Ông bõ đỡ đầu công cuộc truyền giáo ở cư sở Nước Mặn và bà đỡ khai sinh chữ quốc ngữ

Thứ bảy - 16/11/2019 09:34
ÔNG BÕ ĐỠ ĐẦU CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO  Ở CƯ SỞ NƯỚC MẶN
BÀ ĐỠ KHAI SINH CHỮ QUỐC NGỮ
Lm. Gioan Võ Đình Đệ
 

Giáo phận Qui Nhơn đã cử hành Năm thánh mừng kỷ niệm 400 năm loan báo Tin mừng (1618-2018). Mốc điểm để cử hành sự kiện ấy xuất phát từ việc Tháng Bảy năm 1618, Khám lý phủ Qui Nhơn – Cống Quận công Trần Đức Hòa đã đưa các thừa sai Dòng Tên đang gặp nạn tại Cửa Hàn (Đà Nẵng) về Nước Mặn, một thương cảng thuộc phủ Qui Nhơn. Ông bảo trợ các thừa sai, thiết dựng nhà cửa, cung cấp lương thực cho các thừa sai. Nhờ ông, Cư sở Nước Mặn chẳng những là Cư sở truyền giáo đầu tiên tại Việt Nam của các thừa sai Dòng Tên được thành lập vào năm 1618 mà còn là nơi các thừa sai có điều kiện thuận lợi nghiên cứu, dùng mẫu tự Latinh ghi âm tiếng Việt để phục vụ cho nhu cầu truyền giáo. Nói cách khác, Nước Mặn là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ. 

I. CỐNG QUẬN CÔNG TRẦN ĐỨC HÒA

- "Trần Đức Hòa người Bồng Sơn, Bình Định. Ông nội là Ngọc Trách, làm quan cho nhà Lê, được tặng hàm Vinh lộc Đại phu. Cha là Ngọc Phân cũng làm quan cho nhà Lê, đến chức Phó tướng dinh Quảng Nam. Hòa vốn người hào mại, vì con nhà tướng nên buổi đầu tập ấm chức Hoằng tín Đại phu, sau đổi qua làm Đô chỉ huy sứ quyền nhiếp vệ Cẩm y. Nhờ có quân công. Được giữ chức Khám lý phủ Qui Nhơn, tước phong Cống Quận công".[1]
Về việc tập ấm[2] và được thăng tước Cống Quận công, các đạo sắc xác định ngày tháng:

- Đạo sắc Ngày 28 tháng 7 Năm Chánh Trị thứ 7 (1564) đời Lê Anh Tông, bộ Lại triều Lê cấp cho Trần Đức Hòa được tập ấm chức Hoằng tín Đại phu : "…Giao cho quan trong bộ làm căn cứ mà cấp bằng cho: Trần Đức Hòa ở xã Bồ Đề huyện Bồng Sơn, là quan viên thuộc ban dưới, là con trưởng của Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Cẩm y vệ, Đô chỉ huy sứ ty, Đô chỉ huy sứ, Dương Đàm hầu Trần Ngọc Phân, nay phụng mệnh Hoàng đế xét cho thực thụ chức Hoằng tín Đại phu, thuộc ban dưới. Nay cấp cho Trần Đức Hòa, chức Hoằng tín Đại phu, theo đây mà thi hành." [3]

- Đạo sắc Ngày 12 tháng 6 Niên hiệu Quang Hưng thứ tám (1584), Trần Đức Hòa  được thăng tước Cống Quận công: "Vì từng phục vụ trong quân đội, dưới quyền Tả tướng Thái úy Trưởng Quốc công Trịnh Tùng, có công được triều thần đề nghị. Nay thăng Trần Đức Hòa, Đặc tiến Phụ quốc Thượng Tướng quân, Cẩm y vệ, Đô chỉ huy sứ ở ty, Đô chỉ huy sứ, thự vệ sự, tước Cống Quận công, trụ quốc trật trên". [4]

Cống Quận công Trần Đức Hòa với chức danh Khám lý phủ Qui Nhơn

Trong việc tổ chức bộ máy hành chánh, chức Khám lý được chúa Tiên thiết lập vào năm 1602: "…Năm Nhâm Dần Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế thứ 45 (Lê Hoằng Định thứ 2 – 1602) đổi phủ Hoài Nhân thành phủ Qui Nhân (Nhơn), đặt các chức tuần phủ, khám lý vẫn lệ vào dinh Quảng Nam".[5]  

Năm 1602, chúa Tiên cho mời khám lý phủ Hoài Nhân là Trần Đức Hòa (bấy giờ gọi là Cống quận công, là con Dương Đàm hầu Trần Ngọc Phân, phó tướng dinh Quảng Nam) đến yết kiến, chúa đãi rất hậu. Rồi trở về Thuận Hóa.[6]

Trong bản tường trình với nhiều chi tiết của Linh mục Borri về việc Khám lý phủ Qui Nhơn đưa các thừa sai từ Hội An về Nước Mặn có chi tiết: "Chúng tôi đi thuyền suốt mười hai ngày thật tuyệt vời. Sáng và chiều chúng tôi có mặt tại các bến thuyền. Các bến này gần các thị tứ và những phố của phủ Quảng Nghĩa (Quanghia), nơi mà ông có quyền như ở phủ Qui Nhơn (Pulucambì) của ông."[7] Như vậy, chi tiết này cho biết với chức Khám lý phủ Qui Nhơn mà Cống Quận công Trần Đức Hòa đang đảm nhận, ông vừa cai quản phủ Qui Nhơn vừa cai quản cả phủ Quảng Nghĩa.[8]  

Đi tìm năm sinh và năm qua đời của Cống Quận công Trần Đức Hòa

Năm sinh và năm qua đời của Cống Quận công Trần Đức Hòa không được sử sách nhà Nguyễn cho biết.[9] Với sức hạn hẹp của mình, chúng tôi cố gắng tìm hiểu qua một số sự việc được các nguồn sử hiện chúng tôi tiếp cận được có liên quan đến Cụ, mong có thể minh giải được năm sinh và năm qua đời của Cụ.

Việc Đào Duy Từ  vào Đàng Trong tìm minh chúa

- Theo Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí thì năm Ất Sửu, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ bảy (1625), Thanh Đô vương Trịnh Tráng xuống lệnh mở khoa thi chọn học trò, lúc ấy Đào Duy Từ được hai mươi mốt tuổi, thông kinh sử nhưng không được dự thi vì là con nhà ca xướng. Vì thế Đào Duy Từ phải nuốt giận trở về….Từ đó Đào Duy Từ ngày đêm suy nghĩ để tìm phương kế lập thân…Nghĩ vậy, nên khoảng trung tuần tháng mười, Đào Duy Từ một mình đốt hương vái biệt phần mộ cha mẹ, ông bà tổ tiên, rồi lên đường vào Thuận Hoá, thuộc Nam triều.[10] Theo đây thì Đào Duy Từ  sinh năm 1604 (1625-21=1604). Tuy nhiên, theo Đại Nam Thực lục tiền biên thì Đào Duy Từ  bệnh nặng và qua đời vào mùa Đông năm Giáp Tuất (1634), thọ 63 tuổi.[11] Theo đây thì Đào Duy Từ sinh năm 1571 (1634-63=1571). Như vậy theo Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí  thì Đào Duy Từ vào Đàng Trong năm 1625, thời Thanh Đô vương Trịnh Tráng ở ngôi chúa (1623-1657). Tuy nhiên về năm sinh của Đào Duy Từ trong hai nguồn này để lại cho chúng tôi sự tồn nghi.

- Theo Phủ Biên Tạp lục thì Đào Duy Từ  là người xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, đi thi khoa Ất Sửu đời Vĩnh Tộ (1625), Hữu ty thấy là con phường hát không cho thi, tức giận đi vào Thuận Quảng, nhờ Khám lý Cống Quận công tiến cử với Phúc Nguyên.[12]

- Theo Đại Nam Thực lục tiền biên thì Đào Duy Từ vào Đàng Trong vào năm Ất Sửu (1625).[13]

Việc cụ Trần Đức Hòa tiến cử tiến cử Đào Duy Từ

Vừa là dưỡng tử của chúa Tiên,[14] vừa là người được nhà chúa tín nhiệm giao cho những trọng trách, vừa là nghĩa đệ của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên,[15] Cống Quận công Trần Đức Hòa thường lui tới với chúa Sãi để cùng chúa bàn mưu định kế việc quân việc nước, trong đó có việc tiến cử Đào Duy Từ.

Việc Cống Quận công Trần Đức Hòa tiến cử Đào Duy Từ cho chúa Sãi được các sử sách ghi chép:

- Theo Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí, vào năm Đinh Mão, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ chín (1627). [16]

- Theo Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên thì nhân cuộc mừng chiến thắng quân Trịnh ở Nhật Lệ vào năm thứ 14 Hy Tông Hoàng Đế, Đinh Mão (1627). [17]

- Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì vào năm  Hy Tông thứ 11 (1623).[18]

- Theo Đại Nam Thực lục tiền biên thì vào năm Đinh Mão (1627)[19]
Với các nguồn sử vừa nêu trên, [20]  chúng tôi nhận thấy có những tồn nghi về tuổi tác của Đào Duy Từ, về thời điểm Đào Duy Từ vào Đàng Trong và thời điểm Cống Quận công tiến cử Đào Duy Từ cho chúa Sãi.[21] Theo Đại Nam Nhất Thống Chí  ít nhất Cụ Trần còn tại thế cho đến năm 1623 và Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí, Đại Nam Thực lục tiền biên, Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên thì cụ Trần còn sống ít nhất cho đến năm 1627. Tuy nhiên khi chúng tôi tiếp cận nguồn sử truyền giáo của các thừa sai, những người đương thời với Khám lý phủ Qui Nhơn, Cống Quận công Trần Đức Hòa thì cụ Trần đã qua đời từ năm 1619:

- Linh mục Borri dành một chương 4 trong phần 2 của Bản tường trình để viết về việc Cống Quận công qua đời.[22] Borri tường trình sự kiện nhưng không ghi rõ năm nào.

- Báo cáo về hoạt động của các thừa sai[23] tại Đàng Trong vào năm 1619 cho biết các thừa sai tại Cư sở Nước Mặn vẫn được Ông Đề Lĩnh, người con cả của Khám lý phủ Qui Nhơn đối xử tử tế với các thừa sai như cha của ông, sau khi cha của ông qua đời.[24]

Qua những gì đã nêu trên, chúng tôi thiển nghĩ nguồn sử của các thừa sai dòng Tên đã cho chúng tôi độ tin cậy xác thực về thời điểm Khám lý phủ Qui Nhơn- Cống Quận công Trần Đức Hòa qua đời. Bởi vì, Linh mục Borri kể rất tỉ mỉ từ lúc Cống Quận công hấp hối cho đến khi tắt thở, tẩm liệm, an táng. Ông kể được như thế vì ông là người chứng kiến, có mặt trong suốt tiến trình cuối đời người từ khi hấp hối cho đến tang lễ và đến hết thời gian cư tang (03 năm). Chính Linh mục Borri xác nhận " ba linh mục chúng tôi đều có mặt trong dịp long trọng này".[25] Mặc dù trong tường trình, Linh mục Borri không ghi rõ thời điểm Cống Quận công Trần Đức Hòa qua đời, tuy nhiên với chi tiết trong tường trình về đời sống và hoạt động của các thừa sai tại Nước Mặn sau khi Khám lý phủ Qui Nhơn qua đời: "Ba năm trôi qua như vậy, chúng tôi lâm cảnh thiếu thốn những nhu cầu vật chất nhưng đó không phải là nỗi đau khổ lớn lao… chúng tôi phải đau khổ nhiều vì trong ba năm đó, chúng tôi rất nỗ lực và nhọc công nhưng chỉ có một ít người theo đạo…".[26]  Năm 1622, Linh mục Borri trở về Châu Âu, [27]  làm việc ở Châu Âu và qua đời ở Châu Âu vào năm 1632.[28] Như vậy, các chi tiết vừa nêu trong tường thuật của Linh mục Borri cho ta biết Cống Quận công Trần Đức Hòa qua đời vào năm 1619, trước khi Linh mục Borri về Châu Âu 03 năm. Lại nữa, theo luật buộc và trở thành thói quen trong nhà Dòng, các giáo đoàn truyền giáo phải viết báo cáo hằng năm để tường trình về tình hình của giáo đoàn cho bề trên nhà Dòng. Báo cáo về tình hình của giáo đoàn Đàng Trong năm 1619, cách riêng về cư sở Nước Mặn (Della Residentia di Pulocambi) cho ta biết Cống Quận công Trần Đức Hòa qua đời vào năm 1619. 

Về năm sinh của Cụ Trần, chúng tôi chưa tìm được nguồn sử liệu nào xác định chắc chắn rõ ràng, chúng tôi chỉ dựa vào Đạo sắc Ngày 28 tháng 7 Năm Chánh Trị thứ 7 (1564) đời Lê Anh Tông, bộ Lại triều Lê cấp cho Trần Đức Hòa được tập ấm chức Hoằng tín Đại phu, chúng tôi phỏng rằng Cụ sinh trước năm 1564 khoảng 16-20 năm ?

II. KHÁM LÝ PHỦ QUI NHƠN CƯU MANG CÁC THỪA SAI

Ngày 18.01.1615, các thừa sai Dòng Tên đặt chân lên cửa biển Đà Nẵng. Các thừa sai còn chân ướt chân ráo, mùa thu năm 1616 trời hạn hán, không có nước làm mùa, nạn đói đe dọa. Dân chúng cho rằng trời hạn hán là vì các thần nổi giận khi thấy nhiều người bỏ đạo cũ theo đạo mới, để đền miếu hoang vu. Muốn làm cho các thần nguôi giận thì cần phải đuổi các giáo sĩ Tây dương đi khỏi xứ. Do đó, dân chúng yêu cầu chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trục xuất các thừa sai. Một đàng chúa Sãi muốn giữ các thừa sai lại để bảo đảm việc liên lạc thương mại với người Bồ, một đàng cần trấn an dân chúng. Chúa sãi chọn giải pháp an dân nên cho mời các thừa sai đến và thông báo ý của mình. Vào khoảng đầu tháng 06 năm 1617, tất cả các thừa sai đã xuống thuyền, nhưng thuyền không thể xuất bến vì gặp gió ngược. Các thừa sai phải lên bờ nhưng dân chúng không cho vào làng, đành phải trở lại sống lẩn lút trong một cánh đồng đầy nắng gió gần biển.[29]

May mắn thay, các thừa sai được Khám lý Tuần phủ Qui Nhơn - Cống Quận Công Trần Đức Hòa, người có tương quan mật thiết với chúa Sãi, giúp đỡ.[30] Vào một ngày trong tháng Bảy năm 1618, ông đưa các thừa sai Dòng Tên đang gặp nạn về phố cảng Nước Mặn, một thương cảng thuộc quyền của ông. Linh mục Cristoforo Borri, người trong cuộc, kể lại câu chuyện thuở ban đầu ngày xưa ấy :

“ Cha Buzomi, cha De Pina và tôi, chúng tôi bỏ Hội An để đi Qui Nhơn theo quan trấn thủ của tỉnh đó…ông giục chúng tôi quyết định về nơi chúng tôi thấy thuận tiện để dựng một nhà thờ. Chúng tôi liền chỉ cho ông thấy một địa điểm chúng tôi cho là rất hợp và rất tiện để làm việc đó. Ông chấp thuận ngay, rồi ông trở về tư dinh ở ngoài thành phố. Ba ngày sau, người ta đến cho chúng tôi biết là nhà thờ đã được đem đến...” [31]  Nhờ sự bảo trợ đó, Nước Mặn là Cư sở đầu tiên của các thừa sai được thành lập. [32] Khoảng cuối năm 1619, Cư sở thứ hai được thành lập tại Hội An.[33] Năm 1625, Cư sở thứ ba được thành lập tại Dinh Chiêm, Quảng Nam.[34] Đây là ba trung tâm truyền giáo được các thừa sai Dòng Tên thiết lập, khai mở công cuộc loan báo Tin Mừng tại Đàng Trong.

Theo báo cáo thường niên năm 1620, các thừa sai tại Nước Mặn đã rửa tội được 180 người. Các thừa sai thường xuyên ở tại Nước Mặn trong những năm đầu: Linh mục Francesco Buzomi (Ý), Linh mục Cristoforo Borri (Ý), Linh mục Francisco de Pina (Bồ), Tu huynh Antonio Diaz (Bồ). [35]
    
Đầu năm 1620 địa bàn truyền giáo của Đàng Trong được chia làm hai vùng do hai nhóm thừa sai ở hai cư sở phụ trách.[36] Địa bàn cư sở Nước Mặn gồm ba tỉnh phía Nam của Đàng Trong : "Quagnin, Poulocambì, e Ranràn – Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên", dưới sự lãnh đạo của Linh mục Buzomi.[37] Phía Bắc Đàng Trong do các thừa sai tại Cư sở Hội An đảm trách do Linh mục Marques lãnh đạo.


Những người đầu tiên khai sinh chữ Quốc ngữ

Nhờ sự bảo trợ của Khám lý Qui Nhơn, các thừa sai ở cảng thị Nước Mặn được an cư lạc nghiệp. Việc ưu tiên mà các thừa sai tại cư sở Nước Mặn phải làm là việc học ngôn ngữ địa phương để phục vụ cho công việc truyền giáo. Lần theo các tài liệu chúng tôi đã tìm thấy, chúng tôi được biết:

- Bản báo cáo thường niên năm 1618 cho thấy các thừa sai Dòng Tên ở cư sở Nước Mặn đã soạn một quyển sách giáo lý bằng tiếng Việt (Nôm) với sự cộng tác của một văn nhân người Việt tên thánh rửa tội là Phêrô.[38] 

- Tác giả thư báo cáo thường niên năm 1619 cho biết các thừa sai Dòng Tên ở Nước Mặn là những người đầu tiên chuyên tâm nghiên cứu ngôn ngữ "địa phương" hơn bất cứ điều gì khác. Các thừa sai lập trường học tại cư sở và mời thầy giỏi về dạy ngôn ngữ. [39] 

- Mặc dù đến Việt Nam muộn hơn so với một số giáo sĩ khác, nhưng Linh mục Pina lại là giáo sĩ Châu Âu đầu tiên nói thành thạo tiếng Việt, điều này đã được các giáo sĩ đến sau như: Gaspar Luiz và Alexandre de Rhodes xác nhận.[40] 

- Trong thư của Linh mục Joaõ Roiz viết bằng tiếng Bồ Đào Nha vào năm 1621 tại Macao gởi cho Linh mục Mutio Vitelleschi, Bề trên cả Dòng Tên tại Roma, báo cáo về Đàng Trong, Linh mục Joaõ Roiz xác nhận năm 1620 tại Đàng Trong đã có hai thừa sai nói thạo tiếng Việt đó là Linh mục Pina và Linh mục Borri.[41] Tuy nhiên, trong sự kiện bà vợ sứ thần của chúa Nguyễn xin học giáo lý gia nhập Kitô giáo trước khi theo chồng đi sứ sang Campuchia, Linh mục Borri xác nhận khả năng tiếng Việt của mình lúc bấy giờ: "… bởi vì tôi chưa biết đủ tiếng Đàng Trong để có thể trình bày các mầu nhiệm thánh trong đạo Kitô giáo của chúng ta. Do đó, tôi khuyên bà nên chờ cha Buzomi từ Đà Nẵng trở về cùng với người thông ngôn rất giỏi để có thể giúp bà hiệu quả hơn".[42]

- Linh mục Daniello Bartoli (1608-1685), nhà sử học Dòng Tên nhận xét về trình độ hiểu biết tiếng Việt của Linh mục Buzomi, bề trên cư sở Nước Mặn: “Ngoài ra, với trí nhớ sâu sắc như một thiên tài cùng với sự nhiệt tình tuyệt vời của cha đã giúp cho cha học nhanh ngôn ngữ đó [Đàng Trong], nắm bắt tính đa nghĩa của từ, tính chất của các dấu nhấn cung giọng được thể hiện theo ý muốn. Nhờ vậy, trong một thời gian ngắn, cha đã biên soạn từ vựng và luật mẹo ngữ pháp tốt đẹp” [43] Rất tiếc, tài liệu Linh mục Buzomi biên soạn hiện nay chưa được tìm thấy. Cũng chính sử gia Linh mục Daniello Bartoli cho biết sau khi linh mục Borri về châu Âu (1622),  Linh mục Francesco de Pina và Linh mục Buzomi là hai thừa sai ở Đàng Trong đã nắm bắt được ngôn ngữ thông dụng của địa phương, có thể thuyết giáo, trao đổi với các nhân sĩcác vị Sãi, trong các việc riêng tư hay trong nơi công hội.[44]

Linh mục Đắc Lộ cho biết khi ông đến Đàng Trong (cuối năm 1624), Linh mục Buzomi phải dùng thông ngôn.[45] Linh mục Pina giải thích lý do cần thiết khi Linh mục Buzomi phải dùng thông ngôn: Nếu có chuyện gì xảy ra phải giải quyết hoặc những thông tin quan trọng cần phải công bố, cha cử anh thông ngôn hoặc một trong các ông sãi; khi giờ giáo lý kết thúc, cha ra về, còn  họ thì ở lại hoặc để ôn tập, hoặc để chuyện trò với các dự tòng. Thông ngôn người Đàng Trong chính là anh Augustinô, người thanh niên được Linh mục Buzomi ban phép rửa tội tại Cửa Hàn năm 1615. Linh mục Buzomi đã đào tạo anh thành người thông ngôn tín cẩn của ngài. Linh mục Buzomi đã thuê một gia sư dạy anh. Anh đã được học về ngôn ngữ và về các giáo phái. Bây giờ anh là ngôi sao tại Nước Mặn. Cũng tại đây, Linh mục Buzomi có được hai hay ba ông sãi giúp ngài làm mọi việc. [46]

- Linh mục Cristoforo Borri đến Đàng Trong năm 1618 và rời khỏi Đàng Trong năm 1622.[47]  Ông chỉ ở tại Cửa Hàn trong thời gian rất ngắn để đi tìm các đồng sự. Trong suốt thời gian 1618-1622, ông sống và làm việc tại Nước Mặn. Linh mục Borri đã để lại cho chúng ta một số "chữ Quốc ngữ" trong tác phẩm "Relatione della nuova missione delli PP. della Compagnia di Giesù al Regno della Cocincina" ông xuất bản năm 1631 tại Roma.

Linh mục Léopold Cadière, nhà nghiên cứu khoa học, sử học, ngôn ngữ học và tôn giáo dân tộc học đã nhận xét về tác phẩm của Linh mục Borri:

 "Bản tường thuật của ông đã chứng tỏ ông có một kiến thức uyên thâm về thời đại và ngôn ngữ bản xứ của thời đại ấy. Một điều mà khiến cho bất cứ ai cũng phải nghĩ đến các khó khăn mà ông phải đối diện, ông chỉ nhận được sự giúp đỡ từ những người thông dịch kém cỏi, họ chỉ biết được lèo tèo một số từ cần thiết trong giao dịch mua bán. Ngoài thanh giọng của ngôn ngữ, ông còn cần phải phân biệt âm nầy với với nọ, phải giải quyết vấn đề ký âm tiếng Việt Nam bằng ký tự Âu châu". [48] Linh mục Léopold Cadière tiếp tục nhận xét: "Dù trải qua thời gian ít ỏi ở Việt Nam, Linh mục Cristoforo Borri đã tạm nắm bắt được ngôn ngữ xứ nầy. Điều nầy được thể hiện qua những từ và những câu tiếng Việt trong bản tường trình của ông".[49] 

Một số câu và hình thái chữ Quốc ngữ được Linh mục Borri sử dụng trong tác phẩm của ông:[50]





Quả vậy, chữ Quốc ngữ hôm nay chúng ta đang dùng đã có một khởi đầu. Việc khởi đầu sáng tạo chữ Quốc ngữ là một sáng kiến của các thừa sai Dòng Tên phát xuất từ nhu cầu truyền giáo cho người Việt. Công cuộc khởi đầu ấy là công việc được đóng góp từ công sức của nhiều người, trong đó thành phần chủ chốt đầu tiên là số thừa sai Dòng Tên làm việc tại cư sở Nước Mặn ở giai đoạn giữa năm 1618 đến đầu năm 1620. Trong đó Linh mục Buzomi với tư cách người bề trên, người anh cả, quảng đại gánh vác các công việc khác trong cộng đoàn như để tạo mọi thuận lợi cho hai người em của mình, Linh mục Pina và Linh mục Borri, chú tâm dùi mài học hỏi, nghiên cứu và sáng tạo ngôn ngữ địa phương.

Ngoài ra phải kể đến sự tham gia và đóng góp của những người Việt Nam mà người đầu tiên phải kể đến là Cống Quận Công Trần Đức Hòa, Khám lý phủ Qui Nhơn. Việc các thừa sai gặp nạn ở Cửa Hàn có thể ví như mấy anh em trong một gia đình đang lâm cảnh mồ côi, không nơi nương tựa. Cống Quận Công Trần Đức Hòa là một nhà hảo tâm quảng đại. Ông cưu mang, đùm bọc những con người "mồ côi" đang lâm cảnh đáng thương nầy. Ông lo cho những người nầy có điều kiện tốt nhất để đi tìm con chữ mà hôm nay chúng ta được thừa hưởng. Vì vậy danh tính của ông không thể thiếu trong danh sách những người đầu tiên chúng ta ghi ơn trong việc sáng tạo chữ Quốc ngữ. Trong số những người khai sinh chữ Quốc ngữ tiêu biểu ở giai đoạn phôi thai nầy còn có những vị Sãi, người thanh niên Việt Nam có tên thánh bổn mạng là Phêrô, anh Augustinô – thông ngôn người Đàng Trong của Linh mục Buzomi, những người buôn bán và bà con nông dân Việt Nam ở tại thương cảng Nước Mặn mà các thừa sai được tiếp xúc hằng ngày, những thương nhân Nhật Bản với vai trò thông ngôn dù chỉ biết lèo tèo một số từ cần thiết trong giao dịch thương mại.

Như thế, lúc bấy giờ Nước Mặn chẳng những là một trung tâm truyền giáo mà còn là nơi các thừa sai nghiên cứu và sáng tạo chữ Quốc ngữ trong giai đoạn mà Linh mục Léopold Cadière, nhà nghiên cứu khoa học, sử học, ngôn ngữ học và tôn giáo dân tộc học gọi là "hình thái tiên chinh của chữ Quốc ngữ, một thứ chữ Quốc ngữ trước thời Linh mục Đắc Lộ. Những bút tích này của Linh mục Borri quả là một bổ ích lớn lao cho những ai khi đi sâu nghiên cứu về sự hình thành chữ Quốc ngữ ".[51] Ngoài ra, theo báo cáo năm 1619, các thừa sai lập trường học tại cư sở và mời thầy giỏi về dạy ngôn ngữ. [52]  Như thế, Cư sở Nước Mặn cũng là “Trường Quốc ngữ” đầu tiên cho các thừa sai đến sau như Linh mục Emmanuel Borges (1622), Linh mục Giovanni di Leira (1622), Linh mục Gaspar Luiz (1624), Linh mục Girolamo Majorica (1624). [53]


III. NHƯ NÉN HƯƠNG TRI ÂN

Khi còn sống, Khám lý phủ Qui Nhơn là người được quan chuộng dân yêu trong khắp nước. Ông là người được yêu chuộng vì ông thanh liêm, yêu dân, xét xử phân minh. Do đó, khi ông qua đời, có sắc lệnh không được tỏ ra đau khổ và buồn rầu vì ông xứng đáng được vinh dự thánh thiện và thiêng liêng, ngang hàng với thần thánh...[54]

Cuộc đời và sự nghiệp của Khám lý phủ Qui Nhơn – Cống Quận công Trần Đức Hòa gắn liền với sự nghiệp của chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Sau khi Cống Quận công Trần Đức Hòa qua đời, chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn ban cho ông mỹ hiệu Phù Vận Thần (vị thần giúp cho vận nước vững bền lâu dài) , Đạo sắc đề ngày 6 tháng 6 năm Chính Hòa thứ 10 (1689), đời vua Lê Hy Tông.[55]

Nhân dân xã Bồ Đề, quê hương của ông, lập Đền thờ tại thôn Hy Văn, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn.[56] Đền thờ bị sụp đổ trong chiến tranh, tại địa điểm di tích vẫn còn dấu tích Đền thờ và hiện nay, gia tộc Trần Đức vẫn còn giữ hình ảnh Đền thờ cũ. Mộ ông tại thôn An Đỗ, xã Hoài Sơn, được công nhận di tích cấp tỉnh năm 2005.

Sáng ngày 09/3/2018, UBND huyện Hoài Nhơn tổ chức cuộc họp thông qua phương án thiết kế phục dựng Đền thờ Cống Quận công Trần Đức Hòa tại Tài Lương, Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn, nhằm tri ân, tôn vinh nhân vật lịch sử Bình Định có công với đất nước. Tham dự cuộc họp có đại diện Sở Văn hóa và Thể thao, Thường trực Huyện ủy, Thường trực HĐND huyện, lãnh đạo UBND huyện, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, UBND xã Hoài Thanh Tây, đại diện gia tộc Trần Đức…[57]

Tưởng nhớ Khám lý phủ Qui Nhơn-Cống Quận Cống Trần Đức Hòa qua đời 400 năm (1619-2019), chúng tôi xin thắp nén hương lòng tri ân Cụ, ông Bõ đỡ đầu công cuộc truyền giáo ở Cư sở Nước Mặn và là "Bà đỡ" khai sinh chữ Quốc ngữ.    
 

[1] Lộc xuyên ĐẶNG QUÝ ĐỊCH, Trần Đức Hòa tư liệu, nxb. Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội, 2004, trang 18.
    Đại Nam Liệt Truyện tiền Biên (quyển thứ 3, tờ 9, tờ 10). 
[2] Không qua thi cử hoặc được tiến cử bởi một vị quan lớn nhưng nhờ công trạng của người cha.
[3] Lộc xuyên ĐẶNG QUÝ ĐỊCH, sđd, trang 33.
[4] Lộc xuyên ĐẶNG QUÝ ĐỊCH, sđd, trang 36.
[5] VIỆN SỬ HỌC, Đại Nam Nhất Thống Chí, Bản đời Tự Đức, Quyển IX, tái bản lần thứ 2, nxb. Thuận Hóa, Huế 2006, tập III,  trang 7.
[6] Xem VIỆN SỬ HỌC, Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, tái bản lần thứ nhất, nxb. Giáo dục, Hà Nội 2001, tập I,  trang 28.
[7] Xem CHRISTOFORO BORRI, Relatione della nuova missione, sđd, trang 127-128. Borri dùng "Governatore di Pulucambi" để chỉ chức danh của Cống Quận công Trần Đức Hòa.
[8] Xem PHAN KHOANG, Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558-1777, nxb. Khoa học Xã hội, 2016, trang 350.
[9] Bảng trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm (1659 - 1739) đã soạn xong "Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí" vào năm 1719. Nội dung kể chuyện lịch sử từ năm 1558 khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá đến năm 1689 đời chúa Ngãi Nguyễn Phúc Trăn. Tác phẩm đã được nhiều pho sử sau đó sử dụng. Trong quá trình biên soạn lịch sử của mình, Quốc sử quán triều Nguyễn cũng dùng Nam triều công nghiệp diễn chí để biên soạn Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam liệt truyện tiền biên, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục (Xem Nam triều công nghiệp diễn chí , bản dịch của Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga, nxb. Hội Nhà Văn, 2003, tr. 8). "Phủ Biên Tạp Lục" được Lê Quý Đôn biên soạn và hoàn thành khoảng năm 1776. Quốc sử quán nhà Nguyễn đã dựa vào "Phủ Biên Tạp Lục" để viết "Đại Nam Thực lục tiền biên" và "Khâm Định Việt sử thông giám cương mục" (Xem Phủ Biên Tạp Lục, nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 1977,  trang 15).  Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên được biên soạn từ 1841-1852.  Đại Nam Nhất Thống Chí được biên soạn từ 1865-1882.
[10] Xem NGUYỄN KHOA CHIÊM, Nam triều Công nghiệp diễn chí, Bản dịch Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga, nxb. Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội 1990, Hồi thứ sáu, trang 44-46.
[11] Xem VIỆN SỬ HỌC, Đại Nam Thực lục tiền biên, Tập I, tái bản lần I, nxb. Giáo Dục, 2001, bản điện tử.
[12] LÊ QUÝ ĐÔN, Phủ Biên tạp lục, nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 1977,  trang 52.
[13] Xem VIỆN SỬ HỌC, Đại Nam Thực lục tiền biên, Tập II, bản điện tử.
[14] Lộc xuyên ĐẶNG QUÝ ĐỊCH, sđd, trang 46. Chỉ thị của chúa Quốc Nguyễn Phúc Chu, ngày 12 tháng 9 Vĩnh Thịnh năm thứ 12 (1715) về việc miễn sưu thuế cho con cháu Cống Quận ông Trần Đức Hòa: "…Khám lý Cống Quận công Trần Quí Công (Đức Hòa) từng được chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) nhận làm dưỡng tử…"
[15] Việc chúa Sãi gọi Trần Đức Hòa là "nghĩa đệ" như Liệt Truyện chép đã cho chúng tôi tồn nghi: Khi Trần Đức hòa được tập ấm (1564) thì chúa Sãi mới được một tuổi (sinh ngày 28 tháng 7 năm Quý Hợi, tức ngày 16 tháng 8 năm 1563). Như thế Trần Đức Hòa có độ tuổi lớn cách biệt chúa Sãi. Trần Đức Hòa là dưỡng tử của chúa Tiên. Như thế tương quan giữa chúa Sãi và Trần Đức Hòa là anh em nghĩa dưỡng chứ không phải "nghĩa đệ - em kết nghĩa".
[16] Xem NGUYỄN KHOA CHIÊM, sđd, Hồi thứ bảy, trang 50-52.
[17] Xem VIỆN SỬ HỌC, Đại Nam Liệt truyện Tiền Biên, tái bản lần thứ hai, nxb. Thuận Hóa, Huế 2006, Q. 3, Các Bề tôi.
[18] Xem VIỆN SỬ HỌC, Đại Nam Nhất Thống Chí, tái bản lần thứ hai, nxb. Thuận Hóa, Huế 2006, tập 3, Q.9 trang 60. 
[19]  Xem VIỆN SỬ HỌC, Đại Nam Thực lục tiền biên, sđd,bản điện tử.
[20] Trong số các nguồn sử này, Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí là tác phẩm được soạn sớm nhất nhưng đã cách thời đại cụ Trần ngót nghét cả 100 năm.
[21] Thời điểm Đào Duy Từ vào Đàng Trong tìm minh chúa (1625), phải chăng các pho sử sau đều lấy nguồn từ " Nam Triều Công Nghiệp diễn chí" ?
[22] Xem CHRISTOFORO BORRI, Relatione della nuova missione, sđd, trang138-155.
[23] Mỗi báo cáo được viết ít nhất ba bản (03), một bản lưu lại giáo đoàn, hai bản được gởi về cho bề trên bằng hai phương tiện khác nhau để tránh rủi ro thất lạc.
[24] Xem JOÃO RODRIGUES GIRÃO , Annua de Cochinchina de 619 , Archivum Romanum Societatis Iesu, Jap-Sin 71.
[25] Lúc bấy giờ tại cư sở Nước Mặn có 03 linh mục: Buzomi, Borri và Pina.
[26] CHRISTOFORO BORRI, sđd,trang 154.
[27] Xem L.CARDIÈRE, Annotations a la Lettre de Gaspar Luis, B.A.V.H. Juillet-Dec. 1931, trang 415.
[28] Xem OLGA DROR AND K.W. TAYLOR, editor and annotator,"Views of Seventeenth-Century Viet Nam Cristoforo Borri on Cochinchina and Samuel Baron on Tonkin", Cornell University, Ithaca New York, 2006, trang 57.
[29] Xem Cristoforo Borri, Sđd, tr. 64-71.
Từ các chi tiết trong tường thuật của Linh mục Borri về các sự kiện "không có lụt thường xảy ra vào mùa thu để gieo lúa" dẫn đến việc các thừa sai phải "bước xuống thuyền nhưng không ra khỏi bến được vì gặp gió ngược, thứ gió mùa thổi dằng dai đến ba bốn tháng"; "Quan phủ Qui Nhơn đưa cha Buzomi về Qui Nhơn để chữa bệnh, suốt một năm", chúng tôi thiển nghĩ:

(1). Về sự kiện hạn hán xảy ra vào mùa thu năm 1616. Ở Nam Trung Bộ, mùa mưa dầm sinh ra lụt lội thường xảy ra trong khoảng thời gian từ giữa mùa thu cho đến giữa mùa đông (khoảng tháng 10 đến tháng 11 dương lịch). Theo kinh nghiệm dân gian, phải sau ngày 23.10 âm lịch, nông dân mới "xuống giống". Bởi vì kinh nghiệm cho biết "Ông tha Bà cũng không tha/ Cho nên có lụt hăm ba tháng mười (âm lịch). Có thể sau ngày 23.10 âm lịch năm 1616, nông dân Cửa Hàn chờ mãi mà không thấy mưa. Họ tìm lý do để lý giải hiện tượng bất thường của thiên nhiên. Cuối cùng, họ đổ trách nhiệm cho các thừa sai mà hậu quả là các thừa sai phải ra đi.

(2). Về việc ba thừa sai xuống thuyền theo lệnh chúa Sãi vào khoảng đầu tháng 06 năm 1617, xem thư báo cáo của Học viện Macao năm 1617 do Antonio de Souza viết xong tại Macao vào ngày 08.01.1618, đoạn cuối phần báo cáo về miền truyền giáo Đàng Trong.

- Trong khoảng thời gian này là cuối mùa gió nồm, gió từ biển (hướng Đông Nam) thổi vào vùng ven biển Nam Trung Bộ. Người địa phương thường nói "nồm già hay nồm săn" để chỉ những lúc gió nồm thổi mạnh. Những lúc đó sóng rất lớn, những con tàu buồm thô sơ thuở ấy không thể nào cưỡng gió để ra khơi được. Mùa gió nồm, thuyền từ biển vào bến thì thuận lợi vì thuận theo chiều gió, do đó ca dao trong vùng có câu: "Lạy Bà cho nổi gió nồm/ Chồng tôi còn ở ngoài khơi chưa về"; "Gió lên bớ bà Vọng Phu/ Chồng bà nhờ gió thuyền mau trở về". Ngoài ra, khi các thừa sai không thể ra khơi được vì sự cố "nồm già", dân chúng thua thiên nhiên, nhưng không cho ba thừa sai vào làng. Ba thừa sai phải "phơi mình liên tục dưới cái nắng nóng như thiêu của mặt trời xứ này", mùa nắng như thế chỉ có nơi tháng 06-07 của mùa hè ở xứ này.

- Theo dõi các chuyến Linh mục Đắc Lộ theo tàu buôn Bồ Đào Nha từ Macao vào - ra Đàng Trong từ năm 1640-1645 (Vào: tháng 02.1640; 12.1640; 01.1642; 01.1644. Ra: tháng 08.1640; 07.1641; 07.1643; 07.1645), chúng ta thấy thời gian thuận lợi cho tàu xuất bến ra khỏi Đàng Trong là vào khoảng tháng 07 và tháng 08. Thời điểm này là mùa gió nam (gió Lào), gió từ đất liền thổi ra biển theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, thuận lợi cho tàu thuyền đi về Macao. Cư dân địa phương gọi là "nam cồ" khi gió nam thổi mạnh; khi gió nam thổi nhẹ gọi là "nam non".
[30] Khi biết được chúa Sãi bị giằng co, một đàng muốn giữ các thừa sai lại để bảo đảm việc liên lạc thương mại với người Bồ, một đàng cần an dân, nên với tư cách là người thâm tình của chúa Sãi, ông Trần Đức Hòa mạnh dạn đưa các thừa sai về Nước Mặn, một công việc vừa gói ghém tình nghĩa đối với chúa Sãi, vừa để an dân, vừa thể hiện đức nhân của bậc quân tử.
[31] Cristoforo Borri, sđd tr. 95 – 104.
[32] Xem Lettera Annuale del Collegio di Macao l'anno 1618 trong Lettere Annue del Jappone China, Goa, et Ethiopia, Lazaro Scoriggio, Napoli 1621, trang 400-401. Thời điểm Cư sở Nước Mặn được thành lập, biên thùy phía Nam của Đàng Trong là phủ Phú Yên, được giới hạn tại  Thạch Bi Sơn (núi Đá Bia, Đèo Cả).
[33] Xem Annua de Cochinchina de 619, Japonica Sinica 71, Archivum Romanum Societatis Iesu
[34] Xem Báo cáo thường niên năm 1624, ARSI. JAP-SIN 68, trang 11-12. Và báo cáo thường niên năm 1625, ARSI, JAP-SIN 71, F. 56-71.
[35] Đỗ Quang Chính SJ., Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt, Antôn & Đuốc Sáng, USA 6/2006, tr. 66.
[36] Daniello Bartoli, Dell' Istoria Della Compagnia Di Gesù La Cina, Terza Parte, Libro Terzo, trang 327 .
[37] Daniello Bartoli, sđd., Terza Parte, Libro Quarto, trang 60 .
[38] Lettera Annuale del Colegio di Macao…l'anno 1618, Lazaro Scoriggio, Napoli 1621.
[39] Xem JOÃO RODRIGUES GIRÃO, sđd, trang 008v, hàng 493-495.
[40] ALEXANDRE DE RHODES, Divers Voyages et Mission du P. Alexandre de Rhodes en la Chine, & autres Royaumes   de   l’Orient…Paris 1653, p.72.
[41] JOÃO ROIZ, Annua de Cochinchina do anno de 1620 ARSI, JS. 72.f.3r. (Dẫn theo Đỗ Quang Chính, Lịch sử Chữ Quốc ngữ 1620-1659, Ra Khơi, Sài Gòn 1972, trang 79, chú thích số 1.)
[42] Xem CHRISTOFORO BORRI, Relatione della nuova missione, sđd., tr. 156-159.
[43] DANIELLO BARTOLI, Sđd, Vol.17,  Libro Terzo, Torino 1825, trang 123-126.
[44] DANIELLO BARTOLI, Sđd, Vol.17, Libro Terzo, Torino 1825, trang 328-329
 [45] ALEXANDRE DE RHODES, Les Divers Voyages et Missions du P. Alexandre de Rhodes, Sébastien Cramoisy, Paris 1653, trang 72.
[46] Xem ROLAND JACQUES, Công cuộc truyền giáo tại Quảng Nam năm 1623 và vấn đề ngôn ngữ: Bức thư của Francisco de Pina, Định Hướng số 42, Trung tâm  văn hóa Nguyễn Trường Tộ, Mùa Xuân 2005.
[47] BAVH, Juillet-Déc. 1931, trang 396.
[48] BAVH, Juillet-Déc. 1931, trang 262-263.
[49] BAVH, Juillet-Déc. 1931, Annotations à la Lettre de Gaspar Luiz par Léopold Cadière, trang 410.
 [50] Tác phẩm của Borri xuất bản năm 1631 nhưng phải hiểu là những chữ Quốc ngữ đó là thứ chữ ông viết vào năm 1620-1621. (Xem ĐỖ QUANG CHÍNH, Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ 1620-1659, nhà sách Ra Khơi, Sài Gòn 1972, trang 29).
[51] BAVH, Juillet-Déc. 1931, trang 262-263.
[52] Xem JOÃO RODRIGUES GIRÃO, sđd, trang 008v, hàng 493-495.
[53] Cùng trên một chuyến tàu đến Đàng Trong vào cuối năm 1624, Linh mục A. De Rhodes và Linh mục De Fontes học tiếng Việt tại Dinh Chiêm; Linh muc Majorica và linh mục Gaspar Luis học tiếng Việt tại Nước Mặn.
Xem:
- Đỗ Quang Chính, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt, tr. 65-69;
- Daniello Bartoli, Dell' Istoria Della Compagnia Di Gesù La Cina, Terza Parte, Delle Asia, Libro Quarto, Torino 1825, tr.61;
 - Wikipedia, the free encyclopedia, mục từ Jerônimo Majorica.
[54] Xem CHRISTOFORO BORRI, Relatione della nuova missione, sđd. Trang 147
[55] Lộc xuyên ĐẶNG QUÝ ĐỊCH, sđd, trang 42
[56] Xã Bồ Đề thời Cống Quận công được phỏng ước địa bàn gồm các xã thuộc huyện Hoài Nhơn ngày nay: Hoài Sơn, Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Phú, Hoài Hảo, Hoài Thanh, Hoài Thanh Tây…
[57] http://svhtt.binhdinh.gov.vn/view/189
 

Tác giả bài viết: Lm. Gioan Võ Đình Đệ

 Tags: Văn hóa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập41
  • Máy chủ tìm kiếm16
  • Khách viếng thăm25
  • Hôm nay9,719
  • Tháng hiện tại118,894
  • Tổng lượt truy cập29,098,432

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây