Bài thuyết trình tĩnh tâm tháng 10.2019

Thứ hai - 30/09/2019 20:24

CHĂM SÓC MỤC VỤ CHO CÁC GIA ĐÌNH ĐỔ VỠ


DẪN NHẬP
Trong Tông huấn Familiaris Consortio, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có viết: “Vào thời đại chúng ta, gia đình cũng như các cơ cấu khác và có thể còn hơn các cơ cấu khác nữa, đã bị ảnh hưởng do những biến đổi rộng rãi sâu xa, ồ ạt của xã hội và văn hoá. Trong hoàn cảnh đó, nhiều gia đình đã sống trung thành với những giá trị nền tảng của định chế gia đình. Nhiều gia đình khác ngập ngừng và lạc hướng trước những trách vụ của họ, thậm chí còn rơi vào chỗ hoài nghi và gần như không biết gì về những điều liên quan đến ý nghĩa sâu xa và giá trị của đời sống hôn nhân và gia đình. Có những gia đình khác nữa bị cản trở không thực hiện được những quyền lợi căn bản của họ, do nhiều hoàn cảnh bất công khác”[1]. Nhưng đàng khác, “cũng không thiếu những dấu hiệu cho thấy một sự thoái hoá đáng lo ngại về một số giá trị căn bản: một quan niệm sai lầm trên lý thuyết và thực hành về sự độc lập giữa hai vợ chồng, những mập mờ rất trầm trọng về tương quan uy quyền của cha mẹ đối với con cái, những khó khăn cụ thể trong việc lưu truyền các giá trị như nhiều gia đình đã cảm nghiệm, con số các vụ ly dị gia tăng,”[2] gây ra nhiều thương tích trên các thành viên trong mái ấm gia đình vừa đỗ vỡ.

Từ sự đỗ vỡ gia đình, các thành viên cất lên bao tiếng kêu cứu mẹ hiền Giáo Hội[3] một sự cảm thông, chia sẻ, với ước mong tìm ra cho họ một lối thoát cũng như vạch ra cho họ một lộ trình. Tuy nhiên, với giới hạn của một bài chia sẻ, chúng ta cùng tập chú vào góc nhỏ của đề tài: “chăm sóc mục vụ cho gia đình bị đổ vỡ”, với ba tiêu điểm, đó là: căn nguyên của sự đổ vỡ; các di chứng nó để lại và những nẻo đường mục vụ theo định hướng của Giáo Hội mẹ hiền.

1. CĂN NGUYÊN ĐỔ VỠ NƠI GIA ĐÌNH
Trong một trang sách, rất nổi tiếng, Tertulianô đã diễn tả tuyệt vời nét cao cả và vẻ đẹp của đời sống vợ chồng trong Đức Ki-tô: "Tôi sẽ múc đâu ra sức mạnh để nói cho thoả về niềm hạnh phúc của cuộc hôn nhân được Hội Thánh nối kết, được Thánh lễ thừa nhận, được lời chúc lành niêm ấn; được các Thiên thần công bố và được Cha trên trời chuẩn y ... Có đôi bạn nào đẹp bằng đôi bạn Ki-tô hữu, được kết hợp do cùng một niềm hy vọng, cùng một ước nguyện, cùng một nề nếp, cùng một công việc phục vụ. Cả hai cùng là con một Cha, cùng phục vụ một Chúa; không gì phân rẽ họ nổi, trong tinh thần cũng như trong xác thịt; ngược lại, họ là hai trong cùng một thể xác. Ở đâu có cùng một thể xác, ở đó cũng có cùng một tinh thần".[4] Bởi vì tinh thần của họ được xây dựng trên tình yêu và cho tình yêu: “Một người nam và một người nữ tạo thành một sự hiệp thông trọn cả cuộc sống, tự bản chất, giao ước ấy hướng về lợi ích của đôi bạn, cũng như đến việc sinh sản và giáo dục con cái; Chúa Kitô đã nâng giao ước hôn nhân giữa hai người đã được Rửa Tội lên hàng bí tích"[5] . Và Thiên Chúa đã tuyên phán : sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly.[6]
Thế nhưng, vẻ đẹp nguyên tuyền của tình yêu đó lại bị phôi pha khi nhiều yếu tố  bên ngoài xen lẫn mà gia đình là “Hội thánh tại gia”[7] không giải quyết được, dẫn đến tuyên bố chung cuộc là đổ vỡ - ly dị - chia tay. Sự đổ vỡ đó nó đến từ nhiều nguyên do, phải nói đến đầu tiên là sự pha trộn giữa ánh sáng và bóng tối.

1.1. Sự pha trộn giữa ánh sáng và bóng tối
Căn nguyên của những hiện tượng tiêu cực này thường là do “sự suy đồi trong quan niệm và trong kinh nghiệm về tự do, người ta không còn coi tự do như khả năng thực hiện sự thật Thiên Chúa vạch ra cho hôn nhân và gia đình, nhưng coi nó như một năng lực tự lập để tự xác định chính mình, thường là chống lại người khác, và để lo cho sự thoải mái ích kỷ của mình”.[8] Trong các nước thuộc thế giới thứ ba, các gia đình thường thiếu thốn từ những phương tiện căn bản để sống còn, như thực phẩm, việc làm, nhà cửa, thuốc men, cho đến cả những tự do sơ đẳng nhất, làm cho gia đình xáo trộn khó khăn. Còn tại các nước giàu có hơn thì ngược lại, người ta quá thoải mái và nặng óc hưởng thụ, nhưng trớ trêu thay sự thoải mái và óc hưởng thụ ấy lại gắn liền với một thứ âu lo nào đó, cảm thấy bấp bênh trước tương lai, nên các đôi bạn mất sự quảng đại và can đảm để làm phát sinh thêm những sự sống mới: người ta không còn coi sự sống như là một lời chúc phúc, nhưng lại coi như một sự nguy hiểm phải tránh né. Như thế, tình cảnh cụ thể trong đó gia đình đang sống quả là một sự pha trộn giữa bóng tối và ánh sáng.[9] Sự pha trộn này kéo theo hệ lụy gia tăng lòng ích kỷ nơi gia đình.

1.2. Sự ích kỷ nơi người vợ - người chồng
Trong kinh nghiệm lâm sàng của bác sĩ tiến sĩ Fitzgibbons, các xung đột thường dẫn tới ly dị nhiều nhất là bất an và ích kỷ nơi người chồng và cô đơn cùng ích kỷ nơi người vợ. Nhiều người phối ngẫu mô phỏng và lặp lại một cách vô thức các điểm yếu nghiêm trọng trong việc tự hiến phu phụ mà họ đã thủ đắc từ cha mẹ họ. Tự hiến là yếu tính của tình yêu phu phụ, và nếu không có nó, các điểm yếu quan trọng khác góp phần vào ly dị sẽ chiếm ưu thế: các tác phong tức giận, kiểm soát và bất kính thái quá.[10] 

Sự thái quá đó mang một phần nguyên do được gán cho các hậu quả của cuộc cách mạng ngừa thai. Với các phương tiện ngừa thai ngày càng hiện đại, đã khiến cho đời sống hôn nhân nơi vợ chồng kém lưu ý tới con cái và việc này dẫn tới việc suy yếu của cam kết hôn nhân, giảm tín thác nơi Thiên Chúa, và nơi người phối ngẫu của mình, gia tăng lòng vị kỷ, tức giận, tất cả đều gây hại cho tình yêu thơ mộng, tình bằng hữu vợ chồng, và sự thân mật tính dục trong đời sống chăn gối.[11]
Bên cạnh đó, sự ích kỷ của mẹ cha thường kéo theo não trạng của các câu nói: con cái tôi không thể nào hạnh phúc nếu tôi không hạnh phúc. Nhưng họ không nên đặt cái câu nói bôi dầu kiểu tự yêu mình đó lên tâm hồn họ. Con cái cần cha mẹ yêu thương chúng, chứ không cần những cha mẹ hài lòng; chúng quá non nớt để người ta có thể yêu cầu chúng hy sinh mạng sống vì một ai khác. Con cái không có bổn phận phải chịu đau khổ vì cha mẹ, nhưng nhiệm vụ cha mẹ là chịu đựng, là lợi dụng tối đa hoàn cảnh tồi tàn, là nuốt tự hào, là quì gối xuống, vì con cái.[12]

Người lớn có tài một cách kỳ lạ trong việc dệt nên chung quanh mình những màng nhện tự lừa dối mình để tự vệ. Con cái đâu có… chúng chưa bị thói quen, tuyên truyền hay lịch sử bóp méo sự thật làm cùn nhụt, nên những gì chúng thấy, chúng thấy rất rõ.  Quả thế, con cái nổi tiếng về việc nhìn thấu sự giả hình của người lớn. Sự trong trắng ngây thơ của chúng luôn ngỡ ngàng trước tác phong tồi và sự bất nhất đến từ sự ích kỷ của mẹ cha.[13] Mặt khác, sự đổ vỡ gia đình còn bị đe dọa nghiêm trọng từ hệ lỵ của các cuộc khủng hoảng.

1.3. Thách đố của các khủng hoảng
Trong Tông huấn Amoris Laetitia, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết: “Cuộc sống của mọi gia đình đều được đánh dấu bằng đủ loại khủng hoảng”.[14] Khi đương đầu với một khủng hoảng, vợ chồng thường có khuynh hướng phản ứng bằng cách phòng ngự, vì ta cảm thấy mình đang mất kiểm soát, hay phần nào có lỗi, và điều này làm ta khó chịu. Họ tìm cách bác bỏ vấn đề, dấu biệt hay hạ tầm quan trọng của nó, và hy vọng nó sẽ biến mất. Nhưng điều này vô ích; nó chỉ làm sự việc tệ hơn, phí phạm năng lực và trì hoãn giải pháp mà thôi. Các cặp vợ chồng sẽ trở nên xa cách và đánh mất khả năng thông đạt.[15]

Rồi còn có những cuộc khủng hoảng bản thân ảnh hưởng tới cuộc sống vợ chồng, thường liên lụy tới tài chánh, các vấn đề ở sở làm, các khó khăn xúc cảm, xã hội và tâm linh.[16] Đó là chúng ta chưa nói đến các nhu cầu về sinh lý, khi mà hiện nay, càng ngày người ta càng nghĩ rằng khi một hay cả hai người bạn đời không còn cảm thấy được thoả mãn nữa, hay các sự việc kết cục không như người ta mong muốn nữa, thì đây là lý do đầy đủ để kết liễu một cuộc hôn nhân. Đôi khi, chỉ một lần không thoả mãn, chỉ một lần người kia vắng mặt khi được cần đến nhất, chỉ một lần tự ái bị thương tổn hay một nỗi sợ mơ hồ nào đó cũng đủ để người ta quyết định rằng mọi sự đã kết thúc. Hoặc sự khủng hoảng còn đến khi một người phối ngẫu có thể không cảm thấy mình được đánh giá đầy đủ hay cảm thấy bị thu hút vào một người khác; các ghen tương và căng thẳng có thể xuất hiện, hay các quan tâm mới thu hút hết thì giờ và lưu tâm của người kia; các thay đổi thể lý tự nhiên xẩy ra nơi mọi người,[17] sự thiếu thông cảm giữa vợ chồng, thiếu khả năng mở ra với các tương quan liên vị có thể làm cho cuộc hôn nhân thành sự đi tới chỗ đổ vỡ đau thương, mà thường không hàn gắn nổi,[18] dẫn đến gia biến đổ vỡ - ly dị - chia tay.[19]
Và một khi đã gia đình đã đổ vỡ - chia tay, thì hầu như nó luôn kéo theo tác động xấu đến tinh thần và thể xác nơi các thành viên mà gia đình hằng bao bọc, đặc biệt là nơi con cái.

2. TÁC ĐỘNG TỪ SỰ ĐỔ VỠ NƠI GIA ĐÌNH
2.1. Thiệt hại về tâm lý đối với trẻ em
Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo coi “ly dị là phi luân vì làm xáo trộn gia đình và xã hội. Việc xáo trộn này kéo theo nhiều tổn hại nghiêm trọng : cho người phối ngẫu vì bị ruồng bỏ; cho con cái phải đau khổ vì cha mẹ phân ly, và lắm khi còn bị dằng co không biết theo ai; cho xã hội vì hiệu quả lây lan của nó, nó thực sự là một tai ương cho xã hội”.[20] Bởi vì nó làm cho con cái của ly dị có nhiều nguy cơ di hại do hiện tượng đang đầm ấm rơi vào sóng gió hoặc im lặng trống vắng. Điều này dĩ nhiên không phải là điều bị các cha mẹ ly dị coi nhẹ. Không cha mẹ ly dị nào muốn làm hại con cái mình trong diễn trình chia tay. Nhưng vì nỗi đớn đau, tủi nhục và đôi khi bất công đối với bản thân, các cha mẹ nhiều khi quên cả con cái, quên cái đau của chúng, không những thế, còn kéo chúng vào các cuộc tranh chấp đủ loại của mình, nhất là cuộc tranh đấu giành cảm tình của chúng. [21]

Đức Phanxicô trong Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương lặp đi lặp lại và thật lớn tiếng với các bậc cha mẹ đang trong diễn trình ly dị và sau khi đã chia tay nhau: “Tôi xin ngỏ với các cha mẹ đã ly thân lời kêu gọi này: Anh chị em đừng bao giờ bắt con cái làm con tin! Anh chị em ly thân vì nhiều vấn đề và lý do. Đời sống đem lại cho anh chị em thử thách này, nhưng con cái anh chị em không nên phải gánh cái gánh nặng ly thân này hay bị dùng làm con tin chống người phối ngẫu kia. Chúng nên được lớn lên mà tai thì được nghe mẹ chúng nói tốt cho cha chúng, cho dù họ không còn ở với nhau nữa, và cha chúng nói tốt cho mẹ chúng. Quả là vô trách nhiệm khi làm mất uy tín của cha mẹ kia như phương thế chiếm tình âu yếm của con cái, hay để trả thù hoặc tự biện minh cho mình. Làm thế sẽ ảnh hưởng tới sự thanh tĩnh nội tâm của con cái và gây nên những vết thương khó lành”.[22] Tỷ lệ các em bị rối loạn về xúc cảm nơi những người có cha mẹ ly dị lúc lớn lên gấp 3 lần hơn những người có gia đình nguyên vẹn. Không một lượng thành công nào trong tuổi trưởng thành có thể đền bù cho một tuổi thơ bất hạnh, hay xóa mờ ký ức đau đớn và hỗn loạn của thế giới chia rẽ nơi đứa con của ly dị.[23]

2.2. Thiệt hại về tâm lý đối với thiếu niên
Như chúng ta được biết: phần lớn các vụ ly dị không quan tâm tới lợi ích của con cái mà chỉ quan tâm đến cá nhân mẹ cha. Trong khi đó: sau khi cha mẹ ly dị, con cái thường phải trải nghiệm việc gia đình dọn nhà, giảm thu nhập trông thấy, bà mẹ đơn chiếc bị căng thẳng, và những thời kỳ vắng cha mẹ một cách đáng kể. Tất cả đều đặt các em vào thế lâm nguy. Bởi vì theo cách nhìn của trẻ em, chúng không hề có điều gọi là “một cuộc ly dị tốt đẹp”. Trong một nghiên cứu, các trẻ em có cha mẹ “ly dị tốt đẹp” còn tệ hơn những em có cha mẹ “ly dị tệ hại”. Điều này tác động đến tâm lý của các em rất nhiều khi lớn lên.[24]

2.3. Thiệt hại tâm lý tuổi trưởng thành
Trong bài viết "Con cái của ly dị", tác giả Vũ Văn An nói: Khi con cái của gia đình ly dị lớn lên, chúng thường xuyên phải lao đao với nỗi sợ bị bỏ rơi.  Điều này dẫn đến hệ lụy khi kết hôn các cảm xúc nơi gia đình xưa ùa đến khiến chúng dễ dàng hủy bỏ việc đính hôn, hoặc các mối liên hệ đang tốt đẹp. Và trong thời gian đính hôn hay đầu đời hôn nhân, con cái ly dị thường trải qua những nỗi sợ hãi sâu xa và vô thức về việc bị phản bội, về việc phải hiến thân trọn vẹn, chỉ vì các thương tích do ly dị gây ra như: “tôi sẽ bị phản bội và mất người tôi yêu”, “điều đã xẩy đến cho cuộc hôn nhân của cha mẹ tôi cũng sẽ xẩy đến cho cuộc hôn nhân của tôi”.[25] Các nỗi sợ hãi này góp phần vào việc hiện nay nhiều người rút chân ra khỏi hôn nhân hay quyết định sống chung, một việc vốn không đòi phải cam kết trọn vẹn. Đó là chưa kể đến việc ly dị của mẹ cha cũng đóng góp vào chu kỳ ly dị liên thế hệ. Nhất là khi cả chồng lẫn vợ cùng phát xuất từ các gia đình ly dị, thì nguy cơ ly dị tăng lên rất cao. Ngoài ra, trong cuộc hôn nhân của họ, con cái của các cha mẹ ly dị thường bất hạnh hơn, leo thang tranh chấp, ít thông đạt với nhau, thường xuyên tranh cãi, la hét, hoặc tấn công thể lý người phối ngẫu lúc tranh cãi.[26]
Bên cạnh thiệt hại về tâm lý do cha mẹ ly dị gây ra, nó còn mang đến suy giảm về đường thiêng liêng.

2.4. Thiệt hại về thiêng liêng
Sự đổ vỡ nơi mái ấm làm hại trực tiếp đến đời sống thiêng liêng của con cái. Bởi vì con cái của gia đình đổ vỡ thếu vắng không có người cha ở trong nhà gặp khó khăn trong tương quan của chúng với Thiên Chúa. Vì “ơn thánh xây dựng trên tự nhiên”. Việc mất niềm tin phát sinh từ việc ly dị của cha mẹ khiến cho việc tín thác vào một vị Thiên Chúa đầy yêu thương trở thành khó khăn, nhất là nếu chúng từng cầu nguyện cho cuộc hôn nhân của cha mẹ chúng. Ngoài ra, nếu mẹ hoặc cha vốn thực hành đức tin, thì chính đức tin thỉnh thoảng bị qui lỗi đã gây ra việc ly dị. [27]
Một sinh viên cao học của Viện Giáo Hoàng Gioan Phaolô II Nghiên Cứu Hôn Nhân và Gia Đình, trong một khảo luận đầy thông sáng về cuộc khủng hoảng bản sắc nơi con cái ly dị, đã viết rằng “Chúa Thánh Thần sẽ vô nghĩa nếu không có Chúa Cha, và Chúa Con thế nào, thì, một cách nào đó, bản sắc của đứa con cũng trở nên bất khả niệm nếu không có cha và mẹ em. Điều đem lại cho đứa con bản sắc của nó chính là tình yêu của cha mẹ em”.[28] Sự thiếu vắng mẹ cha làm cho tâm tính các em hụt hẫn dẫn đến buồn sầu.

2.5. Buồn sầu
Nguồn gốc gây ra cô đơn - buồn sầu là cha hay mẹ không hiện diện trong nhà, phần lớn là người cha. Con cái ly dị thường xuyên lao đao với nỗi buồn vì mất cảm giác thoải mái khi cha mẹ còn thương yêu nhau. Nhiều em cảm thấy bị tù túng trong một nỗi cô đơn nội tâm sâu xa. Điều đó dễ dẫn các em tới lòng vị kỷ khi đã trưởng thành. Bởi vì con cái ly dị thường một cách vô thức, mô phỏng lòng vị kỷ này như một nét học được từ một hay cả hai cha mẹ. Những chấn thương tâm lý còn làm cho cho các em bị thui chột khả năng đạt thành công trong học tập và trong các mối liên hệ, họ thường có khuynh hướng đạt thành tích tệ trong hầu hết các ngành học thuật và kinh tế.[29]
Từ những di hại của đổ vỡ gia đình lên mọi thành viên, Giáo Hội đưa ra một số viễn ảnh mục vụ đồng hành.

3. MỤC VỤ ĐỒNG HÀNH ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH ĐỔ VỠ
3.1. Mục vụ đồng hành theo tông huấn Familiaris Consortio
Trong Hiến chế Mục vụ Vui mừng và hy vọng, Công đồng Vaticanô II viết: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ. Thực vậy, cộng đoàn của họ được cấu tạo bằng những con người đã được qui tụ trong Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về Nước Cha và đã đón nhận Tin mừng cứu rỗi đem tới cho mọi người.”[30] Trong đoàn lữ hành đó có người mạnh khỏe, đau yếu hay đầy vết thương tàn tật do di căn từ đổ vỡ hôn nhân. Nhờ bí tích rửa tội, những anh chị em trong gia đình đổ vỡ này đã trở nên dòng dõi ưu tuyển là hàng tư tế và vương giả, thuộc về dân tộc thánh thiện[31] nhưng hiện đang rên siết do sự ưng mủ của các vết thương lòng, họ rất mong một bàn tay chìa ra để cứu giúp.

Đứng trước sự khắc khoải, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi: bất cứ ai không có khả năng nhìn thấy những người khác như anh em hay chị em của mình, hay không thể hiện được sự nhạy cảm đối với cuộc sống và hoàn cảnh của họ bất kể xuất xứ gia đình, văn hóa hay giai tầng xã hội của họ đều không xứng làm môn đệ Chúa Giêsu[32]. Tình yêu dâng hiến của Ngài là một ân sủng nhưng không, được dành cho tất cả mọi người và hướng đến tất cả mọi người. Chúng ta thường khoang tay đứng nhìn hoặc giơ hai tay lên cao như là một dấu chỉ thất vọng trước sức mạnh tàn nhẫn của cái ác. Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng ta không thể đứng khoanh tay thờ ơ, hoặc vươn tay ra trong bất lực. Là các tín hữu, chúng ta phải chìa bàn tay ra, như Chúa Giêsu đã làm với chúng ta.[33] Chúng ta phải hỗ trợ chăm sóc mục vụ cho người ly dị và con cái cũng như thân nhân họ. Bởi vì: “Con người theo yếu tính của nó, không phải là một đối tượng, hay một yếu tố thụ động trong đời sống xã hội; trái lại, nó phải là chủ nhân, là nền tảng, là cứu cánh.”[34]

Để tiến bước trên con đường mục vụ này, mỗi người trong chúng ta cần phải quảng đại, thông minh, khôn khéo, theo gương vị Mục Tử nhân lành, khi dấn thân làm mục vụ cho các gia đình đang đối đầu với những khó khăn thật sự.[35] Trong đó đầu tiên chúng ta cần nói đến là những người ly thân và ly dị không tái hôn:

3.1.1. Những người ly thân và những người ly dị không tái hôn
Khi gia đình tan vỡ, sự cô đơn và nhiều khó khăn khác nữa thường là mẫu số chung cho người phối ngẫu bị phân ly. Trong trường hợp đó, cộng đồng Hội Thánh phải nâng đỡ người ấy hơn bao giờ, phải đem lại cho người ấy sự quí mến, liên đới cảm thông và giúp đỡ cụ thể để người ấy có thể trung thành ngay cả trong tình cảnh khó khăn của mình; phải giúp người ấy biết vun trồng sự tha thứ mà tình yêu thương Ki-tô giáo đòi hỏi và biết luôn luôn sẵn sàng nối lại cuộc sống vợ chồng trước kia.
Trường hợp một người phối ngẫu bị bó buộc phải chịu ly dị cũng tương tự như thế khi, vì ý thức rõ tính cách bất khả phân ly của dây hôn phối thành sự, người ấy không để mình bị lôi cuốn vào một sự kết hợp mới, nhưng chỉ ra sức chu toàn các bổn phận gia đình và các trách nhiệm Ki-tô hữu của mình. Lúc đó, chứng tích của họ về sự trung thành và về sự ăn khớp của mình với đời sống Ki-tô hữu có một giá trị thật đặc thù đối với thế giới và Hội Thánh hơn bao giờ hết[36], Hội Thánh phải đem lại cho họ một sự giúp đỡ đầy khích lệ ưu ái, và cho họ tham dự các bí tích, không một cản trở nào.[37] Và tiếp đến, đối tượng mà chúng ta bàn bạc đồng hành là những người ly dị đã tái hôn.

3.1.2. Những người ly dị tái hôn
Một “kinh nghiệm thường ngày cho thấy rằng, bất hạnh thay những người đã ly dị dường như bao giờ cũng nhắm tiến tới một sự kết hợp mới, dĩ nhiên là chẳng có nghi lễ công giáo nào cả. Và vì đây là một đại họa ngày càng lan rộng và tấn công cả các môi trường công giáo như những đại họa khác, nên cần phải cấp bách đối kháng lại vấn đề này với một sự quan tâm hết sức lớn lao. Quả vậy, được thiết lập để đưa dẫn mọi người tới ơn cứu độ, cách riêng những người đã chịu phép rửa tội, Hội Thánh không thể bỏ mặc những người, đã được kết hợp trong dây bí tích hôn phối, nay lại muốn cưới người khác. Nên Hội Thánh phải cố gắng không biết mỏi mệt để đem các phương tiện cứu rỗi của mình cho họ sử dụng”.[38]

Vì lòng yêu sự thật, “các chủ chăn phải biết rằng mình có nghĩa vụ phân biệt rõ những tình cảnh khác nhau. Thật thế, những người đã thành tâm cố gắng cứu vãn cuộc hôn nhân thứ nhất nhưng đã bị ruồng bỏ một cách bất công, thì khác hẳn với những người do sai lỗi trầm trọng đã phá huỷ cuộc hôn nhân thành sự theo giáo luật. Chúng ta mời họ lắng nghe Lời Thiên Chúa, tham dự Hy tế thánh lễ, kiên trì cầu nguyện, góp phần vào các công cuộc bác ái và vào các sáng kiến của Hội Thánh để phụng sự công lý, giáo dục con cái họ trong đức tin Ki-tô giáo, vun trồng tinh thần đền tội và làm các việc đền tội để ngày qua ngày thành khẩn nài xin ơn thánh của Thiên Chúa. Ước gì Hội Thánh cầu nguyện cho họ, khích lệ họ và tỏ ra là một người mẹ nhân từ đối với họ, và nhờ đó giữ họ trong đức tin đức cậy”[39].

Tuy nhiên, Hội Thánh vẫn xác nhận lại kỷ luật của mình, kỷ luật xây dựng trên Thánh Kinh, theo đó Hội Thánh không thể chấp nhận cho những người ly dị tái hôn được hiệp thông Thánh Thể. Họ đã tự làm cho mình trở nên mất đi khả năng dự phần vào đó vì tình trạng của họ và vì điều kiện sống của họ mâu thuẫn một cách khách quan với sự hiệp thông yêu thương giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh, như nó vẫn được diễn tả và hiện tại hoá trong phép Thánh Thể. Ngoài ra còn có một lý do mục vụ đặc thù khác: nếu chấp nhận cho những người ấy được rước lễ, điều đó sẽ khiến các tín hữu đi tới chỗ sai lạc, hiểu lầm giáo lý của Hội Thánh về sự bất khả phân ly của hôn nhân.[40]
Với một lòng tin tưởng mãnh liệt, Hội Thánh tin rằng ngay cả những người đã lìa xa lệnh truyền của Chúa và đang tiếp tục sống trong tình trạng ấy, cũng có thể nhận được ơn hoán cải và cứu rỗi nơi Thiên Chúa, nếu họ kiên trì trong kinh nguyện, thống hối và bác ái”.[41]
Kế đến, chúng ta được hướng dẫn đồng hành mục vụ theo Tông huấn Amoris Laetitia.

3.2.Mục vụ đồng hành theo Tông huấn Amoris Laetitia
Một thực tế chúng ta nhìn nhận rằng cho đến nay, mục vụ cho người ly dị nói chung chưa được chú trọng đúng mức. Nếu hiểu mục vụ ly dị là ban hành các hướng dẫn, chỉ thị để người ly dị và dân Chúa nói chung thay đổi lối nhìn về ly dị và người ly dị, thì Giáo Hội hoàn vũ và các giáo hội địa phương đã làm khá nhiều. Mà mạnh mẽ nhất chính là Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương của Đức Phanxicô, với ba tác phong chủ yếu: đồng hành, biện phân và tích nhập, để chào đón người ly dị và con cái họ trong hiệp thông Giáo Hội.[42]

3.2.1. Ly dị không phải luôn luôn là một tội trọng
Trong Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương, ly dị được nhìn dưới một ánh sáng mới: ít nhất nó không còn là một tội trọng trong một số trường hợp. Đã đành, nói chung, người ly dị và tái hôn mà không có án lệnh tuyên bố vô hiệu hôn nhân trước vẫn không được rước lễ. Nhưng việc qui lỗi hay trách nhiệm đối với hành động của họ có thể giảm đi hay ngay cả triệt tiêu do việc dốt nát, sợ hãi, thói quen, hay các nhân tố tâm lý và xã hội khác. Tông huấn nói tới việc lượng giá một hoàn cảnh khách quan phải dẫn tới một phán đoán về tính qui lỗi chủ quan. Ly dị và tái hôn bên ngoài Giáo Hội là “hoàn cảnh khách quan”. Tuy nhiên điều này, về “phương diện chủ quan” không nhất thiết biến cặp này thành những kẻ phạm tội trọng.[43]

3.2.2. Lỗ tai của trái tim
Trong điều 232 của Tông huấn, Đức Giáo Hoàng viết: Mỗi cuộc khủng hoảng đều có một bài học để dạy chúng ta; chúng ta cần học cách biết lắng nghe để nhận ra nó bằng lỗ tai của trái tim. Lỗ tai của trái tim không trước nhất phản ứng khủng hoảng bằng phòng ngự vì cách này vô ích, trái lại, phải cùng nhau đương đầu theo cách lòng nói với lòng” theo từng giai đoạn, với sự giúp đỡ của ơn thánh, của thân nhân bằng hữu, biết chấp nhận các thay đổi, ý thức rằng không ai làm ta thỏa mãn hoàn toàn, vì họ có những thương tích cũ, vì liên hệ gia đình[44]. Và khi không thể cứu vãn, ly thân không những không thể tránh mà còn cần thiết nữa, tuy phải bị coi là biện pháp cuối cùng.[45]
Đây là lúc Giáo Hội phải áp dụng một sự chăm sóc mục vụ đặc biệt. Tỏ lòng kính trọng trước sự đau khổ của những người phải ly thân, ly dị hay bị bỏ rơi một cách bất công hay những người, vì chồng hay vợ đối xử tệ bạc, mà buộc phải ngưng cuộc sống chung.[46] Đối với những người ly dị tái hôn, phải làm họ cảm nhận rằng họ vẫn là thành phần của Giáo Hội. Họ không bị tuyệt thông. Đơn giản hóa thủ tục tuyên bố vô hiệu. Đặt lên hàng đầu phúc lợi con cái.[47]

3.2.3.Phúc lợi của con cái được đặt lên hàng đầu
Đức Phanxicô nói: Tôi xin ngỏ với các cha mẹ đã ly thân lời kêu gọi này: Anh chị em đừng bao giờ bắt con cái làm con tin! Sở dĩ có lời kêu gọi thống thiết ấy là vì có phải chúng ta đang trở nên tê cóng đối với các thương tích trong linh hồn các trẻ em trên hay không, mà quên, không cảm nhận được gánh nặng tâm lý mênh mông của các trẻ em trong các gia đình đổ vỡ. Chính vì thế, các cộng đồng Kitô hữu không nên bỏ rơi các cha mẹ ly dị đã bước vào cuộc kết hợp mới, nhưng nên bao gồm và nâng đỡ họ trong cố gắng dưỡng nuôi con cái của họ. Làm thế nào ta có thể khuyến khích các cha mẹ này làm mọi sự có thể làm để dưỡng dục con cái họ trong đời sống Kitô hữu, làm gương cho chúng về một đức tin có cam kết và thực tiễn, nếu ta giữ họ ở một khoảng cách xa đời sống cộng đồng, như thể họ bị tuyệt thông cách nào đó? Ta phải từ bỏ việc hành xử theo cách chất thêm gánh nặng mà trẻ em trong các hoàn cảnh này vốn đã phải vác rồi!.[48] 

3.2.4. Giảm khinh và lương tâm
Về các yếu tố giảm khinh, Đức Phanxicô cho biết một số khía cạnh: Một chủ thể rất có thể biết đầy đủ về qui luật, thế nhưng lại gặp khó khăn lớn trong việc hiểu rõ ‘các giá trị cố hữu của nó’ hay rơi vào một hoàn cảnh cụ thể không giúp họ hành động khác đi và quyết định cách khác mà không phạm tội thêm.[56]
Sách Giáo Lý liệt kê các nhân tố giảm khinh sau đây: không biết, vô ý, bị cưỡng ép, sợ hãi, thói quen, quyến luyến vô trật tự và các nhân tố tâm lý hay xã hội khác, có thể là sự thiếu chín chắn về cảm giới, sức mạnh của thói quen đã mắc phải, các tình trạng lo âu xao xuyến[57].

Với những nhân tố như trên, Đức Phanxicô cho rằng: Vì các hình thức của điều kiện hóa và các nhân tố giảm khinh, rất có thể, dù ở trong một hoàn cảnh tội lỗi khách quan, một hoàn cảnh có thể không bị qui tội về phương diện chủ quan, một ai đó vẫn có thể sống trong ơn thánh Chúa, vẫn có thể yêu thương và lớn lên trong đời sống ơn thánh và đức ái, trong khi lãnh nhận sự giúp đỡ của Giáo Hội để tiến tới mục tiêu này.[58] “Trong một số trường hợp, điều này có thể bao gồm sự trợ giúp của các bí tích. Do đó, ‘tôi muốn nhắc nhở các linh mục điều này: không được coi tòa giải tội như phòng tra tấn, mà đúng hơn là nơi gặp gỡ với lòng thương xót của Chúa”[59]. “Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng Phép Thánh Thể ‘không phải là một phần thưởng cho người hoàn hảo, nhưng là một món thuốc và món ăn mạnh mẽ cho người yếu đuối”.[60]

KẾT LUẬN
Tóm lại, qua những điều trình bày trên, chúng ta thấy, vấn đề mục vụ cho các gia đình đổ vỡ luôn luôn chiếm một chỗ rất quan yếu trong trái tim của Giáo Hội mẹ hiền, mà vị đại diện là các Đức Thánh Cha. Với Đức Phanxicô, vị Giáo Hoàng đã nhấn mạnh tới lòng thương xót, ngài nhấn mạnh đến con đường mục vụ của đức ái. Bởi vì “Đức ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”[61]. Đức ái là qui luật đầu tiên của Kitô hữu vì nó che phủ rất nhiều tội lỗi.[62]. Đức ái biểu dương lòng thương xót của Thiên Chúa, một lòng thương xót thúc đẩy ta cố gắng hết sức trong công tác mục vụ đồng hành cho những anh chị em đầy thương tích. Đức ái thôi thúc các mục tử của Giáo Hội dang rộng vòng tay đón nhận những người yếu đuối một cách cảm thương, tránh làm bực mình hay phán đoán khắc nghiệt hoặc hấp tấp thái quá. Vì như lời khẳng định của Đức Phanxicô: tôi thành thực tin rằng Chúa Giêsu muốn có một Giáo Hội biết lưu ý tới điều tốt mà Chúa Thánh Thần vốn gieo vào giữa sự yếu đuối của con người, là một Bà Mẹ, dù lớn tiếng nói rõ giáo huấn khách quan của mình, vẫn luôn làm bất cứ điều tốt nào có thể làm, cho dù trong khi làm thế, giầy dép của mình bị vấy bẩn bởi đất bùn hè phố.[63] Và ước gì Hội Thánh luôn cầu nguyện cho những gia đình đổ vỡ, khích lệ họ và tỏ ra là một người mẹ nhân từ đối với họ, và nhờ đó giữ họ trong đức tin đức cậy và đức mến [64].
 


[1] THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Familiaris Consortio, số 1
[2] THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II , Familiaris Consortio, số 6
[3] X.HĐGMVN – UBGLĐT, Công Đồng Vaticanô II – Hiến Chế Phụng Vụ, Nxb Tôn giáo 2012, số 14, tr.23.
[4] THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II , Familiaris Consortio, số 13
[5] HĐGMVN, Bộ Giáo Luật 1983,  Bản dịch năm 2006, nxb Tôn Giáo - Hà Nội, điều 1055, trang 333.
[6] X. Mt 19,6
[7] THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Familiaris Consortio, số 21
[8] THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Familiaris Consortio, số 6
[9] X.THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Familiaris Consortio, số 6
[10]X. VŨ VĂN AN, Tản Mạn Chuyện Ly Dị: Con Cái Của Ly Dị, http://vietcatholic.org/News/Home/Article/240803...
[11]X.VŨ VĂN AN, Tản Mạn Chuyện Ly Dị: Con Cái Của Ly Dị, http://vietcatholic.org/News/Home/Article/240803...
[12]X.VŨ VĂN AN, Tản Mạn Chuyện Ly Dị: Con Cái Của Ly Dị, http://vietcatholic.org/News/Home/Article/240803...
[13]X. VŨ VĂN AN, Tản Mạn Chuyện Ly Dị: Con Cái Của Ly Dị, http://vietcatholic.org/News/Home/Article/240803...
[14] ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Amoris  Leatitia, số 231
[15] X.ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Amoris  Leaticia, số 233
[16] X.ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Amoris  Leatitia, số 236
[17] X.ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Amoris  Leatitia, số 237
[18] X.THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Familiaris Consortio, số 83
[19] X.ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Amoris  Leatitia, số 237
[20] HĐGMVN – UBGLĐT, Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, Nxb Tôn Giáo 2012, số 2385
[21] VŨ VĂN AN, Tản Mạn Chuyện Ly Dị: Mục Vụ Ly Dị, http://vietcatholic.org/News/Home/Article/240829
[22] ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Amoris  Leatitia, số 245
[23]X. VŨ VĂN AN, Tản Mạn Chuyện Ly Dị: Con Cái Của Ly Dị, http://vietcatholic.org/News/Home/Article/240803
[24] X.VŨ VĂN AN, Tản Mạn Chuyện Ly Dị: Con Cái Của Ly Dị, http://vietcatholic.org/News/Home/Article/240803
[25] X.VŨ VĂN AN, Tản Mạn Chuyện Ly Dị: Con Cái Của Ly Dị, http://vietcatholic.org/News/Home/Article/240803
[26]X.VŨ VĂN AN, Tản Mạn Chuyện Ly Dị: Con Cái Của Ly Dị, http://vietcatholic.org/News/Home/Article/240803
[27] X.VŨ VĂN AN, Tản Mạn Chuyện Ly Dị: Con Cái Của Ly Dị, http://vietcatholic.org/News/Home/Article/240803
[28] X.VŨ VĂN AN, Tản Mạn Chuyện Ly Dị: Con Cái Của Ly Dị, http://vietcatholic.org/News/Home/Article/240803
[29] X.VŨ VĂN AN, Tản Mạn Chuyện Ly Dị: Con Cái Của Ly Dị, http://vietcatholic.org/News/Home/Article/240803
[30] HĐGMVN-UBGLĐT, CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến Chế Mục Vụ, Nxb Tôn giáo 2012, số 1, tr 215
 
[31] X.HĐGMVN-UBGLĐT, CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, Nxb Tôn giáo 2012, số 14, tr 23
[32] X.Lc 14, 26
  [33] X.J.B. ĐẶNG MINH AN, Bài giảng của Đức Thánh Cha tại cánh đồng Soamandrakizay, Madagascar
[34] THÁNH GH GIOAN XXIII, Thông Điệp Pacem In Terris, số 14
[35] X. THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II , Familiaris Consortio, số 77
[36] X.THÁNH GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI, Evangelii Nuntiandi, số 41
[37] THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II , Familiaris Consortio, số 83
[38] THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II , Familiaris Consortio, số 84
[39] THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II , Familiaris Consortio, số 84
[40] X.THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II , Familiaris Consortio, số 84
[41] X.THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II , Familiaris Consortio, số 83
[42] X.Vũ Văn An, Tản mạn chuyện ly dị: Mục vụ ly dị, http://vietcatholic.org/News/Home/Article/240829
[43] X.HĐGMVN – UBGLĐT, Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, Nxb Tôn Giáo 2012, số 1735
[44] X. ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Amoris  Leatitia, số 233 - 240
[45] X. ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Amoris  Leatitia, số 241
[46] X. ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Amoris  Leatitia, số 242
[47] X. ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Amoris  Leatitia, số 243 - 245
[48] X. ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Amoris  Leatitia, số 245 - 246
[49] X. ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Amoris  Leatitia, số 291
[50] ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Amoris  Leatitia, số 292
[51] X. ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Amoris  Leatitia, số 293 - 294
[52] X. ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Amoris  Leatitia, số 296
[53] X. ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Amoris  Leatitia, số số 297
[54] X. ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Amoris  Leatitia, số số 298
[55] X. ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Amoris  Leatitia, số số 299
[56] X. ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Amoris  Leatitia, số số 301
[57] X.HĐGMVN – UBGLĐT, Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, Nxb Tôn Giáo 2012, số 2352
[58] X. ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Amoris  Leatitia, số số 305
[59] ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông Huấn Evangelii Gaudium , số 44
[60] ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông Huấn Evangelii Gaudium , số 47
[61] 1Cr 13,6
[62] X. ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Amoris  Leatitia, số số 306
[63] X.ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Amoris  Leatitia, số số 308
[64] X.THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II , Familiaris Consortio, số 84

Tác giả bài viết: Linh mục Đaminh Đỗ Nhị Anh

 Tags: tĩnh tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập90
  • Máy chủ tìm kiếm48
  • Khách viếng thăm42
  • Hôm nay13,206
  • Tháng hiện tại420,492
  • Tổng lượt truy cập29,400,030

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây