Bài giảng lễ khấn Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương

Thứ năm - 08/07/2021 08:59

LỄ TUYÊN KHẤN LẦN ĐẦU VÀ TRỌN ĐỜI
Hội Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương
tại nhà nguyện Chủng viện Làng Sông
ngày 08.07.2021


BÀI GIẢNG
(Hc 3,17-24; Rm 12,9-18; Lc 14,7-14)

Hôm nay, do hoàn cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp nơi, lần đầu tiên Hội dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương của Giáo phận Qui Nhơn cử hành thánh lễ khấn dòng tại nguyện đường Tiểu Chủng Viện Làng Sông, vừa là Nhà Tổ của Giáo phận, vừa là nơi mà từ 9 năm qua đã được dùng làm nhà nguyện của Hội dòng. Chính tại nơi đây, hằng ngày các chị em của Hội dòng tụ họp để gặp gỡ Chúa qua những giờ cầu nguyện, dâng lễ, chầu Thánh Thể, và hôm nay lại cùng nhau dâng lễ để tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho 7 chị em tuyên khấn trọn đời:
Song Vân, Mai Hợp, Bùi Nhung,
Nhi Nữ, Ly Khiết, Nguyễn Ngoan, Ánh Hồng.

và 9 chị em tuyên khấn lần đầu:
        Nguyễn Hà, Thân Nguyệt, Thúy Xinh,
        Hồng Châu, Yến, Yến, Tuyết, Trâm, Thanh Huyền

Trước mặt Thiên Chúa, Đại diện Giáo hội và cộng đoàn, các chị em sẽ khấn giữ đức khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục theo gương Chúa Kitô, với danh xưng là Nữ tỳ Chúa Giêsu Tình Thương. Đó là ba lời khuyên Phúc âm mà Chúa Giêsu dành cho những người được Chúa kêu gọi để sống cuộc đời thánh hiến hầu đạt đến sự trọn lành. Linh đạo mà các chị em tự nguyện bước theo để trở nên giống Chúa Giêsu là tinh thần khiêm hạ mà chính Người đã sống và nêu gương qua mầu nhiệm Nhập thể, khi Người từ bỏ địa vị cao cả của một Vị Thiên Chúa để mang lấy thân phận thấp hèn của phàm nhân và tự trở thành tôi tớ hiến thân phục vụ mọi người.

Noi gương Đức Kitô và theo lời dạy của tác giả sách Huấn Ca trong bài đọc 1 hôm nay, trước hết các chị em hãy tập sống khiêm nhường. "Khiêm" là khiêm tốn, "nhường" là nhường nhịn: ai nhất thì tôi thứ nhì, ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba. Các chị em hãy luôn hạ mình trong mọi sự thì sẽ đẹp lòng Chúa và được Chúa yêu thương, vì Chúa ghét kẻ kiêu căng, nhưng yêu thương những kẻ khiêm nhường. Hãy thi hành mọi công việc cách hiền hòa, đừng tìm kiếm những gì lớn lao vượt quá sức mình, cũng đừng ôm đồm nhiều việc, dường như thể chỉ có mình làm được, còn người khác thì không. Thánh Phaolô trong bài đọc 2 hôm nay cũng dạy hãy coi người khác trọng hơn mình; đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những điều hèn mọn.

Bài học về sự khiêm nhường đã được chính Chúa Giêsu thực hiện trong cuộc đời của Người và được truyền đến chúng ta qua lời giáo huấn của Người. Trong đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa đã dạy các môn đệ hãy ngồi vào chỗ rốt hết, vì ai nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên. Chỗ rốt hết là chỗ của các tôi tớ, của các nữ tỳ. Nhưng chính Chúa là người nhắc chúng ta lên hàng bạn hữu của Người, như Người đã nói với các môn đệ: "Thầy không còn gọi các con là tôi tớ..., nhưng Thầy gọi các con là bạn hữu" (Ga 15,15).

Khiêm nhường đi liền với phục vụ, đó là hai đức tính của người tôi tớ, của người nữ tỳ, theo gương Chúa Kitô. Có những người từ chối mọi công việc được giao, lấy cớ là mình không đủ khả năng. Đó không phải là người khiêm nhường thực sự, bởi vì họ từ chối việc phục vụ vốn là công việc của người tôi tớ. Người khiêm nhường thực sự là người chân thành nhìn nhận những yếu kém của mình, nhưng đồng thời cũng sẵn lòng thi hành những công việc được giao với sự cố gắng hết mình, tin vào sự trợ giúp của Thiên Chúa và sẵn sàng đón nhận những phê bình góp ý và sửa chữa để có thể phục vụ tốt hơn.

Tuy nhiên, không thể khiêm nhường và phục vụ nếu không có tình yêu. Chính vì yêu thương nhân loại mà Con Thiên Chúa đã tự hạ mình chấp nhận thân phận của một người tôi tớ để phục vụ mọi người. Trong bữa tiệc ly, Đức Kitô đã làm cho các môn đệ ngỡ ngàng đến độ không thể tin nổi khi chính Người quì gối rửa chân cho các môn đệ. Đó là một bài học sống động về tình yêu phục vụ trong khiêm tốn mà Ngôi Hai Thiên Chúa đã để lại cho trần gian: "Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho các con, để các con cũng làm như Thầy đã làm cho các con" (Ga 13,14-15). Lời dạy và mẫu gương cảm động của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly là một cách minh họa hùng hồn cho lời nhắn nhủ hãy "ngồi vào chỗ cuối" (Lc 14,10) trong đoạn Tin mừng hôm nay. Hình ảnh rửa chân và câu khẩu hiệu "ngồi vào chỗ cuối" đã được kết hợp lại trong logo của Hội dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương.

Hôm nay, khi tuyên khấn trong Hội dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương, 7 chị em khấn trọn đời và 9 chị em khấn lần đầu cũng muốn theo gương Chúa Giêsu để trở thành những nữ tỳ khiêm hạ dấn thân phục vụ tha nhân bằng tình yêu thương. Tình yêu thương đối với tha nhân ấy bắt nguồn từ đức ái trọn hảo đối với Thiên Chúa, trước hết là để đáp lại tình yêu vô cùng lớn lao mà Thiên Chúa đã thể hiện đối với mỗi người, sau nữa là để bắt chước Thiên Chúa thể hiện tình thương đối với những người nghèo hèn, đau khổ, bệnh tật, bị bỏ rơi, không nơi nương tựa, những người xa cách Chúa vì tội lỗi, v.v. Đó cũng là con đường truyền giáo mà chính Chúa Giêsu ngày xưa đã áp dụng và hiện nay các chị em Nữ Tỳ cũng muốn tiếp tục trên quê hương Việt Nam còn nhiều đau khổ.

Trong Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến, số 83, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói về sứ vụ của những người sống đời thánh hiến bằng những lời dường như dành riêng cho Hội dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương:
"Giáo Hội khen ngợi và tri ân nhìn đến nhiều con người sống đời thánh hiến, bằng việc chăm sóc cho các thành phần bệnh tật và đau khổ, đang góp phần một cách đặc biệt vào sứ vụ truyền giáo của mình. Họ thi hành thừa tác vụ tình thương của Chúa Kitô... Những ai sống đời thánh hiến dấn thân cho thừa tác vụ này theo đặc sủng của hội dòng mình cần phải kiên trì trong việc làm chứng tình yêu của mình đối với những người bệnh hoạn, hiến mình phục vụ họ bằng một niềm thông cảm sâu xa. Nơi thừa tác vụ này của mình, họ cần phải đặc biệt ưu tiên đối với thành phần nghèo khổ nhất và những ai bị bỏ rơi nhất trong các bệnh nhân, chẳng hạn như người già và những ai bị tật nguyền, những ai sống ngoài lề xã hội, hay những ai yếu bệnh nguy tử, cũng như đối với các bệnh nhân nghiện ngập và những thứ bệnh truyền nhiễm".

Khẩu hiệu "ngồi vào chỗ cuối" (Lc 14,10), là một chọn lựa ngược lại tinh thần thế gian, và biến các chị em Nữ tỳ trở thành những người đang lội ngược dòng, trong một bối cảnh xã hội mà ai ai cũng chạy đua trên con đường tìm kiếm địa vị, chức quyền, danh vọng, hưởng thụ ích kỷ. Tuy nhiên, lội ngược dòng tức là đang đi lên cao hơn, vì dòng nước có khuynh hướng chảy xuống và sẽ cuốn trôi theo nó những ai sống cuộc đời dễ dãi buông thả. Như vậy, lội ngược dòng cũng có nghĩa là phải cố gắng liên tục, phải không ngừng tiến lên, không thể dừng lại giữa dòng. Lội ngược dòng cũng là một hành trình trở về nguồn cội của mình, như những chú cá hồi hằng năm bằng mọi giá phải lội ngược dòng để trở về nơi mình đã sinh ra và tại đó chúng lại sinh ra những đàn cá con mới. Để có thể lội ngược dòng, người ta phải liên kết với nhau, nâng đỡ nhau, tiếp sức cho nhau.

Các chị em của chúng ta hôm nay đang liên kết với nhau trong lời khấn dòng để cùng nhau tiến lên trong ơn gọi thánh hiến và truyền giáo, để trở thành những đứa con thánh thiện của Thiên Chúa và những tông đồ nhiệt thành đối với mọi người bằng con đường yêu thương phục vụ. Chúng ta hãy hiệp ý cầu nguyện cho các chị em được luôn trung thành với lời cam kết hôm nay cho đến mãi ngày sau.

Tác giả bài viết: Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi

 Tags: khấn dòng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập156
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm128
  • Hôm nay27,427
  • Tháng hiện tại642,980
  • Tổng lượt truy cập28,958,349

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây