Năm Thánh để Chúa an ủi Dân Ngài

Thứ hai - 18/06/2018 08:47

NĂM THÁNH ĐỂ CHÚA AN ỦI DÂN NGÀI
BÀI 1
BỖNG DƯNG QUÀ TẶNG TỪ TRỜI

Đầu năm nay, ở đoạn cuối “Lời chúc tết Mậu Tuất”, giữa tháng 2 -2018, Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng xin nhắc nhở anh chị em: năm 2018 là năm kỷ niệm 30 năm ngày Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong hiển thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam. Năm mới Mậu Tuất sẽ là cơ hội thuận lợi để chúng ta suy gẫm, học hỏi và sống mẫu gương anh dũng của các bậc tiền bối trong đức tin”.

Ba tuần sau, ngày 05-03, trong cuộc hành hương Ad Limina, yết kiến Đức Thánh Cha, "Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, thay mặt các Đức giám mục nói lời chào mừng Đức Thánh Cha. Thay vì đọc diễn văn, Đức cha Giuse đơn sơ và kính trọng nói lên cảm tưởng đầu tiên rất vui mừng và ngưỡng mộ Đức Thánh Cha khi được trực tiếp diện kiến ngài rất vui vẻ tự nhiên, đơn sơ và gần gũi. Đức cha giới thiệu với Đức Thánh Cha dung mạo của Giáo hội Việt Nam qua vài con số. Giáo hội Việt Nam với ba giáo tỉnh Huế, Sài Gòn và Hà Nội, gồm 26 giáo phận, có 33 giám mục tại chức hôm nay đang hiện diện đầy đủ trước mặt Đức Thánh Cha, khoảng 4500 giáo xứ với hơn 4000 linh mục, 22 ngàn tu sĩ nam nữ thuộc hơn 240 dòng tu, hơn 2400 đại chủng sinh, 7 triệu giáo dân, tỉ lệ khoảng gần 8% dân số cả nước. Giáo hội Việt Nam năm nay mừng kỷ niệm 30 năm tuyên thánh cho 117 vị tử đạo, thêm một chân phước tử đạo Anrê Phú Yên mà đúng ngày 5/3 hôm nay mừng kính ngài” (https://tonggiaophanhanoi.org/tin-tuc/tin-giao-hoi-viet-nam/13518)

Sau Hội nghị thường niên kỳ I/2018 tại Rôma, ngày 10/3 Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có một thư mục vụ gửi Cộng đồng Dân Chúa. Dù rất ngắn gọn, lá thư đã không quên “việc kỷ niệm 30 năm các vị Tử Đạo tại Việt Nam được nâng lên hàng hiển thánh (1988-2018)”.
Rồi ngày 01-5-2018 Hội đồng Giám mục Việt Nam chính thức công bố Năm thánh tôn vinh các thánh Tử đạo Việt Nam. Bỗng chốc như trên trời rơi xuống cho cộng đồng Dân Chúa Việt Nam trong và ngoài nước, ngay trước mắt, một năm thánh thật bất ngờ, dù chỉ kéo dài vỏn vẹn 5 tháng và 5 ngày, từ 19-6-2018 tới 24-11-2018.

Năm thánh Lòng Thương Xót kết thúc chưa lâu. Các giáo phận Nha Trang và Ban Mê Thuột vừa xong Năm Thánh. Giáo phận Qui Nhơn đang chuẩn bị bế mạc Năm thánh vào cuối tháng Bảy. Với bầu khí ấy, Năm thánh tôn vinh các hiển thánh có nguy cơ trở thành một chuyện vớt vát, bất đắc dĩ và sẽ hẩm hiu, ít được ai quan tâm. Thậm chí còn phải nhắc nhau tránh thái độ xem thường Năm Thánh và tâm trạng mỏi mệt vì nhiều Năm Thánh kế tiếp, xem Năm thánh như một gánh nặng thay vì là một Năm hồng ân. Các cộng đoàn, dòng tu, hội đoàn được mời gọi tích cực tìm ra những sáng kiến mục vụ thực hành Năm Thánh cách sinh động, vui tươi và hiệu quả, mang chiều kích chứng nhân, truyền giáo, hiệp nhất…

Thế nhưng làm sao nghĩ ra được điều gì đáng kể nếu mục đích không rõ ràng?
Năm Thánh đột xuất này nhằm mục đích gì? Ai cũng nghĩ đây chỉ là chữa cháy, phần nào tạ lỗi chuyện cách nay năm 2013 ta đã chẳng làm gì để đánh dấu kỷ niệm 25 năm sự kiện vĩ đại của Hội thánh Việt Nam. Thời điểm đáng nhớ ấy đã lặng lẽ trôi qua không kèn không trống. Cả lần này cũng không hơn gì mấy. Ta đã không nghĩ gì trước tới việc kỷ niệm. Mãi tới lúc những tờ lịch đầu năm 2018 bay vèo vèo trước mắt ta mới sực nhớ. Rồi suy đi nghĩ lại, bàn tới bàn lui, thấy không làm không được, dù nó có vẻ khá bạc bẽo!

Nếu ta đã nghĩ tới từ một năm trước, từ dăm ba tháng trước, hẳn đã có một sự chuẩn bị, một suy tư để đề ra một mục đích rõ. Đằng này, nước lên gần tới đầu gối rồi ta mới nhảy, vội đem một cái gì đó điền vào chỗ trống cho đỡ trống. Thế nhưng hình như Thiên Chúa lại có mục đích riêng của Ngài nên mới nhắc nhở và động viên vị đứng đầu Giáo hội Việt Nam quyết định thực hiện việc này. May thay, vị này đã không làm ngơ trước tiếng Chúa. Dù sao vẫn cần tỏ ra một chút thiện chí để nói lên lòng tri ân Tiên tổ, để rủ nhau cảm tạ và ngợi khen Thiên Chúa. Có lẽ Thiên Chúa chỉ chờ có thế. Ngài chỉ cần một chút lòng của ta là đủ để đưa tay ra chữa lành sự bất lực của ta.

Ông bà cha mẹ chiều cháu, chiều con, dọn sẵn quà cho nó, dỗ mãi cho nó chịu tỏ ra một dấu hiệu cỏn con nào đó có thể tạm cho là biết nghe lời, là đủ để có cớ trao quà cho nó. Ở đây cũng thế, ta chỉ mới quảng đại một tí teo trong hiện tại nhưng quà thì Thiên Chúa đã dọn sẵn tự bao giờ. Các mục tử trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vừa ký xong thư mục vụ, đang trên đường quay trở lại quê nhà cho kịp lễ an táng một người anh em Tổng Giám mục thì, từ Rôma, vị đại diện chính thức của Chúa Kitô trên trần gian công bố: “Tiếng Gọi Nên Thánh trong thế giới ngày nay”. Hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên. Tông huấn “Nên thánh” của Đức Thánh Cha nhắc ta rằng cái Năm Thánh cũn cỡn có vẻ giỡn chơi này là một tiếng gọi hết sức nghiêm túc: Hãy nối gót cha ông mà nên thánh theo đúng với sứ mạng Thiên Chúa đang trao cho trong thời đại này. Cha ông đã làm chứng bằng cái chết, con cháu hãy làm chứng bằng cuộc sống.

Tiếng Gọi Nên Thánh trong thế giới ngày nay khác với Tiếng Gọi Nên Thánh hồi ba mươi năm xưa trở về trước. Năm 1988 ấy cũng là thời đất nước chuyển mình về kinh tế, hướng tới cơ chế thị trường. Đoàn dân Chúa trên quê hương này không hề được chuẩn bị để đương đầu với cuộc thi mới chính Chúa đang đề ra: Đứng vững trước cơn lốc tiêu thụ. Cơn lốc mãnh liệt đã cuốn đi tất cả, cuốn theo cả một dân Chúa có chống chọi nhưng thật yếu ớt. Nó cuốn hết những cái đã từng khiến dân Chúa tại Việt Nam tự hào. Không ít người đã nói tới sự biến chất, sự mỏi mệt. Mọi chuyện có nguy cơ trở thành hình thức, sáo rỗng, vụ thành tích. Lửa nhiệt tình có nguy cơ tắt ngúm, từ trên xuống dưới. Chính trong bối cảnh ấy, tiếng gọi “hãy an ủi dân ta!” (Is 40,1) cộng hưởng với tiếng gọi “hãy nên thánh!” quyện thành một thông điệp hy vọng.

Xin được mở ngoặc để lưu ý một chút: Đó đây ta có thể nghe một vài người nêu những phát biểu trái chiều với Tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh (Tgnt). Thế nhưng, ở đây, ta sẽ học theo một kinh nghiệm rất quý của anh em Tin Lành  (Tôi muốn nói đến anh em trong Hội thánh Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp Cơ đốc, đang hiện diện khắp Việt Nam, ở mặt tiền nhà thờ có ghi giản dị hai chữ “Tin Lành”, chứ không nói đến các giáo phái này nọ). Họ có thái độ rất nghiêm túc khi nghe giảng. Họ không bao giờ khen một mục sư “giảng hay”, thay vào đó, họ tạ ơn Chúa vì ông “giảng được ơn” - bài giảng của ông có đầy ơn Chúa và giúp người nghe nhận được ơn Chúa. Bình phẩm là tự cho mình quyền phê phán Lời Chúa, xem người giảng là thí sinh còn mình thì tự ngồi vào bàn giám khảo để chấm điểm. Thay vì phê phán Lời Chúa, ta hãy để cho Lời Chúa phê phán. Hãy đón nhận lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, đừng chạy trốn bằng cách phê phán lời kêu gọi ấy. Đừng theo đuôi bất cứ ai để bình phẩm Đức Thánh Cha.

Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì Đức Thánh Cha đang tái hiện tinh thần Công đồng Vaticanô II trước mắt ta bằng hành động và giáo huấn của ngài. Năm năm qua, nếu mỗi chúng ta hưởng ứng 1% những gì Đức Thánh Cha đề nghị, có lẽ khuôn mặt Hội thánh đã đổi khác. Cần nghiêm túc nhìn lại xem bản thân ta đã hưởng ứng được phần trăm nào chưa?

Tông huấn “Tiếng Gọi Nên Thánh trong thế giới ngày nay” đã được dịch giả Phaolô Phạm Xuân Khôi nhanh chóng chuyển sang Việt ngữ rất chuẩn. Để góp phần giúp mọi người sống Năm Thánh, tôi đã trao đổi với dịch giả, xin phép duyệt lại đôi nét để có được một bản dịch dung dị, dễ hiểu, theo sát cách nói của Đức Thánh Cha, nhờ đó tông huấn Nên Thánh này có thể đi thẳng vào lòng những tín hữu Việt Nam chưa quen với các văn kiện giáo hoàng. Được dịch giả đồng ý, mặc dù khả năng đang lụi tàn vì tuổi tác, không làm được như mong muốn, tôi đã cố gắng tối đa và hiện đã có được bản dịch hiệu đính giới thiệu trên mạng, tại www.vanthoconggiao.net, tapsanmucdong.net, conggiaovietnam.net, thuvienconggiaovietnam.netwww.simonhoadalat.com  vv...

Xin mời tất cả những ai có điện thoại cảm ứng, hãy tải xuống để có thể lắng nghe Tiếng Gọi Nên Thánh trên khắp mọi nẻo đường... không những để đáp lại lời mời gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam và của Đức Thánh Cha mà hơn nữa, trên hết, là của chính Thiên Chúa. Thiên Chúa đang an ủi Dân Ngài (x. Is 40,1) như chuyện đã xảy ra cách nay 30 năm.

Những người cao niên trong chúng ta hẳn còn nhớ bầu khí rất lạ lùng ba mươi năm trước. Giữa lúc cuộc sống thời “bao cấp” khiến mọi tầng lớp dân chúng phải tất bật đối đầu với đủ thứ khó khăn tư bề, thì hình như có tiếng loa một tổng thiên sứ nào đó ra lệnh cho tất cả phải dừng lại, tập trung chú ý vào một sự kiện lớn sắp diễn ra. Trên toàn cõi Việt Nam, mọi ngõ ngách từ thành thị tới thôn quê, mọi tờ báo lớn nhỏ, mọi loa phóng thanh trên các cột đèn không ngừng loan báo về các thánh chứng nhân của Chúa tử vì đạo tại Việt Nam. Khắp nơi, biết bao cuộc học tập, hội nghị và thảo luận. Không riêng người Công giáo mà tất cả mọi người, từ lớp tuổi hưu trí tới các em học sinh cấp một, đều được nghe nói tới các anh hùng tử vì đạo. Và rồi bản hành khúc “Tiếng nhạc oai hùng” không chỉ “vang trên khắp cõi trời Việt Nam” mà còn vang lên ngay giữa lòng thủ đô của Giáo hội, tại Rôma, ngày 19-6-1988, mừng 117 vị hiển thánh, sau đó, ngày 05-3-2000, mừng vị thứ 118: Chân phước Anrê Phú Yên.

Khi đã nhận ra mục tiêu cao cả là nên thánh, nhận ra tình thương an ủi của Chúa và cùng rủ nhau nên thánh theo ý Chúa muốn, thì dù chỉ vài tháng ngắn ngủi, Năm Thánh vẫn là một sự tôn vinh đích đáng dâng lên các Thánh tiền nhân chúng ta và dâng lên Thiên Chúa Chí Thánh.


 


NĂM THÁNH ĐỂ CHÚA AN ỦI DÂN NGÀI
Bài 2
ĐỒNG THANH TƯƠNG ỨNG TỰ BAO GIỜ

Cho tới lúc này, hẳn bạn đã tải xuống, hoặc ít là đã có ý định truy tìm bản dịch tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh (Tgnt) để tải xuống. Nếu bạn đã đọc, hẳn bạn thấy lá thư này của Đức Thánh Cha thật lôi cuốn, nó réo rắt mời gọi ta quyết tâm nên thánh. Bạn trầm tư và khao khát thực hiện, đồng thời cũng thấy vẫn có những khó khăn. Làm sao để nhớ, rồi làm sao để áp dụng vào cuộc sống từng ngày? Chưa có một Ủy ban Năm Thánh nào kịp nghiên cứu để giúp bạn.

Thế nhưng, thật bất ngờ, chính Chúa đã thấy rõ khó khăn của bạn tự bao giờ, cho nên hình như Ngài đã dọn sẵn một dụng cụ thiết thực để an ủi những tâm hồn bé nhỏ. Dụng cụ ấy là một quyển sách mang tên Kinh Nguyện Gia Đình Và Gia Lễ Công Giáo vừa ấn hành. Chuyện lạ lắm, xin cho tôi được dùng bài này để chia sẻ như chia sẻ tâm tình.

Đầu những năm 1980, sau khi dự Thượng hội đồng Giám mục về Gia đình, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa nêu ý tưởng của ngài và bảo tôi biên soạn quyển sách này. Vào thời điểm lễ phong thánh, quyển sách đã được in lụa với tựa đề Kinh Nguyện Gia Đình, về sau đã được Đức Cha Phaolô cho imprimatur và Tòa Giám mục Nha Trang ấn hành nhiều đợt. Năm 2013, tôi đã đúc kết các góp ý và kinh nghiệm, sắp xếp lại nội dung với hai phần Kinh Nguyện Gia ĐìnhGia Lễ Công Giáo. Sách đã được Đức cha Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin viết lời giới thiệu, được Đức cố Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc cho imprimatur và nay mới bắt đầu  phát hành.

Khi duyệt lại bản dịch tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh, tôi nhận ra có một sự trùng khít khá lạ giữa những lời chỉ dẫn trong quyển Kinh Nguyện Gia Đình và Gia Lễ Công Giáo (dưới đây sẽ viết tắt là KvG) với nội dung của tông huấn. Tông huấn mời gọi “nên thánh”, quyển KvG đề ra định hướng “bảo đảm tối thiểu để vươn tới tối đa” (trang 201).
Tông huấn có hai đoạn dẫn nhập, hai đoạn kết luận và năm chương. Đem so sánh đối chiếu (ss), có thể nói những trang, những đoạn chỉ dẫn trong quyển Kinh Nguyện và Gia Lễ hầu như đều là chỉ dẫn để sống theo tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh.

Chương 1: Tiếng gọi nên thánh
(ss. KvG trang 167, đoạn 2: Đào tạo ý thức phẩm giá con Thiên Chúa và tinh thần trách nhiệm; trang 165: Cam kết thánh hóa gia đình; trang 211: vượt thắng... để tiến lên không ngừng).

Chương 2: Hai kẻ thù tinh tế của sự thánh thiện
(ss. KvG trang 208,3: Từ giác quan tới tâm linh; KvG trang 209,4: Có hai loại điều tốt chủ quan; KvG 210, 6: Đời ta là công cuộc của Chúa).

Chương 3: Ánh sáng của Thầy Chí Thánh
A. Tám mối phúc thật (ss. KvG 207, 2: Bài giảng trên núi).
B. Lòng thương xót (ss. KvG 166, 1: Bầu khí yêu thương).

Chương 4: Những nét tiêu biểu của sự thánh thiện ngày na
1. Kiên trì, kiên nhẫn và hiền lành (ss. KvG 172,7).
2. Vui tươi và biết đùa (ss. KvG 171,6).
3. Mạnh dạn và sáng tạo (ss. KvG 169,4).
4. Tình cộng đoàn (ss. KvG 170,5; 172-173: ích chung; 173,8: đào tạo khả năng làm việc chung).
5. Cầu nguyện (ss. KvG 13-14: đời sống cầu nguyện cá nhân; 163: cầu nguyên đầu ngày và cuối ngày; 167,2: phẩm giá con Thiên Chúa).

Chương 5: Chiến đấu, tỉnh thức và phân định
1. Chiến đấu (ss. KvG 211,A: để thắng xu hướng xấu).
2. Tỉnh  thức (ss. KvG 209,5: sáng suốt và tỉnh táo).
3. Phân định (ss. KvG 208,3: Quỷ dữ phá đám; 172: Lắng nghe; 208,4; 212,B: Cám dỗ làm điều tốt; 208,4; 209,5: Ý Chúa).
Với những chỉnh sửa từ những ghi nhận sau hơn 30 năm sử dụng, phải chăng phiên bản mới của quyển Kinh Nguyện Và Gia Lễ được tiền định để làm một bản giúp trí nhớ cho tông huấn  Tiếng Gọi Nên Thánh? Tôi ước mong phổ biến kịp quyển sách để phục vụ Năm Thánh 2018 của cả nước. Thế nhưng mọi chuyện không đơn giản. Sau hai tháng giới thiệu, số lượng phản hồi thật khiêm tốn: 4 Tòa Giám mục đăng ký 1.400 quyển, 6 giáo xứ 1.030 quyển, một chủng viện và một nhà dòng 177 quyển. Với tốc độ ấy, cả năm sau khi kết thúc Năm Thánh, sách vẫn còn ứ đọng. Chợt tác giả nghe như có ai đó nhắn nhủ: Này người của một thời đã qua, sách vở sao bằng internet, chép vào điện thoại phải hơn không? Thật là cao kiến, quyển sách được quyết định tung ngay lên mạng với phiên bản PDF có mục lục liên kết cho mọi người chép vào điện thoại kịp chào mừng ngày khai mạc khi Năm Thánh Chứng Nhân Đức Tin Việt Nam trước đã, còn đống sách in nằm đó sẽ có các vị thánh nhà mình lo thay.
Nào, xin mời quý độc giả truy cập và tải xuống từ  simonhoadalat.com, thuvienconggiaovietnam.net, conggiaovietnam.net, tapsanmucdong.net  và  vanthoconggiao.net… 
Những ai cần quyển sách bằng giấy bằng mực, xin liên lạc về email:  kinhnguyengiadinh@yahoo.com hoặc Facebook: www.fb.com/tusachnuocman.
Cách riêng, các bạn trẻ, hãy lướt qua quyển sách, bạn sẽ khám phá nhiều điều lý thú để chia sẻ với mọi người.



 

NĂM THÁNH ĐỂ CHÚA AN ỦI DÂN NGÀI
Bài 3
SAU ĐÊM VẤT VẢ LUỐNG CÔNG

Ngạn ngữ Công giáo vẫn nói: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống nảy sinh người có đạo”. Phải chăng sau lễ phong hiển thánh, những hạt giống đã nảy sinh hàng loạt? Ba mươi năm rồi, nhìn lại, sự thật thế nào?
- Cụ thể, trong quyển “Giáo hội Công Giáo Việt Nam – Niên giám 2016”, ở các trang 480 – 482 có ghi thật rõ các con số về năm 2015:
- Giám mục: 45
- Linh mục triều và dòng: 5197
- Tu sĩ nam nữ: 23.196
- Giáo lý viên: 66.624
- Chủng sinh: 4,854

Tống cộng lên đến 99.916 Tông đồ, chỉ thiếu 84 người là chẵn 100.000, thế mà số người lớn được rửa tội chỉ có 38.050 người (Sđd, trang 482, cuối cột thứ 6). Ấy là chưa kể hơn 60 ngàn hội viên Legio Mariae hoạt động và bao nhiêu nhân viên các Hội đồng Giáo xứ! Hơn năm vị Tông đồ mới thu hoạch cho Chúa được hai linh hồn. Còn nếu ta lấy tổng số 6.756.303 tín hữu cả nước đem chia cho số người lớn được rửa tội, máy tính sẽ cho ta hình ảnh hơn 177 tín hữu cũ/ 1 tín hữu mới. Có người tọc mạch tìm xem trong tổng số 38.050 có mấy mươi phần trăm theo Đạo trong dịp lập gia đình và đi đến kết luận: Hóa ra chỉ có mấy cô cậu đang cặp bồ dung dăng dung dẻ kia tham gia truyền giáo hữu hiệu, còn những người khác kể như chẳng ai làm được gì!

Người ta bảo ấy là chuyện số lượng, thế nhưng liệu chừng thông tin về số lượng lại không hàm chứa một tiết lộ về phẩm chất đó sao?
Tự dưng, ta có xu hướng nêu câu hỏi: “Tại ai?” Liệu chừng đây là “tại anh, tại ả, tại cả đôi đàng” hay “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại anh một phần”? Có lẽ không nên trả lời vội. Cả một năm thánh về lòng thương xót vừa kết thúc 18 tháng nay ít ra cũng phải đọng lại trong lòng ta một chút thương xót đủ để ta xót thương nhau, không vội trách móc ai điều gì. Xét cho cùng, chỉ nên cùng nhau ôn lại kinh nghiệm mẻ lưới thuở ban đầu.

Phải nhận rằng tất cả chúng ta, từ triều đến dòng, từ các ban bệ cấp cả nước và giáo phận cho đến các hội đoàn trong từng giáo xứ, từ cha sở tới giáo dân, tất cả chúng ta ai cũng đều cố gắng để rồi, cũng như các Tông đồ xưa, vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được gì. Sự việc xảy ra cho nhóm của Thánh Phêrô hai lần. Lần đầu khiến ngài chợt thấy mình đầy tội lỗi. Thế còn ở lần sau, “Thưa Thánh nhân, thế còn ở lần sau, Ngài đã rút được kết luận gì?” - “Ờ, ờ nhỉ! Hình như tại vì suốt cả đêm chúng tôi chỉ toàn thả lưới bên tay trái… Rồi Chúa bảo chúng tôi thả bên tay phải!…” Vâng, có lẽ vì chúng ta cứ mải thả lưới bên trái thuyền. Nào, hãy nghe lời Chúa và cùng bắt đầu lại, thả lưới bên phải thuyền…

Ta hãy để cho Chúa an ủi và hãy an ủi nhau. Đừng buồn! Đêm vất vả luống công chẳng phải là chuyện của riêng 26 giáo phận trên mảnh đất chữ S này mà là của Hội thánh toàn cầu. Tông huấn “Tiếng Gọi Nên Thánh trong thế giới ngày nay” mời gọi chúng ta tìm một câu trả lời chung với anh chị em đồng đạo trên thế giới.

Với chương 1 của tông huấn Nên thánh, câu trả lời cho đêm vất vả luống công chính là ở chỗ Hội thánh chưa “thánh” đủ, chưa “thuộc về Chúa” cho đủ. Đúng như ghi nhận của một nhà truyền giáo nọ: Người ta nể phục chúng ta tổ chức giỏi, thậm chí kinh doanh giỏi, nhưng không thấy chúng ta là người của Thiên Chúa.

Sự trơ lì không sinh hoa kết quả chẳng khác nào chuyện kẻ lấy khăn bọc nén bạc đem chôn (x. Lc 19,20). Đó chẳng phải là chuyện mới. Chúa đã nguyền rủa cây vả không trái, chỉ toàn lá và nó đã chết khô tận rễ (x. Mc 11,12-14.20-21). Ngài đã nguyền rủa Khôradin, Betsaiđa và Caphácnaum (x. Mt 11,21-24) rồi Giêrusalem (x. Mt 23,37-39). Những thành ấy không nhúc nhích gì trước lời nguyền rủa của Chúa cho nên gần bốn mươi năm sau cuộc Thương khó của Chúa, tất cả đã sụp đổ, không còn hòn đá nào trên hòn đá nào (x. Lc 19,44). Israel lâm vào cảnh nước mất nhà tan, bị phân tán khắp nơi trên mặt đất, đau thương gấp mấy mươi lần cuộc lưu đày Babylon.

Dân chúng và thủ lãnh Israel phải trả giá đắt đến thế chỉ vì tự mãn, tìm cách chống chế, không chịu nhìn thẳng vào sự thất bại. Họ tránh né sự thật vì sợ bị nhục. Phải chi họ đã may mắn biết được điều Đức Thánh Cha nói với chúng ta nơi số 118 của Tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh: “Khiêm nhường chỉ có thể bén rễ trong lòng qua những sự hạ nhục. Không có sỉ nhục, thì không có khiêm nhường hay thánh thiện. Nếu bạn không thể chịu đựng và dâng lên một vài nhục nhã, thì bạn chưa khiêm nhường và chưa phải là đang trên con đường nên thánh. Để ban sự thánh thiện cho Hội thánh Ngài, Thiên Chúa đã đành phải cho Con Ngài chịu nhục nhã. Chúa Giêsu là đường. Sự sỉ nhục làm cho bạn giống Ngài; đó là một khía cạnh không thể tránh được của việc noi gương Đức Kitô”.

Chính trong tinh thần khiêm nhường ấy mà các vị Giáo hoàng ngày nay đã nhiều lần lên tiếng xin lỗi vì những lỗi lầm của các con cái Chúa trong lịch sử. Cũng chính với tinh thần khiêm nhường ấy, trong Năm Thánh các chứng nhân đức tin, cộng đồng Dân Chúa Việt Nam đang có cơ hội mở lòng ra với Lời Chúa: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8,31-32). Lắng nghe Lời Chúa ta sẽ biết được sự thật Đức Phanxicô nói với ta nơi chương 2 của Tông huấn. Ở đó ngài vạch mặt chỉ tên hai kẻ thù tinh tế của sự nên thánh. Ngài vừa cảnh báo vừa yêu cầu mỗi chúng ta tự kiểm điểm xem đã bị chúng lừa gạt như thế nào.

“Tôi muốn lưu ý đến hai thứ thánh thiện giả mạo có nguy cơ khiến chúng ta lầm lạc: thuyết ngộ đạo và thuyết Pêlagiô. Hai lạc thuyết này đã có từ thời Kitô giáo sơ khai, nhưng hiện vẫn hết sức đáng quan tâm. Ngay ở thời nay rất nhiều Kitô hữu vẫn bị những ý tưởng dối trá này lôi cuốn mà có lẽ không hề ngờ” (Nên thánh, số 35).
- Nhóm ngộ đạo là những người chạy theo sự bừng ngộ, tự cho là mình nhận được những hiểu biết sâu nhiệm và đặc biệt, hơn hẳn mọi người.
- Nhóm Pelagio là những người không tha thiết với ơn Chúa, chỉ dựa trên sức riêng mình.
Cả hai thái độ rất gần với lý tưởng ngoại giáo về sự hoàn thiện. Ngộ đạo gần với lý tưởng giác ngộ, lý tưởng “tu là cội phúc, tình là dây oan”, “tu là trong, lập gia đình là đục”, cùng với những “thành quả”, những “trình độ” đạt được nhờ tu tập. Thái độ Pelagio rất gần với những người chủ trương tự cứu bằng sức riêng mình: tự thắp đuốc mà đi.

Gọi là lý tưởng, có nghĩa rằng, trước mắt người đời, đó là những giá trị trổi vượt và người ngoại giáo hiểu đó là chuyện đương nhiên. Người Kitô hữu không phủ nhận những điều ấy là một thứ giá trị nào đó, nhưng khẳng định rằng những thứ ấy chẳng có ý nghĩa gì với ơn cứu rỗi nếu chưa có Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, bởi vì ơn cứu rỗi là được hiệp nhất trong yêu thương hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa. Thật vậy, “ngoài Đức Kitô ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12).

Đức Thánh Cha bảo rằng ngày nay rất nhiều Kitô hữu vẫn bị hai ảo tưởng dối trá này lôi cuốn mà có lẽ không hề ngờ. Thường thì kẻ lạc về phía này, người lạc về phía khác, mà lắm khi cả hai ảo tưởng có thể xảy ra nơi cùng một người. Tạm ví dụ về thái độ ngộ đạo: Khi tham gia các đoàn thể đạo đức, ta có thể rơi vào ảo tưởng mình thánh thiện hơn người khác, hoặc khi ta dương dương tự đắc đấu lý nhằm thuyết phục người khác theo Đạo, hoặc khi ta thấy mình “nắm vững vấn đề” hơn ai đó và vì thế… ta thánh thiện hơn họ… Rồi về thái độ Pelagio, cậy vào sức riêng: Khi ta dấn thân làm tông đồ hoặc bác ái từ thiện và thản nhiên bỏ bê cầu nguyện. Xin trích nguyên văn số 57:

“Tuy nhiên, vẫn có một số Kitô hữu cứ nhất quyết đi theo một con đường khác, đòi tự công chính hoá bằng sức riêng, vẫn cứ tôn thờ ý chí nhân loại và khả năng riêng của họ. Kết quả là một sự tự mãn quy về mình và tự coi mình là ưu tú, mất hẳn tình yêu chân thật. Điều này được diễn tả bằng nhiều cách suy nghĩ và hành động có vẻ rời rạc khác nhau: việc bám chặt vào luật lệ, việc quá bận tâm với các lợi thế xã hội và chính trị, một sự bận tâm chi li về phụng vụ, tín lý và uy tín của Hội thánh, một sự huênh hoang về khả năng quản lý các vấn đề thực tiễn, và say sưa tìm đủ cách tự hoàn thiện nhằm đạt được thành tựu cá nhân. Một số Kitô hữu dành hết thời giờ và sức lực cho những điều ấy thay vì để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn theo con đường tình yêu, say mê truyền đạt vẻ đẹp và niềm vui của Tin mừng và tìm kiếm những anh em bị mất hút giữa đám đông vô số những người đang khao khát Đức Kitô.”

Khi tĩnh tâm, ta dễ nhận ra trong lòng ta vốn có kẻ nội thù đồng lõa với thần dữ. Kẻ đồng lõa ấy mang tên một mối tội đầu nào đó. Qua tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh, với đặc sủng phân định của người tu sĩ Dòng Tên, Đức Thánh Cha đã nhận ra đầu mối tạo nên cuộc khủng hoảng trong Hội thánh ngày nay và đã gọi đích danh nó. Chính hai não trạng ngộ đạo và Pelagio chi phối nặng nề cách suy nghĩ cũng như cách hành động của nhiều tôi tớ Chúa, khiến họ biến công cuộc của Thiên Chúa thành công cuộc nhân loại, tiêu tốn hết nhiệt tình, thời giờ và năng lực vào những chuyện sẽ trở thành vô nghĩa trước nhan Thiên Chúa. Những bận tâm nhân loại ấy che khuất tầm nhìn đời đời. Sự cậy dựa vào sức người cũng như vào sự khôn ngoan nhân loại chặn đứng mất nguồn ân sủng Thiên Chúa vẫn hằng tuôn đổ dạt dào.

Mỗi cá nhân cũng như mỗi nhóm khó tránh khỏi đã có những lúc rơi vào cạm bẫy của ham danh, ham lợi, ham thú vui hay quyền lực. Tuy nhiên không phải vì thế mà giờ đây chúng ta khép kín trong mặc cảm không dám hoán cải. Đức Thánh Cha viết: “Khiêm tốn chỉ có thể bén rễ trong lòng qua những sự hạ nhục. Không có sỉ nhục, thì không có khiêm tốn hay thánh thiện” (Tgnt, 118).

Đức Thánh Cha không bàn tới hai lạc thuyết ấy như những hệ thống ý tưởng nhưng như hai thái độ nội tâm lấy con người làm chuẩn (x. Tgnt, 35). Ngài không quả quyết rằng anh chị em chúng ta tại Việt Nam ngày nay mắc phải hai thái độ ấy. Ngài chỉ quả quyết rằng những thái độ ấy “đang đè nặng và ngăn chặn sự tiến bộ của Hội thánh trên con đường nên thánh… Chúng có nhiều hình thức khác nhau, theo khí chất và cá tính của mỗi người (Cũng cần nói thêm: “và của mỗi nhóm người” - TTT). Rồi ngài kết luận: “Vì vậy, tôi khuyến khích mọi người hãy suy nghĩ và phân định trước mặt Thiên Chúa xem chúng có thể đang dần dần lộ rõ nơi cuộc sống của mình hay không” (Tgnt, số 62).

Theo gợi ý của Đức Thánh Cha, tôi cũng đã dừng lại, suy nghĩ và phân định và nhận ra ảnh hưởng của hai thái độ ấy nơi bản thân mình không nhỏ. Những lúc tôi tưởng mình hơn người khác và ngấm ngầm phê phán họ, là tôi đang theo pháp môn ngộ đạo. Có những khi tôi chỉ làm toàn chuyện mình thích, không chịu tìm ý Chúa; hoang phí hết thời giờ và năng lực vào chuyện phụ, sao nhãng chuyện chính, chạy theo hình thức phô trương bên ngoài mà quên mất bên trong, đó là tôi đang theo đuổi lý tưởng Pelagio. Cả hai thái độ lệch lạc ấy dẫn tôi tới chỗ say sưa với công cuộc riêng của mình và mọi sự trở thành công cốc. Đúng như ghi nhận của Thánh Gioan Thánh Giá: “Làm việc của Chúa thì trong một giờ có thể thu hoạch được nhiều hơn làm việc riêng của ta suốt cả một đời” (Châm Ngôn, số 133).

Lý thuyết Pelagio khi đề cao ý chí cũng đề cao sự khôn khéo và luồn lách theo kiểu thế gian, rồi đi tới chỗ hoàn toàn vững bụng vì có đủ tiền bạc, phương tiện, thế lực… Dần dần nó đánh tráo cả phương tiện (cậy dựa vào sức riêng và tiền bạc thay vì ơn Chúa) lẫn mục đích (tìm kiếm và chiếm hữu của cải vật chất thay vì phụng sự Thiên Chúa). Đúng như lời Chúa cảnh báo: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24).

Tôi không tự tha thứ cũng không tự biện hộ nhưng tôi linh cảm rằng chính Thiên Chúa đã có cách để biện hộ cho ta. Có thể ta đã sai lầm trầm trọng nhưng Thiên Chúa vẫn thương xót thiện chí của ta vì, nói chung, ta đã hành động theo “một lương tâm ngay thẳng và một tâm hồn trong sạch” (1Tm 1,5). Có thể nói rằng ta lầm nhưng chẳng biết mình lầm (x. Lc 23,34). Thiên Chúa cho ta trắng tay là để giáo dục ta, cho ta sáng mắt ra, khỏi tự tôn tự mãn, và rồi giờ đây Ngài lại dùng giáo huấn của Đức Thánh Cha để giúp ta nhìn thẳng vào sự thật và sự thật sẽ giải thoát chúng ta (x. Ga 8,32). Có đoạn tuyệt với hai não trạng ngộ đạo và Pelagio, ta mới cảm nghiệm được rất rõ điều Chúa đã nói: “Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” (Mt 19,29) và: “Cành nào sinh hoa trái, thì Ngài cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15,2).

Theo lời Đức Thánh Cha khuyến khích, mỗi chúng ta cần suy nghĩ và phân định xem mình có bị đánh tráo cả mục đích và phương tiện một cách tinh vi chăng? Có nhiều cách để tự trắc nghiệm: Cách thứ nhất là nhìn lại thử nội dung chính trong câu chuyện hằng ngày của ta ở bàn ăn là gì? Có phần trăm nào bàn về Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài hay chỉ toàn nói tới những thứ linh tinh khác? (x. Mt 6,33). Cách thứ hai là xem thử chúng ta đang dùng tiền bạc vào việc gì? Có mấy phần trăm trực tiếp nhắm đến việc loan báo Tin mừng? Cách thứ ba là dựa trên quy tắc “xem quả biết cây” (Mt 12,33) hoặc, nói theo thánh Phaolô, “gieo giống nào, sẽ gặt giống ấy” (Gl 6,7): Ta có thể dựa trên những thành quả mình tự hào để biết mình đã gieo gì, đã tìm gì! Liệu ta có thực sự tìm kiếm các linh hồn như thánh Gioan Bosco hay là ngược lại? “Xin cho con các linh hồn, bao nhiêu thứ khác mất còn kể chi, Chúa cần xin cứ lấy đi…” Ta không gặt hái được các linh hồn, chẳng phải vì ta chỉ toàn lấy các chuyện khác chứ chưa lấy việc cứu vớt các linh hồn làm mục đích?

Muốn tránh vấp lại tình trạng lầm nhưng chẳng biết mình lầm, ta cần biết phân định để nhận rõ được đâu là ơn soi dẫn của Chúa, đâu là sự xúi giục của Satan. Đầu thế kỷ XIII, năm 1209, thánh Albertô thượng phụ Thành Giêrusalem đã căn dặn các tu sĩ Cát Minh: “Phải biết sáng suốt phân định, vì sự sáng suốt phân định chính là quy luật của các nhân đức” (Qui luật tiên khởi, số 24). Xa xưa hơn, ngay trong các thư Tân ước, các thánh Tông đồ đã nhắc nhở ta phải sáng suốt như thế (x. Cl 1,9; Hr 6,14; 1Ga 4,1-2).

Phần thứ ba trong chương 5 của Tông huấn là một dẫn nhập ngắn gọn và dễ hiểu về kinh nghiệm phân định để kiếm tìm và thực hiện ý Thiên Chúa. Ở bài sau, chúng ta sẽ chia sẻ về kinh nghiệm này.

Tác giả bài viết: Lm. GP Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

 Tags: Giáo lý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập163
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm152
  • Hôm nay20,713
  • Tháng hiện tại390,788
  • Tổng lượt truy cập29,370,326

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây