Câu chuyện cái cân

Thứ năm - 16/04/2020 08:20

CÂU CHUYỆN CÁI CÂN

                                                                                     
Tôi được sinh ra từ hư vô, rồi cũng từ hư vô tôi được tượng hình từ những phân tử cực nhỏ, với sự sắp xếp tài tình của Đấng Tạo Hóa cuộc sống tôi trở thành những mảnh nhôm, mảnh thiết, mảnh sắt vô tri. Con người đã mua tôi về, họ vừa dùng tay vừa dùng máy móc để biến tôi thành những “cân bàn/ bàn cân” đem kết quả số lượng để phục vụ con người khi cân đo đong đếm. Họ trang điểm tôi bằng những màu sơn thanh nhã, họ đặt tôi trong cửa tiệm, để khách hàng ngắm nhìn tôi và chọn mua tôi khi họ có nhu cầu đo lường. Khi khách hàng mang tôi về, kể từ đó tôi thuộc về họ, họ có quyền đặt lên vai tôi đủ thứ đồ vật, có khi chính con người cũng trèo đứng trên vai tôi. Ngày tháng qua, tôi âm thầm với thân phận mình, và nghĩ đời tôi đơn giản vậy thôi.

Bỗng dưng vào một ngày thượng tuần tháng Tư, năm 2011, đài Vatican phát sóng lúc 06g15 sáng, tôi nghe có tên mình trong đề tài của sự “bình tâm”. Từ đó tôi thấy cuộc đời tôi thật ý vị hơn. Vị xướng ngôn viên hôm đó nói rằng: sự bình tâm được sánh ví như sự quân bình của cái cân, sau khi bị vật nặng đè lên, kim chỉ số của cân chao đảo, nhưng cố gắng làm phận vụ của mình là cho kết quả trọng lượng của vật mà người đang cân muốn biết, rồi kim của cân hiên ngang trở về vị trí quân bình của nó.

Theo cái nhìn của thần học thì bình tâm là nhạy bén bắt được ý Chúa trong mọi biến cố và luôn đáp trả lại bằng việc thực thi ý Chúa. Như Đức Kitô đã nói: “Lạy Cha nếu có thể được thì xin cho con khỏi uống chén này, nhưng xin đừng theo ý con, một vâng theo ý Cha đã định”. Thánh I Nhã có lần đã nói, sự bình tâm đã giúp tôi bình thản trong thánh ý Chúa, ngay cả nếu Chúa bảo tôi chọn lựa giữa sự khỏe mạnh và yếu đau, tôi cũng không chọn bên nào, để tùy tiện Người sắp đặt cho tôi để chương trình của Thiên Chúa được  thể hiện[1].

Bình tâm khác với bình an. Nếu không có bình tâm thì sẽ chẳng có bình an. Bình tâm (Calm, cool-headed):bình tĩnh, yên tĩnh; trước khó khăn vẫn bình tĩnh[2].Bình an (peace) an tịnh, bình tịnh, hạnh phúc[3]; hòa thuận, yên tĩnh, thanh bình[4] Bình an là một nhu cầu thiết yếu cho đời sống thể lý, đời sống thiêng liêng và đời sống tâm linh của con người. Bởi vậy, sau khi phục sinh Chúa Giêsu đã chúc nhiều lần: “Bình an cho anh em” (Lc 24: 36b; Gn 20: 19b, 21b, 26b).

Sau khi nghe biết phạm trù của bình tâm, tôi-cái cân-mỉm cười và nghĩ rằng: mình cũng phần nào giống con người, họ cũng tạo thành từ hư vô hay từ cát bụi, rồi họ cũng trở về hư vô và cát bụi. Con người chỉ hơn loài vô tri chúng tôi ở phần thể lý, tinh thần, tâm hồn và đời sống tâm linh. Tôi,  tuy loài vô tri, tôi cũng hãnh diện khi sống đúng căn tính của tôi là giữ cán cân thăng bằng. Kim chỉ số của tôi, sau khi cân vật gì, liền trở về con số không được mặt định cho công bằng-công lý ở mức này. Tôi luôn luôn giữ đúng vị trí và chức năng của mình, nếu có khi nào tôi bị chê là “cân già” hay “cân non” là vì tôi bị áp lực bên ngoài, họ kéo-xô-đẩy tôi về sự bất công đó, còn chính tôi không bao giờ tôi tự ý đặt mình ở chỗ sai trái đó. Hơn thế nữa, tôi cũng không thể kháng cự để bênh vực giúp cho công lý và sự thật được chứng minh bằng quyền tự do đích thực của chính mình, bởi vì giới hạn của tôi là “vô tri”, đâu phải là “hữu thể”. Nói vậy tôi có ý đề cao và chúc mừng con người có tự do, có lý trí và ý chí, có ơn mạc khải, có quả tim để yêu và biết đáp trả tình yêu. Các yếu tố này làm nên căn tính của con người.

Con người muốn sống đúng căn tính của mình họ phải bình tâm. Nói cách khác, trước những biến động của cuộc sống, dù vui hay buồn, dù thành công hay thất bại, dù mạnh khỏe hay yếu đau con người vẫn điềm tĩnh đón nhận và trung thành để sau phút giây ngỡ ngàng của thử thách họ lập tức trở lại trạng thái quân bình. Bầu khí quân bình này được bảo trì bởi một thành trì nội tâm kiên cố, nơi đây ánh sáng công lý của mạc khải từ Vị Thủ lãnh của thành trì chiếu soi, hun đúc chí can trưòng khiến con người trung kiên dù có bị xô xát hoặc mất mác thiệt thòi. Được như thế là vì họ tin chắc rằng Thiên Chúa - Vị Thủ lãnh -  của họ là Đấng Công Bằng sẽ trả lại gấp trăm điều họ đã  tin tưởng  và dâng hiến cho Ngài.

Triết gia Socrate đạt được sự bình tâm nên dù gặp phải người vợ hay cằn nhằn ông vẫn an vui. Một lần kia bạn của ông đến nhà chơi, vợ ông đem thau nước tạc vào mặt ông, ông điềm nhiên đáp: “Sau cơn mưa trời lại sáng”. Thiền sư nọ đắc đạo trong tu luyện nên luôn an bình trong thế thái nhân tình. Dù ẩn tu trên núi, một ngày kia thiền sư cũng bị một thiếu nữ mang con trẻ tới bảo là con của thiền sư, thiền sư nhận đứa bé nuôi và chỉ nói với cô ấy “thế à”. Một thời gian sau cô này hối lỗi đến với vị thiền sư thú nhận mình đã nói dối và xin nhận lại đứa bé, vì thiền sư gởi lại đứa bé cho cô và cũng chỉ nói “thế à”. Chúa Giêsu, dù là Thiên Chúa, đã bị bao nhiêu người chống đối, vu oan, đánh đập và giết chết… đứng trước sự vô ơn tệ bạc này, Chúa Giêsu điềm tĩnh đánh thức lương tâm của con người qua Lời “nếu tôi nói sai thì chỉ cho tôi sai ở chỗ nào, nếu tôi nói đúng thì sao lại đánh tôi?

Cuối cùng, cái cân xin kính chúc “con người” được bình tâm, để sống đúng căn tính ơn gọi cao quí là “làm người”, để có sự bình an thật sự mà Chúa Phục Sinh đã tha thiết chúc tặng, sự bình an mà trong phụng vụ thánh lễ mỗi ngày Chủ tế đã không ngừng mời gọi “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”. Đặc biệt trong thánh lễ NGÀY KHẤN DÒNG, người được thánh hiến cảm nhận một sự bình an huyền nhiệm, sự bình an đan dệt từ những năm tháng chuẩn bị trong sự vượt khó, trong sự ước nguyện mãi trung thành với giao ước tình yêu. Ước gì bình an này được trải dài trong ngày tháng tiếp nối, dù trên biển đời có bão táp cuồng phong, tận chiều sâu của cõi lòng con người được thánh hiến vẫn bình lặng, hạnh phúc bên Bạn Tình Giêsu trong ý nghĩa của bình tâm: “Này con xin đến để thi hành Thánh Ý Cha”.


[1] Phỏng ý từ Đài Vatican , phát thanh vào  tháng Tư, 2011.

[2] Quang Hùng và một số tác giả. Từ  điển Việt Anh. NXB: Từ Điển Bách Khoa, 2006, tr. 91.

[3] Nhóm phiên dịch tu sĩ Đài Loan , Tự điển thần học tín lý Anh Việt, , 1996., tr.180

[4] Hợp Tuyển Thần Học, Từ Vựng  Triêt Thần Căn Bản, France, tr.172

Tác giả bài viết: Sr. Mary V. Tuyết (MTG. Qui Nhơn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập49
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm32
  • Hôm nay22,286
  • Tháng hiện tại573,742
  • Tổng lượt truy cập28,889,111

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây