Khi "Covid-19" đến ngôi nhà chung của nhân loại

Thứ sáu - 10/04/2020 22:20

KHI “COVID-19” ĐẾN NGÔI NHÀ CHUNG CỦA NHÂN LOẠI


            Năm 2020 đã trở thành một mốc lịch sử đặc biệt và ảnh hưởng trên bình diện quy mô rộng khi toàn thế giới phải gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19, thảm họa lớn nhất của nhân loại kể từ chiến tranh thế giới thứ II. Cuộc khủng hoảng này đang đặt con người trở về với sự nhìn nhận thật chân thành rằng ngôi nhà chung của nhân loại đang “đổ bệnh” và lên tiếng vì sự quá tải trầm trọng. Những năm vừa qua chúng ta chứng kiến trực tiếp hoặc qua các phương tiện truyền thông, về các thảm họa thiên nhiên như: cháy rừng ở Hy Lạp năm 2018; lũ lụt ở Nigieria và Ấn Độ năm 2018, sóng thần ở Indonesia...[1] và đặc biệt trận cháy rừng năm 2019 tại Amazon và Úc Châu. Nhiều vấn đề về ô nhiễm không khí, hiện tượng “trái đất nóng lên, băng tan ở Bắc, Nam Cực”, bầu khí quyển ô nhiễm, biến đổi khí hậu[2] cũng đang làm cho cuộc sống con người mất cân bằng. Tất cả đều do lối sống ích kỷ và tiêu thụ, lối khai thác tận cùng nguồn lực của thiên nhiên, đồng thời biến đổi cấu trúc hài hòa của nó với những chất gây hại và nhiễm độc. Khi “Covid-19” đến ngôi nhà chung của nhân loại, thực sự là một tiếng chuông cảnh tỉnh con người biết đó là hệ lụy của việc đối xử với thiên nhiên cách vô trách nhiệm và là một tội chống lại Thiên Chúa như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã quả quyết: “Tội chống lại tự nhiên cũng là tội chống lại chúng ta và là tội chống lại Thiên Chúa[3]. Đây cũng là cơ hội để nhân loại rút ra được những bài học đau thương vì lối sống ích kỷ của mình, đồng thời biết chung tay chăm sóc và bảo vệ sự sống nơi “ngôi nhà chung của mọi người” là lệnh truyền của Thiên Chúa và cũng là trách nhiệm không riêng gì ai.
 

  • Biến cố “Covid -19” đã vạch trần cho thấy con người là thủ phạm từng ngày hủy hoại sự sống.

Theo Giáo lý của Giáo hội Công giáo thì vũ trụ tự nhiên này do Thiên Chúa tạo dựng cho con người và vì lòng yêu thương con người (x. GLHTCG số 268-301.325-354). Ngài đã sáng tạo mọi sự bằng Lời và Thần Khí của Ngài (x. St 1,1-25) như Thánh Vịnh diễn tả:“Một Lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33,6). Vũ trụ này xinh đẹp như bức tranh hoàn mỹ vì “Thiên Chúa đều thấy nó tốt đẹp”(x. St 1,4-25). Rồi khi chiêm ngắm công trình tuyệt vời của mình, Thiên Chúa đã quyết định tạo ra Adam và Eva trong ngày thứ 6, để làm chủ thế giới bao la. Thiên Chúa phán: “Ta hãy làm ra người theo hình ảnh Ta, như họa ảnh của Ta. Ngươi hãy cai trị trên cá biển và chim trời và trên súc vật  cùng mọi loài thụ tạo, loài mãnh thú và mọi thứ côn trùng nhung nhúc trên mặt đất”(St 1,26-28). Con người được trao quyền làm chủ tự nhiên, vũ trụ nhưng cũng có nghĩa vụ phải giữ gìn tự nhiên hài hòa và phát triển (x. St 1, 26-30). Thế nhưng, vì những món lợi ích trước mắt nên không ít người, biết bao quốc gia đã ra sức tàn phá thiên nhiên, phá hoại cân bằng hệ sinh thái cách vô tội vạ; khai thác các loài thực vật, động vật quý hiếm và hoang dã đến mức cạn kiệt và tiệt chủng. Qua biến cố Covid -19” đã chứng minh điều đó.

Khi tình hình dịch bệnh Covid -19 bùng phát và lây lan nghiêm trọng, lệnh phong tỏa bắt đầu triển khai ở nhiều quốc gia, nhất là nơi tâm dịch. Người dân buộc phải ở nhà và hạn chế đi lại; các hoạt động công nghiệp bị đình trệ hoặc ngừng hoạt động; giao thông bằng đường hàng không, đường sắt và đường bộ đã bị tạm dừng hoặc thu hẹp lại ở một số khu vực đã cho thấy có sự giảm tải về sự ô nhiễm và khí thải. Theo các vệ tinh của NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu[4] đã phát hiện ra sự sụt giảm lớn về nồng độ ô nhiễm không khí ở Trung Quốc và nhiều nước khi hàng triệu người đã bị buộc ở trong nhà hoặc cách ly để làm chậm sự lây lan của virus, đưa ra kết quả như sau:

 

  • “Đám mây” nitơ dioxide tan trên bầu trời Trung Quốc

Theo Lauri Myllyvirta, nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch ở Phần Lan, những hạn chế di chuyển đã góp phần giảm 25% lượng khí thải carbon dioxide của Trung Quốc trong bốn tuần bắt đầu vào cuối tháng 1, so với cùng kỳ năm ngoái. Phân tích của Myllyvirta cũng cho thấy các hoạt động công nghiệp đã giảm 15% xuống 40% trong một số lĩnh vực và tiêu thụ than tại các nhà máy điện giảm 36%. Sự sụt giảm lớn về ô nhiễm không khí ở Trung Quốc trong hai tuần vào tháng 2 khi việc kiểm dịch có hiệu lực. Các vệ tinh đã đo nồng độ nitơ dioxide, được phát thải từ ô tô, nhà máy điện và các cơ sở công nghiệp, từ ngày 01 đến ngày 20.01.2020 và từ ngày 10 đến 25.02.2020 và kết quả hoàn toàn khác, chênh lệch rất cao. “Đám mây” nitơ dioxide đã "đậu" trên Trung Quốc vào tháng một dường như "bốc hơi" vào tháng hai. Các nhà khoa học của NASA cho biết, việc giảm thải tương tự đã được quan sát thấy ở các quốc gia khác trong thời kỳ này.
 

  • Thiên nhiên ở Italy trở nên đẹp hơn trong đại dịch Covid-19

Mức độ ô nhiễm đã giảm tương tự ở Italy, nơi đã trở thành trung tâm của đại dịch virus Corona bên ngoài Trung Quốc. Ngày 08.3.2020, Chính phủ Italy đã phong tỏa khu vực phía Bắc và đã mở rộng lệnh phong tỏa ra cả đất nước, dừng hết các phương tiện giao thông trên các tuyến đường thủy nổi tiếng. Và việc vắng bóng người khiến thiên nhiên ở đây có những thay đổi nhanh chóng:
- Ở Venice, nước các kênh rạch đã bắt đầu trong hơn, có thể nhìn thấy rõ những con cá bơi dưới nước. Một số người dân ở Venice bắt gặp những chú thiên nga trắng muốt xuất hiện trên những con kênh trong thành phố. Nhiều đài phun nước ở Rome cũng trở nên lạ lẫm không kém khi xuất hiện của những chú vịt thảnh thơi bơi lội. Nồng độ nitơ dioxide trong khí quyển trên Italy cũng giảm nhanh chóng, giống như ở Trung Quốc.

 

  • Ô nhiễm không khí giảm rõ rệt ở Mỹ

Kể từ khi con người giảm bớt di chuyển không cần thiết do dịch Covid-19, New York, Mỹ đang trải qua sự sụt giảm đáng kể khí carbon dioxide, methane, và lượng khí thải carbon monoxide. Ở New York, lượng carbon dioxide trong khí quyển giảm từ 5 đến 10%. Và lượng khí thải carbon monoxide liên quan đến ô tô đã bị cắt giảm một nửa kể từ khi mọi người bắt đầu ở nhà. Theo công ty theo dõi dữ liệu TomTom, mức độ tắc nghẽn giao thông đã giảm 13,5% trong khoảng thời gian từ ngày 09 đến 13.3.2020 so với cùng tuần năm 2019. Trong giờ cao điểm trong cùng thời gian, tắc nghẽn giao thông đã giảm hơn 26%. Ở San Francisco, nồng độ trung bình của các hạt nhỏ (các hạt nhỏ trong không khí nguy hiểm vì chúng có thể được hít sâu vào phổi) thấp hơn gần 40% so với năm trước. Thành phố New York giảm 28% trong cùng khoảng thời gian và Seattle-Tacoma-Bellevue đã giảm 32%.

Vâng, con người chính là thủ phạm, là tác nhân chính trong việc huỷ hoại môi sinh, làm mất sự cân bằng sinh thái…, như nhận xét chí lý của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Thông điệp Laudato Sí “Người chị này giờ đây đang kêu khóc vì chúng ta đã tiêm nhiễm lên chị những mối nguy qua cách sử dụng vô trách nhiệm và lạm dụng của cải vật chất Thiên Chúa ban tặng. Chúng ta tự xem mình là chủ nhân của trái đất này và muốn bóc lột ra sao tùy ý. Bạo lực trong tâm hồn chúng ta do tội lỗi gây nên cũng phản chiếu trong những triệu chứng của bệnh tật nơi đất đai, nguồn nước, trong không khí và mọi dạng thức của sự sống. Đây là lý do vì sao mà chính trái đất, bị đè nặng và sử dụng lãng phí, lại là một trong số những người bị bỏ rơi và đối xử tàn tệ nhất trong số những người nghèo; chị đang “rên siết và quằn quại”[5].

 

  • Biến cố “Covid-19”, cơ hội để con người tự vấn lương tâm trước hành động sai lệch của mình:

Phải nói rằng sự kiêu ngạo và vô tâm của con người đối với ngôi nhà chung nhân loại đang được “Covid-19”dạy cho những bài học nhớ đời mà nói như Đức Giáo hoàng Phanxicô: nó “vạch trần sự dễ thương tổn của chúng ta; cho ta thấy những an ninh giả tạo và thừa thãi mà chúng ta đã dày công xây dựng từ các hoạt động, các dự án, các tập quán và các ưu tiên[6]. Hơn bao giờ hết, đây cũng là cơ hội để con người tự vấn lương tâm trước những hành động sai lệch của mình, để con người nhận ra đâu là điều đúng và thực sự hữu ích cho sự sống con người và đâu chỉ là những điều hão huyền mà con người luôn theo đuổi. Nó nhắc nhở chúng ta rằng Trái đất này đang bị đổ bệnh, chúng ta cần xem xét mức độ tàn phá khủng khiếp của con người đối với môi trường thiên nhiên. Đó cũng là một tội ác và trở thành những chuyện mắc dịch trong lòng người như nhận định của linh mục Cao Gia An- SJ, về cơn đại dịch Corona Vũ Hán: “Như thế, thất bại của những người có trách nhiệm trực tiếp trong cơn đại dịch Corona thật ra không phải chỉ là thất bại của một đường lối chính trị hay một chiến lược quản trị. Đúng hơn và sâu xa hơn, đó là thất bại của một nền luân lý đã không đặt giá trị sinh mạng con người ở mức tối thượng. Đó là thất bại của một thể chế đã không thực sự xem dân là gốc. Bất cứ một thể chế nào cũng phải xây dựng trên lòng dân và giá trị của người dân. Khi mạng sống người dân có nguy cơ bị xem như cỏ rác, làm gì có thể chế nào bền vững trên đống cỏ rác!”[7].

Một điều đáng cho con người suy nghĩ về mối liên đới của con người trên địa cầu này là mối liên hệ hỗ tương giữa người với người, gia đình với gia đình, quốc gia với quốc gia và kết nối trong mạng lưới toàn cầu, “cùng hội cùng thuyền” với nhau. Một người vô cảm, thiếu trách nhiệm, đương nhiên sẽ làm hại nhiều người khác. Một đất nước vô cảm, thiếu trách nhiệm, cả thế giới đều bị ảnh hưởng. Con người khi sống trong ngôi nhà chung là Trái đất thì không thể tự tách mình, gia đình mình, dân tộc mình, tự tạo cuộc sống riêng hayđặt ra một ranh giới quốc gia cho cộng đồng của mình hoặc không lệ thuộc vào bất cứ một nhóm nào. Đó chỉ là những suy nghĩ sai lệch mà chính virus Covid-19 kia đang chỉ ra cho mọi người thấy. Dù có đường ranh giới quốc gia, chẳng thể nơi nào an toàn được đâu khi quốc gia này, đất nước kia đã từng đóng cửa biên giới nhưng tình hình lây lan vẫn diễn biến nghiêm trọng từng ngày. Mọi người đều liên đới và chịu trách nhiệm với nhau trước những hệ lụy của môi trường thiên nhiên vì hít thở chung một bầu không khí, hành vi sai lệch của người này sẽ mang lại hậu quả khó lường cho người kia và ngược lại. Chính biến cố này đang làm rơi mất những mánh khóe chúng ta dùng để ngụy trang ”cái tôi” của chúng ta, luôn lo lắng về hình ảnh của mình; một lần nữa, chúng ta khám thấy điều tốt lành là chúng ta cùng thuộc về nhau, cùng là anh chị em của nhau. Bài giảng của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong buổi ban phép lành Urbi et Orbi, ngày 27/3/2020, cho thấy “ Trong đại dịch, chúng ta thấy mình đang ở trên cùng một con thuyền”. 

Điều tiếp theo là cách sử dụng tài nguyên thiên nhiên của con người đang thể hiện sự bất cập và bất ổn từ việc vận hành và tổ chức trật tự xã hội trong các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, y học..., tất cả dường như đang ra sức “ bóc lột “ và “bức tử” thiên nhiên. Với cuộc cách mạng công nghiệp người ta tạo nên lối sống tiêu thụ, hoang phí. Với sự phát triễn như vũ bão của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, đã xả thải ra môi trường những núi rác công nghiệp và chất, khí thải độc hại, đe dọa sức khỏe và mạng sống con người. Trong nông nghiệp, với lợi ích kinh tế người ta đã đẩy vào môi trường đất, nước nhiều loại thuốc, phân bón độc hại gây ô nhiễm môi trường và kéo theo nhiều bệnh tật, ngộ độc, hiểm họa chết người. Trong kinh tế công nghiệp với máy móc hàng loạt, đã đẩy biết bao người lao động thủ công đi vào tình trạng thất nghiệp, chết đói. Với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa đã vô tình biến những cánh đồng lúa xanh mát, những khu vườn trái cây thành những khu nhà chọc trời nhưng lại mang dáng vẻ của bệnh tật, chết chóc và thiếu sức sống.

 

  • Một vài hành động cụ thể rút ra từ những đau thương

Đừng nghĩ rằng chuyện môi trường chẳng có ảnh hưởng và dính dáng gì đến virus Corona, hãy nhìn những hệ lụy thì biết được nguyên nhân. Việc săn bắn, mua bán trái phép các loại động vật hoang dã để làm thức ăn cho con người cũng chính là một trong những nguyên nhân làm truyền các loại virus từ động vật sang người. Hơn nữa việc tàn phá môi trường, gây biến động khí hậu vô tình đã trở thành môi trường béo bở cho vi khuẩn, virus sống và lan truyền nhanh. Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi con người hãy lắng nghe tiếng kêu của Trái đất và của bao anh chị em con người đang bị bỏ rơi, không được hưởng bầu không khí trong lành, xanh, sạch, đẹp.  Ngài kêu gọi từng người, từng gia đình, địa phương, quốc gia và cộng đồng quốc tế  hãy “hoán cải về môi sinh”, theo kiểu nói của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, nghĩa là “đổi hướng”, đón nhận vẻ đẹp và trách nhiệm dấn thân để “săn sóc ngôi nhà chung”. Việc bảo vệ môi trường của chúng ta không là những công trình nghiên cứu to lớn, nhưng là những hành động tích cực cụ thể hằng ngày, góp phần làm cho hành tinh này là nơi triển nở sự sống, bình an và hoan lạc. Nhận thức đúng, suy nghĩ đúng và đi đến hành động đúng với việc hình thành nếp sống văn minh là điều mà không phải nằm ngoài tầm tay chúng ta. Cụ thể:
 

  • Giảm bớt:

- Sử dụng đủ theo nhu cầu, không để dư thừa.
- Chọn sản phẩm ít dùng bao bì hoặc sản phẩm có thể tái chế lại. Hạn chế sử dụng túi nilon và các loại hộp nhựa.
- Giảm bớt các thực phẩm không rõ nguồn gốc và xuất xứ, nhất là không ăn các loại động vật hoang dã có thể lây truyền mầm bệnh virus, nguy hiểm đến tính mạng con người.
- Tận dụng không gian để trồng rau sạch trong vườn và trồng cây xanh khu vực nhà ở, công sở, những nơi công cộng..., để tạo bầu không khí trong lành cho môi trường.
-  Bỏ rác gọn gàng vào thùng rác và đúng nơi quy định, tránh vứt rác và xác động vật xuống lòng sông, lòng đường, hè phố, công viên...

 

  •  Tiết kiệm:

- Hạn chế sử dụng xe máy, thay vào đó là đi bộ, đi xe đạp nếu thuận tiện.
- Chọn các sản phẩm tiết kiệm năng lượng và an toàn đến môi trường. Dùng bóng đèn và mua các sản phẩm tiết kiệm điện.
- Tiết kiệm điện, nước ở khu vực mình sử dụng, nơi công cộng, những nơi chung của cộng đoàn. Để ý kiểm tra lại các van nước hoặc bóng đèn chiếu sáng và thiết bị điện, quạt trước khi rời khỏi phòng và nơi làm việc. Hạn chế sử dụng máy điều hòa để tiết kiệm điện năng.

 

  •  Tái chế và tái sử dụng:

- Phân loại rác từ đồ nhựa, thủy tinh, giấy, rác phân hủy và tái chế, sửa chữa các vật dụng và tận dụng để sử dụng lại. Tìm cách kéo dài tuổi thọ của sản phẩm hoặc sử dụng các sản phẩm có thể tái sử dụng hoặc có thể tái chế được.

Lời kết
Đại dịch Covid -19 chưa qua đi nhưng chắc chắn sẽ khiến thế giới thay đổi và điều chỉnh rất nhiều điều đang đi lệch từ tâm thức đến hành động, từ cách ứng xử với môi trường thiên nhiên không phù hợp cho đến các phương thức kinh doanh, vấn đề sức khỏe, vận hành cơ cấu thể chế chính trị, thang giá trị của con người. Đặc biệt, trong mối tương quan với Thiên Chúa là chủ tể của vũ trụ, con người cần ý thức mình chỉ là người được Thiên Chúa giao cho cai quản vũ trụ này thôi, không thể lạm quyền mà hành hạ và bức tử thiên nhiên khiến nó phải lên tiếng. Đại dịch nào rồi cũng sẽ hết nhưng những mất mát mà nhân loại đã và đang gánh chịu sẽ trở nên vô cùng giá trị nếu mỗi người chịu lắng nghe và hiểu được những tiếng đã vang lên ấy là dành cho từng người trên Trái đất này chứ không chỉ riêng cho ai, để đừng tham lam, ích kỷ và vô cảm trước nỗi đau của đồng loại và tiếng kêu gào của thiên nhiên. Nếu không, chúng ta sẽ chứng kiến một sự thật phũ phàng mà Mạc Ngôn, nhà văn đoạt giải Nobel của Trung Quốc đã tiên đoán: “Những ngày tháng tốt đẹp của nhân loại không còn nhiều nữa.”

 


[1] Bài viết “Năm 2018- năm của thảm họa thiên nhiên thế giới” trích trên trang mạng https://moitruong.net.vn/nam-2018-nam-cua-tham-hoa-thien-nhien-the-gioi, truy cập ngày 29/3/2020

[2] Đức Giáo hoàng Phanxicô, “Laudata Sí”, Thông điệp về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Chuyển ngữ: Ủy ban Bác ái xã hội – Caritas Việt Nam, số 20-26

[3] Ibid, số 8                                                                                                                                                              

[4] https://www.nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/vi-moi-truong-xanh/item/43717202-dai-dich-covid-19-giup-giam-khi-thai-o-nhiem-va-bai-hoc-sau-do.html, truy cập ngày 26/3/2020

[5] Ibid, số 2                                                                                                                                                              

[6] Trích bài giảng của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong buổi ban phép lành Urbi et Orbi, ngày 27/3/2020, truy cập ngày 29/3/2020

[7] Lm. Cao Gia An, SJ. Chuyện đại dịch Corona- chuyện mắc dịch của lòng người. Nguồn https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2020-02/chuyen-dai-dich-corona-chuyen-mac-dich-cua-long-nguoi.html, truy cập ngày 12/3/2020

Tác giả bài viết: Nt. Mary Nguyễn Hòa (Mến Thánh Giá Qui Nhơn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập45
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm27
  • Hôm nay14,602
  • Tháng hiện tại102,819
  • Tổng lượt truy cập29,082,357

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây