Bài giảng Lễ An táng Cha Giuse Võ Tuấn

Thứ sáu - 05/04/2024 10:27
BÀI GIẢNG LỄ AN TÁNG CHA GIUSE VÕ TUẤN
Ngày 05 tháng 4 năm 2024 tại nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn

Chỉ trong vòng một tháng rưỡi, Giáo phận Qui Nhơn đã chịu 2 đại tang của 2 linh mục. Vào ngày 18 tháng 02 năm 2024, cha Phaolô Trịnh Duy Ri đã qua đời vì bệnh suy thận. Vừa qua, ngày 03 tháng 4 năm 2024, đến lượt cha Giuse Võ Tuấn qua đời vì bệnh tim mạch. Hai cha đều xuất thân từ chủng viện Qui Nhơn, trên dưới nhau một lớp và cả hai đều qua đời trong độ tuổi 66.

Cha Giuse Võ Tuấn gia nhập tiểu chủng viện Qui Nhơn năm 1970 trong dáng dấp của một cậu bé mảnh khảnh. Năm 1975, vì lý do thời cuộc, chủng viện Qui Nhơn buộc phải giải tán, lúc ấy chú chủng sinh Võ Tuấn đang học lớp 10 và may mắn cho chú là từ lớp chú trở lên được tiếp tục ở lại chủng viện. Tại đây chủng sinh Võ Tuấn tiếp tục học chương trình phổ thông và chương trình đại chủng viện. Cuộc sống thật nặng nhọc vì các thầy vừa học vừa lao động để kiếm sống: trồng rau tại nhà và làm ruộng muối tại cánh đồng muối của giáo phận tại Đông Định, nay là khu vực Hà Thanh thuộc phần mở rộng của thành phố Qui Nhơn. Đến năm 1983, chủng viện lại bị giải tán và lần này sự may mắn đã không mỉm cười với thầy: thầy phải về sống với gia đình tại khu dân cư phía sau chủng viện. Tuy nhiên, được sự cho phép của Bề trên giáo phận, thầy có một chỗ trú ngụ không công khai tại nhà kho của chủng viện, với một chiếc giường được kê chung với những vật dụng ngổn ngang trong kho. Đó là góc khuất riêng tư của thầy suốt 15 năm trường.

Chính tại góc khuất này thầy Giuse Võ Tuấn đã đóng góp cho giáo phận những tác phẩm nghệ thuật. Thầy được Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các giao nhiệm vụ tạc tượng hai thánh tử đạo của giáo phận là Thánh Giám mục Stêphanô Cuenot Thể và thánh Trùm Cả Anrê Nguyễn Kim Thông. Ngoài ra thầy còn tạc một vài tượng khác cho các nhà thờ trong giáo phận. Nhà kho chủng viện bỗng dưng trở thành xưởng thợ như xưởng thợ của Thánh Giuse, Bổn mạng của thầy, tại Nadaret ngày xưa. Ngoài năng khiếu thẩm mỹ về điêu khắc, thầy Giuse còn có tài về thơ và nhạc. Cũng chính tại nhà kho này, thầy đã dùng nhiều thời gian suy niệm để sáng tác những bài suy niệm Lời Chúa bằng thơ và những bản thánh ca dưới bút danh La Thập Tự. Theo các nhà chuyên môn về âm nhạc, tất cả các nhạc cụ bộ dây trong dàn nhạc giao hưởng đều có dây La. Nốt La cũng là âm chuẩn để lên dây cho các nhạc cụ khác trong dàn nhạc. Như vậy, khi nối kết âm chuẩn La với cây Thập tự, nhạc sĩ La Thập Tự rõ ràng đã muốn nối kết dòng nhạc chính của cuộc đời mình với mầu nhiệm Thập giá của Đức Kitô.

Cũng chính từ mầu nhiệm Thập giá ấy, cuộc đời của thầy Giuse Võ Tuấn bắt đầu nở hoa. Mùa hè năm 1998, Thiên Chúa đã phá vỡ thế bế tắc kéo dài suốt 15 năm trường trong nhà kho chủng viện và kêu gọi thầy gia nhập hàng tư tế của Chúa qua chức linh mục. Từ đây cha Giuse hăm hở bước theo Chúa trên bước đường phục vụ giáo phận: từ cha sở Đại Bình đến cha sở Phù Mỹ rồi kiêm hạt trưởng Bồng Sơn, từ cha sở Phù Mỹ kiêm hạt trưởng Bồng Sơn đến cha sở Quảng Ngãi kiêm hạt trưởng Quảng Ngãi. Mặc dù công việc nặng nề, nhưng lúc nào cha cũng có nụ cười thoải mái trên môi, nụ cười đặc trưng mà cha đã kế thừa từ bà cố thân mẫu của cha. Cha có sở thích một mình lái xe máy không những trong địa bàn giáo phận, mà còn trên cả nước như một anh hùng xa lộ thứ thiệt.

Cứ tưởng rằng từ đây mọi bế tắc đã lùi về dĩ vãng, nhưng đùng một cái, vào chính ngày lễ kính Thánh Giuse Quan thầy của cha, ngày 19 tháng 3 năm nay, khi mọi lời chúc mừng còn chưa kết thúc, cha đã cảm thấy một cái gì đó bế tắc ở ngực. Cha đi khám bệnh và kết quả cho thấy quả tim của cha có vấn đề với những động mạch vành hầu hết đều bị xơ vữa và bế tắc. Thế là cha được đưa đi điều trị tại bệnh viện Trung ương Huế, nơi có nhiều bác sĩ chuyên khoa về tim mạch. Vì lý do y thuật, các bác sĩ chưa có thể giải phẫu ngay mà phải chờ đợi hơn một tuần. Trong thời gian đó cha vẫn tỉnh táo vui vẻ. Ngày 25 tháng 3, tức 3 ngày trước khi giải phẫu, tôi gọi điện thoại thăm cha đang nằm trên giường bệnh và cha vẫn nói cười thoải mái. Nhưng có một điều kỳ lạ, cũng chính ngày hôm ấy, cha đã gửi về các nữ tu Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương một đoạn Youtube chứa đựng một thánh ca ngắn có tựa đề “Nỗi đau đời tu 09”, được cha sáng tác cách đây 2 năm, trong đó có những đoạn như sau: “Tình Ngài theo mãi bên tôi không một lời nhưng tôi khờ dại. Tình của Ngài vò xé tim tôi, đau thật nhiều sao vẫn cứ yêu, yêu Ngài trên sông cuộc đời như con đò đầy trôi đi lạc loài... Rồi đây tháng năm không còn thấy mặt người thân. Cuộc đời này chia cách thân tôi... Hãy giết tôi đi, hãy giết tôi đi cho hôm nay tôi sống bên Ngài”.

Phải chăng khúc nhạc ấy báo trước chặng đường thập giá và cái chết mà Chúa Giêsu muốn mời gọi cha bước vào với Người. Ngày cha được giải phẫu và bắt đầu rơi vào hôn mê đúng vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28 tháng 3. Nội trong ngày hôm ấy cha phải trải qua 3 cuộc giải phẫu liên tục từ sáng cho đến tối. Các bác sĩ phải áp dụng phương pháp ECMO để dùng máy thay thế hoạt động của tim và phổi. Tuy nhiên có lúc tim cha ngưng đập cả tiếng đồng hồ, nên cha còn phải trải qua vài lần phẫu thuật phụ nữa. Vì thế tim của cha ngày càng yếu, kéo theo sự suy nhược của các bộ phận khác, khiến cho sức sống của cha càng lúc càng cạn kiệt và mặc dù với sự gửi gắm của ông Phaolô Huỳnh Kim Lập, các bác sĩ đã tận tình còn nước còn tát, nhưng cha đã ra đi theo tiếng gọi cuối cùng của Chúa lúc 9 giờ 30 phút ngày 03 tháng 4 năm 2024, nhằm ngày Thứ Tư kính Thánh Giuse, Bổn mạng của cha.

Người ta vẫn thường nói : ra đi là chết đi trong lòng một ít, đó là khi nói về những cuộc ra đi có hẹn ngày tái ngộ không xa và trong mức độ có thể thực hiện được. Nhưng đứng trước sự ra đi vĩnh viễn của cha Giuse hôm nay, chắc chắn cái chết trong lòng ấy không phải là một ít, nhưng rất nhiều, rất lớn, đối với những người thân yêu là tất cả chúng ta. Đứng trước cái chết của cha có lẽ con tim của chúng ta giờ đây đang se lại vì đau đớn, hoặc đang đập những nhịp bồi hồi vì xao xuyến.

Thiên Chúa không vui gì khi nhân loại phải đau khổ và phải chết. Nhưng Người không đến để tiêu diệt đau khổ và cái chết, bởi vì đau khổ và cái chết thuộc về thân phận của con người hữu hạn và bất toàn. Vì yêu thương nhân loại đau khổ, Người đã thân hành đến trần gian để chia sẻ nỗi đau khổ của con người. Người có đủ sức mạnh để chống lại vua Hêrôđê đang tìm cách sát hại Người, nhưng Người chấp nhận chạy trốn cách gấp gáp trong đêm tối. Người có đủ quyền năng để thoát khỏi cái chết trên thập giá, nhưng Người đã sẵn sàng chấp nhận cái chết khổ nhục ấy, để từ đây trong bất kỳ sự đau khổ nào của nhân loại cũng có sự hiện diện của Người.

Trong bài đọc thứ nhất trích sách Khôn Ngoan, nhà hiền triết Do-thái uyên thâm văn hóa Hy-lạp đã thổi vào cảnh chết chóc bi ai của những người công chính một luồng gió mát đượm đầy hương vị đức tin: “Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và nỗi khốn khổ của sự chết không đụng tới các ngài. Đối với mắt người không hiểu, thì các ngài đã chết và việc các ngài ra đi bị coi là bất hạnh, việc các ngài lìa xa chúng ta là rơi vào cảnh diệt vong. Nhưng thật ra các ngài đang hưởng bình an” (Kn 3,1-3).

Bước sang trang Tin Mừng theo Thánh Gioan, trước khi ra đi chịu chết để chia sẻ thân phận con người và nhất là để cứu độ con người khỏi xiềng xích sự chết, Chúa Giêsu đã tha thiết dâng lên Thiên Chúa Cha một lời cầu nguyện tuyệt vời cho các môn đệ của Người: “Lạy Cha, những người Cha ban cho con, thì con muốn rằng con ở đâu họ cũng ở đấy với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu mến con trước khi tạo thành thế gian” (Ga 17,24).

Chúa Giêsu không những xem các môn đệ là bạn hữu của Người chứ không phải là những tôi tớ, giờ đây Người còn xem các môn đệ là quà tặng, là kho tàng, mà Thiên Chúa Cha đã ưu ái ban cho Người, khi Người gọi các môn đệ là “những người Cha ban cho con”. Nhận được quà tặng, không ai mà không cảm thấy vui mừng. Không ngờ con người lại trở thành quà tặng cho một vị Thiên Chúa, một quà tặng quí báu đến độ Người phải liều mạng sống để giữ lấy nó. Chúa Giêsu đã nâng các môn đệ của Người lên cao biết bao, cao cho đến tận trái tim của Người. Chính thánh Gioan, người môn đệ đã từng áp đầu vào ngực Chúa Giêsu trong bữa Tiệc ly, đã khám phá ra điều ấy và đã ghi lại cho chúng ta. Vì yêu thương các môn đệ như thế, nên Chúa Giêsu ước ao cho các môn đệ sau khi đã ở với Người trong những giây phút đau thương tủi nhục, thì cũng mãi mãi được ở với Người trong ánh vinh quang của Chúa Cha.

Một cách nào đó có thể nói cha Giuse đã chịu đóng đinh vào thập giá giường bệnh từ Tuần Thánh tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa sang Tuần Bát nhật Phục sinh. Cha đã thực sự chết như Đức Kitô về phần xác, nhưng chúng ta tin rằng cha cùng được sống với Chúa về phần linh hồn, như thánh Phaolô tông đồ đã khẳng định trong bức thư thứ hai gửi Thánh Timôthê: “Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta cũng sẽ được cùng sống với Người; nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người” (2Tm 2,11-12). Chúng ta hãy phó dâng linh hồn cha Giuse thân yêu của chúng ta cho lòng nhân từ vô biên của Chúa và tiếp tục cầu nguyện cho cha.

 

Tác giả bài viết: Giám mục Matthêô Nguyễn Văn Khôi

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập35
  • Máy chủ tìm kiếm20
  • Khách viếng thăm15
  • Hôm nay27,427
  • Tháng hiện tại647,637
  • Tổng lượt truy cập28,963,006

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây