Tuy Hòa kỷ niệm thành hôn theo tháng

Thứ hai - 29/04/2024 05:01
Về dự rằm dương Tuy Hòa. Đã hẹn lòng và hẹn với cha Điệp như thế nhưng đã qua ba lần ngày 15 của năm 2024 rồi vẫn chưa dự được, lần này tôi quyết sắp xếp mọi sự để về tham dự.

Rằm dương đây là chuyện cha Antôn Nguyễn Huy Điệp, cha sở Tuy Hòa đã quyết chiều ngày 15 mỗi tháng sẽ cử hành thánh lễ tạ ơn cho những gia đình có kỷ niệm lễ thành hôn trong tháng. Sáng kiến đã bắt đầu từ mấy cặp tiền phong, trong năm 2023 đã mừng 25 năm, 45 năm… Từ cảm nghiệm bản thân, họ thấy nên quan tâm nâng đỡ các gia đình trẻ vượt khó khăn và quả cảm xây dựng hạnh phúc, cần phải tạo điều kiện để hằng năm họ đều có dịp nhắc lại ân sủng bí tích, đợi 5 năm hoặc 10 năm, có khi đã quá muộn…


Vạn sự khởi đầu nan 
 
Thế là bốn tháng đầu năm 2024, sinh họat giáo xứ Tuy Hòa có một nét mới: Chiều ngày 15 mỗi tháng, trong thánh lễ vào lúc 5g00, cộng đoàn cùng cầu nguyện cho các gia đình có kỷ niệm thành  hôn trong tháng. Từ đầu tháng, cha sở cho niêm yết danh sách các đôi bạn có kỷ niệm, từ một năm cho đến nhiều năm. Phụng vụ thánh lễ vẫn theo như trong lịch, tuy nhiên đầu lễ và trong bài giảng cha chủ tế nhắc đến hạnh phúc lứa đôi, giáo dục gia đình, hội thánh tại gia…

Tháng Giêng, Văn phòng Giáo xứ lục thấy từ năm 1964 tới nay có 213 đôi bạn cử hành bí tích  hôn phối trong tháng Giêng. Khổ nỗi trong sổ không ghi địa chỉ số nhà, cũng không có số điện thoại, chẳng làm sao biết họ thuộc giáo khu nào trong Giáo xứ. Làm xong danh sách, đem niêm yết, chỉ còn 4 hôm nữa đến ngày 15-1. Kết quả: Có 11 đôi hiện diện trong thánh lễ. Với những giáo xứ toàn tòng hoặc những nơi giáo dân sống tập trung gần nhà thờ, các vị chức việc có thể dễ dàng biết rõ các gia đình thuộc phần trách nhiệm của mình, còn ở Tuy Hòa thì khác. Toàn bộ Thành phố rộng lớn chỉ có một giáo xứ duy nhất, các gia đình giáo dân rải rác mất hút giữa phố phường, cho nên phải lập danh sách căn cứ theo sổ hôn phối rồi mới đối chiếu với thực tế.

Tháng 2 dương lịch là mùa Chay, suốt 60 năm, tổng cộng chỉ có 36 đôi hôn phối. Ngày 15 lại nhằm mùng 6 tết. Hôm họp lần đầu về chương trình này, cha Điệp bảo dù chỉ một đôi vẫn có lễ cho họ như thường. Hôm nay thật đúng như vậy, chỉ có một đôi duy nhất hiện diện. Có thể vì chưa quen nên các đôi bạn còn e ngại, cũng có thể do bị trở ngại vì Tết. Dù sao, như đã nói trước, cha xứ vẫn quyết theo đuổi chương trình.

Tháng 3 dương lịch chỉ có 45 đôi. Dù vậy, ngày 15-3 đã có 3 gia đình diện đồ đẹp đi dự lễ. Họ ý thức đây là ngày lễ của mình. Như thế là đã khá phấn khởi cho người tổ chức, tuy nhiên cái khó vẫn là nhiều đôi bạn có tên trong sổ nay đã dọn nhà đi nơi khác, kể cả đã vượt biên sang Tây, sang Mỹ, có những đôi đã chết vợ, chết chồng hoặc hết cả hai…

Tháng 4, tổng cộng có 94 đôi. Rút kinh nghiệm, cha xứ giao cho mỗi vị trưởng giáo khu một bản toàn bộ danh sách các gia đình trong giáo xứ có kỷ niệm hôn phối trong tháng, mỗi vị sẽ nghiên cứu để nhận dạng những đôi nào thuộc giáo khu mình. Xác định được danh tính và địa chỉ rồi, các vị trưởng giáo khu và cả các hội viên Legio Mariae cùng chung sức đi mời các gia đình trong cuộc đi dự lễ.

Nhờ đó, chiều 15-4-2024 đã có hơn mười gia đình tham dự tươm tất. Sau lời chào, cha xứ mời các gia đình có kỷ niệm tiến lên những hàng ghế đầu, con cái ngồi ghế với cha mẹ….

 

 

Những điều đã làm được

 
Từ những thông tin đơn giản trong sổ hôn phối giáo xứ, chỉ sau vài tháng đã dần dần tiến đến minh xác danh sách theo thực tế hiện nay, với đầy đủ địa chỉ nhà và số điện thoại, để nhóm phục vụ hạnh phúc gia đình có thể gặp gỡ, mời gọi và nhắc nhỏ. Nhờ đó, cha xứ và các chức việc trong Hội đồng Giáo xứ biết rõ hơn về hoàn cảnh mục vụ các gia đình trong khu vực…

Nơi thánh lễ ngày 15/4 đã có những chi tiết cần duy trì và phát triển:

- Các gia đình xưng tội chuẩn bị

- Các gia đình đã tích cực tham gia: trang phục chỉnh tề, ngồi theo từng băng ghế.

- Lời giới thiệu, chào mừng và vỗ tay chúc mừng đầu thánh lễ.

- Bài giảng hướng đến ơn bí tích hôn phối, hạnh phúc gia đình, giáo dục gia đình…

- Lời nguyện cho kẻ sống thêm ý tạ ơn và cầu bình an cho những gia đình.
- Lời chúc cuối lễ.

- Chụp hình cuối lễ.

Dù đang ở giai đoạn dò dẫm, đã thấy lóe lên nhiều hy vọng.


Những hứa hẹn
 
Hình thức này tạo thuận lợi cho mọi gia đình, kể cả những nhà đang gặp khó khăn về vật chất vẫn có thể mừng lễ của mình cách giản dị mà ấm cúng. Cả nhà cùng đi lễ, lễ rồi đưa nhau đi ăn quán, chỉ cần ăn chè, ăn phở cũng xong. Sang hơn thì mời bạn hữu cùng đi.

Đã có những người kết hôn vào mấy tháng cuối năm tỏ ra sốt ruột, mong sớm đến lượt mình.

Một số người đã quan tâm chúc mừng các gia đình thuộc giáo khu mình và nhắc họ đi xưng tội rước lễ.

Trong tầm nhìn của người tổ chức, chỉ sau một vài năm, các gia đình có kỷ niệm cùng tháng sẽ quen biết nhau, thấy mình thuộc về một nhóm. Họ có thể chênh lệch từ một năm tới mấy chục năm bỗng trở thành những người bạn, chẳng thấy phân biệt tuổi tác nhưng hơn nữa, chính là nhờ chênh lệch tuổi tác và bề dày cuộc sống, những nhóm bạn “vong niên giao” chia sẻ kinh nghiệm với nhau và an ủi, nâng đỡ nhau.


Tại sao lại ngày 15?
 
Ngay trong buổi họp đầu tiên cha Điệp đã quyết định chọn ngày 15 hằng tháng. Tại sao lại ngày 15? Đó là ngày giữa tháng, khỏi ai thấy bị thiệt thòi. Lại có được hai tuần kịp để nọi người kịp xem thông báo, thông tin cho nhau, chúc mừng nhau; nhóm tổ chức kịp xoay trở công việc; những người trong cuộc sẽ kịp chuẩn bị xưng tội, rước lễ, dọn lòng mừng lễ. Bất kể theo lịch phụng vụ, hôm ấy là lễ nhớ, lễ kính hay lễ trọng, cha xứ vẫn có thể dâng lễ theo ý tạ ơn và cầu bình an cho các gia đình có kỷ niệm trong tháng. Chỉ có trở ngại nếu gặp lễ an táng, nhưng lễ an táng không khi nào cử hành vào 5 giờ chiều!

Cần phải là một ngày cố định, mọi người mới dễ nhớ. Cứ rút kinh nghiệm từ lễ các Thánh TĐVN thì rõ. Đã 36 năm rồi, lễ các Thánh TĐVN vẫn chưa thành lễ hội. Lễ ấy cứ xê dịch liên tục từng năm, giáo dân không ai nhớ nó nhằm ngày nào thì làm sao lương dân có thể biết đến các Thánh TĐVN mà kính tôn hay cầu khẩn? Còn tại Tuy Hòa, chỉ mới 4 tháng, ngày 15 đã bắt đầu đi vào câu chuyện đầu môi của giáo dân!

Bên Nhật, Hội đồng Giám mục Nhật Bản đã chấp thuận để các cha sở có thể cử hành hôn phối theo nghi thức Công giáo cho các đôi bạn ngoài Công giáo. Tại Việt Nam, nếu có một ngày cố định để bồi đắp yêu thương và hạnh phúc cho các gia đình, thì rồi sẽ không ít những đôi bạn ngoài Công giáo rủ nhau mừng kỷ niệm thành hôn theo tháng vào ngày 15 và cổ họ còn theo bạn hữu Công giáo cùng đưa nhau đến nhà thờ cầu nguyện vào dịp này.


Những điều sẽ làm trong các tháng tới
 
Buổi tối, tôi gọi điện hỏi thăm một số người.

Chị Bích Cẩm, trưởng nhóm giáo lý viên: Có những gia đình nhập cư, không có tên trong sổ hôn phối giáo xứ. Cần nhờ các giáo lý viên làm một phiếu xin các em hỏi ngày kỷ niệm hôn phối của bố mẹ để các em ý thức, cầu nguyện cho bố mẹ, sống ngoan làm hài lòng bố mẹ như nghĩa cử mừng lễ, tặng hoa và chúc mừng bố mẹ…

Khá khuya, cha xứ và tôi cùng ngồi trao đổi hướng về lần tới. Cha cho biết mấy tháng qua, Hội đồng Giáo xứ đang dự khóa tập huấn và chờ phân công lại; sắp tới cha sẽ kiện toàn Ban Tổ chức: Ủy viên Mục vụ Gia đình sẽ liên kết với các ủy viên Truyền thông, Phụng vụ và Loan báo Tin mừng và làm việc với các vị trưởng các giáo khu.

Một số việc sẽ cần làm:

- Bàn tiếp đón nhờ các nữ tu cùng với Legio Mariae tham gia phục vụ: Ghi danh, điều chỉnh thông tin, cài hoa hoặc phù hiệu, tặng quà lưu niệm (sách)…

- Thắt nơ hoặc dán giấy “ghế dành riêng”.

- Soạn một bộ lời nguyện tín hữu cho thánh lễ này.

- Mời các cha trong Hạt lần lượt tham gia chủ lễ, giảng lễ… Sự hiện diện của các cha khách sẽ giúp mọi người trong giáo xứ, cách riêng là những gia đình mừng kỷ niệm, thấy thánh lễ trở nên trang trọng hơn.

***
Sau lễ sáng ngày 16-4, tôi đón gặp anh chị Nhơn Sương là đôi bạn có kỷ niệm 45 năm trước đây,. Anh Nhơn có thêm một ý mới: đề nghị những gia đình đến dự lễ đem theo một cành hoa góp chung thành bó hoa dâng tiến Mẹ Maria để xin Mẹ kết nối họ thành nhóm. Hơn 45 năm hôn phối, anh chị đã nhận đỡ đầu rửa tội rất nhiều. Nhân thánh lễ chiều hôm qua, anh chị cũng thấy cần cập nhật lại thông tin về những người con thiêng liêng, hầu hết nay đều ở xa, để gọi điện chúc mừng dịp kỷ niện lễ thành hôn và nhắc nhở họ.

Những người không có tên trong danh sách (hôn phối ở nơi khác rồi mới tới Tuy Hòa sau), có những đôi mời bạn bè đi lễ, có đôi bên tân tòng sốt sắng hơn

Đang khi chờ xe về lại Quy Nhơn, tôi trao đổi với chị Mộng Hằng, phụ trách Văn phòng Giáo xứ và chị Lợi, trưởng Legio. Chị Hằng cho biết: Cha Điệp từng là Trưởng ban mục vụ của Gíao phận về Gia đình cho nên ngài rất quan tâm… Tôi gợi ý chị nên làm sẵn danh sách cả 12 tháng và nhờ các vị trưởng giáo khu kiểm tra, bổ sung sđt, địa chỉ nhà… ; Ban Tổ chức cần nghiên cứu danh sách, tìm ra một số đôi bạn năng động, có tinh thần chung, làm hạt nhân cho mỗi tháng, liên kết những đôi bạn có kỷ niệm cùng tháng.

Nên thiết kế thiệp mừng và là thiệp mời để các chức việc và hội viên Legio trao tay, dễ đi vào trọng tâm câu chuyện.

Chị Lợi chia sẻ một số công việc liên quan của các hội viên Legio trong tháng qua và cho biết Thứ Bảy này họp Curia sẽ xin mọi người góp kinh nghiệm và ý kiến.

Điều khiến tôi vui mừng và hy vọng là được thấy nơi các tầng lớp khác nhau trong giáo xứ đang có nhiều người cùng một cảm hứng, cùng quan tâm. Thật là một hình ảnh rất thật về hiệp hành và hợp tác khi các ban ngành đoàn thể cùng tập trung vào một mục đích chung: vun vén, nâng cao và giữ bền hạnh phúc các gia đình. Theo cách nói của Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Năng, đây là một sáng kiến có sức truyền cảm hứng sống đạo cho các gia đình.


Nhúm men Tin mừng
 
Cha xứ Antôn Nguyễn Huy Điệp tỏ ra rất lạc quan, hy vọng chỉ qua một năm, sinh hoạt này sẽ bắt đầu đi vào nếp sống các gia đình trong giáo xứ. Nó sẽ tạo nên bầu khí ấm áp, mọi người trong giáo xứ cùng giúp nhau giữ gìn chăm sóc, bồi đắp cho hạnh phúc các gia đình. Giữa lúc trên mạng xã hội ngày nào cũng toàn tin buồn cho các gia đình, bầu khí nhộn nhịp yêu thương và hiệp nhất quanh thánh đường sẽ làm cho hạnh phúc gia đình được nảy nở hơn, bền vững hơn. Bầu khí sẽ sớm lan tỏa đến cả những gia đình bạn hữu người lương để xóa mờ những hình ảnh ảm đạm, buồn thảm trên truyền thông xã hội.

Từ nửa thế kỷ qua, số giáo dân Công giáo Việt Nam vẫn chỉ xê xích ở mức độ hơn 7 triệu người. Đang khi đó, theo những ước tính đáng tin cậy, với tốc độ tăng trưởng những thập niên gần đây, năm 2033, số tín hữu Tin Lành Việt Nam có thể sẽ vượt con số 8 triệu người.

Các nỗ lực phục vụ hạnh phúc các gia đình, trong đó có kế hoạch rằm dương không nhằm chạy đua về số lượng nhưng về phẩm chất của hạnh phúc gia đình trong đức tin, mà có lẽ đây mới là điều hết sức cần cho Hội thánh Công giáo Việt Nam hiện nay. Hy vọng, từng bước, nỗ lực này sẽ tạo sức bật cả cho sự tăng trưởng về số lượng.

 

Tác giả bài viết: Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập115
  • Máy chủ tìm kiếm72
  • Khách viếng thăm43
  • Hôm nay19,734
  • Tháng hiện tại312,945
  • Tổng lượt truy cập29,292,483

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây