Một thoáng lục tìm ký ức

Thứ sáu - 22/04/2022 09:11

Một thoáng lục tìm ký ức
(Nhân kỷ niệm 20 năm thụ phong linh mục)

 

scan0006

Đức Cha Phêrô thường hay nói: "Vô cổ bất thành kim". Với tấm lòng trân trọng ân nghĩa của tiền nhân đã một thời ghi dấu trong quá khứ, dù thế nào đi nữa, vượt qua tất cả mọi nhọc mệt, Đức Cha Phêrô luôn luôn hiện diện trong lễ giỗ ở Làng Sông hằng năm. Quả là một hình ảnh thật đẹp, làm xúc động lòng người. Tiếp nối với tấm lòng đáng quý này, người viết thấy rằng: Qui Nhơn có xu hướng tìm về nguồn cội, để trân trọng giữ gìn, để "ôn cố tri tân". Chính trong dòng chảy thật tuyệt vời này, người viết muốn sẻ chia một thoáng tìm lại ký ức sau 20 năm lãnh nhận thừa tác vụ linh mục của năm anh em: Điểm, Hòa, Phú , Binh và Triều. Mừng 20 năm hồng ân linh mục, không ‘mâm cao, cỗ đầy’, nhưng muốn bộc bạch “nghĩa nặng, tình sâu”, bằng  một đôi dòng đơn sơ, mộc mạc, để một chút gì để nhớ, để quên.

Để quên, nhưng không bao giờ quên được!  Ngày 25 tháng tư năm 2002 là một ngày nắng oi ả của miền Trung vào Hạ, ngày mà ân sủng của Chúa tràn đầy và tình người thật dạt dào thắm thiết. Không kể đến tình người sao được, khi thánh lễ truyền chức có hiện điện của ba đức cha, trong đó có hai đức cha Nha Trang: Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa và Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nho. Đây là điều xưa nay hiếm. Hai ngài đã vui lòng đến tham dự qua lời mời thật duyên dáng, thật chinh phục mà gần gũi thân thương của Đức Cha Phêrô, Qui Nhơn. Hai đức cha Nha Trang có mặt, như gói ghém tấm lòng  của các ngài đối với năm anh em chúng tôi. Hai ngài đã xây Đại Chủng Viện, đã nuôi, đã dạy, và giờ đây,  trọn vẹn lòng thương mến trong giây phút hân hoan chứng kiến những người con, những đứa học trò bước lên Bàn Thánh. Những người con, người học trò vụng dại, non nớt ấy, giờ đã trưởng thành mà 9 năm trước đây chỉ mới “ i tờ” tập đánh vần chữ “tu”, chập chững bước vào "cõi phúc", sau cánh cổng Đại Chủng Viện.

Tiếp theo Thánh Lễ phong chức, mà nơi đó đã thể hiện bao tấm lòng thương mến của nhiều người xa gần, không thể nào kể hết được, mà đặc biệt là giáo xứ Tuy Hòa, là Thánh Lễ tạ ơn tại các giáo xứ mà anh em sinh trưởng hoặc phục vụ. Điều đáng ghi nhận: Tất cả các Thánh Lễ đều hiện diện đầy đủ năm anh em, và như thế là mỗi tân linh mục đều có ít nhất  5 món quà của tấm lòng thơm thảo của các giáo xứ. Cám ơn anh em thật nhiều! khi anh em mới chịu chức và một số anh em trong lớp chịu chức trước đã không quản ngại xa xôi, gió nóng của Quảng Trị những ngày hè,  cùng nhau vượt quãng đường xa, để đến La Vang dâng đời linh mục cho Mẹ Maria và dâng lễ tạ ơn tại giáo xứ quê hương của người anh em vừa mới "lom khom bước lên Bàn Thánh". Chắc chắn không có niềm vui trọng đại hôm nay, khi không có những tấm lòng yêu Giáo Phận và những tấm gương sáng ngời. Vẫn nhớ như in vào đêm 09.05.1989, khi đang trọ ở nhà ông cố Cha Giuse Võ Tuấn, để sáng mai dự lễ phong chức, Thầy Bản theo lệnh của các sư phụ ( Đức Cha Phaolô, Cha Văn và Cha Cần ) ra chở người viết vào để gặp các đấng đang hàn huyên trò chuyện ở một phòng tầng trệt, Chủng Viện Qui Nhơn. Đức Cha đã vui lòng đón nhận, kể từ giờ phút đó, một giáo viên đã 31 tuổi trở thành chủng sinh, và ngày mai có quyền dự tiệc mừng lễ truyền chức đầu tiên sau năm 1975 với khẩu phần nữa con gà. Thế nhưng,  để có ngày đổi đời, "thầy đời" trở thành "thầy đạo", vẫn có đó những tấm gương của những anh chàng “thất cơ lỡ vận”, đang kiên trì đời tu với bao nhọc nhằn của cơm áo gạo tiền, của chân lấm tay bùn, bên đống mía qua đêm, bên che đường nóng rát, với chiếc xe đạp “cọc cạch ” đi bỏ mối thuốc lá được sản xuất thủ công…, nơi quê hương của Anrê Phú Yên-Người Chứng Thứ Nhất. Vẫn có đó một “đại ca” người nhỏ thó mà lòng thì rộng lắm, khiêm nhu, dịu dàng mà cứng cáp, cương nghị. Thật  thân thương gần gũi, chỉ biết lo cho người mà quên mất bản thân mình. Vẫn có đó một “nhị ca” thật thông minh, tháo vát, với bản lĩnh có thừa, sống thật nghèo nhưng giàu tình, giàu nghĩa. Có khi run sợ trước con đĩa bé tí, nhưng dám làm chủ chăn giáo phận rộng lớn, ngày càng đông đảo và phát triển, và giờ đây, vì vâng lời mà sẵn sàng rời xa nơi mà mình đã để lại bao dấu ấn đẹp, khó phai mờ trong cộng đoàn Dân Chúa Buôn Ma Thuột, để trở về quê hương Hải Phòng với không ít trăn trở, lo toan. Còn “tam ca” nổi tiếng “sát sinh” mà con chim bay trên trời, con cá lặn dưới nước phải giật mình kinh hãi, khi bóng người hơi quá khổ xuất hiện. Gieo khiếp đảm cho muông thú, nhưng luôn mang lại niềm vui, gợi hứng khởi cho nhiều người, để cùng nhau làm những việc tốt lành. Ba anh chàng “lỳ đòn” ấy,  thật khổ nhưng thật vui, thật yêu đời, yêu Chúa và yêu nhau thật lòng. Lúc bấy giờ, có thể thiếu dinh dưỡng, nhưng không ngại những chuyến đi Tuy Hòa và Sông Cầu với những chiếc xe đạp cà tàng, để thặt chặt tình thân. Nhìn lại chặng đường gặp gỡ những người bạn, mà họ đang ở trong trong giai đoạn mịt mù ánh tương lai của ơn gọi, có bao điều thú vị, làm sao kể hết được. Thế mới biết, trong sự quan phòng kỳ diệu của tình yêu Thiên Chúa, tuy thật xa, thật lạ, nhưng thành “duyên”, thành “nợ” trong tình nghĩa tu trì, trong đồng ý, đồng tình, đồng chí hướng với một ước mơ duy nhất đời mình: Làm cho “Danh Cha cả sáng và Nước Cha trị đến” trong muôn lòng. Đi qua chiếc cầu “duyên nợ ” này, ở bờ bên kia lại được đón nhận bởi những đấng bậc có trách nhiệm của Giáo Phận, với biết bao lo toan, cách này, cách khác để được chính thức vào Đại Chủng Viện của một cán bộ nhà nước đang làm việc. Không thể quên, ngày được lên đường vào Nha Trang. Với tấm lòng thật yêu thương, chăm chút của Đức Cha Phaolô và Đức Cha Phêrô mà lúc bấy giờ là Cha Giám Đốc, với những chuẩn bị chu đáo,  những dặn dò ân cần, những sắm sữa cần thiết. Chiếc áo dòng ngót nghét gần 30 năm, dẫu cho đã sờn, đã rách, đã nhuốm bạc theo năm tháng, nhưng vẫn đậm màu ân tình. Vì thế, người viết vẫn sử dụng cách trân trọng, trong mỗi dịp tĩnh tâm linh mục hằng năm. Gửi đi nhưng vẫn dõi bước trưởng thành của con cái, vẫn canh cánh bên lòng mong sao đừng quá thiếu thốn, nên các đấng đã tìm những ân nhân giúp đỡ để lo cho cái bút, quyển sách, thuốc men khi đau ốm…, để yên tâm mà tu, mà học.Và rồi nơi Đại Chủng viện Sao Biển, người viết cũng đã đón nhận biết bao ân sâu như cát bãi biển và dạt dào nghĩa nặng như sóng vỗ chập chùng đêm ngày không ngơi nghỉ(Xin đọc thêm bài của người viết đăng trong “Kỷ Đại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang 30 năm hình thành và phát triển 1991-2021”, trang 77-80).

Sau thời gian tu học, về giúp xứ  Sông Cầu, một thời gian quý báu, để được tiếp tục đào luyện nơi Cha Bố Phaolô, và cảm nhận tình cảm thiêng liêng thật ngọt ngào, thắm thiết. Người viết đã học nơi ngài: Sự miệt mài làm việc và trách nhiệm mục vụ, sự chừng mực và kỷ luật bản thân, sự quảng đại và sẻ chia, sự quý trọng những người sống đời dâng hiến với “củ tỏi” nồng cay và ấm áp, nhưng không quên giúp đỡ nhưng người nghèo khổ, khó khăn, sự ngay thẳng đến lạ lùng: Dường như không biết nói dối, nói “xạo” với ai…Kính mến biết bao, nhưng thật xót xa, người viết, vì hoàn cảnh riêng quá ngặt nghèo mà không về được, để chịu tang ngài. “Bố kính mến! giờ đây con cúi đầu tạ tội, trên Thiên Đàng, xin cầu cho con cũng biết trung kiên cho đến cuối đời như Bố vậy”.

Lận đận với việc xin thụ phong linh mục, với biết bao lo lắng của các đấng bề trên lần này đến lần khác, nhưng rồi, cái gì đến cũng phải đến. Và ngày hồng ân, ngày minh chứng cho tình yêu Thiên Chúa luôn là kẻ chiến thắng, ngày bảo trợ của thánh sử Marcô đã đến,  với vỡ òa cảm xúc trong tri ân, cảm mến, trong trọn vẹn nghĩa tình nơi sâu thẳm nhất của  cõi lòng, như đã sẻ chia đôi chút ở trên.

Thật là thiếu sót, trong niềm vui mừng kỷ niệm hồng ân linh mục hôm nay, mà không nhắc đến những chị em của Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn. Xin cám ơn quý chị em thật nhiều, vì những hy sinh cách này, cách khác trong âm thầm, khiêm hạ, góp phần cho kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa nơi năm anh em được thực hiện.

Một điều nữa xin được kể lại như một chút gì cho những ai trên con đường ơn gọi. Cho dẫu đã lớn tuổi, tiếng Đức vô vàn khó khăn một chữ cắn đôi không biết, nhưng “vâng lời trọng hơn của lễ”, người viết đã vâng lời Đức Cha Phêrô trong “buồn phiền, lo lắng “, chấp nhận lên đường sang Áo quốc, để chắt chiu thêm đôi chút kiến thức. Đương đầu với những tháng ngày nhọc mệt, khó khăn, có lúc tưởng chừng như phải bỏ cuộc, nhưng rồi với ơn Chúa vẫn cố gắng để vượt qua những bài thi mà chỉ hiểu lỏm bõm nội dung, và cuối cùng trở về an toàn. Thế mới biết vâng lời bề trên thì có ơn Chúa đỡ nâng cách nào đó. Và một lần nữa lại vâng lời Đức Cha Matthêu, rời xa bầu sữa mẹ Qui Nhơn, để vào Nha Trang phục vụ, để trả món nợ ân tình.

Quả thế, “linh mục là một món nợ” mà Cha Tổng Giuse đã nhiều lần chia sẻ, đã được forward với nhiều “like” rất thật. Xác tín món nợ nghĩa tình, mà khi trả nợ thì được tăng vốn, mỗi anh em, qua 20 năm, vẫn hăng hái nhiệt thành, chăm chỉ từng ngày, theo vị trí được sai đi, như con ong hút mật để trao cho đời những ngọt ngào và tha thiết, với những chiều sâu lắng đọng, nhưng cũng  quãng đại  sẻ chia.

Xin hãy cho năm anh em một lời cầu cùng với tiếp tục đỡ nâng, vốn liếng luôn tăng triển khi kiên trì trả nợ với trọn vẹn tình Chúa, tình người của "cái thuở ban đầu" nồng nàn ấy.

Tác giả bài viết: Lm. Anrê Đoàn Văn Điểm

 Tags: ơn gọi

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập39
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm33
  • Hôm nay13,181
  • Tháng hiện tại101,398
  • Tổng lượt truy cập29,080,936

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây