Hiến lễ đầu mùa : Ơi Ánh sáng! Khơi trái tim thơ bé

Thứ tư - 31/07/2019 21:12
1. Ơi Ánh Sáng! Khơi trái tim thơ bé

1.Ơi Ánh Sáng! Khơi trái tim thơ bé
Bừng lửa hồng cháy bỏng nhịp Tình Yêu
Ơi Thần Khí! Thơm nụ xuân vừa hé
Ngát hương nồng say ngất mộng Huyền Siêu.

Mở đầu cho bài “Hiến lễ đầu mùa”, với 4 câu thơ đầu tiên, tác giả đã khéo tạo ra hai vế đối với những ngôn từ đầy âm hưởng tình yêu theo phong cách lãng mạn. Nó vượt qua rào cản của thanh luật trong đối từ, nhưng vẫn giữ được thanh luật và tiết điệu của thể thơ 8 chữ với nhịp 3-3-2 trong câu thứ nhất và thứ ba, đan xen với nhịp 3-2-3 trong câu thứ hai và thứ tư. Nhờ vậy, nó làm nổi bật lên chủ ý mà tác giả muốn diễn đạt.

Trong vế thứ nhất, nhà thơ muốn nói đến ơn gọi làm con Thiên Chúa và sự khao khát được sống trong Đức Mến.

Ở vế thứ hai, thi sĩ nói đến ơn gọi làm Thầy giảng và sự ao ước được làm chứng cho Đức Tin.

Tác giả đã nêu bật hai ơn gọi này để làm tư tưởng chủ đạo xuyên suốt cuộc đời của Chân Phước Anrê Phú Yên qua bài thơ “Hiến Lễ Đầu Mùa”.

 

Ơi Ánh Sáng ! Khơi trái tim / thơ
Bừng lửa hồng / cháy bng / nhp Tình Yêu

 

Ơi Thn Khí ! Thơm n xuân / vừa hé
Ngát hương nng / say ngt / mng Huyền Siêu

1.1.Ơn gọi làm con Thiên Chúa

Ơi”, một mỹ từ nghe sao mà gần gũi và thân thương đến thế. Khi chúng ta gọi “Mình ơi”, “Em ơi”, “Anh ơi”, “Cha ơi”, “Mẹ ơi”… thì trong từ “Ơi” nó đọng biết bao tình cảm quí mến khiến người nghe cảm thấy êm ái và ngọt ngào xiết bao. Nó làm cho cả người gọi và người nghe đều tràn trào cảm xúc. Trong tâm tình thân thương và quý mến đó, nhà thơ đã mạnh đặt trên môi miệng của vị Chân phước trẻ tuổi để gọi Danh Đức Chúa của mình một cách đầy yêu mến Ơi Ánh Sáng!.

Ánh Sáng ở đây chính là Chúa Giêsu như Tin Mừng Thánh Gioan đã viết: Đức Giêsu lại nói với người Do Thái: "Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống."( Ga 8,12).

Phải chăng những lần nghe cha Đắc Lộ giảng về Chúa Giêsu – Ánh Sáng cho thế gian – thì chính Ngài đã khơi lên trong trái tim non trẻ của Thầy Anrê những nhịp rung đầu đời khi cảm nhận một tình yêu vô cùng cao quí và thanh khiết. Thầy nhận ra Chúa Kitô Phục Sinh chính là Ánh Sáng cứu độ, Ánh Sáng đã được Thiên Chúa nói đến trong sách ngôn sứ Isaia (Is 42, 16):

“Ta dẫn người mù tối
qua những lối chưa tường
trên nẽo đường mới lạ,
sẽ dìu họ bước đi.

Ta biến đổi bóng tối
thành ánh sáng soi họ
và uốn khúc gập ghềnh
thành quan lộ thẳng băng”.

Mạc khải đó đã được Thiên Chúa thực hiện khi ban Con Ngài cho chúng ta. Con Ngài chính là Chúa Giêsu Kitô, Ngài là Ánh Sáng, là Vầng Đông tự chốn cao vời mà Thiên Chúa ban cho dân Ngài như Thánh ca Tin Mừng (Benedictus) chúng ta vẫn thường đọc trong giờ phụng vụ Kinh sáng:
         
“Hãi nhi hỡi, Con sẽ mang tước hiệu
Là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:
Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người,
Báo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ
Là tha cho họ hết mọi tội khiên.

Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,
Cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta,
Soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối
Và trong bóng tử thần
Dẫn ta bước vào đường nẽo bình an.”

Giữa một xã hội nhá nhem tranh tối tranh sáng, những người thiếu niên mới chập chững vào đời như Thầy Anrê sẽ khó biết chọn lối đi nào cho đúng, phù hợp với cá tính cũng như nhân cách của mình. Chính Ánh Sáng Chúa Kitô Phục Sinh đã hướng dẫn tâm hồn chân sơ của Thầy Anrê thấu triệt lẽ khôn ngoan để biết chọn Chúa làm gia nghiệp cho cuộc đời của mình “khơi trái tim thơ bé” thay vì chọn danh vọng, quyền lực và của cải thế gian như lời sách Khôn Ngoan đã viết:

8Đức Khôn Ngoan, tôi đã quý trọng
còn hơn vương trượng, ngai vàng.
Tôi coi của cải chẳng là gì
so với Đức Khôn Ngoan” (Kn 7, 8)

Và Thánh vịnh 50 được cất lên như là ca khúc tạ ơn của Thầy Anrê khi cảm được Thiên Chúa đã ban cho mình ơn thông hiểu để biết đâu là lẽ khôn ngoan đích thực:

7Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi,
Đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.
8Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật,
Dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan.” (Tv 50, 7-8)
         
Và lẽ khôn ngoan đó đã giúp Thầy Anrê nhận chân được Ánh Sáng Chúa Giêsu chính là Ánh Sáng vĩnh cửu. Ánh Sáng đó không những mở rộng con mắt đức tin, mà còn khơi lên trong trái tim thơ bé của Thầy Anrê lòng yêu mến Thiên Chúa như lời Thánh thi chúng ta vẫn đọc trong Kinh sách thứ bảy tuần IV thường niên:

“Hỡi Ánh Sáng ngàn thu
Gieo nắng hồng mãnh liệt,
Ngày dài không hề tắt,
Ðuổi đêm tối sa mù.

Hỡi Ánh Sáng ngàn thu
Sửa bóng vàng tàn lụi,
Diệt tan tành bóng tối,
Thức tỉnh hồn mộng mơ.

Hỡi Ánh Sáng ngàn thu
Ngài đến là phấn khởi,
Ngài kêu liền dậy vội,
Ngài thương phúc vô bờ!

Hỡi Ánh Sáng ngàn thu
Vắng Ngài đời sẽ khổ
Có Ngài không chết nữa,
Gần Ngài sáng đầy dư.

Hỡi Ánh Sáng ngàn thu
Nguyện xin Vua hằng hữu
Chiếu hào quang vĩnh cửu
Vào kiếp sống ngục tù.

Hỡi Ánh Sáng Giêsu,
Danh Ngài êm dịu quá,
Xin nhận lời cảm tạ
Cùng muôn vạn ý thơ.

Dâng Ánh Sáng ngàn thu
Cùng Thánh Thần Thánh Phụ,
Ngàn vinh quang rực rỡ
Muôn kiếp chẳng phai mờ.”

Với những dẫn chứng trên, chúng ta có thể hiểu “Ơi Ánh Sáng” có nghĩa là “Tạ Ơn Chúa” và “khơi trái tim thơ bé” hàm nghĩa là “đã ban cho con tình yêu của Ngài”. Cho nên, mặc dù trong câu thơ không có lấy một từ cám ơn, nhưng nó lại nói lên tâm tình tạ ơn của Thầy Anrê một cách tinh tế khi cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, mà nhà thơ Song Lam muốn diễn đạt.

Và trước khi giã từ cuộc sống trần gian, cụm từ “Ơi Ánh Sáng” đã được Thầy Anrê gọi bằng một danh xưng rất cụ thể “Giêsu, Giêsu, Giêsu, Giêsu, Giêsu!” trong khoảnh khắc Thầy bị quân lính đâm vào cạnh sườn và danh xưng cao trọng đó chỉ lắng đi khi Thầy bị hai nhát chém đứt đầu. Phải chăng đó là lời tạ ơn của một vị thánh được diễm phúc tử đạo tràn đầy đức tin, lòng mến và niềm trông cậy

Ơi Ánh Sáng! khơi trái tim thơ bé

Động từ “Khơi được hiểu là Thiên Chúa đã tác động một cách nào đó đến Thầy Anrê. Sự tác động của Ngài đã chạm đến một linh hồn thanh khiết luôn hướng đến chân thiện mỹ, chạm đến một trái tim đang nao nức và khao khát một tình yêu thiêng thánhtrái tim thơ bé”. Tình Yêu đó chính là Thiên Chúa, bởi vì chữ “Tình Yêu” đã được nhà thơ viết hoa một cách trân trọng là có chủ ý nói đến Ngài.

Chính cái chạm đầy huyền nhiệm của “Ánh Sáng Tình Yêu” đã làm cho trái tim lâu nay chưa cảm nhận được tình yêu đích thực như bị một tiếng sét ái tình “Bừng lửa hồng”. Tiếng sét đó như một cú sốc, làm cho trái tim Thầy Anrê rung lên những nhịp xôn xao đầy rộn rã “Bừng”. Tiếng sét đó như một sức nóng thiên linh làm cháy bỏng linh hồn của Thầy “lửa” và rợp phủ cả con người Thầy trong sự ngọt ngào của tình yêu “hồng”.

Ở đây, nhà thơ đã khéo dùng những ngôn từ tượng hình: “Bừng, lửa, hồng” là những điều chúng ta có thể tưởng tưởng, có thể thấy, có thể cảm, nhưng không ai có thể sờ chạm hay nắm bắt được nó, nhằm diễn tả một thực tại vô hình nhưng ai cũng cảm nhận được, đó là Tình Yêu. Rõ ràng tình yêu là một sự gì rất linh thiêng, nó như sức nóng mà chúng ta có thể nhận ra hơi ấm khi đến gần “lửa”, có thể cảm thấy rộn rã khi bị tác động “bừng” và niềm hoan lạc khi biết mình đang yêu và được yêu “hồng”.

Dưới tác động của tình yêu, trái tim chúng ta rung lên những nhịp rất lạ, thấy cái gì cũng đáng yêu, thấy cuộc đời thật đáng quý. Tình yêu làm chúng ta nôn nả muốn làm một điều gì đó thật tốt đẹp cho người mình yêu. Tình yêu khơi dậy trong con người chúng ta một nhịp sống hăng say, một nhịp yêu tươi trẻ… những nhịp sống và nhịp yêu đó thật huyền nhiệm và cao quý biết bao, mà không bút mực nào có thể diễn cảm cho thấu và không lời nào nói ra cho hết ngọn nguồn. Bởi vì “nhịp Tình Yêu” phát xuất từ Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4, 16).

Chúng ta sẽ mãi xa lạ với Thiên Chúa nếu chúng ta vô cảm và không có lòng thương xót. Vì “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu ” (1Ga 4, 8) và  “Ai ở lại trong tình yêu thì cũng ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy (1Ga 4, 16).  
 
Nhờ Thiên Chúa làm cho “Bừng lửa hồng” mà Thầy Anrê khao khát được hòa nhịp tình yêu với Ngài “cháy bỏng”, mong ước sớm trở thành người con của Ngài, người bạn của Chúa Giêsu Kitô với danh xưng Kitô hữu “nhịp Tình Yêu”. Chính vì ngọn lửa tình và danh xưng cao quý này “nhịp Tình Yêu”, mà Thầy Anrê đã minh chứng đức tin và lòng mến một cách hùng hồn bằng cả cuộc đời và mạng sống của mình.
 
Bừng lửa hồng cháy bỏng nhịp Tình Yêu

Sự khao khát chân chính của Thầy đã được Thiên Chúa làm cho no thỏa khi bà Gioanna – mẹ thầy, cùng một lòng với thầy – đã mau mắn xin cha Đắc Lộ cho cả hai mẹ con sớm lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy để được gia nhập Hội thánh Chúa, được mang danh Kitô hữu với tước vị con Thiên Chúa.

Thầy giảng Anrê được nhận bí tích Rửa tội năm 1641, khi lên 15 tuổi, cùng ngày với mẹ. Trước khi theo đạo Công giáo, anh đã là một thanh niên có bản chất tốt lành. Ngày rửa tội, anh đã ý thức rõ rệt lời cam kết từ bỏ tội lỗi, từ bỏ ma quỷ; đã tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô và Hội Thánh; đã ghi khắc vào tâm hồn lời khuyên nhủ của cha Đắc Lộ (Alexandres de Rhodes) khi rửa tội cho anh: “Con hãy nhận lấy chiếc áo trắng này, hãy mang lấy và giữ nó tinh tuyền cho đến khi ra trước tòa Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta… Hãy luôn luôn sống như con cái Sự Sáng, để được bền vững trong Đức Tin, khi Chúa đến, con xứng đáng ra nghinh đón Người với toàn thể các Thánh trên trời”. (Đời sống cầu nguyện nơi Thầy giảng Anrê Phú Yên – Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương)

Như vậy, qua hai câu thơ đầu tiên, với ngôn ngữ tượng trưng, nhà thơ đã gợi cho chúng ta niềm vui khi được làm con Chúa của Thầy Anrê. Ơn gọi đó là bước khởi đầu cho một ơn gọi tiếp theo cao cả hơn nhưng cũng đòi hỏi quảng đại và hy sinh nhiều hơn.

“Ơi Ánh Sáng ! khơi trái tim thơ bé
Bừng lửa hồng cháy bỏng nhịp Tình Yêu”

1.2.Ơn gọi làm Thầy giảng

Sau khi chịu phép rửa tội được một năm, chàng thiếu niên 16 tuổi đã cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa chạm đến mình cách tỏ tường và mạnh mẽ, đến ni một lần nữa, chàng phải kêu lên Danh Đức Chúa với lòng kính trọng và tạ ơn sâu thẳm “Ơi Thần Khí”. Bởi vì chàng cảm thấy mình vô cùng bất xứng nhưng lại được Thiên Chúa thương chọn vào “Hội Thầy Giảng” để đem Tin Mừng đến cho mọi người “thơm nụ xuân vừa hé”.

Từ “Thần Khí” là danh xưng của Chúa Thánh Thần, là Ngôi Ba Thiên Chúa. Động từ “thơm” ở đây hàm nghĩa là được Thiên Chúa chạm đến và tuyển chọn. “Nụ xuân vừa hé” chính là con người, là trái tim, là linh hồn đơn sơ thanh khiết của Thầy Anrê Phú Yên.

“Ơi Thần Khí ! thơm nụ xuân vừa hé”

Như vậy qua câu thơ này, nhà thơ Song Lam muốn diễn tả việc Thiên Chúa mời gọi và tuyển chọn Thầy Anrê Phú Yên vào Hội Thầy Giảng để loan báo Nước Trời cho mọi người, nhưng Thầy lại cảm thấy mình bất xứng. Điều đó làm chúng ta nhớ đến việc Thiên Chúa đã gọi tiên tri Isaia:

6 Một trong các thần Xê-ra-phim bay về phía tôi, tay cầm một hòn than hồng người đã dùng cặp mà gắp từ trên bàn thờ. 7 Người đưa hòn than ấy chạm vào miệng tôi và nói :

"Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi,
ngươi đã được tha lỗi và xá tội." (Is 6, 6-7)

Như Tiên tri Isaia, khi được Thiên Chúa chạm đến và thánh hóa, Thầy Anrê cảm thấy linh hồn mình tràn ngập tình yêu và niềm tin vào Thiên Chúa “Ngát hương nồng”, và trái tim của chàng trai trẻ đã rung lên những giai điệu ngọt ngào không bút nào tả xiết khi được tình yêu Thiên Chúa chạm đến “say ngất mộng Huyền Siêu”. Và trong cái chạm đầy huyền nhiệm này, chàng đã mau mắn đáp lại một cách quảng đại như lời ngôn sứ Isaia:

8 Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa Thượng phán :
"Ta sẽ sai ai đây ? Ai sẽ đi cho chúng ta ?"
Tôi thưa : "Dạ, con đây, xin sai con đi."
(Is 6, 8)

Và như lời Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi tín hữu Ga-lát:

“(15) Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. (16) Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại.” (Gl 1, 15-16a)

Đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa, Thầy Anrê đã quyết tâm xin theo cha Đắc Lộ để rao giảng Tin Mừng. Sự thỉnh cầu của Thầy Anrê đã được Cha Đắc Lộ ghi lại rõ ràng trong trình thuật thứ nhất về cuộc tử đạo của Thầy.

“Thầy Anrê diễm phúc gốc tỉnh Ranran (Phú An Phủ). Mẹ thầy, được gọi là Gioanna, là một Kitô hữu rất sùng đạo. Chính bà là người, vì sự nài nỉ của thầy Anrê diễm phúc, cách đây hai năm đã xin cho Thầy được đi với tôi; lúc đầu tôi không muốn nhận, nhưng vì những lời thỉnh cầu quá khẩn thiết của mẹ thầy, nên đành phải nhận Thầy vào làm một trong số các học trò.”

Một khi trái tim đã rung lên vì một ánh mắt ướt át, một nụ cười xinh xắn hay một lời nói ngọt ngào; thì nó như bị hút hồn vào cái chớp mắt, ngơ ngẩn bởi nụ duyên, và xôn xao nghe tiếng lòng thỏ thẻ. Khi đó, trái tim sẽ gọi ánh mắt yêu thương bằng những ngôn từ hoa mỹ thắm tình đượm ý như “Sunny” (Nắng ấm), “Ruby” (Hồng ngọc)…; nụ cười rất duyên là “Cherry” (Anh đào), “Rose” (Đóa hồng)…; giọng nói tình tứ là “Honey” (Ngọt ngào), “Cosy” (Ấm áp)…; và hai người yêu nhau có thể gọi bất kỳ một ngôn từ nào để diễn tả tình yêu của họ với nhau.

Và “Anrê” chính là cái tên mà Chúa đã âu yếm gọi chàng thiếu niên 16 tuổi đi rao giảng Tin Mừng cho Ngài. Cái tên đầy tình yêu mà Thiên Chúa đã thương gọi “Ngát hương nồng” và chính cái “hương nồng” đó đã quyến rủ, đã thôi thúc Thầy Anrê Phú Yên “say ngất” để tiếp bước con đường truyền giáo và tử đạo như Thánh Anrê Tông đồ “mộng Huyền Siêu”. Giấc mộng Huyền Siêu hay giấc mơ được phúc tử đạo của Thánh Anrê Tông đồ được ngài hát lên trước khi bị hành hình, treo ngược trên thập giá:

“Chúa Kitô dùng chính cái chết mình thánh hiến Thập giá châu báu. Thập giá được tay chân Chúa trang điểm thay nữ trang. Tôi đến với thánh giá với tâm tư hoan lạc, thanh thản. Thập giá hãy giang tay đón nhận tấm thân này. Thánh giá trở nên đẹp, tốt lành nhờ tứ chi Chúa Kitô. Ta mến chuộng, chờ đợi, ước mong và tìm kiếm ngươi. Ta tìm được ngươi và linh hồn ta trông đợi sẵn sàng. Hãy giang tay đón nhận thân này, nâng ta lên khỏi kẻ phàm nhân và dâng Thầy Chí Thánh, Đấng sẽ cứu chuộc ta. (Lm.Vũ Đình Tường - Nguồn: vietcatholic.net)

Theo bước chân của Thánh Anrê Tông đồ, giấc mộng của Thầy Anrê Phú Yên cũng chính là được biết Chúa, yêu mến Chúa, và ước mong được chết vì Ngài để được nhận triều thiên vinh quang trên Nước Trời. Sự “say ngất” giấc “mộng Huyền Siêu” của Thầy Anrê đã được sắc lệnh của Bộ phong thánh xác nhận:

Biết Chúa và yêu mến Chúa là sự cao đẹp tuyệt vời đã lôi cuốn tâm hồn chàng thanh niên Anrê, con người đã vui vẻ đón nhận Tin Mừng và đã kiên cường chứng mình điều đó bằng đời sống thánh thiện và lòng nhiệt thành trong công cuộc tông đồ. Anrê vui lòng từ bỏ mọi sự để kết nghĩa với Chúa Kitô và sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo toàn đức tin.

Lòng yêu mến Chúa và ước mơ được phúc tử đạo của Thầy Anrê Phú Yên đã được nhà thơ kín đáo, nhẹ nhàng thể hiện qua câu thơ thật tinh tế và vô cùng sâu lắng:

Ngát hương nồng say ngất mộng Huyền Siêu”

Và một khi đã cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa, Thầy Anrê đã mau mắn đáp lại tiếng Chúa mời gọi. Thầy đã từ bỏ mọi sự, tạm biệt người mẹ thân yêu và thôn xóm Mằng Lăng ở Tuy An, Tuy Hòa để theo Cha Đắc Lộ ra Hội An, Đà Nẵng sống cuộc đời Thầy giảng. Sự lựa chọn cách sống và trung thành với Sứ điệp Tin Mừng của Thầy Anrê đã được Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn minh giải trong bài giảng tại Giáo xứ Mằng Lăng nhân dịp lễ kính Chân Phước Anrê Phú Yên ngày 26/7/2000.

Ở buổi tinh sương của Tin Mừng trên quê hương Việt Nam, làm sao một tân tòng như Thầy lại có thể lấy một lựa chọn dứt khoát sống sứ điệp Tin Mừng và kiên trì trung thành với lựa chọn này, bất chấp cái chết? Người ta nghĩ ngay đến phép lạ. Phải, tử đạo là ơn đặc biệt và Giáo Hội xem cái chết tử đạo, tự nó là một phép lạ. Tuy nhiên, con đường dẫn đến cái chết đó, vị tử đạo phải lần mò với tất cả cố gắng hy sinh của một đời người.”
          ...

“Lựa chọn và trung thành là những nét chính tạo nên dung mạo một vị tử đạo. Lựa chọn và trung thành cũng là những bước đi của mọi người theo đuổi cuộc sống niềm tin. Nhưng chính lòng quảng đại và tinh thần trách nhiệm là nền tảng của việc lựa chọn và trung thành.”

Nếu Chân Phước Anrê Phú Yên đã chọn Chúa làm gia nghiệp đời đời, thì đâu là bài học cho chúng ta khi nghe lời mời gọi của Thiên Chúa để nên trọn lành. Tôi xin mạn phép trích dẫn bài chia sẻ “E ấp chiếc nón bài thơ” của Linh mục Minh Anh để nói lên một sự chọn lựa đầy gian truân của một tâm hồn yêu mến Chúa.

Cậu Nguyễn Văn Thích, con của Thượng Thư Bộ Lễ Nguyễn Văn Mại, người Huế, là học trò thế hệ đầu tiên của các Sư Huynh La San trường Pellerin Huế, còn gọi là trường La San Bình Linh. Đường công danh rộng mở… nhưng ngày 29/6/1911, cậu lén gia đình để được rửa tội. Cả nhà rúng động… Được tin, thân sinh cậu, vốn là một nhà nho, không cầm nổi tức giận, dùng roi đánh nhừ tử ‘đứa con bất hiếu’. Mấy chục năm về sau, nhân ngày mừng thất tuần của ‘Anh Thích’, em gái cậu là bà Thiếu Hải thuật lại:

“Trong nhà… dùi, gậy, ba toong,
Rút ra đánh hết, chẳng còn cái mô!
Chị em, ai nấy sững sờ,
Lính tráng, vú bõ, không rờ đến cơm…”.

Khi cơn ‘gia biến’ dịu dần với thời gian, Cụ Thượng Thư nghĩ đến việc lập gia đình cho cậu con trai đã 26 tuổi, bấy giờ đã là một thầy giáo. Cụ mời Đức Cha Allys (Cố Lý) đến nhà, xin Đức Cha can thiệp mai mối với con gái Thượng Thư Bộ Lại Nguyễn Hữu Bài. Ngờ đâu, được ‘hung tin’, cậu ấm đã thoát ly gia đình quý tộc của mình… để một đêm thanh vắng tháng 9-1917, thầy giáo Thích cải trang làm một cô gái… áo dài tha thướt e ấp chiếc nón bài thơ… trực chỉ Tiểu Chủng Viện An Ninh, Cửa Tùng, Quảng Trị. Một trường hợp chưa từng có. Vào Tiểu Chủng Viện, các chú chỉ từ 12 đến 14 tuổi, nhưng thầy Thích đã 26, làm sao đây? May thay, Đức Cha Lý (Allys) biết rõ hoàn cảnh nên nhận ngay cậu chủng sinh độc đáo nầy, độc đáo ở chỗ, cậu vừa làm trò, vừa làm thầy. Chú Thích vừa học tiếng Latin và chương trình chủng viện vừa là thầy Thích dạy Pháp Văn, Hán Văn và Quốc Văn cho các chú.

Sau 2 năm tu tập, chú Thích được gửi vào Đại Chủng Viện Phú Xuân, Huế, và 6 năm sau được thụ phong Linh mục. Ngài là một Linh mục xuất sắc về cầm kỳ thi họa, một nhạc sĩ, một nhà thơ, một họa sĩ, một dịch giả với bút hiệu Sảng Đình và là một giáo sư Hán Văn, Quốc Văn, Pháp Văn của các trường Đại Học Văn Khoa Huế, Sài Gòn, Đà Lạt; Thiên Hựu, Quốc Học, Dòng Thánh Tâm và các trường khác. Ngài qua đời 10/12/1978, thọ 87 tuổi. Giáo Phận Huế tự hào về ngài và quen thuộc với hai bài hát nổi tiếng, “Lạy Đức Mẹ La Vang, xin cứu con nguy nan…” và “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa và trí khôn tôi nhảy mừng trong Chúa cứu chuộc tôi”. Em gái ngài là Cô Nguyễn Thị Ngọc, pháp danh nhà Phật là Như Ngộ về sau chịu ảnh hưởng của anh, đã trở lại và trở thành một nữ tu Dòng Kín Huế với tên gọi Soeur Marie Eucharistie, Marie Thánh Thể.

Như vậy qua ơn gọi của Thầy Anrê Phú Yên và những dẫn chứng đã nói trên, chúng ta hiểu được Đức Tin trước hết là một lời mời gọi và là một quà tặng nhưng không của Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa, chúng ta không đạt đến Đức Tin bằng lý luận suy tư nhưng chính nhờ Ơn Chúa; không phải kẻ thông thái học rộng biết nhiều là người có đức tin vững vàng hơn người bình dân ít học. Điều này đã Chúa Giêsu xác định rõ ràng trong Tin Mừng thánh Mát-thêu:

(25) Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. (26) Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

(27) “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho. (Mt 11, 25-27)

Cho nên khi chọn các tông đồ, Chúa Giêsu đã chọn những người đơn sơ, thất học làm môn đệ; Ngài kết thân với những kẻ bị xã hội loại trừ. Ngài muốn chứng tỏ, trong Nước Trời, không có sự phân biệt đối xử sang hèn, chữ nghĩa hay chất phác. Để thuộc về nước Ngài, làm môn đệ của Ngài, điều kiện trước tiên là trở nên đơn sơ, bé mọn, khiêm tốn… và quảng đại đáp lại lời mời gọi của Ngài như Chân phước Anrê Phú Yên.

Tác giả bài viết: Bình Nhật Nguyên

 Tags: Văn thơ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập62
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm34
  • Hôm nay16,053
  • Tháng hiện tại81,763
  • Tổng lượt truy cập29,061,301

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây