của tác giả Huỳnh Trước, đăng nhiều kỳ trong các số báo Học sĩ trước khi được in thành tập gồm 30 bài vào năm 1927. Mục đích của loạt bài này được tác giả viết trong bài giới thiệu như lời dẫn nhập: “Ớ trẻ con!”

“Ớ trẻ con! Mấy em còn đang lúc hay vui cười, chơi nhỡn, tọc mạch; ham xem những sự lạ, ưa nghe những điều mới. Nầy các em, khá nghe lời ta, thì sẽ xem được nhiều điều lạ lùng quá hơn các máy mọc loài người bày ra, những điều ấy các em hằng xem thấy trước mặt mà chưa hề để trí nghĩ suy”… Thế chẳng lẽ nào mà lòng con người, khi thấy bấy nhiêu sự, tức nhiên không nhẹ nhàng, vui vẻ; không khoái lạc mộ cảnh, không cảm động, ưu tình, không đem lòng mến nhơn đức và ghét tính nết xấu? Ta thường gọi cảnh ấy là: XÚC CẢNH HOÀI ĐỘNG, nó giục giã con người đủ tâm tình: hỉ, nộ, ái ố… Vì vậy, ớ trẻ em! Hãy xem muôn vật, chiêm nghiệm tình ý loài thọ sanh, mà chúc khen Đấng tạo hóa, cho trí khôn được tường hiểu và lòng thêm kính mến Thiên Chúa hơn nữa” (Huỳnh Trước, Bài vẽ hoạch, cho con trẻ, Imprimerie de Qui Nhơn, 1927) 
 
BaiVeHoachChoConTre HuynhTruoc 500x500
 

Tập phụ bản mang tên “Học sĩ”, được in thành tập riêng, với phụ đề là “Phần dành riêng cho hạng thanh niên”, số 1, phát hành vào tháng 5 năm 1927, gồm các nội dung thuộc mọi thể loại hợp với trình độ của học sinh: Tên Phi-kê, là thợ bay đầu hết; Gốc tích quê tôi làm sao?; Nói phỉnh; Mặt trái đất là bằng phẳng; Ba người thiết nghĩa; Con chuột vàng; Bài toán đố rẻ; Cho những người có tính nhịn; Thương em chẳng quản chông gai; Khuyên con học; Phép bác vật vui; Phải kiếm thử; Xứ Đông – pháp ta; Ông thánh Luy quan thầy thanh niên; Làm bộ đồ chơi rẻ tiền; Chớ xấc xược mà phải khôn; Vẽ luôn một nét; Tên mọi giỏi giắn.

Xin trích dẫn những nội dung ngắn của “Bài toán đố rẻ” để ta có thể hình dung được phần nào nội dung của tờ báo dành riêng cho thanh niên này: “Thằng ăn trộm chạy trốn, một ngày đi 8 dặm luôn. Lính “sơn-đàm” theo bắt, ngày đầu đi 3 dặm, ngày sau đi 5 dặm, ngày thứ ba 7 dặm, và mỗi ngày đi thêm lên 2 dặm. Hỏi mấy ngày ông “sơn-đàm” theo kịp tên ăn trộm và mỗi người đi bao nhiêu? (số sau sẽ giải)”

Ngoài ra, “Tài liệu cho kẻ luyện tập quốc văn”, những bài văn mẫu ngắn gọn để tập viết văn Quốc ngữ cũng là một phần trong nội dung các số Học sĩ này dành cho giới học trò.

“Trường học. Trường học tôi là một trường làng, không to bằng các trường tỉnh. Nhưng kiểu cách y thức trường tỉnh và cao ráo mát mẻ hợp phép vệ sinh.

Nhà xây bằng gạch, mái lợp bằng ngói; ngoài thì cửa chớp sơn xanh, trong thì cửa kính sáng sủa.

Có 4 lớp học: lớp nào lớp ấy bàn ghế đóng toàn bằng gỗ lim, quang dầu đánh bóng rất đẹp.

Chung quanh tường treo các bản đồ. Trong tủ thì có đủ các thứ sách học vừa bằng Quốc ngữ vừa bằng chữ Tây.

Các thầy giáo dạy biết bao nhiêu là học trò.

Đó là một nơi rèn đức dục, luyện trí não cho bọn thanh niên. Hằng ngày chúng tôi đến học tập vui vẻ lắm” (A. Hành, Học sĩ, số 6 Octobre 1927, tr. 86)

Sau một thời gian góp mặt, khoảng năm 1931 thì tờ Học Sĩ đình bản, chỉnh đốn cho hoàn thiện để rồi tái xuất năm 1934 với một tên gọi mới: Tuổi Xuân (La Jeunesse).

2. Nguyệt san Tuổi Xuân (1934-1935)

Đầu năm 1934, Nhà in Qui Nhơn lại phát hành một tờ tạp chí mới dành cho giới trẻ “Tại nhà in Quinhơn mới xuất bản thêm một tờ nguyệt báo, tên là Tuổi Xuân. Độc giả chư tôn thế cũng còn nhớ; trước hai năm nay mỗi tháng trên báo Lời Thăm có một phần phụ thêm kêu là Học Sĩ, dành riêng cho thanh niên. Phần thêm ấy vắng mặt mấy năm để chỉnh đốn cho hoàn toàn, nay thành một tờ tạp chí biệt lập, lại ra chào đời. Tuổi Xuân mỗi tháng một kỳ, giá đồng niên 1$, có nhiều hình giúp vui, bài vỡ lựa kỹ, văn thể đơn sơ vừa với tuổi thơ sanh”.[1] 

“Mới in số đầu trong tháng Janvier 1934 nầy. Báo nầy in làm một tập khổ rộng cũng như Lời Thăm, hết thảy là 16 trương, có chừng 40 bức hình. Có ý để cho con nít từ 6-7 tuổi đến 12-13 tuổi. Trong tập báo nầy nói những điều có ích cho con nít, những chuyện vui, những cách chơi, những bài đố để mở trí v.v. Mua báo một năm thì sẽ kể từ mồng 1 Janvier và phải trả tiền trước. Ai xin thì sẽ gởi không cho số 1 cho coi thử. Người nào mua báo một năm, hễ mua 5 số (5$00) thì được thêm một số nữa là 6; mua 10 số (10$00) thì được thêm 3 số nữa là 13. Nầy cho khỏi giành giựt rầy rà nhau vì nhiều con, thì mua năm mà mua được 2 số sấp lên (2 abonnements) thì mỗi số chỉ bán 0$60 mà thôi.”[2]

Tờ Phụ Nữ Tân Văn, số 231, 11 Tháng Một 1934, đã đưa tin về giấy phép xuất bản của nguyện san Tuổi xuân như sau: “Thêm ba tờ báo nữa. Ủy ban Thường trực của Hội đồng Chánh phủ mới họp tại phủ Tòa quyền đã cho phép xuất bản ba tờ báo mới sau đây:

1.  Tuổi Xuân, nguyệt báo, của giáo sĩ Perreaux, tại nhà chung Lông Bông ở Ninh Bình (Bắc Kỳ).
2.  Việt Nam Thương báo, tuần báo của ông Hoàng Đắc Vinh ở Faifo (Trung Kỳ).
3.  Đấu mã tạp chí, tuần báo nói về cuộc đua ngựa, của ông Nguyễn Văn Tài ở Sài Gòn”.

Nhà chung Lông Bông ở Ninh Bình (Bắc Kỳ)? Theo ghi nhận về tiểu sử, cả đời cha Perreaux Qui (1876-1939) chỉ phục vụ ở Địa phận Đông Đàng Trong (Qui Nhơn). Ngôi mộ của ngài vẫn còn ở Nghĩa trang các linh mục tại Làng Sông. Chắc chắn đây là lỗi nhầm chữ của người biên tập bản tin hay người xếp chữ nên câu cú mới đi xa đến vậy! Những sai lỗi khá thú vị dễ nhận thấy: từ “Làng Sông” hay “Lòng Sông” (một tên gọi khác trước đây) biến thành “Lông Bông” và từ “Bình Định” ra “Ninh Bình”, rốt cuộc là từ “Ninh Bình” đến “Bắc kỳ” thì rất gần, thậm chí không có khoảng cách nào!

 “Tuổi Xuân, số 2, tháng Février 1934, nhơn dịp Tết, xuất bản 32 trang, có 62 bản hình. Mà giá cũng (0$10) mười xu”. Góp mặt không được bao lâu, tờ Tuổi Xuân phải đình bản vào khoảng tháng 7 năm 1935 sau hơn một năm hoạt động. Tờ Lời Thăm thông báo đình bản và không nói rõ lý do, chỉ có một lời rao nhỏ bán những tập đóng trọn bộ 18 số: “Tạp chí Tuổi Xuân phải đình bản. Bổn báo muốn giúp ích mua vui cho các em, nên đã thâu góp lại được ít chục số trọn bộ: là từ số khởi đầu cho đến số sau hết. Cả thảy là 18 số, dày hơn 300 trang đóng chung thành một cuốn sách, dán bìa rất đẹp. Giá mỗi quyển 0$30 – franco 0$45. Giá nầy hạn đến ngày 20 Juillet 1935, thì không còn bán giá ấy nữa”.

Có lẽ gánh nặng chi phí đã khiến cho Nhà in Làng Sông phải hy sinh những tờ phụ bản để duy trì tờ “Lời Thăm”, một tờ báo đã vượt qua ranh giới những vấn đề tôn giáo, địa phương để đến với các độc giả khắp miền Đông Dương, góp phần phổ biến chữ Quốc ngữ trong thời kỳ đầu.

 
 
[1] Lời Thăm, 1 Février 1934, tr. 46
[2] Catalogue, Imprimerie de Quinhon, 1934,
 
 
 
IMG 1622
 
IMG 1620

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập64
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm36
  • Hôm nay13,509
  • Tháng hiện tại579,366
  • Tổng lượt truy cập28,894,735

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây